Đọc báo Pháp – 12/09/2020
Tập Cận Bình thao túng đảng, tự biến mình thành kẻ thù của cả thế giới – Thụy My
Bà Thái Hà (Cai Xia), cựu giảng viên Trường Đảng trung ương: «Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã trở thành một xác sống chính trị (…). Tập Cận Bình đã chứng tỏ chỉ một mình ông ta có thể giết chết một đảng và cả một đất nước».
Le Point tuần này bực tức trước tình trạng bạo lực tại Pháp, đặt câu hỏi « Quyền lực Nhà nước ở đâu ? » trong các lãnh vực tư pháp, cảnh sát, giáo dục… L’Express chú ý đến « Những ông vua của thế giới », đó là các tập đoàn công nghệ số GAFA. L’Obs dành chủ đề cho « Thế hệ Covid » – phải chăng đó là một thế hệ trẻ bị hy sinh ? Riêng Courrier International chạy hàng tựa lớn « Tập Cận Bình khóa chặt Trung Quốc » trên nền đỏ chói, với hình vẽ ông Tập quay lưng đá giò lái vào logo búa liềm.
Ở trang trong với hai màu đen và đỏ, cũng khuôn mặt Tập Cận Bình, phía sau là hàng quân đang vác súng, Courrier International tố cáo : đàn áp Tân Cương, áp đặt luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông, đe dọa Đài Loan, bỏ tù bất kỳ tiếng nói phản biện nào trên toàn Trung Quốc… Mức độ đàn áp của ông Tập lên cao chưa từng thấy, tại một đất nước vốn đã độc tài, với sự lên ngôi của những kẻ chủ trương cứng rắn.
« Trung Hoa mộng » không dành cho các dân tộc thiểu số
Đặng Tiểu Bình đề ra nguyên tắc « nhất quốc, lưỡng chế » năm 1984, nhưng chỉ áp dụng được cho Hồng Kông từ năm 1997, còn Đài Loan bác bỏ. Đặng tin rằng hai lãnh thổ này sẽ gắn bó với Hoa lục nhờ dòng máu Hán tộc. Tuy nhiên sau hai thập niên, hơn phân nửa dân số Hồng Kông không coi mình là người Trung Quốc, và ba phần tư người Đài Loan cũng thế.
Đọc thêm: Vừa Hán hóa vừa thực dân, ‘giấc mộng Trung Hoa’ sẽ chỉ là giấc mộng ?
Theo nhà sử học James Milward, những quyền được đảng Cộng Sản Trung Quốc dành cho các dân tộc thiểu số sau 1949 nhằm « lãnh đạo một đế quốc nhưng không có vẻ như đô hộ ». Tuy nhiên giảng viên đại học Mã Nhung (Ma Rong) cho rằng nếu « chính trị hóa » tư cách các dân tộc thiểu số dễ dẫn đến ly khai. Một số trí thức như Hồ An Cương (Hu Angang), Hồ Liên Hiệp (Hu Lianhe) thậm chí còn đòi đồng hóa hẳn với người Hán.
Rất có thể những ý tưởng dân tộc chủ nghĩa này đã làm nảy sinh chủ trương đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, Kazakhstan và các sắc tộc khác ở Tân Cương, nhằm xóa bỏ tín ngưỡng, phong tục và ngôn ngữ của họ. Một triệu người bị tống vào trại cải tạo, nửa triệu trẻ em bị tách rời khỏi gia đình ; và trong một chiến dịch cuối năm 2017, một triệu đảng viên được phân công sống chung trong các gia đình Duy Ngô Nhĩ để tỏ tình « đoàn kết ». Gần đây là chiến dịch triệt sản người Hồi giáo, công nghệ giám sát phổ biến ở Tân Cương và Tây Tạng. Tất cả diễn ra từ khi Tập Cận Bình lên ngôi, mơ một « Giấc mộng Trung Hoa ».
« Một mình Tập Cận Bình có thể giết chết một đảng và một đất nước »
Trong bài trả lời phỏng vấn The Guardian được Courrier International dịch lại, bà Thái Hà (Cai Xia), giáo sư Trường Đảng trung ương đã bị khai trừ đảng và nay sống lưu vong, vẽ ra một toàn cảnh đáng lo ngại sẽ mang lại những hậu quả trầm trọng về chính trị, thậm chí địa chính trị, khi quyền lực chỉ tập trung trong tay nhân vật số 1 Trung Quốc.
Đọc thêm: Ra tay thanh trừng, Tập Cận Bình siết chặt gọng kềm tại Trung Quốc
Về việc hủy bỏ quy định trong Hiến Pháp làm chủ tịch nước không quá hai nhiệm kỳ, theo bà Thái Hà, ông Tập buộc Quốc Hội phải « nuốt lấy sự cải cách thô bạo này như những con chó ». Tập Cận Bình đã soạn thảo ra và buộc mọi người phải chấp nhận. Không ai dám phản đối sự thụt lùi này, cho thấy « đảng Cộng Sản Trung Quốc đã trở thành một xác sống chính trị », không có cách nào sửa chữa những sai lầm. « Tập Cận Bình đã chứng tỏ chỉ một mình ông ta có thể giết chết một đảng và cả một đất nước ».
Ông Tập tự biến mình thành kẻ thù của cả thế giới. Trước những xung đột trong nội bộ, Tập Cận Bình muốn lái dư luận sang hướng khác qua việc gây sự với các nước, thúc đẩy tinh thần chống Mỹ, gây sự với Ấn Độ… Do chỉ một mình ông quyết định những việc lớn từ đối nội đến đối ngoại, rất dễ phán đoán nhầm lẫn, không ai dám nói trái lại hoặc báo cáo tình hình thực tế. Về đại dịch corona, bà Thái Hà cho biết Tập Cận Bình không có được những thông tin trung thực, cho đến ngày 07/01 khi ông tuyên bố bắt tay vào việc. Nhưng tại sao phải đợi đến 20/01 mới công bố dịch bệnh ?
Khi không còn tường lửa, tự do ngôn luận sẽ đánh đổ toàn trị
Trả lời câu hỏi vì sao đảng Cộng Sản không thể kìm được ông Tập, bà Thái Hà cho rằng do nhiều quan chức tham nhũng nên không dám lên tiếng, còn những ai không tham nhũng cũng rất dễ dàng bị quy chụp. Điều lệ được thông qua năm 2016 cũng không cho phép đảng viên nói trái lại đường hướng của đảng. Theo bà, có đến 70% đảng viên nghĩ rằng cần phải cải cách, tỉ lệ này còn lớn hơn nữa trong số các quan chức đảng.
Nắm quyền từ năm 1949, đảng Cộng Sản Trung Quốc đã phạm phải nhiều sai lầm và tội ác : gần 40 triệu người chết đói từ 1959-1961, phong trào chống hữu khuynh năm 1957 và Cách mạng văn hóa đã làm tổn hại cho giới trí thức, quân đội xả súng vào sinh viên biểu tình Thiên An Môn năm 1989… Trung Quốc cần phải tiến đến dân chủ, tự do chính trị, Nhà nước pháp trị và thượng tôn Hiến Pháp.
Đọc thêm: Hứa Chương Nhuận, một trong những tiếng nói cuối chống Tập Cận Bình
Hiện giờ thì xã hội dân sự bị Tập Cận Bình tiêu diệt : mỗi ngày đều có những nhóm thảo luận WeChat bị đóng, đảng lấy cớ dịch bệnh để tăng cường giám sát. Theo cựu giảng viên Trường Đảng, việc đầu tiên cần thực hiện là xô ngã Vạn Lý Hỏa Thành, chấm dứt phong tỏa thông tin. Một khi người dân biết được sự thật, thì không gì có thể ngăn chận được, tự do ngôn luận sẽ đánh đổ toàn trị. Bên cạnh đó, nếu mỗi người hành động như một con người tự do chứ không phải nô lệ, thì thay đổi sẽ đến nhanh hơn.
Courrier International cũng cho biết đã băn khoăn khi chọn chủ đề chính cho số báo tuần này : Trung Quốc hay Belarus, hai đề tài thời sự chiếm trang nhất từ nhiều tuần qua, và rốt cuộc đã đưa hai hồ sơ cùng một lúc. Hai quốc gia toàn trị với những tiếng nói phản kháng như Thái Hà của Trung Quốc, và Serguei Dylevski của Belarus – một công nhân đấu tranh đã bị bắt, ba ngày sau khi trả lời một tờ báo.
Belarus : Một nền kinh tế không hiện hữu
Trong bài phỏng vấn đăng trên Novaia Gazeta được Courrier International trích dịch, anh công nhân 30 tuổi Serguei Dylevski cho biết chưa bao giờ thấy một phong trào phản kháng đoàn kết như thế. Làm việc cho một công ty quốc doanh sản xuất xe máy cày, anh tình cờ trở thành người đứng đầu ủy ban đình công của nhà máy và quyết tâm đi đến cùng. Anh nói : « Chúng tôi sống trong thế kỷ 21, ở trung tâm châu Âu, mà các nhà lãnh đạo vẫn ra lệnh tra tấn, đánh đập người dân », là không thể chấp nhận được.
Trên lãnh vực kinh tế, Courrier International dịch một bài báo khác trên tờ Moskovski Komsomolets xuất bản ở Matxcơva, mang tựa đề « Một nền kinh tế không hiện hữu » : Lạc hậu, chính quyền kiểm soát tuyệt đối tất cả mọi hoạt động, độc quyền được dành cho phe nhóm của tổng thống Loukachenko.
Trong sáu tháng đầu năm 2020, GDP đã sụt 1,7%, đồng tiền của Belarus giảm giá 19% so với đô la. Theo chuyên gia Dimitri Potapenko, thật ra Belarus không có một nền kinh tế thực sự, vì hoàn toàn sống dựa vào dầu khí Nga. Đổi lại, Belarus bán rất nhiều sữa và thịt cho Matxcơva, và những sản phẩm công nghiệp chẳng còn ai muốn xài như xe tải MAZ, xe máy cày, máy công cụ. Thâm hụt mậu dịch hàng năm khoảng 6-7 tỉ đô la, vì đa số hàng hóa đều nhập từ Nga.
Ông Loukachenko trông cậy vào đủ loại viện trợ có được nhờ một dự án hội nhập kinh tế với Nga ký năm 1999. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong thập niên qua Minsk được viện trợ 10 tỉ đô la một năm. Nợ công của Belarus là 17 tỉ đô la, tương đương 30% GDP, trong đó Nga là chủ nợ lớn nhất. Các doanh nghiệp do nhà nước kiểm soát chiếm đến 70% việc làm, khái niệm tư nhân hóa thậm chí còn không hiện hữu vì phe nhóm Loukachenko chiếm trọn các chức vụ chủ chốt trong nền kinh tế.
Belarus bị biến thành một đại tập đoàn quốc doanh, mà đại gia đứng đầu là tổng thống. Loukachenko sở hữu đến 17 dinh tổng thống, có đội máy bay riêng, các biệt thự ở nước ngoài và nhiều tỉ đô la gởi tại các ngân hàng ngoại quốc. Ngược lại người dân sống vất vưởng, phải nuôi thêm gia súc, gia cầm và trồng khoai tây trong vườn nhà để tồn tại. Trong điều kiện đó, chẳng ai ở phương Tây muốn đầu tư hay cung cấp công nghệ cho Belarus. Giáo sư Alexei Zoubets của trường đại học tài chính Nga cho rằng trong trường hợp Minsk và Matxcơva cắt đứt quan hệ, nền kinh tế Belarus sẽ tan rã trong vòng không đầy sáu tháng.
Putin sẽ cứu Loukachenko hay không ?
« Liệu ông Putin có cứu Loukachenko hay không ? » The Economist đặt câu hỏi. Tuần báo Anh cho rằng để đổi lấy sự hỗ trợ của Nga, nhà độc tài đang chuẩn bị bán nước.
Theo The Economist, Liên Hiệp Châu Âu (EU) cần phải có phản ứng mạnh mẽ hơn, bằng một tiếng nói thống nhất. Thay vì gởi quân can thiệp, Vladimir Putin muốn Belarus hội nhập thật sâu vào Nga, Loukachenko trao cho Nga quyền kiểm soát quốc phòng, an ninh nội chính và một số cơ sở kinh tế quan trọng. Đổi lại, một ngày nào đó Loukachenko sẽ được trao cho một chức vụ mang tính danh dự ở Matxcơva. Tóm lại, Nga muốn một sự sáp nhập êm dịu.
Người Belarus đã tỉnh thức, không muốn quy phục Matxcơva, họ xứng đáng được ủng hộ. EU cần phải trừng phạt cá nhân Loukachenko và những người thân cận, tuyên bố mọi thỏa thuận giữa Nga với ông ta là vô hiệu. Không ai nên nhìn nhận một hiệp ước khả nghi ký bởi một kẻ chuyên quyền đang tuyệt vọng, bán nước để cứu lấy bản thân mình.
Những thành công của Donald Trump cần nhìn nhận
Nhìn sang nước Mỹ, bài xã luận của Le Point kể ra một loạt những thành công cần ghi nhận nơi tổng thống Donald Trump.
Thoạt nhìn thì ông Trump, 74 tuổi, có vẻ đang thất thế. Cho dù điểm tín nhiệm đã lên lại trong một số thăm dò, vẫn có thể nghĩ Donald Trump sẽ không tái đắc cử. Dù thành công trong việc thúc đẩy nền kinh tế Mỹ, ông đã sai trong một số lãnh vực nhất là sinh thái. Còn Joseph (Joe) Biden, được cho là sẽ trở thành tổng thống ở tuổi 78, hy vọng ông còn đủ sức lực để chống đỡ với chính phe ông, và duy trì một số thành tựu của Donald Trump nhất là về quốc tế, vì điều này là sự thật.
Tác giả Franz-Olivier Giesbert trước hết tự nhận sai khi cách đây bốn năm đã tố cáo ông Trump siêu bảo hộ. Khi thương lượng lại các hiệp ước, tổng thống Mỹ chỉ muốn chấm dứt tình trạng ngây thơ của phương Tây trong quan hệ thương mại bất bình đẳng với Trung Quốc. Trong khi đó Liên Hiệp Châu Âu nhân danh tự do trao đổi thường phải chịu thiệt thòi trước Bắc Kinh. Chẳng hạn thâm hụt thương mại của Pháp với Trung Quốc hàng năm đều tăng lên, đến năm 2019 đạt mức kỷ lục 30 tỉ euro. Không thể có tự do trao đổi chỉ một chiều !
Về Iran cũng vậy, từ thập niên 70 quốc gia này nằm trong tay giới mafia của những giáo chủ Hồi giáo tội phạm, lọc lừa, có thể gây hấn bất cứ lúc nào. Ví dụ như năm 2019 Teheran tấn công các tàu dầu ở biển Oman, oanh kích các cơ sở dầu lửa của Ả Rập Xê Út. Iran chỉ tỏ ra biết điều sau khi tổng thống Mỹ cho trừ khử tướng Qassem Soleimani, người tổ chức nhiều vụ tấn công phá rối của các lực lượng dân quân.
Tại vùng Cận Đông, Donald Trump đã dám vượt qua điều cấm kỵ xưa nay là đặt trụ sở đại sứ quán Mỹ ở Jerusalem, bên cạnh đó ông còn đưa Israel ra khỏi thế cô lập. Giới lobby chống Do Thái lâu nay vẫn dọa quyết định này sẽ làm nổ tung thùng thuốc súng khu vực, thậm chí đại chiến thế giới, nhưng rốt cuộc chẳng có chuyện gì xảy ra.
Bầu cử Mỹ : Thăm dò vẫn có thể tiếp tục sai lạc
Cũng về bầu cử tổng thống Mỹ, L’Express giải thích « Vì sao các cuộc thăm dò (vẫn) có thể sai lạc ». Khó thể dự báo được chính xác kết quả cuộc song đấu Trump-Biden, vì những rắc rối của hệ thống bầu cử và vì virus corona.
Một số người gọi đây là « sự kiện 11 tháng Chín của các viện thăm dò ». Đã hẳn năm 2016 các cơ quan này đã đúng khi dự báo về số phiếu của bà Hillary Clinton : hơn đối thủ gần ba triệu phiếu. Nhưng không ai đoán được chiến thắng của ông Donald Trump, đắc cử nhờ số lượng đại cử tri. Kỳ này dự báo lại càng khó khăn hơn so với cách đây bốn năm.
Chuyên gia Scott Keeter của Pew Research Center cảnh báo : « Ngay trong đại dịch, với các phong trào xã hội chưa từng thấy và mối đe dọa can thiệp từ bên ngoài, cuộc bầu cử này là phức tạp nhất trong lịch sử. Chúng ta biết được ý định bầu cử, nhưng số tham gia thì không, trong khi hố sâu luôn rất lớn giữa những người có định đi bầu và số người thực sự bỏ phiếu ».
Có bao nhiêu người Mỹ sợ đến phòng phiếu vì virus ? Bưu điện có quản nổi hàng triệu lá phiếu gởi qua thư, sẽ nhiều hơn thường lệ ? Những người trẻ phải về sống chung với cha mẹ có biết đi bầu ở đâu ? Thêm vào các ẩn số trên còn có hiện tượng « Shy Trump voters » – những cử tri không muốn nói thật với các cơ quan thăm dò. Hồi 2016, những cử tri vô hình này đã làm thay đổi kết quả vào phút chót, và gây ngạc nhiên cho toàn thế giới.
Các viện thăm dò còn lo ngại « sự ngạc nhiên của tháng 10 », có nghĩa là các sự kiện bất ngờ làm đảo lộn cuộc đua vào phút chót. Năm 2016, FBI đã mở điều tra bà Clinton chỉ 10 ngày trước thời điểm bầu cử. Năm 2020 này vốn đã rất nhiều sự kiện không ai ngờ được, điều gì sẽ còn xảy đến ? Vac-xin chống Covid, chiến tranh với Iran hay một ứng cử viên có vấn đề về sức khỏe ? Người ta tha hồ mà cá cược.
Tin tổng hợp
(AFP) – Đến lượt Trung Quốc hạn chế các hoạt động của nhân viên ngoại giao Mỹ.
Ngày 11/09/2020, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên thông báo « nhân danh nguyên tắc đối đẳng », Bắc Kinh sẽ hạn chế một số hoạt động của các tòa đại sứ và lãnh sự Mỹ, của nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ tại Hoa Lục và Hồng Kông. Quyết định này nhằm đáp trả việc chính quyền Trump gần đây yêu cầu nhân viên ngoại giao Trung Quốc phải xin phép khi tham gia các sinh hoạt ở bên ngoài khuôn viên các cơ quan ngoại giao của Trung Quốc trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Tuy nhiên quan chức này không đi sâu vào chi tiết về các biện pháp đáp trả từ phía Bắc Kinh. Giới quan sát nhận định từ sau vụ đóng cửa văn phòng lãnh sự Trung Quốc ở Houston và Thành Đô, ngoại giao tiếp tục là mặt trận để Mỹ và Trung Quốc đọ sức với nhau.
(AFP) – Bầu cử Mỹ: Trung Quốc phủ nhận việc dùng tin tặc sau tố cáo của Microsoft.
Bắc Kinh hôm 11/09/2020 đã lên tiếng phủ nhận hành vi dùng tin tặc xen vào cuộc vận động bầu cử tổng thống Mỹ 03/11 sắp tới. Theo Bắc Kinh, lời tố cáo của Microsoft hoàn toàn dàn dựng và bịa đặt. Ngày 10/09, Microsoft tiết lộ đã khám phá những cuộc tấn công tin tặc từ Nga và Trung Quốc trong những tuần lễ qua, nhắm vào nhân sự phụ trách chiến dịch vận động tranh cử của cả ông Donald Trump lẫn đối thủ Joe Biden.
(Reuters) – Trung Quốc trao trả 5 quân nhân Ấn Độ cho New Delhi.
Quân Đội Ấn Độ ngày 12/09/2020 cho biết phía Trung Quốc vừa trao trả 5 quân nhân bị giữ ở vùng biên giới Tây Tạng. Năm người lính này hiện đã được lệnh cách ly trong 14 ngày đề phòng nhiễm Covid-19. Giới quan sát coi đây là một cử chỉ hòa hoãn sau khi bộ trưởng Quốc Phòng Ấn -Trung đồng ý giảm thiểu căng thẳng tại đường biên giới trên bộ giữa hai nước.
(RFI) – Pháp được công nhận là đối tác phát triển của ASEAN.
Bộ Ngoại Giao Pháp ngày 11/09/2020 thông báo nhân cuộc họp hai ngày trước đó với lãnh đạo ngoại giao 10 nước ASEAN, khối Đông Nam Á thông qua quyết định nói trên. Với quy chế đối tác phát triển của ASEAN, Pháp đóng góp nhiều hơn trong các lĩnh vực « phát triển, an ninh và hòa bình của khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương ».
(AFP) – Tổ chức khủng bố Al Qaida lại dọa tấn công tòa soạn tờ báo trào phúng Pháp Charlie Hebdo.
Vào lúc Pháp đang mở phiên tòa xử 14 nghi can tòng phạm 3 vụ khủng bố diễn ra hồi tháng Giêng năm 2015, nhắm vào một trong các mục tiêu là tòa soạn báo Charlie Hebdo, hôm 11/09/2020, Al Qaida trên trang mạng ca ngợi hành động « anh hùng » của hai anh em nhà Kouachi. Vụ xả súng hôm 07/01/2015 đã cướp đi sinh mạng của 11 nhân viên tòa báo Charlie Hebdo và một nhân viên cánh sát. Cũng trang mạng này đe dọa Charlie Hebdo để trả thù việc tờ báo trào phúng Pháp hôm 02/09/2020 cho đăng lại 12 bức biếm họa nhà tiên tri Mahommet. 14 nghi can đang bị xử về tội đồng lõa với quân khủng bố giúp hai anh em nhà Kaouchi và một tên khủng bố thứ ba là Coulibaly sát hại tổng cộng 17 người tại Paris và Montrouge trong ba ngày từ 07 đến 09/01/2015.
(AFP ) – Anh Quốc và Nhật Bản đạt thỏa thuận tự do mậu dịch.
Luân Đôn ngày 11/09/2020 thông báo đạt được một thỏa thuận mậu dịch quan trọng đầu tiên kể từ khi ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Thủ tướng Boris Johnson qua mạng xã hội Twitter đánh giá « nước Anh làm chủ lại chính sách thương mại và sẽ tiếp tục thịnh vượng ở ngoài Liên Âu ». Văn bản nói trên bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021, cho phép xóa bỏ các hàng rào quan thuế đánh vào 99 % xuất khẩu của Anh sang Nhật Bản. Luân Đôn kỳ vọng từ nay đến cuối năm cũng đạt được một thỏa thuận về mậu dịch với Hoa Kỳ và nhất là với các thành viên trong Liên Âu. Điều trớ trêu là Luân Đôn và Tokyo thông báo đạt được thỏa thuận về mậu dịch vào lúc đàm phán thương mại giữa Anh Quốc với Liên Âu cho giai đoạn hậu Brexit hoàn toàn lâm vào bế tắc.
(AFP) – Tổng thống Belarus hội kiến đồng nhiệm Nga.
Điện Kremlin thông báo ông Alexandre Loukachenko sang Nga vào ngày 14/09/2020 và sẽ được tổng thống Vladimir Putin tiếp tại thành phố biển Sotchi. Đôi bên cùng « thảo luận về tiến trình hội nhập » giữa Matxcơva và Minsk, đẩy mạnh quan hệ « chính trị, kinh tế và quân sự ». Đây là chuyến xuất ngoại đầu tiên ông Loukachenko kể từ khi khủng hoảng chính trị tại Belarus dấy lên từ đầu tháng 8/2020.
(Reuters) – Trung Đông: Tổng thống Mỹ loan báo một « hiệp ước hòa bình » giữa Bahreïn và Israël.
Trong một tin nhắn Twitter ngày 11/09/2020 ông Donald Trump thông báo là Bahreïn và Israël sẽ bình thường hóa bang giao sau khi « đã đúc kết một hiệp ước hòa bình ». Trong một thông cáo chung, lãnh đạo hai quốc gia kể trên và ông Trump khẳng định đó là « một giai đoạn lịch sử hướng về hòa bình ở Trung Đông. Việc mở đối thoại trực tiếp giữa hai xã hội năng động và kinh tế phát triển cho phép tăng cường ổn định, an ninh và thịnh vượng trong vùng. »
(AFP) – Liên hoan phim quốc tế Venise chuẩn bị hạ màn.
Đêm 12/09/2020 ban giám khảo dưới sự chủ trì của Cate Blanchette công bố bảng vàng cho 18 tác phẩm tranh giải Sư Tử Vàng. Năm 2019, phim Joker của Todd Philipps đã đoạt được phần thưởng cao quý nhất của festival Venise. Lễ trao giải năm 2020 diễn ra trong bối cảnh toàn bộ nền điện ảnh thế giới đang bị virus corona quật ngã. Giới phê bình đánh giá cao phim tài liệu « Notturno ». Đạo diễn Gianfranco Rosi đưa khán giả đến với cuộc sống hàng ngày của những con người phải vật lộn với cuộc chiến giữa Syria, Irak, Kurdistan và Liban.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200912-tin-tong-hop-tin-van
Điểm tin thế giới sáng 12/9:
Trung Quốc áp đặt hạn chế đối với các nhà
ngoại giao Mỹ; Trung Quốc thà để TikTok Mỹ
đóng cửa hơn là bị ép bán
Quý Khải
Sáng nay, thứ Bảy (12/9), mục Điểm tin thế giới của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Trung Quốc áp đặt hạn chế đối với các nhà ngoại giao Mỹ
Trung Quốc hôm thứ Sáu (11/9) cho biết đã áp đặt các hạn chế đối với nhân viên Đại sứ quán và Lãnh sự quán Mỹ ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông, nhằm đáp trả các biện pháp của Hoa Kỳ hồi đầu tháng, theo Reuters.
Tuy nhiên phía Trung Quốc không nêu rõ các biện pháp mà nó mô tả là đáp trả có đi có lại.
Tuần trước, Washington cho biết họ sẽ yêu cầu các nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc phải được Bộ Ngoại giao Mỹ phê duyệt trước khi có thể đến thăm các trường đại học hoặc tổ chức các sự kiện văn hóa với hơn 50 người. Động thái này của Mỹ là phản ứng trước những hạn chế của Trung Quốc đối với các nhà ngoại giao Mỹ tại đại lục.
Trung Quốc thà để TikTok Mỹ đóng cửa hơn là bị ép bán
Bắc Kinh phản đối việc ép bán các hoạt động kinh doanh của TikTok tại Hoa Kỳ, và sẽ thiên về lựa chọn đóng cửa ứng dụng video ngắn này hơn, ba người trong cuộc chia sẻ với Reuters hôm thứ Sáu.
ByteDance – chủ sở hữu TikTok – đã đàm phán để bán mảng kinh doanh của ứng dụng này tại Hoa Kỳ cho những người mua tiềm năng bao gồm Microsoft và Oracle kể từ khi Tổng thống Trump đe dọa cấm ứng dụng này hồi tháng trước.
Ông Trump đã cho ByteDance hạn chót là 15/9 để hoàn tất thỏa thuận.
Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc tin rằng việc buộc phải bán sẽ khiến cả ByteDance và Trung Quốc tỏ ra yếu thế trước sức ép từ Washington, các nguồn tin giấu tên cho hay.
Bahrain nối gót UAE bình thường hóa quan hệ với Israel
Nối gót Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất UAE, Bahrain đã đồng ý bình thường hóa quan hệ với Israel hôm thứ Sáu, một động thái được thúc đẩy một phần từ nỗi sợ hãi chung với Iran, theo Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đăng thông báo trên Twitter cá nhân sau khi có cuộc hội đàm với Quốc vương Bahrain Hamad bin Isa Al Khalifa và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, theo Nhà Trắng.
“Đây thực sự là một ngày mang tính lịch sử”, ông Trump nói với các phóng viên tại Phòng Bầu dục. Ông tin rằng các quốc gia khác sẽ nối tiếp theo sau.
“Mở kênh đối thoại trực tiếp và mở cửa quan hệ giữa hai xã hội năng động và hai nền kinh tế tiên tiến này sẽ tiếp tục mang đến các biến chuyển tích cực ở Trung Đông, góp phần tăng cường ổn định, an ninh và thịnh vượng trong khu vực”, Hoa Kỳ, Bahrain và Israel cho biết trong một tuyên bố chung.(chi tiết)
Ngoại trưởng Mỹ đến Doha khởi động đàm phán hòa bình Afghanistan
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã hạ cánh xuống Doha (thủ đô Qatar) hôm thứ Sáu, trước thềm các cuộc đàm phán hòa bình Afghanistan “lịch sử” được chờ đợi từ lâu dự kiến bắt đầu ngày hôm nay, theo Reuters.
Chính quyền Trump đã cố gắng thúc đẩy Taliban và chính phủ Afghanistan ngồi vào bàn đàm phán, từ đó mở đường cho Mỹ rút khỏi cuộc chiến dai dẳng nhất của mình và trao cho Tổng thống Trump một thành tựu đối ngoại quan trọng khác trước ngày bầu cử.
EU quyết tâm áp lệnh trừng phạt quan chức Belarus
Với nỗ lực ủng hộ các cuộc biểu tình dân chủ chống lại 26 năm cai trị của Tổng thống Belarus độc tài Alexander Lukashenko, các bộ trưởng EU đang xem xét các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức cấp cao Belarus sau cuộc bầu cử gian lận ngày 9/8, theo Reuters.
“EU nhắc lại quyết tâm áp lệnh trừng phạt đối với các cá nhân chịu trách nhiệm cho tình trạng bạo lực, trấn áp các cuộc biểu tình ôn hòa và làm sai lệch kết quả bầu cử”, Ngoại trưởng EU Josep Borrell cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu.
Ông Borrell nói EU cũng sẽ áp đặt “thêm các biện pháp hạn chế bổ sung” nếu cần.
Điểm tin thế giới chiều 12/9:
Các nhà lập pháp Mỹ chất vấn Disney
về phim ‘Hoa Mộc Lan’
Quý Khải
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Bảy (12/9) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Các nhà lập pháp Mỹ chất vấn Disney về phim ‘Hoa Mộc Lan’
Một nhóm nhà lập pháp lưỡng đảng Mỹ đã thúc giục Giám đốc điều hành Walt Disney, ông Bob Chapek, giải thích mối quan hệ của tập đoàn giải trí và truyền thông này với các cơ quan “an ninh và tuyên truyền” tại khu vực Tân Cương (Trung Quốc) trong quá trình sản xuất bộ phim sử thi chiến tranh “Hoa Mộc Lan”, theo Reuters.
Bản làm lại bộ phim hoạt hình kinh điển về một nữ chiến binh cổ đại nổi tiếng ở Trung Quốc với mức vốn đầu tư lên đến 200 triệu USD của Disney đã gây tranh cãi vì được bấm máy một phần tại khu vực Tân Cương, nơi cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác của Bắc Kinh đang bị nhiều chính phủ, bao gồm Mỹ và các tổ chức nhân quyền lên án.
“Sự hợp tác rõ ràng giữa Disney với các quan chức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, những người chịu trách nhiệm hàng đầu trong việc tiến hành các hành vi tàn bạo – và việc che đậy những tội ác đó – là điều vô cùng đáng lo ngại”, các thượng nghị sĩ và đại diện Đảng Cộng hòa viết trong lá thư hôm thứ Sáu (11/9).
Bức thư thúc giục Disney đưa ra lời giải thích chi tiết cho vấn đề này.
Gia đình các nhà hoạt động Hồng Kông bị bắt yêu cầu phóng thích thân nhân khỏi trại giam Trung Quốc
Một nhóm các gia đình Hồng Kông hôm nay đã yêu cầu phóng thích ngay lập tức thân nhân là các nhà hoạt động dân chủ bị chính quyền Trung Quốc bắt giam hồi tháng trước khi cố gắng chạy đến Đài Loan bằng thuyền, theo Reuters.
Thân nhân của 6 trong số 12 nhà hoạt động bị giam giữ đã đeo khẩu trang và đội mũ để che giấu danh tính khi họ lần đầu công khai kêu gọi sự giúp đỡ đối với hoàn cảnh của họ. Đi cùng họ là một số chính trị gia ủng hộ dân chủ tại địa phương.
Một số người đã khóc nức nở khi đưa ra một số yêu cầu, bao gồm việc cho phép những người bị giam giữ tham vấn luật sư do gia đình chỉ định chứ không phải do chính phủ Trung Quốc chỉ định, và phải được phép liên lạc với người thân của họ ở Hồng Kông.
Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm thứ Sáu cho biết Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc về việc chính quyền Trung Quốc bắt giữ 12 nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông.
Ứng viên thủ tướng Nhật tiềm năng muốn thắt chặt kênh liên lạc với láng giềng châu Á
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, ứng viên được nhiều người kỳ vọng sẽ kế nhiệm ông Shinzo Abe làm tân thủ tướng, hôm nay cho biết ông muốn thúc đẩy các mối liên hệ ngoại giao vững chắc với các nước láng giềng châu Á, bao gồm Trung Quốc và Hàn Quốc, theo Reuters.
Ông Suga đã đưa ra bình luận trên trong một cuộc tranh luận trên truyền hình với các ứng viên đối thủ cho cuộc bầu cử vị trí lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền hôm thứ Hai (7/9) để thay thế ông Abe làm người đứng đầu đảng. Người chiến thắng hầu như chắc chắn sẽ trở thành thủ tướng do Đảng này chiếm đa số trong nghị viện Nhật.
Hồi tháng trước ông Abe đã từ chức vì sức khỏe kém.
Cuộc đàm phán hòa bình ở Afghanistan bắt đầu với đề xuất ngừng bắn
Các đại diện chính phủ Afghanistan và lực lượng nổi dậy Taliban đã tập hợp hôm nay cho cuộc đàm phán hòa bình lịch sử nhằm mục đích chấm dứt hai thập kỷ chiến tranh đã giết chết hàng chục nghìn binh sĩ và dân thường, theo Reuters.
Trước khi các bên tham chiến ngồi xuống để đàm phán mặt đối mặt trong những ngày tiếp theo, họ đã được nhiều quốc gia và tổ chức thúc giục đạt được một thỏa thuận ngừng bắn tức thì và xây dựng một thỏa thuận duy trì quyền lợi của phụ nữ.
Chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nỗ lực đặt dấu chấm hết cho cuộc xung đột dai dẳng nhất của nước Mỹ trong bối cảnh ông đang tìm kiếm một nhiệm kỳ tiếp theo, đã bày tỏ ý định sử dụng viện trợ làm đòn bẩy cho một thỏa thuận.
Lễ khai mạc cuộc đàm phán diễn ra một ngày sau lễ kỷ niệm 19 năm vụ tấn công 11/9 nhằm vào Mỹ khiến nước này can thiệp quân sự vào Afghanistan.
Iran hành quyết võ sĩ biểu tình đòi dân chủ thu hút sự chú ý quốc tế
Truyền hình nhà nước Iran đưa tin giới chức nước này đã hành quyết một đô vật với cáo buộc sát hại một người đàn ông sau khi Tổng thống Donald Trump yêu cầu tha mạng, theo AP.
Trường hợp của Afkari đã thu hút sự chú ý của một chiến dịch truyền thông xã hội miêu tả anh và những người anh em của anh là nạn nhân chính trị do tham gia biểu tình chống chế độ thần quyền người Shiite của Iran hồi năm 2018.
Iran đã phát sóng màn thú tội trên truyền hình của tay đô vật này vào tuần trước. Đoạn phim có sự tương đồng với hàng trăm lời thú tội cưỡng chế bị tính nghi khác được phát sóng trong thập kỷ qua tại quốc gia Cộng hòa Hồi giáo.
Trước đó, Tổng thống Trump đã bày tỏ mối quan ngại của ông về trường hợp của Afkari trên Twitter cá nhân.
“Gửi tới các nhà lãnh đạo của Iran, tôi sẽ đánh giá rất cao nếu các vị có thể tha mạng cho người thanh niên này và không xử tử anh ta”, ông Trump viết hồi tuần trước. “Cảm ơn các vị!”
Để ngỏ khả năng bầu cử trước kỳ hạn:
Hỏa mù của tổng thống Belarus?
Trọng Thành
Tổng thống Belarus lần đầu tuyên bố có thể bầu cử sớm, trong bối cảnh chính quyền tiếp tục trấn áp đối lập. Phim Hoa Mộc Lan quay tại vùng Tân Cương, Trung Quốc, nơi có các trại giam người Duy Ngô Nhĩ, bị tẩy chay. Cháy rừng chưa từng có ở California, bầu trời như ngày tận thế. Kênh đào Panama khô cạn, chính quyền bỏ 2 tỉ đô la để tiếp nước. Trên đây là chủ đề chính Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.
Tại Belarus, dân chúng liên tục phản kháng từ hơn một tháng nay, đòi hủy kết quả bầu cử tổng thống, bị lên án là ngụy tạo. Bế tắc chính trị. Tổng thống Loukachenko – cầm quyền với bàn tay sắt từ 26 năm nay – dường như đang tìm kiếm ngả thoát, ngoại trừ việc chấp nhận đàm phán với đối lập. Vụ bắt cóc táo tợn, hôm 07/09, cùng những đe dọa hung hãn nhắm vào bà Maria Kolesnikova, được coi là nhà đối lập tiêu biểu cuối cùng còn bám trụ ở Belarus, dường như cho thấy tổng thống Loukachenko vẫn hoàn toàn làm chủ tình thế.
Loukachenko : Quyền lực của tổng thống « quá lớn »
Tuy nhiên, bên cạnh vụ bắt cóc gây chấn động nói trên, cùng với hàng loạt vụ bắt giữ, đe dọa đối lập khác, trong tuần qua có một sự kiện đáng chú ý khác. Lần đầu tiên, tổng thống Loukachenko nêu khả năng bầu cử sớm. Trong cuộc trả lời phỏng vấn truyền thông Nga, ngày 08/09/2020 (phát ngày 09/09), tổng thống Belarus thừa nhận :
« Quyền lực của tổng thống hiện nay là quá lớn. Một số quyền cần được giao phó cho các tỉnh trưởng, cho Quốc Hội. Vì vậy, tôi thiên về giải pháp tổ chức bầu cử tổng thống trước kỳ hạn. Tôi không loại trừ một khả năng như vậy ! ».
Theo nhiều nhà quan sát, đây là lần đầu tiên nhà độc tài Belarus công khai đặt vấn đề xét lại quyền lực của chính bản thân ông. Trong cuộc trả lời phỏng vấn nói trên, tổng thống Loukachenko khẳng định, trước khi tổ chức bầu cử tổng thống sớm, cần cải tổ Hiến pháp. Phải chăng đây là bước lùi chiến thuật của tổng thống Belarus, một động tác tung hỏa mù ?
Đọc thêm : Belarus và Bielorussia: Vì sao hai quốc hiệu cho một quốc gia ?
Mỗi Chủ Nhật hàng tuần vẫn hơn 100.000 người xuống đường, đoàn kết dưới lá cờ Trắng Đỏ truyền thống của Belarus. Biểu tình vẫn tiếp diễn, trong lúc gần như toàn bộ các gương mặt tiêu biểu của đối lập đã bị chính quyền bắt giữ hoặc gây áp lực để buộc phải ra nước ngoài tị nạn. Trước áp lực của dân chúng, trong cuộc phỏng vấn nói trên, tổng thống Belarus nhấn mạnh ông « không sợ hãi » và báo trước là cả gia đình « sẽ không lẩn trốn ». Loukachenko một lần nữa giương lá bài đe dọa phương Tây, « nếu Belarus đổ, tiếp theo sẽ là Nga », để khẳng định lòng trung thành và tầm quan trọng của ông với điện Kremlin.
Loukachenko nổi tiếng khéo đi dây giữa Nga và phương Tây. Để chống lại áp lực đường phố, tổng thống Belarus quyết định ngả sang Nga, sau một giai đoạn xích gần với phương Tây và tỏ ra hết sức cảnh giác với Matxcơva. Cải tổ Hiến pháp là một đòi hỏi của đối lập, nhưng cũng chính là yêu cầu của điện Kremlin. Ngay từ ngày 23/08, ngoại trưởng Nga đã tuyên bố « cải tổ Hiến pháp là giải pháp bền vững cho khủng hoảng chính trị tại Belarus ». Vấn đề là cải tổ theo hướng nào, và ai sẽ lãnh đạo Belarus trong giai đoạn hậu cải tổ Hiến pháp ?
Trấn áp « đối lập thân Nga » để dễ mặc cả với Matxcơva ?
Trong bối cảnh ông Loukachenko tìm cách bám lấy tổng thống Nga Putin, và nhiều khả năng chính quyền Minsk sẽ chấp nhận những nhượng bộ lớn với Matxcơva để đổi lấy sự ủng hộ (kể cả việc hợp nhất với Nga, theo điều kiện của Matxcơva), vấn đề vai trò của đối lập thân Nga tại Belarus nổi lên hàng đầu.
Đọc thêm : Belarus: Đòn ngầm của Putin nhằm đánh quỵ Loukachenko
Nhà đối lập Maria Kolesnikova, người bị bắt cóc đầu tuần, chính là người lãnh đạo chương trình tranh cử của cựu ứng cử viên tổng thống Belarus, ông Viktor Babaryko. Ông Babaryko, bị bắt hồi tháng 6/2020, nguyên lãnh đạo một chi nhánh của tập đoàn khí đốt Nga Gazprom, được biết như « một doanh nhân thân cận với điện Kremlin ».
Chấp nhận cải tổ Hiến pháp theo đòi hỏi của Nga, cùng lúc để an ninh bắt cóc nhà đối lập thân Nga, tổng thống Belarus dường như đang tỏ ra vừa nhu, vừa cương với Matxcơva. Nhân nhượng Nga, nhưng bịt miệng đối lập thân Nga để bám trụ, để trở thành người duy nhất lãnh đạo Belarus, mà điện Kremlin có thể chấp nhận. Tuy nhiên, vụ bắt cóc nhà đối lập Kolesnikova, và nỗ lực đẩy bà sang Ukraina không thành, đã một lần nữa phơi bày thái độ hèn yếu, sự cô lập và tình trạng bế tắc của chính quyền Loukachenko.
Vấn đề là : trong cuộc mặc cả sắp tới, điện Kremlin có chấp nhận một lãnh đạo như vậy ? Và nếu điện Kremlin chấp nhận nhà độc tài Loukachenko, nhưng dân chúng không chấp nhận, tương lai Belarus sẽ ra sao ?
Tẩy chay « Hoa Mộc Lan », biểu tượng của điện ảnh thần phục Bắc Kinh
Đầu tháng 9/2020, bộ phim Hoa Mộc Lan (Mulan), do Disney sản xuất, ngay khi phát hành trên mạng đã gây ra một làn sóng tẩy chay. Phong trào tẩy chay « Hoa Mộc Lan » đặc biệt thu hút các nhà tranh đấu Hồng Kông, Đài Loan và Thái Lan, với hashtag #BoycottMulan. Lý do : các nhà tranh đấu vì nhân quyền phát hiện trong phim những lời cảm ơn mà hãng gửi đến công an, chính quyền ở Tân Cương, khu tự trị tây bắc Trung Quốc, nơi từ nhiều năm nay bị tố cáo giam giữ cả triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại giam trá hình là trại học nghề.
Từ nhiều năm nay giới nhân quyền, thường xuyên tố cáo việc chính quyền Trung Quốc đàn áp tàn bạo sắc dân thiểu số Duy Ngô Nhĩ, theo đạo Hồi, bằng đủ mọi hình thức khác nhau, từ giam giữ, tra tấn, lao động khổ sai, buộc theo các khóa học tẩy não, hay triệt sản đối với phụ nữ… Mục tiêu của Bắc Kinh là Hán hóa vùng đất quê hương của sắc tộc Duy Ngô Nhĩ.
Đọc thêm : Diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, Trung Quốc có nguy cơ ra tòa án quốc tế
Báo Washington Post tố cáo hãng phim Disney cảm ơn công an, cơ quan tuyên huấn ở Tân Cương, vốn nổi tiếng là « một trong những nơi xâm phạm nhân quyền tồi tệ nhất trên hành tinh ». Họa sĩ Trung Quốc Baduicao lưu vong, sống tại Melbourne, vẽ nhân vật Hoa Mộc Lan trong phim thành cai tù trong một trại cải tạo ở Tân Cương. Họa sĩ Baduicao tố cáo Disney giả dối, khi một mặt ủng hộ phong trào chống bất công xã hội ở phương Tây, như MeToo hay Black Lives Matter, trong lúc nhắm mắt trước những xâm phạm nghiêm trọng ở Trung Quốc. Tất cả chỉ vì thị trường béo bở hơn một tỉ dân. Và không chỉ hãng phim Disney làm điều này.
Hôm thứ Sáu 11/09, Hoa Mộc Lan ra rạp tại Trung Quốc, từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde gửi về bài phóng sự :
« Quý vị có thể mua đồ ăn và thức uống tại đây. Nhân viên của rạp kín đáo nói. Trên quầy hàng của rạp có nhiều gói phồng tôm. Rõ ràng là một số chủ rạp phim đã quyết định tỏ ra linh hoạt với các biện pháp phòng dịch. Khi vào rạp không phải kiểm tra nhiệt độ, cũng không có việc dành khoảng cách giữa các ghế ngồi tại tổ hợp giải trí này ở Bắc Kinh.
Tuy nhiên, toàn bộ khách trong rạp chỉ có 11 người. Nữ sinh viên Ju Wang nhận xét : ‘‘Đây là lần đầu tiên chúng tôi đến rạp kể từ 6 tháng nay. Tôi muốn xem cuộc đời của Hoa Mộc Lan, diễn viên Lưu Diệc Phi (Liu Yifei) quả là tuyệt vời’’. Sự có mặt của Củng Lợi (Gong Li) và Lưu Diệc Phi, hai diễn viên, hai nhân vật trong phim, cũng là điều kích thích các khán giả lứa tuổi 30 đến rạp. Một nữ khán giả bày tỏ : ‘‘Bộ phim này thật là hay, phim mang lại cho con gái chúng tôi nguồn sức mạnh’’.
Các cảnh chiến trận hùng tráng, với phông nền là những ngọn núi huyền thoại và đất cát khô cằn khu tự trị Tân Cương, đã được quay không xa các trại cải tạo giam giữ người Duy Ngô Nhĩ. Đây là điều mà những người lên án bộ phim cho biết.
Việc bộ phim gây phản ứng dữ dội ở nước ngoài khiến cơ quan kiểm duyệt Trung Quốc quyết định hạn chế việc quảng cáo trên truyền thông cho việc ra mắt bộ phim. Tuy nhiên, một khán giả – nhân viên ngân hàng – khẳng định đã không hề biết là bộ phim bị kêu gọi tẩy chay, cũng như bị kiểm duyệt. Khán giả này đến rạp để xem chuyện đời của Hoa Mộc Lan, người con gái ra chiến trường thay cha già.
Anh nói : ‘‘Hoa Mộc Lan là một huyền thoại, liên quan đến lịch sử Trung Quốc. Đây là một bộ phim yêu nước : Hoa Mộc Lan chiến đấu vì đất nước ! Chắc chắn là các phép thuật của Củng Lợi và một số chi tiết trong câu chuyện đã bị phóng đại. Tuy nhiên đây là điện ảnh’’.
Một số bình luận cho rằng phim không thật là Trung Quốc (trên mạng Douban, bộ phim nhận được 4,7 điểm trên 10). Tuy nhiên, bộ phim đã chiếm tới 55% toàn bộ số vé bán ra trong ngày thứ Sáu này, tức ngày đầu tiên Hoa Mộc Lan ra mắt ».
Thái độ với phim Hoa Mộc Lan thể hiện sự phân hóa sâu sắc trong xã hội Trung Quốc. Phong trào lên án bộ phim thu hút nhiều người tham gia phản đối, khi nữ diễn viên Lưu Diệc Phi, thủ vai chính Hoa Mộc Lan, ủng hộ việc cảnh sát Hồng Kông đàn áp người biểu tình đòi dân chủ. Nhiều người cho rằng « nhân vật Hoa Mộc Lan thực thụ » phải là thiếu nữ quả cảm người Hồng Kông Chu Đình (Agnes Chow), 26 tuổi, một trong các nhà tổ chức phong trào dân chủ Dù Vàng của giới trẻ Hồng Kông năm 2014. Tháng 8/2020, cô Chu Đình bị bắt sau khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia với Hồng Kông.
California : Cháy rừng chưa từng có, « bầu trời như ngày tận thế »
Hơn 3 tuần nay, thần lửa hoành hành tại California. Hơn 302.000 hecta rừng bị thiêu trụi, điều chưa từng thấy trong lịch sử. Hơn 500.000 người phải sơ tán. Hơn 20.000 lính cứu hỏa được huy động dập lửa ngày 11/09. Ít nhất 16 người chết trong tuần qua.
Phóng sự của thông tín viên Eric de Salve từ San Francisco :
« Cứ như thể là mặt trời gần như không còn mọc ở San Francisco. Đêm tối giữa ban ngày. Michael bàng hoàng quan sát cả một biển khói mênh mông mầu nâu đỏ nhấn chìm thành phố California trong màn đêm. Ông nói : cứ như cảnh tượng ngày tận thế. Cứ như là đang xem phim của Ridley Scott. Bây giờ là 13g30, mà tất cả các loại xe hơi đều phải bật đèn. Thật là điên rồ.
Đọc thêm : Úc cháy lớn – Sydney vẫn bắn pháo hoa mừng Tết: Viễn cảnh tương lai nhân loại?
Xa hơn một chút là Andrea, ngồi trên một chiếc ghế băng, theo dõi tro bụi từ trên trời rơi xuống, đầy lo âu. Khi tỉnh dậy vào sáng nay, người bảo mẫu này tưởng cô bị nhầm giờ. Cô nói : tôi cứ nghĩ là mới 5 giờ sáng, chứ không phải 7 giờ. Thật không thể nào tin nổi. Thật vô cùng đáng buồn. Khô hạn liên tục trong những năm gần đây là do tình trạng khí hậu bị hâm nóng. Tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nữa. Tôi đã sống ở đây từ lâu, và tôi thấy mỗi năm một tệ hơn.
Hỏa hoạn và đại dịch Covid-19 : có nhiều lý do để không nên rời nhà. Một cư dân nhận xét, trong khi chụp hình bầu trời thành phố San Francisco báo hiệu những điều đáng sợ. Người dân này đã liên tục sống trong nhà kể từ tháng 3, do đại dịch ».
Điểm đáng ngạc nhiên là đợt cháy rừng lịch sử ở miền tây Hoa Kỳ, kéo dài và xảy ra trước nhiều so với dịp cháy rừng hàng năm, gần như đã không được nhắc đến trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ, cả từ phía tổng thống mãn nhiệm, lẫn đối thủ đảng Dân Chủ (bài « Biến đối khí hậu, chủ đề quan trọng vắng mặt trong cuộc tranh cử tại Mỹ », của AP ngày 11/09/2020).
Mỗi bên, vì lý do riêng, đều thấy bất lợi. Ông Donald Trump khó mở thêm « mặt trận mới », trong bối cảnh đang đương đầu với nhiều khủng hoảng, đặc biệt là Covid-19, thất nghiệp, rối loạn xã hội. Về phần mình, ê-kíp tranh cử của ứng viên Joe Biden không muốn tỏ ra hưởng ứng toàn bộ cương lĩnh chống biến đổi khí hậu triệt để (Green New Deal), vì sợ mất phiếu tại vùng Trung Tây Hoa Kỳ (Midwest).
Theo giáo sư Rebecca Katz, chuyên gia về sức khỏe cộng đồng, cũng là một nhà tư vấn chính trị, « các chính trị gia Dân Chủ phạm sai lầm chính trị, khi không chỉ ra mối liên hệ giữa những gì diễn ra ở bờ Tây nước Mỹ và thất bại của ông Donald Trump trong vấn đề biến đổi khí hậu ».
Trong một thăm dò của Pew Research Center tại 14 quốc gia phát triển, trong đó có Mỹ, công bố đầu tháng 9, Trái đất bị hâm nóng là hiểm họa số một (trung bình 70% người được hỏi), đứng trên cả dịch bệnh (69%). Tuy nhiên, riêng tại Mỹ, đe dọa Khí hậu xếp hàng thứ 5 (62%), sau các nguy cơ dịch bệnh (78%), chiến tranh tin học (74%), khủng bố (69%) và vũ khí hạt nhân (65%).
Kênh đào Panama cạn nước
Khí hậu Trái đất bị hâm nóng khiến kênh đào xuyên hai biển Đại Tây Dương và Thái Bình Dương thiếu nước trầm trọng. Theo Cơ quan Quản lý Kênh đào Panama, con kênh huyết mạch của vận tải biển thế giới này thiếu đến một phần ba lượng nước mới có thể vận hành được bình thường.
Hôm 08/09/2020, Cơ quan Quản lý Kênh đào ra thông báo gọi thầu, để bảo đảm cung cấp « tối thiểu 1,4 tỉ mét khối nước bổ sung » cho con kênh dài 77 cây số – nơi 3,5% lưu lượng vận tải biển quốc tế qua lại hàng năm. Các khách hàng chính của kênh Panama là Mỹ, Trung Quốc, và Nhật Bản. Năm 2019, tổng lượng hàng hóa qua kênh đào là hơn 450 triệu tấn, mang lại hơn 3,3 tỉ đô la cho Cơ quan quản lý. Kênh đào Panama hoạt động từ năm 1914, cho phép tàu thuyền từ Đại Tây Dương qua Thái Bình Dương tiết kiệm được một chặng đường dài.
Nguyên do trực tiếp của việc thiếu nước là do mưa không đủ. Năm 2019, hồ chứa nước của kênh chỉ nhận được 3 tỉ mét khối nước, thay vì 5,2 tỉ như thường lệ, lượng nước giúp cho kênh có thể vận hành bình thường. Cơ quan quản lý kênh cho biết sẽ đầu tư khoảng 2 tỉ đô la cho dự án cấp nước, bao gồm nhiều biện pháp, như bơm nước từ các mạch nước ngầm, lọc nước biển để sử dụng…
Hệ thống kênh đào Panama, bao gồm hàng loạt âu thuyền khổng lồ, cần rất nhiều nước để vận hành. Mỗi lần tàu đi qua, cần một lượng nước tương đương với 75 bể bơi thế vận hội, để nâng tàu từ mực nước biển lên kênh đào. Nhờ các cải tiến kỹ thuật gần đây, hơn một nửa lượng nước này có thể được tái sử dụng, nhưng lượng nước mất đi vẫn rất lớn, gần 30 bể bơi nước ngọt mỗi lần tàu qua, theo BBC Mundo.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200912-belarus-bau-cu-khung-hoang-chinh-tri