Đọc báo Pháp – 12/04/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 12/04/2018

Facebook, ông khổng lồ bị chao đảo

Thanh Hà

Cuộc điều trần của chủ nhân mạng xã hội Facebook trước Quốc Hội Mỹ đẩy hồ sơ Syria xuống hàng thứ yếu trên các trang báo Pháp ngày 12/04/2018. “Facebook : Mark Zuckerberg gặp khó khăn trước các dân biểu Mỹ”, tựa trên Les Echos.

Trang nhất tờ Le Monde đăng ảnh sáng lập viên mạng xã hội với khoảng 2 tỷ người sử dụng đang bị phóng viên săn ảnh bao vây trong cuộc điều trần tại Thượng Viện Mỹ ngày 10/04/2018, bên trên là hàng tựa “Mark Zuckerberg cứu vãn danh dự tại Thượng Viện”.

Một ngày sau một cuộc điều trần hơn 5 tiếng đồng hồ ở Thượng Viện, chủ nhân Facebook xuất hiện ở Hạ Viện với nét mặt căng thẳng và mệt mỏi, mắt thâm quầng. Cửa ải ở Hạ Viện còn gian nan hơn là ở Thượng Viện. Mark Zuckerberg không dễ thuyết phục các dân biểu Mỹ.

Facebook trước búa rìu của công luận

Le Figaro chạy tít Zuckerberg “trong tầm ngắm” của Hạ Viện Hoa Kỳ và dành bài xã luận ngay trên trang nhất để nói về mặt trái của thế giới “kết nối- connected”. Facebook không là một “thiên đường digital”, không chỉ là nhịp cầu kết nối. Đứa con tinh thần của Mark Zuckerberg hiện nguyên hình là một con “bạch tuộc”, vươn vòi hút thông tin cá nhân của những người sử dụng.

Tờ báo không khoan nhượng khi cho rằng Facebook đã “vô trách nhiệm, để cho những thông tin điên rồ nhất và đôi khi bẩn thỉu nhất được phổ biến”. Facebook đã làm giàu nhờ hàng tỷ những chi tiết trong đời tư của mỗi người có tài khoản và kể cả bạn bè, thân nhân họ nữa. Những thông tin ấy khi thì được dùng vào những mục tiêu chính trị và thương mại, cũng có khi được sử dụng một cách “không mấy lương thiện”.

Không chắc là những lời xin lỗi hay cam kết khắc phục sai lầm của chủ nhân Facebook đủ sức thuyết phục. Với báo Les Echos, sau hai buổi điều trần ở Quốc Hội Lưỡng Viện, các dân biểu Hoa Kỳ vẫn “hoài nghi về khả năng của Facebook làm thay đổi các mạng xã hội”.

Le Monde nhận xét, Zuckerberg hứa tăng cường các phương tiện để bảo vệ đời sống cá nhân cho các thân chủ và để ngỏ cánh cửa để các nhà lập pháp “điều tiết” thể thức vận hành của các mạng xã hội, nhưng “làm thế nào để kiểm soát” những thông tin loan truyền trên các mạng xã hội nói chung và Facebook nói riêng ?

Facebook, uy tín bị sứt mẻ

Từ nhiều tháng qua, Facebook tứ bề thọ địch. Le Monde trong bài viết mang tựa đề “những tranh cãi về vai trò của mạng xã hội tại Châu Á” không vòng vo : Facebook bị nêu đích danh “là phương tiện để truyền tải những tư tưởng đầy hận thù” giữa các cộng đồng Phật giáo và Hồi giáo ở Miến Điện và Sri Lanka vào lúc cả hai quốc gia này đang phải đối mặt với phong trào bài Hồi giáo dâng cao. 14 triệu dân Miến Điện có tài khoản Facebook, ở Sri Lanka là 6 triệu.

Sau cáo buộc bất cẩn để tin nhảm lan truyền gây ảnh hưởng tới kết quả bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016, đây là một đòn mới giáng vào công ty do Mark Zuckerberg đã lập ra.

Phụ trang kinh tế của Le Figaro tìm cách trả lời câu hỏi : vụ tai tiếng Cambridge Analytica đánh cắp thông tin cá nhân của gần 90 triệu người có tài khoản Facebook liệu có là trận bão nhận chìm công ty đã giúp do Zuckerberg trở thành tỷ phú khi chưa đầy 20 tuổi hay không ?

Mối đau đầu khác của Zuckerberg là cổ phiếu chứng khoán giảm 17 % trong vòng một tháng. Một thách thức khác nữa là hình ảnh của mạng xã hội Facebook đã phần nào bị sứt mẻ. Sau vụ tai tiếng Cambridge Analytica, có tới 56 % người Mỹ được hỏi cho biết là “ít tin tưởng hơn”. Le Figaro bồi thêm : “tỷ lệ nay quá cao cho với các mạng xã hội khác”.

GAFA trong cơn giông bão

Không chỉ riêng gì Facebook và ông chủ Zuckerberg trong tâm bão. Theo Les Echos các cây đại thụ khác của nền công nghệ kỹ thuật số là Google, Apple hay Amazon… đều đang đánh mất hào quang.

Google bị tố cáo chiếm độc quyền trên thị trường quảng cáo trên mạng. Apple thì bị chỉ trích là cố ý rút ngắn tuổi thọ của các sản phẩm để bắt người tiêu dùng phải chăm sắm hàng mới hơn. Facebook thì bị cáo buộc thao túng công luận, bán dữ liệu cá nhân của khách hàng để làm giàu. Còn Amazon thì đang bóp chết giới tiểu thương, bóc lộc từ nhân viên đến các đối tác thương mại. Uber thì trong tầm ngắm của công luận vì bóc lột tài xế … Danh sách còn dài.

Les Echos nhận thấy rằng, nhờ có những phát minh mới các tập đoàn tin học và công nghệ cao đã “đi nhanh hơn” luật pháp, làm giàu trong một thời gian ngắn kỷ lục và các “tập đoàn công nghệ thế hệ 2.0 ” này đã tập trung nhiều quyền lực trong tay đến mức đáng sợ.

Nhưng gió đã xoay chiều. Ở khắp mọi nơi trên thế giới, kể cả ngay trên lãnh thổ Hoa Kỳ, người sử dụng hay tiêu dùng, công luận và chính giới, các nhà lập pháp, giới tài chính cho rằng đã đến lúc những tập đoàn high tech đó cần phải vào “khuôn phép”, tức là cần phải đặt lại câu hỏi về mô hình phát triển của chính các con chim đầu đàn trong lĩnh vực công nghệ digital này.

High tech, tai mắt của Trung Quốc

để theo dõi những thành phần bất hảo ?

Đâu phải chỉ có Facebook mới thu thập thông tin cá nhân của người sử dụng và khai thác nguồn dữ liệu đó. Trung Quốc cũng rất tinh vi trong việc sử dụng những thông tin cá nhân nhưng là để theo dõi các nhà bất đồng chính kiến hay kiểm duyệt các mạng xã hội.

Le Monde báo động, Bắc Kinh dùng những công nghệ mới để đưa vào danh sách đen những thành phần “nhậy cảm”. Thông tín viên của tờ báo kể lại trường hợp của một luật sư Trung Quốc đã nhiều lần bị chận lại ở sân bay vì ông có tên trong danh sách thuộc “thành phần ly khai” hay bị xếp vào danh sách “nguy hiểm đối với an ninh quốc gia”. Cho dù là vị luật sư này “chưa từng bị đưa ra tòa, chưa từng bị xét xử hay tuyên án về bất kỳ một hành vi ly khai nào”.

Đây không phải là một trường hợp riêng lẻ. Trong thời gian từ 2013 đến tháng 3/2018 có khoảng 10 triệu người “bị từ chối khi mua vé máy bay” ; 6 triệu không được mua vé xe lửa vì lý do “không tuân thủ phán quyết của tư pháp”. Theo tổ chức bảo vệ nhân quyên Human Rights Watch, tại Trung Quốc “không có giới hạn nào trong việc thu thập thông tin về các công dân của nước này nhằm mục tiêu theo dõi, kiểm soát”.

Syria, Nga bao che cho chế độ Damas

Trở lại với hồ sơ nóng bỏng là Syria : “Hãy coi chừng, hỏa tiễn sắp bay qua“. Les Echos trích lại lời lẽ khiêu khích của tổng thống Trump làm tựa cho một bài báo ngắn. Tác giả bình luận, trong lúc lãnh đạo Hoa Kỳ sử dụng ngôn ngữ không mấy hoa mỹ và ngoại giao, thì ngược lại ở Matxcơva, chính quyền Nga tỏ ra hết sức bình tĩnh và chừng mực.

Báo Le Figaro không còn nghi ngờ gì nữa về thái độ “Bao che” của nước Nga đối với tổng thống Syria, Bachar al Assad. Đại sứ Nga tại Liban tuyên bố là Nga sẽ bắn hạ tên lửa của mà tổng thống Trump dành tặng cho Syria. Theo tờ báo này, thái độ hiếu chiến của Hoa Kỳ càng thắt chặt hợp tác quân sự giữa Nga, Iran và Syria. Tổng thống Putin điều cố vấn an ninh đến Damas trong những giờ qua, lực lượng quân sự can thiệp ngoài lãnh thổ của Iran là Al Qods đã có mặt tại Syria.

“Sôi động ngoại giao trước khả năng phương Tây tấn công”, tựa trên Libération. Tờ báo cho rằng trên hồ sơ này, “Nga mới là mục tiêu mà tổng thống Trump nhắm tới”. Trong khi đó thì ngay ở Mỹ là nhất là tại châu Âu, “mọi người còn do dự về phương thức để can thiệp vào Syria” trừng phạt chế độ Damas sử dụng vũ khí hóa học.

Le Monde chừng mực hơn khi đưa ra nhận định : Pháp tuy sát cánh với Hoa Kỳ nhưng tổng thống Macron trong cuộc họp báo cách nay hai ngày đã nhấn mạnh rằng trong trường hợp đánh Syria, phương Tây cần phải tránh động chạm đến các đồng minh của chế độ Damas, loại trừ khả năng đẩy tình hình “leo thang”.

Pháp : đòn chiêu dụ của tổng thống Macron

Về thời sự nước Pháp, các báo tập trung vào buổi nói chuyện trưa nay trên đài truyền hình TF1 của tổng thống Macron trong lúc các cuộc biểu tình liên tiếp diễn ra, từ trong ngành xe lửa đến sinh viên ở khoảng 20 trường đại học, hay nhân viên làm việc trong các tòa án .

Có điều tổng thống Pháp trả lời phỏng vấn trực tiếp từ một ngôi làng hẻo lánh trong vùng Normandie, miền bắc nước Pháp. Mục tiêu nhằm chứng minh ông không chỉ quan tâm đến các thành phố lớn và phát triển. Các vấn đề của những vùng nông thôn, từ y tế đến giáo dục cũng là những ưu tiên của chủ nhân điện Elysée.

Libération có một bài phóng sự dài về làng Berd’huis với 1118 dân cư, đang chuẩn bị như thế nào để đón tổng thống Macron về đây, trả lời phỏng vấn trong một chương trình thời sự lúc 1 giờ trưa của đài TF1. Berd’huis là nơi trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp hồi năm 2017, đảng Mặt Trận Dân Tộc cực hữu của bà Le Pen đã về đầu ở vòng 1 với hơn 30 % phiếu ủng hộ.

Gagarine, sao chổi của nước Nga

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày phi hành gia Liên Xô, người đầu tiên bay vào vũ trụ, Youri Gagarine qua đời, nhà nghiên cứu Pháp Anne Marie Revol cho ra mắt công chúng cuốn tiểu sử mới với tên gọi đơn giản “Ngôi sao của Nga” NXB JC Lattès.

Tác giả thu thập lời kể của những người từng quen biết, làm việc với Gagarine, cùng với nhiều tài liệu chính thức để nói về một nhân vật mà trước khi đi vào huyền thoại, thì ông từng là một chàng thanh niên 27 tuổi, hiền lành và dễ mến.

Gagarine không ý thức được hết mối nguy hiểm chờ đợi anh trong và sau chuyến bay lịch sử ngày 12 tháng Tư năm 1961. Từ chuyến bay lịch sử đó trở về, Gagarine chỉ còn là một con rối trong tay Matxcơva.

Năm 1968, khi qua đời, Gagarine là một người hùng mệt mỏi, mệt mỏi vì phải “mang trên vai biểu tượng của một nước Liên Xô kiêu hãnh đã qua mặt được Mỹ trong lĩnh vực chinh phục không gian”. Anne Marie Revol không gột tẩy những mảng tối trong cuộc đời và sự nghiệp của người hùng Gagarine.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180412-facebook-ong-khong-lo-bi-chao-dao

 

Tin đọc nhanh

(AFP) Tôn Chính Tài nhận tội tham nhũng. Quan chức cao cấp nhất của Trung Quốc bị đưa ra tòa kể từ 5 năm qua, ông Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai), cựu ủy viên Bộ Chính trị hôm nay 12/04/2018 đã nhận tội tham nhũng 170 triệu nhân dân tệ (trên 27 triệu đô la), và bày tỏ « lòng hối hận ». Năm nay 54 tuổi, ông từng được coi là người có thể kế tục ông Tập Cận Bình, nhưng vào mùa hè năm 2017 bất ngờ bị cách chức bí thư Trùng Khánh và khai trừ đảng. Ủy ban Kỷ luật Trung ương Đảng sau đó cáo buộc Tôn Chính Tài có âm mưu chính trị cùng với hai cựu quan chức khác, nhưng không cho biết chi tiết.

(AFP) Chủ tịch Hạ Viện Mỹ rút lui sau nhiệm kỳ. Ông Paul Ryan, 48 tuổi, chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ hôm qua 11/04/2018 loan báo sẽ không tham gia tranh cử tháng 11 tới, và đến tháng Giêng sang năm sẽ rút lui, khi nhiệm kỳ kết thúc. Sự ra đi của lãnh tụ Cộng Hòa tại Quốc Hội gây bối rối cho đảng và tổng thống Donald Trump, vào lúc còn sáu tháng nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

(AFP) – Thượng đỉnh Liên Triều : « Nhộn nhịp » chuẩn bị ngoại giao. Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc, ông Chung Eui-yong ngày 12/04/2018 đã lên đường đến Washington để gặp tân đồng nhiệm Hoa Kỳ, John Bolton. Phủ tổng thống Hàn Quốc giải thích chuyến đi này của cố vấn an ninh quốc gia là nhằm để phối hợp các ý kiến trước các cuộc thượng đỉnh Liên Triều và thượng đỉnh Donald Trump – Kim Jong Un. Cũng liên quan đến vấn đề này, Hàn Quốc và Nhật Bản 11/04/2018 cũng tuyên bố hợp tác chặt chẽ với nhau trong hồ sơ Bắc Triều Tiên trước khi diễn ra thượng đỉnh Liên Triều. Thông báo này được đưa ra nhân chuyến thăm Seoul hiếm hoi của ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono.

AFP) – Tai nạn máy bay thảm khốc tại Algérie : 257 người thiệt mạng. Một chiếc máy bay quân sự của Algérie vào hôm qua 11/04/2018, đã rơi xuống đất ít lâu sau khi cất cánh từ một căn cứ quan sự ở phía nam thủ đô Alger. Tai nạn đã khiến 257 người thiệt mạng, chủ yếu là binh lính và gia đình họ. Đây được xem là thảm hoạ hàng không nặng nề nhất ở Algérie. Tổng thống nước này, ông Abdelaziz Bouteflika đã loan báo ba ngày quốc tang để tưởng niệm các nạn nhân.

(World Bank) – Tăng trưởng của các nước đang phát triển ở vùng Đông Á-Thái Bình Dương đạt 6,3% năm 2018. Bản báo cáo Cập Nhật Kinh Tế Đông Á và Thái Bình Dương công bố ngày 12/04/2018 khá lạc quan về triển vọng tăng trưởng tại châu Á. Riêng về Việt Nam, báo cáo ghi nhận tăng trưởng năm nay có thể ổn định, xoay quanh mức 6,5%, một tỷ lệ cao hơn mức bình quân của khu vực.

(AFP) – Ân Xá Quốc Tế : Án tử hình giảm nhẹ trong năm 2017. Báo cáo của Amnesty International ngày 12/04/2018 cho thấy án tử hình vẫn tiếp tục sụt giảm trên thế giới. Vào năm 2017, có 993 vụ hành quyết được ghi nhận chính thức tại 23 quốc gia, thấp hơn 4% so với năm 2016 (Trung Quốc không thông báo số liệu của mình). Iran, Nam Phi, Irak và Pakistan chiếm tới 84% số vụ tử hình được báo cáo.

(Reuters) – Úc thừa nhận quan hệ căng thẳng với Bắc Kinh. Thủ tướng Úc Turnbull hôm nay 12/04/2018 giải thích : Đó là do việc Úc chuẩn bị luật chống nước ngoài can thiệp vào nội tình chính trị Úc. Báo Australian Financial Review đã tố cáo Trung Quốc từ chối cấp visa cho các quan chức chính phủ Úc đến tham gia một hội chợ thương mại quan trọng. Bắc Kinh đã phủ nhận thông tin trên.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180412-tin-doc-nhanh