Đọc báo Pháp – 11/12/2018
Pháp: Macron nhượng bộ,
báo chí nghi ngờ, Áo Vàng hồi V
Sau 4 hồi biểu dương lực lượng của phe Áo Vàng và một tháng im lặng, tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, cuối cùng tối hôm qua đã lên tiếng. Lời nhận lỗi và các biện pháp thông báo để « xoa dịu » cơn phẫn nộ của phe Áo Vàng của ông Macron được giới truyền thông Pháp hôm nay (11/12/2018) tập trung phân tích. Nhìn chung, các nhật báo lớn của Pháp đều nghi ngờ là các nhượng bộ của ông Macron có thể đáp ứng được mong đợi của những người phản đối.
Như đáp lại câu hỏi của nhật báo độc lập Le Monde ra chiều tối hôm trước « Macron : Bước ngoặt nào cho nhiệm kỳ 5 năm ? », nhật báo kinh tế Les Echos trên trang nhất chạy hàng tít đậm « Sức mua : Các biện pháp sốc của Macron ».
« Mãi lực, tranh luận quốc gia : Khế ước mới của Macron », tựa của nhật báo thiên hữu Le Figaro. Nhật báo thiên tả Libération thì nhắc lại câu nói của tướng De Gaulle, châm biếm chạy tít « Tôi đã hiểu được quý vị một chút ».
Cuối cùng thì tổng thống Pháp cũng đã có « các nhượng bộ » như nhận xét của nhật báo Công giáo La Croix. Theo đó, để giúp tăng mãi lực của người dân, một loạt các biện pháp « sốc » đã được đưa ra : Miễn các khoản đóng góp xã hội và thuế thu nhập khoản tiền lương làm thêm giờ ; Hủy tăng mức đóng góp xã hội CSG đối với những người về hưu có thu nhập thấp hơn 2000 euro/tháng ; Tăng mức tiền thưởng lao động đối với những người có mức thu nhập thấp, điều này dẫn đến việc tăng lương tối thiểu thêm 100 euro/tháng.
Những tuyên bố này được giới báo chí nghi ngờ tiếp nhận. Một mặt, đa số các bài xã luận đều đánh giá cao thái độ « nhìn nhận sai lầm » của ông Macron và công nhận nguyên thủ Pháp đã có nhiều nhượng bộ quan trọng. Les Echos cho rằng « ông Macron đã không hà tiện dùng các biện pháp để dập tắt đám lửa. Bệnh càng nặng, liều thuốc phải càng cao ».
Mặt khác, nhiều nhật báo cũng nghi ngờ đặt câu hỏi : Phát biểu của ông Macron có thuyết phục được lòng dân hay không ? Câu trả lời là « chưa chắc ». Le Figaro tự hỏi : « Sau việc từ bỏ tăng thuế cacbon, khế ước mới cho quốc gia theo như ông Macron đề nghị liệu có sẽ thuyết phục được những người nổi dậy xếp Áo Vàng vào hộp hay không ? »
Tờ nhật báo cộng sản L’Humanité có cái nhìn khắt khe hơn cho rằng nguyên thủ Pháp đã thất bại trong cách điều hành : « Tổng thống đã phải nhượng bộ, nhưng còn xã mới đủ (…) Bị chao đảo vì phong trào Áo Vàng, học sinh trung học la ó, người lao động phản đối, tổng thống Pháp bị lôi ra khỏi giấc mộng người đầy quyền lực ».
Cuối cùng, Libération cảnh báo ngay cả khi sự ủng hộ của công chúng dành cho phe Áo Vàng nếu có suy giảm như trông đợi của ông Macron, « phong trào phản đối khó có khả năng tắt lịm trong ngày một ngày hai ».
Bất chấp nhượng bộ, Áo Vàng vẫn muốn hồi V
Le Figaro cũng quan tâm đến phản ứng của phe Áo Vàng sau bài phát biểu của tổng thống. Tờ báo nhận thấy « đối với người này đó là những biện pháp nhỏ nhặt, với những người khác là ‘bước đầu hiểu nhau’ ».
Thủ đô Paris cuối tuần này có nguy cơ lại tiếp tục là sàn diễn của phe Áo Vàng. Lời kêu gọi biểu tình ở Paris một lần nữa đã được đưa ra ngay sau bài phát biểu của tổng thống Pháp. Đối với nhiều người, những biện pháp ông Macron đề xuất rất « nhỏ nhặt », nguyên thủ Pháp vẫn không có gì thay đổi, « Macron vẫn là tổng thống của nhà giàu » khi kiên quyết không tái lập thuế về tài sản. Quyết định tăng lương tối thiểu thêm 100 euro là « chưa đủ ». Nhiều người Áo Vàng tại nhiều tỉnh nhỏ cho rằng cần phải có một cuộc trưng cầu dân ý về các đường lối chính sách của ông Macron hay như cần phải phế truất tổng thống…
Nhưng những chỉ trích trên cũng không được nhiều người Áo Vàng đồng tình. Họ nghĩ là tổng thống đã có những nhượng bộ đáng kể, ông « bắt đầu thấu hiểu người dân » và có « thiện chí giải quyết khủng hoảng ».
Tuy nhiên, Le Figaro lưu ý để có thể thực hiện các biện pháp « nhỏ nhặt » như cáo buộc của nhiều người Áo Vàng, nhà nước Pháp có thể sẽ phải tiêu tốn đến hơn 10 tỷ euro, với một hệ quả khác đáng lo ngại : Thâm hụt ngân sách năm 2019 có thể sẽ bị tăng lên ở mức là 3,5%, thay vì là 2,9% như dự kiến.
Bắc Kinh – Washington : Trận chiến thế kỷ ?
Căng thẳng quan hệ Mỹ – Trung những ngày gần đây trở nên nóng bỏng mà trận chiến thương mại chỉ mới là màn mở đầu. Các vấn đề chiến lược mới chính là cốt lõi của mọi sự tranh chấp Mỹ – Trung. Đây chính là nhận xét của nhà báo Michel de Grandi trong bài viết có tựa đề « Cuộc chiến Bắc Kinh – Washington không chỉ có thương mại ».
Nước Mỹ như bị Trung Quốc đấm nốc ao. Hoa Kỳ không còn là cường quốc duy nhất trên thế giới. Một vị trí mà Washington thống lĩnh từ bao thập niên nay, kể từ khi Liên Xô tan rã. Nước Mỹ bực bội vì bị Trung Quốc làm cho khốn khổ, lao đao ngay cả trong những lĩnh vực mà Hoa Kỳ không hề ngờ tới.
Trung Quốc gây căng thẳng định chế khi thành lập các cơ chế đa phương riêng của mình. Trung Quốc chống lại các nền dân chủ phương Tây khi tự cho mình là một mô hình quản lý với nhiều nước đang phát triển. Và nhất là địa bàn các vấn đề chiến lược có nguy cơ trở thành sàn đầu giữa hai ông lớn.
Tác giả cho rằng chỉ riêng tại châu Á, chí ít có 3 điểm Hoa Kỳ và Trung Quốc đối chọi nhau : Bán đảo Triều Tiên, Biển Đông và nhất là Đài Loan, giờ lại trở thành tâm điểm của sự đối đầu. Với hòn đảo này, Washington không ngừng khiêu khích Bắc Kinh với các chiến dịch cho tầu chiến và chiến đấu cơ qua lại vùng eo biển chỉ rộng có 180km. Một hành động mà Bắc Kinh luôn kịch liệt phản đối cho đấy là xâm phạm chủ quyền.
Hành động này cũng được Hoa Kỳ áp dụng trên Biển Đông với lý do vùng biển này « không thuộc một quốc gia nào » nên « Hoa Kỳ tiếp tục tự do lưu thông ở những nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép ». Để ngăn chặn, Bắc Kinh tiến hành các cuộc tham vấn với các nước trong khối ASEAN sao cho có thể đạt được một bộ « quy tắc ứng xử » trên Biển Đông từ đây trong vòng ba năm tới. Hiện tại chưa có gì là bảo đảm đạt được.
Les Echos trích nhận định của chuyên gia Jean-Pierre Cabestan trường đại học Hồng Kông, cho rằng « Tập Cận Bình làm tất cả mọi thứ để có thể khẳng định vai trò lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc sao cho vẫn không vượt qua ngưỡng đối đầu vũ trang, không những với Hoa Kỳ, mà với cả những nước láng giềng trong trước mắt ».
Les Echos cũng không quên nhắc lại, năm 2016, ông Steve Bannon, chủ nhân một trang báo cực kỳ bảo thủ Breitbart News đã từng viết : « Chúng ta sẽ tiến hành một cuộc chiến ở Biển Đông trong vòng từ 5-10 năm nữa. Không còn gì để nghi ngờ về điều này ».
Để tránh rơi vào chiếc bẫy đối đầu trực diện, vẫn còn một giải pháp thứ ba, nằm giữa thương mại và các vấn đề địa chính trị : Tìm cách ngăn cản kẻ khác bành trướng sức mạnh. Do vậy trước hết Hoa Kỳ phải làm chủ các công nghệ và triển khai các biện pháp hòng ngăn chận Trung Quốc đạt được các mục tiêu kế hoạch Made in China 2025.
Trong cuộc đua này, Trung Quốc sử dụng mọi chiêu có thể : từ không tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ đến dọ thám, đi qua cả việc mua lại các hãng công nghệ hàng đầu. Do vậy, vụ bắt giữ con gái chủ tịch Hoa Vi chỉ là chương mới trong cuộc cọ xát mà những màn « giựt gân » còn xa mới kết thúc.
Hiệp ước Di dân : Nạn nhân của « tin giả »
Trong lĩnh vực xã hội liên quan đến vấn đề di dân. Trong hai ngày họp 10-11/12/2018, tại Marrakech, Maroc, 150 quốc gia thông qua dự thảo Hiệp ước Di dân, dưới sự chủ trì của Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên theo Le Monde, hiệp ước này trong những ngày qua trở thành đối tượng công kích của các phong trào cực đoan, dân tộc chủ nghĩa và phi tự do.
Trong bài xã luận có tựa đề « Các chiến dịch bóp méo thông tin xung quanh Hiệp ước Di dân », Le Monde cho biết một chuỗi các thông tin giả, bị bóp méo đã được lan truyền rộng rãi gây hoang mang cho người dân tại một số nước trong Liên Hiệp Châu Âu mà phong trào dân túy, bài di dân đang lên mạnh mẽ như Ý, Áo, Bulgari, Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Séc….
Tại Pháp, Le Monde chỉ trích lãnh đạo đảng cựu hữu Tập hợp Quốc gia bởi vì bà Marine Le Pen đã không ngần ngại liên hệ phong trào Áo Vàng với Hiệp ước Di dân, cáo buộc chính phủ « tổ chức nhập cư » gây thiệt hại cho người lao động và sức mua của họ. Trên mạng xã hội, cư dân mạng sôi sục trước thông tin cho rằng « chính phủ Pháp bị đặt dưới sự giám hộ của Liên Hiệp Quốc » và sẽ có « hàng triệu di dân vào nước Pháp ».
Le Monde nêu rõ Hiệp ước Di dân vừa được các nước thông qua không có chữ ký, không có tính chất ràng buộc. Tuy sẽ được bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc vào ngày 19/12/2018 tới đây, hiệp ước không nhằm mục đích áp đặt cách chính sách di dân đối với các bên tham gia. Hiệp ước đặt ra 23 mục tiêu hợp tác, các tham vọng chung và cùng chia sẻ trách nhiệm.
Pháp : Nhà dưỡng lão cho gà đẻ trứng
Gà đẻ trứng phục vụ con người được quyền hưởng một cuộc sống nhàn hạ, ung dung tự tại. Đây chính là mục tiêu mà chuỗi siêu thị Monoprix, thuộc tập đoàn Casino đặt ra cho các nhà cung cấp trứng gà.
Ngày 10/12/2018, Monoprix đã ký kết một thỏa thuận đối tác với công ty khởi nghiệp Poulehouse để kinh doanh các loại trứng của doanh nghiệp này, theo khẩu hiệu « Poulehouse đề nghị loại trứng đầu tiên không giết gà đẻ trứng ».
Một cách cụ thể, những con gà đẻ trứng chỉ có sản lượng cao nhất trong vòng từ ba đến 18 tháng, tức là mỗi ngày cho được một quả trứng. Rồi khi sản lượng giảm dần, gà sẽ bị đem giết. Người ta ước tính « mỗi năm Pháp triệt hạ gần 50 triệu con gà đẻ trứng ».
Theo mô hình kinh tế mới của Poulehouse, mỗi một quả trứng bán ra phải cho phép tài trợ chế độ hưu cho những con gà cao cấp này cũng như một nương thân ở vùng Limoges. Tại khu trang trại rộng 16ha này, người ta sẽ dựng hai trại, một cho gà đẻ trứng và một cho gà về hưu.
Nhưng mô hình này chỉ có lợi khi người tiêu thụ phải chấp nhận mua trứng với giá mắc hơn gấp đôi so với trung bình, tức là khoảng 1euro/ trứng hay 5,99 euro cho một hộp sáu quả. Đã được bày bán tại nhiều chuỗi siêu thị như Biocoop, Naturalia và Franprix, nhà cung cấp này đã bán được hơn một triệu quả trứng tính từ ngày thành lập năm 2017.
Nhóm khởi nghiệp hy vọng mô hình « không giết gà » có thể chiếm lĩnh từ 2-3% thị trường trước khi trở thành một tiêu chuẩn, như mô hình trứng thu nhặt từ gà thả rong.
http://vi.rfi.fr/phap/20181211-phap-tong-thong-bao-chi-nghi-ngo-hoi-v-ao-vang
Tin đọc nhanh
(Forbes) – Ván ép Trung Quốc mượn tên Việt Nam để vào Mỹ.
Hải Quan Mỹ vào tuần trước đã xác định rằng ván ép gỗ do Trung Quốc sản xuất đã được tuồn qua Việt Nam, dán nhãn Việt Nam rồi xuất khẩu qua Mỹ để tránh thuế quan do chính quyền Mỹ áp trên hàng Trung Quốc. Theo một cuộc khảo sát công bố hôm 10/12/2018, các lô hàng loại này đã xuất phát từ các cảng tại Việt Nam từ tháng 01 đến tháng 7, với lượng nhập khẩu vào Mỹ tăng tới 165,4%. Một số doanh nhân Mỹ cho biết là các động thái tương tự từng được thấy đối với thép và nhôm, cũng đi từ Trung Quốc xuống Việt Nam, rồi từ đó xuất qua Mỹ.
(Jerusalem Post) – Israel bán ba máy bay không người lái cho Việt Nam.
Theo trang Jerusalem Post ngày 10/12/2018, hợp đồng có trị giá 160 triệu đô la được chính phủ Việt Nam ký với công ty Israel Aerospace Industries Ltd. cách đây vài ngày. Ba máy bay Heron không người lái có khả năng hoạt động trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và trong phạm vi 350 km sẽ được quân đội Việt Nam sử dụng trong các cuộc tuần tra trên biển.
(AFP) –Việt Nam : Hai lãnh đạo Vinashin bị bắt.
Ông Trương Văn Tuyển, nguyên tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và ông Phạm Thanh Sơn, hiện là phó tổng giám đốc SBIC Vinashin, đã bị bắt hôm 10/12/2018 vì cáo buộc « lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản ». Hai người này bị nghi ngờ toa rập với kế toán trưởng (đã bị tù), bỏ túi gần 4 triệu euro.
(AFP) – Khashoggi, một trong những « Nhân vật trong năm » của báo Time.
Nhà báo Ả Rập Xê Út bị sát hại hôm 02/10, Jamal Khashoggi, hôm nay 11/12/2018 được tạp chí Time chọn làm « Nhân vật trong năm » 2018. Tuần báo Mỹ cũng vinh danh nhà báo Philippine Maria Ressa, hai phóng viên người Miến Điện của Reuters là Wa Lone và Kyaw Soe Oo (đang ở tù) ; ban biên tập tờ báo địa phương Capital Gazette của bang Maryland, Hoa Kỳ, mà năm thành viên đã thiệt mạng trong vụ tấn công hôm 28/6.
(Reuters) –Carlos Ghosn phản đối bị tạm giam dài ngày.
Ông Carlos Ghosn hôm nay 11/12/2018 kiện lên tòa án Tokyo, phản đối Viện Công tố tiếp tục tạm giam ông cho đến ngày 20/12 vì cáo buộc trốn thuế. Hôm qua Viện Công tố Tokyo quyết định mở rộng điều tra, khiến cựu chủ tịch tập đoàn Renault-Nissan có nguy cơ tiếp tục bị giam giữ nhiều tháng, trong một xà-lim nhỏ với các điều kiện tối thiểu.
(Breitbart) – Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất của Mỹ.
Trong chương trình Hugh Hewitt Show ngày 10/12/2018, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất của Hoa Kỳ, nguy hiểm hơn cả Iran và Nga, « trong trung hạn cũng như trong dài hạn » do quy mô dân số cũng như sự giầu có.
(Yonhap) – Mỹ-Hàn họp bàn chia sẻ kinh phí quân sự.
Vòng đàm phán thứ 10 này diễn ra từ ngày 11 đến 13/12/2018 liên quan đến chi phí cho sự hiện diện của 28.500 quân nhân Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc. Washington yêu cầu Seoul tăng mạnh khoản đóng góp của mình, có thể lên gấp đôi, theo mong muốn của tổng thống Mỹ, và đạt đến con số 1,6 tỉ đô la hàng năm trong vòng 5 năm tới.
(Yonhap) – Mỹ-Hàn xem xét đổi tên các cuộc tập trận chung.
Kể từ năm 2019, tên gọi các cuộc tập trận song phương hàng năm có thể được đánh số thứ tự để tránh kích động Bắc Triều Tiên, như cuộc tập trận quy mô lớn « Key Resolve » có thể được đặt thành « Cuộc diễn tập 19-1 » hoặc « Ulchi-Freedom Guardian » thành « Cuộc diễn tập 19-2 ».
(Reuters) – Hàn Quốc bắt giữ bốn người vì nhập lậu than của Bắc Triều Tiên,
vi phạm các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Bình Nhưỡng. Trong số bốn người bị truy tố hôm 07/12, có một phụ nữ 44 tuổi đã nhập 29.000 tấn than và 2.010 tấn gang, với tổng trị giá 4,19 triệu euro từ tháng 04 đến tháng 10/2017.
(AFP) – Mỹ chính thức trao trả chiến lợi phẩm cho Philippines.
Ba quả chuông Balangiga có trọng lượng từ 136 kg đến 272 kg bị quân đội Mỹ tịch thu làm chiến lợi phẩm cách đây 120 năm trong một cuộc trấn áp đẫm máu đã về đến Manila. Có mặt tại buổi lễ trao trả ngày 11/12/2018, đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim tuyên bố « tự hào có mặt ở đây để khép lại một chương sử đau thương trong lịch sử hai nước ».
(AFP) – Năm quân nhân của Hải Quân Mỹ mất tích tại Nhật chính thức bị coi là chết.
Như vậy, theo quân đội Mỹ ngày 11/12/2018, một tuần sau vụ va chạm giữa hai chiến đấu cơ Mỹ ngoài biển Nhật Bản (06/12), con số người chết lên thành 6 người, chỉ một người sống sót trong vụ tại nạn này. Nguyên nhân vụ tai nạn vẫn chưa được làm rõ.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181211-tin-doc-nhanh