Đọc báo Pháp – 11/09/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 11/09/2020

Mỹ-Trung: Bước đại nhảy lùi trong quan hệ song phương – Tú Anh

Covid-19, chiến lược chống dịch tại Pháp thất bại, hình ảnh chính quyền Trung Quốc ngày càng xấu trong công luận Tây Phương, đối lập Belarus không cô đơn, đối lập Nga hy vọng gây bất ngờ trong cuộc bầu cử 13/09 là những đề tài chính trên báo Pháp hôm nay.

Covid-19, Hội Đồng Khoa Học Pháp nhìn nhận chiến lược chống dịch thất bại khuyến cáo chính phủ phải chọn những quyết định khó khăn. 50.000 ca lây nhiễm mỗi tuần. Sau Marseille đến lượt Bordeaux báo động đỏ. Khắp nơi, các học sinh có dấu hiệu nhiễm bệnh đều được gửi về nhà. Bác sĩ bị tràn ngập các câu hỏi lo ngại của phụ huynh học sinh. Cha mẹ buộc phải ở nhà trông con và được hưởng trợ cấp thất nghiệp bán phần… Le Monde điểm qua tình hình đại dịch tại Pháp nhưng cũng không quên câu chuyện nhà báo Mỹ “Bob Woodward tố cáo tổng thống Donald Trump nói dối về mức độ nguy hiểm của Covid-19”. Để rộng đường dư luận, nhật báo độc lập trích các lời giải thích của chủ nhân Nhà Trắng, theo đó, một siêu cường, một lãnh tụ không nên tuyên bố gây sợ hãi.

Washington – Bắc Kinh, bước đại nhảy lùi

Quan hệ bất bình đẳng giữa Trung Quốc với Tây Phương được Le Monde phân tích qua hai bài : Washington-Bắc Kinh, bước đại nhảy lùi và trọng lượng của Trung Quốc (250 tỷ euro đầu tư có Nhà nước sau lưng) trong Liên Âu làm Thẩm Kế Viện Châu Âu lo ngại.

Alain Frachon, tác giả bài xã luận « Washington-Bắc Kinh, bước đại nhảy lùi » lưu ý là tổng thống Donald Trump không gọi Trung Quốc nữa mà dùng cụm từ « đảng Cộng sản Trung Quốc », không làm chuyện ngây thơ tìm cách tái lập quân bình cán cân thương mại nữa. Trái lại, Donald Trump « tách đôi » hai nền kinh tế. Trong mùa tranh cử, chủ nhân Nhà Trắng và ngoại trưởng Pompeo liên tục, kẻ cam kết « đem hết xí nghiệp Mỹ về nước » người tố cáo chế độ bạo ngược, phải chặt đứt những cái vòi bạch tuộc của đảng Cộng sản, thế giới tự do phải thắng bạo quyền.

Theo tác giả, phải khách quan nhìn nhận, thứ nhất, ngòi nổ không phải là Trump mà là Tập. Trung Quốc có quyền lên án Mỹ không chấp nhận là đã trợ giúp cho một đối thủ vươn lên với tầm cỡ Liên Xô cũ. Những tuyên bố vung vít của Donald Trump trong mùa tranh cử làm mờ đi một thực tế phũ phàng : đó là Mỹ và thế giới đụng phải một Trung Quốc mới. Tập Cận Bình lãnh đạo một cường quốc tự tin và muốn thống trị: mỗi ngày mỗi độc đoán hơn với dân trong nước, mỗi hung hăng thêm với nước ngoài.

Thứ hai, đại dịch Covid làm lộ ra cường độ xung khắc mang tính chất cấu trúc của hai chế độ. Ban đầu, chính quyền Trung Quốc tỏ ra yếu kém, độc tài, thiếu khả năng bởi vì thiếu minh bạch. 8 tháng sau, tổng kết thiệt hại tại Mỹ cho thấy Donald Trump đã thua trên mặt trận chống dịch.

Đương đầu với Tập Cận Bình, Joe Biden lợi hại hơn Donald Trump ? 

Trung Quốc xác quyết là các chế độ dân chủ Tây phương, với tinh thần rộng lượng, đa hiệu, nay đã xuống dốc, hết hấp dẫn, và do vậy Bắc Kinh không ngần ngại quảng cáo mô hình độc tài, được yểm trợ bằng công nghệ số là tương lai nhân loại.

Thế nhưng, theo Le Monde, dù Trump tái đắc cử hay Joe Biden vào Nhà Trắng, Hoa Kỳ vẫn phải đối mặt với cuộc chiến đa dạng với Trung Quốc của Tập Cận Bình. Trong trận chiến này, Joe Biden có rất nhiều lợi thế để mang lại xung lực mới cho nền dân chủ Hoa Kỳ mà Donald Trump đang phá hỏng. Joe Biden là lá chủ bài quan trọng.

Vì sao Ba Lan tận lực ủng hộ đối lập Belarus

Về thời sự quốc tế, Belarus chiếm khá nhiều cột báo. Ba Lan ủng hộ « Belarus tự do ». Nhà đối lập lưu vong Svetlana Tsikhanovskaia được Vacxava tiếp như thượng khách công du hôm thứ Tư vừa qua. Từ 1991, Ba Lan cấp học bổng cho sinh viên Belarus bị đuổi học vì lý do chính trị, lập kênh truyền hình Bielsat phát sóng về Belarus tin tức thời sự về Belarus. Những hành động này nằm trong chiến lược được phác họa từ thời 1950 trong giới tị nạn Ba Lan. Họ nghĩ rằng, chính sách hay nhất để ngăn chận Matxcơva tiến hành chiến tranh xâm lược của thời Liên xô là củng cố chiến lược ULB độc lập : Ukraina, Belarus và Litva.

Từ khi gia nhập NATO và Liên Hiệp Châu Âu, Ba Lan cố gắng thuyết phục mở rộng biên giới Liên Âu về phía tây. Ba lan cũng đóng vai trung gian hòa giải trong các vụ khủng hoảng ở láng giềng như trường hợp Ukraina trong vụ « Cách mạng cam » năm 2004 và khi xảy ra biểu tình ở quảng trường Maidan 2014. Nhưng bài học Ukraina mất Crimée và một phần Donbass làm nhiều nhà bình luận ở Vacxava cảnh báo không nên hấp tấp lật đổ Lukachenko tạo cơ hội cho Nga can thiệp quân sự, gây nguy hiểm cho khu vực.

Một tựa khác về Belarus : Svetlana Alexievitch bị đe dọa, Nobel văn học 2015, tác giả tác phẩm « Hồi kết của ông cộng sản » (La fin de l’homme rouge) cố thủ trong nhà ở Minsk. Le Monde thuật lại những gì xảy ra trong 48 giờ qua từ khi nhân vật cuối cùng trong số 7 thành viên của Hội đồng Điều phối phong trào đối lập còn tự do, bị an ninh thẩm vấn.

Novossibirsk : thí điểm « bầu cử thông minh » của đối lập Nga

Về thời sự Liên bang Nga, La Croix đưa bài phóng sự « Novossibirsk theo dấu chân Navalny ». Thành phố lớn thứ ba ở Siberia trong không khí chuần bị bầu 50 đại biểu Hội đồng thành phố vào Chủ Nhật 13/09 có gì khác với bình thường ? Trước khi bị đầu độc, Alexei Navalny đã làm một phim tài liệu về nạn tham nhũng trong giới đại biểu của đảng Nước Nga Thống Nhất ở Novossibirsk và tổ chức cho phong trào chống tham ô tại địa phương tham gia bầu cử. Một số cử tri, phần đông là người trẻ cho biết họ muốn thay đổi tình trạng này và chứng tỏ với châu Âu là có thể thực hiện bằng lá phiếu.

Cùng một đề tài, bài phóng sự của đặc phái viên Les Echos cho biết thêm « Đội ngũ của Alexei Navalny hy vọng sẽ đánh bại đảng của điện Kremlin ». Chính vì thế mà lãnh tụ đối lập đến tận nơi để tổ chức hàng ngũ để gây bất ngờ. Nhật báo kinh tế nhắc lại chiến thuật « lá phiếu thông minh » dồn phiếu cho bất kỳ đại diện đảng nào miễn có cơ may loại ứng cử viên của đảng cầm quyền. Trước khi bị đầu độc, Alexei Navalny xác quyết « Novossibirk  là trận đánh lịch sử, là trận đánh quan trọng nhất trong các cuộc bầu cử tương lai ». Sergei Boiko, đại diện của phong trào chống tham nhũng tại Novossibirk tuyên bố «  Không cho phe chính quyền tái đắc cử. Thành phố này có thể làm gương cho tất cả đối lập Nga ».

Môi trường, sinh thái trở thành một vấn đề nát óc

Les Echos báo động « Kịch bản đen cho ngành hàng không nếu tổng thống Emmanuel Macron thực hiện đề nghị của xã hội công dân, ra luật thu thuế sạch ». Dự án 4,2 tỷ euro thuế môi trường đe dọa 150.000 việc làm trong ngành hàng không dân dụng đang chật vật vì Covid.

Làm « loa » cho nông dân, Le Figaro cảnh báo : Nông gia Pháp trước thách thức cách mạng xanh. 45.000 nông gia trồng củ cải đường bị đe dọa sạt nghiệp vì bệnh ký sinh làm lá úa vàng cần sử dụng lại hóa chất trừ sâu Neonicortinoide, bị cấm vì gây hại cho thần kinh và  dưới áp lực rất mạnh của phong trào sinh thái. Trong bài phỏng vấn dành cho Le Figaro, bộ trưởng Nông Nghiệp Pháp trình bài nhu cầu « chuyển đổi thực dụng ». Hồ sơ này sẽ tăng nhiệt vào mùa thu khi đưa ra Quốc Hội với dự luật đặc cách sử dụng Neonicortinoide trong trường hợp tối cần thiết. Ủng hộ đường lối thực dụng, nhật báo thiên hữu khuyên can phe chống hóa chất trong nông nghiệp  nên nhường nhịn nông gia đừng bắt chẹt chính phủ. Chính phủ đã chiều lòng phe sinh thái đóng cửa một lò hạt nhân cũ kỹ, đã đến lúc phe này phải có cử chỉ bảo vệ một phần lãnh vực trồng trọt của đất nước mình.

Trung Quốc : bốn phương lo ngại 

Về địa chính trị, nhân chuyến viếng thăm Ấn Độ của bộ trưởng Quân Lực Pháp Le Figaro đưa tin: Florence Parly trao cho Ấn Độ thêm năm chiếc Rafale. Đây chỉ là một phần trong nỗ lực hiện đại hóa quân đội của New Delhi trước mối đe dọa của Bắc Kinh, nhật báo thiên hữu nhận định.

Nhật báo kinh tế Les Echos, trang thế giới, tóm tắt bản báo cáo bi quan của Phòng Thương Mại Châu Âu tại Trung Quốc : « Các công ty Châu Âu tại Trung Quốc đi trên một bãi mìn chính trị ». Đúng là giới đầu tư Tây phương ở Hoa Lục rất mệt mỏi trong những năm gần đây nhưng họ kiên trì bám trụ với hy vọng cuối cùng Trung Quốc sẽ trở lại con đường cải cách và mở cửa.

Thế nhưng, quyển Sách Trắng của Phòng Thương Mại Châu Âu, công bố hôm thứ Năm tại Bắc Kinh, cho thấy sự phẫn nộ trong số 1700 hội viên. Xin trích một câu : Tiếp theo đại dịch Covid, nhiều chướng ngại mới đã xuất hiện làm cho doanh nhân châu Âu cảm thấy ngày càng ít được hoan nghênh tại Trung Quốc.

Chính quyền Trung Quốc thi hành chính sách « một nền kinh tế, hai chế độ ». Một nền kinh tế là kinh tế quốc doanh. Nhà nước ủng hộ tối đa xí nghiệp công và hạn chế đầu tư ngoại quốc khiến cho công ty quốc tế không thể cạnh tranh được.

Phim truyện dã sử cũng bị tẩy chay

Libération hôm nay tập trung vào vụ án Hồi giáo khủng bố thảm sát gần như toàn ban biên tập của tuần báo trào phúng Charlie Hebdo ngày 15/01/2015. Hầu như những thủ phạm chính và nhất là nghi can chủ mưu đều bị giết chết chỉ còn một số đồng lõa ra toà.

Trang điện ảnh, nhật báo thiên tả giới thiệu phim « Mộc Lan » (Mu Lan) ra mắt khán giả trong hoàn cảnh trớ trêu. Trung Quốc chi nhiều tiền để áp đặt kịch bản phát huy quyền lực mềm và các nhà điện ảnh Tây phương khuất phục. Thế nhưng, Mộc Lan phải giã từ lô độc đắc kính chào phong trào tẩy chai, theo cách chạy tựa ví von của Libération. Cuốn phim dã sử kiếm hiệp bị công luận bài xích vì quay ngoại cảnh ở Tân Cương nơi mà Bắc kinh tiến hành chính sách đàn áp người Duy Ngô Nhĩ. Trớ trêu thứ hai, phim Mộc Lan – câu chuyện một thiếu nữ giả trai tòng quân triều đình chống xâm lăng phương Bắc (Mông Cổ) – ra mắt đúng vào lúc hàng ngàn học sinh ở Nội Mông liên tục biểu tình chống chính sách Hán hóa chương trình giáo dục của Bắc Kinh. Chưa hết, cộng đồng mạng cho biết diễn viên đóng vai cha của Mộc Lan có gương mặt giống Tập Cận Bình. Không biết chi tiết này hay hay dở ? Libération cho biểt hồi mùa hè vừa qua, một diễn viên nhạc kịch Opera bị xóa tài khoản trên ứng dụng Douyin (TikTok ở Trung Quốc), vì ông trông giống tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc. Cách nay hai năm, phim « Jean Christophe và Gấu con » bị cấm ở Hoa Lục vì cộng đồng mạng loan truyền gấu con giống Tập chủ tịch.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200911-m%E1%BB%B9-trung-b%C6%B0%E1%BB%9Bc-%C4%91%E1%BA%A1i-nh%E1%BA%A3y-l%C3%B9i-trong-quan-h%E1%BB%87-song-ph%C6%B0%C6%A1ng

 

 

Tin tổng hợp

(Reuters) – Tokyo tăng cường khả năng phòng thủ chống tên lửa. 

Hội Đồng Quốc Gia An Ninh khuyến cáo Nhật Bản cần tăng cường khả năng “răn đe” ngăn ngừa các vụ tấn công bằng tên lửa, trong đó bao gồm từ tên lửa đạn đạo Bắc Triều Tiên, tên lửa hành trình đến drone do “một số đối thủ khác” của Tokyo triển khai. Trong thông cáo ngày 11/09/2020 cơ quan này cho biết từ nay đến cuối năm sẽ công bố một chiến lược an ninh mới. Truyền thông Tokyo cho biết chiến lược đó sẽ tập trung vào Trung Quốc.

(Asahi Shimbun) – Trung Quốc là một “mối đe dọa đối với an ninh Nhật Bản”. 

Báo Asahi Shimbun hôm 11/09/2020 trích lời bộ trưởng Quốc Phòng Taro Kono phát biểu cách nay hai hôm với Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế CSIS nhân kỷ niệm 60 năm mối liên kết Mỹ-Nhật. Trong bài diễn văn qua cầu truyền hình, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật nhắc lại trước đây, trong cương vị ngoại trưởng ông đã từng phải thận trọng về lời ăn tiếng nói và xem Trung Quốc là một mối “quan ngại nghiêm trọng”, nhưng là người đứng đầu bộ Quốc Phòng thì ra đã trở thành một “mối đe dọa đối với an ninh Nhật Bản”. Theo ông Taro Kono điều đáng lo ngại là Bắc Kinh tăng cường khả năng quân sự và áp đặt các chuẩn mực của Trung Quốc với công đồng quốc tế.

(AFP) – Ngành công nghệ cao của Mỹ được huy động chống tin tặc can thiệp vào bầu cử tổng thống Hoa Kỳ.

Ngày 10/09/202 tập đoàn Microsoft thông báo phát hiện các vụ tấn công trên mạng xuất phát từ Trung Quốc và Nga nhắm vào các hơn 200 tổ chức có liên hệ đến các cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ. 10 ngày trước đó Facebook loan báo đã phá vỡ một đường dây của một nhóm có liên hệ với tổ chức IRA thân Kremlin. Youtube và Facebook cũng như Twitter cho biết đang chuẩn bị đối phó với những “kịch bản tai hại nhất” trong trường hợp các mạng xã hội bị lợi dụng vì mục tiêu chính trị.

(AFP) – Liên hoan phim quốc tế Toronto, một mùa festival ảo. 

Liên hoan điện ảnh Toronto, Canada 2020 khai mạc đêm 10/09/2020. Bình thường thành phố Toronto là điểm hẹn của triệu người yêu nghệ thuật thứ bảy vào mỗi đầu tháng 9 hàng năm. Nhưng với dịch Covid-19, không một bộ phim nào được chiếu trong các rạp xi-nê. Khán giả được mời xem phim ngoài trời từ xe hơi của mình. Do Mỹ và Canada vẫn đóng cửa biên giới, không một ngôi sao điện ảnh nào của Hollywood đến được Toronto. Liên hoan năm nay bế mạc vào ngày 20/09/2020.

(RFI) – Nhiều cơ hội mua rượu vang ngon và rẻ nhờ Covid-19. Hội chợ rượu vang tại Pháp bắt đầu mở ra trong suốt tháng 9/2020. 

Theo giới trong ngành virus corona, hàng quán phải đóng cửa trong nhiều tháng, thêm vào đó là chính sách tăng thuế đánh vào rượu Pháp của chính quyền Trump khiến các nhà sản xuất Pháp điêu đứng. Viện nghiên cứu Nielsen chuyên về chính sách tiêu thụ, cho biết một chai rượu vang ngon của vùng Bordeaux hay Cottes du Rhônes nhăm nay giá chỉ khoảng 15 euro thay vì 25 euro như mọi khi.

(Reuters) – Nghị Viện Châu Âu loại bà Aung San Suu Kyi ra khỏi sự kiện giải nhân quyền Sakharov. 

Trong một tuyên bố ngày 10/09/2020, Nghị Viện Châu Âu cho biết là lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi sẽ không còn được mời tham dự sự kiện trao giải thưởng nhân quyền Sakharov của định chế này, một giải thưởng mà bà đã được trao vào năm 1990. Đây là biện pháp « trừng phạt » của Nghị Viện Châu Âu trước lập trường của bà Suu Kyi làm ngơ trước các cáo buộc diệt chủng tại Miến Điện.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200911-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

 

Điểm tin thế giới sáng 11/9:

Microsoft: tin tặc Trung-Nga-Iran tấn công

bầu cử Mỹ; Tướng Mỹ: Triều Tiên

không cho thấy dấu hiệu khiêu khích

Lục Du

Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Sáu (11/9) của DKN xin gửi tới quý độc giả nội dung tóm lược của những tin sau:

Microsoft: tin tặc Trung-Nga-Iran tấn công bầu cử Mỹ

Các tin tặc Nga, Trung Quốc và Iran đã thực hiện các cuộc tấn công mạng nhằm vào hàng trăm tổ chức và những người liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, họ hướng mục tiêu vào cả chiến dịch tranh cử của tổng thống Trump và Joe Biden, Microsoft cho biết thông tin hôm thứ Năm (10/9), theo Politico.

Microsoft nói rằng các mục tiêu của tin tặc Nga lần này bao gồm các đảng chính trị ở Mỹ và châu Âu, trong khi tin tặc Trung Quốc bám theo những người trong chiến dịch tranh cử của Biden và phía Iran thì cố gắng xâm phạm tài khoản của các nhân viên chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump.

Tổng thống Trump và những người ủng hộ ông cáo buộc chính quyền Trung Quốc đang cố gắng giúp đỡ Biden. Một tuyên bố chính thức của cộng đồng tình báo vào tháng trước cho biết chính quyền Trung Quốc muốn ông Trump thua cuộc, trong khi Nga đang gièm pha Biden và Iran thì cùng “chí hướng” với Bắc Kinh trong mục tiêu can thiệp vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ.

Tướng Mỹ: Triều Tiên không cho thấy dấu hiệu khiêu khích

Người đứng đầu Lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK), tướng Robert Abrams, hôm thứ Năm (10/9) nói rằng Bình Nhưỡng không cho thấy bất kỳ dấu hiệu khiêu khích nào, ví dụ như tung ra một hệ thống vũ khí chiến lược mới, đồng thời nhấn mạnh chính quyền Triều Tiên có thể đã gặp khó khi vướng vào đại dịch COVID-19 và các tác động từ những biện pháp trừng phạt, theo Yonhap.

Nhận định của ông Abrams được đưa ra trong bối cảnh có nhiều đồn đoán rằng Triều Tiên có thể tiết lộ một hệ thống vũ khí mới trong tương lai gần để đánh dấu kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng Lao động cầm quyền vào ngày 10/10.

Ông Abrams cho rằng Bắc Hàn đang vướng phải các khó khăn nên chưa thể có các động thái quân sự. Người đứng đầu USFK lưu ý rằng nhập khẩu của Triều Tiên từ Trung Quốc giảm khoảng 50% sau khi Hoa Kỳ và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt đối nước này sau vụ thử hạt nhân vào tháng 9/2017.

AFA đề nghị Mỹ lập nhóm bảo vệ nhân quyền Tân Cương

Các đại diện cho một nhóm công ty may mặc lớn nhất của Mỹ và quốc tế đã kêu gọi Washington thuyết phục các nước khác cùng gây áp lực buộc chính quyền Trung Quốc chấm dứt lao động cưỡng bức ở khu tự trị Tân Cương, SCMP đưa tin.

Một quan chức của Hiệp hội May mặc và Giày dép (AFA) Hoa Kỳ – đại diện cho The Gap, Versace, Jimmy Choo và các thương hiệu khác – hôm thứ Năm (10/9) nêu ý kiến rằng nhiều quốc gia khác cần tham gia vào các nỗ lực ngoại giao để ngăn chặn lao động cưỡng bức ở khu vực phía Tây Trung Quốc, nơi có hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các sắc dân khác đang bị giam giữ trong các trại cải tạo lao động.

Trong một cuộc thảo luận trực tuyến do Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung tổ chức, ông Nate Herman, phó chủ tịch cấp cao về chính sách của AFA, nói rằng Mỹ cần thuyết phục các quốc gia Châu Âu, Úc, Canada, Nhật Bản hay Hàn Quốc tham gia cùng trong cuộc chiến bảo vệ nhân quyền ở Tân Cương.

Đài Loan lên án hành động khiêu khích của Bắc Kinh

Đài Loan đã lên án “hành động khiêu khích nghiêm trọng” của chính quyền Trung Quốc hôm thứ Năm (10/9) sau khi máy bay phản lực quân sự của Bắc Kinh đã xâm nhập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của hòn đảo hai ngày liên tiếp, theo AFP.

Các nhà chức trách Đài Loan cho biết nhiều máy bay Trung Quốc, bao gồm tiêm kích Su-30, tiêm kích J-10 và máy bay chống ngầm Y-8, đã liên tiếp xâm phạm ADIZ của Đài Loan vào thứ Tư và thứ Năm trong cuộc tập trận quy mô lớn mà quân đội Trung Quốc (PLA) đang thực hiện.

“Các cuộc diễn tập quân sự của chính phủ Trung Quốc tạo thành một hành động khiêu khích nghiêm trọng đối với Đài Loan và là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và ổn định khu vực”, Bộ Ngoại giao Đài Loan nêu quan điểm trong một tuyên bố, và cảnh báo cộng đồng quốc tế rằng: “Hôm nay, PLA tiến hành các cuộc tập trận gần Đài Loan; ngày mai, PLA có thể tham gia vào các mối đe dọa tương tự gần các quốc gia khác”.

Sau UAE, Israel có thể sắp có thêm bạn ở Trung Đông

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Năm (10/9) cho biết, nhiều khả năng một quốc gia khác ở Trung Đông có thể tiếp bước Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) bình thường hóa quan hệ với Israel, theo Reuters.

Tổng thống Trump sẽ tổ chức một buổi lễ ký kết hiệp ước hòa bình giữa hai phái đoàn quan chức Israel và UAE vào thứ Ba tới tại Hoa Kỳ.

Các nhà đàm phán của chính quyền Trump đã cố gắng kêu gọi các quốc gia vùng Vịnh khác, như Bahrain và Oman, bình thường hóa quan hệ với Israel.

Vào tháng trước, Israel và UAE đã đồng ý bình thường hóa quan hệ trong một thỏa thuận mà Tổng thống Trump làm người trung gian kết nối.

Reuters cho hay, ông Trump không tiết lộ tên của quốc gia có thể sẽ tham gia vào hiệp ước hòa bình với Israel, nhưng nhiều khả năng đó là Ả Rập Xê Út.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-11-9-microsoft-tin-tac-trung-nga-iran-tan-cong-bau-cu-my-tuong-my-trieu-tien-khong-cho-thay-dau-hieu-khieu-khich.html

 

Điểm tin thế giới chiều 11/9:

Nhật hiện có thể tấn công mục tiêu đất liền

ở Hoa lục;

Nhà hoạt động Hồng Kông cảm ơn thị trưởng Séc

Triệu Hằng

Mục Điểm tin thế giới tối thứ Sáu (11/9) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Nhật hiện có thể tấn công mục tiêu đất liền ở Hoa lục

Nhiều tháng trước khi tuyên bố từ chức, Thủ tướng Shinzo Abe đã đưa ra một thay đổi chính sách, lần đầu tiên cho phép quân đội Nhật Bản lên kế hoạch tấn công các mục tiêu đất liền ở Trung Quốc và các khu vực khác của châu Á, theo Reuters.

Nếu được chính phủ tiếp theo thông qua, chính sách này sẽ đánh dấu một trong những thay đổi quan trọng nhất trong lập trường quân sự của Nhật Bản kể từ khi Thế chiến II kết thúc. Động thái này thể hiện nỗ lực lâu dài của ông Abe trong việc thúc đẩy một lực lượng quân đội mạnh mẽ hơn và thể hiện mối lo ngại sâu sắc của Tokyo về sức ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Chính phủ Nhật Bản đang quan ngại trước các hoạt động quân sự gia tăng của Trung Quốc xung quanh các đảo nhỏ đang tranh chấp ở Biển Hoa Đông.

Nhà hoạt động Hồng Kông cảm ơn thị trưởng Séc

Honcques Laus, một nhà hoạt động Hồng Kông, cựu thành viên nhóm Studentlocalism, đã đăng một bức thư hôm 5/9 bày tỏ sự cảm ơn tới thị trưởng Prague là ông Pavel Novotny, vì ông đã viết một bức thư chỉ trích gay gắt các quan chức ĐCSTQ là “những tên hề thô lỗ” sau khi họ đưa ra những lời đe dọa đối với các nhà lãnh đạo Séc tới thăm Đài Loan, theo Taiwan News.

Phản hồi trước chuyến thăm của Chủ tịch Thượng viện Séc Milos Vystrcil và phái đoàn 89 thành viên tới Đài Loan vào tuần trước, Ủy viên Quốc vụ viện kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 31/8 tuyên bố: “Chính phủ và nhân dân Trung Quốc sẽ không khách sáo hoặc ngồi yên và sẽ khiến ông ta (Vystrcil) trả giá đắt cho hành vi thiển cận và chủ nghĩa cơ hội chính trị của mình”.

“Cùng ngày, ông Novotny đăng trên trang Facebook của mình một bức thư gửi ông Vương bày tỏ sự bất bình của bản thân ông. Trong thư, ông Novotny chỉ trích ông Vương vì đã “vượt qua ranh giới” các chuẩn mực ngoại giao khi đe dọa chủ tịch Thượng viện Séc và cư xử như “những tên hề thô lỗ, vô lễ”.

Trong thư cảm ơn, anh Laus cũng cho biết, đã 37 ngày trôi qua kể từ khi cảnh sát Hồng Kông phát lệnh bắt giữ anh với cáo buộc vi phạm Luật an ninh Quốc gia hà khắc mà Trung Quốc áp cho đặc khu.

Ông Pompeo: Khả năng cao Nga đứng sau vụ đầu độc Navalny

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết có “nhiều khả năng” chính phủ Nga phải chịu trách nhiệm về vụ đầu độc nhà lãnh đạo đối lập Navalny hồi tháng 8, theo Dailycaller.

Ông Pompeo gần như khẳng định trách nhiệm của Nga về vụ việc trong cuộc phỏng vấn với nhà bình luận bảo thủ Ben Shapiro hôm thứ Tư, theo bản ghi của Bộ Ngoại giao về cuộc phỏng vấn. Alexei Navalny, một nhà phê bình nổi tiếng và là đối thủ của Tổng thống Nga Putin, đã ngã bệnh sau khi được cho là uống trà bị bỏ độc hôm 20/8.

Máy bay chiến đấu Trung Quốc xâm nhập vùng nhận dạng phòng không Đài Loan

Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã xâm nhập Vùng Nhận dạng Phòng không Đài Loan (ADIZ) khoảng 40 lần trong 2 ngày. Bộ mô tả hoạt động này đe dọa hòa bình khu vực và gây nguy hiểm cho giao thông hàng không quốc tế, theo Taiwan News.

Trong cuộc họp báo vào tối thứ Năm (10/9), Thứ trưởng Quốc phòng Chang Che-ping cho biết các máy bay của Lực lượng Không quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận ngoài khơi bờ biển phía tây của Đài Loan trong hai ngày liên tiếp.

Ông Chang kêu gọi Trung Quốc “ngừng trở thành những kẻ gây rối” mà thay vào đó hãy đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực. Ông nhấn mạnh, các đội tình báo, giám sát và trinh sát của quân đội có thể đánh giá ngay lập tức tình hình của kẻ thù và sẵn sàng chiến đấu dựa trên tình huống thực tế. (chi tiết)

Phim Hoa Mộc Lan quay gần 10 trại giam, 5 nhà tù ở Tân Cương

Nhiều bằng chứng đã xuất hiện cho thấy các cảnh quay trong bộ phim điện ảnh gây tranh cãi Hoa Mộc Lan của hãng Disney được quay gần ít nhất 10 trại giam và 5 nhà tù ở khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc, thúc giục các nhà hoạt động nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ kêu gọi một lệnh cấm toàn thế giới với “bộ phim tuyên truyền của Disney”, theo Taiwan News.

Hôm thứ Hai (7/9), tiểu thuyết gia người Anh sinh ra tại Hồng Kông Jeannette Ng đã đăng một bức ảnh chụp màn hình phần ghi công của bộ phim, trong đó hãng Disney cảm ơn một số đơn vị thuộc chính quyền ĐCSTQ ở Tân Cương, nơi quay một phần trong bộ phim. Trong số đó có hai cơ quan ở thành phố Turpan và một ở huyện Shanshan, cho thấy việc quay phim diễn ra ở cả hai khu vực.

Các nhà sản xuất phim đã cảm ơn Cục Công an thành phố Turpan, nơi bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa vào Danh sách Thực thể hồi tháng 10 năm ngoái vì “vi phạm nhân quyền và lạm dụng trong việc thực hiện chiến dịch đàn áp, giam giữ tùy tiện hàng loạt của Trung Quốc và giám sát công nghệ cao đối với người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakhs, và các nhóm thiểu số sắc dân Hồi giáo khác ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương”.

Bộ phim có ngôi sao điện ảnh Trung Quốc Lưu Diệc Phi sắm vai nữ chính, đã gặp nhiều trắc trở từ khi bấm máy cho đến khi phát hành.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-chieu-11-9-nhat-hien-co-the-tan-cong-muc-tieu-dat-lien-o-hoa-luc-nha-hoat-dong-hong-kong-cam-on-thi-truong-sec.html