Đọc báo Pháp – 11/09/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 11/09/2018

Thụy Điển : Một nước châu Âu

như bao quốc gia khác

Minh Anh

Kết quả bầu cử lập pháp tại Thụy Điển hôm nay 11/09/2018 vẫn được một số báo Pháp quan tâm đến. Le Monde trên trang nhất lo ngại đưa tít lớn « Thụy Điển, mô hình chính trị suy yếu trước sự trỗi dậy của phe cực hữu ».

Kết quả bầu cử lập pháp hôm Chủ Nhật 09/9 không đưa ra được một đa số nào ở Nghị viện để thành lập chính phủ. Phe cực hữu tuy chỉ được 17,6% lá phiếu cử tri, nhưng cho thấy một sự tiến triển mạnh mẽ so với tỷ lệ 12,9% hồi năm 2014. Sự trỗi dậy này đang làm chao đảo thế cân bằng truyền thống. Trong khi đó, khối cánh tả, do phe Xã hội – Dân chủ dẫn đầu, chỉ có được 144 ghế trong tổng số 349, xấp xỉ với con số 143 ghế của phe hữu.

Xã luận của Le Monde nhận định, với kết quả này, các chính đảng lớn đã cứu được « sĩ diện » của mình, nhưng sự việc không che giấu được những gì đang diễn ra tại nhiều nước dân chủ phương Tây : Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy – cực hữu và sự suy yếu của các đảng cầm quyền truyền thống.

Chuyển động này đang làm nổi rõ sự phân chia địa lý đông – tây và năm – bắc, chia rẽ về kinh tế giữa những nước giàu – ít giàu hơn, hay khác biệt về văn hóa đôi khi cũng được đề cập đến chẳng hạn như phân biệt giữa những nước có truyền thống Tin Lành với các nước theo Công Giáo.

Giờ đây, chính trường Thụy Điển có nguy cơ rơi vào bế tắc. Đảng về đầu Xã Hội – Dân Chủ chỉ nhỉnh hơn cánh hữu một ghế. Với 62 ghế ở Nghị Viện, đảng cực hữu Dân Chủ Thụy Điển ở vị thế trọng tài. Thế nhưng, không một chính đảng nào muốn thành lập chính phủ với họ. Người dân Thụy Điển có nguy cơ phải chờ đợi thêm nhiều tuần mới có được một chính phủ.

Vậy chuyện gì đang xảy ra cho Thụy Điển, một đất nước luôn đi đầu về mô hình xã hội dân chủ nổi tiếng là khoan dung ? Đương nhiên, cuộc khủng hoảng người tị nạn năm 2015 là yếu tố không thể chối cãi dẫn đến sự trỗi dậy của phe cực hữu.

Nhưng Thụy Điển đâu phải là trường hợp duy nhất. Chẳng phải quốc gia Bắc Âu láng giềng Na Uy, với 15% người nhập cư, họ cũng đã ngăn chặn thành công đà tiến của phe cực hữu đó hay sao ? Do vậy, theo nhật báo, chủ nghĩa lý tưởng của Thụy Điển đã gặp phải cú sốc toàn cầu hóa, mà khi đối mặt, đảng Xã hội – Dân chủ đã tỏ ra hụt hơi, không có khả năng tìm được lời giải về sự bất an và cuộc khủng hoảng bản sắc đang len lỏi trong lòng cử tri.

Tóm lại, theo như nhận định của cựu thủ tướng Carl Bildt trên mạng xã hội Twitter ngày thứ Hai 10/9, « Thụy Điển đã trở thành một nước châu Âu như bao quốc gia khác ». Một quan điểm cũng được tờ Le Figaro, trong một bài phân tích, đồng chia sẻ cho rằng « sự trỗi dậy của phe cực hữu tại Thụy Điển cũng cho thấy là giờ không một nước nào được miễn dịch trước làn sóng chủ nghĩa dân túy ».

Nga – Trung phô trương sự đồng thuận

Nhìn sang nước Nga, nhân việc nước này tổ chức một cuộc tập trận trên quy mô lớn nhất trong lịch sử đương đại, với sự tham gia của 3.200 binh sĩ Trung Quốc, báo La Croix có bài : « Nga – Trung phô trương sự đồng thuận ».

Tờ báo trích nhận định của chuyên gia Mathieu Duchatel, phụ trách khu vực châu Á, thuộc Hội Đồng Nghiên Cứu Chiến Lược Châu Âu : trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, Nga và Trung Quốc hiện nay đang ở trong thời kỳ trăng mật.

Còn theo bà Isabelle Facon, chuyên gia về Nga tại Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược, thì vào lúc quan hệ Nga-Trung được xây dựng, căng thẳng đang gia tăng giữa Nga và phương Tây. Bắc Kinh và Matxcơva cho rằng các cường quốc phương Tây làm mọi cách để duy trì sự lãnh đạo của họ. Mặt khác, Nga và Trung Quốc cũng chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược và ý thức hệ trước cái gọi là sự hung hăng của Hoa Kỳ.

Là hai nhà lãnh đạo toàn trị, Vladimir Putin và Tập Cận Bình duy trì mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau và điều này được thể hiện qua các cuộc bỏ phiếu tại Hội Đồng Bảo An. Trung Quốc có thái độ gọi là trung lập đồng lõa trong hồ sơ Syria và Ukraina – mặc dù Bắc Kinh chưa thừa nhận việc Matxcơva sáp nhập bán đảo Crimée. Còn Nga chưa bao giờ lên án lập trường bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Mối quan hệ hữu hảo này còn thể hiện ở các cấp đại sứ, quân sự và giữa các trường đại học.

Nga và Trung Quốc cùng thảo luận các vấn đề an ninh, tiến hành tập trận chung trong khuôn khổ Tổ Chức An Ninh Thượng Hải, nhưng không hề có liên minh quân sự song phương. Theo chuyên gia Duchatel, vấn đề liên minh quân sự đã được thảo luận khi Tập Cận Bình mới lên nắm quyền, nhưng cuối cùng, ý tưởng này đã bị bác bỏ. Trung Quốc có lập trường thực dụng, chỉ muốn phối hợp với Nga trên một số hồ sơ chung.

Kim Jong Un vật vã đối phó với sóng ngầm K-Pop

Bắc Triều Tiên ngày Chủ Nhật 09/09/2018 mừng quốc khánh lần thứ 70. Nhân sự kiện này, báo Pháp có các bài phóng sự về tình hình kinh tế – xã hội đất nước dưới sự lãnh đạo của Kim Jong Un. Le Monde có bài viết đề tựa « Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa cuộc diễu binh ».

Lễ duyệt binh mừng 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên không còn những hình ảnh hiếu chiến như tên lửa liên lục địa. Mọi tham chiếu về vũ khí hạt nhân cũng biến mất. Theo nhận định của nhà báo Harold Thibault, lễ mừng quốc khánh năm nay, Bắc Triều Tiên đặt ưu tiên phát triển kinh tế.

Báo Le Figaro có bài phóng sự dài của đặc phái viên Sébastien Falletti cho biết « Tại Bình Nhưỡng, cách mạng nhạc ʺpopʺ ngầm phá hoại dấu ấn của Kim ».

Bất chấp lệnh cấm nghiêm ngặt, các cuộc truy lùng gắt gao của cảnh sát và các án phạt nghiêm khắc, các sản phẩm văn hóa của Hàn Quốc và Trung Quốc như phim truyện tình cảm nhiều tập, các vũ điệu nóng bỏng hay những đĩa nhạc K-Pop vẫn được lén lút đưa vào bán trái phép ở Bắc Triều Tiên.

Những sản phẩm này len lỏi vào đời sống của một bộ phận lớn người dân đô thị, thậm chí cả những cán bộ đảng Lao động. Đến mức, tác giả bài viết cho rằng một làn sóng nhạc pop ngầm đang sinh sôi nảy nở tại vương quốc Kim Jong Un, và làn sóng này đang âm thầm phá hủy các dấu ấn chuyên chế của triều đại cộng sản duy nhất trên hành tinh này.

Làn sóng « văn hóa ngầm » này đang thách thức thế độc quyền tư tưởng của chế độ xã hội thần quyền, có tham vọng bảo vệ người dân « từ lúc còn nằm nôi cho đến lúc xuống mồ ». Thế nhưng, cùng với sự phát triển công nghệ và sự xuất hiện khóa USB từ năm 2010, những sản phẩm văn hóa đó đã lẩn tránh được sự kiểm duyệt và tăng tốc xâm nhập xã hội Bắc Triều Tiên.

Trung Quốc : Đầu tầu

ngành năng lượng hạt nhân thế giới

Trong lĩnh vực kinh tế, Le Figaro trên trang nhất phụ san kinh tế nhận định « Ngành hạt nhân thụt lùi trên thế giới ngoại trừ Trung Quốc ».

Theo World Nuclear Industry Status Report ấn bản năm 2018, từ ba năm nay, nếu như mức sản xuất điện hạt nhân tiếp tục tăng trên thế giới (+1% trong năm 2017), đó là nhờ vào Bắc Kinh. Tại Trung Quốc, mức sản xuất nguồn năng lượng này trong năm qua đã tăng thêm 18%.

Với 41 lò phản ứng hạt nhân, Trung Quốc xếp hàng thứ ba, đứng sau Mỹ và Pháp. Tổng cộng trong năm 2017, thế giới có thêm 4 lò phản ứng hạt nhân, 3 tại Trung Quốc và một tại Pakistan, nhưng do Trung Quốc xây dựng. Và trong năm 2018, trong số 7 trung tâm khai thác điện hạt nhân được đưa vào hoạt động, có 5 trung tâm tại Trung Quốc và hai ở Nga.

Từ những ghi nhận này, « Trung Quốc tiếp tục thống lĩnh ngành năng lượng hạt nhân nhờ vào các quyết định được đưa ra cách nay nhiều năm », theo như ghi nhận của cơ quan cố vấn có uy tín này của Mỹ. Trung Quốc là quốc gia duy nhất đầu tư nhiều vào lĩnh vực này từ 15 năm nay.

Trong khi đó, trên thế giới, lĩnh vực năng lượng hạt nhân đang có xu hướng thụt lùi. Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế AIEA, từ đây đến năm 2030, số lượng lò phản ứng hạt nhân có thể sụt giảm đến 10%, do nhiều nguyên nhân như lò phản ứng quá cũ phải ngưng hoạt động và sự xuất hiện của nhiều nguồn năng lượng tái tạo khác như khí tự nhiên, điện gió hay năng lượng mặt trời.

Trang nhất các báo Pháp

Tình hình chính trị – xã hội nước Pháp là chủ đề chính trên một số nhật báo Pháp ngày 11/09/2018. Le Figaro trên trang nhất đề tựa « Elysée, Quốc Hội : Những nhân vật thân cận của Macron trên tuyến đầu ».

Libération nặng nề chỉ trích « Macron chống người về hưu ». Nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm đến « Cải cách lao động và những thành quả đầu tiên ».

Riêng nhật báo Công giáo La Croix chú ý đến khu vực châu Mỹ Latinh. Tờ báo đau đáu nhìn sang đất nước « Nicaragua với một cuộc trấn áp không hồi kết ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180911-thuy-dien-chau-au-bau-cu-qt-db

 

Tin đọc nhanh

(AFP) – TT Pháp Emmanuel Macron mất 12 điểm tín nhiệm trong mùa hè vừa qua. 

Theo thăm dò ý kiến Odoxa được công bố hôm nay 11/09/2018, chỉ có 29% số người được hỏi đánh giá tích cực về tổng thống Macron. Đây là tỉ lệ được lòng dân thấp nhất của ông Macron từ khi ông lên nắm quyền. Thủ tướng Edouard Phillipe cũng mất 5 điểm tín nhiệm, chỉ còn 35% số người được hỏi đánh giá cao thủ tướng Pháp.

(Reuters) – Mỹ kêu gọi các hãng hàng không cẩn trọng khi bay qua không phận Iran. 

Cục Quản Lý Hàng Không Liên Bang Mỹ (FAA) hôm Chủ Nhật 09/09/2018 công bố văn bản hướng dẫn mới, khẳng định hiện có nhiều hoạt động quân sự diễn ra trên không phận Iran hoặc nhiều chiến đấu cơ bay qua vùng trời Iran hướng tới Syria. Trong văn bản này, FAA cũng cho biết hồi tháng 12/2017, một máy bay dân dụng của Mỹ đã từng bị các chiến đấu cơ chặn lại khi bay qua vùng trời Iran.

(Reuters) – Trung Quốc sẽ phải mua 7.690 máy bay trong vòng 2 thập niên tới đây. 

Tập đoànBoeing hôm nay 11/09/2018 ước tính Trung Quốc sẽ phải chi 1.200 tỉ đô la để mua máy bay nhằm đáp ứng nhu cầu tăng các chuyến bay nội địa và quốc tế. Con số 7.690 máy bay mà Boeing ước tính Trung Quốc sẽ mua từ nay đến năm 2038 như vậy đã tăng 6,2% so với dự đoán năm ngoái cũng của hãng này (7.240).

(AFP) – Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tố Damas muốn tiêu diệt đối lập Syria. 

Trong mục diễn đàn của Wall Street Journal ngày 11/09, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan một lần nữa kêu gọi Nga và Iran ngăn chận tắm máu ở Syria. Theo ông Erdogan, mục tiêu của chế độ Damas ở Idleb là « tấn công một cách không phân biệt để tiêu diệt đối lập Syria chứ không phải là một chiến dịch đúng nghĩa để trừ khủng bố ».

(AFP) – Anh Quốc không cứu được hàng ngàn nô lệ mới, trong đó có trẻ Việt Nam. 

Hiệp Hội Chống Buôn Người ATMG chỉ trích chính phủ Anh không bảo vệ được hàng ngàn trẻ em nạn nhân bị cưỡng bách bán dâm và trồng cần sa. Thông cáo của ATMG công bố ngày 11/09 cho biết số nạn nhân trẻ vị thành niên tăng 66% trong hai năm qua với 2118 người. Một phần ba là dân Anh, phần lớn còn lại là người Việt Nam, Soudan, Eythrea, Afghanistan và Irak.

(AFP) – Sinh viên Hàn tăng cân để trốn nghĩa vụ quân sự.

Hôm nay, 11/09/2018, quân đội Hàn Quốc đã cáo buộc 12 sinh viên của nước này cố tình tăng cân để trốn nghĩa vụ quân sự bắt buộc.Theo một đơn vị tuyển quân Hàn Quốc, các sinh viên trên, đang theo học ngành âm nhạc cổ điển của Đại học Seoul, đã dùng các loại bổ protéine và uống rất nhiều nước trong ngày đi khám nghĩa vụ quân sự, mục đích để tăng trọng lượng cơ thể. Tại Hàn Quốc, làm nghĩa vụ quân sự là bắt buộc với mọi thanh niên từ 18 đến 28 tuổi. Chỉ những người quá béo hoặc quá gầy hay đang mang một số bệnh hoặc có dị tật mới được miễn nghĩa vụ.

(AFP) – Liên Hiệp Quốc tố cáo Miến Điện ngược đãi các nhà báo độc lập. 

Hôm nay, 11/09/2018, Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân Quyền đã khẳng định Miến Điện đang tiến hành một chính sách chống lại các nhà báo độc lập. Cơ quan LHQ nhận định các nhà báo Miến Điện không thể làm việc mà không sợ hãi hoặc không có thế lực chống lưng. Bà Cao Ủy Nhân Quyền Michelle Bachelet kêu gọi chính quyền Miến Điện chấm dứt sách nhiễu các nhà báo, xem xét lại các điều luật mù mờ gây hại đến việc thực thi chính đáng quyền tự do ngôn luận.

(AFP) – CPI trả lời đe dọa của Mỹ.

Tòa Án Hình Sự Quốc Tế hôm nay tuyên bố quyết tâm tiếp tục công việc của mình sau các đe dọa trừng phạt của cố vấn an ninh tổng thống Mỹ, John Bolton, vì Tòa điều tra các hoạt động phạm tội của quân đội Mỹ tại Afghanistan. Hôm nay CPI ra thông cáo khẳng định Tòa là một định chế công minh và độc lập được sự ủng hộ của 123 nước. « CPI, trên tư cách tòa án công lý sẽ tiếp tục công việc không nản chí, tuân theo các nguyên tắc và ý tưởng cơ bản của Nhà Nước pháp quyền ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180911-tin-doc-nhanh