Đọc báo Pháp – 11/04/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 11/04/2018

Kim Jong Un chuẩn bị ngoại giao

trước cuộc đọ sức với Donald Trump

Anh Vũ

Phương Tây trước thách thức tấn công quân sự trừng phạt Syria vì sử dụng vũ khí hóa học. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên lần đầu tiên đề cập đến chiến lược ngoại giao với kẻ thù, Facebook khủng hoảng ngày thêm nghiêm trọng. Đó là những sự kiện quốc tế chính được các báo Pháp ra hôm nay quan tâm.

Trước hết xin được đến với hồ sơ Bắc Triều Tiên. Một tháng sau khi bất ngờ đưa lời mời gặp thượng đỉnh với tổng thống Donald Trump, hôm qua (10/04), « lãnh đạo tối cao » Bắc Triều Tiên lần đầu tiên trong một cuộc họp Đảng công khai đề cập đến « viễn cảnh đối thoại » với Washington, kẻ thù không đội trời chung với Bình Nhưỡng từ hơn nửa thế kỷ qua.

Sự kiện được nhật báo Le Figaro đề cập qua bài viết : « Kim thắt chặt các liên minh quốc tế trước cuộc gặp thượng đỉnh với Trump ». Tờ báo ghi nhận lãnh đạo Bắc Triều Tiên đang liên tục tìm kiếm chỗ dựa ngoại giao trước cuộc đọ sức với tổng thống Mỹ. Việc Kim Jong Un công khai nói đến chiến lược xích lại gần kẻ thù là dấu hiệu khẳng định cuộc gặp lịch sử này đang được chuẩn bị. Hôm thứ Hai, ông Trump đã khẳng định dự tính gặp Kim trong tháng 5 hoặc đầu tháng 6. Theo Nhà Trắng thì Bình Nhưỡng đã trực tiếp tỏ cho Hoa Kỳ thấy quyết tâm đặt hồ sơ hạt nhân lên bàn đàm phán. Le Figaro trích dẫn bà Sue Mi Terry, chuyên gia thuộc Center For Strategic & International Studies – CSIS, từng là cựu nhân viên CIA cho biết : « đã có những cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa các cơ quan tình báo » hai bên. Kênh liên lạc bí mật này đã được Mike Pompeo, cựu lãnh đạo CIA vừa được bổ nhiệm ngoại trưởng Mỹ, khởi xướng và chủ yếu để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh tới. Một nhà ngoại giao Mỹ tháng trước đã có các cuộc trao đổi với các quan chức Bình Nhưỡng tại Phần Lan còn khẳng định với le Figaro rằng lần này thì « Bắc Triều Tiên rất nghiêm túc xem xét sự việc ».

Hội nhập quốc tế trong tư thế cường quốc hạt nhân

Nhật báo Pháp nhắc lại là sau khi có hồi âm nhanh chóng nhận lời của tổng thống Mỹ, Kim cũng đã không chậm trễ tạo vị thế ngoại giao. Theo chuyên gia chính trị Abraham Denmark thuộc trung tâm Wilson Centre, « Kim có sáng kiến. Ông ta mở ra một giai đoạn mới trong thời kỳ trị vì của mình nhằm tái hòa nhập Bắc Triều Tiên với quốc tế, nhưng trong tư thế là cường quốc hạt nhân ». Để chuẩn bị cho cuộc gặp Kim-Trump, những ngày qua, Bình Nhưỡng liên tục có các cuộc tiếp xúc ngoại giao với nhiều nước, cử ngoại trưởng tới Nga, còn với Trung Quốc Kim Jong Un trực tiếp tới Bắc Kinh gặp Tập Cận Bình.

Le Figaro nhận định, cuộc phản công ngoại giao nhằm tìm kiếm thêm sự hậu thuẫn trước khi lên « võ đài » đấu với Trump, người vẫn luôn đe dọa dùng giải pháp quân sự trong trường hợp giải pháp ngoại giao thất bại. Việc bổ nhiệm nhân vật có tiếng là diều hâu John Bolton làm cố vấn an ninh quốc gia sẽ co hẹp phạm vi hành động của các nhà đàm phán Bắc Triều Tiên. Bởi vì theo Le Figaro, chính nhân vật này dưới thời tổng thống Bush đã làm cho quan hệ với Bình Nhưỡng trở nên tồi tệ hơn khi đặt Bắc Triều Tiên vào « trục tội ác » để rồi Bình Nhưỡng đáp lại bằng đẩy mạnh chạy đua vũ khí hạt nhân. Thậm chí ở Mỹ, có ý kiến ví von rằng « kho vũ khí nguyên tử của Bắc Triều Tiên hiện nay là con đẻ của Bolton ».

Đàm phán nhưng không từ bỏ bom hạt nhân

Có một điều mà các chuyên gia khẳng định, dù sẵn sàng đàm phán nhưng Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ từ bỏ bom hạt nhân.

Từ thời Kim Nhật Thành, Bình Nhưỡng vẫn gắn vấn đề ngừng chương trình hạt nhân với một hiệp ước hòa bình ký với Washington, một sự bảo đảm cho chế độ tồn tại. Theo Le Figaro, Bắc Triều Tiên đang thăm dò qua các đồng minh về những đề nghị đàm phán với tổng thống Mỹ.

Ngoài ra, vấn đề chọn địa điểm cho cuộc gặp thương đỉnh cũng là một vấn đề nhạy cảm và đau đầu trên phương diện ngoại giao cũng như an ninh. Mặc dù khu phi quân sự hai miền Triều Tiên DMZ có thể là địa điểm mang tính biểu tượng cao, nhưng Washington dường như lại thích chọn một nước thứ 3 để khỏi mang tiếng lệ thuộc vào người « môi giới » Hàn Quốc.

Tờ báo cho biết, Thụy Điển, Thụy Sĩ đã sẵn sàng cho mượn địa điểm. Tuy nhiên, một vị trí gần với bán đảo Triều Tiên chẳng hạn như Oulan Bator của Mông Cổ hay Vladivostok (Nga) có thể tiện hơn cho việc di chuyển bằng xe lửa của Kim Jong Un. Biết đâu ông Trump, một người vốn tính khí khó lường lại một lần nữa làm sai lệch mọi dự đoán khi chấp nhận đến Bình Nhưỡng thì sao ?

Mỹ-Trung : Tranh chấp thương mại triền miên

Một chủ đề khác liên quan đến châu Á được nhật báo kinh tế Les Echos chú ý. Đó là căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Tờ báo ghi nhận : « Đối mặt với Donald Trump, Tập Cận Bình chơi bài mở cửa nhưng hạn chế nhượng bộ ».

Trong bối cảnh những đe dọa trả đũa nhau giữa Mỹ và Trung Quốc trong làm ăn kinh tế tiếp tục leo thang, tại diễn đàn kinh tế Bát Ngao Trung Quốc ngày hôm qua, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã có một bài diễn văn dài nhằm đáp lại chủ trương bảo hộ mậu dịch của người đồng nhiệm Mỹ. Ông Tập hứa hẹn sẽ mở cửa hơn nữa nền kinh tế Trung Quốc cho các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên ông không tuyên bố một biện pháp cụ thể nào.

Vẫn liên quan đến thương mại Mỹ -Trung, Les Echos có bài viết nhắc lại 16 năm tranh chấp thương mại Mỹ- Trung ở Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (OMC). Tờ báo cho biết, từ khi Trung Quốc gia nhập OMC năm 2001, Mỹ và Trung Quốc đã kiện nhau ra tổ chức này 38 vụ. Gần nhất là ngày hôm qua (10/03/2018) Trung Quốc lại chính thức kiện Mỹ về vụ áp mức thuế với mặt hàng nhôm 10% và thép 25% nhập vào Mỹ. Theo tờ báo thì hầu hết các vụ kiện trên đều không được giải quyết thỏa đáng và các tranh chấp thương mại giữa hai bên vẫn như những đợt sóng ngầm, có điều kiện lại nổi lên.

Tấn công Syria :

Phương Tây tiến thoái lưỡng nan

Trở lại với sự kiện quốc tế nóng nhất của báo chí Pháp : Phương Tây lại bị đặt trước tình thế thách thức nan giải tấn công trừng phạt Syria vì những cáo buộc đã sử dụng vũ khí hóa học tại thành phố Douma, cứ địa cuối cùng của quân nổi dậy hôm 07/04 vừa qua.

Pháp và Mỹ đã hứa đáp trả cứng rắn vụ tấn công hóa học được cho là do quân đội của Assad tiến hành. Nhật báo Le Monde chạy tựa xã luận : « Syria : Đòn đáp trả tất yếu của phương Tây ».

Theo Le Monde thì đây là lần thứ 2 cộng đồng quốc tế lại đối mặt với thách thức chế độ Damas sử dụng vũ khí hóa học sát hại chính dân mình. Xã luận Le Monde tỏ phẫn nộ : « Trừng phạt thế nào với những thủ phạm của hành động mà theo luật pháp quốc tế gọi là tội ác chiến tranh ? »

Lần trước cách đây gần 5 năm, chế độ Damas cũng đã vượt qua « làn ranh đỏ » dùng vũ khí hóa học làm hàng trăm thường dân Syria thiệt mạng. Nhưng lần đó kế hoạch tấn công quân sự đã bị chính quyền Obama bỏ rơi sát giờ khai hỏa, ngày 31/08/2013, khiến Pháp chưng hửng đành phải thu quân. Lần này, sau vụ thảm sát ở Douma, tổng thống Donald Trump và Emmanuel Macron trong hai ngày đã gọi nhau hai lần và đồng thuận là nhất thiết phải « có phản ứng cứng rắn của cộng đồng quốc tế ».

Theo Le Monde : « Như vậy, một sự đáp trả là tất yếu ….. Vấn đề không còn là có phải đáp trả hay không ? mà là đáp trả thế nào ? ». Xã luận bài báo phân tích, « trên bình diện ngoại giao, tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Nga, người bảo vệ Bachar al-Assad đồng thời là ông chủ của bầu trời Syria phủ quyết mọi ý định trừng phạt Damas. Một khi con đường ngoại giao đã bị đóng, Pháp và Mỹ sẽ phải hành động theo ý riêng của mình, có thể với sự hỗ trợ của Anh ».

Xã luận Le Monde kêu gọi : « Mỹ và Pháp cần phải nghĩ xa hơn, không hấp tấp, càng có nhiều đồng minh càng tốt, không coi thường hệ lụy của chiến dịch trong một môi trường dễ bùng nổ bởi sự có mặt của các tác nhân như Nga, Iran và Israel cũng như là Thổ Nhĩ Kỳ. Hiếm khi nào Trung Đông lại ở trong tình thế nguy hiểm như thế này ».

Facebok chưa hết lao đao

vì vụ rò rỉ thông tin cá nhân

Thời sự thế giới được Libération quan tâm nhiều là vụ Facebook đang đối mặt với một khủng hoảng lớn để rò rỉ thông tin cá nhân người sử dụng mạng xã hội.

Người sáng lập mạng xã hội này hôm qua phải ra điều trần trước Thượng Viện Mỹ, liên quan đến vụ Facebook để công ty Cambridge Analytica khai thác bất hợp pháp thông tin cá nhân của người dùng mạng xã hội.

Bài phân tích của Liberation chạy tựa lớn « Facebook : Với Zuckerberg, những phiền toái đang hiện rõ ».

Từ những ngày qua, người sáng lập ra mạng xã hội hàng đầu thế giới cùng với các giám đốc bộ phận phải đôn đáo ngược xuôi khắp nơi để giải trình, phân trần và xin lỗi. Theo Libération, « vụ Scandal Cambridge Analytica đang kéo Facebook vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có, sức ép của các nhà chính trị và của dư luận mạnh chưa từng thấy ». Libération khẳng định đây là một vụ bê bối 2 trong 1 : Một là vai trò của Cambridge Analytica, một công ty « tiếp thị » thương mại và chính trị đã sử dụng bất hợp pháp thông tin cá nhân của hàng chục triệu người để phục vụ mục đích chính trị là chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ và chiến dịch vận động trưng cầu dân ý về Brexit. Mặt khác đó là chuyện Facebook, nắm giữ một khối lượng khổng lồ thông tin cá nhân người sử dụng và chuyển cho bên thứ 3 để sử dụng. Vấn đề không còn là uy tín hay khả năng bảo mật của Facebook mà đó là cách làm ăn của Facebook. Trong khi lãnh đạo của Facebook đang tìm cách dập đám cháy thì các cáo buộc, chỉ trích mạng xã hội số 1 thế giới này ngày thêm nhiều về tính năng cũng như mô hình hoạt động của nó. Tài sản của Facebook từ xếp hạng 7 thế giới đang bốc hơi và tụt xuống 2 bậc kể từ khi nổ ra vụ bê bối.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180411-kim-jong-un-chuan-bi-ngoai-giao-truoc-cuoc-do-suc-voi-donald-trump

 

Tin đọc nhanh

(AFP) – Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung : Donald Trump gửi tweet cám ơn Tập Cận Bình vì « lời lẽ đáng mến ». Sau một loạt các đe dọa qua lại sẽ trả đũa nghiêm trọng từ một tháng nay, Washington và Bắc Kinh đang bước vào giai đoạn xuống thang. Hôm qua, 10/4, ông Trump gửi một thông điệp tweet để cảm ơn đồng nhiệm họ Tập về những « lời lẽ đáng mến » liên quan đến chủ đề thuế nhập khẩu xe hơi Mỹ. Vài giờ trước đó, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết sẽ giảm « đáng kể » loại thuế này. Nguyên thủ Mỹ nhìn nhận phát biểu nói trên của lãnh đạo Trung Quốc sẽ giúp cho hai bên có thể đạt được « các tiến bộ lớn cùng nhau », và là một cách Bắc Kinh thừa nhận giữa hai bên có vấn đề về « sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ ».

(AFP) – Trung Quốc : Chủ nhân một ứng dụng tin học sám hối, vì không kiểm soát chặt nội dung. Gây áp lực với các công ty tin học là một cách để chính quyền Trung Quốc siết chặt kiểm duyệt. Ứng dụng mang tên Jinri Toutiao (tiếng Hoa có nghĩa là « Tin tức trang nhất hôm nay »), với khoảng 200 triệu người sử dụng, bị chính quyền Bắc Kinh ngăn chặn mới đây. Hôm nay, ông chủ của ứng dụng này đã lên tiếng bày tỏ « hối hận sâu sắc », và cho biết đau khổ đến mức « mất ngủ », sau khi bị chính quyền trừng phạt. Để chuộc lỗi, công ty hứa hẹn sẽ gia tăng kiểm duyệt các thông tin được đưa qua ứng dụng này, nâng tổng số nhân viên phụ trách kiểm duyệt từ 6.000 người đến 10.000 người.

(AFP) – Ngoại trưởng Nhật đến Seoul bàn về hợp tác và Bắc Triều Tiên. Trong một chuyến đi được đánh giá là hiếm hoi, ông Taro Kono đã gặp đồng nhiệm Hàn Quốc Kang Kyung Wha ngày 11/04/2018 tại Seoul. Hai bên mong muốn « hợp tác chặt chẽ hơn » để giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên, xây dựng hòa bình trên bán đảo. Ông Taro Kono đến Seoul với một danh sách những điều mà Tokyo muốn thúc đẩy trong cuộc họp thượng đỉnh liên triều dự kiến ngày 27/04 tới đây. Ngoài Bắc Triều Tiên hai bên còn bàn đến các đảo tranh chấp.

(AFP) – Quan hệ Nhật-Trung cải thiện. Theo bộ Ngoại Giao Trung Quốc ngày 11/04/2018, Ngoại trưởng Vương Nghị sẽ chính thức thăm Nhật vào trung tuần tháng 4. Đây là một dấu hiệu về việc quan hệ hai bên đang được sưởi ấm, và sắp tới có thể có những chuyến viếng thăm lẫn nhau cấp Nhà nước. Quan hệ Nhật-Trung khá lạnh nhạt, nếu không muốn nói là căng thẳng do tranh chấp biển đảo, nhưng Tokyo mong muốn cải thiện để không bị gạt ra khỏi vòng đàm phán về hạt nhân Bắc Triều Tiên mà Trung Quốc có một vai trò quan trọng.

(Reuters) – Bên công tố kháng cáo bản án nhẹ đối với cựu tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye. Công tố viện đã nộp đơn kháng án ngày 11/04/2018, chống lại bản án 24 năm tù và 18 tỉ won tiền phạt đối với bà Park Geun Hye, bị cho là quá nhẹ so với mức án 30 năm tù, và hơn 118 tỉ won tiền phạt mà bên công tố đề nghị. Các công tố viên cho là tòa án đã bỏ đi một số tội danh tham nhũng.

(AFP) – Nhân vật Serbia bị tố cáo phạm tội ác chiến tranh, Vojislav Sesel bị xử lại ở tòa án quốc tế. Phiên tòa phúc thẩm mở ra ngày 11/04/2018 ở La Haye (Hà Lan). Nhân vật này đã bị tố cáo phạm tội ác chiến tranh, tội ác chống nhân loại trong cuộc chiến ở vùng Balkan. Nhưng cuối cùng, sau 8 năm xét xử, thì ông đã được tha bổng vào năm 2016, và được trả tự do trước sự ngạc nhiên của mọi người. Bên công tố đã yêu cầu xét xử lại vì có nhiều sai lầm trong phán xét của phiên sơ thẩm.

(AFP)– Bất ngờ thua đậm AS Roma, đội tuyển Barcelona bị loại khỏi cúp C1. Hôm qua, 10/04, đội tuyển Tây Ban Nha FC Barcelona thua AS Roma với tỉ số 3-0 tại sân nhà. Tuy kết quả tổng cộng hai lượt đi về Barcelona – Roma ngang điểm, nhưng đội Tây Ban Nha bị loại do bị thua nhiều bàn hơn tại sân nhà. Đây là một thắng lợi lịch sử với đội tuyển AS Roma, bởi với thắng lợi bất ngờ này, AS Roma lần đầu tiên lọt vào vòng bán kết cúp 1, kể từ năm 1984. Còn với Barcelona, đây là lần đầu tiên đội bóng hàng đầu châu Âu không lọt vào bán kết cúp C1, kể từ 2015.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180411-tin-doc-nhanh