Đọc báo Pháp – 11/02/2020
Con tin : Món hàng mặc cả của Iran
trong đàm phán quốc tế ?
Minh Anh
Hệ quả của virus corona đối với chính trị và kinh tế Trung Quốc ; Khủng hoảng chính trị tại Đức ; Bầu cử sơ bộ của đảng Dân Chủ ở New Hampshire… là những chủ đề quốc tế được các nhật báo Pháp ngày 11/02/2020 khai thác rộng rãi.
Tuy nhiên, điều làm cho nước Pháp lo lắng nhất là « Vũ khí con tin của Iran », như hàng tít lớn trên trang nhất nhật báo Công giáo La Croix. Bởi vì, ngày hôm nay, tại Paris diễn ra một cuộc tập hợp thầm lặng để đòi chính quyền Teheran trả tự do cho bà Fariba Adelkhah và Roland Marchal, bị bắt tại Iran khi về thăm người thân.
Cả hai đều là nhà nghiên cứu khoa học của Pháp : Fariba Adelkhah, nhà nhân chủng học gốc Iran, còn Roland Marchal lại là một nhà chính trị học và chuyên gia về Vùng Sừng Châu Phi. Họ bị bắt vì lý do gì ? Thật sự không ai biết ngoài những cáo buộc do chính quyền do Teheran đưa ra : « tuyên truyền chống chế độ » hay có « âm mưu gây hại an ninh quốc gia ». Những cáo buộc mà các đồng nghiệp của hai nhà khoa học đánh giá là « nực cười và thậm chí quá đáng ».
Làm thế nào để hai nhà nghiên cứu được trả tự do ? Đây quả thật là một bài toán hóc búa cho chính phủ Pháp. Bởi vì, kẻ bắt giữ họ là một Nhà nước chứ không phải là một « nhóm khủng bố ». Do vậy, như nhận định của ông Jean-François Bayart, cựu giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế tại Sciences Po, nơi bà Fariba Adelkhah công tác « chắc chắn tài chính không là vấn đề mặc cả ».
Trao đổi tù nhân ?
Vậy thì vì mục đích gì ? Giới chuyên gia tại Pháp được La Croix trích dẫn đưa ra hai giả thuyết : Thứ nhất là lực lượng Vệ Binh Cộng Hòa muốn cản trở ý đồ nối lại đàm phán giữa nguyên thủ Pháp với tổng thống Hassan Rohani, kể từ khi Hoa Kỳ xé bỏ thỏa thuận hạt nhân được ký kết vào năm 2015.
Giả thuyết thứ hai là có thể sử dụng hai nhà nghiên cứu này như là một món hàng để trao đổi. Jean-François Bayart giải thích : « Các nhà ngoại giao chưa có gì là chắc chắn cả, nhưng ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy yếu tố khởi động là vụ bắt giữ một kỹ sư người Iran, đầu tháng Hai ở Nice. Có nhiều thông điệp thể hiện rõ ý đồ này ».
Ông Jalal Rohollahnejad, 41 tuổi, bị bắt khi vừa đặt chân đến Pháp ngày 02/02/2019. Người này là đối tượng truy nã của Mỹ, bị cáo buộc có âm mưu xuất khẩu các thiết bị tin học cho một doanh nghiệp Iran trực thuộc Vệ Binh Cách Mạng. Hiện tư pháp Pháp đang hoàn tất các thủ tục để cho dẫn độ sang Mỹ.
Nếu như giả thuyết này đúng, đây cũng không phải là lần đầu tiên nước Pháp có kiểu thỏa thuận này. Năm 2010, tuy nước Pháp không thừa nhận công khai, nhưng kẻ ám sát cựu thủ tướng Chapour Bakhtiar dưới thời vua Iran Mohammad Reza Pahlavi (16/09/1941-11/02/1979) đã bị trục xuất khỏi nước Pháp hai ngày sau khi nữ sinh viên Clotilde Reiss được trả tự do sau gần một năm bị Teheran giam giữ.
Trở lại với trong trường hợp của hai nhà nghiên cứu Pháp, cái khó của chính quyền Paris hiện nay là làm thế nào vượt qua được cấp độ tổng thống Rohani và ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif để đối thoại với Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo. Nếu như tổng thống và ngoại trưởng Iran quen thuộc với các tiếp xúc bên ngoài chừng nào, thì Vệ Binh Cách Mạng lại thiếu kinh nghiệm trường quốc tế đến ngần ấy.
Hơn nữa trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị hiện nay, theo quan điểm của Olivier Roy, Vệ Binh Cách Mạng không có được vị thế tốt nhất để đàm phán. Có thể nói, cuộc đàm phán lần này giữa Paris và Teheran dự báo đầy cam go trong khi hai nhà khoa học Pháp bắt đầu bước sang tháng giam cầm thứ 9.
Virus Corona :
« Thiên mệnh » của Tập Cận Bình bị lung lay ?
Diễn biến dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona mới gây ra tiếp tục được các báo Pháp cập nhật thông tin. Les Echos nói đến « hy vọng hoạt động trở lại thật ngắn ngủi ».
Các doanh nghiệp được phép hoạt động trở lại vào ngày thứ Hai 10/02, nhưng vẫn còn rất cầm chừng. Lo ngại sự trở về ồ ạt của hàng triệu người lao động (riêng tại Bắc Kinh là 8 triệu người), nhiều thành phố lớn khuyến khích các doanh nghiệp cho phép nhân viên làm việc ở nhà để tránh cảnh tụ tập và di chuyển đông đúc. Nói một cách khác, « Vì virus corona : Trung Quốc vẫn ngừng trệ bất chấp thông báo làm việc chính thức trở lại », tựa trên Le Figaro.
Đây cũng là một « tuần lễ của mọi sự nguy hiểm », Le Monde nhận định. Bởi vì, việc Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) gởi một phái đoàn chuyên gia đến Bắc Kinh cho thấy là với WHO, tình hình ở Trung Quốc vẫn chưa thật sự ổn định. Trong khi đó người dân bắt đầu lo lắng : Dịch bệnh là một phần, nhưng còn công ăn việc làm, vấn đề tài chính…
Đối với chính quyền, thách thức không chỉ là vấn đề vệ sinh dịch tễ hay kinh tế nữa, mà còn mang tầm cỡ chính trị. Cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong số tám người báo động đầu tiên, bị công an trừng phạt đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích bất chấp các biện pháp kiểm duyệt.
Phải chăng dịch virus corona còn là cơ hội để người dân Trung Quốc đứng lên đòi hỏi tự do ngôn luận và thông tin ? Không rầm rộ xuống đường như tại Hồng Kông nhưng cũng không kém phần sôi sục trên các trang mạng xã hội. Hai bức thư ngỏ đòi tự do ngôn luận được các nhà trí thức tại một đại học có uy tín ở Bắc Kinh và các giáo sư ở Vũ Hán đăng trên mạng xã hội đã được hàng triệu người xem trước khi bị bộ máy kiểm duyệt xóa bỏ.
Le Figaro tự hỏi : « Phải chăng Tập Cận Bình đang đánh mất thiên mệnh ? » Reanaud Girard, tác giả bài báo nhìn nhận « Việc trở lại với chế độ chuyên chế Mao-ít sẽ không gây ra vấn đề gì chừng nào Bắc Kinh vẫn sẽ còn gặt hái được những thành công về kinh tế và địa chính trị từ chiến lược Con Đường Tơ Lụa Mới. Nhưng hậu quả xã hội của dịch bệnh hiện nay có nguy cơ làm thay đổi tất cả ».
Nhìn lại những sự kiện trong thời gian qua, việc thâu tóm quyền lực đã giúp ông Tập làm được những gì ? Chẳng được gì cả và còn bị phản tác dụng nữa. Hồng Kông nổi dậy chống sự áp đặt của Bắc Kinh. Đài Loan bầu chọn một tổng thống chủ trương bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chống ý đồ sáp nhập với đất mẹ Hoa Lục. Chiến tranh thương mại với Mỹ cũng chưa đi tới đâu. Giờ đây thêm một Lý Văn Lượng, biểu tượng cho tự do ngôn luận.
Liệu Bắc Kinh hay đúng hơn đảng Cộng Sản Trung Quốc có sẵn sàng nới lỏng bàn tay sắt ? Liệu rằng Tập Cận Bình có chấp nhận quay trở về với hình thức lãnh đạo tập thể như trước hay không ? Liệu ông có khuyến khích phân quyền cho phép thành lập một nhà nước pháp quyền hay không ? Tập Cận Bình có sẽ áp dụng các quyền về con người và công dân như quy định trong Hiến Pháp hay không ? Hay ngược lại người ta sẽ phải chứng kiến chế độ siết chặt bàn tay kiểm soát một khi dịch bệnh đã đi qua ?
Ngần ấy câu hỏi Le Figaro đặt ra để rồi cho rằng Tập Cận Bình đang đối mặt với một chọn lựa mấu chốt. Trước khi kết thúc bài viết, Renaud Girard tự hỏi : Một chế độ mà đã bị mất đi sự ủng hộ nhiệt thành của người dân thì có thể tồn tại được trong bao lâu ? Chưa ai có được câu trả lời chính xác. Chỉ biết rằng tại Nga, chủ nghĩa Lenin chỉ sống sót được có 60 năm mà thôi.
Đức : Quyền lực Angela Merkel bị « lâm nguy »
Tại Đức, chính trường bị rúng động sau khi AKK – tên gọi tắt của bà Annegret Kramp-Karrenbauer – tuyên bố sẽ rời chức chủ tịch đảng CDU trong những tháng sắp tới, một khi người kế nhiệm đã được chọn.
Với thông báo này, xem như « AKK » cũng quyết định không đại diện cho đảng CDU ra ứng cử chức thủ tướng. Theo Les Echos, đây chính là hệ quả của cuộc bầu cử vùng Thuringe, một thủ hiến thuộc đảng CDU về đầu cuộc đua nhờ vào lá phiếu của đảng cực hữu AfD.
Quyết định này của « AKK » không chỉ nhấn chìm đảng CDU vào một cuộc khủng hoảng chính trị (LaCroix) mà còn đẩy quyền lực của bà Angela Merkel vào một vòng xoáy (Le Figaro).
Vì đâu nên nỗi ? Theo phân tích của Claire Demesmay, Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại của Đức, « sự tiến triển địa bàn cử tri của đảng cực hữu AfD là một cơn ác mộng cho chính phủ Đức hiện nay và ảnh hưởng của đảng này có thể nhận thấy trong mọi vấn đề quan hệ quốc tế, chẳng hạn như trong vấn đề di dân ».
Theo Le Figaro, người kế nhiệm AKK sẽ có một trọng trách khá nặng là phải « làm rõ » đường hướng của đảng CDU như yêu cầu của đảng Xã Hội SPD nhưng không được trái ý với bà Merkel : Không đối thoại với AfD. Tuy nhiên, theo nhận xét bi quan của Der Spiegel, bất kể người kế nhiệm lãnh đạo đảng có là ai đi chăng nữa, đó cũng sẽ làm một nhiệm vụ bất khả thi. Theo tờ báo Đức này, Angela Merkel không còn chọn lựa nào khác ngoài việc từ nhiệm và khởi động bầu cử lập pháp trước thời hạn, sáu tháng trước khi Đức làm chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu.
Tin tổng hợp
(Yonhap) – Một nhà cựu ngoại giao đào tị Bắc Triều Tiên ứng cử vào Quốc Hội Hàn Quốc.
Ông Thae Yong Ho, nguyên phó đại sứ Bắc Triều Tiên tại Anh Quốc, hôm nay 11/02/2020 thông báo sẽ ra ứng cử vào ghế dân biểu Hàn Quốc dưới màu cờ của đảng đối lập chính (đảng bảo thủ PLC). Nhà cựu ngoại giao Bắc Triều Tiên lấy làm tiếc về sự phân hóa sâu sắc trong nội bộ xã hội Bắc Triều Tiên, về vấn đề tái thống nhất với miền Bắc. Phe bảo thủ không mặn mà với chủ trương tái thống nhất, ngược lại với phe cấp tiến, đang cầm quyền hiện nay. Mục tiêu của cựu đại sứ Bắc Triều Tiên khi đầu quân vào đảng bảo thủ đối lập, ra ứng cử Quốc Hội, là nhằm thay đổi tâm lý chống tái thống nhất trong đảng này.
(AFP) – Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa buộc chế độ Damas trả giá ”rất đắt”.
Chiến sự tiếp diễn dữ dội tại miền tây bắc Syria. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đe dọa chính quyền Syria sẽ phải trả giá cho mọi cuộc tấn công vào nhắm vào quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, đang hậu thuẫn cho các nhóm nổi dậy tại Idlib, sau khi 5 quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng trong một cuộc oanh kích. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nguyên thủ Erdogan sẽ có cuộc điện đàm với đồng nhiệm Nga hôm nay về chủ đề này. Ankara lo ngại một cuộc phản công lớn của quân đội Syria sẽ gây ra một làn sóng tị nạn ồ ạt sang Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đã tập nhận hơn 3,5 triệu dân tị nạn Syria, kể từ đầu cuộc xung đột Syria.
(AFP) – Mỹ buộc tội quân nhân Trung Quốc tấn công mạng.
Vụ tấn công nhắm vào hãngđánh giá tín dụng Equifax hồi năm 2017 để đánh cắp thông tin của khoảng 145 triệu người Mỹ, tức một nửa dân số Mỹ. Trong một cuộc họp báo, bộ trưởng Nội Vụ Mỹ gọi đây là một trong những vụ đánh cắp dữ liệu lớn nhất trong lịch sử. Sau hai năm điều tra, hồi tuần trước, 4 nghi phạm Wu Zhiyong, Wang Qian, Xu Ke và Liu Lei đã bị buộc tội ở một tòa án tại Atlanta. Là thành viên một cơ quan nghiên cứu của quân đội Trung Quốc, họ hiện đang sống tại Trung Quốc nên không bị bắt giữ. Tuy nhiên, phó giám đốc cảnh sát liên bang Mỹ David Bowdich, khẳng định một ngày nào đó, những người này sẽ phạm sai lầm và sẽ bị Mỹ bắt.
(AFP) – TT Mỹ Donald Trump muốn duy trì việc tăng ngân sách quốc phòng.
Nếu được Nghị Viện thông qua, ngân sách quốc phòng Mỹ cho năm tài khóa 2021 sẽ tăng lên thành 740,05 tỉ đô la so với 728 tỉ đô la cho năm tài khóa 2020. Nhưng theo dự thảo tài chính 2021, quỹ dành cho các chiến dịch đang được thực hiện ở nước ngoài, như tại Irak, Syria, Aghanistan, sẽ giảm.
(AFP) – Paris có hơn 3.550 người vô gia cư.
Số liệu trên được thu thập trong « Đêm đoàn kết » 30/01/2020 và được chính quyền thành phố công bố hôm nay 11/02/2020. Đa số ngủ ngay trên đường phố (hơn 2.600 người). Gần 600 người trú tạm trong các nhà ga, bãi đậu xe, tàu ngầm. Khoảng 300 người lang thang trong rừng, vườn hoa, ven đường cao tốc. 12% số người vô gia cư là nữ giới. Số người vô gia cư tại quận 19 tăng mạnh nhất.
(AFP) –Palestine tạm ngưng đợt phản công kế hoạch Cận Đông của Trump tại Liên Hiệp Quốc.
Hôm qua, 10/02/2020, Palestine không yêu cầu bỏ phiếu tại Hội Đồng Bảo An hôm nay, về dự thảo một nghị quyết bác bỏ kế hoạch “hòa bình” cho vùng Cận Đông của tổng thống Mỹ Donald Trump, do không hội đủ số phiếu cần thiết, và do áp lực rất lớn của Mỹ đối với các quốc gia hậu thuẫn Palestine. Dự thảo bác bỏ ”Kế hoạch hòa bình” của Mỹ do Indonesia và Tunisia chủ trì, có khả năng không hội đủ 9 phiếu tối thiểu.
(Reuters) – Chủ tịch đảng bảo thủ cầm quyền Đức không ứng cử vào chức thủ tướng.
Bà Annegret Kramp-Karrenbauer (biệt hiệu là ”AKK”), 57 tuổi, chủ tịch đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo (CDU), vốn được coi là người kế nhiệm thủ tướng Angela Merkel. Tuy nhiên chủ tịch đảng cầm quyền, hôm qua, 10/02/2020, thông báo sẽ tiếp tục đảm nhiệm chức chủ tịch cho đến khi có người thay thế. Theo một nguồn tin trong nội bộ đảng CDU, bà AKK đã quyết định là vào mùa hè tới, đảng sẽ tổ chức bầu chọn người đứng đầu đảng và vị trí ứng cử viên thủ tướng tương lai.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200211-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 11/2:
WHO đưa ra cảnh báo mới về virus Vũ Hán;
Bắc Kinh mở cửa trở lại sau Tết, dân vẫn e ngại dịch
Lục Du
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Ba (11/2) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả phần tóm lược những tin sau:
WHO đưa ra cảnh báo mới về virus Vũ Hán
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hôm thứ Hai (10/2), nói rằng sự lây lan của các trường hợp nhiễm nCoV ở những người chưa từng đến Trung Quốc có thể là “tia lửa làm bùng phát một đám cháy lớn hơn” và thế giới không được để dịch bệnh vượt khỏi tầm kiểm soát, theo Reuters.
WHO cho biết có 168 phòng thí nghiệm trên toàn cầu sở hữu công nghệ phù hợp để chẩn đoán cho người nghi nhiễm virus Vũ Hán. Tổ chức này cho hay, nhiều công ty đã phải vật lộn để tìm các mẫu virus lâm sàng (virus nCoV trên các bệnh nhân) nhằm xác nhận các xét nghiệm mà họ đã phát triển.
Một tuần trước, chỉ có hai phòng thí nghiệm ở Châu Phi có thể chẩn đoán virus nCoV, vì thế WHO bày tỏ hy vọng rằng các quốc gia ở châu lục này có thể cải thiện tình hình hiện tại.
Vào thứ Ba, WHO sẽ chủ trì một cuộc họp kéo dài 2 ngày với sự tham dự của hàng trăm nhà nghiên cứu và sản xuất vắc xin để tìm phương án đối phó với đại dịch virus Vũ Hán.
Bắc Kinh mở cửa trở lại sau Tết, dân vẫn e ngại dịch
Nhiều văn phòng và cửa hàng ở Bắc Kinh cũng như các khu vực khác của Trung Quốc cuối cùng đã mở cửa trở lại vào thứ Hai (10/2), sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán được nới thêm để phòng tránh sự lây lan virus nCoV, nhưng nhiều người lao động và khách mua sắm dường như vẫn chưa dám ra khỏi nhà vì còn e ngại đại dịch, theo AP.
Phóng viên AP ghi nhận có một vài dấu hiệu cho thấy các hoạt động trên đường phố Bắc Kinh được khôi phục. Mặc dù vậy, các đại lộ rộng lớn ở thủ đô của Trung Quốc vẫn rất vắng vẻ, hàng ngàn chiếc xe đạp cho thuê xếp hàng dài khi hầu như không có khách hàng. Các điểm tham quan du lịch như Tử Cấm Thành tiếp tục đóng cửa, các trường học im ắng, nhiều người chọn làm việc tại nhà để tránh tiếp xúc với đám đông.
Mỹ kết tội 4 tin tặc thuộc quân đội Trung Quốc
Hoa Kỳ đã buộc tội bốn tin tặc thuộc lực lượng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc vì những người này đã tấn công cơ quan báo cáo tín dụng Equachus vào năm 2017, làm ảnh hưởng đến gần 150 triệu người, Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ, William Barr, thông báo, theo SBS News.
“Đây là một sự xâm nhập có chủ ý và truy cập vào thông tin cá nhân của người dân Mỹ”, ông Barr nói khi công bố cáo trạng của bốn thành viên thuộc quân đội Trung Quốc liên quan đến một trong những vụ trộm cắp dữ liệu lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Vào thời điểm vụ tấn công xảy ra năm 2017, Equifax đang lưu trữ thông tin của khoảng 147 triệu người, với các thông tin về mã số an sinh xã hội, ngày sinh và giấy phép lái xe. Các tin tặc Trung Quốc đã dành nhiều tuần càn quét hệ thống của Equifax, xâm nhập vào mạng máy tính, đánh cắp bí mật của công ty và dữ liệu cá nhân.
Mỹ không nối lại đàm phán với Triều Tiên trước tháng 11
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói với các cố vấn của mình rằng ông không muốn có một hội nghị thượng đỉnh khác với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trước cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào tháng 11 tới, CNN dẫn lời hai nguồn tin cho biết hôm thứ Hai (10/2).
CNN cho rằng Tổng thống Trump đang tập trung cho chiến dịch tranh cử và vấn đề Triều Tiên không phải là ưu tiên của ông lúc này. Các thành viên trong chiến dịch của ông Trump cũng không tin rằng Triều Tiên là nhân tố ảnh hưởng nhiều tới số phiếu ủng hộ ông.
Một quan chức quen thuộc với những nỗ lực của chính quyền Trump với Triều Tiên nói với CNN rằng các cuộc đàm phán hiện đã “chết”. Một quan chức khách cho biết thêm, hiện có rất ít mong muốn theo đuổi thỏa thuận phi hạt nhân hóa với Triều Tiên trước cuộc bầu cử, vì những rủi ro khi khởi động lại các cuộc đàm phán vượt xa lợi ích tiềm năng của nó.
Tổng thống Trump sắp thăm Ấn Độ
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và phu nhân Melania sẽ thăm Ấn Độ vào ngày 24-25/2, Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai (10/2), theo Reuters.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Trump tới Ấn Độ, quốc gia dân chủ đông dân nhất thế giới và là láng giềng của Trung Quốc cũng như đồng minh cũ của Mỹ, Pakistan. Ông chủ Nhà Trắng thứ 45 sẽ gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong chuyến thăm, một phát ngôn viên của Nhà Trắng cho biết.
Điểm tin thế giới chiều 11/2:
Phát hiện mới
‘Thời gian ủ bệnh của virus corona lên đến 24 ngày’
Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Ba (11/2) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Phát hiện mới ‘Thời gian ủ bệnh của virus corona lên đến 24 ngày’
Theo tờ Straitstimes, nghiên cứu mới dựa trên dữ liệu thu thập từ hơn 1 ngàn bệnh nhân nhiễm virus corona tại Trung Quốc cho thấy, thời gian ủ bệnh của virus có thể kéo dài tới 24 ngày thay vì 14 ngày như nhiều dự đoán đó của các chuyên gia. Ngoài ra, có chưa đến 1/2 số bệnh nhân có triệu chứng sốt khi lần đầu bị cách ly.
Nghiên cứu do một nhóm khoảng 30 nhà nghiên cứu từ các bệnh viện và trường y khoa Trung Quốc. Đứng đầu là tiến sỹ Zhong Nanshan, một nhà dịch tễ học người Trung Quốc và là người đã phát hiện ra virus gây bệnh SARS. Theo Zhong, chúng ta vẫn còn nhiều điều chưa biết về virus chết người 2019-nCoV.
Trong quá trình nghiên cứu, họ phát hiện thấy tình trạng sốt xảy ra ở 32,8% bệnh nhân nhưng sau đó đã tăng lên 87,9% sau khi họ nhập viện.
Tập Cận Bình tự tin Trung Quốc sẽ chiến thắng dịch virus corona
Hãng tin Reuters cho biết, ông Tập Cận Bình vào hôm 10/2 lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng kể từ khi dịch viêm phổi do virus corona chủng mới bùng phát tại Trung Quốc, đồng thời tuyên bố chính phủ sẽ áp dụng biện pháp hơn để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
“Chúng ta phải tự tin rằng cuối cùng chúng ta sẽ chiến thắng trong trận chiến chống lại dịch bệnh này”, ông Tập nói với các nhân viên y tế trong chuyến thị sát bệnh viện ở quận Triều Dương, thành phố Bắc Kinh
Hình ảnh trên truyền thông nhà nước Trung Quốc (CCTV) cho thấy, ông Tập đeo mặt nạ y tế màu xanh, tới thị sát công tác đối phó dịch virus corona của một bệnh viện tại Triều Dương và trò chuyện qua video với các y bác sĩ ở Vũ Hán.
CCTV đưa tin, ông tuyên bố Trung Quốc sẽ cố gắng đạt được các mục tiêu kinh tế và xã hội trong năm nay và có những biện pháp để giảm thiểu tác động của dịch bệnh.
Philippines chấm dứt thỏa thuận quân sự với Mỹ
Reuters dẫn tin từ các quan chức Philippines hôm nay (11/2) cho biết, Tổng thống Duterte đã gửi thông báo chính thức cho phía Mỹ về quyết định hủy hỏa Thỏa thuận Các lực lượng Viếng thăm (VFA).
“Đã đến lúc chúng ta phải dựa vào chính mình. Chúng ta sẽ tự củng cố năng lực phòng thủ và không dựa vào bất kỳ quốc gia nào khác”, ông Salvador Panelo, người phát ngôn Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ngày 11/2 cho biết tại buổi họp báo ở Manila.
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin xác nhận trên Twitter rằng Đại sứ quán Mỹ tại Manila đã nhận được thông báo. Việc chấm dứt thỏa thuận có hiệu lực trong 180 ngày sau khi thông báo được gửi cho phía còn lại.
Theo Reuters, Tổng thống Duterte đưa ra quyết định sau khi chỉ huy hàng đầu của cuộc chiến chống ma túy, cựu cảnh sát trưởng Ronald dela Rosa bị phía Mỹ hủy thị thực vì vấn đề liên quan đến việc giam giữ thượng nghị sĩ và nhà phê bình đối lập.
Cựu quan chức ngoại giao Triều Tiên tranh cử ở Hàn Quốc
AFP cho biết, ông Thae Yong Ho, cựu phó đại sứ Triều Tiên tại London đào tẩu tới Seoul năm 2016, tuyên bố hôm 11/2 rằng ông sẽ tranh cử chức nghị sĩ tại Hàn Quốc.
“Khi người dân và tầng lớp thượng lưu Triều Tiên chứng kiến Thae Yong Ho – cựu quan chức ngoại giao của Bình Nhưỡng – có thể trúng cử ở Hàn Quốc, chúng ta sẽ tiến một bước gần hơn tới sự thống nhất thực sự mà chúng ta vẫn hy vọng”, ông Thae nói.
Ông Thae hiện đã gia nhập đảng đối lập Hàn Quốc Tự do (LKP). Ông có thể sẽ ghi danh ở khu vực bầu cử ở quận Gangnam, Seoul – một trong những “thành trì” của đảng. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ông trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra ngày 15/4.
Sau khi sang Hàn Quốc, ông Thae nói với các phóng viên rằng ông đã quyết định đào tẩu vì bị vỡ mộng với chế độ Bình Nhưỡng và tránh cho con cái một cuộc sống “khốn khổ” ở Triều Tiên.
Đài Loan kêu gọi Philippines dỡ lệnh cấm đi lại với công dân của hòn đảo
Chính quyền Đài Loan hôm nay kêu gọi Philippines dỡ lệnh hạn chế đi lại đối với công dân của hòn đảo sau khi Manila áp lệnh trên với người Trung Quốc nhằm kiểm soát dịch virus corona, mặc dù số ca nhiễm bệnh của Đài Loan không lớn.
Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết họ đã liên lạc với chính quyền Manila để tìm cách dỡ bỏ lệnh cấm được áp dụng vào hôm 10/2, khiến một số công dân của hòn đảo tự trị bị mắc kẹt tại các sân bay của Philippines.
“Chúng tôi có kênh liên lạc riêng và có các văn phòng đại diện ở Philippines, bao gồm cả văn phòng tổng thống và bộ ngoại giao, nhằm thể hiện rằng chúng tôi không phải là vùng nhiễm virus corona của Trung Quốc”, Reuters dẫn lời phát ngôn viên Cơ quan giao Đài Loan Âu Giang An nói tại Đài Bắc hôm nay.
Video: Đôi vợ chồng bị “đóng thùng” cách ly ngay trên phố vì nghi nhiễm dịch
Tạp chí kinh tế
Virus corona Trung Quốc và nguy cơ “đổ giàn”
Thanh Hà
Ngăn chận virus corona, cứu nguy kinh tế, cứu vãn hình ảnh và uy tín của Trung Quốc, ngăn ngừa mọi nguy cơ bất ổn trong xã hội : chính quyền Bắc Kinh đang chạy đua với thời gian và bắt buộc phải thắng trên cả bốn mặt trận. Nếu Trung Quốc thất bại, quốc tế không tránh khỏi hiện tượng “đổ giàn”, làm gián đoạn dây chuyền sản xuất của toàn thế giới.
Liệu siêu vi virus corona đã lây nhiễm tới kinh tế toàn cầu hay chưa ? Các sòng bạc tại Macao phải đóng cửa, các hãng hàng không trên thế giới đã hủy 25.000 chuyến bay đến và xuất phát từ Trung Quốc và cả các đường bay nội địa tại quốc gia rộng lớn này. Tập đoàn hàng không dân dụng Hồng Kông Cathay Pacific phải cho 27.000 nhân viên “nghỉ việc không ăn lương trong ba tuần“.
Hãng xe Hyundai tạm đóng cửa tất cả các nhà máy tại Hàn Quốc trong một tuần vì thiếu phụ tùng sản xuất tại Trung Quốc đưa sang. Từ tập đoàn chế tạo máy bay Airbus của châu Âu đến hãng xe điện Tesla hay tập đoàn Apple của Mỹ đều bắt đầu phải giảm nhịp độ sản xuất. Ý có thể mất 4,5 tỉ euro vì virus corona. Mãi tận Paris, ngành khách sạn bắt đầu thấm mệt vì dịch viêm phổi đang hoành hành tại Trung Quốc khi 80 % số phòng đã đặt trước bị hủy trong tháng Giêng 2020 và 100 % trong tháng Hai 2020. Năm 2018 hơn 2 triệu du khách Trung Quốc đã tham quan nước Pháp và chi ra đến 4 tỉ euro, theo thẩm định của cơ quan tư vấn Protourisme.
Google, IKEA… lần lượt thông báo “tạm đóng cửa” các chi nhánh tại Hoa lục. Tổ Chức Các Nước Xuất Khẩu Dầu Lửa họp khẩn vì thị trường lớn nhất là Trung Quốc tạm thời bị “đóng băng“. Nga, Bắc Triều Tiên, Mông Cổ đóng cửa biên giới với Trung Quốc trong lúc các nước phương Tây hối hả hồi hương kiều dân của mình. Anh, Pháp khuyến cáo công dân tránh đi Trung Quốc.
Vào lúc tại Bắc Kinh, chính quyền phải chạy đua với thời gian tránh để khủng hoảng về y tế lan sang tới kinh tế, xã hội và chính trị, thì tại Washington bộ trưởng Thương Mại Hoa Kỳ Wilbur Ross đổ thêm dầu vào lửa với tuyên bố : “ Biết đâu nhờ có virus corona mà các tập đoàn nhanh chóng quay trở về Bắc Mỹ “. Trước mắt, ngân hàng Mỹ Goldman&Sachs dự phóng sẽ có từ 0,004 đến 0,005 % GDP của Hoa Kỳ trong quý 1 năm nay bốc hơi vì virus corona.
Nếu Bắc Kinh không sớm làm chủ lại được tình hình, dịch bệnh viêm phổi do loại siêu vi mới gây ra kéo dài thì không chỉ có kinh tế của Trung Quốc lâm nguy, mà kèm theo đó là cả dây chuyền cung ứng và chuỗi sản xuất của thế giới cũng bị đe dọa. Đó là chưa kể nguy cơ khủng hoảng Trung Quốc lan luôn cả tới các hoạt động tài chính toàn cầu.
Sức đề kháng của dây chuyền sản xuất của thế giới
Cho đến ngày 04/02/2020, 24 trên tổng số 34 tỉnh thành của Trung Quốc đã quyết định kéo dài thời gian nghỉ nhân dịp Tết Nguyên Đán, đây là một kỳ nghỉ ngoài ý muốn cả của giới chủ lẫn người lao động. 24 tỉnh thành đó bảo đảm đến 80 % tổng sản phẩm nội địa và là nguồn sản xuất đến 90 % hàng xuất khẩu của Trung Quốc ra thế giới bên ngoài. Chủ nhân Xibei, chuỗi nhà hàng lớn nhất Trung Quốc với 400 hiệu ăn hiện diện tại 60 thành phố e rằng với đà này công việc làm của 20.000 nhân viên có nguy cơ bị đe dọa.
Ngành công nghiệp thực phẩm bắt đầu lo lắng vì các trục giao thông bị bế quan tỏa cảng từ nhiều ngày qua. Hãng Foxconn của Đài Loan với nhiều nhà máy tại Hoa lục trông thấy trị giá cổ phiếu giảm 10 % ngay sau khi thông báo ngưng hoạt động cho tới giữa tháng 02/2020. Không một nhà máy sản xuất ô tô
nào tại ổ dịch Vũ Hán thông báo ngày khai trương đầu năm mới. Ở vào thời điểm này, dịch vụ giao hàng làm việc không ngơi tay.
Trả lời đài truyền hình France 24, chuyên gia kinh tế Nathalie Coutinet, giảng dậy tại đại học Paris 13 nhấn mạnh đến nguy cơ Trung Quốc ho thế giới cảm lạnh : chuỗi cung ứng của thế giới bị gián đoạn vì mắt xích Trung Quốc bị virus corona đục khoét : « Trước mắt khó có thể thẩm định về tác động kinh tế. Nhưng rõ ràng là kinh tế Trung Quốc đang bị chựng lại. Vũ Hán là một lá phổi công nghiệp, là một kinh đô sản xuất ô tô và trong những tuần qua, cả thành phố này đã ngừng hoạt động, các nhà máy phải đóng cửa, ban đầu tưởng là chỉ để nghỉ Tết, nhưng rồi bất đắc dĩ, kỳ nghỉ này đã phải kéo dài.
Mức tiêu thụ tại Trung Quốc cũng đã giảm mạnh, có thể là đã giảm đi mất 10 % trong hơn ba tuần. Chúng ta biết tăng trưởng của thế giới tùy thuộc vào những thành quả kinh tế của Trung Quốc. Chắc chắn là kinh tế thế giới bị ảnh hưởng lây.
Tuy nhiên cần phân biệt tác động đối với bản thân Trung Quốc và phần còn lại của thế giới. Hiện tại đối với kinh tế Trung Quốc thì hậu quả khá rõ ràng khi mà hàng chục tỉnh thành phải tiếp tục cho nhân viên nghỉ việc. Tác hại đến đâu, thì điều đó còn tùy thuộc vào thời gian virus corona hoành hành. Điều đáng ngại là khu vực sản xuất của Trung Quốc không dự trù các khoản hàng tồn kho, thành thử nhà máy ngừng hoạt động là bị thiếu hàng để cung cấp cho thị trường nội địa và quốc tế. Trung Quốc bán linh kiện điện tử, phụ tùng công nghiệp cho cả thế giới, trong đó có cả Mỹ và châu Âu, Nhật Bản… Các nhà máy của Âu Mỹ, qua đó cũng bị xáo trộn, nếu dịch viêm phổi kéo dài.
Ngoài ra, ngành hàng không và du lịch là hai lĩnh vực bị nặng nhất. Phía Pháp cho biết chỉ riêng cửa hàng lớn Galeries Lafayette, doanh thu đã bị sút giảm mất 10 % trong vài tuần qua vì du khách Trung Quốc mang đến 25 % số tiền mà đại tập đoàn này thu vào hàng năm. Đừng quên rằng 35 % thị trường các mặt hàng xa xỉ được dành để phục vụ Trung Quốc. Thêm vào đó, ngày nay Trung Quốc là nền kinh tế thứ nhì thế giới, với lượng du khách đông gấp 10 lần so với hồi dịch viêm phổ cấp tính SARS bùng phát. Khoản thất thu qua đó cũng rất là lớn. Tuy nhiên, cũng có thể hy vọng rằng đà lây lan chóng được chận lại, Trung Quốc sớm thoát khỏi thảm họa virus corona và khi đó thì dân Trung Quốc có thể ồ ạt đi mua sắm trở lại. Trong ngành, chúng tôi gọi đó là hiện tượng “bù lại thời gian đã mất”. Nhưng những thiệt hại đối với lĩnh vực sản xuất thì khó có thể được bù lại. Tôi e rằng, ngày càng có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn bởi vì các đối tác Trung Quốc không giao hàng đúng thời hạn ».
Thực tế cho thấy virus corona đang trở thành một bức tường cô lập Trung Quốc với thế giới bên ngoài, trong lúc Trung Quốc vừa là khách hàng vừa là nguồn tiêu thụ lớn nhất nhì của thế giới, kịch bản này là một tai họa.
Virus nhỏ chận đứng tham vọng lớn của siêu cường Trung Quốc
Đối với thế giới, giáo sư Nathalie Coutinet cho rằng còn quá sớm để có thể đánh giá như bộ trưởng Thương Mại Mỹ khi cho rằng, virus corona sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Mỹ hồi hương, nhưng bà không loại trừ khả năng, sau đợt khủng hoảng này, sức hấp dẫn của Trung Quốc trong mắt các nhà đầu tư phần nào bị phai mờ : «Trong thế giới mở rộng như ngày nay, mỗi lần giao thương bị trắc trở, tất cả đều bị ảnh hưởng chung. Giá dầu hỏa trong tháng 01/2020 giảm mất 15 % chỉ vì Trung Quốc mua ít dầu đi. Hàng ngày đều có những dấu hiệu mới cho thấy không chỉ có Trung Quốc mà cả thế giới đều lo bị virus corona chống phá. Chắc chắn là nếu kinh tế của Trung Quốc bị chựng lại và hiện tượng này kéo dài, thì từ mậu dịch đến giao thông trên thế giới đều bị đình trệ và tất cả tạo ra thêm tâm trạng hoang mang, dễ dẫn đến khủng hoảng. Nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đã bị chao đảo vì chính sách thương mại của chính quyền Trump.
Rất có thể là dịch virus corona lần này sẽ dẫn đến một số thay đổi quan trọng trên bàn cờ thương mại thế giới. Có khả năng một số hãng xưởng tính tới khả năng tìm những bãi đáp khác ngoài Trung Quốc, hay trở về nguyên quán như chính quyền Mỹ từng mong đợi. Dịch viêm phổi lần này cho chúng thấy mô hình kinh tế toàn cầu đang đụng phải những giới hạn của nó. Đồng thời thế giới đã lệ thuộc quá nhiều vào cỗ máy sản xuất của Trung Quốc. Việc Trung Quốc bị nạn đã ảnh hưởng luôn đến dây chuyền cung ứng và sản xuất của thế giới ».
Thêm một yếu tố gây bất ổn cho toàn cầu
Kinh tế toàn cầu liên tục bị chiến tranh thương mại Mỹ -Trung đe dọa từ gần hai năm qua, kế tới là ẩn số chung quanh việc nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu và lo ngại khi thấy Nhật Bản chưa thực sự khởi sắc trở lại, còn Ấn Độ vẫn chưa cất cánh. Nợ nần của thế giới ngày càng gia tăng, chỉ số chứng khoán lại tăng ở mức “trên trời” như thời kỳ tiền khủng hoảng tài chính 2007-2008.
Giới phân tích đã nhiều lần báo động trước nguy cơ lại bùng nổ một cuộc khủng hoảng tài chính mới. Trong bối cảnh đã khá bấp bênh đó, virus corona là một yếu tố mới gây lo ngại, như phân tích của
chuyên gia kinh tế Nathalie Coutinet đại học Paris 13 : « Trong những ngày qua thị trường chứng khoán có dấu hiệu bị rúng động vì virus corona. Điều đáng lo ngại ở đây là Trung Quốc hiện nay đang ngồi trên một núi nợ rất lớn, chiếm đến 15 % nợ của thế giới. Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, Trung Quốc cần đi vay thêm để hỗ trợ kinh tế, để giúp các doanh nghiệp gặp khó khăn, để tài trợ các công trình xây bệnh viện dã chiến chống virus corona. Sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu thì bị chựng lại, tiền thuế thu vào qua đó cũng giảm theo. Tất cả những dấu hiệu đó đều gây lo ngại và lại càng khiến quốc tế lo âu. Đó là một yếu tố mới có thể gây bất ổn cho tài chính toàn cầu mà chúng ta không nên xem thường ».
Đành rằng còn quá sớm để thẩm định chính xác về sức công phá của dịch viêm phổi do chủng mới gây ra nhưng khó có thể tin rằng, Trung Quốc lao đao vì virus corona mà thế giới vẫn được bình yên. Siêu vi mới này vừa cho thấy trọng lượng và ảnh hưởng của ông khổng lồ Trung Quốc đối với phần còn lại của thế giới, đồng thời dù đã trở thành nền kinh tế thứ nhì toàn cầu, có cỗ máy quân sự đáng gờm trên thế giới nhưng chỉ cần nhìn vào cách đối phó với khủng hoảng y tế lần này cũng đủ để nhận thấy rằng, chưa thể xem Trung Quốc là một nước tư bản tân tiến.