Đọc báo Pháp – 11/01/2021

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 11/01/2021

Tổng thống Mỹ bị khóa miệng trên mạng xã hội, Pháp lo cho tự do ngôn luận – Thụy My

Giáo sư Dominique Boulier nhận định việc tất cả các tài khoản mạng xã hội của tổng thống Mỹ đều bị khóa, đã làm dấy lên trở lại những tranh cãi về trách nhiệm của các nền tảng kỹ thuật số liên quan đến nội dung. Việc đóng tài khoản tổng thống Mỹ có thể coi là án lệ, vì đã bước vào lãnh vực pháp lý.

Sự kiện tổng thống Mỹ Donald Trump bị Facebook, Twitter…khóa tài khoản được các báo Pháp chú ý nhất hôm nay. Le Monde cho rằng « Trump, tổng thống bị xa lánh », Les Echos nhận định « Còn 10 ngày nữa Joe Biden nhậm chức, Donald Trump vẫn luôn là trung tâm chú ý ».  Trang bìa Libération đăng ảnh tổng thống Trump màu đỏ trên nền đen, miệng bị khóa, chơi chữ « Trump, im lặng trên mạng ». Chỉ còn không mấy ngày nữa là chấm dứt nhiệm kỳ, tổng thống Mỹ bị bỏ rơi.

Nỗ lực của phe Dân Chủ để ngăn Donald Trump tái tranh cử năm 2024

Ông Trump còn có thể làm gì khác ? Từ sau vụ người ủng hộ tràn vào tòa nhà Quốc Hội thứ Tư tuần trước, hậu quả là 5 người chết và khoảng 15 người bị bắt, phe Dân Chủ muốn vô hiệu hóa tổng thống để ông Biden nhậm chức êm thấm ngày 20/01. Không chỉ thảo luận về tiến trình truất phế, chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi còn đòi tổng thống Donald Trump từ chức ngay lập tức, và yêu cầu phó tổng thống Mike Pence vận dụng Tu chính án 25 để thay thế một tổng thống « không có năng lực ».

Vài thượng nghị sĩ Cộng Hòa ủng hộ phía Dân Chủ, nhưng thứ Sáu rồi bà Ronna McDaniel, một người thân cận với ông Trump đã tái đắc cử chủ tịch đảng với nhiệm kỳ hai năm. Việc truất phế khó thể được Thượng Viện thông qua vì cần đến 2/3 số phiếu và không thể diễn ra trước ngày 09/01 – như người đứng đầu phe đa số Mitch McConnell cho biết. Còn thủ lãnh phe thiểu số Cộng Hòa ở Hạ Viện Kevin McCathy cảnh báo, tung ra một tiến trình như vậy vào lúc chỉ còn 10 ngày nữa là kết thúc nhiệm kỳ, có nguy cơ chia rẽ trầm trọng đất nước.

Theo Les Echos, chủ yếu là để ông Donald Trump không thể tái tranh cử năm 2024, vì nếu bị truất phế ông sẽ không thể ứng cử ở cấp liên bang.

Những con quái vật kỹ thuật số trong tương lai ?

Nhưng cú đòn nặng nề nhất đến từ thung lũng Silicon. Cuối tuần vừa qua, các tài khoản Facebook, Instagram, Twitter, Snapchat và Twitch của ông đều bị đóng. Kết quả là mạng Parler được những người ủng hộ ông Trump ưa thích, hôm thứ Bảy 09/01 đã trở thành ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên Apple Store, còn Gap cũng có thêm nhiều người sử dụng mới.

Mạng Parler sau đó bị Amazon loại và bị Apple, Google xóa khỏi kho ứng dụng. Các tỉ phú Zuckerberg, Bezos, Dorsey…đã thực sự phế truất tổng thống Mỹ trên mạng.

Trong bài xã luận, nhật báo thiên tả Libération cho rằng việc cấm đoán này là quá trễ, tuy nhiên cần có một cái khung luật lệ xuyên quốc gia để tránh những con quái vật kỹ thuật số trong tương lai.

Trả lời phỏng vấn của Libération, giáo sư xã hội học và chuyên gia về kỹ thuật số Dominique Boulier nhận định việc tất cả các tài khoản mạng xã hội của tổng thống Mỹ đều bị khóa đã làm dấy lên trở lại những tranh cãi về trách nhiệm của các nền tảng.

« Án lệ » Donald Trump : Các nền tảng cần phải chịu trách nhiệm về nội dung

Donald Trump không còn được dùng Twitter với 88 triệu người theo dõi, cũng giống như một thế giới bị sụp đổ, Facebook cũng cản trở ông trao đổi với 35 triệu người « follow ». Vấn đề đặt ra là từ khi nào các nền tảng này được coi như phương tiện truyền thông, và như vậy phải chịu trách nhiệm về những nội dung mà họ phổ biến ? Trong suốt một thời gian dài, Facebook, Twitter, YouTube…nhấn mạnh họ chỉ là sân chơi, như vậy không có trách nhiệm gì về nội dung mà người sử dụng đăng lên.

Twitter đã từng khóa hàng ngàn tài khoản vì nhiều lý do khác nhau, nhưng chỉ do vi phạm điều lệ sử dụng. Việc đóng tài khoản tổng thống Mỹ có thể coi là án lệ, vì không phải vấn đề là nội dung, mà là người viết tweet. Như vậy theo giáo sư Boulier, chúng ta đã bước vào lãnh vực pháp lý, cần phải có sự tham gia của thẩm phán hoặc trách nhiệm biên tập nghiêm túc. Nay Twitter đã vượt qua ngưỡng với một nhân vật nổi tiếng như vậy, thì đương nhiên phải chịu chỉ trích là thiên lệch của những người ủng hộ ông Trump.

Vị giáo sư trường Science-Po Paris nhấn mạnh, các tập đoàn kỹ thuật số phải ra khỏi « Điều 230 » đã giúp họ tránh được trách nhiệm về nội dung. Ông hy vọng vụ này sẽ khiến các chính khách rời Twitter.

Sự đa dạng quan điểm trên không gian mạng

Trước lo ngại người dùng mạng xã hội chỉ thu mình trong « quả bóng chọn lọc » (tức các thuật toán chỉ đề nghị những nội dung mà họ ưa thích), chuyên gia Dominique Boulier khẳng định các quả bóng này thực ra vẫn hiện diện. Một số lo ngại việc kiểm duyệt những lời kích động thù hận của các nhóm như QAnon hay Proud Boys trên những mạng như Parler, nhưng ông Boulier không coi đây là vấn đề.

Cũng giống như với truyền thông : nếu không thích quan điểm của một tờ báo thì ta có thể đọc tờ khác, vì điều quan trọng là sự đa dạng. Các fan của ông Trump vẫn có thể thảo luận với nhau, nhưng đừng làm rối loạn các tranh luận chung. Nếu họ muốn hoạt động tại các không gian khác, phải tuân thủ các quy định về tranh luận như mọi người, và như vậy tự do ngôn luận không bị đe dọa.

Trên cùng một mạng như Facebook, có thể có nhiều nhóm quan điểm khác biệt và mỗi nhóm phải chịu trách nhiệm về nội dung. Hơn nữa thuật toán của Facebook đã được chỉnh sửa cách đây hai năm để các nhóm xuất hiện nhiều hơn trên dòng thời gian của các thành viên.

Các mạng xã hội giúp phổ biến rộng rãi thông tin vì có nhiều tỉ người kết nối. Cũng vì vậy mà Donald Trump sử dụng Twitter, đã được lập trình để mỗi khi một người như ông đăng một tweet, sẽ được chia sẻ lại hàng trăm ngàn lần.

Mạng xã hội nói rằng đó không phải trách nhiệm của họ, nhưng không đúng : họ đã cố ý đưa vào những chức năng khuyến khích chia sẻ thông tin, từ nút retweet, các hashtag hay « xu hướng » để những nội dung đang được chú ý đập vào mắt chúng ta. Họ có lợi khi bán cho người quảng cáo một công chúng năng động hơn là thụ động, và những sự kiện như chiếm điện Capitol khiến người sử dụng chủ động tìm kiếm những nội dung liên quan. Trong bối cảnh đó, báo chí truyền thống lại có khuynh hướng đổ dầu vào lửa, lan truyền và hợp pháp hóa các thông tin từ mạng xã hội.

Dư luận Pháp : Các đại gia internet đã lạm dụng quyền lực

Tại Pháp, nơi chính giới không hề dễ dãi với các nền tảng kỹ thuật số, việc ông Donald Trump bị cấm đoán khiến rất nhiều người cho rằng các đại gia internet đã lạm dụng quyền lực.

Ông Jean-Luc Mélenchon, lãnh đạo đảng Nước Pháp Bất Khuất (LFI) nhận định : « Thái độ của ông Trump không thể là cái cớ để GAFA tự cho mình quyền kiểm soát việc tranh luận của công chúng ». Dân biểu François Ruffin đặt vấn đề « Có nên giao phó tự do ngôn luận của chúng ta cho các tập đoàn ở thung lũng Silicon ? Mai đây việc tư nhân kiểm duyệt internet sẽ liên quan đến tất cả mọi người ».

Phe cực hữu Pháp cũng nói đến bóng ma kiểm duyệt. Marine Le Pen, chủ tịch đảng Tập hợp Quốc gia (RN) chất vấn : « Việc kiểm soát tất cả các quan điểm trái chiều sẽ còn đi đến đâu nữa ? Ai ngày mai sẽ bị xóa sổ trên mạng mà không thể tự biện hộ ? ». Florian Philippot cũng thuộc đảng RN cảnh báo « Chúng ta đang ngả sang một thế giới u ám của kiểm duyệt, giám sát, thù hận – kẻ thù của tự do và nhân loại ».

Về phía chính phủ và đảng cầm quyền phản ứng ít dữ dội hơn nhưng không kém phần quan ngại. Ông Cédric O, quốc vụ khanh phụ trách kỹ thuật số cho rằng câu hỏi đặt ra trong vụ xóa tài khoản của Donald Trump : đây « không phải là trường hợp cá biệt mà Twitter ra tay không có sự giám sát dân chủ ». Le Figaro trích dẫncâu nói của ông Cédric O, nhấn mạnh « các mạng xã hội lớn kiểm duyệt chỉ dựa trên điều lệ sử dụng, trong khi đã trở thành không gian công cộng thực sự, tập hợp nhiều tỉ công dân », và như vậy quá giản đơn về mặt dân chủ.

Libération nhắc nhở rằng tại Pháp đã có luật Avia buộc các mạng xã hội rút các nội dung « bất hợp pháp » trong vòng 24 giờ sau khi được báo cáo, nếu không sẽ bị trừng phạt. Luật này bị chỉ trích vì nguy cơ kiểm duyệt quá đáng trên mạng, và Tòa Bảo hiến buộc bỏ đi những điều khoản có thể vi phạm quyền tự do ngôn luận. Le Figaro nêu câu hỏi của nhiều người : Tại sao Twitter không hành động gì với những tweet của các nhà lãnh đạo độc tài trên thế giới ? Có nên trao quyền kiểm duyệt vào tay những công ty tư nhân ?

Thất bại của dân chủ khi người bình dân đối đầu với lớp tinh hoa

Nhà bình luận Dominique Moisi trên Les Echos cho rằng « Vụ chiếm Capitol là triệu chứng của các nền dân chủ đang đau ốm của chúng ta ». So sánh với hiện tượng Áo Vàng (Gillets Jaunes) ở Pháp, tác giả bài viết nói về một vấn đề đã vượt ra khỏi phạm vi nước Mỹ : thất bại của các chế độ dân chủ trong việc làm hài lòng tất cả công dân.

Khi tràn vào tòa nhà Quốc Hội, người biểu tình không coi « Ngôi nhà của nhân dân » là của họ, mà thuộc về giới tinh hoa và lớp người giàu có. Đây là lần thứ hai trong lịch sử điện Capitol bị chiếm, lần đầu vào năm 1814 khi Anh và Mỹ đang chiến tranh. Sự kiện này cho thấy khi xã hội phân cực, chia rẽ trầm trọng trong bối cảnh cách mạng công nghệ như Facebook, Twitter, tạo thành một hỗn hợp dễ gây tổn thương cho mô hình dân chủ.

Những người nhìn một cách lạc quan thì cho đó là trận chiến danh dự cuối cùng của Donald Trump, còn người bi quan cho là việc thử nghiệm một cuộc đảo chính. Theo tác giả Moisi, nếu khẩu hiệu « Tất cả chúng ta đều là người Mỹ » nở rộ sau các vụ khủng bố ngày 11/09/2001, thì giờ đây sau các sự kiện ngày 06/01/2021 « Tất cả chúng ta rất có thể cũng là người Mỹ ».

Bài học về khủng hoảng GAFAM-Trump : Tổ chức lại không gian mạng

Trên trang Ý kiến của Le Figaro và cả trên tờ Politico của Mỹ, ủy viên châu Âu phụ trách thị trường nội địa EU và kỹ thuật số, ông Thierry Breton rút ra « Những bài học cho châu Âu về cuộc khủng hoảng giữa GAFAM và Trump ».

Cũng như sự kiện ngày 11 tháng Chín đánh dấu sự thay đổi mô hình của Hoa Kỳ và có thể của thế giới, đối với các mạng xã hội, sự kiện ngày 08/01/2021 là một bước ngoặt trong việc trách nhiệm quản lý nội dung, một « ngày 11 tháng Chín » về thông tin. Khi khóa tài khoản tổng thống Mỹ với lý do kích động hận thù và bạo lực, phải chăng các nền tảng này đã mặc nhiên nhìn nhận trách nhiệm và nghĩa vụ của họ ? Như vậy « tín điều » dựa vào Điều 230 Luật viễn thông Hoa Kỳ đã sụp đổ.

Tại sao các mạng này không ngăn chận các « fake news » và lời kêu gọi trước đó dẫn đến vụ xâm nhập điện Capitol ? Dù đúng hay sai, liệu quyết định khóa miệng một tổng thống đương nhiệm có thể được đưa ra bởi một công ty mà không có sự kiểm soát theo luật pháp và một cách dân chủ ? Một tổng giám đốc có thể gỡ bỏ loa phóng thanh của người đứng đầu nước Mỹ, mà không có một dạng đối trọng nào, khiến người ta hết sức lo ngại.

Châu Âu là châu lục đầu tiên đưa Quy định về dịch vụ số (DSA) và Quy định về thị trường số (DMA) vào tháng 12 vừa qua, dựa trên nguyên tắc đơn giản : những gì bất hợp pháp ở ngoài đời cũng phải được đánh giá tương tự trên mạng. Nhưng thách thức kỹ thuật số là toàn cầu. Theo ủy viên châu Âu, cần phải đưa ra các quy định và tổ chức không gian thông tin với các quyền lợi, nghĩa vụ và cam kết cụ thể. Đó là vấn đề chủ chốt của các nền dân chủ trong thế kỷ 21.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20210111-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-m%E1%BB%B9-b%E1%BB%8B-kh%C3%B3a-mi%E1%BB%87ng-tr%C3%AAn-m%E1%BA%A1ng-x%C3%A3-h%E1%BB%99i-ph%C3%A1p-lo-cho-t%E1%BB%B1-do-ng%C3%B4n-lu%E1%BA%ADn

Tin tổng hợp

(RFI) –  Kyrgizstan: Sadyr Japarov đắc cử tổng thống 

ngay vòng đầu với gần 80% phiếu bầu. Đây là kỳ bầu cử tổng thống trước thời hạn sau khi tổng thống Jeebekov bị buộc phải từ chức hồi tháng 10 năm ngoái. Trong vòng 15 năm ở nước cộng hòa Trung Á thuộc Liên Xô cũ này đã có tới 3 nguyên thủ bị lật đổ. Song song với bầu tổng thống, 84% cử tri Kyrgizstan cũng bỏ phiếu thuận trong cuộc trưng cầu dân ý về việc khôi phục chế độ tổng thống.

(The Independant) – Twitter đã xóa thông tin của đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ 

khẳng định rằng các phụ nữ người Duy Ngô Nhĩ đã được giải phóng khỏi chủ nghĩa cực đoan và không còn là « những chiếc máy đẻ » nữa. Những dòng tweet này liên quan đến một bài báo phủ nhận chính quyền chủ trương triệt sản người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Bài báo của tờ China Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Twitter giải thích các thông tin đăng tải trên vi phạm quy định của nhà mạng nhưng không cho biết thêm chi tiết.

(AFP) – 500.000 dân Bắc Kinh bị phong tỏa. 

Chính quyền Trung Quốc ngày 11/01/2021 đã ra lệnh phong tỏa tạm thời 500.000 cư dân của các ngôi làng ngoại thành Bắc Kinh, nhằm ngăn chặn sự lây lan của một ổ dịch nhỏ. Khu vực bị phong tỏa là huyện Thuận Nghĩa (phía đông bắc thủ đô), nơi tập trung chủ yếu của con số 32 ca nhiễm Covid-19 mới được ghi nhận kể từ ngày 19 tháng 12.

(Reuters) – Trung Quốc lên án việc Hoa Kỳ đã dở bỏ hạn chế trong quan hệ với các quan chức trong chính quyền Đài Loan.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Triệu Lập Kiên tuyên bố trong cuộc họp báo ngày 11/01/2021 rằng: « Quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của người dân Trung Quốc là không thể lay chuyển và chúng tôi sẽ không cho phép bất kỳ người nào hoặc lực lượng nào ngăn chặn quá trình tái thống nhất của Trung Quốc ».

(AFP) – Mỹ : tổng thống tân cử Joe Biden chọn một nhà ngoại giao để đứng đầu cơ quan tình báo CIA. 

Theo thông báo được đưa ra hôm 11/01/2020, William Burns, với kinh nghiệm trong 33 năm trong ngành ngoại giao và từng là cựu đại sứ Mỹ tại Nga sẽ thay thế bà Gina Haspel để đứng đầu cơ quan tình báo Mỹ. Nếu được Thượng Viện phê chuẩn, ông Burns sẽ là nhà ngoại giao chuyên nghiệp đầu tiên điều hành CIA.

(AP) – Tổng thống Moon Jae In hứa cung cấp vac-xin chống Covid-19 miễn phí cho 52 triệu dân Hàn Quốc. 

Ngày 11/01/2021 trong thông điệp chúc tết toàn dân đầu năm 2021, ông Moon nhắc lại Hàn Quốc đã đặt mua đủ thuốc để bảo đảm khâu tiêm chủng cho 56 triệu người trong lúc dân số Hàn Quốc là 52 triệu. Từ đầu mùa dịch, trên toàn quốc có hơn 69.000 bệnh nhân, trong đó có 1.140 người thiệt mạng vì Covid-19.

(AFP) – Pháp lo ngại tổ chức Hồi Giáo cực đoan Daech hồi sinh tại Syria và Irak. 

Ngày 10/01/2021 bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly báo động Paris quan niệm tổ chức mang tên Nhà Nước Hồi Giáo vẫn còn « hiện diện và thậm chí là trong một chừng mực nào đó đang hồi sinh » tại Trung Đông. Báo động nói trên được đưa ra vào lúc chính quyền Trump thông báo rút 500 lính khỏi Irak vào giữa tháng Giêng sắp tới.

(RFI) – Thượng đỉnh môi trường « One Planet Summit » mở ra tại Paris. 

Hội nghị khai mạc ngày 11/01/2021 tập hợp khoảng ba mươi nhân vật, phần đông theo hình thức trực tuyến, trong đó có tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, Thủ tướng Đức Angela Merkel, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursul Von der Leyen… Trong số các chủ đề được thảo luận có các hồ sơ bảo vệ hệ sinh thái, chống nạn phá rừng, thúc đẩy sinh thái nông nghiệp.

(Franceinfo) – Arnold Schwarzenegger so sánh cuộc tấn công vào Điện Capitol ở Mỹ với Đêm Pha Lê thời Đức Quốc Xã. 

Trong một video công bố ngày 10/01/2021 trên tài khoản Twitter của mình, diễn viên điện ảnh nổi tiếng, nguyên là thống đốc thuộc đảng Cộng Hòa ở bang California, đã tố cáo: « Tổng thống Trump là một nhà lãnh đạo thất bại. Lịch sử sẽ ghi nhớ ông ấy như một tổng thống tồi tệ nhất của chúng ta ». Arnold Schwarzenegger đã trở lại cuộc tấn công vào Điện Capitol của những người ủng hộ Donald Trump hôm thứ Tư 06/01 và so sánh sự kiện này với vụ gọi là Đêm Pha Lê (“Kristallnacht”) năm 1938 ở Đức, đêm mà các thành phần Đức Quốc Xã tấn công vào người Do Thái, cả ở Đức lẫn ở Áo.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210111-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

Điểm tin thế giới 11/1:

Mạng xã hội Parler đã sẵn sàng cho các vụ kiện; Pelosi ‘lồng lộn’ vì mất máy tính

Ivanka Nguyễn

Mục Điểm tin thế giới của DKN, thứ Hai (11/1), xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Số người mắc Covid trên thế giới vượt quá 90 triệu.

Trong đó có gần 2 triệu người chết. Số người nhiễm bệnh ở các châu lục đã tăng gấp đôi chỉ sau 10 tuần cho thấy tỷ lệ lây lan ngày càng cao của loại virus có nguồn gốc Trung Quốc. Tính tới hết ngày Chủ nhật (10/1), Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với gần 23 triệu người nhiễm bệnh (382.806 tử vong), vượt hơn gấp đôi so với vùng dịch lớn thứ hai là Ấn Độ với hơn 10 triệu ca nhiễm (151.198 tử vong) [AP].

Trợ lý xác nhận máy tính của bà Pelosi đã bị đánh cắp.

Drew Hammill, người phát ngôn của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hôm Chủ nhật (10/1) cho biết máy tính xách tay của bà Pelosi bị ai đó lấy đi từ một phòng họp của bà vào hôm 6/1, tuy nhiên chiếc máy tính này chỉ được dùng cho thuyết trình [Epoch Times].

Truyền thông Iran ‘nhắc nhở’ Hàn Quốc.

 Truyền thông nhà nước Iran hôm Chủ nhật (10/1) đưa tin rằng Hàn Quốc nên tránh phi chính trị hóa việc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran bắt giữ tàu của họ ở vùng Vịnh, đồng thời thúc ép Seoul giải phóng số tiền 7 tỷ USD của Teheran bị đóng băng theo lệnh trừng phạt của Mỹ. Trong khi đó Hàn Quốc đã cử thứ trưởng ngoại giao đến Tehran vào cùng ngày Chủ nhật để thảo luận về vụ việc [Reuters].

Quân đội Mỹ đang giữ máy tính của bà Pelosi.

Trung tướng quân đội Mỹ đã nghỉ hưu Thomas McInerney ngày 9/1 nói rằng một nhóm thuộc Lực lượng Đặc biệt của quân đội Mỹ đã lấy được máy tính xách tay của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Ông Mclnerney nói rằng quân đội đã cải trang thành người biểu tình để lấy đi máy tính của bà Pelosi hôm 6/1. Vị tướng đã nghỉ hưu nói rằng nữ chủ tịch Hạ viện đang “lồng lộn” lên vì việc này [Youtube].

23 người chết trong vụ đụng độ giữa cảnh sát và tội phạm ở Venezuela.

Cuộc đụng độ bắt đầu vào ngày thứ Sáu (8/1) và kéo dài tới thứ Bảy trong khu phố là địa bàn hoạt động của các băng đảng. Venezuela hiện là quốc gia bạo lực hàng đầu thế giới với tỷ lệ người chết trong các vụ đụng độ là 45.6 trên 100.000 dân vào năm 2020 [Reuters].

Mạng xã hội Parler đã sẵn sàng cho các vụ kiện.

CEO của Parler, John Matze, cho biết công ty của ông đã chuẩn bị đầy đủ cho các hành động pháp lý sau khi Apple, Google và Amazon xóa mạng xã hội này khỏi nền tảng của họ. Sau khi Twitter thông báo xóa vĩnh viễn tài khoản của TT Trump, một lượng lớn người đã chuyển sang mạng xã hội ủng hộ tự do ngôn luận như Parler hay SafeChat [Epoch Times].

‘Trung Quốc đang cười nhạo chúng ta’.

 Thượng nghị sĩ Marco Rubio ngày 10/1 đã nói như vậy khi bình luận về việc Big Tech gia tăng kiểm duyệt. “Đây cũng là cơ hội để phe cánh tả ra tay và gây áp lực lên các công ty truyền thông xã hội để họ không chỉ kiểm duyệt tổng thống mà còn kiểm duyệt tất cả mọi người. Chúng ta hiện đang sống ở một đất nước mà bốn hoặc năm công ty, không được lựa chọn, không chịu trách nhiệm, nhưng lại có quyền quyết định độc quyền”, ông Rubio nói [Foxnews].

Indonesia xác định vị trí hộp đen máy bay rơi.

Giới chức Indonesia ngày 10/1 thông báo đã xác định được vị trí hai hộp đen của chiếc Boeing 737-500 xấu số rơi xuống biển ngoài khơi thủ đô Jakarta. Máy bay 737-500 của Hãng hàng không Sriwijaya Air, chở theo 50 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn đều là người Indonesia, cất cánh từ Jakarta vào ngày 9/1 và mất liên lạc chỉ 4 phút sau đó. Tính tới thời điểm gặp nạn, chiếc máy bay này đã được đưa vào khai thác gần 27 năm [Reuters].

Bác sĩ riêng của Giáo hoàng chết vì viêm phổi Vũ Hán.

Fabrizio Soccorsi, bác sĩ riêng của Giáo hoàng Francis, đã qua đời ở tuổi 78 tại bệnh viện Gemelli, thành phố Rome, Italy. Giáo hoàng Francis chọn Soccorsi làm bác sĩ riêng từ tháng 8/2015. Trước đó, người chịu trách nhiệm theo dõi sức khỏe cho ông là bác sĩ Patrizio Polisca, người đứng đầu cơ quan y tế Vatican [Catholicnews Agency].

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-11-1-mang-xa-hoi-parler-da-san-sang-cho-cac-vu-kien-pelosi-long-lon-vi-mat-may-tinh.html

Tạp chí Việt Nam

Một năm Covid-19: Nhờ cách ly triệt để, Việt Nam kềm chế được dịch

Thanh Phương

Hôm nay, ngày 11/01/2021, là đúng một năm ngày Trung Quốc có ca tử vong đầu tiên vì Covid-19. Dịch bệnh, do một loại virus corona mới gây ra, đã xuất hiện ở Vũ Hán từ những tháng cuối của năm 2019, nhưng trong một thời gian dài, thông tin đã bị ém nhẹm. Mặc dù chính quyền Trung Quốc đã nhanh chóng phong tỏa toàn bộ thành phố Vũ Hán, nhưng dịch Covid-19 đã dần dần lan ra cả thế giới.

Một năm sau, trong khi rất nhiều nước, nhất là Hoa Kỳ và một số nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha…, đang vất vả đối phó với các làn sóng dịch liên tiếp ập tới, thì tại Việt Nam, quốc gia nằm sát cạnh Trung Quốc, dịch bệnh hầu như không đáng kể : cho đến nay, theo các số liệu chính thức, chỉ mới có khoảng hơn 1.500 ca nhiễm Covid-19 ( 1.512, tính đến ngày 08/01/2021 ) và chỉ mới có 35 ca tử vong, trên tổng số gần 98 triệu dân. Cùng với Đài Loan và Singapore, Việt Nam nằm trong số những quốc gia hiếm hoi ở châu Á kềm chế dịch rất tốt.

Theo lời bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1, yếu tố đầu tiên đó là Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm về phòng chống dịch bệnh, vì thường xuyên phải đối phó với các dịch bệnh như tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm não…., và hệ thống y tế dự phòng đã được thành lập từ lâu. Việt Nam cũng đã sớm đóng cửa biên giới với Trung Quốc ngay khi được biết có dịch virus corona chủng mới ở nước láng giềng phía Bắc, nhờ vậy mà đã chặn đứng con đường lây lan. Nhưng quan trọng hơn hết đó là biện pháp cách ly triệt để đối với những người từ nước ngoài vào:

“ Quyết định đóng cửa chính thức biên giới và theo dõi người từ Trung Quốc tới chính là yếu tố làm giảm lây lan. Nếu virus vào trong cộng đồng đã lâu mà chúng ta không biết thì sẽ khó phòng ngừa hơn, cho nên ngay từ đầu việc cách ly quyết liệt, không cho lan ra cộng đồng, là yếu tố gần như quyết định để ngăn ngừa dịch bệnh này.

Nguyên tắc của Việt Nam là tất cả những người nào mà nghi ngờ là mang virus từ bên ngoài về, thì phải bảo đảm người đó ở một khu vực không lây cho cộng đồng trong vòng 14 ngày và tiếp tục ở một khu vực hạn chế tiếp xúc với cộng đồng trong vòng 14 ngày nữa. Với nguyên tắc như vậy, thì bất cứ ai là người từ nước ngoài về, tùy theo giai đoạn, ban đầu là Trung Quốc, tiếp đến là Nhật Bản, Hàn Quốc và sau đó là tất cả các nước khác, đều được vừa cách ly, vừa xét nghiệm. Những người nào dương tính thì sẽ được cách ly và được điều trị ở một chỗ riêng. Một điểm nữa, đó là tất cả các tỉnh đều có khu cách ly riêng, và phân bổ người từ nước ngoài về theo từng đợt, để giảm tải cho một khu. Đó là những yếu tố giúp Việt Nam thành công trong việc cách ly diện rộng.

Giai đoạn đầu thì có nhiều người chống đối, nhưng Việt Nam có luật phòng chống bệnh truyền nhiễm thì mọi người phải chấp nhận chuyện đó. Thứ hai là những người nào đi về thì đều có người thân ở đây. Chính những người thân hiểu vấn đề, cho nên mới khuyên những người bị cách ly đó phải hợp tác.

Việc cách ly ban đầu là do Nhà nước lo hết. Bây giờ mới mở ra thêm những nơi cách ly tự nguyện, tức là phải trả tiền thêm, ở một khu vực nhất định và phải chịu sự kiểm soát về y tế, về mức độ tiếp xúc, để không lây lan ra cộng đồng. Những yếu tố đó khiến không ai phản ứng về chuyện cách ly nữa. ”

Theo số liệu do bộ Y Tế Việt Nam cung cấp ngày 08/01/2021, hiện nay, tổng cộng có gần 18.600 người đang được cách ly ngừa Covid-19 hoặc đang được theo dõi y tế ở Việt Nam. 

Để có thể cách ly số đông người, trong giai đoạn đầu, Việt Nam thậm chí huy động cả các doanh trại, trường quân sự. Trở về Việt Nam vào tháng 03/2020, nữ sinh viên Châu Minh đã được đưa đi cách ly tập thể tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô, Sơn Tây, trong 14 ngày. Trả lời RFI Việt ngữ ngày 07/01/2020, cô kể lại trải nghiệm trong những ngày cách ly đó:

“ Trong thời gian này, chúng tôi không phải đóng bất kỳ chi phí gì, toàn bộ đều do Nhà nước lo. Nơi tôi được cách ly là một cơ sở khá là rộng rãi, khang trang và rất sạch sẽ, với sức chứa hơn 300 người, mỗi phòng có 16 người, với 8 giường tầng. Mỗi hai phòng như vậy dùng chung một nhà vệ sinh rất rộng, sạch sẽ, với đầy đủ nước nóng. Mỗi hai ngày có nhân viên đến phun thuốc khử khuẩn tất cả các phòng. Toàn bộ các đồ dùng vệ sinh cá nhân như bàn chải, kem đánh răng, dầu gội…, đều được cấp miễn phí để tránh sự lây nhiễm từ bên ngoài.

Ở đây có lắp đặt Internet, nhưng nếu chúng tôi yêu cầu thì có thể được mua thẻ điện thoại, hoặc xin nếu cần. Mỗi ngày chúng tôi được cấp 3 suất ăn với đầy đủ chất dinh dưỡng: thịt, rau, canh…, do bộ đội mang đến các phòng. Ở đây chúng tôi được trải nghiệm giờ giấc sinh hoạt của bộ đội: 6 giờ sáng có người bắc loa kêu chúng tôi dậy tập thể dục. Tôi thấy bộ đội phải dậy rất sớm để chuẩn bị suất ăn, đóng gói, rồi đưa đến các phòng vào khoảng 7 giờ sáng. Sau đó, có đoàn y tế đến để đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe và phát khẩu trang miễn phí cho mỗi người. Ở đây chúng tôi phải đeo khẩu trang mọi lúc và hạn chế tiếp xúc với người khác.”

Ngoài việc cách ly triệt để như vậy, thành công của Việt Nam trong việc kềm chế dịch Covid-19 còn là nhờ việc truy tìm sát sao những ca tiếp xúc gần ( F1 ) với bệnh nhân Covid để xét nghiệm và cách ly luôn nếu cần. Thậm chí người ta còn truy ra cả người tiếp xúc gần với F1, tức là F2. Những người bị “dán nhãn” F2 thì được yêu cầu cách ly tại nhà trong khi chờ kết quả xét người F1.

Thành ra hiện nay có rất ít ca lây nhiễm trong cộng đồng, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ở Việt Nam bây giờ chủ yếu là từ bên ngoài, tức là những ca ngoại nhập. Do việc nhập cảnh qua các cửa khẩu hàng không bị kiểm soát chặt chẽ, đã từng có những vụ nhập cư lậu mà Việt Nam không chặn được, như vụ xảy ra ở Đà Nẵng vào mùa hè năm ngoái, đa số là người Trung Quốc. Từ tháng 3 đến nay, Việt Nam vẫn tạm ngưng phần lớn các chuyến bay thương mại từ nước ngoài. Chỉ có một số tuyến hàng không từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan trên nguyên tắc đã được mở lại từ ngày 15/09/2020 và các tuyến từ Lào và Cam Bốt được mở lại từ ngày 22/09. Nhưng chỉ sau hai chuyến bay từ Hàn Quốc về Việt Nam, toàn bộ các tuyến đường đó lại bị tạm ngưng từ tháng 10 do phương thức quản lý, cách ly khách từ các chuyến bay chưa thống nhất, nên các hãng hàng không phải chờ hướng dẫn cụ thể.

Gần đây, ngày 05/01/2021, Việt Nam cũng đã tạm ngưng các toàn bộ chuyến bay từ những quốc gia có những ca nhiễm biến thể mới của virus corona gây bệnh Covid-19, đầu tiên là từ Anh Quốc và Nam Phi. Đây là hai nước mà biến thể mới của virus được phát hiện và nay đã lan sang một số nước khác, kể cả ở Việt Nam, theo lời bác sĩ Trương Hữu Khanh:

“ Ban đầu Việt Nam cũng có một ca, nhưng ca đó được phát hiện ngay trong khu cách ly. Diễn biến của một virus theo hướng lây lan nhanh hơn là điều tất yếu. Thứ hai là nếu nó đã ở Anh, thì nó sẽ lan ra khắp nơi, tại vì nó sẽ là virus có ưu thế hơn các virus dòng trước, nó lây nhanh thì sẽ lấn át các virus cũ. Ngay khi bên Anh có virus biến thể mới thì Việt Nam đã chuẩn bị thiết bị vật liệu để phát hiện virus đó. Rõ ràng là chúng ta đã phát hiện một ca, nhưng là ở trong khu cách ly. Điều này cho thấy là việc phòng ngừa phải ráo riết, quyết liệt hơn, đừng để virus lan ra cộng đồng, vì nếu lan nhanh ra cộng đồng, nó sẽ lây nhanh đến các đối tượng nguy cơ, gây nhiều tử vong ở các đối tượng đó. Thành ra Việt Nam phải quyết liệt hơn trong việc ngăn các nguồn lây ngoại lai đến Việt Nam. Nếu có thì phải đuổi cho nhanh để ngăn được dòng virus lây nhanh này.”

Chính vì đã kềm chế được dịch mà Việt Nam đã không vội vã đặt mua vac-xin ngừa Covid-19. Hơn nữa việc đặt mua trước có rất nhiều rũi ro về tài chính mà Việt Nam không thể kham nổi. Mãi đến gần đây, ngày 04/01, chính phủ Việt Nam mới thông báo đồng ý sẽ mua 30 triệu liều vac-xin của hãng AstraZeneca và cho biết đang tìm mua vac-xin từ các nguồn khác, kể cả của Pfizer.

Cũng nhờ dịch Covid-19 được kềm chế như vậy, và cũng nhờ thời gian phong tỏa kéo dài chưa tới 3 tháng, mà kinh tế của Việt Nam đã không bị rơi vào suy thoái trong năm 2020 và Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi trên thế giới đạt mức tăng trưởng dương ( 2.9% ). Kinh tế Việt Nam đang nhanh chóng phục hồi, đến mức mà thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng trước đã đề ra chỉ tiêu tăng trưởng đến 6,5% cho năm nay. Tuy nhiên, do các biện pháp hạn chế và do việc đóng cửa biên giới kéo dài, ngành du lịch đã bị thiệt hại rất nặng nề và ngành hàng không cũng lao đao không kém.

Mặt khác, do Việt Nam vẫn tạm ngưng phần lớn các chuyến bay quốc tế, cho nên rất nhiều công dân Việt Nam còn bị kẹt ở nước ngoài. Từ tháng 4 năm ngoái, chính phủ Hà Nội đã tổ chức nhiều chuyến bay để hồi hương các công dân này, với vé do họ phải trả. Theo các số liệu của chính phủ, được tờ nhật báo Hồng Kông South China Morning Post trích dẫn ngày 08/01/2021, trong vòng 8 tháng, đã có khoảng 65.000 người Việt Nam được hồi hương trên tổng cộng 235 chuyến bay. Nhưng nỗ lực này không đủ để đưa về nước tất cả những người đang tuyệt vọng tìm đường hồi hương.

Đối với những người đã được hồi hương, theo lời ông Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong, được nhật báo Hồng Kông trích dẫn, thách đố lớn nhất đó là tìm lại việc làm và mất thu nhập. Cho nên trong số những người này đã có rất nhiều ca rối loạn tâm thần, trầm cảm, bi quan, thậm chí có người đã tự tử.

South China Morning Post nhắc lại là nhiều gia đình Việt Nam sống nhờ vào tiền của lao động ở nước ngoài gởi về. Năm 2019, số tiền mà những người này gởi về Việt Nam lên tới 17 tỷ đôla, nhưng con số năm 2020 theo dự báo sẽ giảm 7,6%, do có ít lao động ra nước ngoài làm việc trong tình hình dịch Covid-19. Theo các số liệu do báo chí Việt Nam cung cấp, trong 11 tháng đầu năm ngoái chỉ có khoảng 54.300 lao động ra nước ngoài làm việc, sụt giảm rất nhiều so với con số 148.000 của năm 2019.

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-vi%E1%BB%87t-nam/20210111-m%E1%BB%99t-n%C4%83m-covid-19-nh%E1%BB%9D-c%C3%A1ch-ly-tri%E1%BB%87t-%C4%91%E1%BB%83-vi%E1%BB%87t-nam-k%E1%BB%81m-ch%E1%BA%BF-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-d%E1%BB%8Bch