Đọc báo Pháp – 10/12/2019
Pháp tiếp tục tê liệt
vì làn sóng chống cải cách hưu bổng
Anh Vũ
Thời sự chiếm trang nhất của các báo Pháp ngày 10/12/2019 vẫn là cải cách hưu bổng và các cuộc đình công biểu tình tiếp tục phong tỏa cả nước Pháp trước khi dự luật được thủ tướng chính thức công bố ngày 11/12. Nước Pháp tiếp tục bị tê liệt kéo dài bởi phong trào biểu tình đình công chống dự án cải cách hưu bổng.
Báo La Croix đến với đối tượng giáo viên, những người đang lo ngại sẽ bị thiết thòi nhất trong chương trình cải cách hưu bổng. Tờ báo dành nhiều bài viết để giải thích giáo viên thực sự là những người sẽ bị thiệt trong cách tính lương hưu theo dự án cải cách của chính phủ. Đó cũng lý do để họ huy động tham gia đông đảo vào phong trào phản đối cải cách hưu bổng.
Nhật báo Libération có phóng sự dài trong các cuộc xuống đường chống cải cách hưu bổng ở khắp mọi miền đất nước để tìm hiểu căn nguyên nỗi phẫn nộ của phong trào phản kháng. Tờ báo cảnh báo sẽ có hàng trăm nghìn người trên khắp nước Pháp xuống đường ngày 10/12, trong bối cảnh mà nỗi bất bình dấy từ phong trào Áo Vàng vẫn còn đó.
Nhật báo Le Monde chạy tựa chính : « Hưu bổng : Chính phủ tới giờ lựa chọn ». Le Monde gọi đây là « tuần đầy nguy hiểm của hành pháp ». Tờ báo cho biết : Ngày thứ 5 đình công, các cuộc họp liên tiếp ở phủ tổng thống và thủ tướng để có được quyết định mấu chốt trước khi trình toàn bộ cuộc cải cách ngày 11/12. Các tổ chức công đoàn vẫn không chịu lùi bước trong khi chính phủ vẫn quyết tâm thực hiện bằng được chương trình cải cách bị phản đối rộng khắp.
Trong khi đó, Le Figaro ngắn gọn bằng hàng tựa lớn trang nhất : « Phong tỏa lớn ». Tờ báo dành tới 6 trang báo cho sự kiện. Trong bài xã luận, Le Figaro nhấn mạnh vấn đề cốt lõi của cuộc cải cách hưu bổng : « Đó là hệ thống hưu trí của chúng ta không thể chịu được về mặt tài chính. Ở đất nước của chúng ta cũng như nhiều nơi khác, mọi người giờ ngày càng sống lâu hơn, tức là thời gian không làm việc cũng kéo dài hơn. Không tính đến thực tế hiển nhiên này tức là để lại cho thế hệ tương lai gánh nặng không chịu nổi. Các nước trên thế giới đều hành động, quyết định kéo dài tuổi về hưu, thường là 65 tuổi, muộn hơn Pháp 3 năm. Vậy thì phải đợi đến bao giờ chúng ta mới hành động cho có trách nhiệm ».
Một trong những điểm gai góc nhất của cuộc cải cách này là chính phủ muốn xóa bỏ một số chế độ đặc biệt về hưu bổng, những ưu đãi có từ thế kỷ trước mà chỉ có nhân viên đường sắt và một số ngành nghề hay ngạch công chức được hưởng. Đây cũng là điểm mà các công đoàn quyết giữ bằng được.
Le Figaro cũng cho biết thêm, theo một thăm dò dư luận của Viện Elabe, 43% người dân Pháp cho rằng phong trào đình công hiện nay trước hết là cuộc huy động chống lại chính sách của tổng thống Emmanuel Macron trước khi phản đối cải cách hưu bổng. Người ta đang chờ đợi chính phủ sẽ nhượng bộ đến đâu để chèo lái con thuyền cải cách rất cần phải có đi trong trong bão tố xã hội.
Giải Nobel Hòa Bình Aung San Suu Kyi
ra trước tòa án quốc tế
Về chủ đề quốc tế, các báo Pháp đặc biệt chú ý tới sự kiện, ngày 10/12, lãnh đạo chính quyền Miến Điện, giải Nobel Hòa Bình 1991, bà Aung San Suu Kyi ra trước Tòa Án Quốc Tế La Haye giải trình về những cáo buộc Miến Điện phạm tội diệt chủng trong các cuộc đàn áp người thiểu số Hồi giáo Rohingya.
Hiện nắm giữ chức cố vấn đặc biệt Nhà nước, bà Aung San Suu Kyi từ năm 2016 thực chất là lãnh đạo chính quyền Miến Điện.
Le Monde nhận xét việc bà Aung San Su Kyi phải đích thân đế Tòa Án Quốc tế để biện minh cho đất nước Miến Điện là một chớ trêu của số phận. Trong thời gian dài là nhà ly khai, kình địch của giới quân sự Miến Điện, từng bị chính quyền quân sự quản thúc tại gia trong suốt 15 năm, giờ bà Aung San Suu Kyi đích thân đến Hà Lan làm một cái việc đầy nghịch lý mà thực chất là biện hộ cho những hành động tàn bạo của quân đội.
Le Monde nhận thấy, từ đầu thảm kịch của người Rohingya, bà Aung San Suu Kyi đã tạo cảm giác cho thấy dường như bà là người đang bênh vực các tướng lĩnh quân đội. Bà vẫn lập luận là các nước phương Tây không hiểu gì về thực tế chính trị, xã hội ở bang Rakhine (Arakan), nơi có đa số dân là người Rohingya.
Theo tác giả của bài viết, thực tế thì bà Aung San Suu Kyi quan tâm trước hết là vấn đề đối nội Miến Điện khi đến La Haye. Người dân tộc Miến, chiếm 70% dân số của nước này, hầu hết thù ghét người Rohingya do nhiều yếu tố lịch sử để lại. Tờ báo phân tích : « Đến La Haye để bảo vệ đất nước sẽ được người ủng hộ trong nước nhìn nhận như là một hành động can đảm ». Đó sẽ là một hình ảnh đẹp, có lợi cho bà trong cuộc bầu cử Quốc Hội vào năm 2020. Trong kỳ bầu cử trước 2015, đảng của bà Aung San Suu kyi, Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ (LND) đã giành chiến thắng lớn, giờ đây đang chuẩn bị cho một cuộc đua mới.
Cùng thời sự này, La Croix có bài « Diệt chủng người Rohingya, Aung San Suu Kyi lên tuyến đầu ». Biểu tượng của dân chủ ở Miến Điện một thời sẽ ăn nói thế nào với các quan tòa ? Tờ báo trích dẫn nhận định của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu chính trị. Theo các nhà nghiên cứu, tại La Haye, « bà Aung San Suu Kyi sẽ đề nghị cộng đồng quốc tế kiên nhẫn, bà sẽ biện hộ cho tính chất vô cùng phức tạp của tình hình và công cuộc tái thiết đang diễn ra trong đất nước Bà. Bà sẽ bảo đảm người Rohingya có thể trở về… ».
Nhưng dù sao thì lần xuất hiện trước tòa án Quốc Tế La Haye lần này cũng làm mờ nhạt thêm hình ảnh của một giải Nobel Hòa Bình, từng là « nhà vô địch » của phương Tây về dân chủ.
Hồ sơ Bắc Triều Tiên trở lại vạch xuất phát
Liên quan đến châu Á, báo les Echos đề cập đến hồ sơ Bắc Triều Tiên với nhận định : « Bắc Triều Tiên cố tình khuấy động lại căng thẳng ». Tờ báo nhận thấy, « Từ hàng thập kỷ qua luôn là bên kiểm soát lịch trình ngoại giao, giờ đây Bình Nhưỡng đã khép lại giai đoạn hòa dịu hai năm vừa qua bằng một loạt các vụ thử tên lửa và ngày càng cứng giọng với Washington. Bắc Triều Tiên cũng vừa cho mở lại căn cứ quân sự chiến lược mà họ đã cho đóng cửa năm 2018 ».
Sau thời gian hai năm thử hòa hoãn đàm phán không được như ý muốn, Bình nhưỡng bắt đầu thay đổi chiến thuật, thậm chí đại sứ Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc Kim Song hôm thứ Bảy 07/12 còn tuyên bố : « Vấn đề giải trừ hạt nhân không còn đặt trên bàn đàm phán nữa ». Dường như thái độ cứng rắn trở lại của Bắc Triều Tiên cũng lại một lần nữa tìm sự chú ý của Washington.
Nga bị xóa tên trên bản đồ thể thao thế giới
Một thời sự khác đang gây xáo động làng thể thao thế giới « Nga bị gạch tên khỏi bản đồ thể thao thế giới », tựa của báo Le Figaro. Cơ quan Chống doping Thế giới (AMA) tại Lausanne Thụy Sĩ hôm 09/12 vừa thông báo một loạt trừng phạt chưa từng có, cấm các vận động viên Nga trong vòng 4 năm tham gia các cuộc thi đấu quốc tế.
Như vậy, các vận động viên Nga sẽ bị loại khỏi Thế vận hội mùa Hè Tokyo 2020 và mùa Đông Bắc Kinh 2022. Trong thời gian trên, Nga còn bị cấm đăng cai các sự kiện thể thao quốc tế. Nga sẽ phải rút quyền tổ chức giải vô địch thế giới bóng chuyền và vật vào năm 2022. Tất nhiên Nga và Cơ quan chống doping của mình (Rusada) có 21 ngày để kháng nghị lên Tòa Án Trọng Tài Thể Thao, định chế phán xử cao nhất.
Le Figaro ghi nhận, đây là « những trừng phạt nặng nề nhất trong lịch sử của Cơ quan Chống doping Thế giới » (thành lập năm 1999). Đây cũng là sự đáp trả mạnh mẽ vụ bê bối từ nhiều tháng qua đã đầu độc bầu không khí thế thao thế giới.
Ngược lại thời gian, Le Figaro cho biết : Năm 2014, Sotchi đã trở thành biểu tượng của niềm kiêu hãnh khi Nga đứng đầu bảng tổng sắp huy chương ở Thế vận hội mùa Đông. Mặt trái của vị thế thống trị của thể thao Nga lộ ra sau phát giác vụ bê bối tổ chức cho các vận động viên Nga sử dụng doping một cách có hệ thống từ năm 2011 đến 2015, trong đó có sự tham gia chỉ đạo của nhiều cơ quan của chính phủ như bộ Thể Thao và cơ quan tình báo FSB. Từ đó đến nay, các vận động viên Nga đã bị nhiều trừng phạt cấm tham gia các giải thi đấu quốc tế lớn.
Xác định cơ quan chống doping Nga đã cung cấp các dữ liệu sử dụng doping giả mạo, không đúng sự thật, MAM quyết định ra đòn trừng phạt nặng lần này. Nhật báo Libération ghi nhận quyết định đã tác động tới cả một thế hệ vận động viên chân chính. Họ vừa cảm thấy bất công nhưng đồng thời phẫn nộ với chính định chế thể thao của nước nhà.
Các vận động viên Nga vẫn có cơ hội được tham gia các cuộc thi đấu quốc tế nhưng dưới màu cờ trung lập. Đặc ân này sẽ trở nên vô nghĩa khi các vận động viên thể thao đến so tài ở các cuộc thi đấu quốc tế là vì màu cờ sắc áo của đất nước và vì niềm tự hào của dân tộc.
Tin đọc nhanh
(AFP) – Sau Paris, ngoại trưởng Nga sẽ đến Washington.
Ông Serguei Lavrov sẽ đến Washington vào ngày mai, 10/12/2019. Trong một thông cáo công bố hôm qua, 08/12, bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết hai ngoại trưởng Mỹ và Nga sẽ thảo luận về “một loạt vấn đề song phương cũng như khu vực”. Cuộc gặp Mỹ-Nga diễn ra một ngày sau cuộc họp giữa 2 tổng thống Nga và Ukraina tại Paris về cuộc chiến ở Ukraina giữa phe ly khai thân Nga và chính quyền Kiev. Hồ sơ này chắc chắn sẽ được đề cập đến, bên cạnh các vấn đề Syria, Iran và Bắc Triều Tiên.
(Reuters) – Chú tổng thống Syria ra tòa ở Paris về nghi án rửa tiền.
Phiên tòa xét xử ông Rifaat el-Assad, 81 tuổi, về tội biển thủ tài sản quốc gia Syria, mở ra vào hôm nay 09/12/2019 tại Paris. Ông Rifaat sống lưu vong tại Pháp từ năm 1985, sau thất bại trong mưu toan cướp chính quyền tại Damas một năm trước đó. Ông Rifaat al Assad luôn giải thích là đã được quốc vương Ả Rập Xê Út Abdallah tặng 10 triệu đô la. Tuy nhiên, theo thẩm phán Van Ruymbeke phụ trách hồ sơ, ông Rifaat đã biển thủ tiền của quốc gia Syria và đã cố rửa tiền.
Sau 5 năm điều tra, thẩm phán Pháp đã truy ra được tài sản của ông gồm 2 tòa nhà ở Paris, một lâu đài ở vùng Val d’Oise, tất cả tổng trị giá 90 triệu euro. Gia đình al-Assad nói chung còn có cả một đế chế địa ốc ở Tây Ban Nha, với tổng trị giá hơn 690 triệu euro, và từng sơ hữa một tư dịnh to lớn ở Luân Đôn, chỉ thua điện Buckingham Palace của hoàng gia Anh mà thôi.
(AFP&Reuters) –Pháp : Đình công làm giao thông tê liệt đến ngày thứ năm.
Hôm nay 09/12/2019 cuộc tổng đình công tiếp tục làm tê liệt giao thông công cộng tại Pháp, đặc biệt ở thủ đô với 600 km kẹt xe tại Paris và vùng phụ cận vào sáng nay. Công ty Đường sắt Pháp (SNCF) loan báo chỉ có 1/5 tàu cao tốc và xe lửa ngoại ô hoạt động. Đối với Công ty Giao thông công cộng Paris (RATP), 10/16 tuyến métro đóng cửa, 5 tuyến chỉ hoạt động hết sức hạn chế trong giờ cao điểm. Có 7/25 trung tâm điều hành xe buýt bị phong tỏa, cảnh sát phải giải tán người biểu tình ở một số nơi. Nhiều hành khách bực tức vì chờ đợi vô vọng trong trời mưa lạnh. Dưới áp lực, tổng thống Emmanuel Macron và thủ tướng Edouard Philippe suốt cuối tuần qua đã có những cuộc tham vấn với các bộ trưởng và lãnh đạo đảng cầm quyền để đưa ra kế hoạch cụ thể về chế độ hưu vào thứ Tư 11/12 tới.
(AFP) –Vụ Quế Dân Hải : Cựu đại sứ Thụy Điển tại Trung Quốc sắp ra tòa.
Công tố viện Thụy Điển hôm nay 09/12/2019 thông báo, bà Anna Lindstedt, nguyên là đại sứ tại Bắc Kinh sẽ phải trả lời trước tòa án vì đã cố gắng thương lượng ngầm với một trung gian bí mật nhằm trả tự do cho ông Quế Dân Hải (Gui Minhai), chủ nhà xuất bản sách ở Hồng Kông bị bắt cóc, mà không thông qua bộ Ngoại Giao Thụy Điển.
(RFI) –Khí hậu : Thượng đỉnh của xã hội dân sự diễn ra song song với COP25 ở Madrid.
Trong khi hội nghị khí hậu COP25 tại Madrid bước vào tuần lễ thứ hai, một cuộc họp thượng đỉnh của xã hội dân sự diễn ra song song tại trường đại học Complutense. Các tổ chức phi chính phủ cho rằng cần phải chấm dứt việc trợ giá cho nhiên liệu hóa thạch nếu muốn giảm bớt khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Đại diện thổ dân vùng Amazon tố cáo việc khai thác dầu lửa mang lại lợi lộc cho nhiều nước, nhưng thổ dân phải chịu đựng ô nhiễm, nhiều người đã chết vì ung thư.
(AFP) –Irak : Một căn cứ quân sự gần Bagdad bị trúng đạn rốc-kết.
Bốn quả rốc-kết hôm nay 09/12/2019 đã rơi xuống một căn cứ quân sự gần phi trường Bagdad nơi các quân nhân Mỹ trú đóng, làm 6 người bị thương. Một nguồn tin an ninh cho biết cả 6 người này đều là các quân nhân thuộc lực lượng tinh nhuệ chống khủng bố của Irak, đơn vị duy nhất được Mỹ huấn luyện, tại một đất nước mà phe thân Iran trong quân đội có ảnh hưởng ngày càng lớn.
(Reuters) – Donald Trump : « Kim Jong Un sẽ mất tất cả nếu có thái độ thù địch ».
Trên Twitter, ngày 08/12/2019, nguyên thủ Mỹ có phản ứng như trên sau khi Bắc Triều Tiên thông báo đã tiến hành một vụ thử nghiệm rất quan trọng tại căn cứ phóng vệ tinh Sohae ngày 07/12. Hãng thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA không cho biết chi tiết về loại vũ khí được thử nghiệm nhưng tuyên bố rằng các kết quả thử nghiệm tại căn cứ Sohae cho phép làm thay đổi quy chế chiến lược của Bắc Triều Tiên. Kể từ sau thất bại của thượng đỉnh Kim-Trump tại Hà Nội, hồi tháng 02/2019, Bình Nhưỡng đã tiến hành nhiều vụ thử tên lửa với hy vọng gây sức ép đối với Hoa Kỳ trong hồ sơ hạt nhân.
(AFP) – Buôn bán vũ khí trên thế giới trong năm 2018 tăng gần 5%.
Theo báo cáo của Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockhom (SIPRIS) công bố ngày 08/12/2019, doanh thu của 100 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu trên thế giới, trong năm 2018, lên đến 420 tỷ đô la. Đứng đầu là các tập đoàn Mỹ, chiếm 59% thị phần thế giới, với doanh thu 246 tỷ đô la. Tiếp đến là Nga (chiếm 8,6% thị phần), Anh Quốc (8,4%) và Pháp (5,5%). SIPRI không xem xét trường hợp của Trung Quốc vì không có các số liệu khả tín, nhưng cho rằng nước này có thể có từ 3 đến 7 doanh nghiệp nằm trong nhóm 100 công ty sản xuất và xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.
http://vi.rfi.fr/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20191209-tin-%C4%91%E1%BB%8Dc-nhanh