Đọc báo Pháp – 10/04/2018
Hungary : Viktor Orban thắng cử,
châu Âu « đau đớn » thức tỉnh
Tại Hungary, với kết quả 48,5% lá phiếu ủng hộ, đảng Fidesz của thủ tướng mãn nhiệm Viktor Orban đã về đầu trong cuộc bầu cử Quốc Hội ngày Chủ Nhật 08/04 vừa qua. Thắng lợi này đã làm cho Bruxelles chao đảo. Các nhật báo lớn của Pháp ngày 10/04/2018 cho rằng đây chính là hệ quả tất yếu của những tính toán sai lầm của Liên Hiệp Châu Âu trong quan hệ với các nước từng là thành viên của Liên Xô cũ.
« Viktor Orban thắng vẻ vang kỳ bầu cử lập pháp », Le Monde thông báo. Kết quả này cho phép « Viktor Orban, người được cánh hữu châu Âu bảo hộ có thêm nhiệm kỳ thứ ba », tựa bài viết của La Croix.
Tuy nhiên, theo Le Figaro, vụ việc cho thấy, « Tư tưởng chủ quyền dân tộc của Orban đang thắng thế tại Hungary ». Khi có được đa số theo quy định, thủ tướng Orban rộng tay thực hiện ba mục tiêu sắp tới : chiến dịch chống các tổ chức phi chính phủ, tăng cường kiểm soát nhà nước và truyền thông và cuộc chiến chống nhập cư.
Đau đớn vì những sai lầm
Liên Hiệp Châu Âu đã bị giáng một đòn mạnh đến mức nhật báo kinh tế Les Echos chua chát nhìn nhận « Châu Âu đau đớn thức tỉnh sau thắng lợi của Orban ».
Đau đớn là vì Hungary chẳng khác gì một đứa em ngỗ nghịch. Không những Bruxelles rất « hào phóng » về mặt tài chính mà đảng chính trị Fidesz của ông Orban còn nhận được sự ủng hộ của đảng PPE, đảng dân tộc châu Âu, tập hợp tất cả các đảng thuộc phe trung hữu trong đó có đảng CDU – CSU của thủ tướng Đức Angela Merkel.
Les Echos cho rằng đây chính là hệ quả tất nhiên của những sai lầm mà giờ đây Liên Hiệp Châu Âu phải gánh chịu trong mối quan hệ của mình với các nước thuộc khối Liên Xô cũ. Lỗi thứ nhất là đã quá « ngây thơ » tin vào sự chuyển đổi tất yếu theo phương Tây.
Thứ hai, châu Âu đã quá cứng nhắc trong các quy định về tài chính đối với các tân thành viên của Liên Hiệp. Cuối cùng là Liên Hiệp Châu Âu đã đánh giá thấp phản ứng gay gắt của những nước này trong hồ sơ di dân. Sự việc cũng cho thấy là thủ tướng Viktor Orban có « một tầm nhìn hoàn toàn đối lập với tổng thống Macron về Liên Hiệp Châu Âu » theo như quan điểm của tờ Le Figaro.
Thắng lợi của mô hình dân chủ phi tự do
Về điểm này, bài xã luận của Les Echos cũng có cùng ý kiến. Chiến thắng của ông Viktor Orban cho thấy đó là một thắng lợi của mô hình « dân chủ phi tự do » mà Hungary, thành viên của Liên Hiệp Châu Âu đang đi tiên phong.
Thành công này trước hết là hệ quả của một chiến dịch vận động tranh cử được dựa trên những tuyên bố chống nhập cư gay gắt và mang đậm tư tưởng dân tộc chủ nghĩa khi nhắc đến những mối họa đến từ làn sóng « xâm lược Hồi Giáo » nhắm vào một « châu Âu Công Giáo » trước cuộc khủng hoảng người tị nạn Syria.
Les Echos lưu ý, Hungary không phải là quốc gia duy nhất tự khép mình. Ông Viktor Orban và mô hình « dân chủ phi tự do » đang là một nguồn cảm hứng cho nhiều nước khác như Ba Lan, Cộng hòa Séc hay Slovakia.
Do đó, theo nhật báo, sự chia rẽ chưa hẳn là một nguy cơ tiềm tàng cho Liên Hiệp Châu Âu, mà chính những giá trị cơ bản dựa trên nền tảng cởi mở, chủ nghĩa tự do và dân chủ là cần phải được xem xét lại. Nói tóm lại như xã luận của Le Monde : « Hungary chính là một thách thức mới dành cho Liên Hiệp Châu Âu ».
Syria : Phương Tây đã thua ?
Báo Pháp hôm nay dành nhiều trang viết về tình hình Syria. Diễn biến tình hình tại khu vực này ngày càng trở nên phức tạp. Một câu hỏi đặt ra là phải chăng phương Tây đang thua đậm trong ván cờ Trung Đông này ?
Thua đậm là vì tại Syria, phương Tây một lần nữa bất lực nhìn thường dân bị tấn công bằng vũ khí hóa học. Liberation giận dữ đặt câu hỏi : « Vũ khí hóa học tại Syria, tình trạng miễn bị trừng phạt cho đến bao giờ nữa ? ». Vụ tấn công bằng vũ khí hóa học một lần nữa cho thấy « phương Tây lần nữa bị dồn vào chân tường trước một Ghouta đang hồi cáo chung ».
Mọi nghi ngờ giờ đổ dồn vào chế độ Damas và đồng minh Nga trước hành động « tàn sát » người dân bằng chất hóa học này như nhận xét của Le Monde. Bởi vì ngay từ tối Chủ Nhật 08/04, bộ Quốc Phòng Nga đã cho biết là đã đạt được mục tiêu ở Douma, theo đó, một thỏa thuận đã được đúc kết với nhóm nổi dậy Jaych al-Islam về việc sơ tán toàn bộ quân nổi dậy ra khỏi thành phố cuối cùng của Đông Ghouta.
Phải chăng kết quả này có được là sau ba ngày quân đội Nga và Damas tăng cường chiến dịch oanh kích đi cùng với việc dùng chất độc hóa học nhằm gây sức ép với phe nổi dậy như tường thuật của Libération. Nếu đúng như thế, quả thật « chế độ Damas đã thực hiện các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học » như cáo buộc của Le Monde.
Syria : « Sàn đấu »
không hồi kết giữa các cường quốc
Sở dĩ người dân Syria phải hứng chịu những thảm cảnh này do các cuộc xung đột quân sự vẫn tiếp diễn tại Syria từ 7 năm qua đó là do đất nước vẫn phải chịu đựng ba vết thương chưa lành, theo như nhận định của nhà báo Renaud Girard trong mục Ý kiến của báo Le Figaro.
Vết thương thứ nhất : Syria là nơi diễn ra xung đột giữa Israel và Iran. Theo ông, vụ căn cứ không quân Tayfur, nằm giữa Homs và Palmyra bị tên lửa tấn công rất có thể là do quân đội Israel tiến hành. Nơi đây có sự hiện diện của lực lượng Vệ Binh Hồi Giáo Iran và đồng minh Hezbollah Liban. Quân đội Israel lo ngại là trục Hồi Giáo Shia do Iran dẫn đầu sẽ hiện diện lâu dài dọc theo vùng cao nguyên Golan mà Israel đã chiếm đóng từ sau cuộc chiến tranh Sáu Ngày năm 1967.
Từ năm 2012, cuộc nội chiến tại Syria đã tạo thuận lợi cho việc nẩy sinh trên lãnh thổ nước này hai mối đe dọa Hồi Giáo cực đoan ở phía bắc Israel : đó là mối đe dọa Hồi Giáo Shia do Teheran thao túng và mối đe dọa Hồi Giáo Sunni của tổ chức khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo – Daech, cũng như Al Qaida. Nếu Hoa Kỳ xé bỏ hiệp định hạt nhân Iran được ký năm 2015 thì Teheran sẽ tiếp tục chương trình hạt nhân. Nguy cơ này đối với Israel là càng lớn.
Vết thương thứ hai là ốc đảo Đông Ghouta, cách Damas khoảng 10 km về phía đông. Ngày 07/04 vừa qua, các hình ảnh thường dân bị ngạt thở, giống như là nạn nhân của một vụ tấn công vũ khí hóa học. Câu hỏi được đặt ra là phải chăng chế độ Damas là thủ phạm, chấp nhận rủi ro một cách phi lý là khiêu khích chính quyền Hoa Kỳ hay đây là một sự khiêu khích của quân nổi dậy Hồi Giáo cực đoan. Cho đến lúc này, theo Renaud Girard, vẫn chưa có nguồn thông tin độc lập để kiểm chứng.
Vết thương cuối cùng là việc người Kurdistan ở Afrin (tây bắc Syria) phải ồ ạt chạy lánh nạn sau khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, với sự hỗ trợ của lực lượng dân quân nổi dậy Hồi Giáo, chiếm được thành phố này.
Nói tóm lại, lãnh thổ Syria giờ đã trở thành một bãi chiến trường khổng lồ, nơi đọ sức của các hệ tư tưởng, tôn giáo và các cường quốc Trung Đông. Hơn một chục lực lượng quân sự hiện diện tại đây và thường dân là nạn nhân đầu tiên. Có thể hơn 100 ngàn người đã thiệt mạng, gần 10 triệu người phải bỏ cửa bỏ nhà ra đi. Thậm chí giáo hoàng Phanxicô nói đến một vụ « diệt chủng ».
Câu hỏi đặt ra là tại sao phương Tây không ngăn chặn vụ thảm sát này ? Nhà Renaud Girard cho rằng, phương Tây lên án, tố cáo chế độ Bachar Al Assad nhưng không đi tới mức dùng vũ lực lật đổ chế độ đó bởi vì không muốn lặp lại hai kinh nghiệm sai lầm trong việc thay đổi chế độ, ở Afghanistan và Iran.
Tại hai nước này, phương Tây đã dùng sức mạnh quân sự và chi hàng trăm tỷ đô la, để lập ra các định chế mới và tổ chức bầu cử. Nhưng việc áp đặt mô hình dân chủ theo kiểu phương Tây tại hai quốc gia này không thành công. Tư tưởng bè phái, hệ phái đã thắng thế. Nếu như phương Tây lựa chọn một thống đốc biết nói tiếng Ả Rập trên vô tuyến, lôi kéo kết hợp với quân đội tại hai nước này trong công cuộc tái thiết, đổi mới quốc gia, thì có thể họ đã thành công.
Mạng xã hội : Con dao đa năng hai lưỡi sắc bén
Vào lúc ông chủ Facebook phải ra điều trần trước nghị viện Hoa Kỳ về việc mạng xã hội này được sử dụng như công cụ để tác động đến công luận, báo Le Monde có bài « Mạng xã hội : Con dao đa năng hai lưỡi »
Trong thời buổi hiện nay, hầu như ai cũng có điện thoại thông minh và có thể trở thành một nhà tranh đấu khi quay hình ảnh, thu âm một sự kiện gì đó. Theo bà Veronique Reille Soult, chủ tịch công ty tư vấn Dentsu Consulting, được Le Monde trích dẫn, « từ nay, tất cả các cuộc khủng hoảng đều được phát tán trước tiên qua các mạng xã hội ».
Vì sao ? Ông Olivier Midière, thuộc Medef, một tổ chức đại diện cho giới chủ Pháp giải thích. Thứ nhất, mạng xã hội đang làm thay đổi cách thức hoạt động, phục vụ của các doanh nghiệp. Khi một khách hàng không hài lòng, công ty chỉ có hai tiếng để xử lý ngay, nếu không tai tiếng của công ty sẽ được loan tải trên mạng xã hội. Rõ ràng, mạng xã hội đã góp phần cải thiện mạnh mẽ mối quan hệ giữa công ty và khách hàng.
Mạng xã hội cũng làm thay đổi đáng kể cách thức tuyển dụng nhân sự : Doanh nghiệp có khả năng lựa chọn nhiều hơn, hiểu rõ hơn ứng viên. Mặt khác, qua mạng xã hội, những vấn đề của doanh nghiệp được loan tải và buộc doanh nghiệp phải nhanh chóng xử lý.
Tuy nhiên, mạng xã hội cũng làm cho việc bảo vệ các thông tin cá nhân, thông tin của doanh nghiệp khó khăn hơn. Theo ông Olivier Midière, Facebook thu thập tất cả các dữ liệu của doanh nghiệp, các công ty tư vấn khai thác đối chiếu rồi bán lại cho các đối thủ của doanh nghiệp. Như vậy, mạng xã hội trở thành mối đe dọa, rủi ro đối với doanh nghiệp.
Mặt khác, mạng xã hội cũng là tấm gương phản chiếu hành vi, sở thích của khách hàng. Tập đoàn siêu thị Pháp Carrefour dùng mạng xã hội để hiểu biết rõ hơn xu hướng tiêu thụ, tung ra các đợt tiếp thị đáp ứng nhu cầu khách hàng, theo dõi « hành trình » của sản phẩm, từ sản xuất, chế biến, vận chuyển, thương mại và tiêu dùng.
Le Monde kết luận, cùng với sự phát triển của công nghệ, mạng xã hội ngày nay trở thành những con dao đa dụng hai lưỡi sắc bén mà không một ai, không một doanh nghiệp nào có thể bỏ qua.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180410-hungary-viktor-orban-thang-cu-chau-au-db
Tin đọc nhanh
(Reuters) – Đầu tư Trung Quốc vào Mỹ giảm gần 1/3 trong năm 2017. Theo báo cáo ngày 10/04/2018 của Rhodium Group và Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ-Trung, con số này chỉ ở mức 29 tỉ đô la, thấp hơn nhiều so với năm 2016 với kỉ lục là 46 tỉ đô la. Nguyên nhân là do chính sách của hai chính phủ : Bắc Kinh cố chặn nguồn vốn ra nước ngoài, trong khi Washington tăng cường kiểm soát các thương vụ chuyển nhượng với Trung Quốc.
(AFP) – Mêhicô đánh giá lại quan hệ với Washingtonsau khi quân đội Mỹ đến biên giới. Ngày 09/04/2018, bang Arizona đã triển khai 225 quân nhân của Lực lượng Vệ binh Quốc gia đến biên giới với Mêhicô vì lý do « an ninh ». Trong bối cảnh này, ngoại trưởng Mêhicô cho biết tổng thống Enrique Peña Nieto sẽ đưa ra một vài quyết định, đồng thời Mêhicô « sẽ không thể mãi bất động trước tình trạng này ».
(AFP) – Nhân viên Air France tiếp tục đình công đòi tăng lương. Giữa hai đợt đình công của ngành đường sắt Pháp SNCF, nhân viên hãng hàng không Pháp kêu gọi đình công trong ngày 10 và 11/04/2018. Chỉ khoảng 75% các chuyến bay được bảo đảm trong ngày thứ Ba 10/04. Theo ban giám đốc Air France, 7 ngày đình công không liên tiếp, từ 22/02 đến 11/04, có thể gây thiệt hại 170 triệu euro cho hãng hàng không quốc gia Pháp. Cùng ngày 10/04, công chức Đức cũng đình công mang tính « cảnh báo » cho chính quyền để gây sức ép cho các cuộc đàm phán tăng lương đang diễn ra.
(Reuteurs) – Cụ ông già nhất thế giới là người Nhật Bản. Năm nay 112 tuổi, cụ Masazo Nonaka sinh ngày 25/07/1905, từng làm nông và tiều phu, được ghi vào kỷ lục Guinness là người thọ nhất thế giới, sau khi cụ ông Franciso Nunez Olivera, người Tây Ban Nha vừa mới qua đời, thọ 113 tuổi. Kỉ lục sống thọ nhất 116 tuổi của cụ Jiroemon Kimura, cũng người Nhật Bản, vẫn chưa có ai phá được.
(AFP) – Tàu Đài Loan viếng cảng Nicaragua nhằm thắt chặt quan hệ với Trung Mỹ. Ba chiến hạm Đài Loan đã cập bến cảng Corinto hôm 09/04/2018, trong chuyến thăm hữu nghị kéo dài ba ngày. Đài Loan đang nỗ lực nuôi dưỡng các mối quan hệ với các đồng minh ở vùng Trung-Nam Mỹ, mà số lượng ngày càng ít đi dưới sức ép của Trung Quốc. Theo chương trình, đội tàu Đài Loan sẽ cùng tiến hành tập luyện với hải quân Nicaragua. Đây là lần thứ sáu Hải Quân Đài Loan ghé cảng Corinto.
(AFP) – Miến Điện : Tòa án Hình Sự Quốc tế (ICC) muốn mở điều tra về tình trạng người Rohingya. Chánh biện lý Fatou Bensouda của Tòa án Hình Sự Quốc Tế ngày 09/04/2018 đã chính thức yêu cầu các thẩm phán của Tòa cho ý kiến về việc bà có thể mở điều tra về vụ hàng trăm ngàn người Rohingya bị trục xuất khỏi Miến Điện hay không. Quyết định của tòa rất cần thiết vì lẽ Miến Điện không phải là thành viên của ICC. Bà Bensouda yêu cầu các thẩm phán thành lập một phòng đặc biệt để nghiên cứu câu hỏi của bà và ra quyết định.