Đọc báo Pháp – 10/01/2017
« Thất bại ngoại giao » :
Điểm đen trong bảng thành tích của Obama
Giờ đã điểm. Tổng thống mãn nhiệm Barack Obama tối nay có bài diễn văn cuối cùng tại Chicago. Đấy cũng là lúc điểm lại những gì ông đã làm được và không làm được trong suốt tám năm cầm quyền. Theo Les Echos và Le Figaro hôm nay, 10/01/2017, ngoài việc công nhận những thành công kinh tế-tài chính, nước Mỹ dưới sự điều hành của ông Obama đã bị mất đi tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế.
Les Echos trên trang nhất thông báo : « Sau tám năm ở Nhà Trắng, lời biện hộ cuối cùng của Obama ». Trong bài diễn văn cuối cùng tối nay tại Chicago, tổng thống Mỹ mãn nhiệm có thể tự hào về một nền kinh tế trong tình trạng tốt nhất. Mười một triệu việc làm đã được tạo ra (Le Figaro đưa con số 16 triệu). Tuy thấp hơn dưới thời Bill Clinton đến một nửa (23 triệu) nhưng cao hơn rất nhiều so với tám năm cầm quyền của G. Bush (chỉ có 1,3 triệu).
Dù vậy, sức tăng trưởng kinh tế vẫn rất thấp và mức thu nhập bình quân vẫn còn thua xa thời kỳ trước khủng hoảng. Điều nghịch lý là dưới tám năm cầm quyền của ông Obama, xã hội Mỹ vẫn chia rẽ sâu sắc, mà vấn đề chủng tộc ngày càng trở nên tồi tệ.
Nhưng có lẽ điều gây ngạc nhiên nhất là chính trong tám năm đó, nước Mỹ đã mất dần tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế. Les Echos chua chát cho rằng giờ khó có thể tìm được một ai bảo vệ di sản kế thừa từ ông Obama trên phương diện ngoại giao, kể cả trong số các đồng minh và những người ngưỡng mộ ông.
Đương nhiên, không ai phủ nhận thành công của ông trong việc triệt hạ Ben Laden, bình thường hóa quan hệ với Cuba, hay thỏa thuận hạt nhân đạt được với Iran. Nhưng điều đó cũng không đủ xóa đi hai điểm chính yếu : tính nhu nhược và không kiên định. Mà ví dụ điển hình là việc ông thay đổi ý kiến vào giờ chót, quyết định không can thiệp vào Syria năm 2013, sau khi đã lên tiếng cảnh cáo tổng thống Bachar Al Assad về lằn ranh đỏ. Một quyết định đã gây bực bội cho nhiều nước đồng minh, đứng đầu là Pháp.
Tệ hơn nữa, người ta cáo buộc chính sách không can thiệp của ông Obama đã góp phần làm sa lầy cuộc khủng hoảng tại Syria. Việc chính quyền Damas chiếm lại được Aleppo khẳng định thất bại hiển nhiên theo như quan điểm này. Thượng nghị sĩ Bob Corker thuộc đảng Cộng hòa đã chỉ trích mạnh mẽ : « Tôi không ủng hộ việc chúng tôi làm sen đầm quốc tế, nhưng việc vắng vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ đang tạo ra một khoảng trống mà ở đó mọi vấn đề đang bị dồn vào trong đó ».
Một điều sỉ nhục
Thái độ chần chừ của ông Obama trước những hành động phô trương thế lực của Trung Quốc (trên Biển Đông) và của Nga tại Ukraina, Syria.. đã làm cho nhiều quốc gia đồng minh thất vọng. Bị quốc tế cấm vận sau khi cho sáp nhập Crimée vào lãnh thổ Nga, tổng thống Vladimir Putin giờ đã lấy lại được hoàn toàn vị thế của mình trong chính trường quốc tế.
Cùng với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, Nga thành lập một liên quân chống Daech, cạnh tranh trực tiếp với liên quân do Mỹ dẫn đầu được cho là kém hiệu quả. Và việc Donald Trump vào Nhà Trắng có nguy cơ củng cố thêm vị thế này của ông Putin. Đến mức, nhật báo cánh hữu Le Figaro thốt lên rằng : « Tại Ukraina và Syria, Obama đã tạo cảm giác đang bị một Putin thắng thế dắt mũi ».
Nhưng đối với Obama, đó là một điều sỉ nhục, Les Echos nhận xét. Và từ một năm nay ông đã cố gắng khoác lên người vai trò lãnh đạo một liên quân quốc tế lớn trong cuộc chiến chống Daech tại Irak và Syria. Thế nhưng các cuộc oanh kích tại hai nơi này vẫn chưa đem lại kết quả như mong đợi. Các chiến dịch không quân đó chỉ tạm thời cản trở đà bành trướng, nhưng không ngăn chặn được quân thánh chiến.
Điều hối tiếc cuối cùng đó là Barack Obama vẫn không lật sang trang được cuộc chiến Irak và Afghanistan. Một lời hứa ông đã đưa ra trong suốt chiến dịch tranh cử và đã mang lại cho ông giải Nobel Hòa Bình năm 2009. Hơn 8.000 binh sĩ Mỹ còn đồn trú tại Afghanistan để chống lại mối họa taliban. Và gần 4600 binh lính Mỹ đang được triển khai tại Irak.
Nói tóm lại, như nhận xét của Le Figaro, giấc mơ ra đi với khúc khải hoàn, mang vòng nguyệt quế đi vào lịch sử nước Mỹ của ông Obama đã bị người kế nhiệm Donald Trump làm cho phá sản. Với việc ông Trump kiên quyết hủy bỏ phần lớn các chính sách mà ông Obama đề ra trong tám năm qua, thời kỳ chuyển giao quyền lực đã biến trong con người ông, thành một cuộc chiến đấu nhằm khẳng định dấu ấn và bảo vệ bảng thành tích của mình. Đó cũng chính là « Cuộc chiến đấu cuối cùng của Obama cho về sau », như hàng tựa nhận định trên Le Figaro.
Và bài diễn văn giã biệt tối nay tại Chicago sẽ là điểm nhấn cho nỗ lực đó. Có điều, « Những lời giã biệt đó của Obama lại mang một hương vị cay đắng » như hàng tít lớn thông báo trên Le Figaro.
Bẫy thiết bị bay không người lái, bảo bối mới của Daech
Liên quan đến cuộc chiến Daech, Le Monde công bố một báo cáo điều tra mô tả chi tiết làm thế nào một thiết bị bay điều khiển từ xa phát nổ làm hai binh sĩ Pháp bị thương nặng tại Mossoul, Irak.
Vụ việc xảy ra vào một ngày đầu tháng 10/2016. Đó một con chim lớn bụng phệ bằng chất polistiren, một loại nhựa dẻo chịu nhiệt. Đôi cánh to cắt cụt quấn đầy băng dính màu xám, rơi từ trên trời tại phía bắc thành phố Mossoul. Khi thiết bị bay của EI hạ xuống, chúng trông có vẻ như bị hỏng hóc. Các chiến binh Kurdistan sau một hồi đợi lâu đã nhặt chúng đem về. Hai lính dù Pháp đã được mời đến để xem xét thiết bị. Trong quá trình thao tác, thiết bị phát nổ, hai binh sĩ Kurdistan bỏ mạng tại chỗ, còn hai lính Pháp bị thương nặng.
Theo Le Monde, về mặt chiến thuật, thiết bị bay điều khiển từ xa không là một loại vũ khí đáng gờm. Nhưng chúng có thể có một tác động lên mặt tâm lý. Các thử nghiệm cho thấy, với chiều ngang sải cánh khoảng 1,2m, trông rất nhẹ, những thiết bị bay này có thể đâm thẳng vào xe các đơn vị chiến đấu, « đi xuyên qua kính che gió và nổ ở bên trong giết chết hay làm bị thương nặng những người ngồi bên trong buồng lái ».
Bắc Cực : Nạn nhân đầu tiên của biến đối khí hậu
Trên lĩnh vực khí hậu, Libération mở một hồ sơ dài hai trang với tựa đề báo động hiện tượng băng tan tại Bắc Cực. Theo nhật báo, Bắc Cực vừa là nạn nhân đầu tiên của biến đổi khí hậu, vừa là chỉ số biến đổi của cả hành tinh. Khu vực này giờ đang trở thành một vùng chiến lược, nơi tranh chấp của 6 quốc gia, nhất là trên phương diện giao thông hàng hải.
Tại đây, các nước như Canada, Hoa Kỳ, Nga, Na Uy, Iceland và Groenland đều đòi hỏi một phần chủ quyền lãnh thổ. Trong bối cảnh đó, Nga đã tái quân sự hóa vùng biên giới phía bắc và gia tăng các hoạt động quân sự, đe dọa các nước láng giềng.
Donald Trump và Hollywood khẩu chiến
Một đề tài khác được nhiều tờ báo Pháp hôm nay bàn nhiều đó là bộ phim « Elle » của đạo diễn Paul Verhoeven đoạt hai giải thưởng lớn của điện ảnh Hoa Kỳ với Quả Cầu Vàng (Golden Globes) dành cho phim ngoại quốc và nữ diễn viên xuất sắc nhất. Le Monde trên trang nhất chạy tựa lớn : « Isabelle Huppert tuyệt vời ». Le Figaro khiếm tốn nhận định : « Isabelle Huppert, thắng cuộc vòng một ».
Bởi vì với giải Quả Cầu Vàng trong hạng mục vai nữ chính xuất sắc nhất trong bộ phim « Elle » của đạo diễn Paul Verhoeven, con đường hướng tới giải Oscar cũng đang rộng mở. Nhưng từ đây đến đó vẫn còn nhiều thách thức. Giải Quả Cầu Vàng thường được xem như là một phiên bản ngược của Oscars do chức năng vận hành của hai giải thưởng điện ảnh này là trái ngược nhau hoàn toàn.
Golden Globes do Hiệp hội các nhà báo nước ngoài tại Hollywood tổ chức, quy tụ khoảng 100 phóng viên, chủ yếu đến từ châu Âu vốn dĩ đánh giá cao phim nước ngoài. Trong khi đó, giải Oscars tập trung đến hơn 6000 chuyên gia của mọi lĩnh vực trong nền nghệ thuật thứ 7 (diễn viên, nhà sản xuất, biên kịch, trang phục, âm thanh,…). Hai đối tượng khác nhau nên gu thưởng thức cũng khác nhau. Giải Oscars thường chú trọng đến các loại phim dạng kinh điển như bi kịch lịch sử hay những phim ca tụng quyền lực điện ảnh.
Nhưng giải Quả Cầu Vàng lần này có điểm đặc biệt vì đây là dịp để các sao Hollywood chỉ trích Donald Trump, tổng thống đắc cử Hoa Kỳ. Trong bài viết đề tựa « Khi Hollywood thách thức Donald Trump », Les Echos cho biết đấu khẩu đã xảy ra giữa các sao điện ảnh với tổng thống tân cử. Đặc biệt bài phát biểu của ngôi sao điện ảnh kỳ cựu Meryl Streep đã được tán thưởng nồng nhiệt.
Bà nói : « Hollywood rung chuyển là nhờ những người đến từ phương khác và người nước ngoài. Không có họ, nước Mỹ sẽ chẳng có gì để mà xem ngoài bộ môn bóng bầu dục và vài môn võ nghèo nàn, những bộ môn không đến từ nghệ thuật ». Nhân dịp này, nữ nghệ sĩ nhắc lại vụ việc ông Donald Trump đã từng mỉa mai một ký giả tật nguyền của tờ New York Times hồi năm 2015. Bà cho rằng : « Thiếu tôn trọng dẫn đến sự không tôn trọng. Bạo lực khơi dậy bạo lực ».
Lời chỉ trích đó đã được ông Donald Trump giận dữ đáp trả trên Twitter cho rằng Meryl Streep là « một tên đầy tớ của Hillary, người đã thất bại ê chề ». Khi trả lời phỏng vấn tờ New York Times qua điện thoại, ngoài việc tấn công « điện ảnh Mỹ là theo cánh tả », ông cũng giận dữ đáp trả lời phê phán của nữ nghệ sĩ rằng : « Tôi chưa bao giờ mỉa mai một nhà báo tật nguyền (tôi có lẽ sẽ không bao giờ làm) nhưng đây là lần thứ 100 tôi đã chỉ cho thấy anh ta đã quỵ lụy như thế nào khi anh ta thay đổi hoàn toàn một câu chuyện mà anh ta đã viết cách đây 16 năm trong mục đích bôi nhọ hình ảnh của tôi. Chỉ toàn là những tờ báo không trung thực ».
Tin đọc nhanh
(Reuters) – Trung Quốc : Một giáo sư bị cho thôi việc vì đã phê phán Mao Trạch Đông. Một giáo sư trường nghệ thuật 62 tuổi, cố vấn tỉnh Sơn Đông đã bị cho thôi việc vì đã phê phán Mao Trạch Đông nhân dịp kỷ niệm 123 năm ngày sinh của Mao. Ngày 26/12 vừa qua, giáo sư này đã bình luận trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc là Mao Trạch Đông là người gây ra nạn đói khiến 30 triệu người chết và ông cũng là thủ phạm khiến 2 triệu người khác thiệt mạng trong Cách Mạng Văn Hóa. Những lời phê phán thế này là rất hiếm thấy ở Trung Quốc. Nhiều người tôn thờ Mao đã xuống đường phản đối giáo sư này. Vị giáo sư nghệ thuật đã bị cách chức chuyên gia tư vấn của chính quyền tỉnh và buộc thôi việc ở trường Đại Học Sơn Đông.
(Reuters) – Yahoo đổi tên thành Altaba. Tập đoàn Yahoo sẽ đổi tên thành Altaba. Bà Marissa Mayer sẽ thôi chức tổng giám đốc điều hành của Yahoo sau khi hoàn thành thương vụ sáp nhập vào công ty viễn thông Verizon Communications. Tập đoàn Verizon Communications đã mua lại các hoạt động internet của Yahoo, nhất là thư điện tử, truyền thông và quảng cáo số với giá 4.83 tỉ đô la.
(Reuters) – Thuốc lá khiến 8 triệu người chết mỗi năm. Mỗi năm thuốc lá khiến 8 triệu người chết, khiến kinh tế thế giới thiệt hại tới hơn 1.000 tỉ và từ nay tới năm 2030, số người chết vì hút thuốc sẽ tăng thêm 1/3. Đây là kết quả nghiên cứu mới được Tổ chức Y Tế Thế Giới và Viện Nghiên Cứu Ung Thư của Mỹ công bố ngày hôm qua. Chi phí chăm sóc sức khỏe cho những người bị bệnh vì hút thuốc lá lớn hơn các khoản thuế đánh vào thuốc lá.
(AFP) – Lụt : Miền nam Thái Lan bị cô lập. Đợt mưa kỷ lục từ 30 năm nay làm sập hai cầu đường bộ và làm tê liệt đoạn đường sắt cách thủ đô Bangkok 300 km, làm toàn bộ miền nam bị cô lập. Tổng cộng 11 tỉnh và cuộc sống của hơn 1 triệu cư dân bị ảnh hưởng, hơn 360.000 ngôi nhà chìm trong nước. Hôm nay, 10/01/2017, chính quyền triển khai quân đội để phân phối thực phẩm và sơ tán cư dân. Đây là đợt mưa lũ lớn thứ hai tại miền nam Thái Lan chỉ trong vòng vài tuần.
(ABC) – Cảnh sát Úc điều tra vụ 1MDB liên quan đến thủ tướng Malaysia. Theo ABC, hôm nay, 10/01, cảnh sát Liên Bang Úc thông báo đang phối hợp với nhiều cơ quan thực thi pháp luật quốc tế, điều tra về các cáo buộc liên quan đến vụ biển thủ Quỹ Quốc Gia Malaysia 1MDB, do chính thủ tướng Najib Razak sáng lập. Theo bộ Tư Pháp Mỹ, tổng số hơn 3,5 tỉ đô la bị biển thủ. Ít nhất sáu quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, Thụy Sĩ, Singapore, đang phối hợp điều tra vụ tham nhũng lớn này.
(AFP) – Chiến hạm Mỹ bắn cảnh báo tàu Iran. Theo bộ Quốc Phòng Mỹ, hôm Chủ Nhật 08/01, tại eo biển Ormuz, thuộc khu vực biển quốc tế Vùng Vịnh, tàu khu trục USS Mahan đã bắn nhiều tràng súng máy, khi một số tàu thuộc lực lượng Cận Vệ Cách Mạng Iran phóng thẳng vào tàu này với tốc độ lớn. Theo tàu Mỹ, bất chấp loạt đạn cảnh báo, các tàu Iran vẫn sáp lại ở khoảng cách 800 mét, trước khi rời xa. Lầu Năm Góc cho biết, các sự cố nói trên xảy ra khá thường xuyên trong thời gian năm 2015 đến đầu năm ngoái, và giảm dần sau đó. Lần cuối cùng vào tháng 8/2016.
(AFP) – Quốc Hội Thổ Nhĩ Kỳ xét dự án cải cách Hiến pháp. Hôm qua 09/01, dự án cải cách nhằm thiết lập « chế độ tổng thống » bắt đầu được thảo luận. Theo dự án này, tổng thống nắm toàn bộ hành pháp, thay vì quyền tập trung trong tay thủ tướng như Hiến pháp hiện hành. Đối lập Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại với Hiến pháp mới, tổng thống Erdogan sẽ áp đặt một chế độ độc tài. Theo Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ, cải cách phải được ít nhất 330 nghị sĩ trên 550 đồng ý. Trong hiện tại, đảng cầm quyền AKP và đảng cánh hữu dân tộc chủ nghĩa MHP, ủng hộ dự án này, đã có được 355 ghế. Nếu đắc cử lần tới, năm 2019, ông Erdogan có thể nắm quyền đến năm 2029, trong trường hợp cải cách Hiến pháp được thông qua.
(AFP) – Quốc Hội Venezuela lên án tổng thống gây « khủng hoảng chưa từng có ». Hôm qua 09/01, sau một phiên họp hết sức căng thẳng, Quốc Hội Venezuela đã ra một nghị quyết, khẳng định tổng thống Nicolas Maduro đã « thiếu trách nhiệm », « gây ra một cuộc khủng hoảng chưa từng có tại Venezuela », « khiến kinh tế suy sụp », « làm tổn hại đến các quyền căn bản của người dân Venezuela ». Nghị quyết nói trên chỉ mang tính biểu tượng, bởi gần như chắc chắn sẽ bị Tòa Án Tối Cao bác bỏ. Đối lập Venezuela đang nỗ lực gây áp lực để ông Maduro phải từ chức, và để cuộc bầu cử diễn ra sớm, trước năm 2018 như dự kiến. Theo một thăm dò dư luận, gần 80% người Venezuela không đồng tình với chính sách của tổng thống Maduro.
(AFP) – Giá lạnh ở châu Âu : Ít nhất 40 người chết. Đợt lạnh tràn vào châu Âu từ cuối tuần qua đã làm ít nhất 40 người chết. Ba Lan là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất, nhiệt độ xuống thấp dưới -20 độ ở một số vùng. Chỉ trong ba ngày thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ Nhật, đã có ít nhất 20 người chết vì lạnh. Còn tổ chức Y Sĩ Không Biên Giới đặc biệt lo ngại trước tình cảnh của vài ngàn di dân và người tị nạn hiện đang mắc kẹt trong giá lạnh trên các hòn đảo ở Hy Lạp. Tại Pháp, nhiều tai nạn đã xảy ra do đường trơn trượt vì băng tuyết.
(AFP) – Mỹ cáo buộc Trung Quốc tiếp tục gây mất cân đối thương mại. Washington cáo buộc Bắc Kinh tiếp tục làm mất cân đối trao đổi thương mại giữa hai nước bằng cách can thiệp vào các hoạt động kinh tế. Liên quan tới các quy định của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, Bộ Ngoại Thương Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại liên quan tới bí mật thương mại, sở hữu trí tuệ và hỗ trợ của Nhà Nước. Chính phủ Mỹ kêu gọi Trung Quốc dỡ bỏ nhiều rào cản thương mại đối với các mặt hàng và dịch vụ của nước ngoài. Tuy nhiên, Washington lại ghi nhận « những tiến bộ quan trọng » của Bắc Kinh, đặc biệt trong việc quản lý sản lượng thép.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170110-tin-doc-nhanh