Đọc báo Pháp – 10/11/202
Vac-xin phòng Covid của Pfizer: Vẫn chỉ là hy vọng – Anh Vũ
Một tia hy vọng lóe lên giữa đại dịch Covid -19 với thông báo vac-xin của Pfizer đạt hiệu quả 90%. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vẫn tiếp tục dằng dai. Tổng thống mãn nhiệm không thừa nhận thất bại, đòi kiện, phe thắng cử bắt tay vào việc, chuẩn bị tiến trình chuyển giao quyền lực dự báo sẽ còn rối ren. Chính phủ Pháp loay hoay bế tắc giữa phong tỏa Covid đợt 2. Đó là những chủ đề chính của các báo Pháp ra ngày hôm nay, 10/11/2020.
Le Figaro với tựa chính trang nhất Covid-19 : « Hứa hẹn vac-xin đang rõ dần ». Trong khi đó, tựa lớn trang nhất của Les Echos đơn giản nhưng không dấu được vui mừng : « Hy vọng ».
Hôm qua (09/11) tập đoàn dược phẩm Mỹ Pfizer thông báo các kết quả sơ bộ thử nghiệm lâm sàng đợt 3 : vac-xin ngừa Covid -19 do hãng bào chế đạt hiệu quả tới 90%. Đây là một tin vui cho cả thế giới đang lao đao vì trận đại dịch suốt gần một năm nay.
Theo Le Figaro, như vậy là trong cuộc đua bào chế vac-xin ngừa Covid đã diễn ra từ nhiều tháng qua, Pfizer hợp tác với hãng Đức BioNTech đã vượt lên trước với kết quả thử nghiệm đáng khích lệ. Mặc dù còn tiếp tục phải được kiểm tra xác nhận, nhưng Pfizer đã khởi động khâu sản xuất vac-xin và xin giấy phép khẩn cấp lên cơ quan chức năng của Mỹ.
Le Figaro ghi nhận « Viễn cảnh có vac-xin đang ở gần với Pfizer. Cách đây 10 tháng, tập đoàn dược của Mỹ vẫn không được trông mong nhiều trong cuộc đua vac xin. Giờ đây hãng có thể sẽ là một trong những người cán đích trước tiên ».
Vẫn còn trở ngại trước mặt
Sau thắng lợi đầu tiên, sản phẩm của Pfizer vẫn còn phải qua các công đoạn mấu chốt nữa mà Le Figaro nhận định là « các giai đoạn cuối của cuộc chạy đua vượt chướng ngại vật thực sự ».
Trước hết để được lưu hành tại thị trường ở Mỹ, vac-xin phải xin cấp phép khẩn cấp với cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ ( FDA). Pfizer phải tập hợp dữ liệu an toàn vac-xin trong hai tháng thử nghiệm giai đoạn 3. Thêm vào đó, hãng phải giải trình liên quan đến khâu sản xuất. FDA có thể cho ý kiến đồng ý trong vài ngày hoặc vài tuần. Song song đó, hồ sơ của Pfizer cũng đang được Cơ quan quản lý dược phẩm của Châu Âu (EMA) kiểm tra. Hồ sơ đã được nộp từ 6/10 và liên tục được phòng thí nghiệm của Pfizer bổ sung. Vì tính cấp bách của đại dịch, các thủ tục xét duyệt sẽ được rút ngắn thời gian.
Vẫn theo Le Figaro, thách thức lớn nữa của Pfizer là vấn đề sản xuất vac-xin. Dự kiến sản xuất 1,3 tỷ liều, hứa hẹn từ nay cuối năm cho ra 50 triệu liều. Đây là một khối lượng khổng lồ. Cam kết như vậy buộc hãng phải tiến hành song song thiết lập quy trình sản xuất với nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cùng thử nghiệm lâm sàng, dù chưa biết kết quả ra sao. Điều chưa từng có từ trước tới nay trong quy trình bào chế vac-xin này đặt hãng trước những rủi ro tài chính. Đến lúc này, Pfizer cho biết đã đầu tư 2 tỷ đô la cho nghiên cứu và sản xuất vac-xin.
Nhưng để sản xuất vac-xin phòng Covid, Pfizer liên kết với hãng dược Đức BioNTech, để có 7 cơ sở sản xuất trên khắp thế giới, không phải xây mới nhà máy, mất thời gian. Còn một vấn đề nữa, đó là vận chuyển sản phẩm. Vac-xin của Pfizer phải được bảo quản ở -70°C. Đây sẽ là vấn đề đau đầu cho việc triển khai chiến dịch tiêm chủng.
Vẫn trong hồ sơ này, Le Figaro nhắc lại, thông báo đầy hy vọng của Pfizer không có nghĩa là cuộc đua vac-xin trên thế giới đã kết thúc. Trên thế giới có tới 9 ứng viên vac-xin trong top về đích, tức đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Trong đó có các loại vac-xin của phòng thí nghiệm Trung Quốc Sinopharm và Sinovac, Sputnik V của Nga và của các phòng thí nghiệm châu Âu AstraZeneca và Johnson&Johnson cũng đang tiến triển theo hướng tốt, tuy có thể hơi chậm.
Công hiệu thấy ngay trên thị trường tài chính
Les Echos không thể thiếu góc nhìn về kinh tế qua sự kiện đang được cả hành tinh mong chờ này với bài viết : « Hứa hẹn về phương thuốc trị đại dịch làm bùng nổ thị trường chứng khoán thế giới ».
Les Echos cho biết, tin mừng của Pfizer đưa ra chỉ trong vài giờ đã làm thị trường chứng khoán thế giới tưng bừng, sau những ngày lo âu vì những bất trắc của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và khủng hoảng kinh tế do đại dịch. Từ Wall Street, sang châu Âu, châu Á, các chỉ số chứng khoán tăng vọt lên đến hai chữ số. Đặc biệt, cổ phiếu của những công ty chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của khủng hoảng y tế lần này tăng mạnh. Đó là những lĩnh vực như hàng không, du lịch, xe hơi hay bất động sản.
Cũng ở khía cạnh kinh tế, Le Figaro cho biết, từ cuối tháng 10, các nhà phân tích tài chính đã tính toán nếu thành công, Pfizer sẽ đạt doanh thu 3,5 tỷ đô la trong 2021 và 1,4 tỷ đô la trong năm 2022. Riêng chính phủ Mỹ đã đặt trước 1,95 tỷ đô la để có được 100 triệu liều trước tiên (cùng 500 triệu liều bổ sung).
Hậu bầu cử Mỹ : Còn lâu mới xong ?
Chuyển qua với thời sự nóng khác đang được cả thế giới quan tâm theo dõi. Hậu bầu cử tổng thống Mỹ vẫn tiếp tục căng thẳng rắc rối kéo dài, đúng như ông Trump đã nói ngay sau ngày bỏ phiếu « cuộc bầu cử còn lâu mới kết thúc ».
Le Monde chạy tựa chính: « Một tổng thống, hai nước Mỹ », để khẳng định lại thực tế một nước Mỹ bị chia rẽ trong và sau kỳ bầu cử tổng thống chưa từng có trong lịch sử nước này. Trong khi phe Dân Chủ thắng cử muốn triển khai ngay công việc, thì tổng thống mãn nhiệm Donald Trump, như khi cuộc bỏ phiếu chưa bắt đầu, vẫn kêu bị gian lận bầu cử và không chấp nhận bị thua cuộc.
Le Monde ghi nhận « Joe Biden trước thách thức chuyển giao quyền lực đầy xáo động ». Ba ngày sau khi các hãng truyền thông chính của Mỹ thông báo Joe Biden đắc cử tổng thống dựa trên các phiếu bầu đã kiểm xong, (Joe Biden được 75,5 triệu phiếu phổ thông và 290 đại cử tri – Donald Trump dành 71 triệu phiếu phổ thông và 214 đại cử tri). Donald Trump vẫn một mực không thừa nhận thất bại, phản ứng duy nhất là đòi kiện kết quả phiếu bầu mà ông cho là gian lận, nhưng không đưa ra bằng chứng nào. Không hề gọi điện chúc mừng người chiến thắng, tất nhiên cũng chẳng có lời mời đến thăm Nhà Trắng. Đó là những động thái mang tính truyền thống văn hóa chính trị ở Mỹ trong mỗi kỳ bầu cử tổng thống. Le Monde cũng nhắc lại, năm 2016 ngay sau khi có kết quả ông Trump đắc cử, ngày 10/11 tổng thống mãn nhiệm Obama đã mời ông Trump vào thăm Nhà Trắng để làm quen.
Trước thái độ như vậy của tổng thống, giám đốc Cơ quan Quản lý Dịch vụ Tổng hợp (RSA), do ông Trump chỉ định năm 2017, vẫn không thấy chính thức công bố Joe Biden là người chiến thắng dù AP là hãng truyền thông duy nhất được xác tín và có trách nhiệm đưa kết quả bầu cử rõ rệt như trên. Thông báo của RSA chỉ là thủ tục, nhưng tạo điều kiện để quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra ôn hòa.
Trong khi đó ông Joe Biden trên cương vị người thắng cử đang muốn bắt tay ngay vào việc hàn gắn chia rẽ, nhanh chóng đưa nước Mỹ vượt qua khủng hoảng Covid-19 cũng như những thách thức kinh tế. Nhưng ông đang vấp phải trở ngại đầu tiên trên đoạn đường ngắn đến ngày 20 tháng Giêng, chính thức bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thực sự.
Trong khi đó, theo Le Figaro, không có tin tức chính thức nào đưa ra từ Nhà Trắng. Truyền thông Mỹ chỉ biết dựa theo các nguồn thạo tin, có người thì nói đang thuyết phục tổng thống thừa nhận thất bại, những cũng có nguồn lại nói ông Trump và những người thân đang bàn chuyện tổ chức các cuộc tập họp phản đối kết quả bầu cử.
Le Monde nhắc lại, ở kỳ bầu cử 2016, khi thấy đối thủ Hillary Clinton vừa vượt lên ở một số bang ông Trump cũng đã la toáng lên có gian lận. Các tố cáo của ông chỉ chìm xuống khi cuối cùng ông thắng cử.
Khủng hoảng dịch lần 2: Chính phủ Pháp như gà mắc tóc
Trở lại với thời sự nước Pháp. Chủ đề nổi bật đó là cuộc chiến chống dịch Covid 19, với tâm điểm chú ý là cách xử lý của chính phủ.
Hầu hết các báo đều nhận thấy trong lúc mà đỉnh của đợt dịch thứ 2 vẫn chưa qua, trong những ngày qua chính phủ của thủ tướng Castex tỏ ra lúng túng, thông báo theo kiểu trống đánh xuối kèn thổi ngược về các biện pháp đối phó với dịch đã và sắp ban hành.
Đây cũng là hồ sơ chính của Libération. Tờ báo dành nhiều bài viết để cho thấy, trong vụ xử lý làn sóng dịch thứ 2 này, thủ tướng Castex đã chứng tỏ một người không có quyền lực, chỉ là người thực thi máy móc các chỉ đạo đường lối của tổng thống. Các bộ trưởng của ông những ngày qua liên tiếp đưa ra những phát biểu trái ngược nhau về cách thức xử lý khủng hoảng, khiến dư luận mất lòng tin, thậm chí không còn ủng hộ các biện pháp kiểm soát dịch của chính phủ.
Le Figaro thì kết luận trong bài xã luận rằng chính phủ của thủ tướng Jean Castex, trong cách hành động, cũng như phát ngôn, đang vô tình gieo hoài nghi về các quyết định của mình.
Tin tổng hợp
(AFP) – Bắc Kinh và Matxcơva: Mối đe dọa chính yếu cho an ninh Cộng Hòa Séc.
Báo cáo hàng năm của cơ quan tình báo Cộng Hòa Séc (BIS) được công bố ngày 10/11/2020 nhấn mạnh đến điểm khác biệt lớn giữa hai nước: « Nga luôn tìm cách gây bất ổn và làm tan rã phe đối lập, trong khi Trung Quốc thì tìm cách tụ tập xung quanh mình một tập hợp các nước nhìn nhận tính chính đáng của các lợi ích của Trung Quốc ». Vẫn theo BIS, Nga và Trung Quốc chính là hai nước mở các đợt tấn công tin tặc nhắm vào bộ Ngoại Giao và các tòa đại sứ của Cộng Hòa Séc ở nước ngoài.
(AFP) – Tổ Chức Y Tế Thế Giới: Trung Quốc ngăn cản, Đài Loan đứng ngoài.
Đại Hội Đồng Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO khai mạc vào hôm qua, 09/11/2020, tại Genève đã không mời Đài Loan tham dự. Mặc dù Hoa Kỳ và nhiều thành viên phương Tây vận động, nhưng dưới sức ép của Bắc Kinh, Đài Loan vẫn bị loại trừ. Bình luận về sự kiện này, thủ tướng Đài Loan cho rằng Trung Quốc chỉ thêm thù bớt bạn trên thế giới. Đại sứ Mỹ tại Genève Andrew Gremberg tiếc rằng với một chính sách chống dịch hiệu quả, có Đài Loan tham gia là một lợi ích cho thế giới và WHO.
(AFP) – Philippines: Một nhà báo bị giết sau khi thoát nạn lần đầu.
Virgilio Maganes, phóng viên Philippines 62 tuổi, đã bị kẻ lạ mặt bắn chết ngày 10/11/2020 gần nhà riêng, sau khi thoát chết trong vụ mưu sát lần đầu vào năm 2016. Nhà báo của đài phát thanh địa phương DWPR ở tỉnh Pangasinan, miền bắc, bị bắn sáu viên đạn. Đây là phóng viên thứ 18 bị ám sát từ ngày tổng thống Duterte lên cầm quyền. Hiệp hội báo chí Philippines lên án chính phủ không « bảo vệ tự do báo chí ».
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201110-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 10/11:
Vì sao Nga, Trung chưa chúc mừng Biden?
Hải Lam
Mục lục bài viết
Vì sao Nga, Trung chưa chúc mừng Biden?
Chiến dịch TT Trump dự định tổ chức loạt mít tinh chống gian lận bầu cử
Luật sư của TT Trump: Người chiến thắng sẽ do Tòa án xác định
Tổng thống Ukraine nhiễm nCov
Các nhà lập pháp dân chủ Hồng Kông đe dọa từ chức tập thể
Tổng Thống Trump sa thải Bộ Trưởng Quốc Phòng Mark Esper
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Ba (10/11) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Vì sao Nga, Trung chưa chúc mừng Biden?
Trung Quốc và Nga hôm 9/11 vẫn chưa chúc mừng ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden. Theo Reuters, Bắc Kinh cho biết sẽ tuân theo thông lệ quốc tế về bầu cử Mỹ, còn Điện Kremlin muốn đợi kết quả chính thức vì ông Trump tuyên bố sẽ theo đuổi các vụ kiện pháp lý.
“Chúng tôi biết ông Biden đã tuyên bố thắng cử. Chúng tôi cũng hiểu rằng kết quả bầu cử tổng thống Mỹ sẽ được xác định theo quy trình và luật pháp Mỹ”, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói tại buổi họp báo ở Bắc Kinh hôm 9/11.
Trong khi đó, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo rằng: “Chúng tôi cho rằng việc đợi kiểm phiếu chính thức là thích hợp”.
Khi được hỏi tại sao vào năm 2016, Tổng thống Nga Putin đã chúc mừng ông Trump ngay sau khi ông giành đủ phiếu Đại cử tri, đánh bại ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton, phát ngôn viên Peskov nói rằng ở đây có một sự khác biệt rõ ràng.
“Mọi người có thể thấy tổng thống đương nhiệm đã công bố một số thủ tục pháp lý. Đó là lý do tại sao hai tình huống này khác nhau, vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng việc chờ đợi một thông báo chính thức là thích hợp”, ông Peskov nói.
Chiến dịch TT Trump dự định tổ chức loạt mít tinh chống gian lận bầu cử
Chiến dịch tranh cử tổng thống của Tổng thống Donald Trump lên kế hoạch khôi phục các cuộc vận động quy mô lớn để tăng cường sự chú ý đến thách thức pháp lý về cuộc bầu cử năm 2020.
Theo Axios, chiến dịch của Tổng thống Trump sẽ gửi các đội kiểm lại phiếu tới các tiểu bang chiến trường Arizona, Pennsylvania và Georgia, tổ chức “một loạt cuộc vận động của Trump” tập trung vào các nỗ lực pháp lý đang diễn ra ở các nơi trên cả nước.
Một cố vấn của chiến dịch Tổng thống Trump nói với Axios: “Tất cả chúng tôi đều có chung một mục tiêu, đó là sử dụng quy trình pháp lý trong nhiều ngày và nhiều tuần tới để đảm bảo rằng tổng thống (Trump) tái đắc cử”.
Tổng thống Trump cũng có kế hoạch chứng minh rằng những người Mỹ đã chết nhưng lại tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử năm 2020, bằng cách hiển thị các hình ảnh công khai về cáo phó của họ, như bằng chứng về gian lận cử tri mà ông khẳng định.
Đội ngũ của ông Trump vẫn đang huy động tài chính cho cuộc chiến pháp lý sau bầu cử.
Luật sư của TT Trump: Người chiến thắng sẽ do Tòa án xác định
Một luật sư của chiến dịch vận động tranh cử cho Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh rằng người chiến thắng trong cuộc bầu cử sẽ được xác định bởi tòa án, có thể là Tối cao Pháp viện.
Luật sư Jenna Ellis nói rằng mặc dù các hãng truyền thông tuyên bố ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden giành chiến thắng, nhưng họ không có quyền quyết định kết quả của cuộc bầu cử.
“Tất cả chúng ta đều muốn biết ai sẽ là tổng thống trong bốn năm tới. Nhưng tất cả người Mỹ nên muốn có kết quả chính xác hơn tất cả, bất kể họ ủng hộ ai trong cuộc đua”, bà Ellis cho biết trong một bài viết được Fox News đăng tải hôm 8/11.
Bình luận của luật sư Ellis được đưa ra sau khi nhóm pháp lý của TT Trump đệ đơn kiện ở các tiểu bang chiến trường quan trọng, cáo buộc hành vi gian lận và bất thường của cử tri.
Luật sư Ellis nhấn mạnh: “Là người Mỹ, tất cả chúng ta đều có thể nhận ra rằng nhà nước pháp quyền của chúng ta điều chỉnh và quy trình bầu cử của chúng ta hoạt động chính xác. Đối với Tổng thống
Trump, chiến dịch Trump 2020 và Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa, pháp quyền, sự công bằng cơ bản và chính xác trong kết quả bầu cử là những mục tiêu”.
Bà cũng cho biết Tổng thống Trump sẽ tiếp tục chiến đấu để đảm bảo một kết quả bầu cử công bằng và chính xác. Luật sư Ellis bình luận, ông ấy đã đúng khi làm điều này, bởi vì điều quan trọng là chúng ta phải giữ cho cuộc bầu cử tự do và công bằng.
Tổng thống Ukraine nhiễm nCov
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus cúm Vũ Hán, văn phòng tổng thống cho biết hôm thứ Hai (11/9).
Reuters đưa tin, Văn phòng Tổng thống cho biết trong một tuyên bố: “Người đứng đầu nhà nước vẫn cảm thấy khỏe và sẽ tiếp tục thực hiện công việc của mình từ xa trong khi cách ly”.
Andriy Yermak, người đứng đầu văn phòng tổng thống, cho biết trên Facebook rằng ông cũng đã dương tính với nCov. Bộ trưởng Bộ Tài chính Serhiy Marchenko cũng đã được chẩn đoán mắc Covid-19 và sẽ làm việc từ xa.
Các nhà lập pháp dân chủ Hồng Kông đe dọa từ chức tập thể
Trang Hong Kong Free Press đưa tin, các thành viên của phe ủng hộ dân chủ hôm thứ Hai (11/9) quyết định sẽ từ chức tập thể khỏi cơ quan lập pháp nếu Bắc Kinh tìm cách loại bỏ bất kỳ nhà hoạt động dân chủ nào trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Đại hội Nhân dân Toàn quốc vào thứ Ba.
Quyết định của các nhà lập pháp Hồng Kông được đưa ra sau khi truyền thông đưa tin rằng Bắc Kinh có thể nhắm mục tiêu vào bốn nhà lập pháp vì vi phạm Luật Cơ bản.
“Chúng tôi muốn sử dụng việc từ chức hàng loạt để thể hiện sự đoàn kết của và phản đối sự độc tài của chính quyền trung ương và chính quyền đặc khu Hồng Kông”, Chủ tịch Đảng Dân chủ Wu Chi-wa cho biết. Ông nói thêm rằng quyết định loại các nhà lập pháp của Bắc Kinh sẽ cho thấy chính quyền trung ương “không tôn trọng tiếng nói và ý kiến của người Hồng Kông”.
Chính trị gia Kenneth Leung cho biết bất kỳ động thái nào nhằm loại các nhà lập pháp Hồng Kông sẽ là “hành vi phi lý nhất” và “khiến hoạt động của Hội đồng Lập pháp và Luật Cơ bản hoàn toàn vô dụng.”
Chính quyền Hồng Kông và Bắc Kinh đã tăng cường trấn áp các nhà hoạt động bất đồng chính kiến sau khi các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ bùng lên vào tháng 6 năm ngoái.
Nhiều người dân Hồng Kông chỉ trích chính quyền đặc khu do Bắc Kinh hậu thuẫn vì đã bóp nghẹt các quyền tự do trong thành phố.
Tổng Thống Trump sa thải Bộ Trưởng Quốc Phòng Mark Esper
Tổng thống Trump đã thông báo trên Twitter hôm thứ Hai rằng ông vừa sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper và sẽ thay thế vị trí của ông bằng một quyền bộ trưởng, theo NY Post.
“Tôi vui mừng thông báo rằng Christopher C. Miller, Giám đốc Trung tâm Chống Khủng bố Quốc gia (đã được Thượng viện nhất trí xác nhận), sẽ là Quyền Bộ trưởng Quốc phòng, có hiệu lực ngay lập tức,” tổng thống cho biết trong một bài đăng. “Chris sẽ làm việc rất tốt! Mark Esper không còn tại vị nữa. Tôi muốn cảm ơn ông ấy vì sự phục vụ của ông”, TT Trump nói trong một tweet hôm thứ hai.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-10-11-vi-sao-nga-trung-chua-chuc-mung-biden.html
Điểm tin thế giới tối 10/11:
TT Trump: Đừng mong có vắc-xin
nếu Biden làm tổng thống
Hải Lam
Mục lục bài viết
TT Trump: Đừng mong có vắc-xin nếu Biden làm tổng thống
Fox News kiểm duyệt ý kiến tố cáo gian lận bầu cử
Chiến dịch TT Trump khởi kiện giới chức tiểu bang Pennsylvania
Mỹ chế tài 4 quan chức Trung Quốc về cuộc đàn áp tại Hồng Kông
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Ba (10/11) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
TT Trump: Đừng mong có vắc-xin nếu Biden làm tổng thống
Tổng thống Trump hôm 9/11 cảnh báo nếu Biden làm tổng thống, Mỹ sẽ không thể có vắc-xin viêm phổi Vũ Hán.
“Nếu Joe Biden làm tổng thống, sẽ không có vắc-xin trong 4 năm tới và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng không bao giờ phê duyệt nó nhanh chóng. Bộ máy hành chính quan liêu sẽ hủy hoại hàng triệu sinh mạng”, Tổng thống Trump đăng lên Twitter hôm 9/11.
Ông Trump sau đó tiếp tục đăng tweet cáo buộc FDA và đảng Dân chủ không muốn ông giành được “vắc-xin chiến thắng” trước thềm bầu cử. Tổng thống Mỹ chỉ trích FDA đáng lẽ nên phê duyệt vắc-xin sớm hơn, không phải vì mục đích chính trị, mà để cứu mọi người.
“Như tôi đã nói từ lâu, Pfizer và các hãng khác sẽ chỉ công bố vắc-xin sau bầu cử, bởi họ không đủ can đảm làm điều đó”, TT Trump viết. “FDA và phe Dân chủ đã không muốn tôi có một vắc-xin chiến thắng trước ngày bầu cử, nên thay vào đó nó được công bố 5 ngày sau đó”.
Hãng dược phẩm Mỹ Pfizer và đối tác BioNTech, công ty công nghệ sinh học của Đức, hôm 9/11 công bố kết quả cho thấy với hiệu quả phòng ngừa trên 90% sau liều tiêm thứ hai một tuần, vắc-xin của Pfizer mở ra bước đột phá mới trong nỗ lực chiến thắng đại dịch.
Fox News kiểm duyệt ý kiến tố cáo gian lận bầu cử
News Max cho hay, trong động thái mới nhất để bảo vệ ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden, Fox News đã cắt bỏ đoạn phát biểu của Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Kayleigh McEnany và cuộc họp báo của Chiến dịch Tổng thống (TT) Trump hôm 9/11 nêu ra bằng chứng về gian lận bầu cử.
“Không giống như các đối thủ của chúng tôi, chúng tôi không có gì phải che giấu”, bà McEnany nói với các phóng viên khi Fox News cắt sóng buổi họp báo.
Fox News cho rằng Chiến dịch TT Trump không đưa ra được bằng chứng nào về cáo buộc gian lận bầu cử.
McEnany nói với các phóng viên: “Chúng tôi đang đấu tranh cho quyền lợi của tất cả người Mỹ có đức tin và niềm tin không chỉ vào cuộc bầu cử này, mà còn nhiều cuộc bầu cử tiếp theo. Chỉ có một đảng ở Mỹ phản đối xác định danh tính cử tri, phản đối việc xác minh chữ ký, quốc tịch, cư trú, tư cách hợp lệ. Chỉ có một đảng duy nhất ở Mỹ cố gắng ngăn cản các quan sát viên vào phòng kiểm phiếu. Và đảng đó là đảng Dân chủ”.
Thư ký Tòa Bạch Ốc nói tiếp:
“Lập trường của chúng tôi rất rõ ràng: Chúng tôi muốn bảo vệ quyền bầu cử của người dân Mỹ. Chúng tôi muốn có một con số trung thực, chính xác, hợp pháp. Chúng tôi muốn minh bạch tối đa. Chúng tôi muốn mọi phiếu bầu hợp pháp đều được tính và chúng tôi muốn loại bỏ phiếu bầu bất hợp pháp”.
Chiến dịch TT Trump khởi kiện giới chức tiểu bang Pennsylvania
Chiến dịch tranh cử của TT Trump hôm 9/11 đệ đơn kiện lên tòa án Pennsylvania nhằm ngăn giới chức bang công nhận chiến thắng của đối thủ Joe Biden, theo Reuters.
Đơn kiện do chiến dịch tái tranh cử của TT Donald Trump và hai cử tri đưa ra, cáo buộc hệ thống bỏ phiếu qua thư của Pennsylvania “thiếu tất cả các dấu hiệu về tính minh bạch và khả năng xác thực giống như bỏ phiếu trực tiếp”.
Đơn kiện cũng tố các quan chức Pennsylvania vi phạm Hiến pháp Mỹ khi tạo ra “hệ thống bỏ phiếu hai tầng bất hợp pháp”, trong đó hình thức bỏ phiếu trực tiếp bị giám sát nhiều hơn so với bỏ phiếu qua thư.
Bị đơn trong vụ kiện là Ngoại trưởng tiểu bang Kathy Boockvar và hội đồng bầu cử ở các hạt ngả về phe Dân chủ, gồm Philadelphia và Pittsburgh.
Mỹ chế tài 4 quan chức Trung Quốc về cuộc đàn áp tại Hồng Kông
Reuters đưa tin, chính quyền Mỹ hôm 9/11 áp đặt chế tài đối với 4 quan chức Trung Quốc làm việc tại các cơ quan quản lý và an ninh Hồng Kông vì đã tham gia đàn áp những người bất đồng chính kiến tại thuộc địa cũ của Anh.
Bốn người này bao gồm: phó giám đốc Văn phòng Hồng Kông, phó ủy viên cảnh sát tại Hồng Kông và hai giới chức thuộc văn phòng an ninh quốc gia.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết việc trừng phạt này là dựa trên vai trò của họ trong việc thi hành luật an ninh mới của Hồng Kông. Ông nói những người này sẽ bị cấm đến Mỹ, và bất cứ tài sản nào của họ ở Mỹ sẽ bị phong tỏa.
Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố: “Những hành động này nêu bật quyết tâm của Mỹ quy trách nhiệm cho những nhân vật chủ chốt tích cực hủy hoại tự do của người dân Hồng Kông và phá hoại nền tự trị của Hồng Kông”.
Tạp chí kinh tế
Chiến tranh thương mại
và công nghệ Mỹ-Trung thời Biden
Thanh Hà
« Tạm dừng leo thang về thương mại, nhưng trên mặt trận công nghệ, dưới thời tổng thống Biden giao tranh sẽ có phần quyết liệt hơn », mà đấy chỉ là « một phần trong cuộc đọ sức dài hơi » giữa Washington và Bắc Kinh. Trên đây là nhận định của hai chuyên gia Jean-François Dufour, cơ quan tư vấn DCA Chine Analyse và Jean-François Huchet, giám đốc INALCO Viện Quốc Gia Ngôn Ngữ và Văn Minh Đông Phương trong cuộc trả lời phỏng vấn dành cho RFI tiếng Việt.
Một tuần lễ sau ngày bầu cử đẩy chính trường Mỹ vào nhiều biến động, tiến trình chuyển giao quyền lực đang gặp nhiều trắc trở. Nhưng điều đó không ngăn cản tổng thống tương lai của Hoa Kỳ bắt tay vào việc chuẩn bị điều hành đất nước.
Về đối ngoại, tất mọi chú ý tập trung vào quan hệ trong bốn năm sắp tới giữa hai siêu cường kinh tế của toàn cầu. Tất cả các nhà quan sát quốc tế đều đưa ra một nhận định chung : « Nhà Trắng có thể đổi chủ, Mỹ vẫn sẽ cứng rắn với Trung Quốc », do từ trọng lượng kinh tế đến ưu thế công nghệ và những tham vọng trên biển của Bắc Kinh đều đe dọa đến những lợi ích cốt lõi của Hoa Kỳ.
Trong cuộc vận động tranh cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai, ứng viên Donald Trump đã khai thác lá bài « Biden là người của Trung Quốc » và trong trường hợp đối thủ của ông bên đảng Dân Chủ thắng cuộc, thì « Trung Quốc sẽ làm chủ nước Mỹ ».
« Khác lọ, cùng một nước »
Đó là khẩu hiệu tranh cử của ông Trump : tấn công vào mối quan hệ cá nhân khá tốt giữa ông Joe Biden với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vốn có từ khi ông Biden còn là phó tổng thống Hoa Kỳ dưới chính quyền Obama. Lập luận tranh cử của ứng viên đảng Cộng Hòa này quên mất rằng, chỉ riêng về công nghệ cao, ngay từ năm 2012, Hoa Vi đã bị Washington coi là mối đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ.
Còn tại Bắc Kinh, giới lãnh đạo ý thức được rằng Washington sẽ không có một sự thay đổi « 180 độ » trong chính sách về Trung Quốc, bởi « trước Donald Trump, Obama đã cứng giọng với Bắc Kinh ».
Có nhiều dấu hiệu báo trước đường lối cứng rắn của chính phủ Mỹ sắp tới với đối thủ thương mại quan trọng này. Tuy nhiên phương pháp của của Joe Biden sẽ có nhiều khác biệt so với người tiền nhiệm.
Trả lời đài RFI Việt Ngữ, giám đốc INALCO Viện Quốc Gia Ngôn Ngữ và Văn Minh Đông Phương, giáo sư chuyên về Trung Quốc Jean- François Huchet phân tích về bang giao giữa hai siêu cường kinh tế của thế giới trong nhiệm kỳ tổng thống Biden :
Jean-François Huchet : « Trong đối thoại Mỹ-Trung, sợi dây đang căng sẽ được chùng xuống, ít ra là về hình thức. Khó lường trước phản ứng của ông Donald Trump. Còn ông Joe Biden lịch sự hơn, đối thoại sẽ suôn sẻ hơn, và điều quan trọng đối với Bắc Kinh là họ trông thấy ở Biden một đối tác đáng tin cậy hơn. Tuy nhiên, về thực chất, tôi cho rằng sẽ có một sự tiếp nối trong chính sách của Hoa Kỳ với Trung Quốc. Cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa Mỹ đều có cùng quan điểm : Bắc Kinh là một đối thủ của Mỹ, Trung Quốc là một siêu cường và là một mối đe dọa về mặt chiến lược. Nói cách khác, quan hệ Mỹ -Trung sẽ tiếp tục căng thẳng, không chỉ về thương mại hay trên vế công nghệ ».
Riêng trên hai hồ sơ thương mại và công nghệ, giám đốc cơ quan tư vấn DCA Chine Analyse Jean-François Dufour nhận xét như sau về hai hồ sơ đang được rất quan tâm này :
Jean-François Dufour : « Thường rất khó và tế nhị khi đưa ra các dự phóng, tuy nhiên theo tôi có hai khuynh hướng tương đối hiển nhiên liên quan đến hai khía cạnh trong quan hệ Mỹ- Trung. Trước hết, về chiến tranh thương mại, chúng ta có thể chờ đợi căng thẳng sẽ giảm cường độ. Có nghĩa là đôi bên sẽ ngừng ban hành thêm các biện pháp áp thuế nhập khẩu và có thể là Washington, cũng như Bắc Kinh, sẽ xóa bỏ bớt một số các hàng rào quan thuế đã được dựng lên trong hai năm vừa qua.
Quyết định này là tất nhiên thôi, bởi vì chính sách áp thuế và các biện pháp bảo hộ chính quyền Trump ban hành đã không đem lại kết quả mong muốn : các tập đoàn Mỹ không ồ ạt trở về nguyên quán ; hàng Trung Quốc thì vẫn tiếp tục đổ vào thị trường Mỹ, cán cân thương mại của Hoa Kỳ vẫn bị thâm hụt. Trong những điều kiện đó, gần như chắc chắn là đôi bên phải tính tới giải pháp bình thường hóa quan hệ.
Nhưng song song với hồ sơ này, cạnh tranh về mặt công nghệ – mà thật ra thì đây mới là vế quan trọng hơn cả về mặt chiến lược – một cách cơ bản, không có dấu hiệu giảm căng thẳng. Bởi vì sao ? Mỹ và Trung Quốc đã lao vào một cuộc đối đầu công nghệ từ trước khi Trump xuất hiện trên chính trường. Đành rằng tổng thống Trump vỗ ngực tự nhận là đã khơi mào cuộc chiến công nghệ với Trung Quốc, nhưng điều đó không đúng với sự thật. Những biện pháp đầu tiên cấm Hoa Vi đầu tư vào Mỹ đã được ban hành từ nhiệm kỳ đầu 2008-2012. Cuộc chạy đua về công nghệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là một trận đấu dài hơi. Tôi không nghĩ là chính quyền Biden tới đây sẽ thay đổi chính sách này. Trên mặt trận công nghệ tình hình vẫn sẽ căng thẳng ».
Jean-François Dufour, cơ quan tư vấn DCA Chine Analyse, giải thích có khả năng Mỹ và Trung Quốc sẽ tạm đình chiến trên mặt trận thương mại, ngưng các biện pháp áp thuế trừng phạt lẫn nhau. Nhưng liệu công luận Mỹ vốn đã quen với các lập trường bảo hộ của chính quyền Trump có dễ chấp nhận chủ trương hòa hoãn hơn của tân chủ nhân Nhà Trắng về mặt thương mại ?
Jean-Franois Dufour : « Đó chính là một trong những điểm nút khó tháo gỡ trong hồ sơ này. Cái khó ở đây là chính quyền Biden phải giải thích với công luận vì sao chọn giải pháp giảm căng thẳng với Trung Quốc. Tuy nhiên, như vừa nói, điểm chính là các biện pháp bảo hộ không hiệu quả. Tăng thuế nhập khẩu bất lợi cho người tiêu dùng ở Hoa Kỳ. Còn các doanh nghiệp Mỹ thì càng lúc càng lo ngại khó thâm nhập thị trường Trung Quốc. Thêm vào đó, viễn cảnh kinh tế phải phục hồi sau giai đại dịch Covid-19 lại càng khiến chính quyền Biden tính đến khả năng xoa dịu căng thẳng thương mại với Trung Quốc ».
Xung khắc Mỹ -Trung : Vấn đề cốt lõi vẫn nguyên vẹn
Tuy nhiên, ngay cả trên vế mậu dịch, lĩnh vực được cho là có triển vọng giảm căng thẳng hơn cả, cũng còn nhiều mâu thuẫn mà không bên nào sẵn sàng nhượng bộ. Giáo sư Jean-François Huchet, giám đốc viện INALCO đi xa hơn khi cho rằng Donald Trump đã vĩnh viễn thay đổi quan điểm của Mỹ về Trung Quốc :
Jean-François Huchet : « Về sự can thiệp của nhà nước vào guồng máy kinh tế, trên vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, Joe Biden rất cứng rắn trên tất cả những điểm này và thái độ cứng rắn đó sẽ tiếp tục là kim chỉ nam trong nhiệm kỳ tổng thống sắp tới. Nói cách khác, Nhà Trắng đổi chủ, nhưng chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc trên các lĩnh vực này thì không. Cho tới nay giới quan sát luôn ghi nhận có một khác biệt rõ rệt giữa một bên là các khẩu hiệu tranh cử và bên kia là chính sách được thực hiện một khi ứng cử viên tổng thống Mỹ bước vào Nhà Trắng.
Nhưng với Donald Trump thì không. Đó là một sự thay đổi lớn. Ông này đã làm đúng những gì đã cam kết. Do vậy khó có thể hình dung là quan hệ giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc sẽ hữu hảo trở lại như dưới thời các tổng thống Clinton, Bush hay Obama. Bởi cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đều có lập trường cứng rắn với Bắc Kinh. Thêm vào đó chúng ta biết đảng Dân Chủ và cá nhân ông Biden chú trọng nhiều vào vế nhân quyền, hơn hẳn với chủ trương của chính quyền Trump trong bốn năm vừa qua. Luật an ninh quốc gia mà Trung Quốc áp đặt với Hồng Kông, chính sách hù dọa Đài Loan của Hoa Lục hay các biện pháp đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cường : Tất cả những yếu tố này không cho phép chúng ta nghĩ rằng Bắc Kinh và Washington dễ dàng và nhanh chóng sưởi ấm quan hệ.
Dù vậy đôi bên có thể đối thoại trên nhiều lĩnh vực khác như chống biến đổi khí hậu, chống phổ biến vũ khí hạt nhân … hay tìm được đồng thuận về các định chế đa quốc gia như Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, Tổ Chức Y Tế Thế Giới . Nhưng chắc chắc là mối bang giao sẽ không được thuận thảo như đời các đời tổng thống trước Donald Trump »
Hãng tin Anh Reuters trích dẫn nhiều nguồn tin thông thạo mô tả dưới chính quyền Biden, đối thoại giữa Bắc Kinh và Washington tựa như một « bàn tay sắt trong chiếc găng nhung » : Biden không có những tuyên bố ồn ào như ông Trump, nhưng trong cuộc vận động lần này, ê kíp của ông Biden đã hứa hẹn « huy động cộng đồng quốc tế để gây sức ép, cô lập và trừng phạt Trung Quốc ». Trong bài tham luận đăng hồi tháng 3/2020 vào lúc virus corona bắt đầu hoành hành trên lãnh thổ Hoa Kỳ, ứng viên Biden chủ trương « Mỹ cần cứng rắn với Trung Quốc » và « phương pháp hiệu quả nhất để vượt qua thách thức này là thành lập một mặt trận với các đồng minh và đối tác để đương đầu với những hành vi lạm dụng và vi phạm nhân quyền của Trung Quốc ».
Liên minh chống Trung Quốc
Đối với Trung Quốc, chính quyền Trump có khuynh hướng đơn phương tung đòn tấn công trước, rồi mới vận động các đồng minh của Hoa Kỳ đứng về phía mình. Ngược lại, Joe Biden tham khảo ý kiến đồng minh trước để khẳng định vai trò đầu tầu của Mỹ trước khi tung đòn. Một cố vấn của ông Biden được hãng tin Anh Reuters trích dẫn cho biết, một khi bước vào Nhà Trắng, Joe Biden sẽ thảo luận với các đồng minh chủ chốt của Hoa Kỳ, trước khi quyết định về chính sách áp thuế nhắm vào hàng Trung Quốc. Một nhà ngoại giao Mỹ đặc trách về các hồ sơ thương mại, Wendy Cutler, tin rằng « chính sách của Biden về Trung Quốc sẽ dễ đoán hơn và mang tầm cỡ chiến lược hơn ».
Về phần cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á dưới chính quyền Obama, Kurt Campbell, vài ngày trước bầu cử tổng thống Hoa Kỳ ông nay phân tich : cần phải đoàn kết hơn bao giờ hết để xua tan suy nghĩ của Trung Quốc về một nước Mỹ đang « nhanh chóng suy đồi ».
Tổng thống Donald Trump đã vĩnh viễn khép lại hai thập niên quan hệ hữu hảo Mỹ- Trung khi trực tiếp xem Bắc Kinh là một đối thủ chiến lược. Gần như chắc chắn người kế nhiệm ông tiếp tục đi theo con đường đã vạch ra.
Cuộc đọ sức giữa hai siêu cường kinh tế của toàn cầu sẽ còn dài và bắt buộc từ các đại tập đoàn đa quốc gia đến các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ và cả thế giới phải xét lại chiến lược phát triển với Trung Quốc.