Đọc báo Pháp – 09/10/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 09/10/2017

Donald Trump sẽ phát động chiến tranh ?

Thụy My

Le Figaro hôm nayđặt vấn đề « Donald Trump có đang chuẩn bị cho việc Hoa Kỳ tham chiến hay không ? ». Với lời đe dọa « hủy diệt toàn bộ » Bắc Triều Tiên, đối đầu với sự bành trướng của Trung Quốc tại Châu Á-Thái Bình Dương và của Iran tại Trung Đông, người đứng đầu Nhà Trắng đang tăng cường sức mạnh của quân đội Mỹ, nhưng để phục vụ cho chiến lược nào ?

Tăng 100 tỉ đô la ngân sách quốc phòng

Thượng Viện Hoa Kỳ vừa thông qua ngân sách 692 tỉ đô la cho Lầu Năm Góc trong năm 2018, cũng gần tương đương với con số của Hạ Viện là 696 tỉ. Việc Quốc Hội cho tăng ngân sách gần 100 tỉ đô la so với năm 2016 – năm cuối cùng trong nhiệm kỳ Obama – và vượt quá cả yêu cầu của tổng thống Trump 37 tỉ đô la, là hết sức ngoạn mục. Vì sao lại như thế, trong khi chi quân sự Mỹ hiện còn nhiều hơn cả 15 quân đội lớn nhất trên thế giới cộng lại ?

Trong chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump đã hứa hẹn « xây dựng lại một quân đội mạnh hơn bao giờ hết », xóa bỏ mức trần chi quân sự do một đạo luật năm 2011 ấn định. Theo Budget Control Act, ngân sách này cho năm 2018 chỉ là 608 tỉ đô la, trong đó có 60 tỉ cho can thiệp bên ngoài. Cơ quan tư vấn bảo thủ American Enterprise Institute (AEI) tính toán rằng cần thêm từ 250 đến 300 tỉ đô la trong bốn năm tới.

Với số tiền này, ông Trump sẽ tăng thêm 60.000 binh sĩ cho lục quân, thêm 78 chiến hạm mới và  50.000 lính cho hải quân, khoảng 100 chiến đấu cơ và 43.000 lính cho không quân, tăng cường thủy quân lục chiến.

Quân đội Mỹ đang có ưu thế vượt trội

Trong khi đó, ưu thế quân sự tối thượng của Mỹ không ai tranh cãi được. Quân đội đứng nhì thế giới là Trung Quốc có 500 xe tăng hiện đại (Type 99) thì Mỹ có đến 8.700 chiếc M1. Trong số 8.400 trực thăng chiến đấu trên thế giới, có đến 6.400 chiếc là của Mỹ ; và Hoa Kỳ hiện có 10 hàng không mẫu hạm, bằng tổng số của các nước khác cộng lại.

Tuy nhiên, các lãnh đạo quân sự than phiền về tình trạng trang thiết bị xuống cấp, huấn luyện không đến nơi đến chốn sau nhiều năm bị siết chặt ngân sách. Hải quân cho rằng vụ đụng tàu mới đây làm 17 thủy thủ thiệt mạng là do « việc điều đi công tác ngày càng lâu hơn, rút ngắn thời gian huấn luyện, bảo trì giảm hoặc trì hoãn ».

Think tank bảo thủ Heritage Foundation cảnh báo, lục quân Mỹ là « yếu kém », còn hải quân, không quân, thủy quân lục chiến và vũ khí nguyên tử chỉ ở mức chấp nhận được. US Air Force, bị cắt giảm 20.000 quân năm 2014, đang yếu nhất kể từ năm 1948 : tuổi thọ trung bình của các chiến đấu cơ là 28, và còn thiếu 700 phi công.

Trật tự thế giới tự do dưới sự lãnh đạo của Mỹ

Từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, nguyên tắc được ấn định cho quân đội Mỹ là phải có khả năng tham gia cùng lúc hai cuộc chiến lớn. Nhưng những mối đe dọa ngày càng đa dạng hơn – từ khủng bố, hỏa tiễn đạn đạo cho đến tin tặc – cộng với sự thiếu vắng một địch thủ chính như thời còn Liên Xô cũ gây phức tạp thêm cho việc tính toán. Donald Trump đang phân vân trước việc duy trì 800 căn cứ quân sự Mỹ và lực lượng tại 150 nước.

Tình hình căng thẳng hiện nay với Bắc Triều Tiên khiến giả thiết xảy ra xung đột trong vài tháng tới có thể thành sự thực. Chính quyền Trump cũng muốn đối đầu mạnh mẽ hơn với Iran. Trung Quốc và Nga tiếp tục được coi là mối đe dọa tại Biển Đông, Đông Âu và Cận Đông. Trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc, tổng thống Trump còn thêm Cuba và Venezuela vào danh sách. Đã ba năm liên tiếp, Heritage Foundation nhận định « trật tự thế giới do Hoa Kỳ lãnh đạo từ cuối Đệ nhị Thế chiến có nguy cơ bị phá vỡ ». Có điều, chẳng biết ông Donald Trump có muốn duy trì trật tự đó hay không.

Chủ thuyết quân sự nào cho Donald Trump ?

Từ khi bước vào Nhà Trắng, tổng thống Trump đã ra lệnh bắn 59 hỏa tiễn Tomahawk vào Syria, thả quả siêu bom MOAB xuống quân Al Qaida ở Afghanistan, và gởi thêm 3.000 quân tăng viện đến nước này. Ông tăng cường chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Irak và Syria, đẩy mạnh hoạt động của lực lượng đặc biệt ở Yemen, cho máy bay không người lái tấn công ở Cận Đông và Somalia. Đối với một tổng thống trước khi đắc cử từng tố cáo việc can thiệp quân sự của Mỹ là « hoàn toàn lãng phí », và hứa hẹn sẽ « thương lượng như điên » với Bắc Triều Tiên, đây là một sự quay ngoắt 180 độ.

Cho đến nay, Donald Trump vẫn chưa xác định các mục tiêu chiến lược và các điều kiện sử dụng đến vũ lực. Quan hệ đối ngoại của ông chỉ tuân theo hai nguyên tắc : không đoán định trước, và đàm phán trên vị thế của kẻ mạnh. Robert Kaplan của Center for a New American Security nhận xét đó là « một chính sách con buôn không có tầm nhìn thực tế », khác xa với việc « bảo vệ trật tự thế giới tự do của phương Tây » như tất cả những người tiền nhiệm.

Dưới thời Obama, các nguyên tắc can thiệp rất khắt khe, với chỉ đạo thận trọng « Không được làm những điều ngốc nghếch ». Còn ông Trump dường như thích câu châm ngôn cổ điển « Luật pháp trong tay người mạnh nhất ». Ngược với việc tăng ngân sách quân sự, chính quyền Trump muốn giảm 25% ngân sách ngoại giao và viện trợ nhân đạo, còn khoảng 37,6 tỉ đô la, không đầy 5,5% so với quân đội. Theo Havard Political Review, đây là « cái lý của kẻ mạnh, được khoác lên chiếc áo chủ thuyết ».

Khí hậu : Hãy thuyết phục Trump bằng lý lẽ kinh tế

Cũng liên quan đến tổng thống Mỹ nhưng trên lãnh vực môi trường, Les Echos cho rằng những lý lẽ về kinh tế hiệu quả hơn là về sinh thái, để thuyết phục được ông Trump.

Tờ báo cho biết, một tài liệu 43 trang của chính quyền Trump bị rò rỉ hôm thứ Bảy 7/10 cho thấy trong những ngày tới, đạo luật Clean Power Act của ông Obama nhằm hạn chế ô nhiễm công nghiệp, có thể bị hủy bỏ. Ông Trump cho rằng kế hoạch này sẽ làm nền kinh tế Mỹ bị thiệt mất 33 tỉ đô la từ nay đến năm 2030.

Cựu giám đốc Cơ quan bảo vệ môi trường Gina McCarthy tố cáo « việc từ bỏ các cam kết luật pháp, khoa học và đạo đức nhằm đối phó với mối đe dọa biến đổi khí hậu ». Nhìn rộng hơn, đây là một trong những bằng chứng cho thấy Hoa Kỳ đơn phương cho phép mình đứng trên mọi thỏa ước quốc tế.

Theo Les Echos, cần phải nói cùng một ngôn ngữ kinh tế và tài chính mới có thể lay chuyển được quan điểm của ông Trump, đó là tăng trưởng, lợi nhuận và công ăn việc làm. Lần đầu tiên từ sau cuộc cách mạng kỹ nghệ, các nhà máy điện mặt trời và năng lượng gió bắt đầu thắng thế trong gọi thầu công khai, so với năng lượng hóa thạch. Các giải pháp hợp lý hóa năng lượng tạo ra thị trường khổng lồ cho công nghiệp. Thay vì thi nhau phản đối, cần thuyết phục ông Trump quan tâm đến những thay đổi trên để  có thể « Make America Great Again ».

Na Uy, vương quốc xe hơi chạy điện

Cũng về môi trường, Le Monde trong bài « Na Uy, vương quốc của xe hơi điện » cho biết tại nước này, cứ năm chiếc xe hơi thì có một chiếc chạy bằng điện, nhờ các biện pháp giảm thuế, bãi đậu xe và điểm sạc bình miễn phí.

Riêng tại thủ đô Oslo, xe hơi điện chiếm đến 40%. Ngay cả ở vùng Finnmark xa xôi lạnh lẽo, ít trạm sạc bình và cái lạnh làm giảm phân nửa năng lực bình điện, tỉ lệ này cũng là 5%, gấp ba lần nước Pháp và gấp sáu lần so với bình quân thế giới. Quả là một nghịch lý, khi quốc gia sống bằng dầu khí xuất khẩu lại tự định cho mình mục tiêu không còn xe hơi chạy bằng xăng dầu vào năm 2025.

Làm thế nào mà thị trường xe hơi Na Uy vốn chỉ đứng thứ 42 thế giới lại theo sát ngay sau người khổng lồ Trung Quốc về xe hơi chạy điện ? Trước hết, thuế đánh vào các loại xe thải khí CO2 nhiều nhất lên đến 90.000 cua-ron (9.600 euro), trong khi xe chạy hai thứ điện và xăng chỉ vài trăm euro, còn xe chạy 100% điện được miễn thuế hoàn toàn. Cả nước có đến 8.650 trạm sạc điện miễn phí, bên cạnh đó là những bãi đậu xe dành riêng.

Tuy nhiên cũng có những tiếng nói phản đối. Một số cư dân cho biết không thể đi xa với xe hơi điện, có người phải từ chối việc làm vì không thể đi về mỗi ngày. Chỉ trích mạnh mẽ nhất đến từ giới nghiên cứu, vì tiêu tốn đến 2 tỉ đô la mà chỉ giảm được có 130.000 tấn CO2 trên tổng số khí phát thải 53 triệu tấn của Na Uy trong năm 2016.

Nạn nhân bom nguyên tử Nhật

được an ủi với Nobel hòa bình 2017

Liên quan đến châu Á, thông tín viên La Croix tại Tokyo cho biết giải Nobel hòa bình 2017 trao cho Chiến dịch quốc tế chống vũ khí hạt nhân (ICAN) được coi là sự nhìn nhận nỗi đau của các hibakusha, những người sống sót trong trận bom nguyên tử thời Đệ nhị Thế chiến.

Peace Boat, tổ chức chống nguyên tử của Nhật đã hợp tác với ICAN, ca ngợi sự can đảm của những người sống sót sau hai quả bom thả xuống Hiroshima và Nagasaki, đã đóng góp vào « những trải nghiệm khủng khiếp ». Tại trụ sở của Peace Boat ở Tokyo, loan báo về giải Nobel hòa bình được đón nhận bằng những tiếng hò reo tở mở lẫn những giọt nước mắt.

Nhật Bản, quốc gia duy nhất trên thế giới phải gánh chịu bom nguyên tử, hôm 4/7 đã tẩy chay không chịu thông qua hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân được 122 nước ký kết, vì những nước có loại vũ khí này lại không chịu ký « nên Nhật không thể tham gia một cách nghiêm túc và xây dựng ». Nhưng giải Nobel hòa bình năm nay có thể làm thay đổi ván cờ, khuyến khích các quốc gia có vũ khí nguyên tử thông qua hiệp ước.

Khủng hoảng Catalunya : Không có người thắng, chỉ có kẻ bại

Về trang nhất các báo Pháp hôm nay, nhật báo kinh tế Les Echos chú ý đến « Cuộc đấu tranh về ngân sách bắt đầu tại Quốc Hội », còn Le Monde phê phán « Những người giàu nhất được lợi nhiều nhất trong kế hoạch ngân sách của tổng thống Macron ».

Hai màu đỏ và vàng của quốc kỳ Tây Ban Nha và Catalunya chiếm trang bìa hầu hết các báo Pháp, sau cuộc biểu tình lớn hôm qua. Le Figaro chạy tựa « Catalunya, sự thức tỉnh của những người ủng hộ thống nhất ». Libération cũng ghi nhận tương tự : « Catalunya độc lập : Những người chống đối thức tỉnh ». La Croix đăng ảnh người biểu tình cầm cả hai lá cờ Tây Ban Nha và Catalunya, đăng ý kiến của năm nghệ sĩ thuộc hai phía.

Le Figaro nhận định « Áp lực đang đè nặng lên những người chủ trương độc lập ở Catalunya », trong lúc « Liên Hiệp Châu Âu đứng về phía Madrid ». Tờ báo cũng quay lại với « Sự hình thành chủ nghĩa dân tộc ở Catalunya ».

Trong bài xã luận, Le Figaro cho rằng trong cuộc khủng hoảng này, tất cả đều bị thiệt hại. Một Catalunya không còn thu hút, một Tây Ban Nha bất ổn định lâu dài, cũng như đối với châu Âu đã bị mất đi Anh quốc. Còn theo Libération, vào lúc xu hướng cô lập hóa và dựng lên những bức tường giữa các dân tộc đang tăng lên, tất cả những chiến lược nào khác ngoài đối thoại giữa hai phe ủng hộ và phản đối ly khai, sẽ là thảm họa, đối với kinh tế cũng như nền dân chủ.

Catalunya, một California của châu Âu ?

« Catalunya, một California của châu Âu ? ». Les Echos đặt vấn đề và nhận xét, vùng đất của Tây Ban Nha có nhiều điểm chung với tiểu bang đầy nắng gió của Hoa Kỳ. Nếu Catalunya chiếm 20% GDP của Tây Ban Nha, thì California cũng là tiểu bang giàu nhất nước Mỹ, chiếm 14% tổng sản phẩm nội địa. Từ sản xuất nông nghiệp ồ ạt vào đầu thế kỷ, cả hai đều sớm thích ứng với thời đại. Tại California là Hollywood, công nghiệp giải trí và GAFA (Google, Apple, Facebook, Amazon) ; còn tại Catalunya là Movida và kỹ thuật sinh học. Cả hai đều than phiền là phải đóng góp nhiều hơn cho những miền khác của đất nước.

Tiền bạc không phải là nguyên nhân duy nhất cho việc đòi ly khai. Sự khác biệt về văn hóa, chính trị và bản sắc giữa Barcelona và Madrid đã có từ lâu. Còn California, đất hứa đầu tiên cho người châu Mỹ la-tinh, phản đối luật nhập cư của ông Donald Trump và ủng hộ hiệp định khí hậu Paris.

California có nhiều thế mạnh hơn Catalunya để có thể đứng một mình : 40 triệu dân, 2.500 tỉ đô la GDB (tương đương với cả nước Pháp), xếp thứ 6 thế giới. Nhưng người ta lại ít nghe nói đến « Calexit ». Nhóm chủ trương ly khai « Yes California » chỉ thu thập được 97.000 chữ ký ủng hộ thay vì 585.000 chữ ký cần thiết để tiến hành trưng cầu dân ý. Rốt cuộc California muốn tập trung năng lượng cho sáng tạo, còn Catalunya ngược lại, muốn thay đổi định chế ; trong khi tập trung mọi nguồn lực cho công cuộc này có thể dẫn đến đình đốn về kinh tế.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171009-donald-trump-se-phat-dong-chien-tranh

 

Tin đọc nhanh

(AFP) – Nhầm cờ Đài Loan và Trung Quốc, Manila phải xin lỗi Bắc Kinh. Ngày 09/10/2017, Philippines chính thức xin lỗi Trung Quốc về vụ treo nhầm cờ ngày 0510/2017 khi Manila nhận súng và đạn dược mua của Bắc Kinh. Bộ Quốc Phòng Philippines đã treo cờ Đài Loan mà cứ ngỡ là cờ của Trung Quốc. Philippines không có liên hệ ngoại giao với Đài Loan. Tới nay Manila khẳng định tôn trọng nguyên tắc “một nước Trung hoa duy nhất”.

AFP) – Tổ chức Chữ Thập Đỏ Quốc Tế thông báo giảm mạnh nhân sự tại Afghanistan. Trong thông cáo ra ngày 09/10/2017, CICR cho biết giảm mạnh các hoạt động tại Afghanistan và đang sơ tán một phần nhân viên khỏi khu vực miền bắc quốc gia này. Trong 9 tháng đầu năm 2017, Hội Chữ Thập Đỏ đã ba lần bị tấn công, khiến 7 nhân viên thiệt mạng. Hiện có 1.800 nhân viên Chữ Thập Đỏ đang công tác tại Afghanistan, trong đó có 120 người nước ngoài.

(Reuters) – Tổng thống Pháp công du nước Nga vào năm tới ? Điện Kremlin ngày 09/10/2017 thông báo đang chuẩn bị tiếp tổng thống Pháp, Emmanuel Macron tại Matxcơva vào năm tới. Tuy nhiên Nga và Pháp còn đang trong quá trình thảo luận. Có nhiều khả năng nguyên thủ Pháp sẽ đến dự Diễn Đàn Kinh Tế St Petersboug dự trù tổ chức vào tháng 5/2018.

(AFP) – Brexit : Vòng đàm phán thứ 5 giữa Anh và Liên Hiệp Châu Âu. Vòng đàm phán mở ra trong 4 ngày kể từ hôm nay 09/10/2017. Thế yếu của thủ tướng Theresa May trên sân khấu chính trị Anh kiến các đối tác châu Âu lo ngại. Sau bốn vòng thương thuyết đầu tiên, Bruxelles và Luân Đôn vẫn bất đồng sâu rộng về khoản bồi thường mà Anh Quốc phải trả cho cuộc “ly dị” này.

(AFP) – Ukraina cáo buộc FSB ám sát một đối lập chính trị Nga. Viện Công tố Ukraina ngày 09/10/2017 cáo buộc cơ quan an ninh Nga FSB đã tổ chức ám sát ông Denis Voronenkov, một cựu dân biểu Nga hay chỉ trích điện Kremlin. Vụ việc xảy ra hồi tháng 3/2017 tại Kiev. Theo cáo buộc của Viện công tố Ukraina, FSB đã thông qua các tổ chức tội phạm Siberia để « loại trừ một nhân chứng quan trọng, có thể cung cấp nhiều thông tin quý giá về sự can dự của Nga trong những tội ác quân sự chống lại Ukraina ».

(AFP) –Las Vegas tắt đèn tưởng niệm nạn nhân vụ nổ súng 01/10. Đêm 08/10/2017, vào lúc 22 giờ 5 phút, giờ địa phương, trục lộ chính tại thành phố Las Vegas đã tắt đèn. Tất cả các sòng bạc, khu giải trí, khách sạn … chìm trong bóng tối trong vòng 11 phút, để tưởng nhớ 58 nạn nhân thiệt mạng và hơn 500 người bị thương trong vụ xả súng cách nay đúng một tuần. 11phút là khoảng thời gian mà Stephen Paddock đã nổ súng vào đám đông 22.000 đang xem ca nhạc festival nhạc country. Các nhà điều tra vẫn chưa lý giải được hành động điên cuồng của Paddock.

(AFP) – Nước Mỹ đứng trước cuộc « chiến tranh thế giới thứ 3 ». Hôm qua 8/10/2017, báo New York Times đăng phỏng vấn Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Bob Corker, người rất được kính trọng và có nhiều ảnh hưởng trong chính giới Mỹ. Ông bày tỏ lo lắng trước những lời đe dọa của tổng thống Donald Trump với một số quốc gia, trong đó có Bắc Triều Tiên và Iran, điều này có nguy cơ đặt nước Mỹ « vào con đường dẫn tới cuộc thế chiến lần thứ 3 ». Trước đó, vị thượng nghị sĩ này đã ví Nhà Trắng giống như « một vườn trẻ cho người lớn », sau khi ông phải hứng chịu hàng loạt công kích từ phía tổng thống Trump trên trang Twitter cá nhân.

(AFP) – Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng một giải pháp cho cuộc khủng hoảng visa với Hoa Kỳ. Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay, 09/10/2017, hy vọng rằng Hoa Kỳ sẽ xét lại quyết định ngừng cấp visa cho công dânThổ Nhĩ Kỳ. Biện pháp được đưa ra nhằm đáp trả lại việc chính quyền Ankara bắt giữ một nhân viên lãnh sự Hoa Kỳ vào tuần trước. Nhân viên ngoại giao này bị tình nghi thuộc mạng lưới của Fethullah Gulen, một giáo sĩ sống lưu vong tại Mỹ và bị chính quyền Ankara coi là kẻ xúi giục âm mưu đảo chính hồi năm ngoái.

(AFP) – Syria : Liên quân chống Nhà nước Hồi giáo tái chiếm Raqqa. Theo AFP, hôm nay 9/10/2017, những chiến binh người Kurdistan và Ả rập thuộc Lực lượng dân chủ Syria FDS, được sự hậu thuẫn của Washington, đã tấn công vào trung tâm Raqqa, thành phố được xem cứ địa quân Nhà nước Hồi giáo ở Syria. Hiện tại, 90% thành phố Raqqa đã được tái chiếm, và trong 3-4 ngày tới, liên quân do Mỹ dẫn đầu sẽ ra đòn tấn công quyết định.

(AFP) – Giới an ninh mạng nhóm họp tại Monaco. Thứ 4 và thứ 5 tuần này, giới an ninh mạng sẽ nhóm họp tại Monaco, nhằm chỉnh sửa những chiến lược của mình, đồng thời tăng cường bảo vệ các doanh nghiệp bị virus Wannacry và NotPetya tấn công hồi đầu năm, gây thiệt hại hàng tỷ đôla. Chủ đề sẽ được thảo luận là “Những cơ sở của an ninh mạng và các hệ thống thông tin”. Dự kiến sẽ có khoảng 2500 người tham dự. Trong những năm qua, tội phạm mạng đã gây ra nhiều vụ tấn công nghiêm trọng, như vụ tấn công vào các cơ quan Estonia, công ty dầu khí Saudi Aramco, đài truyền hình Hàn Quốc, và thậm chí cả kênh Pháp ngữ TV5 Monde.

(AFP) – Na Uy : Lương nữ cầu thủ sẽ bằng với nam giới. Theo thỏa thuận đạt được giữa Liên Đoàn Bóng Đá Na Uy với Hiệp hội tuyển thủ Niso hôm thứ Sáu 06/10/2017, lương của các tuyển thủ nữ dưới mầu áo quốc gia sẽ tăng gấp đôi từ 3 triệu krone một năm lên thành 6 triệu krone. Phía tuyển thủ nam chấp nhận giảm 550 ngàn krone để xuống bằng với đồng nghiệp nữ. Quyết định đưa ra đã được các bên hoan nghênh. Xét về mặt thành tích, đội tuyển bóng đã nữ Na Uy đã dành được nhiều danh hiệu trong khi cánh mày râu cho đến giờ vẫn còn tay trắng.

(AFP) – Pháp : Cảnh sát Paris phá vỡ 2 mạng lưới đánh cắp xe. Cảnh sát Paris ngày 09/10/2017 thông báo phá vỡ hai mạng lưới chuyên đánh cắp xe đưa ra nước ngoài. Mạng lưới thứ nhất chuyên đánh cắp các loại xe ô tô cao cấp đưa sang Comores. Mạng lưới còn lại chuyên ăn cắp các loại xe tải nhẹ đưa sang Ba Lan. Tổng cộng có 9 người đã bị bắt giữ. Hiện công tác điều tra vẫn đang tiếp tục nhằm xác định tầm mức của nạn buôn xe đánh cắp này.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171009-tin-doc-nhanh