Đọc báo Pháp – 09/07/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 09/07/2018

Trung Quốc lừa Mỹ và châu Âu ở WTO như thế nào?

Thu Hằng

 « Trung Quốc đã lừa Mỹ và châu Âu như thế nào ở Tổ Chức Thương Mại Thế Giới ? » Đây là câu hỏi lớn được nhật báo kinh tế Les Echos đặt ra trong chuyên mục « Ý kiến & Bình luận » trong số ra ngày 09/07/2018.

Năm 2001, khi Trung Quốc được kết nạp vào định chế này, cả Hoa Kỳ lẫn Liên Hiệp Châu Âu ngây thơ tin rằng Trung Quốc sẽ hướng đến nền kinh tế thị trường, phi tập trung và tôn trọng các quy định của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới – WTO. Thị trường hơn 1 tỉ dân Trung Quốc chuộng hàng Mỹ và châu Âu sẽ được mở rộng.

Sau gần 20 năm, Mỹ và châu Âu mới tỉnh ngộ, thấy mình bị lừa. Cả hai đang trả giá vì quá ngây thơ trước thực tế của thế giới Trung Hoa, theo nhận định của bài viết trên Les Echos.

Những lời hứa, cam kết rất chặt chẽ mà tổng thống Mỹ Bill Clinton khẳng định nhận được từ phía Bắc Kinh, càng thúc ông nhiệt tình ủng hộ ứng viên Trung Quốc năm 1999. Tuy nhiên, từ khi chính thức được kết nạp, những lời hứa đó trở thành vô nghĩa vì Trung Quốc đi theo một hướng hoàn toàn khác của định chế vì « WTO hướng đến việc tạo điều kiện cho thương mại giữa các nền kinh tế thị trường, trong đó vai trò của Nhà nước bị hạn chế ».

Năm 2001, Trung Quốc đứng trước một thách thức lớn vì nền kinh tế nước này chủ yếu dựa vào lĩnh vực công và các doanh nghiệp Nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Phương Tây đưa ra thời hạn 15 năm để Bắc Kinh cổ phần hóa và tự do hóa các doanh nghiệp quốc doanh. Nếu không, toàn bộ hệ thống của WTO sẽ gặp nguy. Lời cảnh báo đang trở thành hiện thực !

Thực vậy, nền kinh tế Trung Quốc hiện nay được đánh dấu với việc tăng cường quyền lực của chủ tịch Tập Cận Bình, một chế độ ngày càng chuyên quyền, Nhà nước có mặt khắp nơi trong lĩnh vực kinh tế, trợ cấp rộng rãi và sự tồn tại dai dẳng của các doanh nghiệp Nhà nước. Thực tế này khác hoàn toàn với chuẩn của phương Tây. Và điều này cũng giải thích tại sao vào năm 2016, Washington và Bruxelles đã từ chối việc công nhận Trung Quốc là một nền kinh tế thị trường, như từng hứa năm 2001.

Sai lầm đầu tiên của phương Tây là nghĩ rằng tại Trung Quốc, tư bản Nhà nước có thể sẽ nhường chỗ cho tư bản thị trường và Bắc Kinh sẽ chấp nhận những giá trị dân chủ của phương Tây. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại cho rằng mô hình phương Tây đã lỗi thời.

Một điểm khác biệt nữa là phương Tây và Trung Quốc không có chung « khái niệm thời gian ». Một doanh nghiệp phương Tây có thể sẽ không đầu tư vào một dự án không mang lại lợi nhuận tức thì. Tuy nhiên, Trung Quốc lại không chú trọng vào lợi nhuận trước mắt nếu như cần đến lợi ích chiến lược lâu dài. Điều này cũng giải thích tại sao Bắc Kinh lại tác động đến nền kinh tế.

Một ví dụ cụ thể chứng tỏ kinh tế thế giới mất cân đối và sản xuất dư thừa chính là cách Trung Quốc sản xuất không tuân theo nguyên tắc của thị trường. Từ năm 2001, Bắc Kinh triển khai nhiều chương trình hỗ trợ có quy mô lớn đối với các ngành công nghiệp thép, thủy tinh, giấy và thiết bị trong lĩnh vực sản xuất ô tô. Bà Elvire Fabry, chuyên gia thuộc Viện Jacques Delors (Pháp), thẩm định « doanh nghiệp Nhà nước hiện chiếm gần 40% các tập đoàn công nghiệp chính của Trung Quốc và chiếm đến 80-90% thị phần trong các ngành công nghiệp chiến lược ».

Trả lời Le Monde hồi tháng 06/2018 về sự ngây thơ của phương Tây, ông Pascal Lamy, cựu tổng giám đốc của WTO, cho rằng « lẽ ra chúng ta phải điều chỉnh tốt hơn ở hai điểm : trợ cấp của Nhà nước cho các doanh nghiệp và sự thâm nhập vào thị trường công ngay khi Trung Quốc phát triển nhanh chóng ».

Chiến lược « Made in China 2025 » gây lo ngại

Vẫn theo Les Echos, kế hoạch « Made in China 2025 » phản ánh rõ cách làm của Trung Quốc và đi ngược hoàn toàn với quy luật của nền kinh tế thị trường : « Chính phủ can thiệp có hệ thống vào thị trường Nhà nước để tạo điện kiện thuận lợi, dễ dàng cho việc các doanh nghiệp Trung Quốc thống trị nền kinh tế ».

Les Echos kết luận, đã đến lúc phải xem lại sự cân đối trong quan hệ thương mại và cải cách quy định của WTO. Có lẽ Bruxelles và Washington cũng phải mời Bắc Kinh ngồi lại vào bàn đàm phán.

Hạt nhân : Bắc Triều Tiên lên giọng

Hạt nhân Bắc Triều Tiên là chủ đề được Le Figaro quan tâm. Ngay sau cuộc đàm phàn thứ nhất với ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, « Bình Nhưỡng đã lên giọng » tố cáo « các phương pháp gangster » của chính quyền Mỹ.

Thông cáo của bộ Ngoại Giao Bắc Triều Tiên lên án những yêu cầu « đơn phương », cảnh cáo Hoa Kỳ về « sai lầm không tránh được » liên quan đến mục tiêu « phi hạt nhân hóa hoàn toàn, kiểm chứng được và không thể đảo ngược » của Washington. Ngoại trưởng Mỹ cũng đáp trả ngay lập tức tại Tokyo : « Nếu đó là những yêu cầu của bọn gangster thì cả thế giới là gangster vì Hội Đồng Bảo An hoàn toàn nhất trí về những việc cần làm » đối với Bắc Triều Tiên.

Le Figaro cho biết các cuộc đàm phán song phương rất tế nhị. Phía Mỹ chỉ trích chế độ Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục chương trình hạt nhân căn cứ vào ảnh vệ tinh chụp gần đây. Bắc Triều Tiên đòi được nương tay ngay lập tức trong khi Washington yêu cầu Bình Nhưỡng giao đầu đạn hạt nhân và phi hạt nhân hóa trước đã.

Đằng sau những phát biểu cứng rắn, « cả hai lãnh đạo có một lợi ích chung là khai thác vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên phục vụ kế hoạch trong nước », theo đánh giá của chuyên gia Cheong Seong Chang của Viện Sejong ở Seoul. Phía tổng thống Mỹ cần quảng bá thành công ngoại giao trong bối cảnh bầu cử bán phần Nghị Viện. Phía lãnh đạo Kim Jong Un cần sự giảm nhẹ trừng phạt của quốc tế để thúc đẩy nền kinh tế bấp bênh và tiếp tục duy trì quyền lực.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ chính thức thâu tóm quyền lực

Thời sự quốc tế được chú ý với sự kiện « tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan chính thức thâu tóm quyền lực » ngày hôm nay, như nhận định của nhật báo kinh tế Les Echos, sau khi thắng ngay từ vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống và nghị viện trước thời hạn. « Tại Thổ Nhĩ Kỳ, thêm một đợt thanh trừng mới trước khả năng dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp », theo thông tin của La Croix, với hơn 18.000 công chức bị sa thải.

Trong khi đó, « phe đối lập bị chia rẽ vì thất bại trước Erdogan » là bài viết trên Le Monde. Liên minh tình thế hình thành từ các phe đối lập, Cộng Hoà, dân tuý và phe Hồi Giáo, ngừng hoạt động. Phe dân túy Thổ Nhĩ Kỳ không loại trừ khả năng liên kết với đảng cầm quyền AKP của tổng thống Erdogan.

Luân Đôn chọn « Brexit mềm »

Hạn chế tự do đi lại của công dân để lấy lại quyền kiểm soát chính sách nhập cư nhưng không giới hạn lưu thông hàng hòa để tiếp tục trao đổi thương mại với Liên Hiệp Châu Âu nhằm hạn chế thiệt hại mà các doanh nghiệp Anh có thể bị liên đới. Ngày 06/07/2018, « Luân Đôn đã chọn con đường “soft Brexit” », theo thông tin của Les Echos. Còn với Le Monde, thủ tướng « May buộc chính phủ theo “Brexit mềm” ».

Cụ thể, theo thông cáo sau buổi họp nội các, chính phủ Anh đề xuất « hình thành vùng tự do trao đổi giữa Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu với các quy định chung về tài sản công nghiệp và nông phẩm ». Tuy nhiên, đề xuất của chính phủ đã bị phe đối lập Công Đảng và nhiều lãnh đạo doanh nghiệp chỉ trích gay gắt suốt cuối tuần qua. Vấn đề ở chỗ Bruxelles sẽ chào đón đề xuất của chính phủ Anh như thế nào ?

Trang nhất : Tổng thống Pháp tìm hơi thở mới

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đọc bài diễn văn thường niên trước Quốc Hội lưỡng viện ngày 09/07 tại điện Versailles là sự kiện được các báo chú ý trên trang nhất.

Le Monde cho rằng « Trước Nghị Viện, Macron tìm đà tiến mới ». Le Figaro có cùng nhận định : « Đang gặp khó khăn, Macron muốn tìm hơi thở mới ». Libération đăng chân dung ông Macron trên trang nhất với hàng tựa « Tình trạng thất sủng » vì tổng thống Pháp ngày càng bị chỉ trích vì cách điều hành quân chủ và tỉ lệ tín nhiệm sụt giảm, dù vẫn được 1/3 dân Pháp ủng hộ

Theo nhận định của Le Monde, đây cũng là dịp để tổng thống Pháp trấn an phe đa số, mà trong nội bộ đang có nhiều tiếng nói yêu cầu tập trung đến mảng xã hội, trong khi ông Macron giữ ý định thiên về cánh hữu nhằm chia rẽ đối lập. Ngoài ra, ông Macron cũng nhấn mạnh đến những cải cách đang được tiến hành, trình bày tầm nhìn về hiện trạng của nước Pháp, của châu Âu và đưa ra các triển vọng phát triển.

Sau bài diễn văn, sẽ có tranh luận nhưng không bỏ phiếu. Chính điều này khiến một bộ phận nghị sĩ lên án cách điều hành « theo kiểu quân chủ ».

World Cup 2018 :

« Những con Quỷ đỏ » đấu với « Gà trống Gaulois »

Hai nước láng giềng Pháp và Bỉ sẽ đối đầu nhau trong khuôn khổ bán kết Cúp Bóng đá thế giới vào ngày 10/07. Một trận đấu được Le Monde so sánh là « ngày hội xóm giềng ». Vương Quốc Bỉ vẫn là một đối thủ khó nhằn của đội tuyển Pháp kể từ năm 1904.

Một trận đấu hứa hẹn gay cấn vì theo Libération, hiện Bỉ đang có « những tài năng của mọi con Quỷ đỏ ». Đội tuyển Bỉ đã đạt được trình độ như mong đợi và huấn luyện viên Roberto Martinez đã thành công trong việc để những con quỷ đơn độc cùng đoàn kết thi đấu.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180709-trung-quoc-my-chau-au-wto-db

 

Tin đọc nhanh

(Hongkong Free Press) – Biểu tình tại Hồng Kông nhân kỷ niệm ba năm vụ đàn áp « 709 ».

Các nhà tranh đấu Hồng Kông hôm qua 08/07/2018 đã tập hợp trước Văn phòng liên lạc Trung Quốc tại Tây Hoàn (Sai Wan) đòi hỏi Trung Quốc trả tự do ngay lập tức cho các luật sư nhân quyền và các nhà hoạt động, trả lại giấy phép hành nghề cho các luật sư liên quan. Trong đợt đàn áp được mệnh danh là « 709 » năm 2015, có khoảng 300 nhà ly khai và luật sư bị câu lưu.

(AFP) –Trung Quốc bị tố cáo lén sản xuất khí CFC. 

Cơ quan Điều tra Bảo vệ Môi trường (EIA), một hiệp hội sinh thái có trụ sở tại Hoa Kỳ, hôm nay 09/07/2018 tố cáo Trung Quốc tiếp tục bí mật sản xuất CFC, loại khí hủy hoại tầng ozone đã bị cấm theo Hiệp ước Montréal ký kết năm 1987. Theo báo cáo của EIA, có 18 nhà máy đặt tại 10 tỉnh Trung Quốc sử dụng CFC, tuy Bắc Kinh tuyên bố đã chấm dứt từ năm 2007.

(AFP) –Tập đoàn điện thoại Trung Quốc Xiaomi (Tiễu Mễ) lận đận vì chiến tranh thương mại. 

Trong ngày đầu tiên (09/07) lên sàn chứng khoán, tập đoàn này đã gặp nhiều khó khăn do nhà đầu tư thiếu tin tưởng và do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Giá cổ phiếu thấp hơn kỳ vọng, thậm chí tuần trước các nhà đầu tư còn ồ ạt bán ra với giá rẻ trước khi được chính thức niêm yết. Hiện nay giá trị của Xiaomi chỉ khoảng 45 tỉ đô la, so với mục tiêu đầy tham vọng 100 tỉ đô la.

(RFI) – Thái Lan : Thêm 4 em nhỏ được đưa ra khỏi hang trong ngày giải cứu thứ 2.

Chiến dịch giải cứu 12 thiếu nhi đội bóng và huấn luyện viên đang mắc kẹt trong động Tham Luang, Thái Lan bắt đầu từ 10 giờ sáng hôm qua 08/07. Tổng cộng đã có 8 em được đưa ra khỏi hang. Hiện còn 4 em nhỏ và huấn luyện viên vẫn đang chờ được giải cứu.

(AFP) – Tòa tối cao Ấn Độ tuyên án tử hình đối với 3 thủ phạm vụ hiếp dâm tập thể làm rúng động thế giới năm 2012. 

Phiên tòa diễn ra trong ngày hôm nay 09/07/2018. Nạn nhân vụ cưỡng hiếp tập thể năm 2012 trên một chuyến xe bus là một nữ sinh viên 23 tuổi. Nạn nhân sau đó đã qua đời vì bị thương quá nặng. Từ sau vụ việc gây chấn động toàn thế giới, Ấn Độ siết chặt luật và đẩy mạnh các phiên tòa xét xử các vụ tấn công tình dục. Năm 2016, theo con số chính thức, có tổng cộng 40.000 vụ cưỡng hiếp tại đất nước này.

(AFP) – Nicaragua : Thêm 14 người chết trong ngày 08/07/2018. 

Các vụ đụng độ giữa cảnh sát, dân quân và những người đối lập với tổng thống Daniel Ortega ở miền tây nam Nicaragua vẫn tiếp diễn và cho đến nay đã có trên 240 người chết và trên 2.000 người bị thương. Làn sóng phản kháng nổi lên từ ngày 18/4 đòi hỏi ông Ortega tổ chức bầu cử trước thời hạn.

(AFP) – Thổ Nhĩ Kỳ : Erdogan chính thức bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống mới.

Lễ tuyên thệ nhậm chức diễn ra vào 13 giờ – giờ GMT ngày hôm nay 09/07/2018. Nội các mới của ông Erdogan chỉ có 16 bộ, thay vì 26 như trước đây. Nhiều bộ sẽ bị sáp nhập như bộ chuyên trách châu Âu và bộ Ngoại Giao.

(AFP) – Thổ Nhĩ Kỳ: Tai nạn xe lửa làm hàng chục người thiệt mạng.

Theo ước tính hiện tại, đã có 24 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Trên tuyến đường đi từ Edirn tới Istanbul, chiếc tàu hỏa chở 360 khách, ngày 08/07/2018, đã gặp sự cố tại khu vực tỉnh Tekirdag, khiến 6 toa tàu bị lật khỏi đường ray. Tai nạn có thể do mưa nhiều, gây sạt lở đất làm sụt đường ray.

(AFP) – New Zeland mua máy bay tuần tra hàng hải.

Chính quyền New Zeland hôm nay, 09/07/2018, cho biết đầu tư 2,35 tỉ đôla New Zeland (tương đương 1,6 tỉ đôla Mỹ) mua 4 máy bay tuần tra Boeing P-8A Poseidon của chính quyền Hoa Kỳ nhằm cải thiện khả năng giám sát khu vực biển Thái Bình Dương. Bốn chiếc máy bay sẽ được đem vào sử dụng năm 2023.

(AFP) – Mêhicô giải cứu 53 di dân Trung Mỹ trong một chiếc xe tải.

Hôm qua 08/07/2018 một đội cảnh sát tuần tra ở Villahermosa, bang Tabasco, miền đông nam Mêhicô đã phát hiện 28 trẻ em, 6 phụ nữ và 19 người đàn ông trong một chiếc xe tải. Những người nhập cư này chủ yếu tới từ các nước Trung Mỹ, đặc biệt là Honduras.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180709-tin-doc-nhanh