Đọc báo Pháp – 09/04/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 09/04/2020

Covid-19: Chính phủ Pháp muốn

 “theo dấu” bệnh nhân, dư luận lo ngai

Trọng Nghĩa

Báo chí Pháp ra ngày hôm nay, 09/04/2020 tiếp tục bị virus corona chi phối, với chủ đề nổi bật là dự án của chính phủ Pháp dùng một loại ứng dụng cho điện thoại di động tạm gọi là “Stop Covid” để theo dõi những người nhiễm virus corona trong thời kỳ hậu phong tỏa. Hai tờ Le Monde và Le Figaro đã đặc biệt dành tựa lớn trang nhất và hồ sơ chính cho chủ đề này.

Về dự án dùng ứng dụng Stop-Covid, Le Monde đã loan báo một cách khái quát trong hàng tựa: “Theo dõi bệnh nhân: Những gì mà chính phủ (Pháp) đang nghiên cứu”.

Theo Le Monde, chính phủ Pháp đang xem xét việc sử dụng một ứng dụng “định vị” dùng trên điện thoại thông minh, cho phép giới hữu trách theo dõi những người mắc bệnh Covid-19.

Tờ báo Pháp đã phỏng vấn bộ trưởng bộ Y Tế Olivier Véran và quốc vụ khanh đặc trách kỹ thuật số Cédric O, và đã được hai quan chức cao cấp này giải thích rõ hơn về dự án.

“Tự nguyện” cài đặt ứng dụng trên điện thoại để kềm hãm dịch bệnh

Nhìn chung, đây là một ứng dụng mà người bệnh “tự nguyện” chấp nhận cài đặt trên điện thoại của mình, và việc theo dõi “có thể cho phép hạn chế đà phát tán của virus nhờ xác định rõ được các dây chuyền truyền nhiễm”.

Hai vị bộ trưởng và quốc vụ khanh cho biết hiện nay, chính phủ vẫn chưa có quyết định dứt khoát về dự án này, nhưng nhấn mạnh rằng việc cài đặt ứng dụng định vị tại Pháp sẽ dựa trên cơ sở tình nguyện, trái với một số nước khác vốn bắt buộc người bệnh phải chấp nhận chế độ theo dõi.

Le Figaro cũng rất chú ý đến kế hoạch theo dõi những người bị nhiễm bệnh Covid-19 đang được xem xét nhưng chạy một tựa rất cụ thể: “Theo dõi bằng kỹ thuật số: Kế hoạch để khống chế dịch bệnh”.

Theo Le Figaro, chính bộ trưởng Y Tế Olivier Véran và quốc vụ khanh Kỹ Thuật Số Cédric O đã xác nhận với Le Monde rằng một ứng dụng trên điện thoại có khả năng được dùng đến để hỗ trợ cho tiến trình “phi phong tỏa hóa”.

Đủ loại phản ứng dè dặt trước một công cụ về bản chất là để theo dõi

Tờ báo thiên hữu Pháp ghi nhận: Thông báo về việc này đã làm dấy lên nhiều phản ứng dè dặt trong chính giới Pháp, kể cả trong hàng ngũ của các đại biểu dân cử trong đảng Cộng Hòa Tiến Bước đang cầm quyền.

Ngoài những mối quan ngại liên quan đến quyền tự do cá nhân mà việc theo dõi đặt ra, Le Figaro đã nêu lên một loạt vấn đề có thể khiến cho việc sử dụng ứng dụng tin học này không mấy hiệu quả.

Tờ báo ghi nhận: “Công luận có dấu hiệu ủng hộ việc dùng đến công cụ này, nhưng vấn đề là cần phải thuyết phục được đa số người dân Pháp tải về và dùng đến ứng dụng đó. Có điều là hiện có 13 triệu

người Pháp không có điện thoại thông minh, trong đó đa phần lại là những người lớn tuổi, là thành phần dễ bị nhiễm virus corona nhất”.

Libération: “StopCovid: Những đám mây trước lúc dùng ứng dụng”

Theo Libération, chính phủ cố trấn an về tính chất của hệ thống theo dấu nhằm đối phó với dịch Covid-19, nhưng những tâm lý lo ngại vẫn còn rất mạnh.

Tờ báo nêu bật cam kết của chính phủ Pháp, theo đó việc áp dụng phương tiện theo dõi này được giới hạn trong thời gian, và những ai không đồng ý cài đặt ứng dụng sẽ không phải chịu bất kỳ hậu quả nào.

Tuy nhiên, hiệp hội bảo vệ quyền tự do La Quadrature du Net chẳng hạn thì tỏ ý rất nghi ngờ: “Kể cả khi tất cả các tiêu chí công nghệ và pháp lý đều được tôn trọng, đây vẫn là một công cụ để theo dõi và giám sát mọi người”. Mặt khác, liệu những người bị nhiễm Covid-19 thực sự có quyền từ chối cài đặt ứng dụng này hay không trước “sức ép của xã hội” đòi họ phải dùng phương tiện này…

Les Echos: Cả châu Âu đều muốn theo dõi bệnh nhân Covid-19

Tờ báo Pháp cũng đề cập đến ứng dụng StopCovid trên trang nhất trong bài “Theo dõi: Nhà Nước chuẩn bị khả năng này như thế nào”.

Theo tờ báo, dự án này đã làm dấy lên những phản ứng dè dặt dữ dội, ngay cả trong những chính khách thuộc đa số đang cầm quyền tại Pháp. Đối với Les Echos, có hai vấn đề chưa được rõ ràng: Tính hữu ích trên bình diện y tế của ứng dụng, cũng như những điều kiện kỹ thuật cho phép bảo vệ đời tư của người dân.

Les Echos ghi nhận rằng những sáng kiến tương tự cũng xuất hiện ở nhiều nước châu Âu khác. Tình hình này đã buộc Ủy Ban Châu Âu phải suy nghĩ đến việc đề ra một khuôn khổ chung để quản lý các hệ thống định vị, sao cho các quyền tự do được tôn trọng, và những ứng dụng tại những nước khác nhau có thể ít nhiều tương thích với nhau.

Les Echos: 2 tuần phong tỏa vì Covid-19 xóa đi 5 năm tăng trưởng của Pháp

Nhật báo kinh tế Pháp ghi nhận: Theo Ngân Hàng Pháp Quốc (tức là Ngân Hàng Trung Ương Pháp) ngày 08/04/2020, GDP của nước Pháp dự trù tuột giảm 6%. Nguyên nhân đến từ các biện pháp phong tỏa được chính phủ ban hành để chống dịch Covid-19.

Một cách cụ thể, Ngân Hàng Pháp Quốc cho biết là guồng máy sản xuất của Pháp chỉ hoạt động có 32% khả năng của mình, một ước tính rất gần với đánh giá của Viện Thống Kê Insee, nói đến mức 35%. Mức tiêu thụ các hộ gia đình cũng sụt giảm khoảng 30%.

Đối với Les Echos, phải lần ngược về giữa năm 2015 mới thấy GDP sụt giảm đến 6%. Nói cách khác, chỉ hai tuần phong tỏa vừa qua, đã xóa đi gần 5 năm tăng trưởng của nước Pháp. Thiệt hại rất to lớn vì mỗi tuần phong tỏa làm nước Pháp mất đi gần 20 tỷ euro

Libération lo ngại: “Tự do (đang) bị phong tỏa” tại Pháp

Báo Libération đã liệt kê một loạt yếu tố cho thấy tình trạng mất tự do hiện nay: “Đi lại bị hạn chế, tụ tập bị cấm, bị cảnh sát kiểm tra đôi khi một cách tùy tiện, chủ trương theo dõi bằng phương tiện kỹ thuật số…”.

Theo ghi nhận của tờ báo, các biện pháp đặc biệt kể trên, được đưa ra để chiến đấu chống dịch Covid-19, đang khiến giới bảo vệ các quyền tự do lo lắng. Họ sợ rằng tàn dư của các biện pháp phi tự do đó sẽ tiếp tục tồn tại sau khi khủng hoảng được vượt qua.

Les Echos: “Chloroquine: Hứa hẹn và nghi vấn”

Theo tở báo, tính chất hữu hiệu của liệu pháp dùng Chloroquine để trị bệnh Covid đã làm dấy lên những tranh luận gay gắt, đặc biệt là những chỉ trích theo đó giáo sư Didier Raoult, người đề xuất ra liệu pháp, đã thiếu trung thực khi cho thử nghiệm cách chữa của mình.

Trên tờ báo kinh tế Pháp, giáo sư Didier Raoult đã đích thân chấp bút bảo vệ phương pháp trị liệu của ông.

Les Echos đồng thời điểm lại những liệu pháp khác, ngoài việc dùng chất chloroquine, để trị bệnh do virus corona gây ra.

La Croix: Những gì đã biết (hay chưa biết) về virus corona

“Con virus qua 15 câu hỏi” là tựa đề lớn trên trang nhất nhật báo Công Giáo, trên nền hình của con virus corona, nhưng được tô màu xanh, màu thường được cho là màu của hy vọng trong tâm thức người phương Tây.

Toàn cảnh dịch bệnh nói chung, theo mô tả của La Croix, khá u ám với 4 tỷ người phải sống trong hoàn cảnh bị phong tỏa tại khoảng một trăm quốc gia, với mốc 10 ngàn người chết đã bị vượt qua ở Pháp.

Trong tình hình đó, theo La Croix, hiểu biết về con virus corona chủng mới này vẫn chưa nhiều, với rất nhiều vấn đề vẫn ở dạng giả thuyết.

Tờ báo thận trọng nhấn mạnh rằng “Tất cả các thông tin được trình bày trong hồ sơ chỉ có giá trị vào thời điểm hiện nay, và không loại trừ khả năng trong vòng vài ngày hoặc vài tuần tới đây, tình hình sẽ chuyển biến khác đi nhờ các bước tiến của khoa học và y học trong việc tìm hiểu con virus”.

Les Echos: “Virus corona: Vì sao Donald Trump tấn công WHO”

Trên bình diện quốc tế, Les Echos đã rất chú ý đến đòn tấn công mới nhất của tổng thống Mỹ Donald Trump nhắm vào Tổ Chức Y Tế Thế giới WHO, khi ông dọa cắt nguồn tài trợ của Hoa Kỳ dành cho định chế Liên Hiệp Quốc này.

Tờ báo Pháp nhắc lại là vào đầu tháng Tư, một cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ củng cố thêm mối nghi ngờ phổ biến ở Washington là Bắc Kinh không nói thật trên số ca tử vong do virus corona gây nên tại Trung Quốc.

Theo chính quyền Mỹ, những thông tin không đúng thật đã không cho phép các quốc gia khác đánh giá được mức độ dữ dội của đại dịch để chuẩn bị đối phó.

Vấn đề là WHO đã không phủ nhận các số liệu của Bắc Kinh. Và theo ông Donald Trump, WHO còn phản đối quyết định của Washington cấm các chuyến bay đến từ Trung Quốc, điều này cho thấy một sự thiên vị nào đó. Ông Donald Trump còn than phiền về phần đóng góp to lớn của Mỹ cho WHO.

Theo Les Echos, trong năm 2018-2019, ngân sách của WHO là khoảng 4,5 tỷ đô la. WHO nhận đóng góp của các cá nhân giàu có, các nhà hảo tâm, nhưng phần lớn thu nhập đến từ tài trợ của các quốc gia thành viên.

Và trên điểm này, Les Echos cho là ông Trump có lý khi than phiền, vì Mỹ rất hào phóng. Mỗi thành viên, trong số 194 quốc gia, đóng góp cho ngân sách WHO, tùy theo kích thước và mức sống của người dân chứ không phải là dựa trên GDP.

Kết quả là Mỹ đóng góp đến 22% trên tổng số tiền tài trợ từ các quốc gia cho WHO, trong lúc đóng góp của Trung Quốc chỉ là 8%, Pháp là 4,8%. Đây quả là một điều không mấy cân xứng khi mà GDP của Trung Quốc, như trong năm 2018, lên đến 25.270 tỷ đô la, trong lúc Mỹ “chỉ” là 20.494 tỷ.

Le Monde: Singapore đối phó với “làn sóng” Covid-19 thứ hai

Trở lại tình trạng dịch Covid-19 đang lây lan tại Đông Nam Á, Le Monde đặc biệt quan tâm đến tình hình Singapore.

Theo tờ báo, Singapore được xem như một điển hình trong việc xử lý nạn dịch gần đây, hiện đang phải đưa ra những biện pháp cứng rắn hơn chống virus trong bối cảnh các ca nhiễm đột nhiên tăng lên.

Tính hữu hiệu của “mô hình” Singapore được ca ngợi là hữu hiệu trong việc chống Covid-19 lây lan có lẽ đang cho thấy giới hạn. Ngay cả trước khi số người bị nhiễm tăng vọt những ngày qua – 66 ca nhiễm mới ngày thứ Hai, 06/04 và 106 một hôm sau, Singapore đã quyết định cứng rắn hơn trong chiến lược chống virus: Đóng cửa tất cả những cửa hiệu, thương xá, nhà hàng. Và lần đầu tiên trường học buộc phải đóng kể từ 08/04.

Chính quyền cảnh báo là làn sóng chấn động của dịch bệnh có thể kéo dài đến năm 2021. Vào hôm thứ Hai 06/04, số ca nhiễm tính từ đầu khủng hoảng tại Singapore lên đến 1.381 người với 6 ca tử vong.

Theo Le Monde, “làn sóng” lây nhiễm thứ hai này, cũng sẽ dâng lên khắp vùng Đông Nam Á, nhưng sẽ không nghiêm trọng như ở Châu Âu hay Mỹ.

http://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200409-covid-19-chi%CC%81nh-phu%CC%89-pha%CC%81p-mu%C3%B4%CC%81n-theo-d%C3%A2%CC%81u-b%C3%AA%CC%A3nh-nh%C3%A2n-d%C6%B0-lu%C3%A2%CC%A3n-lo-ngai

 

Tin tổng hợp

(RFI) – Nhật Bản vượt ngưỡng 5000 ca nhiễm virus corona. 

Tổng số người nhiễm virus corona tính đến hôm nay 09/04/2020 đã vượt ngưỡng 5.000 ca. Tổng số ca tử vong từ đầu dịch đến nay là 85 người. Tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu lắng dịu, cho dù thủ tướng Shinzo Abe đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo, tỉnh Osaka và 5 vùng đông dân khác. Lãnh đạo vùng Aichi, miền trung nước Nhật, cũng đề nghị được đặt trong trình trạng khẩn cấp. Phát ngôn viên chính phủ, Yoshihide Suga, cho biết quyết định sẽ được đưa ra sau khi tham khảo ý kiến các chuyên gia.

Tại Đông Nam Á, chính quyền Singapore ban hành lệnh phong tỏa. Còn Indonesia hôm qua bắt đầu cho áp dụng nhiều biện pháp chống dịch bệnh Covid-19. Ở thủ đô Jakarta, các trường học và nhiều công sở phải đóng cửa. Đại học Jakarta dự báo sẽ có khoảng 240.000 ca tử vong tại Indonesia.

(AFP) – Phần Lan mua phải « khẩu trang dỏm » của Trung Quốc. 

Chính phủ Phần Lan ngày 08/04/2020 cho biết, lô hàng 2 triệu khẩu trang y tế đặt mua cả Trung Quốc « không đáp ứng tiêu chuẩn chống virus corona ».  Bộ trưởng Y Tế Aino Kaisa Pekonen đã thông báo trước là hàng mua của Trung Quốc sẽ phải được « kiểm tra và xét nghiệm trước khi phân phối cho các bệnh viện Phần Lan ». Một giới chức y tế tại Helsinki không giấu « thất vọng» về chữ «tín» của các đối tác Trung Quốc. Trong những tuần qua, Tây Ban Nha, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Úc đều đã gửi trả lại về nguyên quán khẩu trang Made in China.

(Reuters) – 10.000 bệnh nhân nhiễm virus corona tại Nga. 

Một ngày sau khi tổng thống Putin tuyên bố nước Nga đang đứng trước một « thời khắc quyết định » của mùa dịch, bộ Y Tế hôm 09/04/2020 cho biết số người bị nhiễm tăng vọt. Trong 24 giờ qua đã có thêm 1.459 ca được nghi nhận, thêm 13 bệnh nhân tử vong. Trên toàn quốc có hơn 10.000 người dương tính với virus corona và 76 người chết.

(Ouest-France) – Cầu thủ bóng đá Anh gây quỹ chống dịch Covid-19.

Sáng kiến mang tên #PlayersTogether nhằm quyên góp tiền để giúp đỡ nhân viên của cơ quan y tế quốc gia Anh NHS hiện đang trên tuyến đầu chống dịch bệnh. Trong một thông cáo vào hôm qua 08/09, đại diện tập thể các cầu thủ lập quỹ cho biết đây là quỹ riêng, không liên quan đến Premier League (giải Ngoại hạng Anh) hay các câu lạc bộ. Đầu tháng 4, Premier League từng đề xuất cắt giảm 30% lương của các cầu thủ nhưng Nghiệp đoàn cầu thủ Anh (PFA) cho rằng biện pháp này sẽ kéo theo hệ quả là thuế thu nhập mà các cầu thủ nộp sẽ giảm, khiến ngân sách quốc gia giảm theo, điều này càng không có lợi cho NHS.

(France 24) – Liên quân Ả Rập Xê Út đơn phương ngừng bắn tại Yemen vì Vovid-19. 

Lệnh hưu chiến của Ryad có hiệu lực từ hôm nay 09/04 và kéo dài hai tuần nhằm hạn chế sự lây lan của virus corona tại Yemen, đất nước đang trong cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Một lãnh đạo của Ả Rập Xê Út hôm qua nói rằng Ryad hy vọng phe nổi dậy Houthi ở Yemen do Iran hậu thuẫn cũng đồng ý hưu chiến. Nhưng hiện giờ phe này vẫn chưa có hồi đáp.

(AFP) – Madagascar thông báo có thảo dược trị virus corona. 

Tổng thống Madagascar Andry Bajoelina tối 08/04/2020 thông báo trên đài truyền hình sẽ cho thử nghiệm về một loài dược thảo có thể điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Ông được tin này qua một bức thư. Lãnh đạo Madagascar đương nhiên không tiết lộ thêm về loài dược thảo đó hay danh tính người đã gửi bức thư này cho ông mà chỉ thông báo sẽ cho tiến hành thử nghiệm và nhiều nhà khoa học, các công ty dược phẩm muốn cùng tham gia.

(AFP) – Pháp : Bệnh viện Henri Mondor mở thêm 85 giường điều trị trong khoa hồi sức.  

Bệnh nhân đầu tiên sẽ được đưa về đây điều trị ngay từ chiều 09/04/2020. Khu vực vừa được khánh thành tại bệnh viện Mondor được cho là cực kỳ tối tân với các trang thiết bị y tế hiện đại nhất bắt đầu hoạt động 5 tháng trước thời hạn. 85 giường trong khoa hồi sức nói trên nhằm giảm bớt áp lực cho các bệnh viện tại vùng Paris và phụ cận để đối mặt với Covid-19.

(AFP) – Dầu hỏa tăng giá trở lại. 

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu hỏa OPEC cùng với Nga họp lại qua video vào hôm nay 09/04/2020 khiến giá dầu tăng thêm 3 % so với phiên giao dịch chiều qua. Trên nguyên tắc các nhà xuất khẩu dầu hỏa thế giới sẽ đồng ý với nhau giảm mức cung cấp trong lúc thị trường đang bị đóng băng vì Covid-19. Theo bộ trưởng Năng Lượng Koweit, các nhà cung cấp dự trù cắt giảm từ 10 triệu đến 15 triệu thùng dầu mỗi ngày nhằm giữ giá dầu hỏa. Nga có thể giảm 14 % mức cung cấp so với hồi quý 1 vừa qua.

(Le Monde) – Oxfam : Thêm 500 triệu người trên thế giới bị nạn đói đe dọa vì Covid-19. 

Trong một báo cáo công bố hôm nay 09/04/2020, tổ chức phi chính phủ Oxfam ước tính sẽ có thêm 6-8% dân số thế giới rơi vào đói nghèo, nếu các kế hoạch hỗ trợ những nước dễ bị tổn thương nhất không được nhanh chóng triển khai. Cuộc chiến chống đói nghèo trên toàn thế giới như vậy sẽ thụt lùi 10 năm, nhiều nơi như châu Phi hạ Sahara, Trung Đông, Bắc Phi thụt lùi 30 năm. Oxfam kêu gọi cứu trợ trực tiếp cho những người bị tác động nặng nề nhất, ưu tiên trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ, hủy nợ năm nay cho các nước nghèo nhất.

http://www.rfi.fr/vi/t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p/20200409-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

 

Điểm tin thế giới sáng 9/4:

WHO bị chỉ trích, Bắc Kinh lên tiếng bảo vệ

Lục Du

Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Năm (9/4) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả phần tóm lược của những tin sau:

Ứng viên Sanders từ bỏ tranh cử tổng thống Mỹ

Ứng viên tổng thống Bernie Sanders của đảng Dân chủ đã dừng chiến dịch tranh cử của mình vào thứ Tư. Quyết định này của ông Sanders đã dọn đường cho cựu Phó Tổng thống Joe Biden làm người đại diện cho đảng Dân chủ tranh cử với Tổng thống đương nhiệm Donald Trump vào tháng 11 tới, theo Reuters.

Ông Sanders, 78 tuổi, thừa nhận rằng ông rút lui vì không có nhiều cơ hội chiến thắng sau một loạt các thất bại trước ông Biden trong cuộc đua làm ứng viên tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ.

Mặc dù chấp nhận thua đối thủ, nhưng ông Sanders tuyên bố sẽ hợp tác với ông Biden, cựu phó của Obama, nhằm đánh bại ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm nay.

WHO bị chỉ trích, Bắc Kinh lên tiếng bảo vệ

Fox News đưa tin, bộ máy tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc hôm thứ Tư đã đồng loạt lên tiếng bảo vệ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sau khi Tổng thống Trump cảnh báo Mỹ sẽ cắt tài trợ cho WHO vì sự quỵ lụy của tổ chức này đối với Bắc Kinh.

Người đứng đầu WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, đang đối mặt với làn sóng chỉ trích và yêu cầu từ chức, sau khi ông này thể hiện sự yếu kém và đồng thuận với chính quyền Trung Quốc trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán. Hiện đã có gần 800.000 người ký tên tại trang thỉnh nguyện Change để yêu cầu ông này từ chức và con số đang tiếp tục gia tăng.

Không có dấu hiệu muốn từ chức, hôm thứ Tư, ông Tedros kêu gọi Mỹ “đoàn kết” với Trung Quốc để chống lại dịch bệnh toàn cầu và tránh “chính trị hóa loại virus này”.

Nếu Hoa Kỳ cắt viện trợ cho WHO, khả năng cao là tổ chức này sẽ phải chấm dứt hoạt động. Năm 2019, Mỹ tài trợ hơn 400 triệu USD cho WHO, gần gấp đôi đóng góp của nước thành viên lớn thứ hai. Ngược lại, Trung Quốc chỉ đóng góp 44 triệu USD.

Chính phủ Syria tiếp tục bị cáo buộc đã sử dụng vũ khí hóa học

Cơ quan giám sát vũ khí hóa học quốc tế (OPCW) hôm thứ Tư lần đầu tiên chính thức lên tiếng chỉ trích chính phủ Syria về các cuộc tấn công vũ khí hóa học khiến nhiều dân thường thiệt mạng. Theo AFP, cơ quan này cho biết lực lượng không quân của Tổng thống Bashar al-Assad đã sử dụng khí gas sarin và clo ba lần vào năm 2017.

OPCW cho biết một nghiên cứu của tổ chức này “đã kết luận rằng có cơ sở hợp lý để tin rằng thủ phạm sử dụng sarin và clo làm vũ khí hóa học ở Lataminah [Syria] vào năm 2017 là những cá nhân thuộc Không quân Syria”.

OPCW nói rằng nhóm nghiên cứu của họ không thể xác định chính xác các mệnh lệnh từ chính phủ Syria buộc quân nhân sử dụng vũ khí hóa học, nhưng khẳng định rằng mệnh lệnh này phải được phát đi từ các chỉ huy cấp cao trong chính quyền Bashar al-Assad.

Ý: Sập cầu giữa mùa dịch, không có người tử vong

Reuters đưa tin, một cây cầu nằm trên tuyến đường liên tỉnh ở miền bắc nước Ý đã bị sập hôm thứ Tư, nhưng do quốc gia này đang phong tỏa để chống dịch viêm phổi Vũ Hán nên chỉ có hai phương tiện giao thông trên cầu lúc xảy ra tai nạn, không có thiệt hại về sinh mạng.

Một phát ngôn viên của đội cứu hỏa cho biết, sự việc xảy ra vào khoảng 10h25 giờ địa phương. Cây cầu bị gẫy dài 260 mét, bắc qua sông Magra, nằm trên trục đường SS330 nối hai tỉnh Genova và Florence của Ý.

Chỉ có hai xe tải lưu thông tại thời điểm cây cầu bị bị gãy. Người phát ngôn của đội cứu hỏa nói rằng tài xế của hai xe tải này bị thương nhẹ và đã được đưa tới bệnh viện.

Thủ tướng Anh đang phục hồi sau khi nhiễm nCoV

Một quan chức cấp cao của chính phủ Anh nói rằng, tình trạng bệnh Covid-19 của Thủ tướng Boris Johnson vào thứ Tư đã được “cải thiện” nhưng ông vẫn đang ở trong phòng điều trị đặc biệt, AFP đưa tin.

Trong một cuộc họp báo ngắn, Bộ trưởng tài chính Anh Rishi Sunak cho biết: “Thủ tướng đã ngồi dậy được”.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-9-4-who-bi-chi-trich-bac-kinh-len-tieng-bao-ve.html

 

Điểm tin thế giới chiều 9/4:

Tổng thống Trump cảnh báo điều tra WHO

Hải Lam

Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Năm (9/4) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:

Tổng thống Trump cảnh báo điều tra WHO

Tổng thống Trump hôm 8/4 tiếp tục chỉ trích Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đồng thời cảnh báo sẽ điều tra.

“Chúng tôi sẽ xem xét một cuộc điều tra và chúng tôi sẽ ra quyết định”, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói tại cuộc họp báo hàng ngày ở Nhà Trắng hôm 8/4. “WHO đã sai theo nhiều cách. Họ cũng đã giảm nhẹ mối đe dọa từ Covid-19”.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), ông Trump cáo buộc WHO hôm 14/1 nói rằng nCov không lây từ người sang người và lên án việc tổ chức này chỉ trích quyết định chặn các chuyến bay từ Trung Quốc của ông.

Ca nhiễm mới Covid-19 tại Đông Nam Á tăng mạnh

Reuters đưa tin, ông Achmad Yurianto, một quan chức trong Bộ Y tế Indonesia hôm nay thông báo nước này có thêm 336 trường hợp mới nhiễm Covid-19, mức tăng hàng ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát vào tháng trước. Ông Yurianto cũng xác nhận 40 trường hợp tử vong mới, nâng tổng số lên 280. Hiện Indonesia có 3.293 ca nhiễm, trong đó 252 người đã phục hồi.

Giới chức y tế Singaporecùng ngày báo cáo thêm 142 ca nhiễm nCoV, mức tăng cao nhất từ khi xuất hiện dịch, nâng tổng số người nhiễm ở nước này lên 1.623. Trong số các ca nhiễm mới, 55 ca liên quan đến các cụm dịch đã biết, 13 ca lây từ người đã nhiễm nCoV, hai ca nhập khẩu và 72 ca chưa rõ nguồn lây. Singapore đã ghi nhận 6 ca tử vong.

Malaysia ghi nhận 109 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên 4.228. Số ca tử vong cũng tăng thêm 2, nâng tổng số người chết vì dịch bệnh lên 67.

Philippines xác nhận thêm 206 ca nhiễm và 21 ca tử vong mới. Tổng số ca nhiễm tại Philippines là 4.076, trong đó 203 người đã tử vong. Hiện Philippines là nước chịu ảnh hưởng nhất vì dịch bệnh tại Đông Nam Á.

Thái Lan báo cáo 54 ca nhiễm mới và 2 ca tử vong. Hai nạn nhân tử vong gồm một người Pháp, 74 tuổi và một người Thái, 84 tuổi. Tổng số ca nhiễm tại nước này là 2.423, trong đó 32 ca tử vong.

Nhật chi 2,2 tỷ USD để các công ty rời Trung Quốc

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin, Nhật Bản đã dùng 2,2 tỷ USD trong gói cứu trợ kinh tế để giúp các công ty nước này chuyển nhà máy và hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh virus corona phá vỡ chuỗi cung ứng giữa các đối tác thương mại lớn.

Cụ thể, 220 tỷ yên (2 tỷ USD) sẽ được dùng để giúp các công ty chuyển nhà máy sản xuất về Nhật Bản và 23,5 tỷ yên để giúp các công ty muốn chuyển việc sản xuất sang nước khác, theo kế hoạch được đăng trực tuyến.

Căn cứ không quân của Mỹ ở Afghanistan bị tấn công

Căn cứ không quân Mỹ ở Afghanistan hôm nay đã bị 5 tên lửa bắn trúng nhưng không có thương vong, Reuter dẫn lời lực lượng của Afghanistan do NATO lãnh đạo cho biết. Nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tuyên bố đã thực hiện vụ tấn công.

“Năm tên lửa đã bắn vào sân bay Bagram vào sáng sớm hôm nay”, lực lượng của Afghanistan do NATO lãnh đạo, còn gọi là lực lượng Resolute Support, cho biết trên Twitter. Đây là căn cứ không quân chính của Mỹ ở Afghanistan, nằm tại phía Bắc thủ đô Kabul.

IS tuyên bố trên mạng xã hội rằng các binh lính của họ đã nhắm mục tiêu tấn công vào một bãi đáp trực thăng tại Bagram.

Vụ tấn công xảy ra vài tuần sau khi phe Taliban và Mỹ đạt được thỏa thuận về việc rút quân đội nước ngoài do Mỹ lãnh đạo ra khỏi Afghanistan. Thỏa thuận này không bao gồm phiến quân IS.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-chieu-9-4-tong-thong-trump-canh-bao-dieu-tra-who.html

 

Tạp chí tiêu điểm

Cuộc đua giành đảo để chiếm ưu thế hàng hải

Minh Anh

Không còn là nơi xa xôi hẻo lánh, bị cô lập, những hòn đảo trên biển đang trở thành những mảnh ghép chiến lược quan trọng được nhiều cường quốc đua nhau chiếm đoạt hay tranh giành ảnh hưởng nhằm kiểm soát những vùng lãnh hải bao la. Việc chiếm đóng và xây dựng các đảo đá ngầm ở Biển Đông là một trong số các ví dụ điển hình nhất trong cuộc đua giành đảo này.

Mỏm đá, đảo nhỏ, đảo?

Thống kê của Liên Hiệp Quốc đưa ra một con số ấn tượng : 460.000 đảo trên khắp hành tinh. Từ cổ chí kim, nói đến đảo là nhắc đến nhiều chức năng của đảo : Một vị trí chủ chốt để kiểm soát một eo biển, Điểm giao thương và giao thoa văn hóa, Chốn thiên đường để quay phim giải trí, Một khu bảo tồn sinh thái…

Sự giầu có của một hòn đảo giờ không chỉ gắn liền với mảnh đất hình thành nên nó, và dưới thời thực dân, cho phép cường quốc cai trị đảo trở nên giầu có, mà còn đi liền với cả vùng biển bao bọc đảo – hay đúng hơn với cả đáy biển và những gì chúng cất trữ. Vậy trước hết, như thế nào mới được xem là đảo ? Bà Marie Redon, nhà địa chất học trường đại học Paris 13, tác giả tập sách « Vị thế địa chính trị của các đảo » (Nhà xuất bản Le Cavalier Bleu) giải thích trên đài RFI :

« Định nghĩa nghe có vẻ hiển nhiên. Nếu chúng ta bảo một ai đó « vẽ cho tôi một hòn đảo đi », một cách ngẫu nhiên, chúng ta sẽ có một mảnh đất chung quanh bao bọc nước và điều này chỉ dừng ở đó. Như vậy, một mảnh đất xung quanh toàn là nước, đương nhiên rồi, nhưng mảnh đất nào mới được ? Diện tích mảnh đất đó là bao nhiêu ? Liệu đó có là một mỏm đá, một đảo nhỏ ? Hay đó là một mảnh đất không nhô lên khỏi mặt nước khi thủy triều xuống để được xem là một hòn đảo ? Phải chăng nước Anh vẫn luôn là đảo bất chấp đường hầm dưới biển Manche ? Hay như đảo Ré (phía tây nước Pháp) vẫn luôn là một hòn đảo ?

Thật tình, có điều gì đó thoáng nghĩ có vẻ rất rõ ràng trong định nghĩa về đảo, nhưng đồng thời cũng cực kỳ phức tạp khi chúng ta đi sâu hơn trong khái niệm này. Do vậy, định nghĩa đơn giản : Đó là một mảnh đất chung quanh bao bọc nước. Định nghĩa phức tạp hơn, dĩ nhiên chúng ta sẽ đề cập đến trong suốt chương trình này. Điều quan trọng đối với tôi chính là bản thân định nghĩa về đảo cũng đang trở thành một thách thức địa chính trị và kinh tế quan trọng. »

Vùng đặc quyền kinh tế : 200 hay 350 hải lý ?

Thế rồi xuất hiện một ký hiệu rất dễ thương nhưng có một tầm quan trọng lớn: Đó là EEZ – vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (tương đương với 370,4 km) được Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển UNCLOS lần III công bố năm 1982. Điều này có nghĩa là từ đường bờ biển, các quốc gia ven biển được quyền tiến ra khơi xa đến 370,4 km. Việc quốc tế công nhận vùng đặc quyền kinh tế EEZ đã mở đường cho quyết định công nhận các đảo quốc nhỏ đang phát triển như là một nhóm quốc gia đặc biệt trong lòng tổ chức quốc tế này 10 năm sau đó. Nhờ có EEZ mà vai trò những đảo quốc nhỏ này cũng tăng dần cùng với thời gian trên bàn cờ địa chính trị.

Lợi ích kinh tế và chiến lược từ biển cả mang về ngày càng lớn do vậy ngày càng có nhiều quốc gia đòi hỏi mở rộng EEZ. Hiện Tòa Án Công Lý Quốc Tế đang xem xét khả năng mở rộng các vùng đặc quyền kinh tế từ 200 hải lý lên đến 350 hải lý. Nghĩa là các nước duyên hải có thể vươn ra khơi xa đến 600 km tính từ bờ biển. Câu hỏi đặt ra : Vì sao là 200 và 350 hải lý ? Bà Marie Redon giải thích tiếp :

« Vì sao là 200 hải lý và 350 hải lý ? Con số 200 hải lý, độ rộng này không phải được chọn một cách ngẫu nhiên. Con số này từng phù hợp và bây giờ vẫn phù hợp với dòng hải lưu Humboldt, đi dọc theo bờ biển Thái Bình Dương. Đòi hỏi 200 hải lý này là do các quốc gia duyên hải như Pêru, Chilê đưa ra nhằm bảo vệ các vùng ngư trường của họ. Bởi vì khi người ta đề cập đến vùng EEZ này, đây là một thuật ngữ rất quan trọng, những quốc gia đó muốn độc quyền bảo vệ các nguồn tài nguyên như thủy sản và tài nguyên dưới lòng đáy biển.

Còn 350 hải lý tương đương với việc mở rộng ranh giới thềm lục địa. Ở đây chúng ta đang bước vào lĩnh vực thuật ngữ hải dương học. Thềm lục địa chính là việc nối dài về mặt kỹ thuật từ đất liền ra biển cả, và thường thì chính sâu dưới thềm lục địa chúng ta sẽ tìm thấy các nguồn dầu khí. Đây chính là nguyên nhân sâu xa của mọi yêu sách. Bởi vì, những quốc gia nào không có nước láng giềng đối mặt, có thể mở rộng và có một thềm lục địa vượt quá 200 hải lý với nguồn dầu hỏa được tìm thấy hoặc có hy vọng tìm thấy dưới thềm lục địa thì những nước đó sẽ tìm cách đẩy xa hơn nữa giới hạn này. »

Cuộc đua giành đảo : Hoàng Sa, Trường Sa là ví dụ điển hình

Đây chính là trường hợp của nhiều cường quốc lớn hiện nay như Hoa Kỳ, Pháp, vốn dĩ là những quốc gia có EEZ rộng lớn nhất thế giới. Và đó cũng chính là nguyên nhân của mọi xung đột trong tương lai. Tại Bắc Băng Dương, dưới tác động của hiện tượng khí hậu ấm dần, băng tuyết tại đây tan nhanh dẫn đến sự thèm muốn sở hữu những vùng lãnh hải được cho là giầu nguồn tài nguyên chưa được khai thác và có thể sẽ là những con đường hàng hải chiến lược trong tương lai.

Hoa Kỳ, Nga, Canada… bắt đầu khởi động cuộc đua giành quyền kiểm soát nhiều đảo quan trọng. Sự kiện gây chú ý gần đây nhất là ý định mua đảo Groenland bất thành của tổng thống Mỹ Donald Trump do bị Đan Mạch bác bỏ. Vụ việc thoáng nghe có vẻ khôi hài nhưng thật chất đó là cả một ý đồ chiến lược của Mỹ, nhằm bảo vệ sân sau Bắc Cực trước thế mạnh đang lên của Nga và Trung Quốc.

Nếu như các cường quốc xưa và nay rất « chăm chút » cho việc mở rộng ảnh hưởng hàng hải của mình, thì những cường quốc mới trỗi dậy cũng tìm cách chen chân vào cuộc chơi. Trung Quốc, những năm gần đây, một mặt không ngừng mở rộng quan hệ với các đảo quốc nhỏ ở Thái Bình Dương, nhằm triệt tiêu dần nguồn lực ủng hộ của Đài Loan, hòn đảo « cứng đầu, khó trị » luôn tìm cách cưỡng lại mọi ý đồ hợp nhất Đài Loan về với Hoa Lục. Mặt khác, Bắc Kinh liên tục xâm chiếm các bãi đá ngầm ở Hoàng Sa và Trường Sa, rồi tiến hành cải tạo biến chúng thành đảo, lập các tiền đồn quân sự. Hành động này của Trung Quốc ở Biển Đông đã bị các nước có tranh chấp chủ quyền tại những bãi đá ngầm như Việt Nam, Philippines phản đối gay gắt. Năm 2013, chính quyền Manila quyết định kiện Trung Quốc trước Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye về việc nước này đơn phương tuyên bố chủ quyền đường 9 đoạn đối với toàn bộ vùng Biển Đông.

Năm 2016, Tòa án quốc tế La Haye ra phán quyết bất lợi, không công nhận chủ quyền của Bắc Kinh tại những bãi đá ngầm trên. Về điểm này, bà Marie Redon cho rằng chính hồ sơ này cũng cho thấy rõ có những bất cập và một số kẽ hở pháp lý về cách định nghĩa như thế nào là đảo.

« Thời gian gần đây, tôi cho là khoảng những năm 2016 – 2017, một phán quyết của tòa án Công lý Quốc tế đã được đưa ra nêu rõ định nghĩa về đảo khi cho rằng đảo phải là một mảnh đất nổi lên mặt nước khi thủy triều lên và không phải do nhân tạo, mà phải là tự nhiên. Và yếu tố cuối cùng chính là đảo phải có thể thích hợp với điều kiện sinh sống của con người.

Thế nhưng, thuật ngữ « thích hợp với điều kiện sinh sống con người » lại không mấy rõ ràng. Liệu việc « thích hợp cho điều kiện sinh sống con người » này có được là nhờ vào nguồn cung cấp từ bên ngoài hay là tự thân, điều này chưa mấy rõ. Dẫu sao thì các luật gia, các chuyên gia về luật biển cũng đang suy nghĩ về khái niệm này.

Trong trường hợp của Hoàng Sa và Trường Sa, tôi nhớ là vào năm 2014, chúng tôi có xem những bức ảnh chụp làm cho mọi người phì cười bởi vì quý vị sẽ thấy những hòn đảo ở đây đang phình to ra, đúng hơn là những đảo nhỏ, những mỏm đá đang phình to. Bởi vì Trung Quốc hy vọng có thể biến các mỏm đá thành đảo, những bãi đá không nhô lên khỏi mặt nước lúc thủy triều lên và những bãi đá này không hề có quy chế đảo.

Biến bãi đá ngầm thành đảo khi cho xây dựng ở đó các cảng sân bay trực thăng, cảng biển … phán quyết của La Haye đưa ra là « Không ». Đây không phải là những hòn đảo. Đó chỉ là những bãi đá ngầm, do vậy quý vị không được quyền có vùng đặc quyền kinh tế EEZ cùng với các mục tiêu địa chất. Quý vị chỉ có quyền một vùng lãnh hải 6 hải lý nhưng không có quyền vùng EEZ. »

Mỗi một siêu cường một « bảo bối »

Không chỉ tại Biển Đông, tham vọng của Trung Quốc còn mở rộng sang cả vùng Ấn Độ Dương, cạnh tranh với Ấn Độ giành quyền kiểm soát tuyến lưu thông hàng hải thiết yếu qua việc lập các căn cứ quân sự hay xây cảng biển tại các nước đối tác trong khu vực với dự án « chuỗi ngọc » nổi tiếng. Bà Marie Redon tóm lược chính sách chinh phục đảo của Trung Quốc cũng như một số cường quốc như sau.

« Để tóm tắt, về tình hình Biển Đông, tại Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như tại Ấn Độ Dương, nếu nhìn trên bản đồ, người ta nhận thấy là không gian hàng hải ở đây thật sự bị khép kín và căng thẳng gia tăng bởi vì một cuộc đua chiếm hữu không chỉ về mặt lãnh thổ thông qua việc chiếm đảo, mà nhất là cả « đất biển » như vùng EEZ, những gì mang lại cho Trung Quốc quyền khai thác đối với các nguồn tài nguyên biển, dầu hỏa và cả với việc kiểm soát lối đi chiến lược.

Bởi vì, 90% giao thương thế giới đều được thực hiện bằng con đường hàng hải. Đương nhiên, việc có một hòn đảo nằm ngay giữa một eo biển giống như trường hợp nước Pháp tại eo biển Mozambic đối với quần đảo Eparses chẳng hạn, điều đó đồng nghĩa với việc có quyền giám sát những gì đang xảy ra và ai đi qua eo biển này ! »

Tóm lại, trong cuộc đua giành đảo này, Trung Quốc không hề đơn thương độc mã. Mỗi một siêu cường đều nhắm một « bảo bối » riêng. Về việc Trung Quốc chiếm lấy toàn bộ Biển Đông, phương Tây cũng khó mà lên tiếng, nên chỉ đành chấp nhận ở việc kêu gọi « tự do lưu thông hàng hải » mà thôi !

http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200409-cu%E1%BB%99c-%C4%91ua-gi%C3%A0nh-%C4%91%E1%BA%A3o-%C4%91%E1%BB%83-chi%E1%BA%BFm-%C6%B0u-th%E1%BA%BF-h%C3%A0ng-h%E1%BA%A3i