Đọc báo Pháp – 08/11/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 08/11/2018

Bầu cử giữa kỳ Mỹ :

”Sự khích lệ” đối với các nền dân chủ

Thùy Dương

Chủ đề chính của các báo Pháp hôm nay vẫn là kết quả bầu cử giữa kỳ ở Mỹ. Nhiều báo dành trang nhất cho đề tài này.

Theo Le Monde “Trường phái Trump đang bám rễ vào chính trường Mỹ, tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là một con đường trải đầy hoa hồng sẽ chờ đón tổng thống Donald Trump trong hai năm tới. Hạ Viện trong tay đảng Dân Chủ sẽ khiến mọi chuyện phức tạp, rắc rối hơn“.

Le Monde ra sạp từ chiều hôm qua, chạy tít lớn : « Bầu cử giữa kỳ, hai nước Mỹ đối lập. Chiến thắng rõ ràng của phe Dân Chủ ở Hạ Viện, phe cộng Hòa củng cố vị trí ở Thượng Viện ».Tờ báo thiên hữu Le Figaro nhận định : « Trump có thế mạnh cho năm 2020 ». Chính quyền Trump đã vượt qua thử thách bầu cử giữa kỳ. Sự thắng lợi của phe cộng Hòa ở Thượng Viện cho phép ông Trump hy vọng có được nhiệm kỳ tổng thống thứ hai.

Trong khi đó, báo kinh tế Les Echos nhận định : « Trump sẽ phải lãnh đạo với một Quốc Hội bị chia rẽ.» Còn nhật báo thiên tả Libération ca ngợi chiến thắng của các nữ ứng viên phe Dân Chủ : « Đối mặt với Trump : Những người phụ nữ chinh phục chiến thắng ».

Xã luận của báo Le Monde « Sự ăn sâu bám rễ của trường phái Trump » nói về hai bài học rút ra từ kỳ bầu cử giữa kỳ Mỹ : Bài học thứ nhất là nền dân chủ không thể bị hủy diệt. Sự tham gia của 114 triệu cử tri Mỹ không chỉ cho thấy sự tham gia tích cực của người dân trong bối cảnh chính trị Mỹ bị phân cực mạnh mẽ, mà còn là dấu hiệu cho thấy người dân vẫn còn tin tưởng vào nền dân chủ. Bài học thứ hai là sự chia rẽ sâu sắc rất đặc trưng cho xã hội Mỹ vẫn còn dai dẳng.

Tổng thống Trump đã thành công trong việc đưa Tòa tối cao ngả sang cánh hữu, nay với sự củng cố của của phe Cộng Hòa ở Thượng Viện có thể bắt đầu chiến dịch tái tranh cử cho năm 2020. Trường phái Trump đang bám rễ vào chính trường Mỹ, tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là một con đường trải đầy hoa hồng sẽ chờ đón tổng thống Donald Trump trong hai năm tới. Hạ Viện trong tay đảng Dân Chủ sẽ khiến mọi chuyện phức tạp, rắc rối hơn.

Báo cánh tả Libération cũng có cùng quan điểm với Le Monde về điểm trên và nhấn mạnh việc phe Dân Chủ nắm được Hạ Viện là một thất bại của tổng thống Mỹ Donald Trump và ông sẽ gặp nhiều khó khăn trong hai năm tới. Cũng theo Libération, chiến thắng của đảng Dân Chủ lần này là « sự khích lệ trở lại » đối với các nền dân chủ trên toàn thế giới. Trái với điều mọi người thường lo sợ, làn sóng chủ nghĩa dân tộc đang dâng cao khắp nơi trên thế giới có thể không phải là không thể chống đỡ nổi.

Quyền lực của Nhà Trắng trong chính sách đối ngoại

Ở trang Quốc Tế, báo Le Figaro quan tâm đặc biệt đến chính sách đối ngoại của Mỹ sau kỳ bầu cử giữa kỳ. Trong bài viết « Nhà Trắng chế ngự về đối ngoại », Le Figaro nhận định là ở các nền dân chủ phương Tây, các giai đoạn « sống chung » về chính trị luôn là bài trắc nghiệm về khả năng nguyên thủ một quốc gia thỏa hiệp được với phe đối lập.

Trong lịch sử Mỹ gần đây, các kỳ bầu cử giữa kỳ đều khiến chính quyền phải thay đổi phần nào chính sách đối ngoại. Chẳng hạn, hồi năm 2006, chiến thắng của phe Dân Chủ đã khiến tổng thống George Bush thay đổi sách lược ở Irak và tạo thuận lợi để có quan hệ hòa dịu hơn với Iran. Năm 2010, chiến thắng của phe Cộng Hòa lại khiến tổng thống Obama ủng hộ chiến dịch can thiệp quân sự ở Lybia do Pháp và Anh cầm đầu. Bốn năm sau, sự thất bại của phe Dân Chủ lại thúc đẩy Obama chú ý hơn tới thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Năm nay, ngay sau kỳ bầu cử giữa kỳ, phe Dân Chủ hy vọng chiến thắng ở Hạ Viện sẽ giúp họ gây được sức ép với chính quyền Trump trên một số hồ sơ đối ngoại, chẳng hạn cuộc điều tra về sự can dự của Nga vào bầu cử tổng thống Mỹ 2016, chính sách của Washington với Ả Rập Xê Út, hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên, Le Figaro nhấn mạnh là khả năng thành công của phe Dân Chủ trong các hồ sơ trên là rất thấp. Tại Mỹ, tổng thống là người dẫn dắt chính sách ngoại giao, và Thượng Viện cũng có quyền hành hơn Hạ Viện trong những vấn đề này, nhất là về việc phê chuẩn các hiệp ước.

Brazil : Bolsonaro – Sự trả giá do im lặng

Vẫn liên quan tới bầu cử, báo Libération nhìn lại kết quả bầu cử tổng thống Brazil mới đây. Trong bài viết « Bolsonaro hay sự trả giá do im lặng », Libération nhận định chiến thắng của ứng cử viên cực hữu Bolsonaro ở Brazil là dấu hiệu của sự thiếu hiểu biết về quá khứ và sự truyền tải thông tin sai lệch mà chỉ có giáo dục lịch sử thì không đủ để sửa chữa.

Việc đa phần dân chúng Brazil ăn mừng phấn khởi trước chiến thắng của ứng viên cực hữu Bolsonaro cho thấy rõ điều đó. Họ không có suy nghĩ dù là nhỏ nhất về quá khứ 20 năm dưới thời độc tài quân sự ở Brazil. Theo Libération, luật ân xá được thông qua năm 1979 chịu trách nhiệm phần nào về việc này : không kiện cáo, không xét xử về chế độ độc tài quân sự trước đây. Khác với Achentina và Chilê, trong một thời gian dài, Brazil đã chọn con đường im lặng. Giới trẻ ra đời ra cuối thế kỷ XX rất mơ hồ, thậm chí không biết gì về những chế độ đã tàn phá châu Mỹ Latinh trong những năm 60-70.

Sự tuyên truyền của chế độ quân sự đã khiến người ta chỉ còn nhớ đó là một thời kỳ trật tự và ổn định. Thời gian xa cách, những khó khăn hiện tại cùng với sự phóng đại của truyền thông đã khiến nhiều người lý tưởng hóa giai đoạn nói trên. Sự thiếu tính phê bình trong giáo dục về những giai đoạn độc tài mà Brazil đã trải qua trong thế kỷ XX cũng khiến dân chúng « ân xá »cho chế độ độc tài quân sự.

Những thế hệ trẻ sau này may mắn không phải sống dưới thời phát xít hay chế độ độc tài, nhưng điều đó cũng có nghĩa là họ không được « tiêm phòng » để ngừa « một đại dịch mới ».Giáo dục lịch sử giữ vai trò quan trọng nhằm bù đắp sự thiếu hụt về « hệ miễn dịch » của giới trẻ. Tuy nhiên, Libération cũng nhấn mạnh là giáo dục không thể giải quyết hết mọi việc. Quá khứ không bao giờ lặp lại cùng một kiểu. Sách vở cũng không dạy chúng ta điều gì là các chế độ độc tài sẽ ra sao trong một thế giới kỹ thuật số và trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Nhưng trong một thế giới được toàn cầu hóa, kinh nghiệm của người này này sẽ giúp người khác biết định hướng. Thông tin không chỉ giúp giới trẻ biết cách so sánh hay phân tích phê bình, mà còn có thể dạy họ biết cách tự bảo vệ để chống đỡ tốt hơn các thể chế độc tài. Quen nói về mọi thứ trên Internet, các thế hệ sống ở thời đại công nghệ số nên nhanh chóng tìm hiểu thế nào là sự bấp bênh trong một chế độ độc tài.

Pháp : Những gương mặt nghèo đói mới

Trong lĩnh vực xã hội Pháp, báo Công giáo La Croix và báo kinh tế Les Echos quan tâm tới tình trạng đói nghèo nhân dịp tổ chức Cứu Tế Công Giáo (Secours catholique) công bố báo cáo thường niên về đói nghèo. Trong bài viết « Các khuôn mặt nghèo đói ngày càng đa dạng »,báo La Croix cho biết ngoài các gia đình, nhất là các gia đình di dân nước ngoài, Cứu Tế Công Giáo ghi nhận thêm nhiều đối tượng người nghèo mới, nhất là người có tuổi.

Có nhiều lý do đẩy người ta vào cảnh đói nghèo hoặc khó thoát khỏi tình cảnh này : sự tan vỡ trong gia đình, những khó khăn khác thường phát sinh trong cuộc sống, sự cắt giảm tiền trợ cấp xã hội …

Báo cáo của tổ chức Cứu Tế Công Giáo cũng chú ý tới tình trạng nhiều người trên 50 tuổi rơi vào tình trạng bấp bênh. Họ là những người có sự nghiệp không suôn sẻ, và trợ cấp hưu trí rất thấp. Ngoài ra, còn phải kể tới những người ngấp nghé ngưỡng nghèo : thu nhập không đủ thấp để xếp vào diện người nghèo, nhưng cũng không đủ chi tiêu trong cuộc sống, nhất là do chi phí cho nhà ở, chất đốt, giao thông… tăng quá cao.

Báo kinh tế Les Echos ghi nhận : « Đói nghèo lan tỏa khiến tổ chức Cứu Tế Công Giáo lo ngại ».Les Echos quan tâm tới tình trạng ngày càng có nhiều người không thuộc diện nghèo, không được hưởng trợ cấp xã hội cho người nghèo, nhưng phải nhờ tới sự trợ giúp tổ chức Cứu Tế Công Giáo. Những người nước ngoài nói tiếng Pháp không thạo, không có chỗ ở ổn định, những người cha không có con ở cùng và không được hưởng tiền hỗ trợ của Quỹ Trợ Cấp Gia Đình CAF cũng là những người dễ bị ảnh hưởng nhất.

Pháp : người nhập cư

ngày càng có trình độ học vấn cao

Vẫn liên quan đến nước Pháp nhưng về người nhập cư, trong bài viết « Những người nhập cư ngày càng có trình độ cao », báo kinh tế Les Echos trích một nghiên cứu của Viện Thống Kê Pháp INSEE theo đó, một phần ba số người trong độ tuổi lao động nhập cư vào Pháp sau năm 1998 có bằng đại học.

Theo nghiên cứu mà INSEE công bố hôm qua 07/11/2018, năm 2015, trên toàn nước Pháp có hơn 6 triệu người nhập cư, tương đương 9,3% dân số Pháp. Nếu chỉ tính số người trong độ tuổi lao động, tỉ lệ này là 10%. Nhóm dân nhập cư trong độ tuổi lao động tới từ Nam Âu là những người sống ở Pháp lâu nhất (hai phần ba tới Pháp trước năm 1998), tiếp theo là Bắc Phi.

45% số người nước ngoài nhập cư vào Pháp trong độ tuổi lao động là nhằm đoàn tụ với gia đình. Hai lý do chính khác là tìm việc làm (25%) và học hành (16%).

Sự thay đổi lớn trong 15 năm qua là có tới 58% người nhập cư vào Pháp trong độ tuổi lao động là phái nữ. Số phụ nữ tới Pháp để học hành cũng nhiều như nam giới. Nhưng thay đổi lớn nhất là trình độ học vấn và nghề nghiệp. Chỉ có 42% số người nước ngoài trong độ tuổi lao động có trình độ thấp. Trong số những người sang Pháp sau năm 1998, một phần ba đã tốt nghiệp đại học. Trước năm 1998, tỉ lệ này chỉ là 21%.

33% số người nhập cư trong độ tuổi lao động đánh giá công việc đầu tiên họ làm ở Pháp kém hơn so với trình độ, kinh nghiệm và năng lực của họ. 33% số người được hỏi cho biết trình độ, khả năng của họ cao hơn so với yêu cầu công việc hiện tại.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181108-bau-cu-giua-ky-my-%C2%AB-su-khich-le-tro-lai-%C2%BB-doi-voi-cac-nen-dan-chu-tren-the-gioi

 

Tin đọc nhanh

(Reuters) – Trung Quốc : Công nhân bị buộc uống nước tiểu. 

Ba giám đốc một công ty Trung Quốc ở tỉnh Quý Châu bị bắt giam từ 5 đến 10 ngày vì đã buộc các công nhân không hoàn thành nhiệm vụ phải uống nước tiểu hoặc ăn gián sống, theo báo chí Hoa lục hôm nay 08/11/2018. Số khác bị đánh bằng dây nịt, bị cạo đầu, treo lương một tháng.

(AFP) –Xả súng ở California, 12 người chết. 

Một người đàn ông vũ trang tối qua 07/11/2018 đã xả súng vào một quán bar đông khách ở Los Angeles, khi hàng trăm sinh viên đang tổ chức lễ hội. Cảnh sát trưởng cho biết 11 người trong quán và một cảnh binh đã thiệt mạng. Thủ phạm là Ian David Long, cựu thủy quân lục chiến 28 tuổi, đã tự sát.

(Reuters) – Tăng trưởng toàn cầu chậm lại do chiến tranh thương mại Mỹ- Trung. 

Trong báo cáo mới nhất công bố ngày 08/11/2018 cơ quan thẩm định tài chính Mỹ Moody’s chờ đợi chiến tranh mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ không thuyên giảm. Tăng trưởng toàn cầu cho 2 năm tới sẽ bị chựng lại. GDP của thế giới cho thời kỳ 2019-2020 sẽ tăng 3 % thay vì 3,3 % như trong giai đoạn 2017-2018.

(AFP) – Tác giả nhạc phim Love Story qua đời tại thành phố Nice, thọ 86 tuổi. 

Ít người biết Francis Lai là ai, nhưng không mấy ai xa lạ với ca khúc Love Stoty mà ông đã soạn cho bộ phim cùng tên. Chính nhờ tác phẩm này, nhà soạn nhạc Pháp đoạt giải thưởng Oscar năm 1970. Di sản Francis Lai để lại là cả một kho tàng đồ sộ khoảng 600 ca khúc, hơn 100 giai điệu quen thuộc với khán giả 5 châu nhờ những bộ phim. Với giới yêu điện ảnh Pháp, dấu ấn đậm nét nhất của ông là nhạc khúc soạn cho bộ phim Un homme et une femme của đạo diễn Claude Lelouche, ra mắt công chúng năm 1966 và đoạt Cành Cọ Vàng của Liên hoan Cannes cùng năm.

(AFP) – Lại có thêm 21 người Việt bị phát hiện trốn trong xe đông lạnh nhập lậu vào Anh Quốc. 

Một nguồn tin từ bộ Nội Vụ Anh ngày 07/11/2018 cho biết là nhóm người này bao gồm 10 người lớn và 11 trẻ em, đã bị phát hiện trốn bên trong một xe tải đông lạnh đi từ Dieppe (Pháp) qua Anh (Nehaven) hôm 01/11. Hai người trong số này đã bị trục xuất ngay, còn trường hợp số còn lại đang được xem xét. Riêng tài xế chiếc xe tải, một người Rumani, thì đã bị bắt giam, chờ bị xét xử về tội tiếp tay cho hoạt động nhập cảnh trái phép vào Anh.

(Reuters) – Phó tổng thống Mỹ Mike Pence sắp thăm Nhật Bản. 

Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 08/11/2018 xác nhận ông Pence sẽ thăm Nhật Bản trong hai ngày 12-13/11. Hai bên nhân dịp đó sẽ tái khẳng định hợp tác song phương trên vấn đề Triều Tiên và các vấn đề khác. Đối thoại về kinh tế tuy nhiên không có trong chương trình nghị sự. Sau Nhật Bản, phó tổng thống Mỹ sẽ tới Papua New Guinea tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC, dự kiến diễn ra trong hai ngày 17-18/11.

(AFP) – Ngoại trưởng Úc chất vấn Trung Quốc về trại cải tạo Duy Ngô Nhĩ. 

Bà Marise Payne, ngoại trưởng Úc khi gặp gỡ đồng nhiệm Vương Nghị hôm nay 08/11/2018 đã nêu ra vấn đề cả triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam trong các trại cải tạo ở Tân Cương. Bà Payne đến Bắc Kinh trong khuôn khổ Đối thoại về ngoại giao và chiến lược Úc-Trung Quốc lần thứ năm. Tuy Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, Úc đã không ngần ngại cấm hai tập đoàn viễn thông Huawei và ZTE tham gia mạng 5G, và hôm qua đã chặn một tập đoàn Hồng Kông đấu thầu một đường ống dẫn khí đốt.

(AFP) – Một người Hà Lan đòi sửa giấy tờ để trẻ hơn 20 tuổi. 

Một đòi hỏi chưa từng thấy ở tòa án Hà Lan : công dân Emile Ratelband đòi sửa năm sinh 1949 trong hộ chiếu thành 1969, trẻ hơn 20 tuổi với lý do bị kỳ thị về tuổi tác, khó tìm việc làm và ý trung nhân. Ông Ratelband chất vấn, ngày nay người ta có thể đổi giới tính, thậm chí cả tên thì tại sao lại không thể đối với tuổi ? Tòa nhìn nhận yêu cầu của ông là « chính đáng », còn luật sư cho rằng tuy khó có cơ hội thành công nhưng luật pháp cần phải thích ứng với thời đại.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181108-tin-doc-nhanh