Đọc báo Pháp – 08/07/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 08/07/2019

Đến lượt Iran rút khỏi thỏa thuận hạt nhân

Thanh Hà

“Kềm chế Iran”“Con đường chật hẹp để tìm ra đồng thuận về hạt nhân Iran”“Teheran đẩy quả bóng về sân chơi của châu Âu” là một loạt những bài phân tích của báo chí Paris ngày 08/07/2019 sau khi Iran thông báo nâng mức làm giàu chất uranium, vượt quá ngưỡng quy định của thỏa thuận về hạt nhân năm 2015.

Libération nhắc lại ngày 07/07/2019 chính quyền Iran thông báo khởi động lại chương trình làm giàu chất uranium, vượt quá ngưỡng 3,67% như quy định trong hiệp ước mà Teheran đã đạt được với 5 thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và Đức hồi tháng 07/2015 tại thủ đô Vienna, Áo.

Tờ báo giải thích với những độc giả không thạo về hạt nhân rằng chất uranium được làm giàu ở mức 3,67% là để phục vụ các mục tiêu dân sự – y khoa hay nghiên cứu. Còn để chế tạo bom nguyên tử, phải dùng đến uranium được làm giàu ở mức 90%. Cách biệt còn rất lớn giữa hai mức độ nói trên cho thấy, mục đích của Teheran là gia tăng áp lực với châu Âu.

Trong bài : “Teheran đoạn tuyệt với thỏa thuận 2015”, Les Echos lưu ý độc giả, trong thông cáo hôm 07/07, Iran tránh nêu rõ về nồng độ uranium.

Dưới tựa đề : “Iran đòi châu Âu can thiệp”, bài viết của Le Figaro đi sâu hơn vào chi tiết qua nhận định : giới lãnh đạo tại Teheran vẫn để ngỏ cánh cửa, khi nói tới một quyết định vẫn có thể “đảo ngược” nếu Liên Âu cứu vãn được thỏa thuận năm 2015 và những lợi ích của thỏa thuận đó đối với Iran. Dù vậy, tờ báo không mấy lạc quan khi cho rằng, những nỗ lực của châu Âu, “trước mắt không có hiệu quả gì với cả hai phía Washington và Teheran”.

Hy Lạp : Hồi kết thời đại Tsipras

Hồ sơ quốc tế thứ nhì được các tờ báo Paris chú ý là bầu cử Quốc Hội trước thời hạn tại Hy Lạp, đảng cánh tả cấp tiến của thủ tướng Alexis Tsipras thua cuộc. Cánh hữu trở lại cầm quyền.

Trong bài đảng “Syriza thất bại, Hy Lạp sang trang thời đại Tsipras”, Libération nhắc lại tháng Giêng 2015, Syriza được hơn 35% cử tri ủng hộ, bốn năm sau, tất cả chỉ còn là “vị đắng”. Alexis Tsipras được bầu lên với hứa hẹn chấm dứt chuỗi dài những biện pháp khắc khổ, để rồi chỉ sáu tháng sau, ông đã phải đầu hàng trước các nhà tài trợ và đảng Syriza cũng phải ban hành những biện pháp cắt giảm chi tiêu “mạnh tay” hơn bao giờ hết để đối lấy một gói hỗ trợ thứ nhì.

Bốn năm sau nhìn lại, theo Libération, nợ công của Hy Lạp vẫn còn tương đương với 180% GDP, chỉ có các chủ nợ của Hy Lạp thì trở nên giàu có ! Điểm son duy nhất là kể từ tháng 08/2018, Athens không còn lệ thuộc vào hai kế hoạch cứu trợ của bộ ba các nhà tài trợ gồm Liên Hiệp Châu Âu, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế. Dù vậy, Hy Lạp vẫn là mục tiêu để các chủ nợ theo dõi cho đến năm 2060.

Le Figaro nói đến thắng lợi “sáng ngời” của cánh hữu Hy Lạp. Đảng bảo thủ Dân Chủ Mới giành được đa số tuyệt đối tại Quốc Hội, lãnh đạo đảng này là ông Kyriakos Mitsotakis trong những giờ sắp tới sẽ thông báo thành phần chính phủ và sẽ phải nhanh chóng bắt tay vào việc.

Quốc Hội mới sẽ bắt đầu làm việc trong 10 ngày sắp tới. Sau hàng loạt các đợt Athens ban hành các biện pháp cắt giảm chi tiêu và tăng thuế doanh nghiệp, thuế đánh vào tư nhân, một trong những dự luật được công luận Hy Lạp mong đợi nhất liên quan đến việc giảm thuế 20% kể từ tháng Giêng 2020 và luật Giáo dục cho phép mở các trường đại học tư tại Hy Lạp.

Thị trường chung châu Phi

Trang nhất báo La Croix chú ý đến sự kiện khoảng 40 quốc gia tại châu Phi chọn ngày 07/07/2019 khởi động Khu Vực Tự Do Mậu Dịch Châu Phi (ZLEC) và 15 nước trên châu lục này đồng ý hướng tới việc sử dụng một đồng tiền chung, tương tự như châu Âu với đồng euro hiện tại.

Khu Vực Tự Do Mậu Dịch Châu Phi hiện thời bao gồm 44 nước nhưng trong một tương lai không xa sẽ mở rộng đến 55 thành viên, bao gồm 1,2 tỷ dân trên địa cầu. Mục tiêu các bên nhắm tới là giảm 90% các hàng ràng quan thuế giữa các thành viên trong khối này trong ba năm nữa. Nhờ vậy, tổng trao đổi mậu dịch sẽ tăng thêm được 60% từ nay đến năm 2022. La Croix coi đây là một bước tiến quan trọng thể hiện quyết tâm của châu Phi “trông vào sức lực của chính mình để phát triển”.

Dù vậy, theo tác giả bài báo, để thị trường chung rộng lớn nhất thế giới này có thể khai thác hết tiềm năng, các bên phải vượt qua ít nhất hai trở ngại.

Một là mở rộng thêm nữa những các hoạt động thương mại giữa các nước châu Phi. Tổng kim ngạch trao đổi mậu dịch giữa các nền kinh tế trên châu lục này hiện còn giới hạn ở mức 16%. Tỷ lệ khiêm tốn đó là do châu Phi chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu cho các quốc gia công nghiệp phát triển và Trung Quốc. Để so sánh với Liên Âu, giao thương giữa các nước trong Liên Hiệp Châu Âu là 70%.

Trở ngại thứ hai là tình trạng kém phát triển của các hệ thống cơ sở hạ tầng trên Lục Địa Đen. Không thấy tác giả bài báo đào sâu đến một thách thức thư ba là bảo đảm an ninh cho các tuyến đường giao thương trên lục địa rộng lớn này.

Tài chính quốc tế : giai đoạn bình yên trước bão tố ?

Cũng về kinh tế và tài chính, vào lúc tăng trưởng toàn cầu chựng lại, chỉ số chứng khoán vẫn tiếp tục tăng. Le Monde nêu lên câu hỏi liệu đây có là dấu hiệu báo trước giông tố sắp ập về ? Một loạt các vụ vỡ bong bóng sẽ nổ ra trong tương lai không xa ?

Tại Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Quốc, chỉ số đầu tư của các doanh nghiệp bắt đầu chựng lại, giới chuyên gia giảm dự phóng tăng trưởng tại cả ba khu vực này. Vậy tại sao chỉ số chứng khoán từ ở New York đến Luân Đôn hay Thượng Hải vẫn tăng ?

Câu trả lời thứ nhất là giới đầu cơ đánh cuộc rằng Ngân Hàng Trung Ương Mỹ sẽ hạ lãi suất chỉ đạo để tiếp tục khuyến khích tiêu thụ và đầu tư, qua đó giữ được một tỷ lệ tăng trưởng khả quan.

Yếu tố thứ nhì giải thích hiện tượng nói trên là trong lúc lãi suất ngân hàng đang quá thấp, những người có tiền để cho vay đã thi nhau đi tìm những sản phẩm tài chính có tính rủi ro cao, có như vậy mới thu về được nhiều lãi. Ngặt nỗi, những gì đang diễn ra hiện nay gợi lại kịch bản trước khi nổ ra khủng hoảng tín dụng địa ốc và kèm theo đó là khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Hơn một chục năm trước, Washington và Bắc Kinh không đọ sức với nhau về thương mại, bóng đen chiến tranh mậu dịch Mỹ-Trung không đe dọa tăng trưởng toàn cầu. Về mặt địa chính trị, theo Le Monde, thế giới ngày nay có vẻ bất ổn hơn so với thời điểm 2007-2008.

Pháp và nạn phụ nữ bị bạo hành trong gia đình

Trong lĩnh vực xã hội, trang nhất báo Le Monde dành để nói về nạn phụ nữ bị bạo hành trong gia đình. Chỉ riêng tại Pháp, tính từ đầu năm 2019 đã có hơn 70 phụ nữ thiệt mạng vì bị bạn đời đánh đập.

Thứ Bảy vừa qua, một cuộc tập hợp tại Quảng trường Cộng Hòa (Place de la République) nhằm đánh động công luận trước một hiện tượng mà tờ báo gọi là một “cuộc thảm sát” nhắm vào nữ giới.

Các hội đoàn bảo vệ nữ quyền kêu gọi chính phủ coi việc bảo vệ sinh mạng cho những người phụ nữ bị người thân trong gia đình đánh đập là một “ưu tiên ở cấp quốc gia”. Bộ trưởng bộ Bình Đẳng Nam Nữ Marlène Shiappa thông báo mở một cuộc tham khảo ý kiến các tổ chức, hội đoàn về chủ đề này vào ngày 03/09/2019.

Le Monde giải thích : về mặt chống nạn phụ nữ bị bạo hành trong gia đình, Pháp thua xa Tây Ban Nha. Chính phủ tuy đã ban hành một số biện pháp cụ thể như việc cấp cho hơn 800 chiếc điện thoại cầm tay để nạn nhân sử dụng trong trường hợp khẩn cấp nhưng chỉ có khoảng 300 trường hợp được sử dụng khi cần thiết, số còn lại, điện thoại bị bỏ quên trong tủ

Nhược điểm thứ nhì của Pháp trên hồ sơ này là vấn đề tài chính. Theo các hội đoàn, Pháp cần 506 triệu euro để giúp những phụ nữ bị bạo hành trong gia đình thoát khỏi ách của những người đàn ông thô bạo. Nhưng trên thực tế, chính phủ chỉ có thể cho ra 79 triệu euro mà thôi. Số tiền này chỉ bằng hơn 1/3 so với ngân sách của Tây Ban Nha.

Kết thúc mùa bóng đá nữ thế giới

Hình ảnh các tuyển thủ Mỹ rạng ngời với chiếc huy chương vàng trước ngực và chiếc cúp vô địch mở đầu phần trang thể thao của tờ Le Figaro. Tờ báo gọi đội tuyển áo Trắng này là “những bà hoàng trên sân cỏ của làng bóng đá”.

Pháp hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ tổ chức Cúp Bóng đá nữ thế giới. Trong trận chung kết, đội tuyển Mỹ đoạt danh hiệu vô địch, ra về với ngôi sao vàng thứ tư. La Croix tổng kết mùa lễ hội bóng đá nữ với nhận định : “Các đội tuyển nữ đã vượt qua được một ngưỡng lớn, không chỉ về số lượng khán giả và số người theo dõi các trận đấu qua đài truyền hình, mà đặc biệt là về mặt kỹ thuật và sức lôi cuốn của mỗi trận đấu”.

Nhưng điều khiến Liên Đoàn Bóng Đá Pháp hài lòng hơn cả là giải đấu tổ chức trên các sân vận động lần này đã khiến số người ghi danh vào các câu lạc bộ bóng đá nữ trên toàn quốc tăng mạnh. Từ đầu tháng 6 đến nay đã có thêm 3.500 người ghi danh. Liên Đoàn Bóng Đá Pháp dự trù đầu tư 15 triệu euro cho các câu lạc bộ để các các cầu thủ nữ cũng có điều kiện lập luyện và phát huy tài năng tương xứng với các đồng đội nam !

Libération nêu lên hai điểm bất ngờ từ mùa lễ hội bóng đá nữ năm nay : y phục của đội tuyển Mỹ dẫn đầu trong số những mặt hàng được ưa chuộng nhất của Nike và điểm thứ nhì cúp bóng đá tổ chức tại Pháp lần này là một sự kiện thể thao được nhiều nước trên thế giới quan tâm, phá kỷ lục về số khán giả xem trên đài truyền hình không chỉ ở Pháp, mà cả tại Hoa Kỳ và Anh Quốc.

Dưới lăng kính của tờ báo kinh tế Les Echos, Pháp thành công mỹ mãn cả về mặt “hình ảnh”lẫn lợi nhuận kinh tế.

Đội tuyển Pháp dù đã bị phải dừng lại ở vòng tứ kết, nhưng mỗi lần ra quân là các sân vận động chật kín người. Nhìn chung, trong mùa bóng 2019, ban tổ chức bán được 1,16 triệu vé trong số 1,3 triệu. Tất cả các trận đấu của đội tuyển Mỹ đều hết vé từ lâu. Kế tới, những vòng tranh tài của đội Anh và Hà Lan cũng bị “cháy vé” như giới trong ngành thường hay nói. Đây là một thành tích hiếm thấy.

Riêng ngành du lịch, khách sạn của Pháp đã bội thu. 96,7% khách sạn tại thành phố Lyon đã có người thuê mỗi lần đội tuyển Mỹ về đây thi đấu. Riêng thành phố Reims ghi nhận : nhờ có các trận đấu mà số du khách đến tham quan nhà thờ lớn tăng thêm 30%. Còn tại Nice, nơi đã diễn ra sáu trận tranh tài, thị trưởng thành phố thẩm định, trong tháng qua, đã thu vào được khoảng 40 triệu euro nhờ “ép -phê” Cúp bóng đá nữ thế giới.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190708-den-luot-iran-rut-khoi-thoa-thuan-hat-nhan

 

Tin đọc nhanh

(Reuters) – Vợ ông Mạnh Hoành Vĩ kiện Interpol. 

Vợ cựu chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ (Meng Hongwei) hôm 07/07/2019 loan báo kiện Interpol tại Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye. Ông Mạnh mất tích ngày 25/09/2018 khi sang Trung Quốc, và sau đó Bắc Kinh thông báo ông bị điều tra tội tham nhũng. Vợ ông, bà Grace Meng, được phép tị nạn tại Pháp, tố cáo tổ chức cảnh sát quốc tế có trụ sở tại Lyon không hề bảo vệ gia đình bà, và « đồng lõa với hành vi bất hợp pháp » của Trung Quốc. Interpol lấy làm tiếc về « quyết định vi phạm bí mật về thủ tục tố tụng » của bà Mạnh, nói rằng không hề đe dọa bà như trong cáo buộc.

(AP & Reuters) – Tổng thống Hàn Quốc kêu gọi Nhật Bản ngưng hạn chế xuất khẩu nguyên liệu cho công nghệ cao. 

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In hôm 08/07/2019 cho biết đang tìm kiếm giải pháp ngoại giao, kêu gọi Nhật Bản hủy bỏ việc hạn chế xuất khẩu các nguyên liệu công nghệ cao – hành động mà ông Moon cho rằng mang tính chính trị. Trước đó bộ trưởng Thương Mại Hàn Quốc cho biết Seoul có thể kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Các nhà sản xuất chip điện tử hàng đầu thế giới là Samsung Electronics Co và SK Hynix Inc của Hàn Quốc có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề nếu Tokyo giữ nguyên quyết định.

(Reuters) – Xuất khẩu gạo của Cam Bốt sang Liên Hiệp Châu Âu giảm mạnh, còn sang Trung Quốc thì tăng. 

Số liệu trong nửa đầu năm 2019 chính thức công bố hôm 08/07/2019 cho thấy xuất khẩu gạo của Cam Bốt qua Liên Hiệp Châu Âu đã giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm, giảm 32% so với cùng kì năm 2018. Nguyên nhân đến từ việc gạo Cam Bốt bị áp thuế quan. Tuy nhiên, xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng 66% trong cùng thời kì, còn tổng số gạo xuất khẩu tăng 3,7%, trong đó Úc là thị trường mới.

(AFP) – Tổng thống Pháp phê phán các giáo viên đã không nộp điểm bài thi tú tài. 

Phát biểu trên đài phát thanh France-Info ngày 07/07/2019, khi nói về trường hợp những giáo viên đã từ chối nộp điểm bài thi tú tài họ đã chấm, ông Macron xác định : « Không thể bắt con cái chúng ta và các bậc phu huynh làm con tin ». Theo tổng thống Pháp, bộ trưởng Giáo Dục Jean-Michel Blanquer « đã có phản ứng đúng đắn » khi quyết định lấy điểm thi trong năm của học sinh thay thế tạm thời điểm bài thi bị ngăn chận.

(AP)- Anh Quốc mở điều tra về vụ rò rỉ các công điện ngoại giao nói ông Trump « bất tài ».

Phát ngôn viên của thủ tướng Anh Theresa May ngày 08/07/2019 xác nhận là cuộc điều tra hiện chỉ do các công chức phủ thủ tướng thực hiện, chưa nhờ đến cảnh sát. Luân Đôn đã bị lúng túng sau khi báo chí công bố các bức điện trong đó đại sứ Anh tại Washington Kim Darroch đã nêu bật sự « chuệch choạc » và « bất tài » của chính quyền Donald Trump. Phát ngôn viên của thủ tướng Anh khẳng định vụ tiết lộ này không phải là do tác nhân nước ngoài thực hiện.

(AFP) – Malta và Liên Hiệp Châu đạt đồng thuận về phân bổ di dân.

Theo thông báo chính phủ Malta ngày 08/07/2019, tầu nhân đạo cứu di dân Alan Kurdi được tạm thời cập cảng Malta. Tuy nhiên, số 65 thuyền nhân trên tầu ngay lập tức sẽ được chuyển đến nhiều nước châu Âu khác nhau. Trước đó, chính quyền La Valette đã nghiêm cấm chiếc tầu này đi vào vùng lãnh hải của Malta.

(RFI) – Nga chính thức ngưng các chuyến bay đến Gruzia kể từ ngày 08/07/2019.

Quyết định này được đưa ra sau các đợt biểu tình của người dân Gruzia phản đối sự hiện diện của một nghị sĩ Nga ở Quốc Hội trong tháng 6/2019. Theo người biểu tình, Nga đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng, can thiệp vào nội bộ chính trị Gruzia. Hậu quả là 8 hãng hàng không – 6 hãng Nga và hai của Gruzia – bị cấm nối các tuyến bay trực tiếp giữa hai nước. Thiệt hại kinh tế ước tính cho phía Nga lên đến 42 triệu euro.

(AFP) – Chị của thái tử Ả Rập Xê Út ra tòa ở Paris vì một vụ hành hung. 

Công chúa Hassa Bint Salmane, chị của thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed Bin Satmane, bị cáo buộc đã ra lệnh cho vệ sĩ đánh đập một người thợ sửa ống nước, sẽ bị xét xử ngày 09/07/2019 tại tòa án Paris. Tháng 9/2016, một người thợ được gọi đến sửa chữa tại căn hộ của bà ở Paris chụp ảnh căn phòng phải sửa, bị nghi là để bán cho báo chí, đã bị đánh đập, trói tay, buộc hôn chân bà công chúa.

(RFI) – Assad thay thế nhiều lãnh đạo cơ quan an ninh. 

Theo nguồn tin từ phía đối lập, tổng thống Syria Bachar Al Assad được cho là đã thay thế nhiều lãnh đạo thuộc ba trong số bốn cơ quan an ninh Syria, là kết quả của sự tranh giành ảnh hưởng giữa Nga và Iran. Trong số đó có tướng Jamil Al Hassan, phụ trách tình báo Không quân, từng phạm nhiều tội ác và có tên trong danh sách đen của Liên Hiệp Châu Âu.

(AFP) -Bà cụ 118 tuổi được Bolivia tặng « nhà tình nghĩa ». 

Bà Julia Flores Colque, người thọ nhất Bolivia, hôm 07/07/2019, lần đầu tiên có được ngôi nhà riêng trị giá 15.000 đô la do nhà nước tặng, trong chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190708-tin-doc-nhanh