Đọc báo Pháp – 08/04/2020
Thế giới còn phải sống chung với Covid-19 lâu dài
Anh Vũ
Châu Âu vẫn đang chạy đua với thời gian, giành giật sự sống cho hàng vạn con người, chặn đà lây lan của đại dịch virus corona và hơn nữa là tìm cách để thoát khỏi phong tỏa, trở lại với cuộc sống bình thường. Chưa một ai dám khẳng định dịch đã đạt đỉnh, vài ngày qua dường như đại dịch giẫm chân tại chỗ.
Dư luận cũng như chính phủ một số nước đã nghĩ tới chuyện thoát ra khỏi tình trạng phong tỏa, cho dù còn quá sớm. Nhưng thoát khỏi tình trạng này như thế nào là vấn đề lớn. Đây cũng là hồ sơ chính của nhật báo Le Monde với tựa lớn trang nhất : « Những kịch bản phức tạp của gỡ bỏ phong tỏa ».
Theo Le Monde, các chính phủ và chuyên gia y tế đều rất lo sợ, tiếp theo đỉnh dịch này sẽ là một đỉnh dịch khác. Riêng với trường hợp của nước Pháp, việc gỡ bỏ phong tỏa xã hội là một tiến trình không hề đơn giản. Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều mô hình toán học với các tham số dịch tễ đa dạng, để cố gắng phác họa ra những kịch bản thoát khỏi phong tỏa. Rất nhiều vấn đề đã được các nhà nghiên cứu đặt ra : Khi nào thì có thể gỡ bỏ phong tỏa và việc triển khai cần thế nào ? Vấn đề giám sát hậu phong tỏa ra sao ? Dường như các câu trả lời cho đến lúc này đều chưa đủ sức thuyết phục.
Chung sống lâu dài với Covid-19
Như để cảnh báo về một cuộc chiến dài lâu với đại dịch Covid-19, Le Monde có bài xã luận với tiêu đề « Chung sống dài lâu với Covid – 19 ». Tờ báo nhắc lại, cách đây một tháng vào lúc đại dịch tấn công châu Âu, châu Á đã trở thành hình mẫu trong cuộc chiến chống con virus corona. « Bất ngờ bị tấn công dữ dội, người Ý, người Tây Ban Nha rồi đến người Pháp hướng về phía Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc và thậm chí cả Trung Quốc, để tìm kiếm ra các phương cách có thể cứu mình. Một tháng sau, các nước châu Âu có lẽ đã cảm thấy đạt được độ bình ổn như hằng hy vọng. Đồ thị số người nhiễm mới và tử vong có vẻ đi xuống, nhiều người đã nghĩ rằng đà lây lan của căn bệnh đang chững lại. Tuy vậy, chính phủ các nước vẫn thận trọng chưa thể hô to đã chiến thắng dịch ».
Tại sao ? Bởi vì cũng nhìn vào đồ thị của các nước châu Á, họ thấy hiện lên điều đáng lo ngại, đó là các nước này đang gặp phải làn sóng dịch thứ 2.
Ấn tượng nhất là Singapore, đảo quốc 6 triệu dân này ngay từ đầu đã có những bước đi chống dịch rất mạnh mẽ và hiệu quả cho phép kiểm soát được đà lây lan, mà không cần đến biện pháp phong tỏa, cách ly xã hội. Chính phủ cho tầm soát bệnh đại trà, theo dõi sát dấu vết và kiên quyết cách ly người nhiễm virus, hạn chế nghiêm ngặt việc đi lại trong nước cũng như từ ngoài vào. Mặc dù vậy số ca nhiễm tuần qua ở Singapore bỗng tăng đột biến, do lây nhiễm nội địa và từ kiều dân trở về nước. Trước diễn biến không lường trước như vậy, thủ tướng Lý Hiển Long đã phải ra lệnh phong tỏa đất nước từ thứ Ba tuần này. Trường học, cửa hàng không thiết yếu đóng cửa đến 4/5. Rồi Hồng Kông, Trung Quốc cũng đang
lo ngại sự trỗi dậy của các ca lây nhiễm mới. Nhật Bản cũng không cưỡng lại được phải ban hành tình trạng khẩn cấp từ ngày 7/4.
Le Monde đặt câu hỏi : « Bài học nào có thể rút ra từ tiến triển dịch như vậy ? » Theo tờ báo, điều chủ chốt là đại dịch chỉ có thể bị đánh bại một khi chế được vác-xin, sản xuất và phân phối khắp toàn thế giới. Từ nay đến khi đó phải mất từ một năm đến một năm rưỡi nữa, theo đánh giá chung của các nhà chuyên môn. « Đó cũng là khoảng thời gian mà con virus này còn có thể đi đi, về về trên hành tinh này để gây ra những đợt sóng lây nhiễm mới trên các lục địa. Tiến trình gỡ bỏ phong tỏa ở đây đó hay nới lỏng các biện pháp hạn chế chỉ có thể làm dần dần và cũng thường chỉ là tạm thời ».
Le Monde kết luận : « Cần phải học cách chung sống với virus corona. Vẫn luôn biết tiên liệu, chính phủ Singapore hôm thứ Hai vừa mới quyết định ngừng hoạt động nhà ga số 2 sân bay lớn nhất của họ, và cũng là một trong những sân bay hiện đại nhất thế giới, trong vòng 18 tháng, đúng bằng thời gian để có được vác-xin. Vậy là con đường còn dài ».
Hai cuộc chiến với virus corona: Giành giật cuộc sống và duy trì lao động
Tâm lý nôn nóng muốn nhanh chóng thoát ra khỏi tình trạng phong tỏa cũng là dễ hiểu vì bên cạnh các con số tổn thất về nhân mạng, sức khỏe cộng đồng là những thiệt hại về kinh tế của mỗi quốc gia. Hậu quả thấy rõ ngay là nạn thất nghiệp tăng chóng mặt khiến các quốc gia lo ngại.
Đây cũng là đề tài được nhiều báo khai thác sau khi Tổ chức Lao động Thế giới (OIT) hôm qua, 07/04/2020, đưa ra những thống kê báo động về tình trạng lao động, việc làm trên thế giới bị đại dịch tấn công. Le Figaro chạy tựa trang nhất : « Đại dịch làm bùng nổ nạn thất nghiệp trên thế giới ». Trong khi tựa của Les Echos khẳng định « Đại dịch đã gây hệ quả tàn phá việc làm toàn cầu »
Le Figaro cho biết con số thống kê của OIT : Do khủng hoảng y tế, « hơn 4/5 trong số 3,3 tỷ người lao động trên toàn thế giới, tức khoảng 2,7 tỷ người bị tác động bởi tình trạng các nơi làm việc phải đóng cửa từng phần hoặc toàn bộ ».
Tổ chức Lao động Thế giới nhận định : « tác động của dịch Covid-19 đối với công ăn việc làm là rất sâu và có quy mô rộng lớn chưa từng thấy ». Việc một nửa nhân loại trên toàn cầu bị phong tỏa đã gây nên một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có kể từ sau Thế chiến thứ 2 tới nay. Hệ lụy thấy ngay là hàng chục triệu người lao động mất việc làm.
Nếu châu Á là khu vực bị tác động nặng nề nhất bởi khủng hoảng kinh tế thì Hoa Kỳ đang phải trả giá rất đắt với hơn 10 triệu người đăng ký thất nghiệp trong vòng 2 tuần. Nước Pháp và nhiều nước châu Âu khác có hệ thống bảo hiểm thất nghiệp tạm thời khá tốt cũng không khỏi lao đao, vì con số quá lớn người phải nghỉ làm. Theo tờ báo, đó là số liệu thống kê trên còn chưa tính đến những nhân lực làm việc trong các ngành nghề kinh tế được gọi là không chính thức. Con số này chiếm tới 90% lực lượng lao động ở các nước châu Phi, Ấn Độ, tất nhiên họ là những người không được hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội gì.
Song song với cuộc chiến y tế chống đại dịch virus corona, bảo vệ sức khoẻ của người dân, thế giới đang phải lao vào cuộc chiến kinh tế còn cam go không kém là duy trì hoạt động sản xuất, giữ công ăn việc làm cho người lao động. Trước tình trạng bi đát như vậy, và có thể còn kéo dài, Tổ chức Lao động Thế giới không thể làm được gì hơn là đưa ra những cảnh báo và kêu gọi « phối hợp hành động quốc tế » để cứu giúp những người có hoàn cảnh thiệt thòi nhất, trắng tay khi không có việc làm.
Nông nghiệp cả châu Âu tê liệt, mùa màng có nguy cơ mất trắng
Khi dịch virus corona bùng phát trên toàn cầu, một phần thế giới bị phong tỏa, người ta hay nhắc đến những lĩnh vực phải gánh chịu hậu quả đầu tiên như du lịch, nhà hàng, khách sạn thương mại hàng không… giờ đây nông nghiệp, lĩnh vực nuôi sống thế giới đang bị đe doạ, đặc biệt tại châu Âu.
Trở lại với Le Monde, tờ báo ghi nhận « Nông nghiệp châu Âu bị tê liệt ». Việc đóng cửa biên giới vì cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có đang khiến các nhà sản xuất nông nghiệp ở khắp châu Âu khó kiếm được lao động thời vụ như mọi khi, chủ yếu là những lao động từ Đông Âu sang. Trong lúc các sản phẩm nông nghiệp đang vào vụ thu hoạch. Mỗi năm vào thời điểm thu hoạch rau hoa quả này, các cánh đồng ở Tây Âu vẫn đón nhận hàng trăm nghìn lao động thời vụ từ Đông Âu. Giờ đây phong tỏa để ngăn dịch đã làm cho các vụ mùa từ khắp các nước châu Âu có thể bị phá hỏng vì thiếu lao động.
Le Monde nêu ví dụ như Tây Ban Nha, quốc gia sản xuất hoa quả hàng đầu châu Âu, thì giờ đây hầu như tất cả các cánh đồng ở nước này không có người thu hoạch. Tờ báo cho hay không chỉ ở Tây Ban Nha mà khắp châu Âu, Pháp, ý, Bỉ, rồi Hà Lan, Đức sang tới Ba Lan… đâu đâu cũng lên tiếng báo động về tình trạng nông nghiệp bị tê liệt vì khan hiếm nhân lực. Các nước đang cố gắng, trong điều kiện cho phép, để tìm ra những giải pháp tình thế, tạm thời giải cứu ngành nông nghiệp sản xuất ra lương thực, thực phẩm thiết yếu với cuộc sống hàng ngày.
Người phát phì nguy cơ nhiễm virus corona cao
Vẫn liên quan đến bệnh dịch Covid-19, theo Le Monde, những người béo phì dễ bị nhiễm virus. Tại Pháp cũng như ở nhiều nước châu Âu, người ta đã quan sát thấy những người ở thể trạng béo phì dường như dễ bị nhiễm bệnh hơn. Theo Mạng lưới Nghiên cứu châu Âu về hô hấp nhân tạo (REVA), 83% bệnh nhân phải hồi sức tích cực là những người thừa cân hoặc béo phì. Số liệu nói trên được đưa ra dựa trên thông tin liên quan đến khoảng 2000 bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại 195 khoa hồi sức, chủ yếu là tại Pháp.
Rõ ràng là những đối tượng quá cân hoặc mắc chứng béo phì chiếm tỷ lệ rất cao trong số các bệnh nhân Covid-19 nhập khoa hồi sức tăng cường. Tại Anh cũng có khoảng 35% bệnh nhân hồi sức tích cực là những người béo phì. Mà những người quá cân thường kèm có các chứng bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường…. Những yếu tố bệnh lý gây khó khăn cho điều trị bệnh nhân Covid-19.
Các chuyên gia y học ở nhiều nước châu Âu đang rất chú ý đến nghiên cứu mới này để có các biện pháp đề phòng cho những đối tượng chiếm tới 15% số người cao tuổi ở Pháp.
Tin tổng hợp
(AFP) – Hàng không mẫu hạm Pháp cũng bị nhiễm Covid-19 ?
Bộ trưởng Quân Lực Pháp ngày 08/04/2020 cho biết khoảng 40 thủy thủ trên chiếc Charles de Gaulle có những « triệu chứng tương hợp » với bệnh do virus corona. Số binh sĩ này hiện đang được « giám sát y tế tăng cường ». Thông cáo của bộ Quốc Phòng nêu rõ « một nhóm bác sĩ cùng với các thiết bị xét nghiệm sẽ được gởi đến hàng không mẫu hạm nhằm tìm hiểu các ca bệnh và ngăn chận đà lây lan ».
(AFP) – Đức tăng cường công cụ pháp lý bảo vệ « các doanh nghiệp chiến lược ».
Dự luật mới được thông qua ngày 08/04/2020 cho phép chính phủ Đức đình chỉ các hoạt động chuyển nhượng trong khi chờ đợi quyết định của nhà nước nhằm ngăn chận mọi chuyển giao công nghệ trong những lĩnh vực được cho là nhạy cảm như viễn thông, rô-bốt học, trí thông minh nhân tạo hay công nghệ sinh học. Đạo luật thông qua trong bối cảnh gần đây tổng thống Mỹ Donald Trump tìm cách sở hữu một dự án chế tạo vác-xin chống virus corona, do một cơ sở nghiên cứu của Đức thực hiện.
(AFP) – « Đối thoại chiến lược » về tương lai của lính Mỹ tại Irak.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 07/04/2020 cho biết cuộc họp, dự trù diễn ra trong trung tuần tháng Sáu năm nay giữa Washington và Bagdad, sẽ quyết định về tương lai các đội quân Mỹ ở Irak. Quan hệ giữa hai nước đồng minh thời gian gần đây trở nên tồi tệ, nhất là kể từ sau vụ Mỹ cho hạ sát tướng Iran, Qassem Soleimani, hồi đầu tháng Giêng năm 2020.
(AFP) – LHQ lên án « mạnh mẽ » các vụ oanh kích một bệnh viện ở Tripoli.
Trong một thông cáo công bố ngày 07/04/2020, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng « các vụ tấn công liên tiếp nhắm vào các bệnh viện, các nhân viên y tế và các cơ sở y khoa, nhất là trong thời điểm khó khăn phải đối phó với dịch bệnh Covid-19 có thể xem như là tội ác chiến tranh ». Lời chỉ trích gay gắt này của ông Guterres được đưa ra, sau hai ngày liên tiếp vừa qua nhiều vụ oanh kích nhắm vào bệnh viện Al Khadra ở Tripoli.
(AFP) – Trung Quốc soán ngôi Hoa Kỳ về nộp bằng sáng chế.
Năm 2019, Trung Quốc là nước có nhiều đơn xin công nhận bằng sáng chế nhất thế giới. Theo một cơ quan của Liên Hiệp Quốc đóng tại Thụy Sỹ, với con số 58.990 đơn xin, cường quốc châu Á này đã đặt dấu chấm hết cho thời trị vì của nước Mỹ (57.840), luôn chiếm đầu bảng hàng năm kể từ khi Hiệp ước Hợp tác về bằng sáng chế được thành lập năm 1978. Theo sau hai siêu cường này là Nhật Bản, Đức và Hàn Quốc.
(AFP) – Chủ tịch Hội Đồng Nghiên Cứu Châu Âu từ nhiệm.
Trong thư từ nhiệm được công bố ngày 07/04/2020 trên tờ Financial Times, giáo sư Mauro Ferrari – chủ tịch European Research Council/ERC – giải thích rằng ông « đã mất niềm tin vào hệ thống » và cảm thấy thất vọng về cách châu Âu đối phó với dịch bệnh. Tuy nhiên, ông Mauro Ferrari, « một nhà nghiên cứu và doanh nghiệp có uy tín », nắm quyền lãnh đạo cơ quan chuyên trách điều phối các chương trình nghiên cứu khoa học từ ba tháng nay, cũng bị chỉ trích đã dành nhiều thời gian ở Mỹ hơn là ở Bruxelles.
http://www.rfi.fr/vi/t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p/20200408-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 8/4:
Trung Quốc ‘điều tra’
tỷ phú chỉ trích chính quyền về COVID-19
Lục Du
Sáng nay, thứ Tư (8/4), Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả bản tin thế giới nổi bật đêm qua:
Trung Quốc xuất hiện ổ dịch mới trong cộng đồng gốc Phi
Thành phố Quảng Châu, Trung Quốc, đã xuất hiện một ổ dịch Covid-19 mới trong cộng đồng những người gốc Phi sau khi 5 người gốc Nigeria cho kết quả dương tính với virus Vũ Hán. Một cuộc điều tra đang được thực hiện để khoan vùng ổ dịch này, theo bản tin hôm thứ Ba của SCMP.
Các ca bệnh COVID-19 mới đều liên quan tới một nhà hàng ở đường Kuangquan, quận Yuexiu, thành phố Quảng Châu. Các nhà chức trách cho biết 10 bệnh nhân nCoV ở thành phố thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, bao gồm 5 người Nigeria, đều từng đến nhà hàng này.
Cho tới nay Quảng Châu đã xác nhận 463 trường hợp nhiễm virus Vũ Hán, trong đó có 111 người nhiễm bệnh ở nước ngoài về và 16 bệnh nhân gốc phi.
Đức: Cụ bà 101 tuổi trốn ra ngoài, vi phạm lệnh phong tỏa
Một cụ bà 101 tuổi người Đức, hôm thứ Ba, đã vi phạm lệnh phong tỏa của chính phủ khi trốn khỏi nhà để tới thăm con gái vào ngày sinh nhật của mình, Fox News cho biết thông tin từ giới chức Cộng hòa Liên bang Đức.
Người phụ nữ đã trốn ra ngoài theo lối thoát khẩn cấp ở ngôi nhà của bà, thuộc thành phố Brunswick, cách khoảng 140 dặm về phía tây của Berlin, AFP đưa tin.
Người phụ nữ hơn 100 tuổi đã gọi cảnh sát sau khi bị lạc đường trong khi tìm kiếm nhà con gái của mình ở vùng ngoại ô. Bà cụ nói với các sĩ quan cảnh sát rằng bà sống với con gái, tuy nhiên cảnh sát không tin như vậy.
Sau đó, cảnh sát đã đưa bà cụ tới gặp con gái của mình. Hai mẹ con bà nói chuyện qua cửa kính xe tuần tra của cảnh sát trước khi bà được đưa trở về nhà.
Trung Quốc “điều tra” tỷ phú chỉ trích chính quyền về COVID-19
Fox News đưa tin, ủy ban kỷ luật của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang “điều tra” ông Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang), một tỷ phú người Hoa bị bắt giữ từ ngày 12/3 sau khi thẳng thắn phê bình chính quyền yếu kém trong cách phòng chống dịch viêm phổi Vũ Hán.
Theo thông báo của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương ĐCSTQ, ông Nhậm bị điều tra vì “vi phạm nghiêm trọng pháp luật và các quy định” của ĐCSTQ. Ông Nhậm là một đảng viên nhưng có những chỉ trích nhắm thẳng vào Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Tập Cận Bình, gọi ông Tập là “thằng hề”.
Ông Gordon Chang, chuyên gia về vấn đề đối ngoại nói với Fox News: “Tôi nghĩ số phận của Nhậm sẽ được quyết định bởi một cuộc đấu đã dữ dội trong nhóm đảng viên quyền lực nhất của Đảng Cộng sản [Trung Quốc]”.
Ông cho biết: “Nếu Tập Cận Bình thắng thế, chúng ta sẽ không nhìn thấy Nhậm trong một thời gian dài. Còn nếu đối thủ của Tập thắng, Nhậm sẽ là người hùng tiếp theo của Trung Quốc”.
Mặt trăng thể hiện trạng thái bất thường vào đêm qua
Mặt trăng bỗng nhiên nở lớn và phát sáng hơn bình thường vào đêm thứ Ba, trong bối cảnh thế giới đang phải vật lộn với đại dịch viêm phổi Vũ Hán, theo Reuters.
Không cho rằng đây là một điềm gở, một nhà quan sát ở Bắc Kinh, Trung Quốc, nói hiện tượng này lại là một điềm lành: “Hiện tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc đang trở nên ngày càng tốt hơn. Mặt trăng này mang tới một điều gì đó tốt đẹp. Tôi hạnh phúc khi nhìn thấy nó”.
Trung Quốc trong những ngày gần đây báo tuyên bố số lượng sụt giảm về người nhiễm và chết vì virus Vũ Hán, mặc dù đã xuất hiện một số ổ dịch mới. Tuy nhiên, giới quan sát quốc tế bày tỏ nghi ngờ tính trung thực của dữ liệu thống kê từ Trung Quốc và cho rằng con số thực tế là cao hơn công bố rất nhiều lần.
Thủ tướng Anh có tinh thần tốt trong khi điều trị COVID-19
Thủ tướng Anh Boris Johnson vẫn đang được chăm sóc trong phòng đặc biệt vì nhiễm COVID-19, nhưng tình trạng tinh thần của ông rất tốt, theo thông tin từ phát ngôn viên của ông mà AFP trích dẫn.
Trước đó, người phát ngôn của ông Johnson nói rằng thủ tướng đang được “điều trị oxy theo tiêu chuẩn mà không cần bất kỳ sự trợ giúp nào khác”, không phải dùng tới máy thở.
Bệnh tình của vị thủ tướng 55 tuổi của Vương quốc Anh bắt đầu chuyển biến theo chiều hướng xấu từ đêm Chủ nhật khi ông bị ho và sốt ở nhiệt độ cao, mặc dù đã trải qua 10 ngày điều trị vì nhiễm virus Vũ Hán.
Điểm tin thế giới chiều 8/4:
Thủ tướng Anh đã hạ sốt;
Cháy công trường tái thiết cung điện Hoàng gia Đức
Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Tư (8/4) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Thủ tướng Anh đã hạ sốt
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã bước sang ngày thứ 3 trong phòng chăm sóc tích cực tại bệnh viện St Thomas, London do nhiễm Covid-19. Tờ Times đưa tin, tình trạng sốt cao liên tục của Thủ tướng đã giảm.
Daily Telegraph cho biết một bác sĩ phổi hàng đầu của Anh đang chăm sóc ông. Báo chí Anh kêu gọi người dân cầu nguyện cho ông Johnson. “Thủ tướng làm việc vì mọi người, bây giờ hãy cầu nguyện cho ông ngay tại nhà”, trang nhất tờ Sun có ghi.
Theo AFP, Ngoại trưởng Dominic Raab, người được chỉ định thay thế trong tình huống Thủ tướng Anh không thể điều hành đất nước, gọi ông Johnson là “một chiến binh” và dự đoán “ông sẽ sớm trở lại, dẫn dắt chúng ta vượt qua cuộc khủng hoảng này”.
Cháy công trường tái thiết cung điện Hoàng gia Đức
Reuters đưa tin, Sở cứu hỏa Berlin cho biết vụ cháy xảy ra hôm nay tại công trường tái thiết cung điện Hoàng gia ở trung tâm thủ đô Berlin, khiến ít nhất 1 người bị thương.
Trong một bài đăng trên Twitter, sở cứu hỏa Berlin cho biết khói đen bốc ra từ vật liệu xây dựng và hai nồi nhựa đường tại công trường xây dựng cung điện Phổ trên đại lộ lịch sử Unter den Linden ở Berlin, khiến phần mái bị cháy. Khoảng 80 lính cứu hỏa được triển khai tới hiện trường.
Cảnh sát Berlin cho biết trên Twitter rằng không có dấu hiệu cho thấy có người cố ý gây ra vụ hỏa hoạn, nhưng sẽ điều tra nguyên nhân sau khi đám cháy được dập tắt.
60% người trên du thuyền ngoài khơi Uruguay nhiễm Covid-19
Tờ The Guardian 8/4 đưa tin, 128 người trong số 217 du khách và thủy thủ trên du thuyền Greg Mortimer nhiễm Covid-19 khi con tàu đang mắc kẹt ngoài khơi Uruguay.
Công ty điều hành du thuyền Aurora Expeditions có trụ sở ở Úc, hôm 7/4 cho biết, trong số 132 hành khách và 85 thủy thủ trên tàu du lịch Greg Mortimer, 128 người đã dương tính với nCov. Hầu hết hành khách trên du thuyền là công dân Úc, ngoài ra còn có công dân New Zealand, Mỹ, Anh.
Karina Rando, một trong 21 bác sĩ người Uruguay được phái lên du thuyền, cho biết, nhiều người mắc bệnh nhưng không có triệu chứng. Ngoài ra, có nhiều bệnh nhân trên 70 tuổi và mắc bệnh mãn tính.
Greg Mortimer khởi hành hôm 15/3 từ cảng Ushuaia của Argentina, dự kiến thực hiện hành trình 16 ngày đến Nam Cực và đảo Nam Georgia. Tuy nhiên, sau khi khởi hành, một số người có triệu chứng nhiễm nCoV, khiến du thuyền phải chuyển hướng đến thủ đô Montevideo của Uruguay. Du thuyền neo ngoài khơi bờ biển Uruguay từ 27/3, nhưng giới chức Uruguay từ chối cho du thuyền cập cảng, cũng như cho phép hành khách và thủy thủ đoàn rời tàu vì lo ngại dịch Covid-19.
Seoul đóng quán ba, hộp đêm, vũ trường
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin, Thị trưởng Seoul Park Won-Soon hôm nay công bố lệnh đóng cửa 422 địa điểm quán bar, hộp đêm, vũ trường đến 19/4, nhằm ngăn dịch Covid-19 lây lan.
Thông báo được thị trưởng Park đưa ra một ngày sau khi hai nữ nhân viên một quán bar ở phía Nam Seoul dương tính với nCoV.
Ông Park cho biết thêm giới chức thành phố đang theo dõi chặt chẽ và xét nghiệm 118 nhân viên của quán bar và những người đã tiếp xúc với hai nhân viên nhiễm Covid-19. 18 người đã cho kết quả xét nghiệm âm tính.
Thành phố Seoul trước đó đã cho đóng cửa hoặc đình chỉ hoạt động hơn 1.700 đơn vị kinh doanh theo khuyến nghị chống Covid-19 của chính quyền.
Tổng thống Iran thúc giục IMF cho vay 5 tỷ USD
Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm nay thúc giục Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho vay 5 tỷ USD để chống dịch Covid-19.
“Tôi yêu cầu các tổ chức quốc tế thực hiện nghĩa vụ của mình… Chúng tôi là thành viên của IMF”, ông Rouhani phát biểu trong cuộc họp nội các ngày 8/4. “Không nên có sự phân biệt đối xử trong việc cho vay”, Tổng thống Iran tuyên bố, thêm rằng sự phân biệt đối xử như vậy là không thể chấp nhận được.
Tháng trước, Giám đốc Ngân hàng Trung ương Iran Abdolnasser Hemmati đã gửi thư cho IMF, đề nghị vay 5 tỷ USD. Một quan chức IMF cho biết đang đàm phán với chính quyền Iran về đề xuất hỗ trợ, nhằm tìm hiểu rõ hơn về nhu cầu của nước này.