Đọc báo Pháp – 08/01/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 08/01/2020

Trung Đông : Bộ tham mưu Liên quân Quốc tế

di tản về Koweit

Tú Anh

Căng thẳng với Teheran buộc Lực lượng Mỹ ở Trung Đông phải tái phối trí đề phòng tình hình vượt tầm kiểm soát. Vụ viên tướng cột trụ của Iran bị Mỹ hạ sát chắc chắn sẽ đưa đến một số hậu quả địa-chính trị khó tránh được. Báo chí Pháp rất bi quan cho tương lai khu vực.

Rút quân hay không rút ?

Les Echos chỉ trích thái độ « mù mờ » của Mỹ làm Liên quân Quốc tế chống Daech ở Irak hoang mang. Trái lại, Le Figaro cho là bộ tư lệnh liên quân bỏ thủ đô Irak để tái phối trí tại Koweit.

Theo nhật báo thiên hữu, sự kiện sứ quán Mỹ ở Bagdad bị hàng ngàn dân quân Shia thân Iran tấn công ngày 31/12/2019 là nguyên nhân làm cho Mỹ tính chuyện di tản. Tiếp theo là vụ oanh kích giết tướng Qassem Soleimani, chiến lược gia của Iran và Abu Mahdi al Mohandes, thủ lĩnh dân quân Irak khiến Washington khẩn cấp rút bỏ Irak kéo về hậu cứ ở Koweit.

Trong khi Washington cố gắng biện minh bức thư « báo tin rút quân » của tướng William H.Seely, tư lệnh lực lượng Mỹ tại Irak, gửi tướng Irak Abdul Amir, phụ tá hành quân hỗn hợp, là « dự thảo » thì từ ba hôm trước, chiến dịch di tản đã được thực hiện mỗi đêm. Ban ngày sinh hoạt trong khu vực xanh, nơi đặt Tổng hành dinh, vẫn bình thường.

Một nguồn tin ngoại giao Châu Âu xác nhận là quyết định tái phối trí liên quan đến quân đội Mỹ và các nước khác trong liên minh. Môi trường an ninh tại Bagdad xuống cấp và các nhóm võ trang Irak liên tục đe dọa. Lãnh đạo phe Shia Irak, Moqtada al Sadr, một thời gian ủng hộ phong trào phản kháng chống chế độ tham nhũng, nay quay sang chống Mỹ, kích hoạt mạng lưới dân quân « Mahdi » và đe dọa Mỹ coi chừng gặp một Việt Nam thứ hai.

Nhiều nhóm bán quân sự, đã được gia nhập vào lực lượng an ninh Irak, bị nghi ngờ là đóng vai trò nòng cốt đàn áp phong trào chống tham nhũng và sự can thiệp của Iran. Từ tháng 10 đến nay, xảy ra hàng trăm vụ bắt cóc, ám sát mà không rõ thủ phạm. Trong những tháng gần đây, khu vực xanh an toàn ở thủ đô Irak bị pháo kích hàng chục rốc-kết.

Câu hỏi đặt ra là trong số 5.200 quân Mỹ, bao nhiêu người sẽ tiếp tục ở lại thủ đô Irak ?

Deach sẽ hồi sinh ?

Nếu Mỹ bị phân tâm, phân lực, tương lai Trung Đông ra sao ? Phe Hồi giáo Shia tại Irak và tàn quân Daech khai thác như thế nào ? La Croix mời hai chuyên gia phân tích.

Tuy suy yếu, nhóm đầu não bị tiêu diệt, nhưng Daech có cơ may hồi sinh. Theo chuyên gia người Kurdistan Adel Bakawan, không phải chỉ có Mỹ phân tâm, mà không một ai ở Irak chiến đấu chống Daech. Đặc biệt là người Kurdistan vì họ thất vọng, bị phản bội. Người Kurdistan ở Irak đòi hỏi phải có một thỏa thuận chính trị trước đã. Họ không muốn đổ xương máu bảo vệ lãnh thổ để rồi sau đó trao cho phe Shia kiểm soát.

Nhà phân tích Elie Tenenbaum, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Ngoại giao Pháp, cũng bi quan : Mỹ có thể rút đi bất cứ lúc nào vì những chính trị gia Shia từ chối ký một hiệp định quốc phòng hỗ tương Mỹ-Irak. Hoa Kỳ rút quân là dấu hiệu phe thân Iran nắm toàn quyền. Lúc đó, Daech, thuộc hệ phái Sunni, sẽ khai thác mâu thuẫn giữa hai hệ phái, lôi kéo một bộ phận dân Irak ủng hộ và sẽ hồi sinh.

Theo Le Monde, tình hình trong thời gian tới sẽ rất gian nan cho liên minh quốc tế và Israel. Cho dù tướng Qassem Solaimani đã chết nhưng từ 2007, Iran đã huấn luyện, trang bị, tổ chức cho nhiều nhóm võ trang mà Hezbollah chỉ là một. Được bố trí ở Syria, các toán này nhận được nhiều loại vũ khí nặng. Vụ tấn công gây thiệt hại nặng cho hai trung tâm dầu hỏa của Ả Rập Xê Út hồi tháng 9/2019, theo Washington, là do những nhóm võ trang Shia Irak thực hiện. Từ mùa hè 2019, Israel liên tục oanh kích các cơ sở của dân quân Shia tại Syria để ngăn chặn Iran chuyển giao vũ khí nặng cho các nhóm này.

Toàn khối Ả Rập sẽ được dân chủ

Libération chú ý đến tương lai của toàn khối Ả Rập. Nhà phân tích chính trị Azmi Bishasa người Palestine, tin rằng phong trào phản kháng hiện nay ở Liban và Irak sẽ lan rộng như Mùa Xuân Ả Rập 2011 và toàn khu vực sẽ được dân chủ hóa, không trừ một nước nào.

Tìm cách leo thang xung khắc với Mỹ, Iran muốn chuyển hướng công luận Irak, từ chống can thiệp của phe Shia vào Irak thành cuộc chiến chống Mỹ. Thật ra, phong trào công dân Irak bắt nguồn từ lòng khao khát tự do, không muốn Irak bị Mỹ, Iran thống trị. Họ cũng dứt khoát muốn dẹp bỏ giới lãnh đạo chính trị thuộc hai hệ phái Hồi Giáo chia chác quyền lực, bất chấp dân chúng thất nghiệp, tương lai bế tắc.

Phong trào phản kháng đã bám sâu trong xã hội, từ Irak, Iran cho đến Liban, Ai Cập. Tẩy chay chế độ giáo quyền (Iran) hay chế độ dựa trên tôn giáo chính trị (Liban) là mẫu số chung của phong trào dân sự nổi dậy. Vấn đề của các chế độ kiểu này là bất lực, bất tài, giỏi chia chác phú quý hơn là phục vụ dân chúng.

Theo Azmi Bishasa, chắc chắn là phong trào dân chủ sẽ lan rộng và chiến thắng tại thế giới Hồi Giáo. Một khi mọi người đồng ý với nhau về nhu cầu dân chủ hóa thì lúc đó sẽ cùng nhau chọn người đứng đầu. Nói cách khác, tiến trình dân chủ hóa sẽ theo hai bước : quyết định đất nước phải được điều hành như thế nào trước khi chọn người lãnh đạo.

Hồng Kông là luồng sinh khí

cho phong trào dân chủ tại Đài Loan

Mô hình « nhất quốc lưỡng trị » của Bắc Kinh bị dân Đài Loan tẩy chay. Tổng thống Thái Anh Văn lên điểm tín nhiệm.

Ngày 11/01/2020, đảng Dân Tiến sẽ thắng. Đó là dự báo của giới phân tích. Françoise Mengin, chuyên gia Pháp chia sẻ nhận định này. Theo nhà phân tích Pháp, những sự kiện đang diễn ra tại Hồng Kông từ 7 tháng nay làm cho người dân Đài Loan ngán ngẩm mô hình « một quốc gia hai chế độ » của Bắc Kinh mà chủ tịch Tập Cận Bình cố gắng « khuyến mãi » với Đài Loan.

Bắc Kinh khai thác được mối chia rẽ giữa Quốc Dân đảng – chủ trương Hoa lục với Đài Loan là một – và Dân Tiến đảng – xem hải đảo là một đất nước riêng biệt – để can thiệp vào nội tình Đài Loan. Tuy nhiên, chính sách can thiệp này được dự báo sẽ gây phản ứng ngược vào ngày 11/01 trong cuộc bầu cử tổng thống và Nghị Viện Đài Loan. Bắc Kinh bị thất bại từ Hồng Kông : Phong trào dân chủ tại đặc khu càng ủng hộ chế độ dân chủ Đài Loan thì cử tri Đài Loan càng hăng hái bác bỏ công thức thống nhất với Hoa lục

TOI-700d : một địa cầu mới vừa được NASA phát hiện.

Theo NASA, thái dương hệ « một mặt trời, ba hành tinh » nằm cách Trái đất chúng ta 100 năm ánh sáng.

Rất có thể, trên hành tinh thứ ba TOI-700d có nước. Nhưng khác với Trái đất, hành tinh này, vì khá gần mặt trời, nên bị sức hút của định tinh « khóa lại » không tự quay chung quanh mình như quả địa cầu của chúng ta. Hậu quả, là phân nửa TOI-700d bị khô cằn, phân nửa còn lại là băng giá.

Tuy gọi là « gần » Trái đất nhưng cũng « đủ xa » (100 năm ánh sáng) để người địa cầu có thể hy vọng phát hiện được bầu khí quyển của TOI-700d.

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200108-trung-dong-bo-tham-muu-lien-quan-quoc-te-di-tan-ve-koweit

 

Tin tổng hợp

(AFP) – Tám lao động Việt bị chết cháy tại Nga. 

Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga hôm 07/01/2020 thông báo có tám người Việt Nam đã thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn lán trại dành cho người lao động nhập cư ở ngoại ô Matxcơva. Vụ cháy diễn ra vào sáng sớm 07/01 tại một nông trại nhà kính ở quận Ramenski, ở đông nam Matxcơva. Khi dập được lửa, người ta tìm thấy xác của tám nạn nhân, một người khác đã được nhập viện, tất cả đều không có đăng ký làm việc. Theo các dữ liệu sơ khởi, nguyên nhân hỏa hoạn là do chập điện. Ban đầu báo chí Nga cho rằng các nạn nhân là người Tadjikistan. Năm 2018, có 14.700 người Việt Nam được cấp giấy phép lao động tại Nga.

(AFP) – Ngày đình công thứ 35 tại Pháp : Giao thông, cung ứng xăng dầu rối loạn. 

Cuộc đình công chống cải cách chế độ hưu trí tại Pháp đến hôm 08/01/2020 là ngày thứ 35 liên tiếp, trước khi diễn ra cuộc biểu tình lớn lần thứ tư vào ngày 09/01. Tất cả các cơ sở lọc dầu đều bị phong tỏa, tuy nhiên việc bán lẻ ở các trạm xăng hiện vẫn bình thường. Giao thông công cộng tiếp tục rối loạn : 14/16 tuyến métro chỉ hoạt động tối thiểu, kẹt xe kéo dài 350 km. Chính phủ cố gắng tìm ra lối thoát vào cuối tuần này, nhất là với các nghiệp đoàn tỏ ra hợp tác. Công ty đường sắt quốc gia SNCF ước tính đã bị thiệt hại trên 700 triệu euro. Bộ trưởng Kinh Tế Bruno Le Maire cho biết sẽ giảm thuế « tùy theo trường hợp » cho các nhà buôn bị ảnh hưởng vì đình công hơn một tháng qua.

(AFP) – Một thiếu niên nhập cư lậu chết khi bám càng máy bay đến Paris. 

Xác một nam thiếu niên khoảng 12 tuổi hôm 08/01/2020 đã được tìm thấy tại càng bánh xe một chiếc phi cơ Air France sau khi hạ cánh xuống phi trường Roissy – Charles de Gaulle. Chiếc máy bay này đến từ Abidjan (Bờ biển Ngà). Trong những năm gần đây, nhiều người nhập cư lậu chủ yếu từ châu Phi trốn trong thiết bị hạ cánh của máy bay đã bị chết vì lạnh hay bị cán qua người. Ở độ cao 9.000 đến 10.000 mét, nhiệt độ xuống đến -50°C.

(AFP) -Venezuela : Guaido tuyên thệ chủ tịch Quốc Hội tuy bị cản trở bằng vũ lực. 

Nhà đối lập Juan Guaido hôm 07/01/2020 rốt cuộc đã vào được bên trong tòa nhà Quốc Hội Venezuela và tuyên thệ chức chủ tịch. Ông Guaido đã vượt qua hàng rào lực lượng an ninh, vào đến bên trong, giành được chiếc ghế chủ tịch Quốc Hội bị đối thủ Luis Parra chiếm giữ. Các nhà ngoại giao châu Âu và Nhật Bản đến tham dự buổi tuyên thệ đã bị các « colectivo » (dân quân tay chân của chế độ Maduro) tấn công, một số người bị hành hung.

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200108-tin-tong-hop