Đọc báo Pháp – 08/01/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 08/01/2018

.Trước “lãnh đạo độc tài” Trung Quốc,

tổng thống Pháp có tiếp tục “nói thẳng”?

Trọng Thành

Chuyến công du Trung Quốc của tổng thống Pháp là chủ đề chính của báo Pháp hôm nay. « Thổ Nhĩ Kỳ rồi Trung Quốc, ngoại giao năng động của tổng thống Pháp », tựa trang nhất Le Monde, Libération có hồ sơ chính « Ba ngày Trung Quốc của Macron ». Trang đầu Les Echos nói đến « Thách thức với Macron ở Bắc Kinh ». Truyền thông theo dõi sát chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của lãnh đạo một cường quốc châu Âu, kể từ khi ông Tập Cận Bình tái đắc cử.

Xã luận Le Monde đặt câu hỏi, trước « nhà độc tài hùng mạnh nhất », nguyên thủ Pháp còn giữ được phong cách « nói thẳng » như ông từng thành công khi đối diện với tổng thống Nga ?

Bài « “Phong cách nói thẳng, nói thật” của Macron trước thử thách độc tài » ghi nhận « việc số lượng các lãnh đạo độc tài trên thế giới gia tăng đang ngày càng trở thành một vấn đề gai góc đối với các quốc gia dân chủ ». Chọn thái độ nào cho đúng ?

« Đóng băng quan hệ » đối với những kẻ độc tài nào « thực sự » không thể chấp nhận được, hay miễn cưỡng tổ chức các cuộc « gặp kín đáo » để dàn xếp một số vấn đề, bên lề hội nghị quốc tế lớn, hoặc theo đuổi một phương châm chính trị thực dụng (« realpolitik »), « chấp nhận một cuộc đối thoại không vẻ vang gì », nhưng đổi lại là các hợp đồng kinh tế lớn, để cân bằng thâm hụt thương mại.

Vị tổng thống trẻ tuổi của nước Pháp, kể từ khi nắm quyền hơn nửa năm nay, đã chọn lựa một hành xử hoàn toàn khác, mà Le Monde gọi là « phương pháp Macron ». Cụ thể là tổ chức các cuộc gặp trọng thể với các lãnh đạo độc tài, nhưng sử dụng chính các cơ hội họp báo chung, để lên tiếng trước cộng đồng quốc tế.

Đối với tổng thống Nga Putin, cuộc họp báo tại lâu đài Versailles cuối tháng 5/2017 rõ ràng là « một bài học ». Trước báo giới, tổng thống Pháp vừa nhậm chức được ít tuần đã trực diện chỉ trích các phương tiện truyền thông Nga chỉ là những « cơ quan tuyên truyền và gây ảnh hưởng ». Tổng thống Nga Putin đã « lắng nghe một cách nhẫn nại ».

Đọc thêm : Macron và Putin nắn gân nhau tại lâu đài Versailles

Trong cuộc gặp mới đây với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, nguyên thủ Pháp cũng giữ cùng cách xử sự, khi lên án các đàn áp của ông Erdogan chống lại nhân quyền, đồng thời chuyển cho lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ danh sách những người bị giam cầm vì thực thi quyền tự do ngôn luận. Tổng thống Pháp khẳng định : tự do ngôn luận là điều « không thể nhân nhượng ».

 

Le Monde nhận xét, không phải lúc nào « phương pháp Macron » cũng được thực thi nhất quán, cụ thể là những « trường hợp ngoại lệ », như Ai Cập, quốc gia hiện giam giữ khoảng 60.000 tù nhân chính trị. Với tổng thống Ai Cập, nguyên thủ Pháp đã từ chối « đưa ra các bài học ngoài bối cảnh ». Bối cảnh cụ thể trong trường hợp này là « cuộc chiến chung chống khủng bố ».

Xã luận Le Monde khép lại với nhận định : « Tại Bắc Kinh, tổng thống Pháp sẽ có nhiều dịp để trắc nghiệm » phong cách của ông, trong một loạt vấn đề, « từ đòi hỏi phải có đi có lại trong mở cửa thị trường, đến lĩnh vực nhân quyền, và việc bảo vệ các lợi ích chiến lược của châu Âu ».

« Cân bằng » lại quan hệ với Trung Quốc

Về chuyến công du của tổng thống Pháp, Les Echos có hồ sơ Macron tìm kiếm một quan hệ « cân bằng hơn » với Bắc Kinh. Les Echos đặc biệt lưu ý đến tình trạng nhập siêu 30 tỉ euro trong cán cân thương mại Pháp – Trung. Báo Libération thì điểm mặt « Bốn vấn đề hóc búa trong quan hệ Pháp – Trung ».

Cụ thể là trong chuyến đi này tổng thống Pháp sẽ phải tìm kiếm sự hợp tác « cụ thể và dài hạn » với Bắc Kinh trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, mà Trung Quốc vốn là thủ phạm gây ô nhiễm nhất, nhưng đồng thời cũng là quốc gia đầu tư hàng đầu vào các loại hình năng lượng tái tạo. Paris cũng cần tìm kiếm « một quan hệ đối tác chiến lược toàn diện », để hợp tác trong các hồ sơ an ninh quốc tế lớn như hạt nhân Bắc Triều Tiên, chống tài trợ khủng bố, cũng như cuộc chiến chống khủng bố tại châu Phi.

Hai hồ sơ hóc búa khác liên quan không chỉ với nước Pháp và mà cả châu Âu. Đó vấn đề có đi có lại trong mở cửa thị trường, và dự án Con Đường Tơ Lụa Mới, một sáng kiến của Bắc Kinh, hiện đang chủ yếu được triển khai vì « các lợi ích của Trung Quốc ». Cụ thể như là tình trạng Trung Quốc đang lấn sân tại Hy Lạp, với việc thâu tóm nhiều doanh nghiệp chiến lược.

Bắc Kinh nỗ lực để Macron thăm Trung Quốc đầu tiên

Theo Libération, chuyến công du của tổng thống Pháp có ý nghĩa rất quan trọng với Trung Quốc. Bài « Đối với ông Tập Cận Bình, tổng thống Pháp là một đồng minh, một chỗ dựa ổn định » cho hay « chính quyền Trung Quốc đã rất nỗ lực để tổng thống Macron sớm thăm Trung Quốc, và điều quan trọng nhất là tổng thống Pháp chọn Trung Quốc là điểm đến đầu tiên tại châu Á ».

Cho dù không tổ chức dạ yến xa hoa tại Tử Cấm Thành, như khi đón tổng thống Mỹ, Bắc Kinh đã làm mọi thứ để vừa lòng nguyên thủ Pháp. Cụ thể là cuốn sách của Emmanuel Macron nhan đề « Cách mạng », cương lĩnh chính trị của ông và phong trào Tiến Bước, đã được dịch sang tiếng Trung, và ra mắt đúng vào thứ Hai 08/01, ngày đầu tiên của chuyến công du.

Tại Trung Quốc, tổng thống Pháp cùng phu nhân để lại « một hình ảnh rất đẹp », theo ông Đổng Cường (Dong Qiang) dịch giả cuốn sách nói trên, và cũng là một chuyên gia về văn học Pháp.

Trung Quốc rất cần đến « Mã Khắc Long » (hay Ngựa chế Rồng) – tên chữ Hán của tổng thống Pháp – cũng là nhận định của Le Figaro. Trong thế cạnh tranh với Hoa Kỳ tại bàn cờ châu Á, Bắc Kinh đang thi hành một chiến dịch ngoại giao « quyến rũ » để nhận được sự ủng hộ của Pháp.

« Không gian địa chính trị bỏ trống » : Đất dụng võ của Pháp

Về chủ đề này, cũng Les Echos có một tiếp cận đáng chú ý khác. Bài xã luận « Macron và ‘‘giấc mơ’’ Trung Hoa » cho rằng khía cạnh kinh tế không phải là vấn đề chiến lược chủ chốt trong quan hệ Pháp – Trung. Bởi xét về tỉ trọng kinh tế song phương, Pháp chỉ là « một chàng lùn », với 1,5% thị phần tại thị trường Trung Quốc, ngang mức với Anh và Ý, nhưng thua Đức. Les Echos không kỳ vọng chuyến đi này của tổng thống Pháp sẽ đóng góp quyết định vào việc lập lại cân bằng thương mại.

Tuy nhiên, Paris sẽ có đất dụng võ trong một lĩnh vực khác. Đó là « không gian địa chính trị bị bỏ trống », do chính sách của nước Mỹ thời Donald Trump. Đức – cường quốc châu Âu hàng đầu – cũng rất ít có khả năng vươn lên thành một thế lực chính trị tầm cỡ thế giới. Sau khi Anh rời khởi Liên Âu, Pháp là nước Liên Âu duy nhất có mặt trong Hội Đồng Bảo An. Bởi vậy tiếng nói của Paris sẽ tiếp tục được lắng nghe, vấn đề tùy thuộc vào sự quyết đoán của tổng thống Pháp.

Đọc thêm : Trung Quốc hung hăng tại Biển Đông vì “nắm thóp” được Mỹ

Cụ thể là, đối diện với Trung Quốc, trong cục diện chính trị quốc tế hiện nay, tổng thống Pháp phải làm gì ? Le Monde giới thiệu bài phân tích của chuyên gia chính trị quốc tế Valérie Niquet « Pháp và Trung Quốc không chỉ có các lợi ích chung ».

Theo chuyên gia Pháp, tổng thống Macron không được để bị rơi vào chiếc bẫy của Bắc Kinh, trở thành một công cụ phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc. Cụ thể là cùng với Trung Quốc cổ vũ cho một thế giới « đa phương », chống lại Hoa Kỳ, mà trên thực tế, chủ trương « đa phương hóa » hay « dân

chủ hóa các quan hệ quốc tế » của Trung Quốc trước hết là nhằm mở rộng không gian hành động của Bắc Kinh, nhằm khẳng định như « lãnh đạo duy nhất của châu Á ».

Chuyên gia địa chính trị Pháp nhấn mạnh là khả năng duy trì quan hệ « cân bằng giữa các thế lực trong khu vực » mới chính là thước đo để đánh giá « chính sách châu Á » của nước Pháp.

Iran : Cuộc chiến nội bộ tiếp tục

Về điểm nóng chính trị Iran, báo La Croix có bài : « Phong trào phản kháng chấm dứt, nhưng cuộc chiến quyền lực tiếp diễn ». Ngày 07/01, Quốc Hội Iran có cuộc họp kín để bàn về các cuộc tuần hành chống chính quyền trong những ngày cuối năm 2017, đầu 2018. Bộ trưởng Nội Vụ, lãnh đạo cơ quan tình báo, lãnh đạo Hội Đồng An Ninh Quốc Gia giải trình về vấn đề nguyên nhân phản kháng và các phản ứng của chính quyền.

Vấn đề kiểm duyệt mạng Telegram, mạng xã hội lớn nhất Iran, được nêu ra. Quốc Hội Iran không đồng ý với việc duy trì kiểm duyệt, nhưng cũng yêu cầu mạng xã hội phải có cam kết không để được sử dụng như « một công cụ của kẻ thù ». Hiện tại, khoảng 25 triệu người dân Iran – trên tổng số 80 triệu dân – sử dụng mạng Telegram gần như hàng ngày.

Bầu cử tổng thống Nga : Ứng cử viên đăng ký kỷ lục

Về nước Nga, theo Le Figaro, việc đăng ký ứng cử viên tranh cử tổng thống chấm dứt hôm Chủ Nhật 07/01. Theo chính quyền Nga, tổng cộng ít nhất 64 người đăng ký, và đây là con số kỷ lục. Tuy nhiên trên thực tế, không có bất cứ ai trong số họ có khả năng đối đầu với tổng thống Nga Vladimir Putin, độc quyền lãnh đạo nước Nga từ gần 20 năm nay.

Trong bối cảnh chiến thắng nằm chắc trong tay, chính quyền Putin nới lỏng điều kiện đăng ký ứng cử viên, giảm từ 2 triệu người ủng hộ, xuống còn 300.000. Nữ phóng viên đối lập Ksenia Sobtchal, được coi là một nhân vật có thể thu hút các cử tri vốn ủng hộ lãnh đạo đối lập Alexei Navalny, bị điện Kremli loại khỏi cuộc đua. Hiện bà Sobtchal còn thiếu khoảng 100.000 chữ ký.

Theo Le Figaro, chính quyền Nga theo dõi sát cuộc vận động chữ ký cho nữ phóng viên ứng cử tổng thống đối lập.

Lê-nin : Kẻ sáng lập chủ nghĩa toàn trị

Vẫn về nước Nga, nhưng liên quan đến lịch sử, mục « Thảo luận » của Le Figaro giới thiệu một cuốn tiểu sử mới về Lê-nin, của nhà sử học Stéphan Courtois, chuyên gia về chủ nghĩa cộng sản Nga.

Trong bài viết mang tựa đề : « Lê-nin, người sáng tạo thực sự chủ nghĩa toàn trị », nhà báo Jacques Julliard ca ngợi cuốn sách mới về Lê-nin, nhưng cũng chỉ ra là tiểu sử về Lê-nin nói trên chưa nhấn mạnh đủ về « vị trí của nỗi thù hận » trong tâm lý của những người cộng sản.

Hoa Kỳ : « Tuần lễ điên rồ »

Nhìn sang Hoa Kỳ, Le Monde có bài « Nhà Trắng trong tình thế bị vây hãm », sau khi ra mắt cuốn « Ngọn lửa và cơn thịnh nộ », vừa ra mắt phơi bày những mặt trái của chính quyền Trump. Tác phẩm của nhà báo Michael Wolff cho thấy một tổng thống không có khả năng đảm nhiệm chức vụ, một phủ tổng thống gần như trong cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn.

Tuần lễ vừa qua tại Hoa Kỳ, được Le Monde đánh giá là « điên rồ ». Tổng thống Trump ngay trong tuần lễ đầu tiên đã có một loạt các quyết định gây sốc : cắt viện trợ nhân đạo cho Palestine, tuyên bố ngưng viện trợ cho Pakistan, đồng minh trụ cột của Nam Á, hay khoe với thế giới là có « nút bấm » hạt nhân to hơn của Kim Jong Un.

Mỹ : Quyết định cấp phép khoan dầu ồ ạt

Về mặt đối nội, tổng thống Trump tuyên bố cấp phép trở lại cho nhiều hoạt động khoan dầu ngoài khơi nước Mỹ, tại các khu vực vốn bị cấm trước đây, ở ven bờ California, tiểu bang miền tây Washington, tiểu bang miền đông Virginia, trong đó nhiều diện tích nằm trong các khu bảo tồn. Với việc cấp phép ồ ạt này, Washington hy vọng sẽ đưa Mỹ trở thành quốc gia xuất khẩu năng lượng, từ nay đến năm 2026.

Theo Les Echos, quyết định nói trên của tổng thống Mỹ đe dọa những hệ quả tồi tệ về môi trường.

San hô : Hiện tượng tẩy trắng tăng gấp 10 lần

Vẫn trong lĩnh vực môi trường, Le Monde có bài « Sự sống còn của san hô bị đe dọa khắp nơi », theo một nghiên cứu của đại học Úc James-Cook vừa được tạp chí Science công bố hôm 05/01.

San hô được mệnh danh là lá phổi của đại dương, là sinh mệnh của biển khơi. Dù chỉ chiếm diện tích 0,2% mặt biển, nhưng là nơi ẩn náu của 30% sinh vật biển. Lợi ích của san hô với hệ sinh thái, bảo vệ bờ biển chống sụt lở, nguồn thực phẩm cho cá, nguồn lợi du lịch… ước tính 24 đến 310 tỉ euro hàng năm.

Dưới tác động của việc khí hậu bị hâm nóng, hiện tượng « tẩy trắng », hay nói cách khác nguy cơ đe dọa diệt vong của loài sinh vật quý giá này, tăng gấp 10 lần, trong bốn thập niên trở lại đây.

Nguyên nhân trực tiếp là do nồng độ oxy suy giảm mạnh tại các vùng biển xa, và nhất là những vùng ven bờ, đặc biệt do khí hậu bị hâm nóng, và các chất xả thải. Theo nghiên cứu nói trên, chỉ cần nhiệt độ tăng lên từ 0,5° đến 1°C, loài « tảo vàng » (zoosanthelle) cộng sinh, và là nguồn thức ăn chính của san hô (95%), sẽ bị đẩy khỏi cơ thể san hô. San hô kiệt sức, màu trắng chết chóc xuất hiện

http://m.vi.rfi.fr/chau-a/20180108-truoc-“lanh-daódoc-tai”-trung-quoc-tong-thong-phap-co-tiep-tuc-“noíthang

 

Tin đọc nhanh

(AFP) – Cựu thủ tướng Malaysia 92 tuổi “tái xuất giang hồ”. Với hy vọng đánh bại đương kim thủ tướng Najib Razak, mang tiếng tham ô và độc đoán, Chủ Nhật 07/01/2018, bốn tổ chức đối lập Malaysia chọn một đối thủ cũ là cựu thủ tướng Mahathir Mohamad ra tranh cử quốc hội vào tháng 8. Ông Mahathir là thủ tướng Malaysia suốt 22 năm, cho đến khi về hưu vào năm 2003. Trong bối cảnh chính trường Malaysia bế tắc, với một chính quyền tham nhũng bám trụ và một nhà lãnh đạo đối lập có uy tín Anwar Ibrahim, bị cầm tù với cáo buộc dàn dựng “quan hệ tình dục đồng phái”, các đảng đối lập kỳ vọng vào cựu thủ tướng 92 tuổi.

(AFP) – Đức : Thủ tướng Angela Merkel “tự tin”. 100 ngày sau bầu cử Quốc Hội, nước Đức vẫn chưa có chính phủ mới. Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo và đảng Dân Chủ Xã Hội đối lập bắt đầu tiếp xúc thăm dò khả năng thành lập chính phủ liên hiệp kể từ ngày 07/01/2018. Thủ tướng Angela Merkel tuyên bố « tin tưởng đưa nước Đức ra khỏi khủng hoảng chính trị ». Trong khi đó thì mặt trận xã hội nóng lên với lệnh đình công do công đoàn luyện kim IG Metal, kêu gọi tranh đấu giảm giờ làm việc. Theo kịch bản “trơn tru”, ngày 08/01, đình công đã tác động đến hoạt động của các hãng xe hơi Đức.
(AFP) – Pháp : 100.000 người xin tị nạn trong năm 2017. Theo tổng kết của OFPRA, Cơ Quan Pháp Bảo Vệ Người Tị Nạn Và Vô Tổ Quốc, trong năm 2017, hơn 100.000 người nộp đơn xin tị nạn tại Pháp. Đây là con số kỷ lục trong bối cảnh chính phủ chuẩn bị dự luật di trú mới gây tranh cãi. Tỷ lệ người xin tị nạn tăng 6% trong năm 2016 và tăng 17% trong năm qua nhưng chỉ có 36% được chấp thuận. Thống kê đầu tiên của OFPRA năm 1981 ghi nhận 20.000 lá đơn.

(AFP) – Tòa án Cam Bốt bác kháng án của một công dân Úc. Nữ y tá Tammy Davis-Charles vẫn phải thụ đủ 18 tháng tù cho đến mùa hè 2018, theo như tuyên bố của Tòa án Cam Bốt ngày 08/01/2018. Công dân người Úc, tuổi tứ tuần này bị cáo buộc tuyển dụng và giả mạo giấy tờ cho một đường dây chuyên tìm phụ nữ mang thai hộ. Trong phiên xử sơ thẩm, người này luôn phủ nhận vai trò tổ chức, khẳng định chỉ thực hành đúng chức năng là chăm sóc phụ nữ mang thai và phủ nhận đã tuyển dụng phụ nữ Cam Bốt.

(AFP) – Thời gian “ngừng đọng” tại phố cổ Praha. Chiếc đồng hồ thiên văn cổ thứ ba và cổ nhất thế giới tại phố cổ Praha có từ thế kỷ XV là một trong những điểm tham quan nổi tiếng của Cộng Hòa Séc. Nhưng theo thông báo của Tòa đô chính thành phố Praha ngày 08/01/2018, chiếc đồng hồ phải tạm ngưng hoạt động trong vòng 6 tháng để tu sửa “nhằm bảo tồn di sản cho các thế hệ tương lai”.
(Reuters) – Trung Quốc vẫn kiểm soát được trạm vũ trụ Thiên Cung 1. Một kỹ sư cao cấp trong ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc ngày 08/01/2018 đã khẳng định rằng trạm vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc không hề bị mất kiểm soát, và không hề tạo ra nguy cơ nào cho con người. Lời khẳng định được đưa ra nhằm phản bác thông tin theo đó trạm Thiên Cung 1 đang lao về phía Trái Đất. Sở dĩ các thông tin này rộ lên, đó là vì trên nguyên tắc, trạm này phải dừng hoạt động vào năm 2013, nhưng trong thời gian qua Bắc Kinh đã liên tiếp kéo dài “nhiệm vụ” của trạm, và không xác định được chính xác thời điểm trạm này rơi xuống Trái Đất.

http://m.vi.rfi.fr/quoc-te/20180108-tin-doc-nhanh