Đọc báo Pháp – 07/11/2018
Chiến tranh thương mại:
Châu Á, người mất kẻ được
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang khiến các nước láng giềng của người khổng lồ châu Á bị vạ lây, nhưng cũng có nước có thể hưởng lợi. Trang kinh tế báo Le Monde có bài : « Châu Á lo ngại trả giá cho cuộc chiến tranh thương mại Mỹ -Trung».
Trong lúc mà cuộc quyết đấu giữa Washington và Bắc Kinh dường như không sớm thuyên giảm, các nước châu Á đang phải tính toán tác động đến nền kinh tế của Mình . « Cho đến giờ, gia tăng căng thẳng nhìn chung vẫn chưa động tới toàn vùng, một khu vực kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào xuất khẩu và lệ thuộc vào Trung Quốc. Nhưng gió có thể đang đổi chiều », bài viết nhận định.
Le Monde ghi nhận : Cuối tháng 10, một loạt chỉ số quản lý thu mua (PMI) được công bố cho thấy hoạt động sản xuất gia công ở các nơi như Đài Loan, Malaysia, Thái Lan đang hụt hơi. Tại Hàn Quốc niềm tin của các doanh nghiệp cũng rơi xuống mức thấp nhất từ hai năm nay. Cũng như đa số các nước trong vùng, với Seoul, Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu và hấp thụ 1/4 hàng xuất khẩu của Hàn Quốc.
Từ nhiều tháng qua, Washington và Bắc Kinh ăn miếng trả miếng nhau bằng các đòn trừng phạt thuế quan trên lượng hàng hoá trị giá hàng trăm tỉ đô la. Nhưng có điều là các mặt hàng vẫn gọi là made in China lại chứa đựng rất nhiều chi tiết được nhập từ các nước láng giềng. Xuất khẩu Trung Quốc sang Hoa Kỳ bị sụt giảm thì các nhà cung ứng châu Á sẽ không tránh khỏi bị hệ lụy.
Trong số các nơi dễ bị tổn thương nhất có Đài Loan, một nửa lượng xuất khẩu của hòn đảo này là sang Trung Quốc. Trong khi đó thủ tướng Malaysia, Mahathir Mohamad thừa nhận cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã gây thiệt hại nhiều cho nước ông. Quý III vừa qua kinh tế Trung Quốc tăng trưởng yếu nhất từ năm 2009. Khi tăng trưởng chững lại có thể nhu cầu của Trung Quốc một loạt sản phẩm và dịch vụ sẽ bị cắt như kim loại đồng ở Lào, linh kiện điện tử ở Việt Nam rồi đến du lịch tới Cam Bốt hay Thái Lan, những điểm đến ưa thích của du khách Trung Quốc.
Ngân hàngThế giới ước tính, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm 1 điểm sẽ kéo theo cả vùng châu Á còn lại giảm 0,5 điểm.
Tuy nhiên một số nước có thể hy vọng hưởng lợi từ bối cảnh này. Nhất là nếu các nhà công nghiệp quyết định quy hoạch lại địa điểm của một phần sản xuất của họ để né thuế Mỹ đánh vào hàng Trung Quốc.
Bài viết nhận định : « Đã có một cơ sở công nghiệp vững chắc, giá thành sản xuất vẫn còn hấp dẫn và một loạt các thỏa thuận tự do mậu dịch đã ký, châu Á vẫn còn những ưu thế ».
Le Monde cho biết thêm : Công ty tư vấn Economist Intelligence Unit trong một cuộc điều tra hôm 1/11 nêu tên Việt Nam và Malaysia là những nước có tiềm năng được hưởng lợi từ hiệu ứng lách thuế. Các tập đoàn điện tử thế giới như Dell của Mỹ, Panasonic của Nhật hay Samsung của Hàn Quốc đã cắm chân ở những nơi đó có thể dễ dàng triển khai sản xuất.
Những nước có thu nhập thấp cũng có lá bài để chơi trong lĩnh vực có ít lời lãi, từ lâu vẫn do Trung Quốc thống trị. Thí dụ như Bangladesh đã trở thành nhà xuất khẩu quần áo may sẵn thứ nhì thế giới. Nhưng dù gì thì các công ty đa quốc gia cũng cần có thời gian để phác thảo lại chiến lược sản xuất của mình. Vì thế trước mắt những tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại vẫn còn. Lợi nhuận không thể có được trước 2020.
Nhật mở cửa cho lao động nhập cư
Một chủ đề khác liên quan đến châu Á. Nhật báo Les Echos trở lại với việc tuần qua chính phủ Nhật thông báo về dự luật mở cửa cho người lao động nước ngoài đến Nhật làm việc có thời hạn.
Bài viết có tiêu đề « Nhật Bản hé mở biên giới cho người nhập cư ». Bài báo ghi nhận tình trạng thiếu lao động đang ngày càng trầm trọng ở Nhật. Hiện trong các nhà máy, trang trại, nhà dưỡng lão đang thiếu hàng triệu người làm. Trong khi đó tỉ lệ thất nghiệp ở Nhật giảm xuống tới 2,3% trong tháng 9. « Chưa bao giờ, từ năm 1974, thị trường lao động của nước này lại căng thẳng như bây giờ », Les Echos nhận định. Thực tế này đã khiến thủ tướng Shinzo Abe đã phải lên tiếng báo động trước khi cho thông qua dự luật lao động nhập cư rằng : « tình trạng thiếu nhân công đó bắt đầu kìm hãm tăng trưởng kinh tế của đất nước ». Dự luật của chính phủ chỉ nhằm mục đích đưa thêm nhân lực nước ngoài vào đất nước 127 triệu dân này.
Les Echos cho biết thêm về người nhập cư ở Nhật Bản. Trên thực tế Tokyo đã cấp visa đón hàng chục nghìn sinh viên từ các nước có nền kinh tế mới trỗi dậy. Bài báo cho hay, các sinh viên này đến Nhật chỉ theo vài giờ trên lớp, còn lại họ thường đi làm tới 28 giờ mỗi tuần với mức lương tối thiểu, trong các cửa hiệu, hàng ăn. Nhật cũng cấp visa cho thực tập sinh kỹ thuật cho giới trẻ của nhiều nước đang phát triển ở châu Á. Về mặt chính thức họ đến để tích lũy kinh nghiệm chuyên môn ở Nhật. Nhưng thực tế là họ đi làm, trong các điều kiện khó khăn, trên các cánh đồng, nhà máy, tàu đánh bắt cá. Đó là những nơi đang thiếu trầm trọng lao động.
Một cuộc cách mạng chính sách di dân
Với dự luật mới, sẽ được trình Quốc Hội thông qua tháng tới, chính phủ Nhật muốn quy chuẩn hóa việc đón tiếp lao động nhập cư. Đó phải là những người có chuyên môn nghề nghiệp cụ thể, biết giao tiếp bằng tiếng Nhật,có thể tự lập trong cuộc sống, không được mang theo gia đình. Một đối tượng khác của dự luật là các chuyên gia tay nghề cao. Họ được phép mang theo gia đình, về sau có thể xin định cư dài hạn. Đây chính là bước tiến lớn của Nhật Bản trong chính sách nhập cư.
Vấn đề chủng tộc và văn hóa thuần nhất đã ăn sâu vào xã hội Nhật. Người Nhật không hề muốn nghĩ tới việc để người nước ngoài hội nhập lâu dài trong xã hội của họ. Chính vì thế dự luật vừa được công bố đã bị không ít chỉ trích. Để trấn an, trước khi giới thiệu dự luật, bộ trưởng Tư Pháp đã phải giải thích rằng chính phủ sẽ ngừng cấp visa mới ngay khi tình trạng thiếu nhân lực được giải quyết.
Trang nhất các báo Pháp
Bầu cử giữa kỳ Mỹ là chủ đề nóng nhất các báo Pháp. Tuy nhiên do phải lên khuôn in từ đêm hôm qua, khi mà cuộc bầu cử tại Mỹ chưa kết thúc các phiên bản báo in ra hôm nay hầu như chưa có những thông tin mới nhất về cuộc bầu cử được dư luận đặc biệt chú ý này. Phải đợi đến số báo Le Monde ra chiều nay và các tờ báo khác ra sáng mai thì mới có nhiều bình luận về sự kiện. Nhưng phiên bản internet của các báo thì tràn ngập thông tin về cuộc bầu cử tại Mỹ, được cập nhật liên tục.
Lướt qua trang mạng của các báo thấy Le Monde ghi nhận kết quả chung : « Bầu cử giữa kỳ 2018 : Phe Dân Chủ chinh phục Hạ Viện, Cộng Hòa tiến thêm ở Thượng Viện».
Làn sóng chống Trump như được một số dự báo đã không diễn ra. Ông Donald Trump vẫn tung hô « thắng lợi lớn » của phe Cộng Hòa. Nhưng có thực sự đây là chiến thắng đối với tổng thống Mỹ ? Chúng ta sẽ trở lại với câu hỏi này trong các số báo giấy ra ngày mai.
Trở lại với trang nhất các tờ báo in ra hôm nay. Mối quan tâm lớn của người dân Pháp lúc này là giá xăng dầu tăng cao. Tất nhiên đây là chủ đề tranh luận được đăng tải rộng rãi trên các báo Pháp ra hôm nay. Trước sự phẫn nộ của người dân, các báo đều có chung một nhận xét là chính phủ đang loay hoay tìm các trấn an,làm dịu phẫn nộ của dân chúng…
Le Figaro chạy tựa lớn trang nhất : « Chất đốt : Macron khó làm nguôi cơn giận dữ ». Le Monde thì đặt vấn đề « Chất đốt : Macron phản ứng với khủng hoảng thế nào ».
Trách nhiệm của việc giá xăng dầu tăng do áp dụng thuế bảo vệ môi sinh giờ được đặt vào người đứng đầu nước Pháp là tổng thống. Trước sự phẫn nộ của người dân, tổng thống Macron đã phải thông báo sẽ trợ cấp cho các hộ nghèo hoặc những người có nhu cầu phải dùng xe đi làm xa, hỗ trợ vận tải… Nhưng các báo đều nhận thấy, về bản chất đó chỉ là biện pháp trợ cấp để rồi lại đóng thuế, theo kiểu giật gấu vá vai của chính phủ.
Các báo cũng cảnh báo, vấn đề giá nhiên liệu luôn rất nhạy cảm, nếu không giải tỏa được phẫn nộ của người dân thì có thể chính phủ sẽ phải trả giá ở những kỳ bầu cử tới đây.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181107-chien-tranh-thuong-mai-chau-a-nguoi-mat-ke-duoc
Tin khắp nơi
(AFP) – Lần đầu tiên chân dung Kim Jong Un được treo trước công chúng.
Cuối tuần qua, khi đón chủ tịch Cuba, chân dung nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã được treo ở sân bay, bên cạnh chân dung của vị khách mời. Theo giới phân tích, đây có thể là dấu hiệu cho thấy sự sùng bái nhà lãnh đạo trẻ và cho thấy rằng ông Kim đang bước vào giai đoạn hai của đế chế ông, tập trung vào việc củng cố quyền lực chính trị và uy tín trong nước.
(AP) – Mở lại phiên xử vụ Kim Jong Nam.
Một tòa án tại Malaysia hôm nay, 07/11/2018, bắt đầu xử tiếp vụ ám sát ông Kim Jong Nam, người anh cùng cha khác mẹ với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương, 29 tuổi, là một trong hai bị cáo có mặt tại phiên tòa. Theo thẩm phán Azmi Ariffin, kể từ ngày 7/1/2019 tới, toà sẽ tiếp tục nghe bên bị cáo bào chữa. Các luật sư của hai nữ bị cáo vẫn khẳng định thân chủ của họ là nạn nhân của một vụ lừa đảo, mà kẻ chủ mưu có liên hệ chặt chẽ với sứ quán Bắc Triều Tiên tại Malaysia. Hai bị cáo người Việt và Siti Aisyah, người Indonesia, bị cáo buộc bôi độc chất VX lên mặt ông Kim Jong Nam tại sân bay Kuala Lumpur, ngày 13/02/2017, khiến nạn nhân tử vong.
(Yonhap) – Hàn Quốc : Bộ trưởng Quốc Phòng xin lỗi về quân đội bạo hành tình dục.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn được truyền hình lại hôm nay 07/11/2018, bộ trưởng Hàn Quốc Jeong Kyeong Doo xin lỗi về các vụ bạo hành tình dục của binh sĩ nước này trong cuộc đàn áp khốc liệt chống lại phong trào nổi dậy dân chủ năm 1980 tại Gwangju, miền tây bắc nước này.
(AFP) – 16 thương hiệu của Ivanka Trump được phê chuẩn tại Trung Quốc,
gồm nhiều sản phẩm như túi xách, dù, áo tắm… và cả máy bỏ phiếu. Thông tin trên được hiệp hội Citizens for Responsibility and Ethics khẳng định ngày 06/11/2018. Đại diện tổ chức phi lợi nhuận này cho rằng yêu cầu đăng ký thương hiệu của Ivanka Trump tại Trung Quốc là không phù hợp, trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh liên tục tăng thuế nhập khẩu của nhau.
(RFI) – Nga : Đạo diễn Kirill Serebrennikov ra tòa với nguy cơ lĩnh án 10 năm tù.
Phiên xét xử công khai đầu tiên được bắt đầu ngày 07/11/2018. Ông bị cáo buộc biển thủ công quỹ gần 1,7 triệu euro trong vòng nhiều năm, chi cho các bộ phim không được quay. Điều nghịch lý là ngay khi bị quản thúc tại gia, đạo diễn người Nga tiếp tục tác phẩm của mình. Bộ phim Leto của ông được chọn chiếu tại Liên Hoan Phim Cannes 2018.
(RFI) – Tân tổng thống Mêhicô quyết định giảm một nửa tiền lương của mình.
RFI hôm nay 7/11/2018 cho hay Mêhicô vừa có tổng thống mới, ông Andres Manuel Lopez. Đầu tuần này, Công báo Mêhicô thông báo bắt đầu từ nhiệm kỳ mới, các cựu tổng thống Mêhicô sẽ không nhận được lương hưu, lương của tổng thống cũng bị giảm xuống phân nửa, lương tháng từ 209.000 peso xuống còn 108 000 peso (tương đương khoảng 10.000 đô la). Đây là một trong các biện pháp hàng đầu của ứng cử viên Andres Manuel Lopez Obrador.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181107-tin-doc-nhanh