Đọc báo Pháp – 07/10/2020
Chế độ Syria bị kiện về tội ác chống nhân loại tại… Đức – Trọng Nghĩa
Tội ác chống nhân loại của chế độ Syria bị đưa ra trước tòa án Đức; tổng thống Mỹ Donald Trump phô trương tư thế người hùng chống Covid-19: Đây là hai chủ đề quốc tế quan trọng được báo chí Pháp ra ngày hôm nay 07/10/2020 đưa lên trang nhất. Bên cạnh đó, cuộc chiến giữa hai đại gia ngành cung cấp nước tại Pháp cũng thu hút sự chú ý.
Về tình hình Syria, Le Monde đã chạy hàng tựa lớn trải dài năm cột báo ngay trang nhất: “Cuộc chiến tranh hóa học của Assad bị đưa ra trước công lý”.
Đối với Le Monde, các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học của chế độ Bashar-al-Assad trong cuộc nội chiến bùng lên từ cách nay gần 10 năm sẽ trở thành đối tượng của một cuộc điều tra hình sự.
Hồ sơ kiện gồm hàng triệu trang tài liệu
Mọi sự bắt nguồn từ việc ba tổ chức phi chính phủ, hôm 05/10 vừa qua, đã nộp đơn lên tòa án Karlsruhe ở Đức, kiện chế độ Damas hiện thời về tội ác chống nhân loại.
Hồ sơ kiện rất dày, bao gồm hàng triệu trang lời khai và cũng như mệnh lệnh của chế độ, kèm theo hình ảnh và video, tất cả đều đã được các nhân viên điều tra xác minh.
Trong bài viết chính bên trong mang tựa đề “Tại Đức, đơn kiện đầu tiên về tội ác chống nhân loại nhắm vào các cuộc tấn công hóa học do chế độ Syria tiến hành”, Le Monde nói rõ rằng đây là sáng kiến của ba tổ chức phi chính phủ Syria và quốc tế, kiện chính quyền của tổng thống Bachar al Assad về hai vụ tấn công bằng khí sarin, vào năm 2013 ở Đông Ghouta và năm 2017 ở Khan Sheikhoun.
Hai vụ tấn công tàn khốc Đông Ghouta và Khan Sheikhoun
Về vụ thứ nhất, Le Monde nhắc lại rằng cuộc tấn công bằng khí sarin, một chất độc thần kinh, không màu sắc, không mùi vị đã xảy ra vào ngày 21 tháng 8 năm 2013, ở Đông Ghouta, vùng ngoại ô Damas, gây tử vong cho 1.200 người. Vụ thứ hai, cũng bằng loại khí độc này, diễn ra ngày mồng 4 tháng Tư năm 2017 tại Khan Sheikhoun, một thị trấn với khoảng 30.000 dân, nằm trên con đường chiến lược nối Damas với Alep. Cuộc tấn công đã khiến 200 người chết.
Le Monde đã trích lời chứng của Artino, một phóng viên nhiếp ảnh chiến trường người Syria, đã sống sót sau vụ thảm sát Ghouta, mô tả tính chất kinh hoàng của cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học mà theo ông “vượt xa bất kỳ một cuộc tấn công nào khác” bằng bom đạn bình thường.
Trách nhiệm đến từ cấp cao nhất
Còn ông Steve Kostas, thuộc tổ chức Open Society Justice Initiative, một trong ba NGO đã đệ đơn kiện, thì nêu bật vai trò của Nhà nước Syria: “Đằng sau các vụ tấn công bằng khí sarin, có toàn bộ chương trình nghiên cứu khoa học và sản xuất vũ khí hóa học của chế độ Syria, và việc sử dụng phương tiện này đã được quyết định ở cấp cao nhất của chính phủ”.
Theo lời khai của một người lính Syria đã đào ngũ được trích dẫn trong đơn khiếu nại, thì cuộc tấn công vào Đông Ghouta, đã được chính tổng thống Bashar Al-Assad “cho phép” và sau đó do em trai ông là Maher al-Assad, chỉ huy sư đoàn 4 ra lệnh thực hiện.
Tướng Ghassan Abbas, người đứng đầu chi nhánh 450 của Trung Tâm Khảo Sát và Nghiên Cứu Khoa Học (CERS), chương trình hóa học Syria được thành lập từ những năm 1970, đã “hiện diện” vào lúc tấn công để “giám sát các khẩu pháo mang đầu đạn hóa học.”
Còn về cuộc tấn công vào Khan Cheikhoun, chiến dịch này cũng được tổng thống Syria phê duyệt, còn việc thực hiện được giao cho Ali Abdullah Ayyoub, bộ trưởng Quốc Phòng kiêm tham mưu trưởng Quân Đội vào thời điểm đó, và một số sĩ quan không quân.
Sở dĩ tòa án Karlsruhe được chọn đó là vì tại Đức, ngành tư pháp được trao thẩm quyền phổ quát.
Cả một hệ thống khủng bố người dân từ năm 2011
Bài viết thứ hai trong hồ sơ tội ác của chế độ Damas đã đề cập đến một phiên tòa khác đang diễn ra tại Đức: “Bộ Phận 251 và chế độ Syria trên ghế bị cáo tại Koblenz”.
Tại thành phố gần Bonn, thủ đô Tây Đức cũ, một phiên tòa đã mở ra để xét xử một đại tá Syria và một thuộc cấp của ông về tội sát hại 58 người và tra tấn hơn 4000 người khác tại Syria trong những năm 2011-2012.
Có điều là trong tiến trình thẩm tra tại tòa, nhiều tài liệu chưa từng công bố đã được trình ra, cho thấy tính chất có hệ thống của các vụ tra khảo, sát nhân nhằm khủng bố người Syria kể từ năm 2011. Và thủ phạm không chỉ là các cá nhân, mà là cả chế độ của tổng thống Bachar-al-Assad.
Le Figaro: Donald Trump khoe mình là anh hùng thắng Covid
Cũng chú ý đến thời sự quốc tế, nhật báo Pháp Le Figaro đã chú ý đến diễn biến mới nhất trong cuộc vận động tranh cử tổng thống tại Mỹ. Tựa lớn trang nhất của tờ báo nêu bật “Gặp khó khăn, Trump phô trương hình ảnh mình là người chiến thắng Covid-19”.
Theo tờ báo, bị chỉ trích là đã xử lý đại dịch một cách kém cỏi, tổng thống Mỹ đã quyết định dàn dựng sự kiện ông xuất viện để gợi ý rằng, giống như ông, đất nước Mỹ có thể chiến thắng dịch Covid-19.
Tờ báo nêu bật các chi tiết: Vào sáng thứ Hai, tổng thống Mỹ đã bắt đầu bằng việc tuyên bố tự mình xuất viện trên tài khoản Twitter của ông trong một thông điệp nhằm trấn an công chúng Mỹ.
Sau đó, trong một bộ đồ màu sẫm quen thuộc, và đeo khẩu trang, một điều rất khác lạ, ông Trump rời bệnh viện vào cuối ngày, vẫy tay chào các phóng viên bằng ngón tay cái trước khi đi đến trực thăng của mình. Việc ông bước trên sân cỏ Nhà Trắng được quay như thể đó là biểu tượng của việc ông trở lại làm việc trong Phòng Bầu Dục…
Sau đó, trên ban công của Nhà Trắng, với ánh mắt nhìn chằm chằm vào đường chân trời, ông Trump đã gỡ khẩu trang một cách khoa trương, trước khi bỏ nó vào túi, như thể báo hiệu sự kết thúc của tập phim y tế bất ngờ này.
Tuy nhiên, theo Le Figaro, trong một khoảnh khắc, tổng thống Mỹ đã cho thấy là ông bị khó thở. Những lời giải thích bối rối của các bác sĩ ngay trong buổi chiều hôm đó không xóa bỏ được mọi nghi ngờ về khả năng hồi phục hoàn toàn của ông.
Và bên trên tất cả là sau ba ngày vắng mặt, tổng thống Mỹ đã trở lại một Nhà Trắng gần như hoang vắng, với hàng chục cộng tác viên thân cận và khách mời bị xét nghiệm dương tính với vi rút, bao gồm cả đệ nhất phu nhân Melania và phát ngôn viên tổng thống Kayleigh McEnany.
La Croix: Hàng trăm ngàn người thất nghiệp vô hình tại Pháp
Nhật báo La Croix cũng tập trung trên chủ đề nước Pháp, những xoáy mạnh vào khía cạnh xã hội với tựa lớn trang nhất “Những người thất nghiệp bị che khuất”. Tờ báo Công Giáo Pháp tìm hiểu xem con số hàng trăm ngàn người Pháp mà công ăn việc làm bị xóa sổ từ đầu dịch Covid-19 bao gồm những tầng lớp nào.
Trong một bài phân tích bên trong với tựa đề: “Những người thất nghiệp vô hình này là ai?”, La Croix ghi nhận là sự gia tăng của các kế hoạch bảo vệ biên chế chỉ thể hiện một phần rất nhỏ của các vụ cắt giảm công ăn việc làm từ nay đến cuối năm.
Nạn nhân của các vụ cắt giảm này là các nhân viên làm theo thời vụ, những người chỉ có hợp đồng lao động ngắn hạn và những người hành nghề tự do. Họ đang phải trả giá cho cuộc khủng hoảng một cách âm thầm lặng lẽ, mà không được ghi nhận trong số liệu thống kê.
Pierre-Édouard Magnan, chủ tịch Phong Trào Toàn Quốc của những người thất nghiệp và có việc làm bấp bênh, nhận xét: “Khi nhân viên bị sa thải hàng loạt ở các đơn vị lớn, nơi các công đoàn hoạt động tốt, điều đó thu hút giới truyền thông. Thế nhưng lượng người đó chẳng thấm vào đâu so với số đông những người bị mất việc”. Theo ông, “bi kịch đang diễn ra trong các doanh nghiệp nhỏ, nơi những nhân viên có hợp đồng ngắn hạn và những người tự kinh doanh”.
La Croix nêu bật một ví dụ. Trong các công ty lớn chẳng hạn, người ta đã ghi nhận được 65.000 việc làm bị xóa bỏ từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 9. Đây chỉ là một phần rất nhỏ của làn sóng sa thải hay mất việc. Theo viện thống kê INSEE, 715.000 việc làm đã bị phá hủy trong nửa đầu năm nay và con số này có thể lên tới 900.000 vào cuối năm, theo Unédic.
Suez-Veolia-Engie: trận chiến giành nước
Cũng ở trang nhất, cả Libération lẫn Les Echos đều chú ý đến một chủ đề thuần túy Pháp: Cuộc đấu tranh giành quyền cung cấp nước giữa hai đại gia số 1 và số 2 tại Pháp trong lãnh vực này là Veolia và Suez.
Sau sáu tuần vật lộn với nhau, Veolia, tập đoàn số 1 của Pháp về xử lý nước và chất thải đã mua lại được một lượng lớn phần hùn của Suez, tập đoàn số 2 trong lãnh vực này tại Pháp, và đã giành được phần nào quyền khống chế đối thủ cạnh tranh.
Điều đáng nói là số phần hùn mà Veolia mua được là do tập đoàn năng lượng Engie bán lại, bắt chấp sự phản đối của chính phủ vốn nắm giữ 23,6 % vốn của Engie.
Thái độ bướng bỉnh của Engie đã thu hút sự chú ý của Libération, đã chạy trên trang nhất một tựa rất hóm hỉnh về bộ trưởng Kinh Tế Pháp Le Maire trong vụ này, với một phần trên trang nhất: “Le Maire không phải là đã gặp nước xuôi” và phần còn lại trong bài viết bên trong “mà đã bị ngập nước”.
Còn nhật báo Les Echos thì nghiêm túc hơn, chạy tựa lớn trang nhất: “Suez-Veolia: Hậu trường của cuộc đấu”
Tin tổng hợp
(Yonhap) – Bắc Triều Tiên gấp rút chuẩn bị diễu binh quy mô lớn.
Theo bộ Quốc Phòng Hàn Quốc ngày 07/10/2020, các hoạt động chuẩn bị cho diễu binh tại Bình Nhưỡng vào ngày 10/10 nhân lễ kỷ niệm 75 năm thành lập đảng Lao Động Bắc Triều Tiên đang trong giai đoạn cuối. Bắc Triều Tiên thường gây chú ý vào các năm chẵn của các sự kiện lịch sử, như thử tên lửa đạn đạo hay diễu binh quy mô lớn. Trong thông điệp đầu năm 2020, lãnh đạo Kim Jong Un từng tuyên bố sẽ cho thấy « một loại vũ khí chiến lược mới ».
(Yonhap) – Một cựu quan chức ngoại giao Bắc Triều Tiên đào tầu có thể đang ở Hàn Quốc.
Ông Jo Song Gil, từng giữ chức « quyền đại sứ » Bắc Triều Tiên tại Ý, biến mất khỏi Roma vào cuối năm 2018 hiện đang sống tại Hàn Quốc, theo phát biểu ngày 06/10/2020 của một dân biểu Hàn Quốc thuộc đảng đối lập. Tuy nhiên, người phụ trách Cơ quan Tình báo Hàn Quốc từ chối xác nhận thông tin trên.
(RFI) – Nghị Viện Châu Âu sẽ quyết định về Luật Môi trường ngày 07/10/2020.
Luật môi trường xem xét nâng mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính cho đến năm 2030, từ 40% theo mục tiêu hiện tại lên thành 65% so với mức năm 1990. Tuy nhiên các nghị sĩ châu Âu bị chia rẽ sâu sắc trong cuộc tranh luận ở Bruxelles.
(Reuters) – Đài Loan chi hàng trăm triệu đô la cho không quân.
Hôm nay, 07/10/2020, bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan Nghiêm Đức Phát (Yen De-fa ) thông báo trước Nghị Viện là hòn đảo đã chi gần 900 triệu đô la trong năm nay cho các hoạt động của của không quân nhằm đối phó với mối đe dọa rất lớn từ Trung Quốc. Ông Nghiêm cũng cho biết là không quân Đài Loan, từ đâu năm nay đã tiến hành hơn 4000 lần xuất kích, trong đó có các cuộc tuần tra, huấn luyện và ngăn chặn sự xâm nhập của không quân Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan thừa nhận, quân đội Đài Loan được trang bị và huấn luyện tốt nhưng vẫn chưa đủ để đối phó với quân đội Trung Quốc. Đài Loan đang nâng cấp đội chiến đấu cơ. Năm ngoái hòn đảo đã ký mua của Mỹ 8 tỷ đô la chiến đấu cơ F-16 để nâng tổng số phi đội F-16 lên 200 chiếc, lớn nhất châu Á.
(Reuters) – Tổng thống Trump thông báo giải mật hồ sơ.
Hôm qua tổng thống Donald Trump thông báo đã cho giải mật tất cả các hồ sơ liên quan đến cuộc điều tra liên bang về Nga can thiệp bầu cử thống thống Mỹ 2016 và hồ sơ cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sử dụng hộp thư điện tử cá nhân cho công vụ. Trên Twitter, ông Trump viết « : Tôi đã cho phép giải mật hoàn toàn các tài liệu liên quan đến TỘI chính trị lớn nhất lịch sử Mỹ, vụ lừa đảo Nga. Cũng như vụ bê bối thư điện tử của Hillary Clinton. »
(AFP) – Hồng Kông ; Bị cáo buộc cỗ vũ độc lập, một giáo viên Hồng Kông bị rút giấy phép dạy học.
Cơ sở giáo dục không nêu danh tính nhưng chủ tịch đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga hoan nghênh quyết định này mà theo bà nhà trường Hồng Kông cần phải thanh lọc các « phần tử xấu ». Theo báo chí Hoa lục, nhà giáo tiểu học này đặt cho các học sinh ba câu hỏi : Tự do phát biểu là gì ? Không có tự do thì Hồng Kông ra sao ? Các em tóm tắt quan điểm của một nhà hoạt động chủ trương độc lập trong một cuộc phỏng vấn của đài truyền hình.
(AFP) – Một sát thủ Nga trước toà án Đức.
Phiên toà xét xử Vadim K. bắt đầu từ hôm nay trong vụ ám sát một nhà đối lập Tchechen tại Berlin mà các nhà điều tra Đức nghi ngờ có bàn tay của Matxcơva. Theo chưởng lý liên bang đặc trách hồ sơ khủng bố và gián điệp, nghi can Nga nhận lệnh thủ tiêu đối lập từ một cơ quan « liên hệ với chính phủ trung ương của Liên bang Nga ». Vụ ám sát xảy ra giữa ban ngày vào mùa Hè 2019, trong công viên Tiergarten, không xa phủ thủ tướng Đức.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201007-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 7/10:
Đức và đồng minh lên án hồ sơ nhân quyền
Bắc Kinh; Ba nhà khoa học chia sẻ giải Nobel vật lý
Lục Du
Mục lục bài viết
Đức và đồng minh lên án hồ sơ nhân quyền Bắc Kinh
Ba nhà khoa học chia sẻ giải Nobel vật lý
Ông Pompeo lên án Bắc Kinh trong cuộc họp bộ tứ
Ông Tedros: Có thể có vắc xin Covid vào cuối năm nay
Ông Navalny kêu gọi EU trừng phạt tài phiệt thân Putin
Sáng nay, thứ Tư (7/10), mục Điểm tin thế giới của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Đức và đồng minh lên án hồ sơ nhân quyền Bắc Kinh
Trong một bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc hôm thứ Ba (7/10), Đức đã chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc và kêu gọi thế giới tiếp nhận những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị Bắc Kinh đàn áp. Bài phát biểu của Đức đã nhận được sự ủng hộ của 38 quốc gia, theo SCMP.
Nhóm các nước chủ yếu là phương Tây do đại sứ Christoph Heusgen của Berlin tại Liên Hợp Quốc đại diện cũng bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp đặt ở Hồng Kông.
Ông Heusgen nói: “Trước những lo ngại của chúng tôi về tình hình nhân quyền ở Tân Cương, chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia tôn trọng Luật không gửi trả”. Luật không gửi trả là một nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế ngăn cấm một quốc gia nhận người tị nạn trả lại cho một quốc gia mà họ có nguy cơ bị khủng bố dựa trên “chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, một nhóm xã hội cụ thể hoặc quan điểm chính trị”.
Bắc Kinh và số ít các đồng minh của họ tại Liên Hợp Quốc đã phản pháo lại, bác bỏ những gì họ cho là “hành vi” can thiệp vào “các vấn đề nội bộ của Trung Quốc”.
Ba nhà khoa học chia sẻ giải Nobel vật lý
Ba nhà khoa học Sir Roger Penrose, Reinhard Genzel và Andrea Ghez đã cùng giành giải Nobel vật lý năm 2020 nhờ công trình nghiên cứu về sự hình thành lỗ đen và phát hiện ra lỗ đen siêu lớn ở trung tâm thiên hà, The Guardian đưa tin.
Giải thưởng được công bố vào thứ Ba (6/10) do Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển trao tặng và phần thưởng trị giá 10 triệu kronor Thụy Điển (870.000 bảng Anh) sẽ được chia cho những người chiến thắng, với một nửa thuộc về Penrose và nửa còn lại được chia cho Genzel và Ghez.
Penrose là một giáo sư người Anh, làm việc tại Đại học Oxford, trong khi giáo sư Genzel là một nhà vật lý thiên văn người Đức, giám đốc của Viện Max Planck về Vật lý Ngoài Trái đất, còn Giáo sư Ghez là người Mỹ làm việc tại Khoa Vật lý và Thiên văn học tại Đại học California, Los Angeles.
Ông Pompeo lên án Bắc Kinh trong cuộc họp bộ tứ
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã tới Nhật Bản vào thứ Ba (6/10) để tập hợp sự ủng hộ từ các đồng minh thân cận nhất của Washington ở châu Á, kêu gọi hợp tác sâu hơn với Nhật Bản, Ấn Độ và Úc nhằm hình thành một bức tường chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, theo Reuters.
Chuyến thăm Đông Á sau hơn một năm của ông Pompeo trùng với thời điểm căng thẳng Mỹ-Trung đang ngày càng trầm trọng.
Trong các bình luận trước khi bắt đầu cuộc họp của Nhóm Bộ trưởng Ngoại giao bốn nước, ông Pompeo đã dùng những từ ngữ mạnh mẽ trực tiếp lên án đích danh Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong khi đó ba người đồng cấp của ông tỏ ra rụt rè hơn khi tất cả đều tránh đề cập trực tiếp tới Trung Quốc.
“Là đối tác trong Bộ tứ này, điều quan trọng hơn bao giờ hết là chúng ta phải hợp tác để bảo vệ người dân và đối tác của mình khỏi sự bóc lột, tham nhũng và cưỡng bức của ĐCSTQ”, ông Pompeo nói, đề cập đến đảng cầm quyền ở Trung Quốc.
“Chúng ta thấy nó [ĐCSTQ gây chuyện] ở Biển Đông và Hoa Đông, sông Mekong, dãy Himalaya, eo biển Đài Loan”, ngoại trưởng nói.
Ông Tedros: Có thể có vắc xin Covid vào cuối năm nay
Reuters đưa tin, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết vắc-xin chống COVID-19 có thể ở trạng thái sẵn sàng cho việc sử dụng vào cuối năm nay.
“Chúng ta sẽ cần vắc-xin và có hy vọng rằng vào cuối năm nay chúng ta có thể có vắc-xin. Có hy vọng”, ông Tedros nói trong phát biểu cuối cùng trước Ban điều hành của WHO hôm thứ Ba (6/10), tuy nhiên không cho biết thêm chi tiết.
Có chín loại vắc xin của WHO đang trong quá trình thử nghiệm. Tổ chức này nhắm mục tiêu phân phối 2 tỷ liều vắc xin vào cuối năm 2021.
Cuộc họp của ban điều hành WHO kéo dài hai ngày nhằm kiểm tra phản ứng toàn cầu đối với đại dịch. Ở cuộc họp này đã xuất hiện những lời kêu gọi từ các quốc gia; bao gồm Đức, Anh và Úc; về việc cải tổ để củng cố cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc, sau khi WHO liên tục bị lên án thời gian qua vì cách phản ứng yếu kém với đại dịch Covid và mối quan hệ mờ ám với Bắc Kinh.
Ông Navalny kêu gọi EU trừng phạt tài phiệt thân Putin
Nhà phê bình Điện Kremlin Alexei Navalny hôm thứ Tư (7/10) đã lên tiếng kêu gọi Liên minh châu Âu có hành động cứng rắn đối với các nhà tài phiệt thân cận với Putin, theo Reuters.
“Các biện pháp trừng phạt đối với cả nước [Nga] không có tác dụng. Điều quan trọng nhất là áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với những kẻ trục lợi từ chế độ và đóng băng tài sản của họ”, ông Navalny nói với tờ Bild, nhật báo bán chạy nhất của Đức, nơi ông đang phục hồi sau thời gian điều trị vì bị đầu độc. “Họ biển thủ tiền, ăn cắp hàng tỷ đô và cuối tuần bay đến Berlin hoặc London, mua những căn hộ đắt tiền và ngồi trong quán cà phê”.
Hôm thứ Ba, Đức cho biết họ đang thảo luận với các đối tác về hành động cần thực hiện sau khi cơ quan giám sát hóa chất toàn cầu xác nhận ông Navalny đã bị đầu độc bằng một biến thể mới chưa được phát hiện trong họ chất độc Novichok.
Một số chính phủ phương Tây cho biết chính phủ Nga phải giúp điều tra vụ đầu độc ông Navalny nếu không sẽ phải đối mặt với những hậu quả.
Điểm tin thế giới tối 7/10:
Ông Trump giải mật tài liệu điều tra
Nga can thiệp bầu cử; Khảo sát: Gần 50%
người Hồng Kông muốn di dân
Hải Lam
Mục lục bài viết
Ông Trump giải mật tài liệu điều tra Nga can thiệp bầu cử
Khảo sát: Gần 50% người Hồng Kông muốn di dân
Moscow: Không cần thanh minh về vụ Navalny bị đầu độc
Indonesia tái khẳng định lập trường trên biển Đông
Gần 40 quốc gia yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Tư (7/10) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Ông Trump giải mật tài liệu điều tra Nga can thiệp bầu cử
“Tôi đã cho phép giải mật hoàn toàn đối với bất cứ tài liệu nào liên quan tới vụ phạm tội chính trị lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ mang tên Trò bịp Nga. Tương tự, bê bối email của Hillary Clinton cũng vậy. Tài liệu nguyên vẹn không chỉnh sửa!”, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter hôm 6/10.
Thuật ngữ “Trò bịp Nga” thường được ông Trump sử dụng để chỉ cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử tổng thống năm 2016.
Sau đó, Tổng thống Mỹ viết thêm rằng, ông “không thể tin rằng những kẻ lừa đảo này vẫn chưa bị TRUY TỐ”, ám chỉ các cựu quan chức FBI.
Theo The Epoch Times, đầu tuần này, Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows cho biết Tổng thống Trump, trong khi đang điều trị Covid-19 ở bệnh viện, đã ủy quyền cho ông giải mật thông tin. Tuy nhiên, ông Meadows không tiết lộ những tài liệu mà Tổng thống Trump muốn giải mật.
Khảo sát: Gần 50% người Hồng Kông muốn di dân
Taiwan News đưa tin, một cuộc khảo sát được công bố hôm 6/10 cho thấy gần 44% cư dân Hồng Kông cân nhắc di cư sau khi Bắc Kinh ban hành luật an ninh quốc gia.
Cuộc khảo sát ý kiến do Viện Nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương của Hồng Kông tổ chức đã phỏng vấn 737 người. Khoảng 43,9% số người được hỏi cho biết họ sẽ di cư nếu có cơ hội, trong khi 46,8% cho biết họ có kế hoạch ở lại và 9,3% vẫn chưa quyết định.
4 nguyên nhân mà những người có ý định di cư đề cập đến nhiều nhất là:
Bất mãn với chính quyền Đặc khu/ Trưởng Đặc khu/ Quan chức Cấp cao/ bất mãn với các chính sách của chính phủ (27,3%).
Hồng Kông có quá nhiều tranh chấp chính trị/ quá phiền phức/ bất ổn chính trị” (23,6%).
Tự do của Hồng Kông (bao gồm tự do ngôn luận)/ Xói mòn nhân quyền/ Mất quyền tự do Báo chí (19,8%).
Chính trị Hồng Kông không dân chủ” (17,6%).
Cuộc khảo sát cũng cho biết, mức điểm thành phố “đáng sống” của Hồng Kông là 49,6 điểm, giảm đáng kể so với mức 54,4 điểm vào tháng 9/2019 và là mức thấp nhất kể từ năm 2017.
Moscow: Không cần thanh minh về vụ Navalny bị đầu độc
Trang Tass cho biết, ngày 6/10, phát biểu tại phiên họp của Hội đồng quản trị Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW), ông Alexander Shulgin, Đại diện Thường trực của Nga tại tổ chức này tuyên bố Moscow không cần phải thanh minh với bất kỳ ai về vụ nhà chính trị đối lập Alexei Navalny bị đầu độc.
Ông Alexander Shulgin nêu rõ: “Bất chấp tất cả các yêu cầu đáng nghi ngờ mà chúng tôi đã nhận được như mở cuộc điều tra quốc gia, hợp tác với OPCW, chúng tôi nhấn mạnh rằng, Nga không nợ bất cứ ai, dù là Đức hay các nước khác, những nước đã cáo buộc Nga đầu độc Alexei Navalny một cách vô căn cứ. Chúng tôi không cần thanh minh với họ và sẽ không làm như vậy”.
Ông Shulgin cũng tuyên bố Moscow sẽ coi mọi thứ đang diễn ra là một chiến dịch tuyên truyền dối trá, khiêu khích cấp thấp cho đến khi nhận được các bằng chứng cho thấy chất độc được phát hiện trong các ca xét nghiệm đối với ông Navalny và cho đến khi họ ngồi xuống bàn đàm phán với Nga trong một cuộc đối thoại cấp chuyên gia.
Cùng ngày 6/10, Tổ chức Cấm vũ khí hóa học công bố phát hiện nhóm chất độc Novichok trong mẫu máu và nước tiểu của ông Navalny.
Indonesia tái khẳng định lập trường trên biển Đông
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi hôm 6/10 cho biết nước này vẫn giữ nguyên lập trường về biển Đông mặc dù Jakarta đang hợp tác với Bắc Kinh để có được vắc-xin viêm phổi Vũ Hán.
Indonesia từng căng thẳng với Trung Quốc về quyền đánh bắt cá quanh quần đảo Natuna nằm ở phía nam Biển Đông. Tháng trước, một tàu hải cảnh của Trung Quốc còn xuất hiện ở vùng biển này.
Theo đài CNA ngày 7/10, khi được hỏi liệu sự hợp tác phát triển vắc-xin có ảnh hưởng đến lập trường của Indonesia trên vùng biển tranh chấp hay không, bà Marsudi đáp: “Tôi có thể trả lời chắc chắn rằng
không. Đó là 2 chuyện khác nhau và khi làm việc cùng nhau, đó không phải là sự hợp tác không công bằng chỉ có lợi cho một bên”.
Vào năm nay, ngoại trưởng Marsudi từng nhiều lần khẳng định Indonesia không phải là một quốc gia tranh chấp trên biển Đông và đường 9 đoạn mà Trung Quốc tự vẽ ra là không có cơ sở pháp lý.
Gần 40 quốc gia yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ
Theo AFP, 39 quốc gia trong đó có Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước châu Âu hôm 6/10 kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ, đồng thời bày tỏ quan ngại về tình hình ở Hồng Kông.
Đại sứ Đức tại Liên Hiệp Quốc Christoph Heusgen, người dẫn đầu sáng kiến trong cuộc họp về nhân quyền, cho biết: “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tôn trọng nhân quyền, đặc biệt là quyền của nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số ở Tân Cương và Tây Tạng”.
Đáp lại chỉ trích trên, Đại sứ Trung Quốc Trương Quân tuyên bố các quốc gia phương Tây hãy chấm dứt “thói đạo đức giả” khi can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc.
Bắc Kinh thời gian qua đã gây áp lực lên các nước thành viên Liên Hiệp Quốc bằng cách đe dọa để họ không ký vào đơn tố cáo chính quyền Trung Quốc vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên, bất chấp những thủ đoạn của Bắc Kinh, ngày càng có nhiều quốc gia đã dũng cảm đứng lên phơi bày sự đàn áp tàn bạo của chính quyền ĐCSTQ.
Tạp chí xã hội
Bảo vệ Đa dạng Sinh học: Cộng đồng quốc tế
đối mặt với các thất bại cay đắng
Trọng Thành
Các giống loài bị diệt vong nhanh chóng, khắp nơi rừng bị tàn phá, đất đai, sông ngòi, đại dương bị khai thác kiệt quệ, ô nhiễm nặng nề… Giới khoa học cảnh báo nếu không hành động kịp thời, khủng hoảng Đa dạng Sinh học sẽ đe dọa chính tương lai của nhân loại. Mà không thể hành động đúng trong tương lai, nếu không đối mặt với các bài học quá khứ.
Cộng đồng quốc tế phải chấp nhận một thực tế cay đắng: Không có mục tiêu nào trong số « 20 Mục Tiêu Đa dạng Sinh học », được đề ra cách nay 10 năm tại Thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về đa dạng sinh học (COP 10), được thực hiện thành công. Rất nhiều mục tiêu hoàn toàn thất bại.
Đọc thêm : Đa dạng sinh học bị hủy hoại: Con người trước trách nhiệm với chính mình
Năm 2010, tại thành phố Nairobi, tỉnh Aichi, Nhật Bản, khoảng 190 quốc gia tham gia Công ước Đa Dạng Sinh Học của Liên Hiệp Quốc đã thông qua một chiến lược hành động đến năm 2020 đầy tham vọng, nhằm giảm áp lực của xã hội con người đối với thế giới tự nhiên, bảo tồn Đa dạng Sinh học. Nhân Thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về Đa dạng Sinh học cuối tháng 9/2020, giới chuyên gia và truyền thông quốc tế điểm lại những thất bại của việc thực hiện các mục tiêu của Thượng đỉnh Aichi, nhằm rút ra các bài học cho việc chuẩn bị chiến lược hành động cho giai đoạn 10 năm tiếp theo, dự kiến sẽ được vạch ra tại Thượng đỉnh Đa dạng Sinh học (COP 15) tại Côn Minh, Trung Quốc, vào năm tới.
20 mục tiêu không mục tiêu nào thành công
Báo cáo Global Biodiversity Outlook (GBO) lần thứ 5 của Cơ quan Liên chính phủ về Đa dạng Sinh học (IPBES), đánh giá việc thực hiện 20 mục tiêu đề ra tại thượng đỉnh Aichi, được công bố hôm 15/09/2020, cho thấy các giống loài sinh vật tiếp tục bị diệt vong, các hệ sinh thái bị hủy diệt, các nguồn tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức và sử dụng lãng phí…
Chỉ có 6 trên tổng số 20 mục tiêu đề ra được thực hiện một phần. Và, với các mục tiêu còn lại, đã không hề có tiến bộ đáng kể nào, thậm chí có lĩnh vực mà tình hình có xu hướng tồi tệ còn nhanh chóng hơn so với trước, cụ thể là tình trạng san hô ở các đại dương chết trên quy mô lớn (mục tiêu thứ 10). San hô được coi là « rừng của biển », có vai trò thiết yếu với đời sống của các sinh vật biển.
Nhà sinh thái học Anne Larigauderie, thư ký điều hành của IPBES, đặc biệt chú ý đến « hai ví dụ tiêu biểu », tình trạng rừng bị tàn phá và nạn khai thác hải sản cạn kiệt (trả lời phỏng vấn ici.radio-canada.ca ngày 15/09/2020). Vào thời điểm 2010, cộng đồng quốc tế từng tin tưởng có thể đảo ngược được các xu thế này. Tốc độ rừng bị phá hàng năm hiện nay là 10 triệu hecta/năm, so với tốc độ 12 triệu hecta/năm. Mục tiêu của Thượng đỉnh Aichi là giảm diện tích rừng bị phá xuống còn 6 triệu hecta/năm (mục tiêu thứ 5).
Tình hình sông ngòi cũng rất đáng sợ. Đánh giá tình trạng 12 triệu km sông ngòi toàn cầu năm 2019, các nhà điều tra ghi nhận chỉ có 37% trên tổng số các dòng sông, có độ dài hơn 1.000 km, là có dòng chảy còn thông suốt. Và chỉ có gần một phần tư trong các con sông này là có thể chảy được ra đại dương.
Theo báo cáo thứ 5 của IPBES, tỉ lệ trữ lượng cá được khai thác bền vững tiếp tục sụt giảm trong thập niên vừa qua : từ 71% vào năm 2010 xuống 65,8% vào năm 2017. Có nghĩa là một phần ba trữ lượng cá bị khai thác quá mức. Mục tiêu của Thượng đỉnh Aichi là « toàn bộ trữ lượng cá và các loài nhuyễn thể, thực vật dưới nước được quản lý và khai thác một cách bền vững » (mục tiêu thứ 6).
Mục tiêu thứ 8 cũng được coi là một thất bại đau đớn. Thượng đỉnh Aichi đặt ra kỳ vọng là ô nhiễm do phân bón, các loại hóa chất như thuốc trừ sâu, nylon và các loại rác thải khác được giảm xuống mức không gây tổn hại cho các hệ đa dạng sinh thái và sinh vật. Thực tế cho thấy ngược lại, số lượng thuốc trừ sâu trung bình cho một hecta không giảm trong khoảng thời gian từ 2010 đến 2017, cho dù cũng không tăng. Rác thải nylon trở thành một đại nạn. Hàng năm hơn 10 triệu tấn rác thải nhựa trôi ra các đại dương. Khoảng từ hơn 1 triệu đến hơn 2,4 triệu trôi dạt trên các dòng sông. Tổng cộng ước tính hơn 5 nghìn tỉ phần tử rác nhựa siêu nhỏ, với tổng cân nặng hơn 260 nghìn tấn lơ lửng trong các đại dương, đe dọa sự sống của các loài cá, chim và các sinh vật biển khác. Rác thải nhựa cũng là tác nhân gây bệnh đối với các hệ san hô (bảo vệ san hô là mục tiêu thứ 10).
Sự tuyệt chủng quy mô rất lớn của các động vật có xương sống cũng là một thất bại nặng nề khác. Tính từ năm 2010 đến nay, gần một phần ba các giống loài động vật có xương sống (như các loài chim và động vật có vú) tuyệt diệt. Mục tiêu thứ 12 của Thượng đỉnh Aichi, tránh để có thêm các giống loài mới tuyệt chủng, đã hoàn toàn thất bại.
Thiếu lộ trình kiểm soát
Vì sao đa số các mục tiêu của thượng đỉnh Aichi bất thành ? Giới chuyên gia đưa ra nhiều cách lý giải khác nhau. Bao gồm từ việc thiếu lượng hóa trong các mục tiêu (theo thư ký điều hành của IPBES, nhà sinh thái học Anne Larigauderie), cho đến việc thiếu các phương tiện để thực hiện mục tiêu (theo David Cooper, một tác giả chính của bản báo cáo Global Biodiversity Outlook của Cơ quan Liên chính phủ về Đa dạng sinh học IPBES) (phát biểu trên Le Point, ngày 15/09/2020).
Về phần mình, trong cuộc trả lời phỏng vấn đài France Culture, nhà sinh thái học và chuyên gia về chính sách môi trường Aleksandar Rankovic, Viện Phát triển Bền vững và Quan hệ Quốc tế Pháp (IDDRI), nhấn mạnh đến một nguyên nhân căn bản dẫn đến thất bại là việc thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện các mục tiêu của Thượng đỉnh Aichi :
« Cho đến nay, trong lĩnh vực Đa dạng Sinh học, để nói một cách khái lược, người ta đề ra các mục tiêu, và người ta đặt ra kỳ hạn 10 năm, để xem xem có thành công hay không. Nhưng trong quá trình đó, có rất ít việc kiểm tra giám sát thực hiện. Rất ít thời điểm mà các quốc gia kiểm tra xem xem họ có đang đi đúng lộ trình hay không.
Đây là điều rất quan trọng, bởi đó là dịp cho phép chính quyền các nước thảo luận về mặt chính sách, nhưng cũng rất quan trọng đối với cả các tác nhân xã hội. Bởi, đây cũng chính là thời điểm họ tiếp cận với các báo cáo, tham gia vào các thảo luận, để đưa ra các yêu sách cụ thể của mình, cũng như để gây áp lực.
Về tất cả những thời điểm mang tính trung gian như vậy, chúng ta đã thành công trong lĩnh vực khí hậu, ít nhất về cái khuôn khổ hành động, mà chúng ta đã xác lập được với Thỏa thuận Khí hậu Paris 2015. Cụ thể là, tổ chức các kỳ hạn mang tính chất chính trị, làm nên lộ trình hướng đến mục tiêu. Điều này chúng ta đã không thực hiện được trong lĩnh vực Đa dạng Sinh học ».
Chuyên gia về chính sách môi trường Aleksandar Rankovic cũng thừa nhận đòi hỏi trên chỉ là điều kiện cần thiết, nhưng chưa đủ đế thực hiện thành công các mục tiêu Aichi. Theo ông, nếu như chính quyền các nước không nỗ lực vận động xây dựng các mục tiêu quốc gia phù hợp với các mục tiêu mà cộng đồng quốc tế đã thống nhất tại Thượng đỉnh Aichi, thì kể như thất bại.
Báo cáo lần thứ 5 của Cơ quan Liên chính phủ về Đa dạng Sinh học (IPBES) tổng kết rõ, chỉ có 10% trên tổng số các mục tiêu do các nước đề ra là trùng với các chỉ tiêu mà cộng đồng quốc tế đã thống nhất. Mục tiêu quốc gia đề ra còn bất cập, chưa kể đến các phương tiện thiếu thốn đủ đường : Viễn cảnh thất bại của các mục tiêu Thượng đỉnh Aichi đã được báo trước.
Sức nặng của hệ thống kinh tế truyền thống
Trong các giải thích về lý do thất bại, đáng chú ý có nhận định của nhà sinh vật biển David Obura, Trung tâm Coastal Oceans Research and Development chuyên về Ấn Độ Dương, có trụ sở tại Kenya. Nhà sinh vật biển nhấn mạnh đến việc việc điều hành kiểm soát thực thi các mục tiêu Thượng đỉnh Aichi, có nghĩa là liên quan đến hàng loạt các lĩnh vực gây áp lực với thiên nhiên, như khai thác rừng, đánh bắt hải sản, giao thông, sản xuất năng lượng, nông nghiệp… mà các tổ chức hùng mạnh nắm giữ quyền kiểm soát các lĩnh vực này lại không mấy quan tâm đến các mục tiêu bảo vệ Đa dạng Sinh học của Thượng đỉnh Aichi.
Về vấn đề này, chuyên gia về chính sách môi trường Aleksandar Rankovic đưa ra cái nhìn tổng quan:
« Nếu như chúng ta lùi lại để nhìn nhận vấn đề này từ xa, thì có thể thấy, kể từ rất lâu, nhưng đặc biệt kể từ khi chấm dứt Thế chiến Hai, cụ thể là châu Âu đã định hướng toàn bộ mô hình nông nghiệp theo hướng thâm canh, hướng đến năng suất ngày càng cao. Toàn bộ các nhà nghiên cứu về phát triển, các bộ môn khoa học đều đi theo hướng này. Việc đầu tư, các khoản tiền cho nông dân vay, việc xây dựng các hệ thống ngành nghề… cho đến toàn bộ chuỗi sản xuất – tiêu thụ toàn cầu, toàn bộ thị trường thế giới đã được tổ chức như vậy. Mục tiêu hướng đến là xuất khẩu ngày càng nhiều hơn.
Để tháo gỡ toàn bộ hệ thống rất lâu đời này, chúng ta không thể nào chuyển hướng một cách quá đột ngột. Hệ thống lâu đời này đã có cơ sở chắc chắn (ví dụ như các nghiệp đoàn nông nghiệp, chiếm đa số, không dễ dàng ủng hộ cho việc chuyển hướng đột ngột như vậy).
Chúng ta có thể lấy một ví dụ, cuộc điều tra của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE) về các đầu tư có hại cho Đa dạng Sinh học. Theo báo cáo của OCDE hồi tháng 7/2019, khoảng 500 tỉ đô la hàng năm được tài trợ cho các hoạt động có hại cho Đa dạng Sinh học, một phần lớn là cho các năng lượng hóa thạch, và một phần lớn khác là cho các hoạt động nông nghiệp có hại cho Đa dạng Sinh học. Chúng ta vẫn còn nằm trong một hệ thống, mà người ta cổ vũ cho việc lấy tiền từ ngân sách Nhà nước để đầu tư cho mô hình nông nghiệp có hại cho Đa dạng Sinh học. Hàng chục năm ròng như vậy đã tạo ra rất nhiều lực cản. Không dễ để thay đổi tất cả những điều đó chỉ trong vòng vài năm ».
Báo cáo của Cơ quan Liên chính phủ về Đa dạng Sinh học (IPBES) của Liên Hiệp Quốc cũng ghi nhận việc tổng số đầu tư hàng năm cho bảo vệ Đa dạng Sinh học của chính phủ các nước trong 10 năm vừa qua chỉ ở mức từ 80 đến 90 tỉ đô la. Một con số quá ít ỏi so với 500 tỉ đô la cho các hoạt động hủy diệt Đa dạng Sinh học. Loại bỏ các đầu tư có hại cho Đa dạng sinh học là mục tiêu thứ 3 của Thượng đỉnh Aichi. Thế nhưng, theo báo cáo của IPBES, chỉ có 20% các nước đưa ra các biện pháp để giảm bớt các đầu tư có hại.
Cần một tiến trình « chuyển tiếp công bằng »
Theo chuyên gia về chính sách môi trường Aleksandar Rankovic, gần 30 năm sau khi Công ước về Đa dạng Sinh học được thông qua (tại Rio de Jainero, Brazil, năm 1992), chỉ đến lúc này, cộng đồng quốc tế mới đạt đến « sự trưởng thành » về phương pháp tiếp cận hệ thống trong lĩnh vực Đa dạng Sinh học, để hướng đến lộ trình hành động có tính bài bản, tương tự như trong lĩnh vực khí hậu :
« Trên thực tế, cũng tương tự như trong vấn đề khí hậu, cần phải thực hiện điều mà trong thuật ngữ của giới chuyên môn gọi là ‘‘tiến trình chuyển tiếp công bằng’’. Điều đó có nghĩa phải lập kế hoạch cho giai đoạn chuyển tiếp, thậm chí cho việc chấm dứt sự tồn tại của toàn bộ nhiều lĩnh vực kinh tế – nói một cách sòng phẳng là như vậy. Cần phải lập kế hoạch cho từ 10 đến 15 năm tới.
Chúng tôi thấy là trong lĩnh vực khí hậu đã có sự trưởng thành trong các đối thoại. Cụ thể như trong vấn đề chia tay với than đá, thì ở đây rõ ràng là đã có các lộ trình cụ thể, chứ không thể đơn giản nói chia tay là chia tay. Phải đồng hành với khu vực này, tìm thấy các việc làm mới cho những người làm việc trong ngành này.
Với Đa dạng Sinh học, tôi cho rằng chúng ta cũng đang bắt đầu bước vào giai đoạn trưởng thành trong cách nhìn nhận vấn đề, bắt đầu hiểu được những được – mất mang tính hệ thống như vậy. Và tiến trình xoay chuyển hướng đi của xã hội sẽ phải được lập kế hoạch cho giai đoạn từ 10 đến 15 năm tới.
Thực ra, đây cũng chính là điều đang được thương thuyết để chuẩn bị cho Thượng đỉnh COP 15 về Đa dạng Sinh học năm tới tại Trung Quốc. Các nhà đàm phán cũng ý thức được điều này. Điều mà họ hướng đến là một tiến trình chuyển tiếp sẽ phải kéo dài từ 10 năm, kéo dài thậm chí đến 30 năm ».
Bảo vệ Đa dạng Sinh học cũng khẩn cấp như Khí hậu
Đa dạng Sinh học khó quy được về một yếu tố duy nhất, là nhiệt độ, như trong lĩnh vực khí hậu. Đây là thách thức lớn cho việc xây dựng một hệ thống mục tiêu thống nhất, dễ dàng được cộng đồng quốc tế chia sẻ. Bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ Đa dạng Sinh học liên quan đến quá nhiều lĩnh vực khác nhau. Đây cũng là điều dẫn đến việc bảo vệ Đa dạng Sinh học nhiều khi bị coi là thứ yếu so với tình trạng Khẩn cấp về khí hậu. Tuy nhiên, tuy hai mà một.
Đọc thêm : Tiếp cận ‘‘Một Sức khoẻ Duy nhất’’: Công cụ tối ưu ngăn ngừa dịch bệnh
Tình trạng Đa dạng Sinh học bị hủy hoại và việc Trái đất bị hâm nóng đều có cùng một cội rễ chung: các hoạt động khai thác – tiêu thụ thái quá của xã hội con người. Đại dịch Covid-19 bùng lên buộc hầu hết các phối hợp quốc tế quan trọng về Đa dạng Sinh học trong năm nay 2020 đã phải hoãn lại. Nhưng đại dịch này cũng khiến cho nhân loại nhận ra rõ hơn mối quan hệ mật thiết giữa con người và Thiên nhiên. Thiên nhiên bị tàn phá trên quy mô toàn cầu cũng chính là điều kiện cho dịch bệnh phát sinh trên quy mô toàn cầu. Bảo vệ Đa dạng Sinh học – vốn góp phần quan trọng kìm hãm đà hâm nóng khí hậu và kìm chế dịch bệnh – đang ngày trở nên mục tiêu khẩn cấp của nhân loại.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201007-dadang-sinhhoc-2010-2020-thatbai-caydang