Đọc báo Pháp – 07/10/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 07/10/2019

Chống khủng bố :

những lỗ hổng trong bộ máy an ninh của Pháp

Thanh Hà

Những “khiếm khuyết” trong hệ thống an ninh của Pháp và một loạt những câu hỏi bốn ngày sau vụ Sở Cảnh Sát Paris bị tấn công từ bên trong, một nhân viên ra tay sát hại đồng nghiệp và điều tra chuyển sang hướng khủng bố.

Pháp “choáng váng”, cơ quan an ninh phải đối mặt với những thách thức vì “một mối đe dọa xuất phát từ bên trong”, tựa lớn trên báo La Croix. Tờ Le Figaro thiên hữu xem vụ một nhân viên của Sở Cảnh Sát Paris giết chết bốn đồng nghiệp ngay tại sở làm vì lý do tôn giáo là một vụ “tấn công”. Nguy hiểm hơn nữa là vụ tấn công hôm Thứ Năm 03/10/2019 cho thấy, một số các phần tử Hồi Giáo cực đoan đã len lỏi vào được những cơ quan Nhà nước, kể cả một điểm huyết mạch nhất như Sở Cảnh Sát Paris mà không hề bị phát hiện. Thủ phạm làm việc tại phòng được coi là “cực kỳ nhậy cảm”.

Bộ trưởng Nội Vụ Pháp Christophe Castaner đã nói đến “khiếm khuyết”, đến những “sơ hở” trong vận hành của ngành an ninh. Libération cánh tả, gọi hung thủ là “kẻ thù từ ở bên trong” và tờ báo phác họa lại chân dung một người đàn ông 45 tuổi, chuyên về tin học, làm việc tại Sở Cảnh Sát Paris từ năm 2003, được quyền tiếp cận với các hồ sơ thuộc diện bí mật quốc phòng. Trong mắt các đồng nghiệp, anh ta là một người kín đáo, hay giúp đỡ những người chung quanh, nhưng chỉ trong 7 phút, đã hiện nguyên hình là một con sói dữ, vô cùng tàn bạo, đâm chết bốn đồng nghiệp, trong đó có ba người làm cùng phòng với anh ta.

Tờ báo cánh tả này trong bài xã luận ví von : “Đây thực sự là một trận địa chấn đang làm rung chuyển cả cỗ máy chính trị-an ninh của Pháp. Có lẽ dư âm sẽ còn kéo dài (…). Thủ phạm đi theo phe Hồi Giáo cực đoan, liệu đã hành động riêng lẻ, hay là thành viên của một nhóm khủng bố ? Liệu rằng anh ta có cung cấp những thông tin tình báo của Pháp về mảng chống khủng bố hay không ?”

Về tranh cãi đang bùng lên chung quanh trách nhiệm của bộ Nội Vụ, Libération cho rằng, không nên tất cả mọi lỗi lên một mình bộ trưởng Christophe Castaner, nhưng chí ít thì ông này cũng đã vụng về nếu không muốn nói là nhanh nhảu đoảng khi vội vã bác bỏ khả năng đây là một vụ khủng bố chỉ vài giờ sau khi nhân viên của Sở Cảnh Sát Paris thiệt mạng. Cũng chính vì vội vã gạt bỏ giả thuyết khủng bố, bộ trưởng Nội Vụ Pháp bị các đảng phái đối lập cáo buộc “muốn tìm cách che giấu thông tin” như ghi nhận của Le Monde.

Pháp và chính sách nhập cư

Vẫn liên quan đến thời sự nước Pháp, hôm nay, Quốc Hội thảo luận về chính sách đón nhận người nhập cư. Tất cả các tờ báo Paris đều chờ đợi, Pháp siết chặt chính sách nhập cư.

La Croix lưu ý độc giả, tổng thống Macron không có ý định cho ra đời một bộ luật mới về nhập cư, thay thế cho bộ luật đã được thông qua từ mùa hè năm 2018. Nhưng với việc đem hồ sơ nhậy cảm này ra thảo luận tại Quốc Hội, rồi hai ngày sau đến lượt bên Thượng Viện, là bằng chứng cho thấy nguyên thủ Pháp đưa vấn đề này lên thành một ưu tiên hàng đầu, bởi đây là mối quan tâm lớn của một phần công luận trong nước. Le Figaro không vòng vo cho rằng tổng thống Macron đang chuẩn bị cho các cuộc bầu cử thành phố vào mùa xuân năm tới và nhất là cho khả năng tái tranh cử vào năm 2022.

Libération cảnh báo đa số cầm quyền tại Pháp, chớ nên rơi vào bẫy của bên đảng cánh hữu và cực hữu với tinh thần bài ngoại. Le Monde nhìn vấn đề ở một góc độ khác : tổng thống Emmanuel Macron muốn đem đề tài này ra thảo luận trước Quốc Hội lưỡng viện, vì ông ý thức được rằng, ngay cả trong hàng ngũ đảng Cộng Hòa Tiến Bước, có nhiều thành viên không tán đồng các biện pháp cứng rắn của chính phủ trong việc tiếp nhận người nước ngoài.

Brexit : Bão tố chờ đợi thủ tướng Boris Johnson

Nhìn sang phần thời sự quốc tế, báo kinh tế Les Echos và Le Monde chú ý nhiều đến vương quốc Anh trước viễn cảnh Brexit. Dưới hàng tựa “Một tuần lễ để thoát khỏi bế tắc”, nhật báo Le Monde tiết lộ thủ tướng Boris Johnson dường như sẵn sàng yêu cầu Liên Hiệp Châu Âu hoãn lại ngày chia tay.

Với giọng điệu châm biếm tác giả bài báo cho rằng, có nhiều khả năng ông Johnson chơi trò ú tim. Một mặt năn nỉ Bruxelles hoãn ngày Brexit, mặt khác hô hào với cử tri trong nước rằng “thà chết còn sướng

hơn” là phải ở lại Liên Hiệp Châu Âu sau ngày 31 tháng 10. Nhưng trong bụng thì thầm khấn các đấng linh thiêng phù hộ để mọi người cùng tin vào màn ảo thuật này của ông ta.

Trang nhất báo Les Echos đăng ảnh thủ tướng Anh đầu tóc bù xù, bên cạnh là hàng tựa nổi bật “Brexit : Bão tố sắp ập đến với Boris Johnson”. Một chục ngày trước thượng đỉnh châu Âu về Brexit, chính quyền Anh vẫn “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” về tiến trình đàm phán với Bruxelles. Trong khi đó thì thị trường chứng khoán Luân Đôn đang “điên đảo” trước viễn cảnh ra đi tay không, trong trường hợp Brexit no deal.

Quyền lực mềm và ảnh hưởng của Nga

Cũng về quan hệ quốc tế, Alain Barluet trên tờ Le Figaro chú ý đến ảnh hưởng ngoại giao của nước Nga từ giữa những năm 2000 tới nay. Theo tác giả, Matxcơva đã có hẳn cả một chính sách “quyền lực mềm” nhưng đấy không nhằm tô điểm hình ảnh của đất nước mà chủ yếu nhằm mục tiêu làm suy yếu các đối thủ của nước Nga.

Giám đốc cơ quan nghiên cứu Carnegie tại Matxcơva, ông Dmitri Trenine đánh giá rằng “từ năm 2014, ảnh hưởng của Nga liên tục được mở rộng trên thế giới, từ về mặt chính trị đến quân sự và thông tin. Điều này đã được kiểm chức tại Ukraina, ở Cận Đông, Châu Phi, châu Á và một phần tại châu Mỹ Latinh”. Thế nhưng trong bảng xếp hạng do nhóm nghiên cứu Portland thực hiện về “30 quốc gia có quyền lực mềm hiệu quả nhất”, nước Nga của tổng thống Putin chỉ đứng hạng thứ 28. Matxcơva ý thức được nhược điểm của mình và lo ngại thấy tinh thần bài Nga còn rất mạnh tại các nước phương Tây.

Theo phân tích của giáo sư Evguenia Obitchkina, Học Viện Quan Hệ Quốc Tế Matxcơva, một trong những ưu tiên của nền ngoại giao Nga là mở rộng ảnh hưởng và sức mạnh trên trường quốc tế. Từ sau khi Liên Xô sụp đổ, Matxcơva bị Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu cướp mất hào quang đó. Có điều đối với điện Kremlin, thanh thế trên trường quốc tế là một lá bùa hộ mạng và để củng cố quyền lực ở trong nước. Đến giữa những năm 2000, khi Ukraina và Gruzia muốn gia nhập khối NATO, Nga nhất quyết phản đối vì trông thấy ảnh hưởng của mình bị thu hẹp lại với các nước láng giềng sát cạnh. Trong nhãn quan của Vladimir Putin đó là mầm mống đe dọa đến “chủ quyền và ổn định của nước Nga”.

Vậy đâu là công cụ quyền lực mềm của Putin ? Le Figaro nhắc lại, thuật ngữ soft power chỉ xuất hiện trên các văn bản chính thức từ năm 2012, nhưng trước đó năm 2007 ông Vladimir Putin đã thành lập hẳn một quỹ để quảng bá tiếng Nga mà ông gọi là “tài sản quốc gia” của nước Nga.

Cũng chủ nhân điện Kremlin coi việc bảo vệ ngôn ngữ, bảo vệ những cộng đồng nói tiếng Nga là một ưu tiên, thể hiện “tình yêu đối với nước Nga”. Do vậy theo giáo sư Học Viện Quan Hệ Quốc Tế Nga, Matxcơva đã phản ứng mạnh mẽ vào năm 2014 khi Quốc Hội Ukraina đòi cấm giảng dậy tiếng Nga. Chính quyền Putin cho rằng Kiev đã “vượt qua lằn ranh đỏ”.

Có điều Matxcơva không chỉ dùng quyền lực mềm để chinh phục thế giới. Ukraina và Syria là những trường hợp điển hình cho thấy các phương tiện truyền thống để phô trương thanh thế vẫn còn tính thời sự. Chuyên gia Pháp thuộc trung tâm nghiên cứu CERI – trường Khoa học Chính Trị Paris, bà Anne de Tinguy cho rằng “yếu tố quân sự vẫn chiếm một vị trí trung tâm trong chính sách đối ngoại” của nước Nga.

Sau cùng giám đốc trung tâm nghiên cứu Carnegie tại Matxcơva cho rằng, “cái mà Nga gọi là quyền lực mềm, thực ra khá giống với các chiến dịch tuyên truyền để thuyết phục cộng đồng quốc tế về tầm nhìn của nước Nga, và qua đó phá vỡ những lập luận của các đối thủ“. Đặc biệt là từ giai đoạn 2012-2013, đài truyền hình Russia Today trở thành công cụ tuyên truyền của Nga ở hải ngoại. Một nhà triết học Nga nói với báo Le Figaro : “chính sách tuyên truyền của Matxcơva không nhằm củng cố thêm hình ảnh tích cực của nước Nga mà chủ yếu nhắm vào các lực lượng chính trị phương Tây mà điện Kremlin đánh giá là những đối tượng thù nghịch”.

Quyền lực công nghệ cao trong tay 3 người đàn bà

Cũng về quyền lực mềm, nhưng trong lĩnh vực công nghệ cao Les Echos bình chọn 3 phụ nữ thế lực nhất. Cả ba đã từng là chủ nhân các công ty khởi nghiệp, và sau một thời gian hoạt động, nay các start up của họ đã trở thành những con “kỳ lân“, ngựa một sừng trong thần thoại châu Âu, với số vốn hơn 1 triệu đô la.

Người thứ nhất là Fatoumata Ba, 32 tuổi. Cách nay 6 năm, với công ty khởi nghiệp Jumia, bà tiên phong trong lĩnh vực mua bán trên mạng tại châu Phi. Thành công vượt bực, giờ đây bà quyết định đem vốn ra giúp đỡ các mầm non start up khác của châu Phi.

Nhân vật thứ nhì là chủ nhân công ty khởi nghiệp Mỹ Branch : Madalina Seghete lớn lên tại nước Roumanie Cộng Sản. Nhờ có học bổng của Mỹ, Mada được vào trường đại học Cornell danh tiếng của Hoa Kỳ … Năm 2012 Mada cũng với một vài bạn học cũ lập ra một công ty khởi nghiệp, cho phép các thương hiệu theo dõi khách hàng sử dụng sản phẩm của mình … Chỉ 5 năm sau Branch huy động được 242 triệu đô la để phát triển. Madalina là một trong số 37 phụ nữ điều hành một “con kỳ lân” !

Người thứ ba là Jessica Scorpio sáng lập viên Getaround công ty chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê xe hơi. Sinh ra tại Canada, lớn lên tại Mỹ nhưng lại chọn Pháp là nơi đất lành chim đậu, Jessica tin rằng tương lai của nền công nghệ cao thế giới đang trong tay phụ nữ.

http://vi.rfi.fr/phap/20191007-chong-khung-bo-nhung-lo-hong-trong-bo-may-an-ninh-cua-phap

 

Tin đọc nhanh

(AFP) – Brexit: Liên Hiệp Châu Âu và Anh nối lại đàm phán. Hôm nay, 07/10/2019, 

đặc sứ Anh David Frost bắt đầu phiên họp làm việc đầu tiên vào cuối sáng nay với các thành viên nhóm đàm phán Liên Hiệp Châu Âu. Buổi làm việc thứ hai diễn ra chiều nay. Liên Hiệp Châu Âu gia hạn cho Anh Quốc một tuần, để có những sửa đổi nhằm tránh một cuộc chia tay « không có thỏa thuận » vào ngày 31/10/2019.

(AFP) – Hoa Kỳ thông báo lính Mỹ bắt đầu rút khỏi phía bắc Syria. 

Hoa Kỳ ngày 07/10/2019 nói rõ sẽ không bảo vệ Lực lượng Dân chủ Syria (FDS), nếu Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch tấn công vào vùng lãnh thổ phía bắc Syria, với danh nghĩa “diệt trừ khủng bố”. Liên Hiệp Châu Âu hôm nay, 07/10, cảnh báo một chiến dịch quân sự từ Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào vùng đông bắc Syria sẽ « làm dấy lên trở lại các đối đầu và điều này làm phương hại những nỗ lực tìm kiếm một giải pháp cho xung đột ».

(AFP) – Quân Đội Irak công nhận đã dùng vũ lực quá đáng đàn áp biểu tình. 

Lời công nhận được đưa ra trong một thông cáo của ban chỉ huy quân sự Irak công bố vào hôm nay, 07/10/2019 sau các vụ xung đột với người biểu tình ở khu vực thành phố Sadr City phía đông Bagdad đêm hôm qua, đã khiến 13 người thiệt mạng. Sadr City là thành trì của người Hồi Giáo theo hệ phái Shia tại thủ đô Irak. Thủ tướng Irak Adel Abdel Mahdi, tổng tư lệnh quân đội, đã ra lệnh rút quân đội ra khỏi thành phố Sadr, thay thế bằng lực lượng cảnh sát.

(AFP) – Pháp: Phong trào chống mở rộng quyền thụ thai nhân tạo (PMA) huy động được hàng chục ngàn người xuống đường. 

Cuộc tuần hành tại Paris chống PMA thu hút được 74.500 người tham gia, theo số liệu của Occurrence, một cơ quan độc lập. Ban tổ chức dĩ nhiên đưa con số cao gấp bội, 600.000 người. Ngược lại, cảnh sát chỉ ghi nhận 42.000 người tham gia. Tập hợp lại theo lời kêu gọi của một tập thể – bao gồm 20 tổ chức, hiệp hội, những người biểu tình chống lại việc tổng thống Macron dự trù mở rộng quyền có con, nhờ thụ thai nhân tạo, cho các cặp đồng tính và các phụ nữ độc thân. Họ lập luận rằng một đứa con bắt buộc phải có cha.

(AFP) – Iran bắt giam một nữ phóng viên Nga. 

Yulia Yuzik, một phóng viên Nga 38 tuổi, bị câu lưu hồi thứ Năm tuần trước tại một khách sạn ở thủ đô Iran. Bộ ngoại giao Nga phản ứng mạnh, triệu đại sứ Iran lên chất vấn. Theo Matxcơva, nhà báo Yulia Yuzik bị Iran nghi ngờ làm « gián điệp cho Israel ». Thứ hai, 07/10/2019, phát ngôn viên chính phủ Iran phủ nhận thông tin này và cho là nhà báo Nga bị giam vì vi phạm « luật về visa » và một số tội khác nhưng không cho biết rõ là tội gì. Ngoài một số cơ quan báo chí Nga, Yulia Yuzik cộng tác với tuần báo Mỹ Newsweek.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191007-tin-doc-nhanh

 

Tạp chí ViệtNam

 

Gia tăng hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam

và châu Âu nhắm vào Trung Quốc ?

Thu Hằng

Với tư cách là một khối, Liên Hiệp Châu Âu trở thành đối tác hợp tác quốc phòng an ninh đầu tiên của Việt Nam, thông qua việc hai bên sẽ ký kết thỏa thuận thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động giải quyết khủng hoảng của Liên Hiệp Châu Âu – FPA (*). Đây là cũng là nội dung chính chuyến công du Việt Nam của bà Federica Mogherini, đại diện cấp cao của Liên Hiệp Châu Âu về chính sách đối ngoại và an ninh, tại Hà Nội, từ ngày 03 đến 05/08/2019.

Chính những yêu sách độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh đã buộc Việt Nam phải phòng vệ. Song song với việc mở rộng hợp tác quân sự với nhiều nước (Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp, Úc…), chính phủ Việt Nam cũng tăng thêm ngân sách quốc phòng, từ 5,1 tỉ đô la cho năm 2019, lên thành 5,5 tỉ đô la cho năm 2020 và đạt đến mức 7,9 tỉ đô la vào năm 2024 (**).

Sự kiện Triển lãm Quốc phòng và An ninh 2019 (DSE 2019, ngày 02-04/10), lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam (Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội), thu hút khoảng 200 thương hiệu và 55 phái đoàn là một dấu hiệu cho thấy sự quan tâm của Việt Nam trong việc hiện đại hóa quân đội, cũng như « mở rộng quan hệ quốc tế, tăng cường hợp tác trong khu vực về các lĩnh vực quốc phòng và an ninh », theo phát biểu vào tháng 08/2019 của đại tá Phạm Toàn Thắng, phó cục trưởng Cục Kinh tế, bộ Quốc Phòng Việt Nam.

Vậy hợp tác giữa Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu về quốc phòng và an ninh mang lại lợi ích gì cho cả hai bên ? Liên Hiệp Châu Âu có thể giúp gì cho quốc phòng Việt Nam ? RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM).

PV. Benoit de Treglode06/10/2019Nghe

RFI : Trong chuyến thăm Hà Nội vào tháng 08/2019 của bà Federica Mogherini, Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu đã thảo luận về việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực phòng vệ và an ninh. Quan hệ đối tác hợp tác này có ý nghĩa gì ?

Benoît de Tréglodé : Trước tiên cần phải nhắc đến bối cảnh. Thỏa thuận quốc phòng này nằm trong loạt thỏa thuận giúp Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam xích lại gần nhau. Thỏa thuận quan trọng nhất dĩ nhiên là Hiệp định Tự do Thương mại (EVFTA), sau bốn năm dài đàm phán giữa Hà Nội và Bruxelles, đã được kí vào tháng 06/2019 và đang chờ được Nghị Viện Châu Âu phê chuẩn.

Điều này cho thấy Liên Hiệp Châu Âu mạnh mẽ tỏ rõ ý chí củng cố hoạt động trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương, và đặc biệt hơn là với một số nước đối tác trong vùng. Vì thế, đây là một thỏa thuận đối tác chiến lược.

Vậy một đối tác chiến lược có nghĩa là gì ? Đó chính là kết quả cuối cùng của toàn bộ loạt thỏa thuận tiên quyết, từ thỏa thuận chính trị, kinh tế, văn hóa, đến những thỏa thuận chiến lược được đặt chung thành một khối và nhằm chứng tỏ sự hợp tác giữa Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam đã đến thời điểm chín muồi, để đó tiến xa hơn sau đó. Vì thế, đây không hẳn là kết quả mà còn là một bước khởi đầu, hướng đến hợp tác trong mỗi lĩnh vực.

RFI : Hà Nội và Bruxelles trông đợi gì qua thỏa thuận đối tác này ?

Benoît de Tréglodé : Dĩ nhiên là mỗi bên đều có những trông chờ đặc biệt. Đối với Bruxelles, trước tiên là nhằm khẳng định hoặc tăng cường hiện diện ở vùng Châu Á-Thái Bình Dương. Liên Hiệp Châu Âu đã kí thỏa thuận tương tự với ba nước, New Zealand, Úc và Hàn Quốc. Thỏa thuận với Việt Nam là thỏa thuận đầu tiên mà Bruxelles kí với một nước Đông Nam Á.

Đúng là hai bên tỏ rõ thiện chí, đã có từ lâu. Chúng ta đừng quên rằng Liên Hiệp Châu Âu là thành viên của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ASEAN Regional Forum, ARF), được thành lập năm 1994 và được coi là cuộc họp đa phương đầu tiên tư vấn các vấn đề an ninh trong vùng. Liên Hiệp Châu Âu luôn muốn có trọng lượng và đóng vai trò trong những vấn đề này ở Châu Á-Thái Bình Dương. Hiện nay, tham vọng của Bruxelles được củng cố thông qua Diễn đàn Khu vực ASEAN, mà theo quan điểm của Bruxelles có rất nhiều mục tiêu lớn, rõ nét.

Phía Việt Nam thì khác hơn một chút. Chúng ta vẫn nhớ bài diễn văn nổi tiếng của cựu ngoại trưởng Việt Nam Nguyễn Dy Niên, nếu tôi nhớ không nhầm là vào khoảng năm 1990-1991. Trong đó ông phát biểu rằng sau chiến tranh lạnh, từ giờ chỉ có một thế giới. Việt Nam nên kết bạn ở khắp nơi vì đó là giải pháp duy nhất để duy trì sự độc lập trong một thế giới không còn là thế giới hai cực nữa.

Vì vậy, Hiệp định với Bruxelles còn là một thắng lợi cho ngành ngoại giao Việt Nam vì Hà Nội đã chờ đợi thời điểm này từ lâu và vì Liên Hiệp Châu Âu là một đối tác có chủ đích đóng vai trò quan trọng. Như vậy, Việt Nam có một lá phiếu ủng hộ chính trị của Liên Hiệp Châu Âu, có trọng lượng, trong bối cảnh quan hệ phức tạp, trong đó có quan hệ với Bắc Kinh và tại vùng Biển Đông.

RFI : Trong khuôn khổ Hợp tác quốc phòng và an ninh với Bruxelles có một điểm là Việt Nam sẽ tham gia các chiến dịch quản lý khủng hoảng do Liên Hiệp Châu Âu đảm nhiệm trong khuôn khổ các chiến dịch của Liên Hiệp Quốc. Những chiến dịch này có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với Việt Nam ?

Benoît de Tréglodé : Thời điểm rất có lợi cho việc Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam xích lại gần nhau về mặt chính trị. Việt Nam sắp giữ nhiều chức vụ quan trọng trong khu vực cũng như trên trường quốc tế. Năm 2020, Việt Nam sẽ giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN, cũng như chức thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Vì thế, Liên Hiệp Châu Âu, để gia tăng ảnh hưởng của khối trong vùng Đông Nam Á, cần đến sự ủng hộ của quốc gia có sức ảnh hưởng trong các hồ sơ. Đây là một điểm quan trọng !

Việc Việt Nam tham gia các chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc không có gì là mới. Điểm mới, được nêu trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác chiến lược về quốc phòng với Bruxelles, là Việt Nam cũng sẽ tham gia những nhiệm vụ ở cấp độ Liên Hiệp Châu Âu. Những cam kết này nhằm giúp Việt Nam hội nhập tốt hơn vào cộng đồng quốc tế và các cấp độ quốc tế. Và đây là điểm tốt cho cả hai bên !

RFI : Thông qua hợp tác quốc phòng và an ninh, Liên Hiệp Châu Âu có thể giúp gì cho Việt Nam về mặt quốc phòng ?

Benoît de Tréglodé : Chúng ta biết là chính sách phòng thủ của Liên Hiệp Châu Âu vẫn còn đang trong quá trình soạn thảo và xây dựng với những tham vọng lớn mà chúng ta có thể hoan nghênh.

Nhưng điểm thú vị cần lưu ý là Việt Nam đang trong quá trình tìm kiếm ủng hộ quốc tế. Và những tuyên bố về mục tiêu được nêu trong văn kiện đối tác chiến lược này cũng theo hướng bao gồm tất cả các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, dù chúng ta biết rằng, trên thực tế, rất ít nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu thực sự tỏ ra tích cực trong vấn đề tự do lưu thông hàng hải ở Biển Đông hoặc đối với những quan hệ đối tác mang tính quân sự, quốc phòng. Đó là những vấn đề thường được xử lý dễ dàng hơn trên phương diện song phương.

Vì vậy, chúng ta cần hoan nghênh khuôn khổ chung đang được triển khai và cho phép hợp pháp hóa « hàng loạt hợp tác trong tương lai ». Tôi muốn nhấn mạnh là « hợp tác tương lai » về mặt quân sự và an ninh. Và tôi cho rằng Việt Nam có thể hoan nghênh thỏa thuận này.

Phải nhắc lại rằng thỏa thuận với Bruxelles không gây tác động đến những cuộc đàm phán đang được tiến hành giữa Việt Nam và một số nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Hà Nội đã kí và thúc đẩy một số thỏa thuận đối tác chiến lược với một số thành viên khác trong Liên Hiệp Châu Âu và những thỏa thuận này đã được thúc đẩy hơn một chút.

RFI : Để tăng cường hiện diện tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, Pháp cần phải tham gia nhiều hơn vào cấu trúc quốc phòng, an ninh trong khu vực. Theo ông, Pháp có thể trông cậy vào sự giúp đỡ của Việt Nam không ?

Benoît de Tréglodé : Tôi nghĩ là dĩ nhiên Pháp có thể trông cậy vào Việt Nam nhưng tất cả mọi vấn đề không thể giải quyết được ở cấp một Nhà nước. Chúng ta đang ở trong một thực tế đa phương và thực tế, có thể nói là rất ASEAN, tức là hoạt động dựa trên đồng thuận. Một mình Việt Nam không thể quyết định được việc để Pháp tham gia nhiều hơn vào các tổ chức đa phương về an ninh.

Trước tiên, những tổ chức nào hoạt động thực sự ? Chúng ta đã nhắc ở trên đến Diễn đàn an ninh Khu vực ASEAN (ARF), được tổ chức lần đầu vào năm 1994 theo sáng kiến của Singapore. Đó là một cơ chế đối thoại không chính thức quy tụ 27 nước, gồm các nước thành viên ASEAN, các nước láng giềng và các cường quốc thế giới. Pháp tham dự diễn đàn nhưng không phải với tư cách là một quốc gia, mà thông qua ghế của Liên Hiệp Châu Âu.

Ngoài ra còn có nhiều cơ chế khác. Cơ chế có thể nói là hiệu quả nhất, đó là ADMM+ (ASEAN Defense Ministers Meeting+), gồm bộ trưởng Quốc Phòng các nước trong vùng. Pháp đã chính thức gõ cửa xin tham gia cách đây vài năm, nhất là sau một bài diễn văn của bộ trưởng Quốc Phòng Pháp tại Đối thoại Shangri-la, diễn ra hàng năm vào tuần đầu tiên của tháng Sáu, ở Singapore.

Cần phải nhắc lại một lần nữa là gia nhập một tổ chức đa phương như vậy cần đến một thỏa thuận, trong đó Việt Nam là một đối tác. Tôi cho rằng, nếu nhìn về mặt ngoại giao, Việt Nam cần phải làm thế nào để các nước ngoài, như các nước châu Âu, hoặc phương Tây, kể cả nước Pháp, một ngày nào đó có thể tham gia vào các cơ chế đa phương kiểu này. Nhưng Việt Nam sẽ không thể đơn phương làm được một mình mọi thứ.

RFI : Để đối phó với mối đe dọa Trung Quốc, Việt Nam gia tăng ngân sách quốc phòng, mở rộng quan hệ quân sự với nhiều nước lớn trong thời gian gần đây. Ông đánh giá như nào về sự kiện này ?

Benoît de Tréglodé : Từ 20 năm nay và từ khi đa số các nước thành viên trong vùng phê chuẩn Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS, kí tại Montego Bay, được phần lớn các nước phê chuẩn trong thập niên 1990), có thể nói chúng ta chứng kiến xu hướng gia tăng ảnh hưởng trên biển.

Những nước không hẳn có truyền thống lâu đời về hàng hải, không hẳn có lực lượng hải quân lớn, nhận ra rằng từ giờ trở đi thách thức không chỉ nằm trên đất liền mà đến từ biển. Và điều này dẫn đến sự chồng chéo về lập luận lợi ích chiến lược, cùng với việc kí kết Công ước Quốc tế về Luật Biển.

Công ước này đã buộc các nước Đông Nam Á từ giờ phải coi thách thức hàng hải là những vấn đề ưu tiên quốc gia. Trường hợp này trước đây không có. Đây thực sự là điều hoàn toàn mới, đến với các nước Đông Nam Á vào cuối những năm 1990. Từ giờ các nước ASEAN phải trực tiếp xử lý các vấn đề chủ quyền. Sau những biến động trên, đa số các nước trong vùng, kể cả Trung Quốc, đã quyết định hiện đại hóa lực lượng hàng hải phù hợp theo bối cảnh hiện nay.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM).

*****

(*): Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu đã kết thúc các cuộc đàm phán về Hiệp định thiết lập khuôn khổ tham của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của Liên Hiệp Châu Âu (FPA). Văn bản này đã được các đại sứ của Ủy ban Đại diện thường trực của Liên minh châu Âu (COREPER) phê chuẩn. Hai bên đang hoàn thiện các thủ tục nội bộ cho phép ký kết, phê chuẩn và thực hiện Hiệp định này.

(**) : The Future of the Vietnamese Defense Industry to 2024

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20191007-gia-tang-hop-tac-quoc-phong-viet-nam-eu-nham-chung-mot-doi-thu