Đọc báo Pháp – 07/09/2018
Tương lai châu Âu : Thủ tướng Hung
tuyên chiến với tổng thống Pháp
Căng thẳng tột độ tại Nhà Trắng sau một bài báo và một cuốn sách mới chống tổng thống Trump là tít lớn của nhiều nhật báo Pháp hôm nay 07/09/2018. Về châu Âu, cuộc chiến trên truyền thông giữa tổng thống Pháp và thủ tướng Hungary nhằm huy động lực lượng trước cuộc bầu cử Nghị Viện toàn khối vào đầu năm tới là tựa trang nhất của Le Monde.
Bài « Châu Âu trước cuộc đối đầu Macron / Orban » của Le Monde mở đầu với nhận xét : « Cuộc chiến khai màn ». Trong cuộc hội kiến với bộ trưởng Nội Vụ Ý thuộc phe cực hữu Matteo Salvini, hôm 28/08, thủ tướng Hung Viktor Orban đã gọi tổng thống Pháp là « thủ lãnh của các đảng phái ủng hộ nhập cư » tại châu Âu, và chỉ rõ nguyên thủ Pháp sẽ là « đối thủ chính » của ông trong cuộc bầu cử Nghị Viện tháng Năm tới. Ngay ngày hôm sau, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đáp lời sẵn sàng ứng chiến : « Nếu họ muốn coi tôi là đối thủ chính, họ có lý».
Theo Le Monde, có nhiều điểm cho thấy lập trường về châu Âu của hai lãnh đạo Pháp – Hung đối ngược hoàn toàn. Quan điểm của thủ tướng Hung là Liên Hiệp Châu Âu chỉ nên là một định chế liên chính phủ, đóng vai trò hỗ trợ tài chính cho các quốc gia thành viên, bảo đảm tự do đi lại, khép chặt cửa biên giới với dân nhập cư. Trong khi đó, tổng thống Pháp lại muốn một Liên Hiệp Châu Âu gắn bó, với chủ trương lập thêm nhiều cơ quan mới, kể cả trong vấn đề quản lý nhập cư, lập ra một ngân sách riêng cho khu vực đồng euro, và có biện pháp trừng phạt tài chính đối với các quốc gia thành viên xâm phạm thể chế Nhà nước pháp quyền, như chính quyền Hungary của thủ tướng Orban.
Rõ lập trường để thu hút ủng hộ
Để đạt được mục tiêu của mình, hai ông Macron và Orban phải huy động được tối đa sự ủng hộ của các nghị sĩ châu Âu. Việc thể hiện rõ lập trường đối địch được cho là sẽ giúp cho mỗi bên dễ dàng tìm kiếm được đồng minh.
Hiện tại, thủ tướng Hung gần như chắc chắn có được sự hậu thuẫn của bộ trưởng Nội Vụ Ý, lãnh đạo đảng cánh hữu Luật Pháp và Công Lý (Pis) cầm quyền tại Ba Lan (ông Jaroslaw Kaczynski), cũng như lãnh đạo đảng cực hữu Pháp Marine Le Pen.
Về phần mình, tổng thống Pháp có thể tin tưởng ở sự hỗ trợ từ phía Thụy Điển, Phần Lan, cũng như lãnh đạo các chính phủ cánh tả Nam Âu (Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hy Lạp), được coi là « các đồng minh tự nhiên». Các lãnh đạo cánh tả Nam Âu, và thậm chí cả đảng cánh hữu, cũng ủng hộ các đề nghị về khu vực euro của tổng thống Pháp, và chống lại lập trường bài ngoại của thủ tướng Hung.
Nhiều đảng phái còn dè dặt
Tuy nhiên, Le Monde ghi nhận thực trạng là nhiều lực lượng chính trị tại châu Âu tỏ ra « rất dè dặt », không muốn khẳng định theo Macron hay theo Orban.
Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmunssen, một mặt hết sức thiện cảm với tổng thống Pháp, nhưng mặt khác cho rằng thời điểm hiện tại không thuận cho « các cải cách triệt để » tại châu Âu. Nhiều đảng phái cánh tả và xã hội dân chủ từ chối chọn phe. Đặc biệt đáng kể là lập trường của nhiều lãnh đạo của liên đảng CDU-CSU cầm quyền tại Đức. Chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại Quốc Hội Đức Norbert Rottgen nhấn mạnh là : « Nếu ông Macron muốn trở thành lãnh đạo của một phe, thì ông ấy không thể là người lãnh đạo châu Âu ».
Macron – Orban không đối đầu triệt để
Báo Le Monde dẫn lời một chính trị gia cánh hữu Ba Lan, theo đó, không riêng gì thủ tướng Hung có chính sách « rất cứng rắn » về vấn đề người nhập cư, mà kể cả tổng thống Pháp. Hai ông Macron và Orban chưa hẳn đã đối đầu triệt để trong toàn bộ các vấn đề liên quan đến tương lai của châu Âu.
Bài « Hai quan điểm về châu Âu không phải luôn luôn là đối kháng » của Le Monde nhận định : tổng thống Pháp đối lập triệt để với thủ tướng Hung trong vấn đề Nhà nước pháp quyền, nhưng trong vấn đề nhập cư thì không phải. Về nhập cư, tổng thống Macron cùng chung quan điểm, nay đã trở thành đa số tại châu Âu, đòi hỏi phân biệt rõ giữa những người tị nạn (mà châu Âu có nghĩa vụ đón tiếp) với người di cư vì lý do kinh tế (cần phải được gửi trả về nước sở tại).
Bầu cử Thụy Điển : Cực hữu có thể về nhì
Căng thẳng trong hồ sơ nhập cư cũng trực tiếp liên quan đến viễn cảnh bầu cử Quốc Hội tại Thụy Điển, Chủ Nhật tới. La Croix chạy tít lớn trang nhất : « Thụy Điển, với làn sóng cực hữu », cảnh báo là đảng Dân Chủ (cực hữu), xuất thân từ phong trào phát xít mới, có khả năng giành được từ 18% đến 23% phiếu bầu, và có thể tham gia vào chính phủ mới. Nếu điều này xảy ra, thì đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử của vương quốc nổi tiếng thịnh vượng, cởi mở và được tiếng là nhân ái này.
Theo La Croix, xã hội Thụy Điển dường như đã quá tải với số lượng người nhập cư phải đón tiếp, với 220.000 đơn xin tị nạn trong vòng ba năm gần đây. Trong lúc dân số Thụy Điển chỉ 10 triệu. Năm 2017, Thụy Điển có 1,9 triệu dân sinh ở nước ngoài (chiếm 18,5% dân số).
Hubert Vedrine : Giới tinh hoa
cần lắng nghe dân chúng
Về chủ đề di cư và xu thế chống di dân trỗi dậy tại nhiều nơi trên thế giới, nhiều người đặt câu hỏi phải chăng thế giới hiện nay đang đi đến chỗ « phi toàn cầu hóa ». Les Echos đặt câu hỏi với cựu ngoại trưởng Pháp Hubert Vedrine. Cựu ngoại trưởng Pháp đưa ra một giải thích đáng lưu ý : Đó là trong một thời gian dài, người ta đã « đánh giá quá thấp », những tác động «xã hội, con người, văn hóa và bản sắc » của việc mở cửa thị trường và biên giới, hạ thấp thuế quan. Và hiện nay, chúng ta đang chứng kiến một quá trình « sửa chữa ». Tuy nhiên, toàn cầu hóa không thể ngưng lại, người ta sẽ vẫn tiếp tục di cư. Vấn đề là giới tinh hoa cần phải « chấp nhận là dân chúng phương Tây giờ đây không còn chấp nhận một tiến trình toàn cầu hóa ồ ạt, gây ra những rối loạn xã hội ».
Trong bài phỏng vấn dài với Les Echos, mang tựa đề « Giới tinh hoa cần lắng nghe các đòi hỏi về bản sắc, về chủ quyền, và an ninh của người dân », cựu ngoại trưởng Pháp đặc biệt nhấn mạnh đến « mối nguy cơ lớn nhất » hiện nay, đó là hiểm họa sinh thái đang ngày một đến gần, đã « không được nhìn nhận nghiêm túc ».
Về các tham vọng bành trướng trên biển của Trung Quốc, một lo ngại lớn của « cộng đồng quốc tế » hiện nay, Hubert Vedrine cho rằng, nếu các cường quốc khu vực, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ cùng Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ đoàn kết, chắc chắn sẽ buộc Bắc Kinh phải chùn bước. Cựu ngoại trưởng Hubert Vedrine hy vọng Liên Âu thoát khỏi tình trạng mà ông gọi là « tê liệt về mặt chiến lược » (coma stratégique).
Trong bài phỏng vấn nói trên, cựu ngoại trưởng Pháp cũng nói nhiều về tổng thống Mỹ Donald Trump, mà theo ông vừa là một nhân tố biểu lộ tình trạng khủng hoảng hiện nay, vừa là một tác nhân khiến tình hình nghiêm trọng hơn.
« Nội chiến tại Nhà Trắng »
Một cuộc khủng hoảng mới bùng lên đầu tuần này tại Nhà Trắng là chủ đề chính của nhiều nhật báo Pháp. Theo Le Monde, việc Wahington Post công bố hôm thứ Ba 4/9 nhiều trang của một cuốn sách mới tố cáo chủ nhân Nhà Trắng chắc chắn là đã không được phối hợp với việc New York Times tung lên một bài báo, do một nhân vật ẩn danh, tự giới thiệu là thành viên chính phủ Mỹ. Nhưng hai xuất bản, không hẹn mà gặp cùng lên án sự độc đoán, bất tài của tổng thống Donald Trump.
Về phần mình, Libération chạy tựa trang nhất : « Nội chiến tại Nhà Trắng ». Libération mô tả là chính quyền Trump đã trở nên phát cuồng, sau khi cuốn sách và bài báo được công bố. Điều này có lẽ dễ hiểu. Bởi bài báo của tác giả bí mật trên New York Times tố cáo một tổng thống « không nắm được các hồ sơ », « đầy bản năng chết chóc », « do dự đến mức đồng bóng », « thiện cảm thái quá với các lãnh đạo độc tài », « kỳ thị giới tính bẩm sinh », « tàn nhẫn »… Trong khi đó cuốn sách của nhà báo Bob Woodward cho thấy tổng thống Trump đối mặt với cả một mạng lưới những người bất tuân phục trong nội bộ chính quyền Mỹ.
Hồ sơ về bài báo chống Trump « gây bão » tại Nhà Trắng của Les Echos nhấn mạnh là đây không phải là ấn phẩm đầu tiên mô tả tình trạng hỗn loạn ngự trị tại Nhà Trắng, tuy nhiên, điểm đặc biệt của các xuất bản này là đã cho thấy tổng thống Mỹ đã mất đi sự ủng hộ của một bộ phận những người thân cận nhất.
Theo giáo sư về khoa học chính trị đại học Columbia, ông Robert Shapiro, trong bối cảnh tổng thống Mỹ mất uy tín trầm trọng, khả năng điều 25 của Hiến pháp Hoa Kỳ được sử dụng để phế truất tổng thống là có thể. Tuy nhiên, khả năng này rất ít xảy ra, vì cần phải được sự ủng hộ của phó tổng thống, và sau đó là sự chấp thuận của hai phần ba nghị sĩ Lưỡng Viện. Viễn cảnh phế truất tổng thống phụ thuộc nhiều vào kết quả bầu cử Quốc Hội Mỹ giữa nhiệm kỳ, vào đầu tháng 11 tới. Hiện tại, tỉ lệ ủng hộ của tổng thống Mỹ sụt giảm xuống còn 40%, theo các thăm dò dư luận mới nhất, tuy nhiên, điều đáng chú ý là tỉ lệ ủng hộ của cử tri truyền thống đảng Cộng Hòa đối với Donald Trump thay đổi rất ít.
Kim Jong Un vẫn « tin » vào Donald Trump
Thời sự châu Á rất ít xuất hiện trên mặt các nhật báo Pháp ra ngày hôm nay. Riêng Les Echos có bài ghi nhận cuộc duyệt binh khổng lồ dự kiến sẽ được tổ chức tại Bình Nhưỡng ngày Chủ nhật này, nhân ngày Quốc khánh. Les Echos chú ý đến thái độ « thất vọng » của lãnh đạo trẻ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Hôm thứ Tư vừa qua, Kim Jong Un than phiền với các đặc phái viên của tổng thống Hàn Quốc, là vẫn luôn luôn giữ « niềm tin » vào tổng thống Mỹ Donald Trump, và mong muốn tiếp tục thực thi việc « phi hạt nhân hóa hoàn toàn » bán đảo Triều Tiên.
Ấn Độ hủy bỏ luật kết tội người đồng tính
Trong lĩnh vực xã hội, nhiều báo Pháp có bài về Ấn Độ ngừng coi quan hệ luyến ái đồng tính là tội phạm. Báo Les Echos mô tả cờ mang hình cầu vồng bảy sắc – biểu tượng của cộng đồng đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới – tung bay tại nhiều thành phố lớn của Ấn Độ. Việc Tòa Án Tối Cao Ấn Độ xóa bỏ điều luật có từ thời thực dân Anh cách nay một thế kỷ rưỡi, được đánh giá là một « quyết định lịch sử ». Tuy nhiên, sẽ còn rất nhiều việc phải làm để thay đổi được văn hóa kỳ thị với người đồng tính, bắt rễ trong xã hội Ấn Độ. Nhưng theo Libération, điều quan trọng nhất trước mắt, là những người đồng tính giờ đây được cảm thấy « an toàn ».
Pháp : Hạ thủy tàu chở hàng khổng lồ,
lo ngại ô nhiễm gia tăng
Trong lĩnh vực môi trường, xã luận La Croix chú ý đến việc tàu chở contenơ lớn nhất của nước Pháp, đứng thứ ba thế giới, hạ thủy hôm qua. Tàu mang tên nhà văn, nhà thám hiểm Saint Exupery, dài 400 mét, có thể chuyên chở được 20.600 contenơ. Với chiếc tàu khổng lồ mới, công ty vận tải hàng hải Pháp CMA CGM hy vọng sẽ đẩy mạnh khả năng cạnh tranh trong ngành vận tải biển, một trong các mũi nhọn của tăng trưởng kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, La Croix lưu ý vận tải biển là nguyên nhân gây ô nhiễm chủ yếu đối với đại dương, và thúc đẩy cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Hiện tại chưa có gì hữu hiệu để ngăn chặn xu thế này, La Croix chỉ biết khuyên độc giả hãy lưu ý, và người tiêu thụ hãy cố gắng mua các sản phẩm địa phương, để tránh tiếp tay cho ô nhiễm.
Pháp : Một người « vô danh »
phát động tuần hành vì sinh thái
Cũng về môi trường, mục « Mỗi ngày một sự kiện » của Les Echos chú ý đến cuộc biểu tình « vì khí hậu », do một người « vô danh » phát động, dự kiến sẽ diễn ra tại Pháp ngày mai, thứ Bảy 8/9. Theo Les Echos, cuộc tuần hành này đã được khởi động, nhằm đánh động ý thức của người dân, sau khi bộ trưởng Chuyển Hóa Sinh Thái và Đoàn Kết Nicolas Hulot từ chức. Les Echos ghi nhận sinh thái hiện tại là một trong các quan tâm hàng đầu của người Pháp, nhưng chưa được chính phủ đáp ứng. Nhà hoạt động môi trường Nicolas Hulot tuyên bố từ chức, vì ở cương vị bộ trưởng, ông cảm thấy « cô đơn ». Theo thăm dò dư luận mới nhất của Elabe, ông Hulot là nhà chính trị được sự ủng hộ cao nhất của người dân trong nước, với tỉ lệ 53% (tăng 11 điểm so với khi ông còn tại vị).
Dụng ý của người « vô danh » khi đưa ra sáng kiến này là không để cho phong trào bị « chính trị hóa ». Các hiệp hội bảo vệ môi trường ủng hộ sáng kiến này, nhưng không trực tiếp tham gia tổ chức tuần hành. Hiện tại, trên mạng internet, hơn 100.000 người cho biết có ý muốn tham gia.
http://vi.rfi.fr/phap/20180907-tuong-lai-chau-au-orban-tuyen-chien-voi-macron
Tin đọc nhanh
(AFP) –Tây Tạng : Trả lời báo Mỹ, lãnh 5 năm tù.
Hiệp hội Ký giả Ngoại quốc tại Trung Quốc hôm nay 07/09/2018 cho biết vô cùng kinh ngạc và phẫn nộ trước bản án phúc thẩm 5 năm tù giam dành cho Tashi Wangchuk, một người Tây Tạng khi trả lời New York Times đã tố cáo việc ngôn ngữ Tây Tạng không còn được giảng dạy tại các trường học ở Thanh Hải, cho rằng đây là sự « thảm sát nền văn hóa Tây Tạng ».
(AFP) – Tập Cận Bình sang Nga dự thượng đỉnh, Kim Jong Un chưa trả lời.
Tuần sau, trong ba ngày 11 đến 13/09, chủ tịch Trung Quốc sang Nga dự Diễn đàn kinh tế quốc tế tại Vladivostok. Đây là lần đầu tiên Tập Cận Bình tham dự một hội nghị sát biên giới Hoa lục. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un cũng được tổng thống Nga mời nhưng đến hôm nay (07/09/2018) vẫn chưa trả lời.
(Reuters) – Trung Quốc sẽ huấn luyện quân Afghanistan.
Trung Quốc sẽ huấn luyện các quân nhân Afghanistan tại Hoa lục, theo khẳng định của đại sứ nước này tại Bắc Kinh hôm qua 06/09/2018, để đối phó với Al Qaida và tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Trung Quốc cũng sẽ cung cấp hai máy bay vận tải để tải thương, và các trực thăng tác chiến. Trong khi đó hôm nay bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Mattis và tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Joseph Dunford bất ngờ đến Kabul để gặp tân chỉ huy trưởng lực lượng NATO tại Afghanistan.
(Reuters) – Đại sứ Mỹ tại Bruxelles : Hoa Kỳ-Châu Âu hợp lực chống Trung Quốc.
Trong mục diễn đàn của báo Politico Europe ngày hôm nay, ông Gordan Sondland, tân đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Châu Âu kêu gọi Washington và Bruxelles vượt qua các xung khắc về thương mại, theo tinh thần thỏa hiệp đạt được hồi tháng 7, để cùng nhau chống lại cuộc « xâm lăng thương mại » của Bắc Kinh. Mục tiêu chung của hai đại cường kinh tế Tây phương là buộc Trung Quốc tôn trọng luật chơi kinh tế thị trường, mở rộng thị trường nội địa và chấm dứt hành động cạnh tranh bất chính.
(Reuters) – Phó tổng thống Mỹ kêu gọi tân tổng thống mới của Paraguay duy trì sứ quán của nước này ở Israel tại Jerusalem.
Lời kêu gọi được ông Mike Pence đưa ra ngày 06/09/2018, sau khi Asuncion công bố kế hoạch chuyển đại sứ quán của họ trở lại Tel Aviv, mặc nhiên xóa bỏ quyết định của chính quyền Paraguay tiền nhiệm. Phó tổng thống Mike Pence là người đóng vai trò chính trong quyết định của chính quyền Donald Trump, chuyển Đại Sứ Quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem.
(AP) – Con trai cả thủ tướng Hun Sen được đề bạt làm tư lệnh Lục Quân Cam Bốt.
Tướng Hun Manet, 40 tuổi, được cử lãnh đạo binh chủng nàt vào ngày 07/09/2018, mặc nhiên trở thành nhân vật quyền thế thứ hai trong Quân Đội Hoàng Gia. Trước đó, Hun Manet từng phụ trách nhiều chức vụ then chốt như chỉ huy lực lượng chống khủng bố của Bộ Quốc Phòng hay phó chỉ huy đơn vị cảnh vệ của chính thủ tướng Hun Sen. Ông được xem là người kế vị tiềm tàng cho cha của mình.
(AFP) – Irak : Người dân Bassora tiếp tục biểu tình bạo động chống chính phủ.
Từ ba ngày nay, tối nào cũng có hàng ngàn dân tỉnh Bassora, miền nam Irak xuống đường tấn công, đốt phá cơ cở chính quyền. Phong trào chống tham nhũng nổi lên từ tháng 7/2018. Tuy là tỉnh giàu nhất Irak, với nguồn dầu hỏa dồi dào nhưng Bassora chìm trong nghèo khó, thiếu thốn triền miên : từ điện, nước cho đến các dịch vụ tối thiểu. Tình trạng nước ô nhiễm làm cho 30.000 dân phải nhập viện là giọt nước tràn ly. 9 người biểu tình bị cảnh sát bắn chết tính từ thứ ba đến tối thứ năm (06/9). Toàn tỉnh bị đặt trong tình trạng giới nghiêm ban đêm. Quốc hội Irak cho biết sẽ họp khẩn cấp trong ngày hôm nay (07/09/2018) với các bộ trưởng liên hệ.
(AFP) –Dữ liệu khách hàng British Airways bị đánh cắp.
Hãng hàng không Anh British Airways hôm nay 07/09/2018 thông báo sẽ bồi thường cho các khách hàng bị thiệt hại, sau khi vụ tin tặc đánh cắp thông tin từ 380.000 thẻ tín dụng của khách.
(AFP) – Tân cựu vô địch bóng đá thế giới hòa nhau 0-0.
Cuộc so tài chính thức giữa hai đội tuyến Pháp và Đức trong Giải Liên Đoàn Các Quốc Gia Châu Âu đã bất phân thắng bại. Đội Pháp đã bị đội Đức ép sân nhưng không thúc thủ nhờ một thủ môn dự bị thứ ba Alphonse Areola xuất thần. Riêng đội tuyển Đức, bị loại bất ngờ tại Cúp Thế giới ở Nga, đã cố rửa nhục, nhưng chưa thành công.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180907-tin-doc-nhanh