Đọc báo Pháp – 07/08/2020
TikTok: Biểu tượng một cuộc Chiến Tranh Lạnh Mỹ-Trung kiểu mới – Trọng Nghĩa
Thời sự trong nước chiếm lĩnh hầu như toàn bộ trang nhất các tờ báo lớn tại Pháp vào hôm nay, 07/08/2020. Trong lúc La Croix tìm hiểu về giới chống khẩu trang hiện nay, Le Figaro báo động về tình trạng mất an ninh thường nhật tại Pháp, thì Libération chú ý đến cách thức chính quyền Macron tranh thủ trào lưu sinh thái đang vươn lên, còn Les Echos nêu bật ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên các đại gia của thị trường chứng khoán Paris.
Duy chỉ có Le Monde là quan tâm nhiều đến thời sự quốc tế, đã dành tựa lớn cho vụ nổ thảm khốc tại Liban, với chuyến viếng thăm đột xuất của tổng thống Pháp và nhất là bài xã luận về quan hệ Mỹ-Trung đang rất căng thẳng.
Dưới tựa đề: “Trump chống TikTok, hay cuộc Chiến Tranh Lạnh trên mạng”, Le Monde đã phân tích cuộc đọ sức Mỹ-Trung qua một lăng kính địa chính trị khá lý thú.
Một ứng dụng giải trí cho giới trẻ lại trở thành vũ khí Chiến Tranh Lạnh
Theo Le Monde, lẽ ra một ứng dụng cho thanh thiếu niên như TikTok, chỉ dùng để chia sẻ những tiểu phẩm video hay những bài hát nhái ngẫu hứng, không có vai trò làm dấy lên một cuộc chiến tranh lạnh trên mạng tin học toàn cầu. Thế nhưng đó lại là điều đang diễn ra.
Bực tức trước sự đột phá ngoạn mục của ứng dụng Trung Quốc vào sân chơi của các chàng khổng lồ Mỹ trong lãnh vực Internet – hơn 2 tỷ người trên thế giới đã tải nạp TikTok – tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định biến ứng dụng này thành mục tiêu tấn công trong cuộc phản công chống lại đà bành trướng của Bắc Kinh và duy trì thế thống trị của Hoa Kỳ trên màng lưới tin học toàn cầu.
Với lý do quan ngại trước nguy cơ dữ liệu cá nhân của khoảng 50 triệu người sử dụng TikTok hàng ngày ở Mỹ sẽ bị Trung Quốc nắm giữ, ông Trump thoạt đầu thông báo ý định cấm ứng dụng này, trước khi đổi ý, yêu cầu để cho Microsoft hay một tập đoàn khác của Mỹ, mua lại TikTok từ tay tập đoàn Trung Quốc ByteDance, chủ nhân của ứng dụng. Thương vụ này phải được hoàn thành trước ngày 15/09.
Theo Le Monde, như vậy là sau Hoa Vi, vốn cũng bị cáo buộc là làm gián điệp cho chế độ Bắc Kinh, ứng dụng TikTok đã trở thành vũ khí tấn công của một tổng thống Mỹ đang gặp khó khăn trong chiến dịch giành thêm nhiệm kỳ thứ hai.
Không chỉ có hệ quả về chính trị và kinh tế, quyết định giận dữ của ông Trump đối với Trung Quốc còn đánh dấu một khúc quanh đối với mạng Internet toàn cầu. Được thiết lập như một hệ thống trao đổi không biên giới, Internet như đã bị tách đôi trước những biến động địa chính trị.
Trung Quốc là bên nêu gương xấu trước
Nhật báo Pháp Le Monde tuy nhiên cũng công nhận rằng Trung Quốc là phía đã nêu gương xấu trước tiên.
Bắc Kinh chưa bao giờ cho phép các đại gia Internet phương Tây hoạt động trên lãnh thổ Trung Quốc, mà tập trung phát triển những phiên bản nội địa của Google, Facebook hay Amazon để kiểm soát dễ dàng hơn dữ liệu của công dân họ và gạt bỏ mọi quan điểm chỉ trích. Tại Trung Quốc, ứng dụng TikTok chẳng hạn, có tên là Đẩu Âm (Douyin), và không để lẫn fan Trung Quốc với fan Mỹ hay châu Âu.
Khi đánh vào TikTok, Donald Trump đã bọc thêm một bức màn sắt của Mỹ trên bức trường thành ngăn chặn internet của Trung Quốc. Mục tiêu của thương vụ TikTok – Microsoft là để tách rời hoạt động của TikTok tại Mỹ ra khỏi hoạt đông tại Trung Quốc, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu đã có phương tiện kỹ thuật tách biệt hoàn toàn hai hệ thống hay chưa, để bảo vệ được các dữ liệu của người Mỹ.
Theo Le Monde, những cáo buộc về nguy cơ gián điệp, thu gom dữ liệu cá nhân phục vụ chế độ Trung Quốc, không phải là chuyện viễn vông. Luật lệ Trung Quốc buộc các công ty Internet, không những phải trả lời mọi yêu cầu của cơ quan tình báo, mà còn phải giữ kín những chuyện này.
Nhu cầu ngăn chận các nỗ lực thâm nhập của một chế độ độc tài vào thế giới phương Tây là điều cần thiết, nhưng cách làm thất thường của ông Trump chỉ càng thúc đẩy nhanh và một cách nguy hiểm việc cắt đứt tình trạng lệ thuộc vào nhau giữa hai siêu cường vốn bảo đảm sự chung sống hòa bình giữa hai bên.
Le Monde: Tại Liban, sau thảm họa là nỗi giận dữ và những câu hỏi
Tựa lớn trang nhất của Le Monde được dành cho chủ đề Liban: “Beyrouth: Nỗi giận dữ và những câu hỏi sau thảm họa”.
Tờ báo nhắc lại rằng tình trạng khẩn cấp đã được chính quyền Liban ban hành trong bối cảnh người dân Liban không tránh khỏi giận dữ trước điều bị họ cho là tầng lớp chính trị lãnh đạo đang đùn đẩy trách nhiệm về sự cố.
Một câu hỏi đang được đặt ra là do đâu mà các hóa chất đã bùng nổ để gây ra thảm họa lại được tàng trữ ở cảng Beyrouth trong ròng rã sáu năm mà không hề chú ý đến các biện pháp an toàn. Vì tắc trách hay vì tham nhũng, cuộc điều tra vừa được khởi động sẽ phải giải thích được điều đó.
Tại chỗ, Le Monde ghi nhận những nỗ lực cứu trợ khẩn cấp trong một khung cảnh hoàn toàn hỗn loạn, với 250.000 cư dân thành phố phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất, và thiệt hại vật chất được ước tính lên đến 3 tỷ đô la.
Con số thương vong tiếp tục tăng cao với thời gian, đã vượt mức 137 người chết và 5000 người bị thương. Điều mà giới quan sát lo ngại là thảm họa này sẽ để lại những hậu quả dài hạn về mặt sức khỏe đối với người dân.
Tờ báo Pháp dĩ nhiên đã nêu bật phản ứng đoàn kết tương trợ nhanh chóng của nước Pháp, với tổng thống Macron đích thân đến thủ đô Liban vào sáng hôm qua.
Libération: Macron muốn đối lập sinh thái “tiến bộ” với “lạc hậu”
Trang nhất Libération được dành cho một chủ đề chính trị nội bộ Pháp với hàng tựa chính đầy tính chất châm biếm: “Macron và (tính toán) tái chế chính sách sinh thái”.
Theo nhận xét của Libération, sau các thắng lợi rõ rệt mới đây của các đảng theo xu hướng sinh thái tại cuộc bầu cử các hội đồng thị xã thành phố, đa số đang cầm quyền của tổng thống Macron đã tìm cách giành lại ưu thế.
Tranh thủ mối quan tâm lớn của người Pháp đối với các vấn đề môi trường và sinh thái, được phản ánh qua cuộc bầu cử vừa qua, chính quyền của ông Macron đã thúc đẩy điều được gọi là chủ trương “sinh thái tiến bộ” chống lại quan điểm bị cho là “mang tính chất trừng phạt và đẩy lùi tăng trưởng” mà theo chính quyền, các đảng Xanh từng theo đuổi.
Theo tờ báo cánh tả Pháp, để đạt mục tiêu là phô trương tính chất “tiến bộ” của chính sách sinh thái của mình, đảng cầm quyền không ngần ngại cường điệu, chế nhạo các thị trưởng mới thuộc phong trào sinh thái, gọi họ là những thành phần “lạc hậu” và “tả khuynh”.
Le Figaro: Bạo lực thường nhật gia tăng tại Pháp
Cũng quan tâm đến lãnh vực xã hội, nhật báo cánh hữu Pháp Le Figaro nhấn mạnh đến tình trạng an ninh đang xấu đi tại Pháp.
Trong hàng tựa lớn trang nhất, Le Figaro nêu bật mối quan tâm về đến tình hình an ninh ở Pháp và giới thiệu một “tài liệu” mà tờ báo mệnh danh là “ký sự về tình trạng bạo lực thường nhật tại Pháp”.
Trong bài “72 tiếng đồng hồ bạo lực thường nhật ở Pháp”, tờ báo cho biết bản ký sự đó chính là bản tập hợp báo cáo hàng ngày của cảnh sát và hiến binh trên toàn quốc mà tờ báo có được.
Đối với Le Figaro, tình hình an ninh tại Pháp xấu đi đến mức mà tân bộ trưởng Nội Vụ Gérald Darmanin, vào cuối tháng 7, đã phải thốt lên “nước Pháp bị bệnh bất an ninh”.
Bản báo cáo mà tờ báo tham khảo xác nhận tình trang đó. Chỉ trong 3 ngày ngay giữa mùa hè, các vụ phạm pháp làm cho người ta chóng mặt, từ mưu toan giết người, phóng hỏa, thanh toán nhau dẫn đến chết người, cho đến gài bẫy cảnh sát, tấn công thị trưởng, cố tình đâm xe vào hiến binh…
Trong một bài viết thứ hai, Le Figaro nêu bật sự kiện là “Lực lượng cảnh sát và hiến binh quan ngại về tình trạng cứ 30 phút là có một hành vi bất phục tùng”.
Sô liệu này, theo tờ báo, cho thấy tất cả những khó khăn, vất vả mà các nhân viên công lực gặp phải trong việc duy trì trật tự.
La Croix: Covid-19 và những kẻ chống khẩu trang
Riêng về dịch Covid-19, nhật báo Công Giáo Pháp La Croix trở lại với một sự kiện xã hội hoàn toàn mới tại phương Tây trong hàng tựa trang nhất: “Những kẻ không chấp nhận khẩu trang”.
Theo La Croix, bất chấp những lập luận mạnh mẽ về y tế, một thiểu số trong dân chúng các nước vẫn không chấp nhận thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh lây lan, đặc biệt là đeo khẩu trang. Tính đặc thù của cuộc khủng hoảng Covid-19, theo tờ báo, đang đánh thức những “người nổi loạn” mới, chống lại mọi khuyến cáo cho dù những lời khuyên này chỉ nhằm mục tiêu bảo vệ mạng sống của họ.
La Croix ghi nhận là ngay từ đầu hè, nhiều cuộc biểu tình đã bùng lên ở Đức để phản đối việc đeo khẩu trang, trong lúc ở Mỹ thì đã nổ ra những hành vi bạo lực dữ dội hơn, và nhất là tạo ra một sự phân biệt chính trị, giữa phe đeo khẩu trang thuộc đảng Dân Chủ và phe không chịu đeo, thường thuộc đảng Cộng Hòa.
Tại Pháp, dù đó đây đã xuất hiện một vài hành vi bạo lực chống việc đeo khẩu trang, nhưng đó chỉ là những biểu hiện cá biệt, không nhuốm màu sắc chinh trị năng nề như ở Hoa Kỳ.
Tin tổng hợp
(Truyền thông Việt Nam) – Covid-19: Sô ca lây nhiễm tiếp tục được phát hiện ở nhiều tỉnh.
Theo số liệu bộ Y Tế công bố vào 6 giờ sáng hôm nay 07/08/2020, Việt Nam ghi nhận thêm 3 ca nhiễm mới, 2 người tại Quảng Trị và 1 người tại Thanh Hoá, cả 3 trường hợp đều liên quan đến Đà Nẵng. Tổng số ca dương tính với virus corona được ghi nhận cho đến nay là 750 người. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý cuộc chiến chống Covid-19 tại Việt Namđã bắt đầu bước sang thời kỳ cao điểm, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng rất cao. Ông yêu cầu bảo đảm đủ thiết bị y tế, sinh phẩm cho các địa phương có dịch, không viện lý do cơ chế, thiếu tiền mà xử lý chậm.
( TTX Việt Nam ) – Cựu tổng bí thư Lê Khả Phiêu từ trần.
Theo tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, cựu tổng bí thư Đảng Cộng Sản Lê Khả Phiêu (1997-2001), vừa từ trần hôm nay, 07/08/2020, vào lúc 2 giờ 52 , tại Hà Nội. Sinh năm 1930 tại Thanh Hóa, tướng Lê Khả Phiêu từng là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội, trước khi được bầu làm tổng bí thư tại Hội nghị Trung ương 4 năm 1997, thay thế ông Đỗ Mười.
(CNN) – Nhật cảnh báo Trung Quốc về Biển Đông.
Trả lời đài CNN vào hôm nay, 07/08/2020, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Taro Kono, nhận định: “Tất cả những ai muốn thay đổi hiện trạng bằng vũ lực sẽ phải trả giá cao”. Theo bộ trưởng Nhật, tự do hàng hải ở Biển Đông “quan trọng như ở mọi nơi khác và những gì diễn ra ở đấy… sẽ liên quan đến cộng đồng quốc tế”.
( AFP ) – Facebook xóa các tài khoản vận động cho Trump.
Hôm qua, 06/08/2020, Facebook thông báo đã phá vỡ một mạng lưới khoảng 120 tài khoản trên mạng xã hội cũng như trên ứng dụng Instagram. Đó là những tài khoản được điều khiển từ Rumani và quảng cáo cho chiến dịch vận động để tổng thống Mỹ Donald Trump được tái đắc cử. Các tác giả của những tài khoản này mạo nhận là công dân Mỹ và là những người ủng hộ tổng thống Trump.
( AFP ) – Twitter sẽ “dán nhãn” các tài khoản truyền thông của các Nhà nước.
Hôm qua, 06/08/2020, tập đoàn Twitter thông báo sẽ ghi rõ và giảm tầm mức tác động đối với những tài khoản của các phương tiện truyền thông mà chính quyền một nước kiểm soát về mặt tài chính và đường hướng biên tập. Twitter giải thích: “Khác với các phương tiện truyền thông độc lập, các truyền thông có liên hệ với chính quyền một nước thường đưa tin với những ý đồ chính trị ”. Mạng xã hội Facebook cũng đã thi hành các biện pháp tương tự vào tháng 6 vừa qua.
(AFP) – Tai tiếng “Dieselgate”: 4 cựu viên chức của hãng xe Đức Audi sẽ bị đưa xét xử.
Theo thông báo của tư pháp Đức hôm qua, 06/08/2020, đó là một cựu lãnh đạo cao cấp cùng 3 cựu thành viên của ban giám đốc Audi, một chi nhánh của Volkswagen, liên quan đến vụ tại tiếng xe chạy bằng diesel gọi là «Dieselgate» ở Đức, bùng lên cách đây gần 5 năm. Theo Viện Công Tố Munich, những người này bị cáo buộc là tuy biết hệ quả nguy hiểm và việc thao túng trên động cơ xe hơi, nhưng đã làm mọi cách để bán xe. Vụ tai tiếng liên quan đến cả các loại xe của Volkswagen.
(Reuters) – Tháng 07/2020 là một trong những tháng 07 nắng nóng nhất từng được ghi nhận từ giữa thế kỷ 19.
Theo các số liệu khí tượng thủy văn mới được công bố hôm qua 06/08/2020, ba tháng Bảy nóng nhất trong lịch sử đều tập trung trong 5 năm trở lại đây : năm 2016, 2019 và 2020. Tại Mỹ, trong tháng 07, New Mexico và Texas đã ghi nhận nắng nóng ở mức cao kỷ lục. Tại Bahreïn, tháng 07/2020 cũng là tháng Bảy nóng nhất tính từ năm 1902. Tại Bắc Băng Dương, diện tích băng đá trong tháng 07 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ 40 năm nay, khi bắt đầu có các số liệu từ vệ tinh.
(AFP) – Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi Hội nghị trưởng lão Afghanistan (loya Jirga) thả 400 tù nhân Taliban.
Hội nghị trưởng lão Afghanistan diễn ra vào hôm nay 07/08 tại Kaboul, với sự tham gia của 3.200 chức sắc. Trong một thông cáo ngày 06/08/2020, ngoại trưởng Mỹ thừa nhận việc thả các tù nhân Taliban phạm tội nghiêm trọng là điều khó khăn nhưng sẽ mang lại kết quả quan trọng cho Afghanistan: giảm bạo lực và hướng đến các cuộc thảo luận trực tiếp nhằm đạt được một thỏa thuận hòa bình và chấm dứt chiến tranh.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200807-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 7/8:
Mỹ dự định bán 4 máy bay tối tân cho Đài Loan;
Lebanon bắt 16 người để điều tra vụ nổ
Lục Du
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Sáu (7/8) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Mỹ dự định bán 4 máy bay tối tân cho Đài Loan
Hoa Kỳ đang trong quá trình đàm phán để chuyển giao ít nhất 4 máy bay không người lái tân tiến cho Đài Loan. Reuters bình luận, cuộc giao dịch nếu thành công có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung.
Các máy bay không người lái mà Đài Loan muốn mua của Mỹ có tầm hoạt động 6.000 hải lý (tương đương 11.100 km), lớn hơn nhiều so với phạm vi 160 dặm của các máy bay không người lái mà Đài Bắc đang sở hữu.
Thương vụ cần được thông qua tại Nghị viện Mỹ, sớm nhất vào tháng sau, hai nguồn tin nói với Reuters.
Lebanon bắt 16 người để điều tra vụ nổ
Mười sáu nhân viên tại cảng Beirut, nơi xảy ra vụ nổ lớn hôm thứ Ba (4/8) khiến hàng trăm người thiệt mạng, đã bị giam giữ, một công tố viên quân sự của Lebanon cho biết thông tin hôm thứ Năm (6/8), theo SBS News.
“16 người đã bị bắt giữ để phục vụ công tác điều tra”, hãng thông tấn Lebanon NNA dẫn lời ông Akiki, một quan chức chính phủ.
Hiện chưa rõ những nhân viên này có liên quan như thế nào đến vụ nổ. Quyết định bắt giữ được đưa ra sau khi Thủ tướng và Tổng thống Lebanon tuyên bố sẽ đưa thủ phạm gây thảm họa vào tù.
Nguyên nhân vụ nổ vẫn chưa được làm rõ. Có quan chức Lebanon cho rằng vụ nổ là kết quả kích hoạt các vật liệu gây nổ lưu trữ tại cảng. Tuy nhiên, Tổng thống Trump trong một cuộc họp báo cho biết vụ nổ giống một vụ đánh bom.
TT Trump nói ông Joe Biden là kẻ ‘làm tổn thương Chúa’
Dailycaller hôm thứ Năm (6/8) đưa tin, trước đám đông người ủng hộ ở bang Ohio, Tổng thống Trump cho rằng cựu Phó Tổng thống Joe Biden là kẻ “làm tổn thương Chúa”.
“Ông ta muốn lấy đi súng của người dân, xóa bỏ Tu chính án thứ 2 [quyền được sử dụng vũ khí]. Không tôn giáo, không có bất cứ điều gì”, ông Trump nói về ông Biden. Ông ta “làm tổn thương Kinh thánh, làm tổn thương Chúa. Ông ta chống lại Chúa”.
Nhóm tranh cử của ông Biden đã nhanh chóng đưa ra bào chữa phản bác phát biểu của ông Trump, nói rằng đức tin Công giáo của ông Biden là một phần quan trọng trong cuộc sống của cựu phó Tổng thống này.
Thống đốc bang Ohio nhiễm virus Vũ Hán
Mike DeWine, Thống đốc của bang Ohio, bang nằm ở vùng đông bắc Hoa Kỳ, hôm thứ Năm thông báo ông đã bị nhiễm virus Vũ Hán, theo Reuters.
Trên tài khoản Twitter, vị thống đốc thuộc phe Cộng hòa này cho biết ông không có triệu chứng nào vào thời điểm hiện tại, và ông sẽ quay trở lại thủ phủ Columbus của bang Ohio để cách ly tại nhà trong 14 ngày.
Bang Ohio là nơi Tổng thống Trump ghé chân hôm thứ Năm và có bài phát biểu trong chiến dịch vận động tranh cử của mình. Trước thời điểm ông Trump tới bang này, Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows nói rằng Ohio đã sắp xếp người đại diện thay ông DeWine để đón tiếp tổng thống.
WHO phê phán ‘chủ nghĩa dân tộc vắc xin’
AFP đưa tin, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm thứ Năm đã phê phán “chủ nghĩa dân tộc vắc xin”, nói rằng việc các nước giàu sở hữu vắc xin phòng virus Vũ Hán sẽ không giải quyết được vấn đề nếu các nước nghèo vẫn tiếp xúc bị dịch Covid tàn phá.
“Chủ nghĩa dân tộc vắc-xin là không tốt, nó sẽ không giúp ích gì cho chúng ta”, Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, nói tại Diễn đàn An ninh Aspen được tổ chức trực tuyến.
Ông Tedros cũng cho biết việc phục hồi sau Covid cần phải được đồng bộ, vì hiện tất cả các nước trên thế giới đang cùng chung sống trong trạng thái toàn cầu hóa.
Người đứng đầu WHO đưa ra lời khuyên rằng, vì lợi ích, các nước giàu hãy đảm bảo vắc xin phòng virus Vũ Hán được chia sẻ rộng rãi trên toàn cầu.
Điểm tin thế giới tối 7/8:
Nghi vấn doanh nhân Nga
bỏ lại ‘quả bom nổi’ ở Lebanon; Trung Quốc nói
Mỹ nên ngừng bán vũ khí cho Đài Loan
Triệu Hằng
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Sáu (7/8) của DKN xin gửi tới bạn đọc phần tóm lược của những tin sau:
Nghi vấn doanh nhân Nga bỏ lại ‘quả bom nổi’ ở Lebanon
Igor Grechushkin, doanh nhân người Nga được cho là đã bỏ lại con tàu chứa 2.700 tấn amoni nitrat ở cảng Beirut từ tháng 6/2013, dẫn đến vụ nổ “long trời lở đất” rung chuyển thủ đô Lebanon hôm 4/8, theo Greatgameindia.
Số hàng được tàu Rhosus treo cờ Moldova chở từ Gruzia tới Mozambique để làm phân bón, nhưng bị bỏ lại khi tàu gặp sự cố động cơ lúc cập cảng Beirut. Do chi phí phát sinh trong quá trình neo tại cảng khiến Grechushkin sau đó tuyên bố phá sản và bỏ rơi con tàu và các thuyền viên.
Trung Quốc nói Mỹ nên ngừng bán vũ khí cho Đài Loan
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Sáu tuyên bố Mỹ nên ngừng bán vũ khí cho Đài Loan, sau khi hãng tin Reuters cho biết Washington đang đám phán bán ít nhất 4 máy bay trinh sát không người lái cỡ lớn cho hòn đảo này.
Người phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói trong một cuộc họp báo rằng, việc bán vũ khí của Mỹ vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc “một Trung Quốc” mà theo đó Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ.
Mỹ gửi 3 máy bay chở hàng cứu trợ tới Lebanon
Quân đội Mỹ đang đưa 3 máy bay chở hàng cứu trợ gồm thực phẩm, nước và vật tư y tế tới Lebanon, Bộ Tư lệnh đặc trách miền Trung Hoa Kỳ thông báo hôm thứ Năm (6/8), hai ngày sau vụ nổ hóa chất rung chuyển cảng Beirut khiến ít nhất 157 người chết và khoảng 5000 người bị thương, theo Fox News. Các quan chức Lầu Năm Góc dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp báo vào lúc 1h30 chiều thứ Năm để phác thảo sơ lược thêm các kế hoạch cứu trợ Lebanon.
Bộ trưởng Y tế Hoa Kỳ sắp đến Đài Loan
Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, ông Alex Azar dự kiến sẽ đến Đài Loan hôm Chủ nhật tới (9/8) để gặp Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, phát ngôn viên nội các Ting I-ming dẫn thông báo của Thủ tướng Su Tseng-chang hôm thứ Năm (6/8) cho hay.
Phó tổng giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Đài Loan, ông Chuang Jen-hsiang cho biết, phái đoàn Mỹ sẽ được xét nghiệm nucleic acid trước và sau khi nhập cảnh Đài Loan. Họ cũng phải xét nghiệm trước và sau khi ra sân bay để về nước, tờ Taiwan News đưa tin.
Ông Chuang lưu ý, phái đoàn Mỹ có lịch trình công tác nghiêm ngặt nên sẽ chỉ ghé thăm những địa điểm đã lên kế hoạch trước, trong đó không bao gồm các chợ đêm đông đúc ở Đài Loan. Đồng thời phái đoàn luôn phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách khi gặp các quan chức chính phủ.
Cựu thủ tướng Malaysia lập đảng chính trị mới
Các nguồn tin tiết lộ, cựu thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad dự định tối thứ Sáu (7/8) sẽ công bố thành lập một đảng chính trị mới mà ông là người sáng lập, báo Straits Times đưa tin.
Đảng mới được gọi là Parti Bersatu Rakyat Malaysia, một cái tên thu hút sự chú ý vì nó tương đồng với cái tên đảng cũ của ông là Parti Pribumi Bersatu Malaysia, nơi đã khai trừ ông hồi đầu năm. Theo các nguồn tin, cuộc họp báo của ông Mahathir sẽ được tổ chức ở một khách sạn ở Bangsar, Kuala Lumpur. Tuy nhiên, các trợ lý của ông Mahathir vẫn kín tiếng khi được hỏi về việc này và nói rằng chưa có cuộc họp báo nào được xác nhận.
Hai con mèo ở Mỹ dương tính với Covid-19
Hai con mèo ở hạt Brazos, Texas đã có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV, theo The Hill.
Các nhà nghiên cứu ở đại học Texas A&M (TAMU) cho biết, cả hai con mèo này đều không có triệu chứng và chúng sống với những người có kết quả dương tính với Covid-19, theo thông báo từ nhà trường.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, qua kết quả này có thể thấy được “nguy cơ cao” đối với khả năng lây truyền bệnh giữa những vật nuôi trong gia đình.