Đọc báo Pháp – 07/01/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 07/01/2017

Blogger, một nghề nguy hiểm ở Việt Nam

Thụy My

Liên quan đến Việt Nam, Le Courrier International tuần này đăng bài viết « Blogger, một nghề nguy hiểm » của tờ báo Khaosod ở Bangkok Thái Lan, sau khi gặp gỡ các cây bút đối lập ở Saigon. Theo tác giả Lobsang Dundup Sherpa Subirana, chính quyền Việt Nam tiếp tục cuộc chiến không ngơi nghỉ chống lại những ai dám lên tiếng chỉ trích.

Bài báo mở đầu bằng việc mô tả cảnh tượng hai chục nhân viên an ninh xuất hiện trước một trường mẫu giáo, bắt đi ông Phạm Chí Dũng ngay trước mắt các phụ huynh, giáo viên và các em học sinh. Và đây chỉ là một trong ba vụ câu lưu tùy tiện mà ông Dũng, 50 tuổi, là mục tiêu trong năm 2015. Mỗi lần như vậy ông bị thẩm vấn nhiều tiếng đồng hồ, chịu áp lực tâm lý. Người ta muốn ông thú nhận một tội phạm, mà tại đa số các nước, là một quyền con người. Nhà báo tự do này than thở : « Họ cư xử như tôi là một kẻ khủng bố ».

Theo tác giả, Phạm Chí Dũng là một trong những blogger đối lập tích cực nhất tại Việt Nam. Ông không chấp nhận việc Nhà nước kiểm soát báo chí, và thách thức các luật lệ hà khắc đang cấm đoán mọi chỉ trích chính quyền. Là đảng viên cộng sản từ ba mươi năm, ông Dũng cũng như một số người khác bị thất sủng và bị giam cầm bảy tháng vào năm 2012, do những phát biểu tự do của mình. Nhưng không vì thế mà ông im tiếng.

Sau khi được trả tự do, ông tiếp tục chỉ ra những sai sót của Nhà nước. Phạm Chí Dũng trở thành người đồng sáng lập và chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, với mục tiêu tố cáo các vi phạm nhân quyền của đảng Cộng sản. Cho đến nay, hội đã nêu ra nhiều xì-căng-đan lạm dụng quyền lực, nhà đất và tham nhũng có liên quan tới đảng. Trang web Việt Nam Thời Báo – bị chặn ở Việt Nam, phải thông qua proxy – gần đây đã lên án vụ bắt giữ hai blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Hồ Văn Hải, bị truy tố vì tội tuyên truyền chống Nhà nước theo điều 88. Hồi tháng Chín, tòa án Hà Nội cũng đã bác kháng cáo của blogger Nguyễn Hữu Vinh, tức Ba Sàm và cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy, bị kết án 5 năm tù vì « lạm dụng tự do dân chủ » và chống chính quyền.

Tác giả bài báo dẫn lời nhà báo Phạm Chí Dũng, nhấn mạnh sở dĩ có nhiều vụ bắt bớ vào cuối năm là vì công an muốn có thành tích. Tuy nhiên cũng theo ông Dũng, ngọn gió đổi thay đang thổi đến. Lo sợ nổi dậy, chính quyền tỏ ra cứng rắn hơn trước đối với những người chỉ trích chế độ, nhưng trấn áp chỉ làm cho người ta thêm hăng hái bảo vệ tự do ngôn luận. Khát vọng dân chủ rất mạnh mẽ trong khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, tham nhũng hoành hành.

Bài viết cũng nhắc đến Lê Công Định, cựu luật sư 48 tuổi, bị bắt vì tội tuyên truyền chống Nhà nước cùng với bốn nhà tranh đấu khác. Ông Định kể, ông bị lãnh án 5 năm tù nhưng nhờ áp lực quốc tế, ông được phóng thích trước hạn một năm và bị quản chế ba năm. Ông than phiền là bị theo dõi mỗi khi ra khỏi nhà. Vào đầu tháng 10/2016, khi tham dự một cuộc hội thảo ở Vũng Tàu, công an đã đến bắt giữ cả nhóm khoảng ba chục người, câu lưu mười tiếng đồng hồ. Còn ông Dũng cho biết ông thường xuyên bị giám sát.

Các blogger phải đấu tranh ngay trong nước, Nhà nước cho rằng quá nguy hiểm nếu để họ xuất cảnh. Bài báo nhắc đến một trong những xì-căng-đan tệ hại nhất gần đây là vụ nhà máy thép Formosa xả chất thải hóa học độc hại làm cho cá chết hàng loạt trên hàng trăm kilomet bờ biển miền Trung hồi tháng Tư. Đã nổ ra những vụ biểu tình chống Formosa Plastics Group, chính quyền không ngăn cản nổi nhưng không muốn các blogger liên tục đề cập đến, để tránh khả năng phong trào lan rộng hơn.

Để kết luận, bài báo cho biết mặc dù bị ngăn trở, các blogger Việt Nam vẫn tỏ ra lạc quan về phong trào đấu tranh. Theo tác giả Lobsang Dundup Sherpa Subirana, ông Phạm Chí Dũng vẫn tin rằng Hội của ông sẽ được Nhà nước công nhận, và sẽ được phép hoạt động. Ông thổ lộ : « Có lẽ vào năm 2017…Chúng tôi muốn trở thành một diễn đàn tự do ngôn luận, khởi đầu cho một xã hội dân sự tích cực vốn rất cần thiết cho Việt Nam trong tương lai ».

Trump nói thật hay nói chơi ? Trung Quốc điên đầu

Về những dự báo cho năm 2017, hầu như không tuần báo nào tỏ ra lạc quan. Trong bài xã luận mang tựa đề « Bão tố trên Thái Bình Dương », Le Point nhận định ông Donald Trump quyết định làm Trung Quốc phải quy phục, nhưng Bắc Kinh lại không hề thiếu đạn dược trên mặt trận kinh tế. Khi tranh giành vị trí đại cường số một thế giới, một sự cố nào đó rất có thể dẫn đến xung đột, và bão tố sẽ ập đến Thái Bình Dương, trung tâm của thế kỷ 21.

Cũng liên quan đến Trung Quốc, trong hồ sơ tuần này, Courrier International dịch lại bài viết của tờ báo kinh tế Shun Po ở Hồng Kông với câu hỏi, « Liệu Bắc Kinh có thích ứng được với sự thất thường của ông Trump hay không ? ». Tân tổng thống Mỹ dường như muốn đặt lại vấn đề nguyên trạng về Đài Loan, và trước cú đòn bất ngờ này, ngành ngoại giao Trung Quốc sẽ phải học cách phân biệt giữa những phát biểu nghiêm túc và tuyên bố vung vít.

Trong khi suốt bốn mươi năm qua, Hoa Kỳ vẫn tôn trọng nguyên tắc « chỉ có một nước Trung Hoa », Donald Trump bỗng đột ngột tấn công vào điểm chính trong quan hệ Mỹ-Trung. Tờ báo Hồng Kông cho rằng nếu Washington và Bắc Kinh không thể hợp tác được với nhau, thì hai người khổng lồ cơ bắp này sẽ ăn miếng trả miếng. Bắc Kinh có thể không trực tiếp dùng vũ lực buộc Đài Loan phải vâng lời, nhưng chỉ cần ngầm ủng hộ, thậm chí tiếp tay cho vài Nhà nước du côn như Bắc Triều Tiên chẳng hạn cũng đủ làm cho chú Sam và các đồng minh Mỹ, Hàn phải điên đầu, chưa kể hiệu ứng domino tiếp theo.

Có lẽ dưới mắt nhà tỉ phú, tất cả đều là trò chơi thương mại, có thể mặc cả được. Nhưng đối với Bắc Kinh, đây là nguyên tắc bất di bất dịch không thể nhượng bộ. Tuy sau đó phát ngôn viên Nhà Trắng đã chữa cháy, nhưng theo tờ báo, cần chú ý đến một khía cạnh khác trong tính cách của ông Trump : nói đi rồi nói lại. Ông dễ dàng nói ngược lại với tuyên bố trước đó của mình, và thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Khi hiểu được chính sách « một nước Trung Hoa » là không thể thương lượng, chắc là ông sẽ điều chỉnh lại. Hiện chưa chính thức bước vào Nhà Trắng, Donald Trump càng dễ quay ngược 180° hơn.

Báo chí nhà nước ở Hoa lục kêu gọi Bắc Kinh lao vào một « cuộc chiến không khoan nhượng » với Donald Trump, để ông hiểu rằng Trung Quốc và các cường quốc khác không sẵn sàng tham gia trò chơi của ông. Bắc Kinh còn phải chuẩn bị trước một quan hệ Mỹ-Trung đầy sóng gió. Phải thích ứng với ngôn ngữ của vị tổng thống mà tờ báo mô tả là khật khùng này, qua việc phân biệt chính xác lúc Trump nói nghiêm túc, với lúc nói không suy nghĩ, ngõ hầu có phản ứng thích hợp. Để tránh lãng phí đạn dược và tình hình diễn biến xấu đi, thành một « cuộc chiến tranh giữa con phượng hoàng khùng và con rồng điên », mà cả hai đều sẽ thua cuộc.

Bắc Kinh lo ngại khi Trump xích lại gần Matxcơva

Bài viết « Trump, Nga và Trung Quốc » của tờ báo nổi tiếng hiếu chiến Hoàn Cầu Thời Báo được Courrier International trích dịch, cho thấy ông Trump bắt đầu làm Bắc Kinh phải lo lắng.

Tờ báo cho biết : « Dư luận Trung Quốc lo ngại rằng sự cải thiện quan hệ Nga-Mỹ sẽ bất lợi cho quan hệ Trung-Mỹ ». Tuy nhiên Hoàn Cầu Thời Báo khẳng định Nga-Mỹ « sẽ vấp phải những nghịch lý về cơ cấu quan trọng, như hồ sơ Ukraina, việc tăng cường lực lượng NATO ở Đông Âu và Biển Baltic – sẽ đe dọa an ninh cho Nga và cả Syria. Đây là « lằn ranh vàng » đối với Putin, và nếu ông Trump hoàn toàn nhượng bộ, các đồng minh châu Âu của Mỹ sẽ cảm thấy bị Washington phản bội ».

Hơn nữa, « Trung Quốc luôn tôn trọng ông Putin, ngay cả trong những thời kỳ khó khăn nhất đối với Nga ». Cũng theo tờ báo, « Nga chưa bao giờ phản bội chính sách ngoại giao độc lập của mình qua việc hạ mình hợp tác với các chiến lược Mỹ. Nếu muốn tiếp tục ở lại trên trường thế giới, chắc chắn Nga không muốn trở thành ‘văn phòng quốc tế’ của Trump ».

Dân chủ phương Tây xuống dốc, độc tài lên ngôi

Nhìn từ góc độ châu Âu, nhà bình luận Christian Makarian của tuần báo L’Express tỏ ra âu lo về « Sự cố nghiêm trọng của phương Tây ». Tác giả nhận định : « Chúng ta đang chứng kiến sự lên ngôi trên trường quốc tế của các chế độ độc tài, vốn không có cùng lý tưởng chung với thế giới ».

Bối cảnh đầu năm 2017 không thấy dấu hiệu gì tốt đẹp. Ở Mỹ, ông Barack Obama trong những ngày cuối nhiệm kỳ cố gắng ngăn trở ông Donald Trump không đảo ngược lại mọi chính sách. Tại châu Âu, các nhà lãnh đạo lần lượt rơi rụng (David Cameron, Matteo Renzi…), từ bỏ ý định tái tranh cử (François Hollande) hay đang gặp khó khăn đáng kể (Angela Merkel, Theresa May…).

Còn những lý tưởng chung, « mã di truyền » của các nền dân chủ không còn được các nước giàu cũng như nghèo ưa chuộng. Nhất là cân bằng quốc tế chủ yếu dựa trên vai trò hiệu chỉnh của Liên Hiệp Quốc, đôi khi lại ngả sang phía thuận lợi cho các chế độ coi thường các nguyên tắc nhân bản.

Trong tình hình đó, nổi lên những chính phủ và lãnh đạo cứng rắn. Chẳng hạn như Vladimir Putin và Recep Tayyip Erdogan, mới cách đây một năm là kẻ thù nhưng nay lại bắt tay nhau chống lại Mỹ (vì không chịu cho dẫn độ giáo chủ Gülen, kẻ thù không đội trời chung của ông Erdogan) và châu Âu (vì ủng hộ Ukraina, theo như Putin).

Những vụ hợp tác vì lợi ích trước mắt như thế làm thay đổi sự cân bằng trên thế giới. Ví dụ điển hình là nghị quyết Liên Hiệp Quốc về ngưng bắn tại Syria, được nhất trí thông qua ngày 31/12/2016 là sản phẩm của thỏa hiệp Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran. Làm thế nào có thể từ chối việc chấm dứt thảm kịch Syria mà phương Tây từ lâu luôn đòi hỏi, trong khi đó là do những kẻ xúi giục chiến tranh đề nghị ? Đây là lần đầu tiên có được một thỏa hiệp về Trung Đông, nhưng cả Mỹ và châu Âu lại vắng mặt, thậm chí phe Ả Rập cũng không được tham dự. Tác giả kết luận, như vậy năm 2017 các dân tộc tự do cần phải giữ vững tinh thần.

Châu Âu phải vươn lên tự lực

Tương tự, tác giả Raphaël Glucksmann trên tuần san L’Obs băn khoăn « Châu Âu sẽ trở thành người lớn hay không ? Đó là thử thách lớn của năm 2017 ».

Kể ra cùng bối cảnh u ám từ Brexit đến Aleppo sụp đổ như trên, bài viết nói thêm, bầu cử Mỹ bất chợt mang lại một ánh sáng của ngày tận thế. Bị kẹt giữa Donald Trump và Vladimir Putin, châu Âu không có cách nào khác là khẳng định mình. Không còn được chiếc dù Mỹ che chở, đứa trẻ châu Âu có quyết định lớn lên hay không ? Bị đánh bại tại các phòng phiếu và trong cách suy nghĩ, những người ủng hộ xây dựng châu Âu phải hiểu rõ vấn đề.

Phải nhìn nhận rằng phe chống đối châu Âu không phải là không có lý. Họ tố cáo đồng tiền duy nhất nhưng không có chính phủ đại diện, những lỗ hổng an ninh của một không gian chung không có công tố viện lẫn cảnh sát, thị trường chung phải đối phó với nạn phá giá trong khi không có tiêu chuẩn xã hội chung, một người khổng lồ kinh tế không có kiếm lẫn khiên.

Theo tác giả, cần khẩn cấp thành lập các cơ quan tư pháp, cảnh sát châu Âu, lập chính phủ kinh tế, bầu tổng thống châu Âu theo phương pháp phổ thông đầu phiếu, lập Cộng đồng Quốc phòng châu Âu. Khi mà tổng thống Mỹ lại không còn tin vào NATO, thì đây không còn là một chọn lựa mà là sự cần thiết, và cũng có thể là cơ hội.

Tập Cận Bình tiếp tục trị vì sau hai nhiệm kỳ ?

Quay lại với chính trị Trung Quốc, trong bài « Năm chọn lựa », tuần báo The Economist cho rằng trong 20 năm qua các lãnh đạo ở nước này luôn được bàn bạc để chọn trước trên thượng tầng đảng cộng sản, nhưng năm 2017 thì khác hẳn.

Nếu các quy định bất thành văn xưa nay được tôn trọng, thì trong Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 vào khoảng tháng 10, tháng 11 năm nay, 5/7 ủy viên thường trực Bộ Chính trị và 4/11 ủy viên Quân ủy trung ương sẽ về hưu. Tổng bí thư đảng không làm quá hai nhiệm kỳ, ủy viên Bộ Chính trị không quá 68 tuổi vào thời điểm đại hội. Tiến trình tuy rườm rà nhưng bảo đảm cho một sự chuyển đổi thế hệ một cách êm thắm. Tuy nhiên có vẻ như Tập Cận Bình làm ngơ khái niệm « lãnh đạo tập thể », bằng cách tập trung quyền lực trong tay mình, hơn cả Mao Trạch Đông trước đây.

Theo nhiều lời đồn đãi, ông Tập không muốn rút lui vào hậu trường khi kết thúc nhiệm kỳ năm 2022. Ông có thể không còn là chủ tịch nước (chức vụ này có quy định rõ không quá hai nhiệm kỳ), nhưng tiếp tục làm tổng bí thư. Nếu phá vỡ tiền lệ, ông Tập có thể tại vị lâu hơn, nhưng có thể khởi đầu cho một hệ thống chính trị mang nặng dấu ấn cá nhân hơn, và bất ổn hơn.

Điện ảnh : Hollywood tay trong tay với Bắc Kinh

Cũng về Trung Quốc nhưng trên lãnh vực văn hóa, tuần san của Le Monde nhận định « Hollywood và Bắc Kinh tay trong tay ». Trong cuốn phim hợp tác sản xuất mang tên « Vạn lý Trường thành », một thiên anh hùng ca diễn ra thời nhà Tống (Song, 960-1279), tất cả đều là những hình ảnh ca ngợi Trung Quốc. Cho đến nỗi một số người mô tả như một clip video quảng bá du lịch quá đà.

Bộ phim do đạo diễn Trương Nghệ Mưu (Zhang Yimou) thực hiện cùng với kịch tác gia, diễn viên kiêm nhà sản xuất Mỹ Matt Damon, là phim tốn kém nhất từ trước đến nay được quay tại Trung Quốc. Hợp tác làm phim vốn là cách thức phổ biến để tránh né quota áp đặt cho phim nước ngoài tại Hoa lục (bị đánh thuế cao hơn và số lượng phim ra mắt bị hạn chế).

Trình chiếu từ ngày 16/12/2016 tại Hoa lục, « Vạn lý Trường thành » đã thành công lớn, chỉ trong vài tuần đã lấy lại được số vốn bỏ ra. Các nhà sản xuất đang hy vọng quyến rũ được cả khán giả Mỹ và châu Âu trong thời gian tới. Điều này rất khó đối với một bộ phim hợp tác, xưa nay chỉ mới có « Kungfu Panda 3 » năm 2016 là đạt được, nhưng đây là phim hoạt hình máy tính.

2017, năm của mọi hiểm nguy

Trang bìa số báo đầu năm dương lịch Courrier International chạy tựa lớn « 2017, năm của mọi hiểm nguy », phía dưới là những câu hỏi « Châu Ấu đi về hướng tan rã ? », « Đông-Tây, một Yalta mới ? », « Trung Quốc, mối họa của Trump ? ». Góc trái, thùng thư châu Âu đang bốc cháy, những cánh tay giơ lên hốt hoảng. Bên phải, bà Angela Merkel cầm bình chữa lửa, Donald Trump, Vladimir Putin, Bachar Al Assad đứng ngoài quan sát, Tập Cận Bình ranh mãnh từ phía sau dùng kéo cắt tóc ông Trump.

Hình vẽ minh họa của hồ sơ bên trong cho thấy tổng thống tân cử Mỹ không mặc quần áo, nhưng đeo dải băng chéo như hoa hậu với con số 2017, đang tiến bước trên một con đường âm u. Cuối đường là vầng sáng Happy New Year, nhưng hai bên là những nhân tố chính cho 2017 : Kim Jong Un, Putin, Tập Cận Bình, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo đang giơ đao kiếm, súng ống đe dọa.

Nhìn chung các tạp chí Pháp tuần này thiên về chủ đề văn hóa xã hội. L’Express chạy tựa trang nhất « Hành trình Odyssée của nước Pháp ». Hồ sơ của tờ báo dựa trên cuốn sách « Lịch sử thế giới của nước Pháp » gồm nhiều tác giả do Patrick Boucheron tập hợp. Trong lịch sử, Pháp đã nhận được nhiều thứ từ các nước, nhưng cũng mở rộng ảnh hưởng của mình ra xa bên ngoài biên giới. Một cuộc phiêu lưu lớn, mà theo L’Express cần phải tiếp tục bảo đảm và theo đuổi.

Le Point dành trang nhất cho « Tình trạng sa sút », tựa đề cuốn sách gây sốc của triết gia Pháp Michel Onfray, với câu hỏi « Liệu nền văn minh của chúng ta sẽ biến mất ? » Trên lãnh vực chính trị, tuần báo L’Obs đăng ảnh cựu bộ trưởng kinh tế Emmanuel Macron trên nền đen với dòng tựa « Những bí mật của Macron ». Trở thành chính khách được người dân Pháp quan tâm nhất chỉ trong vòng vài tháng, nhưng ứng cử viên tổng thống đặc biệt này thực sự là người như thế nào ? Tờ báo lý giải với loạt bài điều tra trong hồ sơ tuần này.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20170107-blogger-mot-nghe-nguy-hiem-o-viet-nam

 

Tin đọc nhanh

(AFP) – Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc mất gần 320 tỉ đô la trong năm 2016

Tính đến cuối tháng 12/2016, lượng dự trữ ngoại tệ của nước này đã giảm xuống còn 3.011 tỉ đô la. Theo thống kê của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, đây là tháng thứ sáu dự trữ ngoại tệ sụt giảm liên tiếp. Nguyên nhân thứ nhất là do giá trị đồng nhân dân tệ sụt giảm ở mức thấp nhất kể từ 8 năm trở lại đây và Bắc Kinh buộc phải bán đồng đô la để hỗ trợ đồng nhân dân tệ. Lý do thứ hai, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại, nhiều tỉ phú Trung Quốc chuyển hướng đầu tư ra quốc tế, bất chấp những biện pháp của chính phủ để hạn chế nguồn vốn chảy ra nước ngoài.

(AP) – Người biểu tình Sri Lanka phản đối dự án của Trung Quốc bị phe thân chính phủ tấn công

Đoàn người diễu hành ngày 07/01/2017 gồm chủ yếu các nhà sư và người dân ở các làng bị trưng dụng đất để xây dựng một khu công nghiệp. Mặc dù cảnh sát đã can thiệp và giải tán vụ xô xát, nhưng buổi lễ khánh thành đã phải dừng lại. Khu công nghiệp trên – với hầu hết là các công ty Trung Quốc, nằm ngay cạnh cảng biển Hambantota – đã được chính phủ Sri Lanka nhượng quyền khai thác cho một tập đoàn Trung Quốc trong vòng 99 năm.

(AFP) – Báo chí Đức: Thủ phạm khủng bố Berlin đã mua súng ở Thụy Sĩ

Anis Amri, người được cho là tác giả vụ khủng bố bằng xe tải ở Berlin, dường như đã mua ở Thụy Sĩ khẩu súng Erma do Đức sản xuất, đã được dùng để bắn chết tài xế người Ba Lan để cướp xe. Đó là thông tin của kênh truyền hình Đức ZDF tối qua, 06/01/2017. Sau khi dùng xe tải đâm vào đám đông tại một chợ Noel ở Berlin ngày 19/12/2016, khiến 12 người chết và hàng chục người bị thương, Amri đã trốn khỏi Đức, đi ngang qua Hà Lan, Pháp trước khi đến Ý. Tại Milan, hung thủ đã dùng khẩu súng Erma bắn bị thương một cảnh sát Ý trước khi bị bắn hạ sáng sớm ngày 23/12. Theo cảnh sát Ý, khẩu súng nói trên cũng chính là khẩu súng mà Amri đã dùng để giết tài xế Ba Lan của chiếc xe tải được sử dụng để gây án.

(AFP) – Thanh trừng ở Thổ Nhĩ Kỳ : hơn 6.000 người bị cách chức, cho thôi việc

Trong khuôn khổ cuộc điều tra về vụ đảo chính bất thành xảy ra vào tháng 07/2016, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ lại cách chức, cho thôi việc hơn 6.000 cảnh sát, công chức. Người Thổ Nhĩ Kỳ sống tại nước ngoài nếu bị nhà chức trách triệu tập mà không quay về nước trình diện trong thời giạn ba tháng thì cũng có thể sẽ bị tước quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn 80 hiệp hội bị cáo buộc có hoạt động ảnh hưởng tới an ninh của Nhà Nước cũng đã bị chính quyền đóng cửa.

(AFP) – Afghanistan : Thủy quân lục chiến Mỹ quay trở lại Helmand

Quân đội Hoa Kỳ hôm qua thông báo sang mùa xuân tới, 300 lính thủy quân lục chiến sẽ được triển khai tại tỉnh Helmand, miền Tây Nam Afghanistan, nơi Mỹ tiến hành cuộc chiến chống Hồi Giáo cực đoan từ năm 2011 mà chưa giành được thắng lợi. Nhưng trái với những lần trước, thủy quân lục chiến Mỹ sẽ không trực tiếp tham chiến, mà chỉ làm nhiệm vụ huấn luyện và cố vấn cho các tướng lĩnh cấp cao của quân đội và cảnh sát Afghanistan ở tỉnh Helmand, không chỉ trong cuộc chiến chống Taliban, mà còn trong cuộc chiến trống tội phạm hình sự và buôn lậu ma túy.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170107-tin-doc-nhanh