Đọc báo Pháp – 07/01/2021
Người biểu tình chiếm Quốc Hội, sự kiện cuối nhiệm kỳ ‘tổng thống nổi dậy’ Trump – Thụy My
Lẽ ra ông Trump có thể ra đi trong danh dự với tư cách «tổng thống của nhân dân», với bảng thành tích tuy gây tranh cãi nhưng rất đáng kể. Và với việc hai ghế thượng nghị sĩ ở Georgia rơi vào tay Dân Chủ, theo Le Figaro, người đã đại thắng trong cuộc bầu cử tổng thống cách đây bốn năm, giờ đã mất tất cả.
Sự kiện người biểu tình ủng hộ tổng thống Donald Trump tràn vào tòa nhà Quốc Hội Mỹ và nhà cầm quyền Trung Quốc đàn áp Hồng Kông là hai đề tài chính được các báo Pháp bàn luận hôm nay 07/01/2021. Vì lệch giờ nên diễn biến ở Mỹ chủ yếu được các tờ báo Paris tường thuật trực tiếp suốt đêm trên mạng, chỉ có hai tờ kịp đưa lên trang bìa. Libération đăng ảnh hai dân biểu Mỹ đang dìu nhau chạy khỏi phòng họp với dòng tựa « Trump, chiến lược hỗn loạn », còn Le Figaro chạy tựa « Nền dân chủ rạn vỡ » với ảnh lớp lớp người biểu tình bao quanh điện Capitol.
Sự kiện lịch sử: Người biểu tình tràn vào Quốc Hội Mỹ đang họp
Trang web của các báo đều có những bài phóng sự tường thuật chi tiết về cuộc chiếm lĩnh Quốc Hội của những người ủng hộ tổng thống Trump. Trước đó một hôm, họ đã đến từ mọi miền đất nước, bằng máy bay, bằng xe hơi hay xe buýt. Các khách sạn đều kín chỗ. Hôm sau ngay từ sáng sớm, mặc cho bầu trời xám xịt với những cơn gió lạnh buốt ở thủ đô nước Mỹ, họ tập hợp lại để nghe bài diễn văn của Donald Trump và đến chiều thì hướng về điện Capitol, được ngăn chận bằng một hàng rào an ninh – rốt cuộc đã cho thấy quá mỏng.
Đám đông đội nói đỏ in chữ MAGA (Make America Great Again – Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại), mang cờ có hình tổng thống Trump hô vang « USA ! USA ! USA ! », « Hãy chấm dứt cướp đoạt bầu cử ! »… Sau vài tiếng đồng hồ, họ dần dần tiến vào được Quốc Hội. Một số ít đập phá, trong khi đám đông – có người già lẫn người trẻ, nam cũng như nữ, thậm chí có cả trẻ em – nói chung là ôn hòa, tự coi là « những người cách mạng ». Tất cả lối ra đều bị chận, những ai bên trong đều bị kẹt trước biển người bên ngoài.
Hơi cay, rồi những phát súng…hỗn loạn đã diễn ra. Ông Trump kêu gọi Go home » nhưng theo các báo là quá trễ. Lệnh giới nghiêm từ 18 giờ (nửa đêm theo giờ Pháp, 6 giờ sáng Việt Nam) được đưa ra. Vệ binh quốc gia được điều đến, kết thúc vụ chiếm đóng. Những « người kháng chiến » cuối cùng giải tán trên đường phố của một thủ đô vắng lặng.
Tổng thống Mỹ đầu tiên tố cáo gian lận bầu cử
Trong bài xã luận, Le Figaro nhận định một trong những phương diện đáng khâm phục của dân chủ Mỹ là truyền thống chuyển giao quyền lực một cách hòa bình từ 230 năm qua. Tuy có đôi lần rối loạn như sau vụ ám sát tổng thống John F. Kennedy hay vụ từ chức của ông Richard Nixon, nhưng trật tự Hiến pháp luôn được tôn trọng. Donald Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên thời hiện đại công khai tố cáo gian lận bầu cử.
Vị tổng thống Cộng Hòa hoàn toàn đúng khi đòi kiểm lại phiếu trước kết quả sát nút và kiện ra tòa, đó là quyền của ông. Nhưng khi gây áp lực lên các dân biểu, thượng nghị sĩ trong đảng và thúc đẩy người ủng hộ tiến về Washington, ông đã đi quá lố, theo Le Figaro.
Thật ra hồi năm 2000, sau năm tuần lễ tranh chấp về phiếu bầu và cả tư pháp, ứng cử viên đảng Dân Chủ Al Gore mới chịu « chấp nhận » quyết định của Tối cao Pháp viện, nhận thất bại trước George W. Bush. Còn Donald Trump hai tháng rưỡi sau cuộc bầu cử vẫn nhất quyết không công nhận kết quả.
Lẽ ra ông Trump có thể ra đi trong danh dự với tư cách « tổng thống của nhân dân », với bảng thành tích tuy gây tranh cãi nhưng rất đáng kể. Và với việc hai ghế thượng nghị sĩ ở Georgia rơi vào tay Dân Chủ, theo Le Figaro, người đã đại thắng trong cuộc bầu cử tổng thống cách đây bốn năm, giờ đã mất tất cả.
Le Monde cho rằng Donald Trump tự giam hãm trong ảo ảnh trước làn sóng người ủng hộ luôn đông đảo, tờ báo gọi đây là « vụ phá hoại cuối cùng » của ông Trump, « tổng thống có khuynh hướng nổi dậy ».
Đại thanh trừng ở Hồng Kông
Chủ đề Hồng Kông chiếm rất nhiều trang trên các báo hôm nay. Libération chơi chữ với hàng tựa lớn « Hồng Kông, bước đại nhảy vọt thanh trừng » và dành bốn trang trong cho việc Bắc Kinh « giáng búa tạ vào nền dân chủ ».
Việc 1.000 cảnh sát được huy động hôm qua để bắt giam 53 người gồm cựu dân biểu, nhà báo, nhà đấu tranh, luật sư mà mùa hè vừa qua đã tham gia cuộc bầu cử sơ bộ của đối lập, được tờ báo thiên tả gọi là « cuộc bố ráp vào dân chủ ». Những người ôn hòa này bị kết tội vi phạm luật an ninh. Mẻ lưới được tung ra vào lúc thế giới đang chú tâm đến cuộc bầu cử quan trọng ở Georgia và Bruxelles đúc kết thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc.
Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, chế độ Bắc Kinh đã đè bẹp những gì còn có thể được gọi là đối lập chính trị, đe dọa xã hội dân sự tại vùng đất mà nay không còn ai có thể gọi là « bán tự trị ». Đồng thời Bắc Kinh ngăn cản không cho những nhà quan sát của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đến điều tra về nguồn gốc con virus corona, và kết án tử hình một đại gia vì tham nhũng. Thông điệp rất rõ ràng : năm 2021 nhân kỷ niệm 100 năm thành lập, đảng Cộng Sản muốn solo một mình một chợ, nhất quyết không khoan nhượng.
Thông điệp ngạo mạn của đảng Cộng Sản Trung Quốc 100 tuổi
Bài xã luận của Libération nhấn mạnh đó là một « Thông điệp ngạo mạn ». Năm 2021 khởi đầu cũng giống như 2020 với sự ngạo nghễ của Bắc Kinh : Trung Quốc hoàn toàn không có ý định tôn trọng các cam kết quốc tế.
Năm ngoái, đó là về bổn phận phải tỏ ra minh bạch lập tức trong trường hợp khủng hoảng dịch tễ. Còn lần này là lời hứa tôn trọng tự do và các quyền căn bản của người dân Hồng Kông, trong khuôn khổ thỏa thuận đã ký với Anh năm 1997 về « một đất nước, hai chế độ ».
Có lẽ đã đến lúc Pháp phải nhắc nhở Tập Cận Bình về những lới cam đoan « tôn trọng quyền tự trị cao độ, Nhà nước pháp quyền, nhân quyền và các quyền tự do căn bản » ở Hồng Kông. Cuộc bố ráp Hồng Kông diễn ra chỉ một tuần sau khi thủ tướng Đức Angela Merkel và tổng thống Pháp Emmanuel Macron ký một thỏa thuận nguyên tắc quan trọng về đầu tư giữa Liên Hiệp Châu Âu (EU) và Trung Quốc. Tổng thống Macron ca ngợi « đối thoại được tăng cường và tái cân bằng » giữa đôi bên, nhưng tờ báo thiên tả đặt câu hỏi phải chăng chỉ là đối thoại ? Hãy hình dung ra những gi còn sót lại của một nền dân chủ giả hiệu ở Hồng Kông, một khi thỏa thuận được Nghị Viện Châu Âu thông qua, mà đây là công cụ gây áp lực duy nhất của châu Âu đối với Trung Quốc.
Nghị sĩ châu Âu cảnh giác trước Bắc Kinh
Trả lời phỏng vấn của Les Echos, bà Marie-Pierre Védrenne, thành viên Ủy ban Ngoại thương của Nghị Viện Châu Âu nhận định, không nên bất cẩn « ký khống » với Trung Quốc.
Tuy Liên Hiệp Châu Âu tự khen ngợi là nhân tố quốc tế đầu tiên thành công trong việc đưa nhân quyền vào một thỏa thuận với Trung Quốc, nhưng văn bản không bao gồm những ràng buộc về tư pháp để bảo đảm việc thực hiện những cam kết của Bắc Kinh. Chẳng hạn để giải quyết bất đồng, thỏa thuận dự kiến có sự tham gia của xã hội dân sự với các nhóm chuyên gia trong việc thành lập các cơ quan trọng tài. Nhưng tư cách các đại diện của « xã hội dân sự » ở Trung Quốc thì rất đáng ngờ.
Theo nghị sĩ Védrenne, trước những gì đang diễn ra ở Hồng Kông và việc ngăn chận đoàn chuyên gia y tế đến điều tra về con virus ở Vũ Hán, châu Âu không nên tin tưởng mù quáng vào Trung Quốc. Cần phải đạt được những cam kết mang tính ràng buộc và lịch trình rất cụ thể để buộc Trung Quốc phê chuẩn Công ước quốc tế về lao động cưỡng bức. Đồng thời cải thiện cơ chế giải quyết tranh chấp, thậm chí lập ra cơ chế trừng phạt để buộc Bắc Kinh phải thực hiện những gì đã cam đoan trên giấy tờ.
Bà cho biết rất nhiều nghị sĩ châu Âu quan ngại về thỏa thuận này, kể cả trong nhóm Renew của bà vốn chủ trương tự do và thúc đẩy thương mại. Nhất là việc ký kết trước thời điểm chuyển tiếp chính quyền tại Hoa Kỳ khiến nhiều nghị sĩ bức xúc. Tại sao lại phải vội vã trong khi chính phủ mới ở Washington sẵn lòng hợp tác với châu Âu để lập một mặt trận chung đối phó với Trung Quốc ?
Từ Biển Đông đến khí hậu : Hành động của Trung Quốc luôn đi ngược với lời nói
Chuyên gia François Godement của Viện Montaigne nhấn mạnh trên Libération, không nên tin vào những lời hứa hão của Trung Quốc, đồng thời vạch ra những lỗ hổng trong chính sách của châu Âu đối với Bắc Kinh.
Thẳng tay đàn áp Hồng Kông, Trung Quốc đã ngang nhiên xé bỏ thỏa thuận năm 1997. Nhưng không chỉ có thế, mà thực tế ngày càng trái ngược với những cam kết của Bắc Kinh. Chẳng hạn việc bác bỏ phán quyết trọng tài về Biển Đông, hay tuyên bố của Tập Cận Bình trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc là đến năm 2060 sẽ không phát thải carbon. Trong khi Trung Quốc tiêu thụ 4,3 tỉ tấn than đá/năm, kế hoạch 5 năm sắp tới thông báo « ở dưới mức 5 tỉ tấn/năm » từ nay đến 2026, có nghĩa là tự cho phép gia tăng tiêu thụ !
Với Bắc Kinh, nếu việc cam kết không được đàm phán cho đến dấu phẩy cuối cùng, thì cũng như không. Trong thỏa thuận đầu tư, Bắc Kinh chỉ hứa hẹn « bắt tay vào việc để phê chuẩn » Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế. Khó có thể hy vọng những trại cải tạo người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương sẽ bị dẹp vì ký kết với châu Âu. Một chuyên gia Trung Quốc còn giải thích « không thể đòi hỏi những điều bất khả ». Thế mà châu Âu lại tự hài lòng về một lời hứa nhẹ như bông.
Theo chuyên gia Godement, châu Âu hoàn toàn không hiểu chế độ Trung Quốc. Bắc Kinh không chấp nhận luật quốc tế đứng trên luật quốc gia. Sự cứng rắn chỉ mới bắt đầu, và tình hình Tân Cương chỉ là một khía cạnh bi thảm nhất. Châu Âu tố cáo quan điểm của chính quyền Donald Trump, trong khi ông Trump đã đáp trả ở mức cao nhất qua việc trừng phạt cá nhân các quan chức Bắc Kinh, còn châu Âu lại đi ký một thỏa thuận thương mại, thật vô cùng tai tiếng. Chuyên gia này cho rằng càng hội nhập, buôn bán với Trung Quốc, Liên Hiệp Châu Âu ngày càng bị lệ thuộc vào Bắc Kinh, một chế độ độc tài và hung hăng.
Tin tổng hợp
(NHK) – Nhật Bản nhận dạng được biến thể mới của virus corona.
Theo NHK ngày 07/01/2021, các nhà khoa học của Viện các bệnh truyền nhiễm Nhật Bản đã phát triển được một phương pháp nhận dạng nhanh, chỉ mất vài giờ, sử dụng công nghệ xét nghiệm PCR đã có. Biến thể của virus corona được phát tại Anh và Nam Phi hiện đã xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới.
(Yonhap) – Seoul cử một phái đoàn sang Iran đàm phán về tầu dầu Hàn Quốc bị giữ.
Phái đoàn đã khởi hành ngày 07/01/2021, dẫn đầu là ông Koh Kyung Sok, tổng giám đốc phụ trách sự vụ châu Phi và Trung Đông của bộ Ngoại Giao Hàn Quốc. Trước đó, một tầu dầu của Hàn Quốc đã bị lực lượng Vệ binh Cách Mạng Hồi Giáo Iran bắt ngày 04/01 với 20 thành viên thủy thủ đoàn, trong đó có 5 công dân Hàn Quốc. Phía Iran giải thích lý do bắt giữ là do tầu gây ô nhiễm môi trường.
(The Wall Street Journal) – Hai tập đoàn Trung Quốc có thể bị đưa vào danh sách đen của Mỹ.
Chính phủ Hoa Kỳ dự trù thêm hai tập đoàn công nghệ số Alibaba và Tencent vào danh sách các công ty mà họ nghi là do quân đội Trung Quốc nắm giữ hoặc kiểm soát. Alibaba và Tencent là hai tập đoàn châu Á lớn nhất niêm yết cổ phiếu ở thị trường chứng khoán và việc đưa hai tập đoàn này vào danh sách đen là tín hiệu mạnh nhất cho thấy chính quyền Trump sẽ có chính sách cứng rắn hơn với Bắc Kinh vào cuối nhiệm kỳ của ông.
(AFP) – Trung Quốc: Cựu chủ tịch ngân hàng lãnh án tù chung thân.
Ông Hồ Hoài Bang (Hu Huaibang), cựu chủ tịch Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, chuyên về tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở Trung Quốc và nước ngoài, hôm nay, 07/01/2021, đã bị kết án tù chung thân về tội tham nhũng. Cách đây hai ngày cựu chủ tịch tập đoàn tài chính China Huarong Lại Tiểu Dân (Lai Xiaomin) đã bị tuyên án tử hình, một bản án hiếm hoi đối với giới doanh nghiệp tại nước này.
(AFP) – Hoa Kỳ: Biden chọn Garland làm tân bộ trưởng Tư Pháp.
Theo báo chí Mỹ, hôm qua, tổng thống tân cử Joe Biden đã chọn thẩm phán Merrick Garland, 68 tuổi, làm tân bộ trưởng Tư Pháp. Được xem là một nhân vật cánh tả ôn hòa, ông Garland từng là ứng viên do cựu tổng thống Obama đề nghị cho Tối Cao Pháp Viện năm 2016, nhưng phe Cộng Hòa đã ngăn chận việc bổ nhiệm thẩm phán này.
Điểm tin thế giới 7/1:
Phát hiện bom tại Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa; Quốc hội Mỹ tạm dừng thảo luận
Mục Điểm tin thế giới, thứ Năm (7/1), của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Phát hiện bom tại Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa (RNC).
“Một thiết bị gây nổ đã được tìm thấy tại trụ sở của Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa ở Washington và trụ sở gần đó của Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ đã được sơ tán sau khi phát hiện ra một gói hàng khả nghi hôm thứ Tư [6/1]”, The New York Times đưa tin. “Thiết bị được tìm thấy tại RNC là một quả bom ống đã được phá hủy thành công bởi một đội phá bom, theo một quan chức của RNC”. Phóng viên của tờ Fox News báo cáo rằng FBI đang điều tra các báo cáo về “các thiết bị đáng ngờ tại Thủ đô” [Daily Wire].
PTT Mike Pence nói không thể làm theo lời kêu gọi của TT Trump.
Ông Pence đã đưa ra tuyên bố này trước khi Quốc hội Mỹ họp để thảo luận về kết quả bỏ phiếu của Đại cử tri. “Đây là nhận định được cân nhắc của tôi, rằng lời thề ủng hộ và bảo vệ Hiến pháp ngăn tôi tuyên bố quyền đơn phương trong việc xác định phiếu đại cử tri nào nên được tính và phiếu bầu nào không nên [được tính]” [Twitter].
Quốc hội Mỹ tạm dừng thảo luận do Điện Capitol phải sơ tán.
Cuộc biểu tình bên ngoài Đồi Capitol đã khiến tòa nhà phải sơ tán vào hôm thứ Tư (6/1 theo giờ Mỹ). Các phóng viên và các nhà lập pháp có mặt tại hiện trường cho biết tòa nhà Capitol đã khóa cửa, cho biết thêm rằng những người biểu tình được cho là đã xông vào tòa nhà. Tổng thống Trump đã đề nghị người biểu tình giữ hòa bình. Vệ binh quốc gia đã được triển khai để giữ an ninh. Hiện chưa rõ khi nào cuộc họp của Quốc hội được nối lại [Fox News, Chi tiết].
Hơn 64 triệu người yêu cầu Quốc hội Mỹ kiểm lại phiếu bầu tổng thống.
Một nền tảng vận động chính sách đã có chiến dịch kêu gọi quét lại các lá phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 thu hút hơn 64 triệu lượt đăng ký. “Tất cả các chính trị gia phải tuân thủ điều này nếu họ muốn có sự trung thực và liêm chính trong các cuộc bầu cử của chúng ta”, Joe Hoft, người khởi xướng việc này, nói [Gateway Pundit, Chi tiết].
Julian Assange bị từ chối tại ngoại.
Người sáng lập WikiLeaks tiếp tục bị giam ở Anh trong khi chờ đợi Mỹ kháng cáo việc London từ chối dẫn độ ông. Thẩm phán Vanessa Baraitser nói với Tòa án Sơ thẩm Westminster tại London ngày 6/1 rằng có “cơ sở đáng kể để tin nếu Assange được tại ngoại, ông sẽ không ra trình diện” trong các phiên phúc thẩm [France24].
Mực nước sông Mekong giảm do động thái của Trung Quốc.
Việc Trung Quốc giảm tốc độ xả nước tại đập thủy điện Cảnh Hồng ở Vân Nam trong 20 ngày đã khiến mực nước ở lưu vực hạ lưu sông Mekong giảm. Các nhà nghiên cứu cho rằng các quyết định của chính quyền Trung Quốc đối với Mekong là một trong những nguyên nhân chính gây hạn hán và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh kế của người dân phía hạ nguồn. Tuy nhiên Trung Quốc bác bỏ các cáo buộc này [Reuters].
Dân biểu Dân chủ tuyên bố sẽ gia nhập Cộng hòa.
Dân biểu Vernon Jones của tiểu bang Georgia hôm thứ Tư (6/1) tuyên bố ông sẽ đổi đảng. “Hơn bao giờ hết, Đảng Cộng hòa đang rất cần những nhà lãnh đạo biết đấu tranh. Tôi biết cách chiến đấu”, ông Jones nói trong một tuyên bố. Jones hồi năm ngoái tuyên bố ủng hộ Tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump. Ông đã vận động cho các ứng viên Đảng Cộng hòa trong những tuần gần đây, bao gồm Thượng nghị sĩ Kelly Loeffler và ứng viên Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa David Perdue [Chi tiết].
TT Trump: ‘Chúng ta sẽ không bao giờ nhượng bộ’.
Tổng thống Donald Trump đã khẳng định điều này với hàng trăm nghìn người ủng hộ bên ngoài Tòa Bạch Ốc vào ngày Quốc hội Mỹ họp để xác nhận kết quả bầu cử. “Chúng ta sẽ chặn hành vi trộm cắp”, ông Trump nói, lặp lại lập luận rằng ông đã chiến thắng nhưng cuộc bầu cử đã “bị đánh cắp”. TT Trump cũng chỉ trích các đảng viên Cộng hòa định chứng nhận chiến thắng của ông Biden là “yếu ớt” [France24].
Tạp chí tiêu điểm
Covid-19, Mỹ, Trung Quốc, Merkel… những hồ sơ lớn năm 2021
Minh Anh
Thế giới vừa trải qua một năm đại dịch tệ hại nhất trong thời bình kể từ 50 năm qua, gây thiệt hại nghiêm trọng về nhân mạng và kinh tế toàn cầu. Bất chấp cuộc khủng hoảng dịch tễ, những căng thẳng chính trị, địa chính trị cũng không ngừng gia tăng. Giới chuyên gia dự báo : Covid-19, Hoa Kỳ, Trung Quốc và người thay thế thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ là những thách thức chính cho năm 2021 này.
Covid-19 : Yếu tố địa chính trị trọng tâm năm 2021
Nhân loại trong năm 2021 này tiếp tục sống dưới mối đe dọa Covid-19, hiện vẫn đang tiếp tục hoành hành trên khắp địa cầu, khiến gần hai triệu người chết và hơn 85,7 triệu người nhiễm bệnh trong năm qua. Dịch bệnh bùng phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) từ một năm qua đã làm cho nền kinh tế thế giới bị suy thoái nghiêm trọng, tổng sản phẩm nội địa toàn cầu giảm mất 4,3% theo số liệu do Ngân hàng Thế giới công bố ngày 05/01/2021. Thất nghiệp bùng nổ, khoảng từ 70-100 triệu người rơi vào cảnh bần hàn, gây ra những bất ổn về xã hội và chính trị.
Trong hoàn cảnh này, việc nhiều hãng dược lớn thông báo tìm ra được vac-xin đang mang lại một tia hy vọng cho nhân loại, dù biết rằng công cuộc tiêm chủng đại trà sẽ còn đòi hỏi nhiều thời gian để thực hiện. Làm thế nào để cho tất cả mọi người dân trên thế giới được tiêm ngừa, đây không chỉ là một câu hỏi lớn cho các chính phủ mà còn là những thách thức địa chính trị, cho phép nhiều nước khẳng định thế thống lĩnh các công nghệ cao trong nghiên cứu khoa học.
Chỉ có điều cuộc đua vac-xin này làm lộ rõ sự phân hóa xã hội sâu sắc giầu-nghèo. Nếu như sự hợp tác giữa những công trình nghiên cứu công với các hãng dược lớn cho phép thúc đẩy nhanh quy trình bào chế vac-xin, thì việc chiếm hữu các bằng sáng chế đã gây trở ngại cho việc phổ biến công nghệ. Ông El Mouhoub Mouhoud, giáo sư kinh tế trường đại học Paris Dauphine, trên đài France Culture lấy làm tiếc rằng « việc bảo vệ các bằng sáng chế tạo thuận lợi cho các hãng dược độc quyền ấn định giá cả thị trường để thu lợi, đồng thời gạt một bộ phận người dân trên thế giới tiếp cận nguồn vac-xin ».
Joe Biden có sang được trang Donald Trump ?
Một yếu tố quan trọng khác không thể nào bỏ qua là nước Mỹ có một tổng thống mới. Joe Biden chính thức nhậm chức vào ngày 20/01/2021 và khép lại một giai đoạn Donald Trump nhiều xáo trộn. Một giai đoạn mà nhà nghiên cứu địa chính trị Pascal Boniface, Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS), nhận thấy là « chính bản thân Donald Trump cũng khó khép lại ».
Từ đây đến ngày ông Joe Biden chính thức vào Nhà Trắng, người ta không khỏi tự hỏi : « Donald Trump sẽ còn làm gì ? ». Dẫu sao thì đối với các đồng minh châu Âu, việc ông Biden đắc cử xem như được lật sang một trang mới sau bốn năm khổ ải với Donald Trump. Tuy nhiên, chuyên gia Pascal Boniface dự báo, mối quan hệ đôi bờ xuyên Đại Tây Dương trong năm nay khó có thể trở lại như thời vàng son.
« Đương nhiên, việc Joe Biden lên cầm quyền sẽ là hồi kết của những cuộc tấn công nhắm vào các cơ chế đa phương, chấm dứt những căng thẳng gay gắt với các đồng minh. Đó sẽ là một chương mới cho chính sách của Mỹ, một nền ngoại giao mới. Dù vậy, chính sách đối ngoại đó chưa hẳn sẽ hoàn toàn khác biệt, nghĩa là chủ nghĩa đơn phương của Mỹ vẫn sẽ tồn tại. Thật khó mà tin rằng việc áp dụng nguyên tắc ngoài lãnh thổ của tư pháp Mỹ sẽ được ngưng lại. Dẫu sao thì quan hệ giữa Mỹ và châu Âu sẽ có chút cải thiện, nhưng không hẳn là hoàn toàn lý tưởng, bởi vì Hoa Kỳ vẫn muốn bảo vệ các lợi ích kinh tế của mình bằng mọi giá, kể cả việc phải chống lại châu Âu ».
2021 : Trung Quốc khẳng định thế siêu cường ?
Năm 2021, châu Á tiếp tục khẳng định sự năng động và sẽ là đầu tầu kinh tế thế giới. Trong khi dịch bệnh Covid-19 lây lan đã đánh quỵ nhiều nền kinh tế lớn, thì nhiều nước châu Á chứng tỏ khả năng kiểm soát dịch bệnh tốt và là những nước hiếm hoi có tăng trưởng kinh tế, cho dù có thấp hơn so với các năm trước rất nhiều.
Riêng với Trung Quốc, chưa có gì cho thấy là có thể cản được nước này đi lên thành siêu cường. Đại dịch Covid-19 nổ ra dường như còn là dịp để Bắc Kinh chứng tỏ khả năng làm chủ khoa học công nghệ. Theo Hội đồng Cấp cao về thẩm định nghiên cứu và đào tạo sau đại học (Hceres) tại Pháp, Trung Quốc gần như bám gót Hoa Kỳ và khẳng định thế mạnh trong nhiều lĩnh vực chiến lược. Số bài đăng khoa học của Trung Quốc tăng vọt trong vòng có 35 năm, đẩy nước này lên hàng thứ hai trên thế giới. Chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển khoa học của Trung Quốc cũng gần như ngang ngửa với Hoa Kỳ.
Việc Bắc Kinh ngày 03/01/2019 thông báo gieo được hạt bông (coton) trên Mặt Trăng, hai tuần sau sự kiện đáp xuống được phần khuất của Mặt Trăng đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong ngành vũ trụ không gian Trung Quốc. Bởi vì, ngoài những thách thức về khoa học, những cuộc chinh phục không gian còn bao hàm nhiều thách thức lớn về kinh tế, địa chính trị, địa chiến lược và mang đậm tính biểu tượng quan trọng. Làm chủ kỹ thuật không gian là một yếu tố cơ bản cho phép khẳng định sức mạnh quân sự của một quốc gia.
Chính trong bối cảnh này mà cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn sẽ chiếm lĩnh chính trường quốc tế trong năm 2021 này, theo như nhận định của nhà địa chính trị Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược, Pascal Boniface.
« Đây sẽ là yếu tố kiến tạo những vấn đề địa chính trị cho những năm sắp tới. Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày mỗi gia tăng bởi vì Trung Quốc vẫn tiếp tục đà đi lên thành cường quốc (…) Nhân quyền, hệ thống chính trị đúng là những vấn đề khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng động cơ thật sự về thái độ thù địch của Washington đối với Bắc Kinh chính là sự trỗi dậy mạnh mẽ thành siêu cường của Trung Quốc (…) Thế nên, chủ đề về hệ thống chính trị giờ không còn có tầm quan trọng bằng vấn đề thế bá quyền trên thế giới mà hai ông khổng lồ này đang tranh giành với nhau. »
Liên Hiệp Châu Âu : Đầu tầu Đức đổi người cầm lái
Câu hỏi đặt ra : Liên Hiệp Châu Âu phải làm gì ? Phải chăng năm 2021 này cũng là cơ hội cho khối 27 nước khẳng định thế mạnh của mình sau một cuộc chia tay đau đớn với Anh Quốc ? Trong hoàn cảnh này, nước Đức, một trong những đầu tầu kinh tế phải thay người lãnh đạo mới. Sau 16 năm cầm quyền, nữ thủ tướng Angela Merkel sẽ từ giã chính trường sau cuộc tổng tuyển cử liên bang dự kiến vào ngày 26/09/2021.
Việc chỉ định người thay thế bà làm lãnh đạo Liên Minh Dân Chủ Thiên Chúa Giáo (CDU) dĩ nhiên sẽ có những tác động đáng kể đối với vai trò thủ lĩnh hàng đầu của Đức tại châu Âu. Khối 27 nước này chỉ vận hành tốt khi Paris và Berlin cùng đồng thuận như những gì cho thấy trong việc thông qua bản Kế hoạch tái thiết kinh tế hậu Covid-19.
Thế nên, trên đài France Culture, bà Helene Miard-Delacroix, giáo sư lịch sử và văn minh Đức đương đại, trường đại học Sorbonne, cho rằng bất kể người thay thế bà Merkel là ai, vai trò tìm kiếm một đồng thuận để vận hành cả khối châu Âu là điều tối quan trọng vì đó còn là lợi ích của chính bản thân nước Đức.
« Tất cả mọi người đã thật sự bị bất ngờ trước sự thay đổi ý kiến này, cái cách mà Đức chấp nhận từ bỏ nguyên tắc không mắc nợ và nhất là không gánh nợ chung. Chúng ta có thể hiểu rất rõ điều này khi nhớ đến những lợi ích mà Đức có được trong việc duy trì sự vận hành của châu Âu. Một mặt, đó là vì những lợi ích thương mại. Hơn 60% giao thương của Đức là với thị trường chung, nước Đức cần những khách hàng thịnh vượng. Mặt khác, việc kinh tế lao dốc có thể có những ʺtác động muộnʺ – những hệ quả chính trị, những thành công có thể của các đảng theo chủ nghĩa dân túy ngay chính tại nước Đức và nhiều nền dân chủ khác tại châu Âu vào thời điểm Anh Quốc ra đi. Do vậy, sự ủng hộ này đối với nền kinh tế châu Âu, đối với bản thân nước Đức, chính là một sự can thiệp nhằm chống lại sự bất ổn, kể cả trong chính trị, vốn dĩ rất có khả năng ảnh hưởng đến nước Đức. »
Bầu cử tổng thống Iran : Một chu kỳ đối ngoại kết thúc ?
Cuối cùng hồ sơ hạt nhân Iran cũng có thể là một điểm nóng tại Trung Đông trong năm 2021 này. Một năm đã trôi qua, nhưng Iran vẫn chưa quên mối hận Hoa Kỳ dùng drone sát hại tướng Qassem Soleimani, chỉ huy lực lượng Vệ Binh Al-Qods vào ngày 03/01/2020 trên lãnh thổ Irak.
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran từ đó cũng không ngừng gia tăng khi chế độ Teheran liên tục tuyên bố phá vỡ các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015. Trong bối cảnh đó, Iran chuẩn bị bầu chọn tổng thống mới dự kiến diễn ra ngày 18/06/2021. Một cuộc bầu cử rất có thể có những tác động ngoại giao quan trọng. Phe cứng rắn được cho là chiếm ưu thế sau hai nhiệm kỳ của tổng thống sắp mãn nhiệm Hassan Rohani, vốn chủ trương ôn hòa hơn.
Tương lai nào cho thỏa thuận hạt nhân Iran ? Việc ông Joe Biden đắc cử có thể làm hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nước ? Trên đài France Culture, nhà báo Mariam Pirzadeh, cựu thông tín viên đài truyền hình quốc tế France 24 tại Iran nhận xét cuộc bầu cử tổng thống lần này tại nước Cộng hòa Hồi giáo đánh dấu hồi kết của một chu kỳ ngoại giao.
« Năm 2013, những cuộc đàm phán bí mật được nối lại giữa Mỹ và Iran để đạt được thỏa thuận về hạt nhân trong bối cảnh các tác nhân có một xu hướng chung. Nghĩa là, có một tổng thống Mỹ, ông Barackk Obama, muốn thương thuyết với Iran và có một tổng thống Iran cũng muốn đàm phán với phương Tây. Xu hướng này hiện nay không còn nữa. Sẽ không có thay đổi nữa. Đúng là khi ông Joe Biden đắc cử, người dân Iran cảm thấy nhẹ nhõm. Họ tự nhủ thế là chấm hết các lệnh trừng phạt, không còn áp lực tối đa nữa… Phe ôn hòa do ngoại trưởng Iran Mohammad Djavad Zarif dẫn đầu có thể nói là ʺchúng tôi sẵn sàng đàm phán, chúng tôi sẵn sàng lại tiếp đón quý vị cho thỏa thuận hạt nhân Iranʺ. Nhưng chắc chắn là những điều này sẽ không diễn ra nếu phe cứng rắn lên cầm quyền, bởi vì họ luôn phản đối thỏa thuận này. Do vậy, họ cũng sẽ không muốn đàm phán với Joe Biden. »
Lập trường cứng rắn của phe cực kỳ bảo thủ liệu sẽ trụ được bao lâu khi mà nguồn tài chính của đất nước đã bị suy kiệt do những trừng phạt và chính sách áp lực tối đa của Donald Trump gây ra ? Nhà báo Myriam Pirzadeh nhắc lại tổng thống Rohani khi lên cầm quyền đã phải chấp nhận đàm phán với Mỹ cũng chỉ vì ngân khố lúc đó trống rỗng.