Đọc báo Pháp – 06/11/2017
Chuyến công du nhạy cảm của Donald Trump tại châu Á
Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu chuyến công du châu Á đầu tiên từ ngày 05/11 đến ngày 12/11/2017 tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines. Đây cũng là chuyến công du dài nhất của một nguyên thủ Mỹ đương nhiệm kể từ 25 năm qua. Tuy nhiên, những điểm mập mờ về chính sách châu Á của Washington gây lo ngại trong bối cảnh mối đe dọa Bắc Triều Tiên.
Nhật báo Le Monde đánh giá đây là “chuyến công du nhạy cảm của Donald Trump tại châu Á”, đồng thời sẽ là “một bài trắc nghiệm về tài ngoại giao khéo léo” của người đứng đầu Nhà Trắng, dù ông khẳng định chuyến đi sẽ “đạt đầy thành công”.
Điều khiến lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh lớn của Mỹ tại châu Á, lo ngại chính là tổng thống Trump, cũng như đội ngũ thân cận, không quen với những điều tinh tế, hay đúng hơn là những thách thức về địa-chính trị tại khu vực này. Rất nhiều người tại Seoul và Tokyo nghi ngờ về khả năng trình bày một chiến lược liên kết của một vị tổng thống mà một trong những biện pháp ưu tiên hàng đầu là rút Hoa Kỳ khỏi thoả thuận mậu dịch xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thỏa thuận này lẽ ra sẽ giúp Mỹ tái cân bằng chính trị tại khu vực đầy tiềm năng tăng trưởng trong những thập kỷ sắp tới, và cũng chính tại đây, Trung Quốc không ngừng khẳng định sức mạnh.
Quyết định “phá” nỗ lực của người tiền nhiệm Obama đã làm Mỹ mất đi một công cụ và khiến hai đồng minh Nhật, Hàn thêm bối rối. Trước đó, cả hai nước này từng bị chỉ trích trong thời gian ông Trump vận động tranh cử khi nhắc đến các cam kết đảm bảo an ninh của Mỹ.
Cho đến giờ, tổng thống Mỹ chưa phác hoạ được bất kỳ chính sách nào tại châu Á, dù ý định ngăn chặn Bắc Kinh chưa biến khỏi lịch làm việc của chính quyền mới. Bằng chứng là phát biểu tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) ngày 18/10 tại Washington, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã nhấn mạnh đến mối quan hệ với Ấn Độ. Đến ngày 02/11, khi giới thiệu về chuyến công du của Donald Trump, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống, ông H. R. McMaster, đã nhắc đến vùng “Ấn Độ-Thái Bình Dương” để bao trùm thêm một nước có khả năng làm đối trọng với sức mạnh Trung Quốc.
Một chiến lược liên kết tại châu Á của Mỹ lại càng được trông đợi hơn bao giờ hết trước những tiến bộ vượt bậc về hạt nhân và tên lửa đạn đạo Bình Nhưỡng. Theo nhận định của Le Monde, chính mối đe dọa Bắc Triều Tiên sẽ thử thách quan hệ bền vững giữa các đồng minh. Vậy liệu Hoa Kỳ có bảo vệ các đồng minh của mình trước nguy cơ trở thành mục tiêu của một cuộc tấn công hay không ? Mục đích đầu tiên của chuyến công du châu Á lần này, chỉ đơn giản với sự xuất hiện của tổng thống Mỹ, sẽ phải nhằm khẳng định quan hệ vững chắc với Nhật Bản và Hàn Quốc, hai nước tuyến đầu chống Bắc Triều Tiên.
Thăm “bạn hữu” Nhật Bản, thuyết phục Hàn Quốc và Trung Quốc
Theo đánh giá của Le Monde, chuyến thăm Nhật Bản sẽ là chặng dễ dàng nhất trong vòng công du châu Á đối với tổng thống Mỹ vì giữa hai lãnh đạo này có những điểm tương đồng và thái độ cứng rắn của Tokyo đối với Bình Nhưỡng. Chính quyền Nhật Bản hài lòng công bố giữa Trump và Abe đã có 21 lần tiếp xúc, trong đó 5 lần gặp trực tiếp và 16 lần qua điện thoại. Thủ tướng Nhật Bản có thể tác động đến chính sách châu Á của tổng thống Donald Trump đến mức nào, đặc biệt là đối với chính sách cực đoan của ông đối với Bắc Triều Tiên? Điều này còn phải chờ được chứng minh.
Chặng dừng chân ngắn một ngày tại Seoul sẽ phức tạp hơn. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In vẫn ủng hộ tăng cường trừng phạt đối với Bình Nhưỡng, và tỏ ra giữ khoảng cách với những lời tuyên bố hiếu chiến của Donald Trump. Phát biểu trước Hạ Viện Hàn Quốc, nguyên thủ Mỹ phải làm đuợc hai mục tiêu : vừa trấn an đồng minh, vừa khẳng định quyết tâm của Mỹ đối phó với Bình Nhưỡng.
Tại Bắc Kinh, tổng thống Trump dự định đề nghị chủ tịch Tập Cận Bình gia tăng nỗ lực để thuyết phục chế độ Kim Jong Un từ bỏ vũ khí nguyên tử. Dù cả hai nước có chung mục đích phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên, nhưng tại Hội Đồng Bảo An, Trung Quốc ủng hộ tăng cường trừng phạt và tỏ ra không sẵn sàng đẩy thêm Bình Nhưỡng vào chân tường. Để răn đe thêm, ngày 02/11, Washington tuyên bố loại khỏi hệ thống tài chính Mỹ ngân hàng Đan Đông của Trung Quốc, nằm ở biên giới Trung-Triều. Hành động này khiến Bắc Kinh tức giận.
Về các hồ sơ liên quan đến Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ chỉ có những nhượng bộ tối thiểu. Theo đánh giá của ông Ryan Hass, chuyên gia về châu Á của trang Brooking Institution, “ông Tập có lẽ sẽ hài lòng về chuyến công du mang tính biểu tượng cao, nhưng lại nhẹ nhàng về mặt nội dung, chủ yếu là do ông Tập không muốn, hoặc không cần nhiều từ phía ông Trump”. Chủ tịch Trung Quốc đang trên đà tiến với dự án “Con đường tơ lụa mới” hiện đang phát triển. Thêm nữa, ông Tập vừa hứa “một thời đại mới” và Trung Quốc sẽ chiếm “một vị trí còn trung tâm hơn trên trường quốc tế”.
Cảm giác do dự trong chính sách châu Á của Mỹ lại được Bắc Kinh nhìn nhận là một thời cơ chiến lược. Ông Wang Peng, thuộc trung tâm nghiên cứu Trung Quốc Charhar, nhận xét : “Trump không còn bị coi là nguy hiểm đối với Trung Quốc, dù ông ấy luôn là người khó đoán trước”. Vẫn theo nhà nghiên cứu Trung Quốc, đúng là những lời tuyên bố không nhất quán của tổng thống Mỹ “gây bối rối tại Trung Quốc” nhưng chúng cũng “làm giảm độ tin cậy của Washington”.
Tại sao Nhật bản trở thành bạn tốt của Donald Trump?
Đánh giá về chuyến thăm Nhật Bản trong hai ngày, mở đầu vòng công du châu Á của tổng thống Mỹ, Le Figaro cho rằng “Trump trên vùng đất đã được chinh phục tại Nhật Bản”. Nhật báo thiên hữu trích nhận định của giáo sư Toshihiro Nakayama, thuộc đại học Keio, theo đó “Nhật Bản có thể là nước hữu nghị nhất đối với Donald Trump”.
Les Echos đặt câu hỏi : “Tại sao Nhật Bản trở thành bạn tốt của Donald Trump?” Câu trả lời khá đơn giản : “Để sống sót, Nhật Bản không có phương án B”. Vì ngày càng cần sự bảo vệ của Mỹ trước mối đe doạ Bắc Triều Tiên và Trung Quốc, thủ tướng Shinzo Abe trở thành người ủng hộ trung thành trên trường quốc tế của tổng thống Mỹ.
Ngoài ra, trước một Donald Trump không có chiến lược tại châu Á, từ vài tháng nay, Nhật Bản nhẹ nhàng thúc đẩy một khái niệm mới “thế giới Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, trong đó Tokyo miêu tả một quan hệ đối tác chiến lược lớn giữa các nền dân chủ Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản chống lại sức ảnh hưởng chuyên quyền của Trung Quốc và các hành động gây hấn của Bình Nhưỡng.
Donald Trump hay ngành ngoại giao hỗn mang
Là người theo khuynh hướng cô lập, dân túy, thực dụng và không lường trước được, tổng thống Mỹ đang làm lung lay trật tự thế giới từ khi được bầu vào trọng trách cao nhất. Chín tháng cầm quyền của tổng thống Donald Trump theo chính sách “Nước Mỹ trên hết” được nhật báo Le Monde phân tích trong bài viết mang tựa “Donald Trump hay ngành ngoại giao hỗn mang” trên mục “Địa chính trị”.
Theo kết quả một cuộc điều tra được tiến hành tại 37 nước vào tháng 06/2017 của tổ chức cố vấn Mỹ Pew Research Institute, chủ nhân Nhà Trắng khiến 74% người được hỏi không tin tưởng, vì tính ngạo nghễ và cố chấp của ông. Tại châu Âu, tỉ lệ tín nhiệm của tổng thống Mỹ rơi xuống ngưỡng thấp nhất, đặc biệt là tại Đức (10%), Pháp (14%). Chỉ tại hai nước Israel và Nga, tỉ lệ tín nhiệm đối với tổng thốn thứ 45 của Mỹ đạt mức cao hơn (lần lượt là 49% và 53%).
Catalunya : Puigdemont trong tay tư pháp Bỉ
Tại châu Âu, cựu chủ tịch vùng Catalunya, Tây Ban Nha, cùng với bốn cựu bộ trưởng vùng, đã đến trình diện cảnh sát tại Bruxelles sáng Chủ Nhật 05/11. Tư pháp Bỉ đứng trước ba khả năng : chính thức bắt giam một hay nhiều quan chức của Catalunya ; tạm thả có điều kiện hoặc bảo lãnh ; hoặc “không thực thi” lệnh bắt giữ.
Theo nhận định của Le Figaro, tư pháp Bỉ đang phải xử lý một trường hợp khá nhạy cảm. Nếu bác bỏ lệnh bắt của Tây Ban Nha, đây sẽ là sự sỉ nhục lớn đối với Madrid. Nếu bắt giữ, sau đó tạm giam ông Carles Puigdemont và bốn “cựu cố vấn”, thì sẽ cắt đường của phe đòi độc lập trong khi cuộc bầu cử cấp vùng sắp diễn ra vào ngày 21/12 theo lời hứa của chính quyền Tây Ban Nha. Cuối cùng, tương tự hồ sơ Catalunya, Bỉ cũng đang trong tình trạng khó xử vì căng thẳng giữa hai vùng Wallonie và Flamand.
Việc giam giữ tại Tây Ban Nha hay tại Bỉ các chính trị gia được bầu một cách dân chủ có thể để lại vị đắng, dù họ chọn cách vi phạm Hiến Pháp. Các lệnh bắt giam đã làm trì hoãn cuộc đối thoại giữa hai phe mà Liên Hiệp Châu Âu trông đợi. Những ngày gần đây, thủ tướng Đức và tổng thống Pháp cũng tỏ ra kín đáo hơn trong việc ủng hộ đường lối của thủ tướng Tây Ban Nha.
Khí hậu : Những thách thức thật sự tại hội nghị Bonn
Hội nghị về Khí hậu lần thứ 23 do Liên Hiệp Quốc tổ chức khai mạc tại thành phố Bonn, Đức. Đây là cuộc họp đầu tiên quy tụ đại biểu của gần 200 nước kể từ khi tổng thống Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận Khí hậu Paris.
Theo nhận định của Les Echos, kiềm chế nhiệt độ Trái đất không vượt thêm quá 2°C, theo nhất trí của 195 nước tại COP21, dường như ngày càng khó thực hiện được. Trang nhất của nhật báo La Croix là hàng tựa : “Khí hậu, đến lúc chuyển sang hành động” cùng với nhận định “Một COP23 không được phép sai lầm”. Các Nhà nước và xã hội dân sự có hai tuần để thúc đẩy các điều kiện thực hiện cụ thể thỏa thuận về khí hậu ký năm 2015.
Trên lĩnh vực chống biến đổi khí hậu tại Pháp, trả lời phỏng vấn đài RTL, bà Ségolène Royal, vừa được bầu làm đại sứ Bắc Cực và Nam Cực, “hoan nghênh vài trò “lãnh đạo” của người đứng đầu Nhà Nước Pháp” trong hồ sơ môi trường, theo nhật báo Le Figaro.
Libération quan tâm đến việc chống biến đổi khí hậu tại Trung Quốc tại hội nghị Bonn. Trong bài phóng sự mang tựa : “COP23 : Mặt trái của năng lượng mặt trời tại Trung Quốc”, đặc phái viên của nhật báo thiên tả nhận định “Bắc Kinh thể hiện là nước đi đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Nhưng một phần rất lớn trong việc sản xuất lại bị lãng phí trong một hệ thống phân phối không phù hợp”.
Mỹ : Xả súng tại bang Texas
Thời sự quốc tế nổi bật là vụ xả súng trong một nhà thờ ở bang Texas được Le Figaro cập nhật. Ít nhất 27 người chết, 24 người bị thương trong buổi lễ chiều Chủ Nhật 05/11/2017. Thủ phạm chết tại chỗ, danh tính và động cơ của kẻ nổ súng hiện vẫn là một bí ẩn tuyệt đối.
Một số nhà phân tích cho rằng kiểu hành động trong các cộng đồng cô lập có lẽ thường do một người dân địa phương, bị kích động vì khát vọng báo thù hoặc vì tư tưởng giết người.
Trang nhất các nhật báo
Ả Rập Xê Út và cuộc thanh trừng tham nhũng chưa từng có là chủ đề trên trang nhất của nhật báo kinh tế Les Echos, Le Figaro và Libération. Chiến dịch này giúp hoàng tử Salman kế nghiệp củng cố quyền lực.
Chủ đề khí hậu và chuyển sang hành động cũng là chủ đề trên trang nhất của Le Figaro và La Croix. Riêng trang nhất của Le Monde là hàng tựa “Donald Trump, chính sách ngoại giao hỗn mang” nhân chuyến công du châu Á đầu tiên của người đứng đầu Nhà Trắng, đồng thời kỷ niệm một năm ông được bầu làm tổng thống Mỹ.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20171106-chuyen-cong-du-nhay-cam-cua-donald-trump-tai-chau-a
Tin đọc nhanh
(AFP & Reuters) – Công bố tên bốn nghi can sát hại Kim Jong Nam. Cảnh sát Malaysia hôm nay 06/11/2017 công bố tên bốn người Bắc Triều Tiên bị nghi ngờ đã âm mưu cùng hai phụ nữ ám sát ông Kim Jong Nam, người anh cùng cha khác mẹ với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Đó là Hong Song Hac, 34 tuổi, được cho là nhân vật « M.Chang » ; Ri Ji Hyon, 33 tuổi (Mr Y) ; Ri Jae Nam, 57 tuổi (Hanamor) và O Jong Gil (James). Trong số này có một quan chức đại sứ quán Bắc Triều Tiên và một lãnh đạo hãng hàng không Air Koryo của Bình Nhưỡng. Cả bốn đã đào tẩu khỏi Malaysia sau vụ ám sát, hiện đang bị Interpol truy nã quốc tế.
(AFP) – Quân đội Trung Quốc được lệnh tuyên thệ trung thành với Tập Cận Bình. Sau khi lực lượng cảnh sát Trung Quốc tuyên thệ trung thành với chủ tịch Tập Cận Bình, đến lược quân đội nhận được lệnh phải tuyên thệ.
Theo Tân Hoa Xã hôm qua, 05/11, Quân ủy trung ương Trung Quốc ra chỉ thị nhấn mạnh đến « tinh thần trung thành tuyệt đối và chân thành đối với Tập chủ tịch ». « Tư tưởng của chủ tịch Tập Cận Bình sẽ là kim chỉ nam tăng cường sức mạnh quân đội…. » « thi hành mọi mệnh lệnh không được nghi ngờ».
AFP- Hàng loạt đe dọa đánh bom tại Nhật giữa lúc tổng thống Mỹ ở Tokyo. Hôm nay, 06/11/2017, hàng loạt các báo động có bom liên tiếp tại Nhật Bản. Tuy nhiên cảnh sát Nhật cho hay, không hề có dấu vết chất nổ nào được phát hiện cũng như không hề có vụ bắt giữ nào. Các đe dọa đánh bom đã xảy ra nhiều nơi ở miền tây của Nhật Bản. Tại tỉnh Shiga, một công ty đường sắt đã nhận được cuộc gọi từ một người đàn ông dấu tên khẳng định đã đặt bom bên trong một du thuyền và sẽ cho nổ trong vài giờ tới. Cảnh sát đã phải cho sơ tán hành khách và dò tìm chất nổ trên chiếc tàu liên quan nhưng không phát hiện được gì. Một công ty phà biển ở Hiroshima nhận được đe dọa tương tự qua điện thoại. Tại Tokyo một công ty đường sắt cũng nhận được thông tin nặc danh dọa đánh bom.
AFP – 2017 sẽ là năm nóng nhất từ trước tới nay. Năm 217 sẽ là năm nóng nhất kể từ khi thế giới bắt đầu thống kê nhiệt độ, báo cáo của Tổ chức khí tượng thế giới công bố hôm nay tại Bonn nhân Hội nghi khí hậu lần thứ 23 của Liên Hiệp Quốc. Năm 2016 đã là năm nóng kỷ lục bởi có tác động của hiện tượng El Nino xuất hiện theo chu kỳ. Mặc dù năm 2017 không có hiện tượng El Nino nhưng nhiệt độ trung bình trên thế giới vẫn cao kỷ lục. Điều này khẳng định xung hướng khí hậu trái đất vẫn tiếp tục ấm lên.
AFP – Người Rumani xuống đường đòi « độc lập cho Tư pháp ». Hôm qua, 05/11/2017, hàng nghìn người đã biểu tình tại thủ đô Bucarest và hàng chục thành phố lớn khác để « bảo vệ tính độc lập của Tư pháp » mà theo họ đang bị đe dọa bởi cuộc cải cách của chính phủ. Một dự luật đang được thảo luận tại Quốc Hội dự trù hạn chế thẩm quyền của Viện Công Tố chống tham nhũng đồng thời cho phép bộ Tư Pháp tăng cường kiểm soát đối với các công tố viên. Tháng Giêng năm nay, chính phủ thuộc đảng Xã hội- Dân chủ đã có ý định nới lỏng luật chống tham nhũng nhưng không thành vì sức ép của các cuộc biểu tình trên quy mô chưa từng có kể từ khi chế độ Cộng sảng sụp đổ.
(RFI)-Liban lo sợ nội chiến bùng lại. Quyết định từ chức bất ngờ của thủ tướng Saad Hariri, thông báo từ thủ đô Ả Rập Xê Út hôm thứ bảy kèm với lời tố cáo Iran,qua tổ chức Hezbollah-Liban can thiệp vào nội tình Liban gây hoang mang tại Liban. Tổ chức Hezbollah cho rằng thủ tướng Saad Hariri bị Ryad « kềm chế ». Iran cáo buộc Ả Rập Xê Út khiêu khích.
Theo tuyên bố của thủ tướng Liban, ông lo ngại bị ám sát như thân phụ vào năm 2005 cùng với một lọat chính trị gia Liban, chống Syria. Năm 2006, Israel can thiệp quân sự xung đột với Hezbollah, đồng minh của Teheran và Damas, trong nhiều tháng.
(Reuters) – Charlie Hebdo lại bị đe dọa. Giám đốc xuất bản tuần báo trào phúng Charlie Hebdo hôm nay 06/11/2017 cho biết đã nộp đơn kiện vì tờ báo liên tục nhận được những lời đe dọa, sau khi đăng một biếm họa về Tariq Ramadan. Chuyên gia về đạo Hồi có những phát biểu gây tranh cãi này tháng trước đã bị hai phụ nữ khởi kiện tội cưỡng hiếp.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171106-tin-doc-nhanh