Đọc báo Pháp – 06/05/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 06/05/2020

Covid-19: Sống chung với Trung Quốc nhưng không được quên bản chất chế độ Bắc Kinh – Thùy Dương

Vẫn như những ngày qua, báo Pháp hôm nay quan tâm đến nhiều khía cạnh của cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, từ cuộc chạy đua bào chế vác-xin, công tác chữa trị bệnh (báo La Croix), cho đến những khó khăn trong ngành biểu diễn nghệ thuật trong giai đoạn khủng hoảng (báo Libération). Báo kinh tế Les Echos lại đặc biệt chú ý đến Trung Quốc, với cả trang nhất, bài xã luận và nhiều bài phỏng vấn, phóng sự.

« Trung Quốc : những nỗi ngờ vực gia tăng » là tựa trang nhất của Les Echos. Tâm điểm của mọi nỗi nghi ngờ của quốc tế cũng như những bất đồng giữa Trung Quốc và Mỹ trong giai đoạn này chính là trung tâm thí nghiệm P4 ở Vũ Hán. Để hiểu hơn về sự leo thang căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh, Les Echos đi tìm lời giải đáp qua 6 câu hỏi: Mỹ tố cáo Trung Quốc về những chuyện gì và với bằng chứng nào ? Đây có phải một thủ đoạn chính trị hay không ? Mỹ có thể đáp trả Trung Quốc thế nào ? Châu Âu nói gì ? Phe Dân Chủ Mỹ phản ứng ra sao ? Trung Quốc có thể đáp trả Mỹ bằng cách nào ?

Hiện nay, không chỉ có Mỹ mà rất nhiều nước muốn đòi Trung Quốc bồi thường thiệt hại dịch bệnh, chuyện này có khả thi hay không ? Les Echos trích dẫn một số chuyên gia luật quốc tế của Pháp theo đó việc khởi kiện một quốc gia là rất khó và cũng khó để có thể kết án được Trung Quốc.

Liên quan đến quan hệ giữa Trung Quốc và Tổ Chức Y Tế Thế Giới, Les Echos giới thiệu bài phỏng vấn bà Valérie Niquet, chuyên gia về châu Á của Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp, theo đó Trung Quốc không tôn trọng các cam kết đã ký khi gia nhập định chế y tế của Liên Hiệp Quốc.

Ngoài ra, Les Echos còn giới thiệu bài phóng sự về cuộc sống của người dân Bắc Kinh thời hậu Covid-19. Tất cả đều bị kiểm soát chặt chẽ bằng mã QR code, từ tình trạng sức khỏe đến lịch trình di chuyển…

Bài xã luận của Les Echos đặc biệt đáng chú ý với hàng tựa để ngỏ: « Virus corona: Trung Quốc đã thua một trận nhưng … » Cho dù đã đưa khẩu trang và thiết bị y tế đến khắp nơi trên thế giới, nhưng Trung Quốc chưa bao giờ bị thế giới chống đối đến như vậy. 30 năm sau vụ thảm sát Thiên An Môn khiến nhiều nước phương Tây phẫn nộ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh, chế độ Tập Cận Bình đã gây ra nỗi ngờ vực trên toàn cầu. Theo cây viết xã luận của Les Echos, cuộc tấn công thô thiển và vụng về của Bắc Kinh chống lại các giá trị phương Tây đã phản tác dụng và khiến các cường quốc đều chống lại Trung Quốc.

Từ Canberra đến Washington, Bruxelles, Paris, tất cả đều yêu cầu làm rõ trách nhiệm của Trung Quốc trong việc để virus corona lây lan khắp nơi. Châu Âu, thường rất thận trọng, đã thắt chặt các điều kiện áp đặt cho các nhà đầu tư Trung Quốc. Một số người còn nghĩ đến khả năng có biện pháp trừng phạt toàn cầu chống lại Bắc Kinh, thậm chí là một cuộc đối đầu quân sự giữa Bắc Kinh với Washington.

Tuy nhiên, Les Echos cũng lưu ý Tập Cận Bình vẫn còn nhiều lá bài trong tay. Thứ nhất là cuộc chạy đua tìm vác-xin. Trong số 40 ứng viên tham gia trận chiến toàn cầu này, Sinovac Biotech của Trung Quốc dường như đang tiến xa nhất. Nhưng việc Trung Quốc để lây lan virus rồi lại chạy đua để điều chế vác-xin đánh bại đại dịch là điều thật đáng mỉa mai ! Lá bài thứ hai của ông Tập liên quan đến châu Phi, Trung Đông và nói chung là tất cả các quốc gia cần tiền để vượt qua khủng hoảng. Nếu không có sự hỗ trợ của châu Âu và Mỹ, thì trong thời gian tới, Algeri, Ai Cập và Pakistan có thể sẽ phải kêu gọi Bắc Kinh giúp sức.

Lá bài thứ ba là về công nghiệp. Liên Hiệp Châu Âu hứa hẹn sẽ hồi hương một số dây chuyền sản xuất chiến lược quan trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực dược phẩm và nguyên liệu thô. Nhưng sẽ là ảo tưởng nếu Liên Âu nghĩ có thể hồi sinh ngành công nghiệp châu Âu như 50 năm trở về trước. Độc lập về hậu cần với Trung Quốc cũng chỉ là một ảo tưởng. Cuộc khủng hoảng hiện nay nhắc nhở chúng ta là thế giới sẽ phải sống chung với Trung Quốc nhưng không bao giờ được quên bản chất sâu xa của Bắc Kinh.

Mỹ-Trung đối đầu, châu Âu không nên chỉ làm khán giả

Trong bối cảnh sự huy động quốc tế là rất cần thiết để có thể chấm dứt đại dịch Covid-19 càng sớm càng tốt, sự đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là một bất lợi lớn. Kể từ khi trở thành chủ nhân Nhà Trắng vào tháng 01/2017, Donald Trump coi Trung Quốc là đối thủ chính của Mỹ, ngoài Iran.

Bị ám ảnh về việc phải tái công nghiệp hóa đất nước, ông Trump cáo buộc Bắc Kinh gian lận trong chính sách thương mại. Trong trận chiến này, chính quyền Trump dùng mọi phương tiện, chính sách đối nội bao giờ cũng gắn với địa chính trị. Trong những ngày gần đây, tổng thống Donald Trump và ngoại trưởng Mike Pompeo cáo buộc Trung Quốc che giấu sự thật về sự xuất hiện của virus ở Vũ Hán vào cuối năm 2019, nhưng đều không cung cấp bằng chứng.

Tuy nhiên, La Croix nhận định chính sự không minh bạch của chế độ Tập Cận Bình đã làm gia tăng nỗi ngờ vực. Bắc Kinh đã bác bỏ các yêu cầu về việc cho tiến hành một cuộc tra độc lập về nguồn gốc virus corona. Trung Quốc cũng không hồi đáp đề nghị của Tổ Chức Y Tế Thế Giới để WHO đến nghiên cứu tận nơi. Mọi tiếng nói chỉ trích chính quyền về cách quản lý dịch bệnh đều bị trấn áp.

La Croix nhấn mạnh là bên lề cuộc xung đột tiềm ẩn này, châu Âu không thể cứ giữ vai trò là khán giả. Trước xu hướng toàn cầu hóa dịch bệnh gia tăng, châu Âu phải sử dụng uy tín của mình để thúc đẩy hợp tác đa phương và hỗ trợ các tổ chức của Liên Hợp Quốc, chẳng hạn Tổ Chức Y Tế Thế Giới, để tạo ra các quan hệ đối tác canh tân. Điều này có thể sẽ giúp châu Âu độc lập về chiến lược.

Pháp : Gánh nặng kinh tế tăng, uy tín quốc tế giảm vì Covid-19

Về nước Pháp, Le Monde lo ngại là cú sốc do đại dịch gây ra có thể dẫn đến nguy cơ bùng nổ liên minh tiền tệ, trong khi đó Pháp bị suy yếu do kinh tế sụt giảm nên có thể mất tiếng nói đoàn kết châu Âu.

Le Monde nhận định khi nhiều nước châu Âu cùng lâm vào đại dịch, việc quốc tế so sánh các nước dường như không có lợi cho Pháp. Với mức giảm 5,8% GDP trong quý đầu năm 2020 so với quý cuối năm 2019, Pháp là nước có GDP giảm nhiều nhất so với các nước lớn trong khu vực đồng euro. Mức giảm GDP của Pháp nghiêm trọng hơn Đức, thậm chí cả Tây Ban Nha và Ý. Thế nhưng, bộ trưởng Kinh Tế Pháp vẫn cảnh báo nhìn từ góc độ kinh tế, khó khăn lớn nhất vẫn đang chờ Pháp ở phía trước.

Suy thoái kinh tế nặng nhất tại Pháp tính từ hồi năm 1949, theo Le Monde, không chỉ do những khó khăn về cơ cấu mà còn do cách quản lý khủng hoảng của cả tổng thống Macron và chính phủ của thủ tướng Edouard Philippe. Bên cạnh sự tập quyền thái quá ở trung ương khiến Nhà Nước khó điều chỉnh chính sách phù hợp với các địa phương ở những mức độ dịch bệnh khác nhau, lệnh phong tỏa trên quy mô lớn hơn so với các nước láng giềng, còn phải kể đến cách quản lý độc đoán của chính quyền trong bối cảnh đất nước đã bị xáo trộn bởi cuộc khủng hoảng Áo Vàng và phong trào đấu tranh chống cải cách chế độ hưu trí.

Le Monde nhấn mạnh chính phủ các nước láng giềng cũng phải đối mặt với những khó khăn tương tự như Pháp, nhưng họ quản lý khủng hoảng trong không khí ít căng thẳng và ít nỗi ngờ vực hơn. Theo một cuộc khảo sát tại châu Âu do Viện Ipsos-Cevipof tiến hành, 62% dân Pháp không hài lòng về hành động của chính phủ, tỉ lệ này ở Đức chỉ là 26%. 64% người Pháp cho rằng hậu quả kinh tế sẽ « rất nghiêm trọng », so với tỉ lệ 39% tại Đức. Trông chờ mọi điều từ Nhà nước trung ương, nhưng lại chỉ trích quyền lực của Nhà nước đồng thời từ chối các trách nhiệm ở địa phương, đối với Le Monde, đây là phác họa hoàn hảo về « căn bệnh phân lập » của người Pháp.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế là điều không thể tránh khỏi. Nhưng lần này, sự suy thoái đặc biệt nghiêm trọng của Pháp đang đặt khu vực đồng euro, thậm chí cả Liên Hiệp Châu Âu trước một thử thách vô cùng lớn. Le Monde nhận định khi chính quyền Berlin và Paris xa cách nhau thêm một chút, khi Pháp đang bị xếp cùng các nước Nam Âu với tất cả những định kiến tiêu cực, thì thành tích kinh tế yếu kém càng làm hình ảnh của Pháp thêm xấu đi.

Khủng khiếp hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, cú sốc do Covid-19 gây ra có nguy cơ phá nổ liên minh tiền tệ, vì thế càng cần thiết có các cơ chế vững chắc để các nước Liên Âu hỗ trợ lẫn nhau. Bài xã luận của Le Monde kết luận bằng một câu hỏi mở: Emmanuel Macron, người đi đầu về phát huy tình đoàn kết châu Âu, sẽ còn giữ được vai trò này trong bao nhiêu lâu nữa, nếu nước Pháp vẫn còn « trượt dốc » ?

Anh Quốc « soán ngôi » Ý về số ca tử vong hàng đầu châu Âu

Vẫn liên quan đến châu Âu, Le Figaro nhìn sang Anh Quốc, với 32.313 người chết, láng giềng của Pháp đến hôm qua 05/05 đã vượt lên Ý để dẫn đầu châu Âu về số ca tử vong vì Covid-19 và đứng thứ hai trên thế giới, sau Mỹ.

Mặc dù chính quyền Anh nhận định là đỉnh dịch đã qua, số nạn nhân đã giảm nhẹ, nhưng tình hình ở các nhà dưỡng lão vẫn đặc biệt đáng lo ngại và ngày càng có chiều hướng xấu đi. Theo dự kiến, vào ngày mai 07/05 chính phủ Anh sẽ xem xét lại các biện pháp dỡ bỏ phong tỏa. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy thủ tướng Anh sẽ không quá vội trong việc ngưng phong tỏa. Và công luận cũng ngả về phía ông. Theo một thăm dò ý kiến vào cuối tuần qua, 67% dân Anh đánh giá vẫn còn quá sớm để mở cửa lại trường học, nhà hàng và sân vận động.

Về kinh tế, rất có thể nước Anh sẽ suy thoái ở mức chưa từng có trong lịch sử. Nhiều nhà quan sát dự báo GDP quý 1 năm 2020 của Anh sẽ giảm 7%. Một số chuyên gia khác thậm chí còn cho rằng GDP có thể giảm tới 13%. Khoảng 6,3 triệu người lao động (20% dân ở độ tuổi lao động) bị thất nghiệp bán phần.

Điều đáng nhạc nhiên là theo Le Figaro, mặc dù đất nước bị dịch bệnh gây hại nặng nề về nhân mạng và kinh tế, nhưng thủ tướng Anh Boris Johson vẫn được lòng dân. Theo kết quả một cuộc khảo sát được công bố vào hôm qua, 60% dân Anh tin tưởng vào chính phủ, so với tỉ lệ 36% hồi  tháng Giêng. Chuyện thủ tướng Anh nhiễm virus, phải điều trị tích cực trong bệnh viện, đã khiến dân chúng càng thông cảm với ông.

Nơi ở của 1/3 nhân loại có nguy cơ nóng như sa mạc Sahara

Tập trung vào các vấn đề do đại dịch Covid-19 gây ra, từ nước Pháp cho đến Anh Quốc, Ấn Độ, Miến Điện … nhưng báo Le Monde không quên hồ sơ khí hậu. Trong bài viết « Từ nay đến năm 2070, 1/3 nhân loại có nguy cơ phải sống trong những điều kiện khí hậu khắc nghiệt », Le Monde trích dẫn kết quả nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học châu Âu, Mỹ và Trung Quốc, theo đó nếu thế giới không làm gì để hạn chế lượng khí thải CO2, 3,5 tỉ người trên Trái đất có thể mất vùng khí hậu thuận lợi mà loài người đã sinh sống và phát triển trong suốt 6.000 năm qua. Kết quả nghiên cứu được công bố hôm thứ Hai 04/05 trên tạp chí Mỹ Proceedings of the National Academy of Sciences.

Bằng cách tổng hợp các dữ liệu về khí hậu, khảo cổ, nhân khẩu học và nông nghiệp, các nhà nghiên cứu Trung Quốc, Mỹ và châu Âu đã tìm hiểu điều kiện nhiệt độ, lượng mưa lý tưởng để con người duy trì sự sống và phát triển : Vùng khí hậu thuận lợi này tập trung chủ yếu ở vùng ôn đới, nơi nhiệt độ trung bình hàng năm dao động trong khoảng 11-15°C, trong khi nhóm dân số ít hơn sống ở vùng xích đạo hoặc nhiệt đới nơi nhiệt độ xoay quanh 20-25°C. Tình trạng này không thay đổi trong suốt sáu nghìn năm qua, cho dù có hiện tượng di dân.

Tuy nhiên, trong vòng 50 năm tới, loài người sẽ phải hứng chịu sự biến đổi khủng khiếp về khí hậu. Nhóm chuyên gia liên chính phủ về khí hậu (GIEC) từng cảnh báo nếu lượng khí thải vẫn tăng không ngừng, từ nay đến năm 2070, nhiệt độ Trái Đất sẽ tăng 3°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Thế nhưng, nghiên cứu lần này dự báo đa phần dân cư Trái Đất sẽ chịu cảnh nhiệt độ tăng thêm tới 7,5°C. Sự cách biệt về con số như trên được giải thích như sau : Phần đất liền sẽ bị hâm nóng nhiều hơn các đại dương và dân số tăng chủ yếu ở những khu vực nóng nhất. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất nằm trong số những nước nghèo nhất thế giới, đặc biệt là Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Indonesia và Sudan.

http://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200506-covid-19-s%E1%BB%91ng-chung-v%E1%BB%9Bi-trung-qu%E1%BB%91c-nh%C6%B0ng-kh%C3%B4ng-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-qu%C3%AAn-b%E1%BA%A3n-ch%E1%BA%A5t-ch%E1%BA%BF-%C4%91%E1%BB%99-b%E1%BA%AFc-kinh

 

Tin tổng hợp

(AFP) – Trung Quốc từ chối để cộng đồng quốc tế điều tra về nguồn gốc virus corona. 

Đại sứ Trung Quốc bên cạnh Liên Hiệp Quốc tại Genève Trần Húc (Chen Xu) ngày 06/05/202 viện cớ “Ưu tiên hàng đầu hiện nay là tập trung chống đại dịch để đạt được thắng lợi sau cùng”, do đó theo ông, Trung Quốc “không thể lãng phí thời gian trong công tác cứu mạng người” để có thể cho mở điều tra quốc tế.

(AFP) – Tổng thống Macron ngày 06/07/2020 công bố kế hoạch hỗ trợ các hoạt động văn hóa của Pháp vượt qua khủng hoảng Covid-19. 

Các nhà hát, bảo tàng, sân khấu trên toàn quốc đã bị đóng cửa từ đầu mùa dịch. Tất cả các festival, triển lãm … đều bị hủy bỏ hoặc phải dời lại vô hạn định. Hơn 1,3 triệu người bị mất việc. Văn hóa là lĩnh vực đem về hàng năm khoảng 45 tỷ euro doanh thu và tạo công việc làm cho một số ngành nghề khác như khách sạn, du lịch và nhà hàng.

(Yonhap) – Tình báo Hàn Quốc: không có dấu hiệu cho thấy Kim Jong Un đã trải qua một cuộc phẫu thuật. 

Điều trần trước Ủy Ban Tình Báo Quốc Hội, Cơ Quan Tình Báo Quốc Gia NIS của Hàn Quốc ngày 06/05/2020 khẳng định tin đồn lãnh tụ Bắc Triều Tiên đã phải mổ tim là “không có cơ sở”. Tuy nhiên trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, ông Kim Jong Un đã giới hạn những lần xuất hiện trước công chúng từ đầu năm tới nay. Đến nay, Bình Nhưỡng luôn khẳng định không có một ca lây nhiễm nào trên toàn lãnh thổ.

(Reuters) – CSIS : Bắc Triều Tiên dường như hoàn thiện cơ sở hỗ trợ tên lửa đạn đạo liên lục địa. 

Theo báo cáo của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế, trụ sở tại Washington (Hoa Kỳ), được công bố ngày 05/05/2020, một cơ sở vừa được dựng lên gần sân bay quốc tế Bình Nhưỡng có nhiều khả năng nằm trong chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên. Cơ sở này bắt đầu được xây dựng từ năm 2016. Bộ Thống Nhất Hàn Quốc từ chối bình luận về tin trên.

(AP) – Thủ tướng Cam Bốt tiếp lãnh đạo đối lập Kem Sokha. 

Theo lời phát ngôn viên của chính phủ Cam Bốt, cuộc gặp đã diễn ra nhân dịp lãnh đạo đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt đến viếng nhạc mẫu ông Hun Sen hôm 05/05/2020. Ông Kem Sokha từng bị bắt vào tù vì tội “phản bội tổ quốc”, rồi bị quản thúc tại gia cho đến tháng 11/2019. Theo giải thích của phát ngôn viên chính phủ Cam Bốt việc lãnh đạo đối lập đến viếng nhạc mẫu thủ tướng Hun Sen là thuộc về văn hóa của Xứ Chùa Tháp, và trong buổi tiếp xúc này, hai ông Hun Sen và Kem Sokha đã không đề cập đến các vấn đề chính trị.

(AFP) – Nam tài tử Mỹ Tom Cruise sẽ đóng phim từ trạm không gian. 

Cơ Quan Hàng Không và Vũ Trụ NASA ngày 05/05/2020 phấn khởi thông báo mời Tom Cruise đóng phim trong không gian. Đây sẽ là một dự án đầy “tham vọng”, một thử thách cả đối với ngành vũ trụ không gian lẫn điện ảnh Hoa Kỳ. Website chuyên về điện ảnh Deadline Hollywood tiết lộ dự án có thể liên quan đến loạt phim nhiều tập Mission Impossible.

(AFP) – Vì lệnh phong tỏa tại Pháp để chống dịch Covid-19, trung bình người Pháp tăng cân thêm 2,5kg. 

Theo thăm dò của viện IFOP được công bố ngày 06/05/2020 trong 8 tuần lễ ít hoạt động và được kêu gọi ở trong nhà, trung bình dân Pháp có khuynh hướng lên cân. Kém vui hơn là 42 % những người được hỏi cho biết “quan hệ trong gia đình căng thẳng và các cuộc cãi vã thường xuyên xảy ra hơn chung quanh việc chuẩn bị các bữa ăn trong ngày”. 71 % các bà nội trợ đảm nhiệm các bữa ăn trong gia đình, tỷ lệ này là 21 % trong số các ông !

(AFP) – Vì Covid-19, 10 triệu lít bia Pháp phải đổ đi. 

Hiệp hội các nhà sản xuất bia Pháp ngày 05/05/2020 cho biết do nhu cầu tiêu thụ sụt giảm mạnh, tất cả các quán ba, nhà hàng phải đóng cửa, mọi lễ hội, liên hoan đều bị hủy bỏ, ít nhất 10 triệu lít bia sản xuất ra đã phải đổ đi.  Khoản thất thu chung trong ngành ước tính lên tới vài triệu euro.

(AFP) – Dịch vụ cho thuê nhà trên mạng AirBnB sa thải 25 % nhân viên. 

Thông báo được đưa ra hôm 05/05/2020. Do tác động của Covid-19, mọi chương trình du lịch đều bị hủy bỏ, khoảng 1.900 nhân viên AirBnB bị mất việc làm.

http://www.rfi.fr/vi/t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p/20200506-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

 

Điểm tin thế giới sáng 6/5:

Ông Trump nói

sẽ có báo cáo về nguồn gốc virus Vũ Hán

Lục Du

Chào mừng quý độc giả đến với mục Điểm tin thế giới của Đại Kỷ Nguyên. Sáng nay, thứ Tư (6/5), bản tin của chúng tôi có những tin sau:

Ông Trump nói sẽ có báo cáo về nguồn gốc virus Vũ Hán

Tổng thống Donald Trump hôm thứ Ba kêu gọi chính quyền Trung Quốc phải minh bạch với những gì họ biết về nguồn gốc của virus corona vốn đã và đang tàn phá thế giới, theo National Post.

Nói chuyện với các phóng viên bên ngoài Nhà Trắng trước khi lên đường tới Arizona, Tổng thống Trump cho biết Hoa Kỳ sẽ công bố báo cáo chi tiết về nguồn gốc của virus Vũ Hán theo thời gian, nhưng không tiết lộ khi nào sẽ đưa ra báo cáo này.

Theo các báo cáo gần đây, Bắc Kinh vẫn chưa cho phép các nhóm nghiên cứu quốc tế tiếp cận để tìm hiểu về nguồn gốc của virus Vũ Hán, loại virus đã tạo ra đại dịch toàn cầu làm chết 257.274 người và khiến 3.714.167 người nhiễm bệnh tính tới sáng thứ Tư.

Ứng viên DNI đánh giá khả năng từ bỏ hạt nhân của Triều Tiên

Chính quyền Triều Tiên tiếp tục coi chương trình hạt nhân của mình là “thiết yếu” để bảo vệ chế độ của họ, nhưng có thể sẵn sàng từ bỏ “một số” năng lực hạt nhân và tên lửa để đổi lấy việc gỡ bỏ lệnh trừng phạt và những lợi ích khác, ứng viên giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Mỹ (DNI), ông John Ratcliffe, cho biết hôm thứ Ba, Yonhap đưa tin.

Ông Ratcliffe đưa ra nhận định này trong một báo cáo trả lời các câu hỏi từ hội đồng lựa chọn ứng viên của Thượng viện Hoa Kỳ trước phiên điều trần để đi tới quyết định có hay không lựa chọn ông cho vị trí người đứng đầu cơ quan tình báo quốc gia.

Các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Washington và Bình Nhưỡng đã bị đình trệ hơn một năm do những khác biệt trong quan điểm của hai phía về các bước phi hạt nhân hóa của Triều Tiên cũng như các nhượng bộ của Hoa Kỳ, bao gồm cả việc tháo gỡ các biện pháp trừng phạt đối với chính quyền Bắc Hàn.

Trung Quốc ‘cảnh cáo’ nghị sĩ Anh

Đại sứ Trung Quốc tại Anh, Lưu Hiểu Minh (Liu Xiaoming), hôm thứ Ba, đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ các nghị sĩ Anh từng “tấn công” Trung Quốc về đại dịch viêm phổi Vũ Hán, theo London Loves Business.

Nói tại hội thảo trực tuyến của Hội đồng doanh nghiệp Trung – Anh, ông Lưu cho rằng các bình luận của nghị sĩ Anh sẽ “đầu độc mối quan hệ” giữa hai nước, và những phát biểu như thế chính là “virus chính trị”.

“Nếu họ không được kiểm soát, họ sẽ đầu độc mối quan hệ Anh-Trung và thậm chí cả tình đoàn kết quốc tế”, ông Xiaoming bình luận, và đưa ra lời khuyên rằng “chúng ta phải cảnh giác cao độ và nói không với những phát biểu kiểu như vậy”.

Mỹ-Anh thúc đẩy đàm phán thương mại

Hoa Kỳ và Anh vào thứ Ba đã khởi động vòng đàm phán đầu tiên về hiệp định thương mại tự do. Các đại diện thương mại của hai nước cam kết sẽ gấp rút thảo luận trực tuyến để đạt được một thỏa thuận có khả năng “thúc đẩy thương mại và đầu tư một cách đáng kể”, theo Reuters.

300 chuyên viên và quan chức của hai nước trong khoảng gần 30 nhóm sẽ tham gia vào các vòng đàm phán, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer và Bộ trưởng thương mại Anh Liz Truss cho biết trong một tuyên bố chung.

“Chúng tôi sẽ thực hiện các cuộc đàm phán với tốc độ nhanh và đã cam kết các nguồn lực cần thiết để giúp tiến trình đàm phán diễn ra nhanh chóng”, hai quan chức thương mại Mỹ-Anh cho biết thêm.

Ông Esper: Taliban không tuân thủ thỏa thuận ký với Mỹ

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper cho biết hôm thứ Ba rằng Taliban đã không tuân thủ các cam kết của họ theo một thỏa thuận được ký kết với Mỹ trong năm nay, Reuters đưa tin.

“Tôi không nghĩ rằng họ làm thế”, ông Esper Esper nói với các phóng viên khi được hỏi liệu Taliban có tuân thủ cam kết của họ không, và cho biết thêm rằng ông tin rằng chính phủ Afghanistan cũng không tuân thủ cam kết của họ. Reuters cho hay, chính phủ Afghanistan không tham gia vào thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Taliban.

Taliban đã thực hiện hơn 4.500 cuộc tấn công ở Afghanistan trong 45 ngày kể từ khi ký thỏa thuận hòa bình với Hoa Kỳ. Trong thỏa thuận này có điều khoản mở đường cho việc Hoa Kỳ rút quân đồn trú tại Afghanistan, theo dữ liệu của Reuters.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-6-5-ong-trump-noi-se-co-bao-cao-ve-nguon-goc-virus-vu-han.html

 

Điểm tin thế giới chiều 6/5:

Mỹ chỉ trích Trung Quốc hung hăng ở Biển Đông

Hải Lam

Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Tư (6/5) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:

Mỹ chỉ trích Trung Quốc hung hăng ở Biển Đông

Tờ Times of India đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm 5/5 chỉ trích hành vi hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông trong lúc cả thế giới nỗ lực chống lại Covid-19.

“Trong khi Bắc Kinh tăng cường chiến dịch tuyên truyền sai lệch nhằm chuyển hướng chỉ trích và đánh bóng hình ảnh, chúng tôi tiếp tục chứng kiến cách hành xử hung hăng của quân đội Trung Quốc ở Biển Đông, từ việc đe dọa tàu hải quân Philippines đến đâm chìm tàu cá Việt Nam và đe dọa các nước khác phát triển dầu khí ngoài khơi”, ông Mark Esper nói trong cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc hôm 5/5.

Ông Esper nói thêm rằng tuần trước, hai tàu chiến Mỹ đã tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông để gửi thông điệp rõ ràng đến Bắc Kinh rằng Washington sẽ tiếp tục bảo vệ tự do hàng hải và thương mại cho tất cả quốc gia lớn nhỏ.

Lombardia, Ý đòi Trung Quốc bồi thường 20 tỷ Euro

Tờ La Repubblica của Ý hôm 3/5 đưa tin, ông Attilio Fontana, người đứng đầu Lombardia, vùng ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch Covid-19, cho biết ủy ban khu vực đã đề xuất hành động pháp lý để yêu cầu chính quyền Trung Quốc bồi thường 20 tỷ Euro. Ông Fontana cho rằng nếu một dịch bệnh nghiêm trọng như vậy xảy ra ở một quốc gia thì cần phải thông báo rõ cho người dân thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc lại có thái độ che giấu dịch bệnh và việc này rất sai trái.

Trước những ảnh hưởng từ dịch Covid-19 do chính quyền Trung Quốc che giấu dịch bệnh, vào ngày 21/4,  Ý đã lập một trang web đặc biệt thu thập chữ ký (https://www.covid19classaction.it/) để kêu gọi một vụ kiện tập thể chống lại chính quyền Trung Quốc. Hiện ước tính có hơn 500.000 người đã ký tên và tìm cách tham gia kiện chung với Hoa Kỳ để yêu cầu Bắc Kinh bồi thường hơn 100 tỷ Euro.

Đài Loan yêu cầu được tiếp cận thông tin trực tiếp từ WHO

Reuters đưa tin, Bộ trưởng Y tế Đài Loan Trần Thời Chung (Chen Shih-chung) hôm nay đã yêu cầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải đảm bảo hòn đảo này được tiếp cận thông tin trực tiếp về đại dịch virus corona. Ông Trần nói rằng việc không có thông tin toàn diện làm chậm công tác đối phó với dịch bệnh.

“Đối với Đài Loan, điều chúng tôi muốn là thông tin trực tiếp. Bất kỳ thông tin thứ cấp nào đều làm chậm mọi hành động của chúng tôi và làm sai lệch đánh giá về dịch bệnh, giống như việc chúng ta chỉ có thể nhìn thấy cây mà không thấy rừng”, ông Trần nói.

“Nhưng nếu chúng tôi có thể nhận được thông tin trực tiếp từ WHO, thì chúng tôi có thể nhìn được bức tranh toàn cảnh và có thể chủ động ứng phó với dịch bệnh bằng việc lập ra các hệ thống hay các chính sách khác nhau”, Bộ trưởng Y tế Đài Loan nói thêm.

Số ca nhiễm Covid-19 ở Philippines vượt 10.000

Reuters dẫn tin từ Bộ Y tế Philippines hôm nay cho biết, nước này ghi nhận 320 ca nhiễm nCov mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 10.004. Giới chức Philippines cũng báo cáo thêm 21 người qua đời vì Covid-19, nâng số ca tử vong lên 658.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-chieu-6-5-my-chi-trich-trung-quoc-hung-hang-o-bien-dong.html

 

Tạp chí xã hội

Dịch Covid-19

cản trở việc phòng chống sốt rét trên thế giới

Thanh Phương

Ngày 25/04/2020 là Ngày quốc tế phòng chống sốt rét. Đây là một căn bệnh trong năm 2018 đã giết chết 405.000 người và đã lây nhiễm 228 triệu người trên toàn thế giới. Vốn đã rất cao, những con số này có thể sẽ còn tăng thêm rất nhiều do tác động của dịch Covid -19.

Trong khi Covid-19 vẫn là một vấn đề khẩn cấp y tế toàn cầu, thì châu Phi đang phải đối diện với một đại dịch khác : do việc phân phối mùng chống muỗi và thuốc điều trị gặp nhiều vấn đề do tác động của dịch virus corona, rất có thể năm nay sẽ có thêm hàng trăm ngàn người chết vì bệnh sốt rét. Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, nếu đại dịch Covid-19 gây cản trở cho các chương trình phòng ngừa sốt rét, tổng số ca tử vong ở châu Phi có thể lên đến gần 770.000 năm nay, tức là gấp đôi năm 2018. Điều đáng lo ngại đó là, khác với Covid-19, bệnh sốt rét lây lan rất nhiều ở trẻ em.

Tình hình nguy ngập đến mức giáo hoàng Phanxicô ngày Chủ nhật 26/04 vừa qua cũng đã phải lên tiếng cảnh báo thế giới đừng quá chú tâm đến Covid-19, mà bỏ quên cuộc chiến chống sốt rét hiện vẫn đe dọa hàng tỷ người tại nhiều nước.

 “Án tù kép” đối với châu Phi

Trong một bài viết đăng trên mạng ngày 27/04/2020, tuần báo Le Point của Pháp cũng đã gióng lên tiếng chuông báo động về Covid-19 và sốt rét, mà tờ báo gọi là « án tù kép » đối với châu Phi. Le Point nhắc lại, ký sinh trùng sốt rét Plasmodium là một ký sinh trùng tí hon, chủ yếu được tìm thấy tại các vùng nhiệt đới châu Phi và Đông Nam Á, cũng như ở Trung và Nam Phi, Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Ấn Độ và Trung Quốc. Những con muỗi cái truyền ký sinh trùng đó vào cơ thể người, khi chúng chích vào người và hút máu (muỗi đực không chích). Khi vào cơ thể người, Plasmodium bám vào gan và sinh sôi nẩy nở trong đó. Sau khoảng 10 ngày, số ký sinh trùng tăng gấp bội và tràn vào máu.

Chính vào lúc này mà người bệnh bắt đầu bị sốt cao, nhức đầu và đau nhức cơ bắp, rồi bị nóng lạnh và đổ mồ hôi. Nếu không được chữa trị đàng hoàng, bệnh nhân có thể bị thiếu máu, bị các vấn đề về hô

hấp và có thể tử vong, như trường hợp của loại ký sinh trùng Plasmodium falciparum rất phổ biến ở châu Phi.

Theo tuần báo Le Point, lịch sử của công cuộc phòng chống sốt rét cho thấy chúng ta chỉ cần lơ là một chút là bệnh sốt rét sẽ « phản pháo » ngay. Ngay cả những thành quả ngoạn mục nhất cũng có thể bị xóa sạch nếu giảm bớt nỗ lực phòng chống dù chỉ là trong một mùa dịch duy nhất. Bệnh sốt rét sẽ bùng phát mạnh trở lại nếu không duy trì một công cuộc phòng chống hiệu quả.

Chiếm tới 93% số ca nhiễm và 94% số ca tử vong, châu Phi là khu vực sẽ tiếp tục bị nặng hơn hết. Giám đốc châu Phi của WHO, tiến sĩ Matshidiso Moeti, đã cảnh báo : « Trong hai mươi năm qua, châu Phi đã đạt được những kết quả đáng kể. Mặc dù dịch Covid-19 là một mối đe dọa lớn đối với sức khỏe, cũng rất cần phải duy trì các chương trình phòng ngừa và điều trị sốt rét. Chúng ta không được đi lùi lại phía sau ».

Trước mắt, theo lời bác sĩ Abdourahmane Diallo, tổng giám đốc Partenariat RBM, chương trình thế giới diệt trừ sốt rét, trả lời RFI Pháp ngữ ngày 24/04/2020, cần phải theo dõi tác động của dịch Covid-19 tại các nước mà sốt rét đang hoành hành :

« Hiện giờ chúng tôi chưa nắm được dịch Covid-19 lây lan như  thế nào và có tác động ra sao ở châu Phi. Chúng tôi quan tâm nhất đến số người nhiễm hai bệnh cùng một lúc, hoặc thậm chí nhiều bệnh cùng một lúc. Tình trạng này sẽ buộc chúng tôi phải liên tục giám sát và đề ra các liệu pháp mới theo đà tiến triển của dịch Covid-19 tại những quốc gia mà sốt rét đang hoành hành.

Đặc biệt, chúng tôi cần biết là các trẻ nhỏ, mà cho tới nay không bị nhiễm Covid-19 nhiều ở châu Á và châu Âu, có sẽ dễ bị nhiễm hơn do sốt rét ở châu Phi hay không. Đối với những trẻ em dưới 5 tuổi, sốt rét vẫn là nguyên nhân tử vong hàng đầu. Nói chung, gần 2 phần 3 số ca tử vong do sốt rét trên thế giới là trẻ em dưới 5 tuổi. Điều này có nghĩa là rất cần giám sát và tìm hiểu xem virus này lây lan như thế nào trong bối cảnh có những người mắc cả hai bệnh tại châu lục của chúng tôi.

Chúng tôi cũng đang phân tích xem việc tiếp xúc nhiều với nguy cơ sốt rét trong những năm gần đây có làm tăng khả năng miễn dịch hay không, ở những người lớn tuổi chẳng hạn. »

Nỗi lo bị nhiễm Covid-19

Trả lời RFI Pháp ngữ ngày 25/04/2020, bác sĩ Corine Karema, đặc trách Chương trình kiểm soát và diệt trừ sốt rét của Liên minh các lãnh đạo châu Phi chống sốt rét ALMA, cho biết :

“Do sợ bị lây nhiễm, do lệnh phong tỏa, nhiều bệnh nhân không còn đến các trung tâm y tế nữa, mà ở nhà, cho nên một ca bệnh sốt rét ở trẻ em dưới 5 tuổi có thể trở thành một ca bệnh nặng, nếu không chết thì cũng bị hậu quả nặng nề cho sức khỏe, cũng như cho sự phát triển vận động tâm thần của trẻ em. Chính vì vậy, điều rất quan trọng là duy trì nhịp độ của các chương trình phòng chống sốt rét hiện nay, nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho các nhân viên y tế. Phải làm sao bảo đảm là trong thời gian phong tỏa, bệnh nhân vẫn được chữa trị tốt, để số người chết vì sốt rét không gia tăng, nhất là khi ta thấy các số liệu dự báo mà Tổ chức Y tế Thế giới vừa công bố.”

Về phần mình, bà Olivia NGOU, nhà sáng lập và giám đốc điều hành tổ chức phi chính phủ Impact Santé Afrique, bày tỏ mối lo ngại tương tự :

« Các chiến dịch hiện nay, chẳng hạn như chiến dịch phân phát mùng có tẩm thuốc chống muỗi, hay nói chung là các chương trình giúp người dân tiếp cận các công cụ hiệu quả để phòng ngừa sốt rét, hiện đang bị đình chỉ tại nhiều nước. Với việc ngừng các chiến dịch đó, không chỉ có mùng chống muỗi, mà thuốc ngừa sốt rét theo mùa cho trẻ em dưới 5 tuổi uống cũng sẽ không được phân phát, trong khi lứa tuổi này chiếm gần 70% số ca tử vong vì sốt rét mỗi năm. Nếu năm nay, các chiến dịch đó vẫn bị đình chỉ, 22 triệu trẻ em dưới 5 tuổi sẽ có nguy cơ chết vì bệnh sốt rét. Như vậy rất có thể số ca tử vong do sốt rét sẽ tăng thêm trong mùa dịch Covid-19. Cho nên, rất cần duy trì các chương trình phòng chống đó trong khả năng của mỗi nước. »

Nói chung, có nguy cơ là đại dịch Covid-19 sẽ xóa tan những thành quả đạt được trong công cuộc phòng chống sốt rét, như quan ngại của bác sĩ Abdourahmane Diallo, tổng giám đốc Partenariat RBM, chương trình thế giới diệt trừ sốt rét:

« Đây là mối quan ngại rất lớn đối với chúng tôi hiện nay. Các nỗ lực của chúng tôi trong việc phòng chống sốt rét đã giúp cứu được gần 600 ngàn mạng sống. Đại dịch hiện nay đang là một thách đố đối với toàn bộ các hệ thống y tế trên thế giới. Riêng đối với những nước mà sốt rét đang hoành hành, chúng tôi phải làm một lúc hai việc : bảo vệ người dân chống lại các mối đe dọa đã có như sốt rét, vừa phòng chống Covid-19.

Trong thế kỷ vừa qua, chúng ta đã thấy là, do việc ngưng các chương trình chống sốt rét, căn bệnh này đã bùng phát trở lại tại 75 nơi trên thế giới. Ví dụ như trong thời gian xảy ra khủng hoảng dịch Ebola, tại những nước bị dịch, đã có nhiều người chết vì sốt rét hơn. Trong khoảng từ 2014 đến 2016, tại 3 nước Tây Phi ( Guinea, Liberia, Siera Leone ), đã có thêm 7.000 trẻ em dưới 5 tuổi chết vì sốt rét. Trước đại dịch Covid-19, chúng ta phải làm mọi cách để bảo vệ những thành quả mà phải khó khăn lắm mới đạt được trong việc chống sốt rét. »

Trường hợp Gabon

Ví dụ tại Gabon, sốt rét vẫn là một căn bệnh kinh niên. Căn bệnh này là nguyên nhân hàng đầu của số ca tử vong, số người nằm viện, và số người nghỉ làm và nghỉ học. Theo thống kê, có khoảng 15% trẻ em tại Gabon chết vì sốt rét. Cho tới nay, tại quốc gia này, số người đi khám bệnh và nằm viện nhiều nhất vẫn là do bệnh sốt rét. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, phân nửa số bệnh viện ở thủ đô Libreville đã được trưng dựng cho các bệnh nhân nhiễm virus corona.

Một số triệu chứng của Covid-19 gần giống với sốt rét, khiến người dân lại càng sợ, cho nên, theo ghi nhận của những người điều hành chương trình quốc gia phòng chống sốt rét, các bệnh nhân sốt rét không còn đến bệnh viện để khám và chữa trị nữa. Họ sợ là sẽ bị xem là một bệnh nhân Covid-19, bởi vì cũng có triệu chứng sốt cao.

Trả lời RFI Pháp ngữ, giám đốc chương trình quốc gia phòng chống sốt rét của Gabon, bác sĩ Safio Abdou Razack, ghi nhận là dịch Covid-19 đã huy động toàn bộ nguồn lực của hệ thống y tế của nước này, trong khi sốt rét vẫn là một hiểm họa. Ông nhắc lại đây vẫn là một căn bệnh rất nguy hiểm, cho nên kêu gọi người dân Gabon hãy trở lại các bệnh viện để được chữa trị sốt rét ngay từ đầu, tránh cho bệnh tình trở nên trầm trọng, phải vào phòng hồi sức, trong khi số phòng này đang được trưng dụng để chữa trị cho rất nhiều bệnh nhân Covid-19.

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200506-d%E1%BB%8Bch-covid-19-c%E1%BA%A3n-tr%E1%BB%9F-vi%E1%BB%87c-ph%C3%B2ng-ch%E1%BB%91ng-s%E1%BB%91t-r%C3%A9t-tr%C3%AAn-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi