Đọc báo Pháp – 06/03/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 06/03/2020

Thượng đỉnh Nga – Thổ : Erdogan « vớt vát »

với lệnh ngừng bắn tại Idleb, Syria

Minh Anh

Sau 100 ngày bùng cháy dữ dội, chảo lửa Idleb, tây bắc Syria sẽ thật sự được dập tắt hay không ? Và sẽ được kéo dài trong bao lâu ? Sau ba giờ thảo luận, cả hai nguyên thủ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã « đạt được một lệnh ngừng bắn tại Syria ». Nhưng để có được thỏa thuận này, « Thổ Nhĩ Kỳ đã nhượng bộ Nga những gì ? ».

Trước khi giải mã, Le Figaro không quên lưu ý rằng trong cuộc họp thượng đỉnh hôm qua, tổng thống Nga Putin hoàn toàn trong thế mạnh. Chủ nhân điện Kremlin đặt điều kiện để tổ chức cuộc gặp : Thượng đỉnh diễn ra tại Matxcơva thay vì ở Ankara và là một cuộc gặp song phương chứ không phải là bốn bên (Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp và Đức) như đề nghị ban đầu của lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau nhiều giờ thảo luận, tổng thống Nga đồng ý một lệnh hưu chiến nhưng có những điều kiện kèm theo. Trong mục tiêu chiến lược của Nga là làm thế nào lấy lại hai trục lộ chính M4 (Alep – Lattaquia, căn cứ địa của Assad) và M5 (Alep – Damas). Thứ Hai, 02/3, thành phố Saraqeb rơi vào tay quân đội Syria nhờ vào sự yểm trợ của không quân Nga, cũng như là lực lượng quân sự Iran và phe Hezbollah. Với thắng lợi này, bài toán M5 xem như đã được giải quyết, binh sĩ Nga đã hiện diện trong khu vực. Điều này có một ý nghĩa rất rõ ràng : « Nếu Thổ Nhĩ Kỳ và phe nổi dậy muốn tái chiếm thành phố, điều đó có nghĩa là họ sẽ phải gây chiến với Nga » theo như giải thích của nhà đối lập, Haytham Manna.

Giờ chỉ còn lại thế cờ M4. Đây chính là điểm nguyên thủ Thổ phải nhượng bộ tổng thống Nga. Phía Ankara sẽ có được một « hành lang an toàn », nằm sâu 6 km ở phía bắc và 6 km ở phía nam trên trục lộ này thay vì là 15 km như ông Erdogan đòi hỏi. Theo quan điểm của Matxcơva, tháng 10/2019, việc Ankara và phe nổi dậy có được vùng phía đông, nằm giữa Ras el-Ain và Tall Abyad là đã quá đủ. Thế nên, không có chuyện ông nhượng bộ tiếp cho Ankara vùng Idleb.

Do vậy, với chiều rộng 6 km hành lang an toàn, hai thành phố do phe nổi dậy chiếm đóng là Jisr al Shoghour và Ariha xem như bị « vô hiệu hóa ». Matxcơva và Teheran sẽ cung cấp một hệ thống phòng thủ chống drone cho phép đẩy lùi các cuộc tấn công bằng máy bay tự hành từ Thổ Nhĩ Kỳ. Về phần các chốt các quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ tại Idleb, nhằm cứu vãn danh dự cho « đồng minh mới », Putin dường như đã đề nghị biến chúng thành chốt gác chung Nga – Thổ, thậm chí là cả tuần tra chung.

Nói một cách khác : Ông Erdogan chẳng khác gì như « gà bị trói chân ». Không những thế, Thổ Nhĩ Kỳ còn được Nga và Trung Quốc – hai quốc gia đầu tư làm lại con lộ M5 – yêu cầu phải giải trừ vũ khí và « ôm lấy » khoảng từ 10 – 15 ngàn quân thánh chiến mà Ankara ủng hộ nhưng không tài nào khuyên giải được.

Erdogan đành an ủi ra về với lệnh hưu chiến mà không thể kháng cự trước những đòi hỏi của Putin. Kết quả thượng đỉnh một lần nữa khẳng định tổng thống Nga Vladimir Putin mới thật sự là chủ nhân cuộc chơi. Với Matxcơva, « một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là ngăn chận Mỹ và châu Âu gia tăng ảnh hưởng trong cuộc xung đột Syria ».

Libya : Trục Damas – Benghazi đối đầu Tripoli – Ankara

Cuộc đọ sức giữa hai « người bạn » Nga và Thổ có lẽ không chỉ dừng ở Syria mà còn ở cả Libya. Le Monde cho biết « Một trục Haftar – Assad đang trỗi dậy ở Libya ».

Dấu hiệu cho thấy cuộc chiến đang dần bị quốc tế hóa là chính phủ Đông Libya của tướng Khalifa Haftar, không được cộng đồng quốc tế công nhận, nhưng được Nga, Ai Cập và một số nước Ả Rập ủng hộ, vừa mở một tòa đại sứ tại Damas. Một bước tiến mới trong việc tái hội nhập khu vực của chế độ Assad trên trường ngoại giao của thế giới Ả Rập. Một trục Damas – Benghazi nhằm đáp trả liên minh đối thủ Ankara – Tripoli.

Theo quan sát của Ghassan Salamé, cựu đặc sứ Liên Hiệp Quốc chuyên trách hồ sơ Libya, từ năm 2018, các hoạt động hàng không giữa Damas – Benghazi diễn ra liên tục, nhưng ông không thể nào biết rõ « có những gì bên trong » các chiếc máy bay đó. Quan hệ Damas – Benghazi còn thể hiện rõ qua việc Syria gởi 1.500 binh sĩ có huấn luyện đến Benghazi. Có lẽ là nhằm thay thế số lính đánh thuê Nga ở phía nam do tập đoàn quân sự tư nhân Wagner, vốn thân cận với điện Kremlin, tuyển dụng.

Le Monde cho rằng, trục Syria – Benghazi còn là một phần trong chiến lược chinh phục châu Phi hạ Sahara của Matxcơva. Trong triển vọng này, Benghazi đóng vai trò như là một bệ phóng cho Nga đi về hướng Nam , nhất là nước Cộng Hòa Trung Phi (RCA), mà tập đoàn Wagner đang hoạt động rất mạnh tại đây. Theo nhận định của một nhà quan sát với Le Monde, « Libya giống như là một mắt xích trong chuỗi hậu cần của Nga sang châu Phi ».

Châu Âu trấn an Hy Lạp, « vỗ về » Thổ Nhĩ Kỳ

Gặp khó khăn với Nga tại Syria và Libya, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ quay sang bắt chẹt Liên Hiệp Châu Âu bằng cách thả cửa cho hàng chục ngàn di dân ùa sang biên giới Hy Lạp. Trong hoàn cảnh này, Liên Hiệp tuy chỉ trích mạnh mẽ nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ nhưng cũng phải « cố gắng không làm mất lòng Erdogan ».

Thua cuộc trên bàn cờ Idleb, Syria, Erdogan dùng di dân để đe dọa Liên Hiệp Châu Âu, yêu cầu khối này phải chia sẻ một phần « gánh nặng » trong việc tiếp nhận di dân và người tị nạn. Thứ Tư, 4/3, tổng thống Thổ nhắc lại với các đồng nghiệp Liên Hiệp Châu Âu rằng chỉ có một giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng di dân là phải ủng hộ ông trong cuộc chiến chống các lực lượng Bachar al-Assad tại Syria.

Đáp lại lời kêu gọi này, Liên Hiệp Châu Âu chỉ cam kết hỗ trợ một khoản trợ giúp 170 triệu euro để đối phó với tình hình nhân đạo bi thảm do các cuộc tấn công của chế độ Damas nhắm vào Idleb gây ra kể từ tháng 12/2019.

Bruxelles cho biết rất có thể sẽ điều chỉnh lại thỏa thuận di dân ký kết với Ankara năm 2016 và dự kiến nhiều biện pháp hỗ trợ mới. Liên Hiệp Châu Âu có thể sẽ tái thúc đẩy một số hứa hẹn đã đưa ra vào thời kỳ đó, trong đó có chính sách cấp thị thực nhập cảnh.

Dù vậy, để tỏ lòng liên đới với Hy Lạp, khối này cũng không quên chỉ trích mạnh mẽ Thổ Nhĩ Kỳ đã « điều khiển một cách vô liêm sỉ những người trong tình cảnh vô vọng ». Theo các bằng chứng hình ảnh do giới chức Hy Lạp cung cấp, chính quyền Ankara đã lên kế hoạch từ lâu dịch chuyển hàng ngàn di dân về phía biên giới Hy Lạp.

Liên Hiệp Châu Âu cho biết để hỗ trợ Hy Lạp trong việc ngăn chận di dân, khối này sẽ huy động khoảng một trăm lính biên phòng và tuần duyên từ cơ quan Frontex cũng như là 160 quan chức Văn phòng chuyên trách tị nạn để giúp Hy Lạp xúc tiến việc xét đơn xin tị nạn.

Virus Corona : Bệnh nhân số không ở đâu ?

Virus corona tiếp tục khuynh đảo thế giới. Trung Quốc phập phù theo dõi diễn tiến dịch bệnh « hy vọng vượt qua được giai đoạn tồi tệ của trận dịch » như ghi nhận của báo Le Monde. Tại cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, tuy mỗi ngày vẫn có thêm số ca tử vong và ca nhiễm bệnh mới, nhưng nhịp độ đã chậm lại hơn, và nhất là không có thêm trường hợp mới nào ngoài tâm dịch chính là tỉnh Hồ Bắc.

Điều làm cho giới nghiên cứu Trung Quốc lo lắng nhất hiện nay là « bệnh nhân số không » vẫn « bặt vô âm tín ». Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc một viện nghiên cứu ở Vân Nam, được công bố hôm 20/01, những ca nhiễm đầu tiên được phát hiện là nằm ngoài khu chợ Huanan, ở Vũ Hán.

Chính điều này đã làm dấy lên lời đồn thổi cho rằng nguồn gốc của dịch bệnh bắt nguồn từ phòng nghiên cứu vi khuẩn học tuyệt mật P4 ở Vũ Hán. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc phải lên tiếng nhắc nhở « chưa có kết luận về xuất xứ của chủng virus này », đồng thời trích dẫn một chuyên gia Trung Quốc cho rằng virus corona « chưa hẳn có nguồn gốc » từ Trung Quốc. Do vậy, Bắc Kinh yêu cầu chấm dứt gọi đó là « virus Trung Quốc » và « virus chính trị ».

Khủng hoảng y tế, khủng hoảng niềm tin

Trận dịch này cũng là một đòn thử thách cho giới lãnh đạo của nhiều nước. Bài phân tích của thông tín viên của báo Le Monde tại Tokyo cho thấy « virus corona gây ra một cuộc khủng hoảng niềm tin chính trị tại Nhật Bản ». 60% số người dân Nhật Bản được hỏi không hài lòng về cách xử lý dịch bệnh của chính phủ thủ tướng Shinzo Abe. Khủng hoảng dịch tễ đã làm lộ rõ những cách xử lý yếu kém của chính phủ trước một tình trạng khẩn cấp, thái độ quan liêu của giới viên chức rồi phản ứng ngoại giao và kinh tế vụng về của thủ tướng Abe vì không muốn làm phật lòng Trung Quốc…

Bệnh viện lỗi thời, bảo hiểm không có

Cơn khủng hoảng y tế này cũng là cơ hội phơi bày những hệ thống y tế yếu kém tại một số nước như Bắc Triều Tiên chẳng hạn dù rằng nước này tuyên bố không có một ca nhiễm nào. Trong vài ngày tới, chính quyền Bình Nhưỡng cho phép một bộ phận các nhà ngoại giao nước ngoài rời lãnh thổ đến Vladivostok của Nga bằng chuyến bay đặc biệt do hãng hàng không quốc gia Air Koryo thực hiện.

Nguyên nhân là vì từ hơn một tháng nay, Bắc Triều Tiên đã cho cách ly hơn 400 nhà ngoại giao của nhiều nước và thân nhân của họ. Hơn nữa, Bình Nhưỡng ý thức được rằng hệ thống bệnh viện của đất nước đã lỗi thời, thiếu thốn thuốc men và thiếu cả thực phẩm, do vậy đất nước khó có thể sơ tán các kiều dân nước ngoài.

Trái với Bắc Triều Tiên, cường quốc hàng đầu thế giới Mỹ có một hệ thống bệnh viện hiện đại, nhưng không vì thế là không có những « hạn chế » như quan sát của báo Le Monde. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như 27,5 triệu người Mỹ không có bảo hiểm y tế không thể làm các xét nghiệm và chữa trị do chi phí quá cao ? Mối họa lây nhiễm chắc có lẽ điều không thể tránh khỏi. Tổng thống Mỹ Donald Trump giờ chỉ còn mong cho tháng Tư đến mau vì « dịch bệnh sẽ tắt » như ông từng tuyên bố.

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200306-nga-th%E1%BB%95-tt-erdogan-l%E1%BB%87nh-ng%E1%BB%ABng-b%E1%BA%AFn-idleb-syria

 

Tin tổng hợp

(FT) – Quốc Dân Đảng Đài Loan sẽ bỏ chính sách thân Bắc Kinh.

Đảng thân Bắc Kinh nhất tại Đài Loan là Quốc Dân Đảng sẽ họp ngày mai 07/03/2020 để bầu ra một chủ tịch mới. Hai ứng viên nặng ký là dân biểu Giang Khải Thần (Johnny Chiang) và ông Hác Long Bân (Hao Lung Pin), nguyên thị trưởng Đài Bắc, và hiện là phó chủ tịch đảng. Cả hai đều tỏ rõ ý muốn từ bỏ chính sách thân Bắc Kinh, vốn được gọi là “Đồng Thuận 1992” để lấy lòng tin của cử tri. Sự thay đổi lập trường có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc.

(AFP) – Tìm kiếm hòa bình cho Afghanistan: Hoa Kỳ thúc đẩy Hội Đồng Bảo An ra nghị quyết hậu thuẫn cho thỏa thuận với Taliban. 

Hôm 05/03/2020, AFP cho biết Washington đang vận động 14 thành viên Hội Đồng Bảo An ủng hộ một nghị quyết hướng đến hòa bình cho Afghanistan, mà Hoa Kỳ vừa ký kết với Taliban ngày 29/02/2020. Hiện tại, chưa có gì bảo đảm là Nga và Trung Quốc ủng hộ nghị quyết của Mỹ. Thỏa thuận mở ra triển vọng rút toàn bộ quân Mỹ khỏi Afghanistan, đổi lại Taliban cam kết đàm phán với chính quyền Kabul, và không hậu thuẫn các tổ chức khủng bố.

(AFP) – Tòa án Hình Sự Quốc Tế (CPI) cho phép mở điều tra về các tội ác chiến tranh và chống nhân loại tại Afghanistan.

Hôm qua, 05/03/3020, CPI thông báo tin trên. Chính quyền Mỹ phản đối dữ dội kế hoạch điều tra của CPI. Xung đột tại Afghanistan từ 2001 khiến hàng trăm nghìn người chết. Riêng trong giai đoạn 2009-2019, đã có hơn 100.000 người thiệt mạng, theo Liên Hiệp Quốc. Theo CPI, điều tra sẽ nhắm không chỉ vào Taliban, quân đội Kabul, mà cả các lực lượng vũ trang quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ.

(AFP) – Khủng bố : Toà Đại sứ Mỹ tại Tunis bị nhắm. 

Theo nguồn tin an ninh Tunisia, vụ nổ vào sáng hôm nay 06/03/2020 tại thủ đô Tunis là âm mưu khủng bố nhắm vào sứ quán Mỹ. Thủ phạm đi mô-tô bị bắn hạ trong lúc tìm cách lao vào cơ quan ngoại giao Mỹ. Nhiều cảnh sát Tunisia bị thương nhưng nguồn tin không nói rõ bao nhiêu.

(AFP) – Mỹ : Cụ bà 100 tuổi tìm cảm giác mạnh. 

Thứ Ba vừa qua, cụ bà Ruth Bryant, người Mỹ mừng sinh nhật 100 tuổi trong sân nhà dưỡng lão ở hạt Persant, bang North Carolina, thì bị một xe cảnh sát hụ còi đến. Dưới ánh mắt đồng lõa của người thân, cụ bà không đứng vững, bị bắt, còng tay, đưa lên xe chở về bót với cáo buộc « phô bày thân thể ». Thực ra, đây là cách mà thân nhân của bà cụ 100 tuổi giúp cụ thỏa mãn ước vọng muốn biết thế nào là cảm giác bị câu lưu. Rất vui với bức ảnh chụp nghi can, cụ bà Ruth Bryant chỉ than phiền là ghế trên xe cảnh sát không tiện nghi. Cụ đòi « bắt hết mấy tên làm ghế dỏm ».

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200306-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

 

Điểm tin thế giới sáng 6/3:

Washington sẽ đáp trả tương xứng

nếu Bắc Kinh cản trở nhà báo Mỹ

Lục Du

Sáng nay, thứ Sáu (6/3), Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả phần điểm những tin thế giới nổi bật đêm qua:

Washington sẽ đáp trả tương xứng nếu Bắc Kinh cản trở nhà báo Mỹ

Reuters cho hay, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm thứ Năm (5/3) nói rằng, Washington sẽ có động thái “tương xứng” nếu Bắc Kinh tiếp tục gây khó dễ cho các nhà báo Mỹ tại Trung Quốc. Tuyên bố này được nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ đưa ra sau khi quan chức Trung Quốc đe dọa việc Washington giảm số lượng phóng viên thường trú của Bắc Kinh tại Mỹ.

“Trong trường hợp đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) áp đặt sự giám sát, quấy rối và đe dọa ngày càng gay gắt đối với các nhà báo độc lập và hoạt động trên phạm vi quốc tế của chúng tôi, chúng tôi sẽ đáp trả để có đi có lại”, ông Pompeo nói trong một cuộc họp báo.

“Một nền báo chí tự do giúp vạch trần tham nhũng và bảo vệ người dân khỏi sự che đậy, cũng như giúp thế giới hiểu được suy nghĩ của ĐCSTQ”, ông Pompeo nói về ý nghĩa của tự do báo chí, và cảnh báo rằng việc kiểm duyệt báo chí của lực lượng cầm quyền ở Trung Quốc “có thể gây ra hậu quả chết người”. Ngoại trưởng Mỹ nói tiếp: “Chúng tôi kêu gọi ĐCSTQ ngay lập tức giữ vững cam kết bảo vệ tự do báo chí”.

WHO nói COVID-19 sẽ được kiểm soát nếu các nước đồng tâm

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm thứ Năm (5/3), nói rằng dịch COVID-19 có thể kiểm soát được nhưng với điều kiện tất cả các chính phủ trên thế giới phải cùng nhau phối hợp, theo Reuters.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ lo ngại khi số nước bị COVID-19 tấn công ngày càng tăng, đặc biệt là những nước có hệ thống y tế yếu và kêu gọi chính phủ các nước huy động tất cả các nguồn lực để chống lại nCoV.

Tuy nhiên, ông Tedros nói rằng tình hình COVID-19 hiện tại chưa phải là một đại dịch nhưng WHO sẽ sử dụng thuật ngữ này nếu thực sự như vậy.

Thượng viện Mỹ thông qua gói tài chính 8,3 tỷ USD cho COVID-19

Thượng viện Mỹ đã thông qua gói tài chính trị giá 8,3 tỷ đô la vào thứ Năm (5/3) để giúp ngăn chặn sự bùng phát của dịch COVID-19 tại Hoa Kỳ, AP đưa tin.

Gói tài chính được thông qua với số phiếu 96-1 và đang chờ Tổng thống Trump ký để thực thi. Thượng Nghị sĩ Rand Paul là người duy nhất từ chối gói tài chính này. Trước đó, vào ngày 4/3, Hạ viện Mỹ đã thông qua gói tài chính với số phiếu 415-2.

Hiện COVID-19 đang diễn biến xấu tại Mỹ. Theo thống kê của Worldometers, tính tới 5h05 (giờ Hà Nội), ngày 6/3, Hoa Kỳ có 12 người chết vì nCoV (tăng 1 ca),  213 người nhiễm bệnh (tăng 55 ca), trong đó có 9 người đã hồi phục và 8 người đang ở tình trạng nguy kịch.

Chuyên gia Trung Quốc tuyên bố Vũ Hán có thể hết COVID-19 vào cuối tháng

Thành phố Vũ Hán, nơi khởi phát và là tâm điểm của dịch COVID-19 tại Trung Quốc, có thể sẽ không còn người nhiễm nCoV vào cuối tháng này, Reuters hôm 5/3 dẫn nhận định của một chuyên gia y tế của chính phủ Trung Quốc có tên Zhang Boli.

Ông Zhang nói với tờ Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của ĐCSSTQ rằng, gần như tất cả các khu vực bên ngoài tỉnh Hồ Bắc đã kiểm soát được dịch COVID-19 vào cuối tháng trước. Ông đánh giá, các địa phương của Hồ Bắc, bao gồm Vũ Hán, sẽ đạt được thành tích như vậy vào cuối tháng Ba dựa trên các số liệu thống kê về diễn biến của COVID-19 tại địa phương, tuy nhiên không cho biết thông tin chi tiết.

Brazil hạ cấp độ quan hệ với chính phủ Maduro

Chính phủ Brazil của tổng thống thiên hữu Bolsonaro đã bắt đầu rút các nhà ngoại giao khỏi đại sứ quán và lãnh sự quán ở Caracas sau quyết định khi hạ cấp độ quan hệ với chính phủ cánh tả Maduro ở Venezuela, theo Reuters.

Trong một thông báo phát đi hôm 5/3, chính phủ Barazil yêu cầu 5 nhà ngoại giao và 11 nhân viên lãnh sự ở thủ đô của Venezuela trở về nước, bao gồm trong đó Tổng lãnh sự Elza de Castro và hai quan chức đại sứ quán.

Chính phủ của Tổng thống Bolsonaro cũng từ chối gia hạn thời gian làm việc tại Brazil cho đặc phái viên của chính phủ Maduro. Cũng như hơn 50 năm nước khác trên thế giới, chính phủ Brazil không thừa nhận chính phủ thiên tả ở Venezuela là hợp pháp.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-6-3-washington-se-dap-tra-tuong-xung-neu-bac-kinh-can-tro-nha-bao-my.html

 

Điểm tin thế giới chiều 6/3:

Vatican xác nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên

Triệu Hằng

Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Sáu (6/3) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:

Cập nhật dịch COVID-19

Theo thống kê của Worldometers, tính đến 6h00 chiều (giờ Việt Nam), ngày 6/3, dịch bệnh đã lây lan tới 93 quốc gia, vùng lãnh thổ và một con tàu (Diamond Princess neo ở cảng Yokohama, Nhật Bản). Thế giới ghi nhận 98.906 ca nhiễm, 3.390 ca tử vong vì COVID-19.

Trung Quốc vẫn là ổ dịch lớn nhất thế giới với 80.559 ca nhiễm, 3.042 ca tử vong, với 150 ca nhiễm mới.

Hàn Quốc vẫn là điểm nóng châu Á với 6.593 ca nhiễm, 309 ca nhiễm mới.

Ý là tâm dịch ở châu Âu với 3.858 ca nhiễm, 148 ca tử vong.

Iran là tâm dịch ở Trung Đông với 3.513 ca nhiễm, 108 ca tử vong.

Vatican báo cáo ca nhiễm virus corona đầu tiên

Reuters dẫn tin Vatican thông báo hôm nay, một bệnh nhân trong cơ sở y tế của họ đã xét nghiệm dương tính với virus corona. Phát ngôn viên Matteo Bruni cho biết, ca nhiễm này được phát hiện hôm 5/3 và các dịch vụ ngoại trú tại các phòng khám của Vatican đã bị đình chỉ để vệ sinh các khu vực.

Cameroon xác nhận ca nhiễm virus corona đầu tiên là công dân Pháp

Bộ Y tế Cameroon vào hôm nay đã xác nhận ca nhiễm virus corona đầu tiên, là một công dân Pháp 58 tuổi, người này đã tới thủ đô Yaounde vào ngày 24/2. Bộ này cho biết người đàn ông đã được cách ly y tế trong bệnh viện trung tâm của thành phố.

Cameroon, nằm ở Trung Phi, là quốc gia thuộc châu Phi hạ-Sahara hôm 4/3 báo cáo có ca mắc nCoV sau Nigeria, Senegal và Nam Phi. Tổng số ca nhiễm trên lục địa này là 29.

Ông Trump tuyên bố sẽ ngăn tài trợ liên bang cho các nơi ‘chứa chấp’ di dân bất hợp pháp

Tổng thống Trump ngày 5/3 tuyên bố, sẽ giữ lại ngân khoản tài trợ cho những cơ quan tài phán ‘chứa chấp’ di dân bất hợp pháp, sau khi một tòa án Mỹ phán quyết rằng chính quyền Trump có thể chặn tiền tài trợ liên bang cho các tiểu bang và thành phố nào không hợp tác với nhà chức trách di trú liên bang, VOA dẫn từ Reuters ngày 6/3.

Tổng thống Trump có lập trường cứng rắn đối với di dân bất hợp pháp. Cuộc chiến của ông chống lại các quyền tài phán ‘chứa chấp’ di dân bất hợp pháp, chú trọng đến các luật lệ và chính sách hạn chế các

cơ quan thi hành luật pháp địa phương cộng tác với các giới chức của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE).

Hà Lan xét xử vắng mặt nghi phạm Nga, Ukraine trong vụ máy bay rơi MH17

Reuters hôm nay thông tin, 4 nghi phạm bỏ trốn đang bị xét xử tại Hà Lan hôm 2/3 với cáo buộc giết hại 298 hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay 17 của Malaysia Airlines, chiếc máy bay bị bắn hạ bằng tên lửa do Nga sản xuất, ở miền đông Ukraine vào tháng 7/2014.

Đống đổ nát của máy bay Boeing 777 rơi xuống trên các cánh đồng xung quanh ngôi làng Hrabove của Ukraine trong lãnh thổ do phe ly khai thân Nga chống lại chính phủ Ukraine chiếm giữ.

Chiếc máy bay đang bay từ Amsterdam tới Kuala Lumpur khi nó bị trúng tên lửa đất đối không. Không ai trên máy bay sống sót. Một lệnh bắt giữ đã được ban hành vào năm ngoái đối với 3 người Nga và 1 người Ukraine. Đội điều tra chung (JIT) do Hà Lan dẫn đầu đã mất vài năm thu thập bằng chứng để xác định những kẻ đứng sau vụ tấn công.

Nữ ứng viên Elizabeth Warren rời cuộc đua vào Nhà Trắng

Thượng Nghị sĩ Elizabeth Warren, 70 tuổi, một trong những ứng viên hàng đầu của đảng Dân chủ đã dừng chiến dịch tranh cử tổng thống của mình vào hôm thứ Năm (5/3), sau kết luận rằng bà không có con đường thực tế nào cho việc trở thành ứng viên đề cử của đảng Dân chủ, Reuters thông tin.

Bà rời khỏi cuộc đua để lại một chiến trường giữa hai người đàn ông là cựu phó tổng thống Joe Biden và Thượng nghị sĩ Bernie Sanders.

Vị cựu giáo sư về luật phá sản để lại ấn tượng với thế mạnh là kêu gọi chống tham nhũng bằng một loạt đề xuất chính sách hỗ trợ. Bà đã có phần thể hiện tốt trong ngày bầu cử Siêu thứ Ba, sau một chuỗi kết quả thất vọng tại các bang đầu tiên. Nhưng điều này không đủ để giúp bà vượt qua ông Bernie Sanders và ông Joe Biden. Bà chỉ đứng thứ 3 tại chính bang quê nhà Massachusetts.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-chieu-6-3-vatican-xac-nhan-ca-nhiem-covid-19-dau-tien.html