Đọc báo Pháp – 06/01/2021
Kinh tế Việt Nam trong năm 2020 vẫn thoát hiểm dù gặp khó vì Covid-19 – Trọng Nghĩa
Báo chí Pháp ra ngày hôm nay 06/01/2021 dĩ nhiên rất chú ý đến vấn đề dịch Covid-19 tại Pháp và chiến dịch tiêm chủng Covid-19 mà chính quyền Pháp muốn tăng tốc. Tình hình một số nơi khác cũng được quan tâm từ Mỹ, Cận Đông đến Trung Quốc… Đặc biệt nhất là một bài viết trên Le Figaro về kinh tế Việt Nam năm 2020 mang tựa đề “Việt Nam vươn lên nhờ máy tính”.
Theo Le Figaro, trong năm 2020, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia năng động nhất trên thế giới mặc dù do tác động của dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng 7% vào năm 2019 đã bị giảm xuống còn 2,8%. Tuy nhiên, Việt Nam hầu như đã xóa được tình trạng nghèo cùng cực từ 50% dân số năm 1990 xuống còn 2% ngày nay, và đang hưởng lợi từ chủ trương đa dạng hóa nền kinh tế, với công nghiệp chiếm 39% hoạt động và dịch vụ chiếm 47%.
Tờ báo Pháp cũng nêu bật sự kiện là dù vẫn duy trì “một chế độ cộng sản độc tài”, Việt Nam đã mở cửa mạnh mẽ ra quốc tế bằng cách gia nhập nhiều cơ chế thương mại tự do. Một ví dụ gần đây là thỏa thuận ký kết vào tháng 7 năm 2020 với Liên Hiệp Châu Âu, sẽ xóa bỏ hầu như tất cả các loại thuế quan giữa Việt Nam và EU trong vòng 10 năm.
Thành tích chống dịch Covid-19 của Việt Nam, theo Le Figaro, cũng đáng tự hào và đã khá thành công với không đầy 40 trường hợp tử vong vì dịch Covid-19 trên đất nước có đến 96 triệu dân. Đối với tờ báo Pháp, một loạt các biện pháp nhanh chóng được đưa ra, từ cách ly hàng loạt, truy vết lây nhiễm trên quy mô lớn và kiểm soát nghiêm ngặt việc di chuyển, đã cho phép Việt Nam để cho các nhà máy mở cửa thường xuyên hơn và nhanh chóng đưa dân trở lại làm việc.
Khó khăn trong năm qua đối với Việt Nam là thị trường xuất khẩu hàng dệt may và điện thoại thông minh bị đình trệ do thiếu nhu cầu từ các nước lớn phương Tây, trong bối cảnh ngành du lịch sụp đổ như mọi nơi trên thế giới.
Tuy nhiên, theo nhật báo cảnh hữu Pháp, ngành xuất khẩu của Việt Nam đã kháng cự tốt, đặc biệt là nhờ lĩnh vực máy tính. Ngoài ra, quốc gia này cũng hưởng lợi từ quan hệ buôn bán quan trọng với Trung Quốc, nước láng giềng lớn đã đặc biệt phục hồi nhanh chóng sau đại dịch Covid-19.
Le Figaro: Anh Quốc tái phong tỏa lần thứ ba vì Covid biến thể
Hồ sơ Covid-19 đã ngự trị trên trang nhất hầu hết các tờ báo lớn, với những hàng tựa lớn chủ yếu liên quan đến chiến dịch tiêm chủng tại Pháp. Le Monde nêu sự kiện một cách trịnh trọng: “Tiêm chủng: Chính phủ (Pháp) buộc phải tăng tốc”, còn Libération cũng nói cùng một ý nhưng với lời lẽ rất bình dân: “Covid, làm thế nào để chích nhanh hơn”. Nhật báo kinh tế Les Echos tất nhiên chú ý đến khía cạnh kinh tế và ghi nhận: “Vac-xin: thách thức công nghiệp”.
Riêng nhật báo Le Figaro thì mở rộng tầm nhìn ra toàn châu Âu, nhấn mạnh trong hàng tựa lớn trang nhất: “Nước Anh tái phong tỏa, châu Âu lo lắng”. Đối với tờ báo, biến thể mới của con virus gây Covid-19 là một nguyên nhân khiến cho số ca nhiễm tăng vọt đột ngột tại Anh. Trong lúc đó chính phủ Pháp đang tăng tốc độ tiêm chủng để đuổi kịp các láng giềng Anh, Đức.
Trong bài “Vương Quốc Anh bị phong tỏa lần thứ ba”, tờ báo cánh hữu Pháp nhắc lại rằng thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố các biện pháp nghiêm ngặt, với việc đóng cửa các trường học, trong bối cảnh các trường hợp lây nhiễm vì biến thể mới của virus tăng vọt.
Thủ tướng Anh như vậy đã phải nhanh chóng hành động. Để biện minh cho bước ngoặt mới này, ông Johnson đã đưa ra những con số đáng lo ngại. Sau khi nhắc lại rằng biến thể mới của con virus corona “dễ lây hơn từ 50 đến 70%”, ông nhắc lại rằng gần 59.000 trường hợp mới đã được phát hiện trong 24 giờ qua. Tại các bệnh viện ở Anh, số bệnh nhân nhiễm virus – gần 27.000 người – đã “tăng gần một phần ba” trong một tuần và cao hơn 40% so với mức đỉnh của đợt đầu tiên.
Lần phong tỏa thứ ba này, theo Le Figaro, rất giống với lần trước hồi tháng Ba năm ngoái, với việc đóng cửa các trường học (ngoại trừ các nhà trẻ và mẫu giáo), người Anh chỉ được ra đường vì những lý do cần thiết, các môn thể thao ngoài trời bị cấm nhưng các cuộc thi đấu chuyên nghiệp như giải bóng đá Ngoại Hạng Anh vẫn được phép. Các doanh nghiệp không thiết yếu sẽ đóng cửa, kể cả các quán rượu và nhà hàng. Các hạn chế mới đối với du lịch quốc tế dự kiến sẽ được ban hành.
Vào tối thứ Hai, thủ tướng Anh cho biết các biện pháp sẽ kéo dài đến giữa tháng Hai, nhưng bộ trưởng quốc vụ Michael Gove cảnh báo vào thứ Ba rằng phong tỏa chưa thể được dỡ bỏ trước tháng Ba. Điều đáng nói, theo Le Figaro, là có đến 79% dân chúng Anh tán thành việc tái phong tỏa này.
Pháp nâng cao cảnh giác trước biến thể mới của virus
Tình hình tại Anh dĩ nhiên khiến Pháp lo ngại. Bộ trưởng Y Tế Pháp Olivier Véran cố gắng trấn an, cho rằng mới có khoảng 10 ca thực thụ hay tình nghi được ghi nhận trên đất Pháp.
Giới chuyên gia dịch tễ tuy nhiên cảnh giác hơn trước nguy cơ biến thể từ Anh này có thể lây lan ở Pháp như cháy rừng. Theo ông Yazdan Yazdanpanah, thành viên Hội Đồng Khoa Học Pháp, “con số thực tế người nhiễm bệnh ở Pháp vì biến thể mới có lẽ quan trọng hơn số 10 đến 15 ca được nói đến, và những người mang theo con virus này thực sự hiện diện khắp nước.
Theo chuyên gia Yazdanpanah, dù chưa thấy hiện tượng lưu hành đáng kể của biến thể virus này tại Pháp, nhưng do đặc trưng lây lan rất nhanh của loại siêu vi này, nguy cơ bùng phát mạnh của dịch bệnh không thể loại trừ với hệ quả là làm bão hòa công suất các bệnh viện.
Le Monde: Pháp bị buộc phải tăng tốc tiêm chủng Covid
Về chiến dịch tiêm chủng tại Pháp, Le Monde chạy ngay trên trang nhất hàng tựa lớn “Tiêm chủng: Chính phủ (Pháp) bị buộc phải tăng tốc”.
Tờ báo ghi nhận là chính phủ đã phải loan báo các biện pháp cải thiện vấn đề tiêm chủng trong bối cảnh đối lập càng lúc càng gia tăng đả kích sự chậm trễ của chiến dịch chích ngừa. Bản thân tổng thống Pháp Macron cũng phê phán dữ dội tính chất phức tạp của chiến dịch: “Hãy đơn giản hóa không thương tiếc. Và hãy thực sự tăng tốc đi!”
Những lời chỉ trích như đã có tác dụng. Bộ trưởng Y Tế Olivier Véran đã cam đoan rằng kể từ hôm nay, 06/01, nước Pháp sẽ có được 1 triệu liều vac-xin và mục tiêu nhắm tới cho đến cuối tuần sẽ tiêm chủng được 4000 người mỗi ngày. Khoảng 100 “trung tâm” được trang bị thuốc chủng Covid-19 sẽ được thiết lập “ngoài phố”, tức là không phải ở trong các bệnh viện hay cơ sở y tế, chăm sóc chuyên biệt.
Một yếu tố đáng ngại được Le Monde ghi nhận là Bộ Kinh Tế Pháp và các doanh nghiệp đang sợ rằng việc khởi động chiến dịch tiêm chủng một cách chậm chạp sẽ đẩy xa khả năng triển vọng hồi phục kinh tế.
Libération: Làm sao chích nhanh hơn
Chiến dịch tiêm chủng tại Pháp cũng ngự trị trên trang nhất của nhật báo Libération với hàng tựa lớn rất bình dân: “Covid, làm thế nào để chích nhanh hơn”.
Theo Libération, sau một bước khởi động ì ạch của chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19, chính phủ Pháp sẽ phải làm như thế nào để bắt kịp chậm trễ? Tờ báo liệt kê một loạt biện pháp từ giảm nhẹ quy trình hành chính, phân quyền cho các hội đồng địa phương cho đến lôi kéo giới dược sĩ tham gia chiến dịch, tái tạo các “sân tiêm chủng” đại trà…
Les Echos: Vac-xin chống Covid, một thách thức công nghiệp
Nhật báo kinh tế Les Echos cũng nói về vac-xin, nhưng dưới khía cạnh công nghiệp, với hàng tựa lớn trang nhất: “Vac-xin: thách thức công nghiệp”.
Theo tờ báo, tại Châu Âu, áp lực đang gia tăng trên các chính quyền do việc các chiến dịch tiêm chủng đều diễn tiến chậm chạp. Trước sự mong đợi của mọi người, các viện bào chế đang làm hết sức mình để nâng cao năng lực sản xuất các loại vac-xin dựa trên công nghệ ARN thông tin.
Bên cạnh đó, một làn sóng vac xin dựa trên các công nghệ khác sắp được tung ra trong những tháng tới đây. Les Echos điểm qua khả năng sản xuất và giao hàng của các hãng dược phẩm.
Trung Quốc: Mã Vân “mất tích” sau khi bị thất sủng
Riêng về Trung Quốc, các báo Pháp tiếp tục chú ý đến sự kiện tỷ phú Trung Quốc Mã Vân bị “mất tích”, một điều không hiếm đối với các nhân vật nổi tiếng trong chế độ Cộng Sản sau khi bị thất sủng.
Trên trang quốc tế của mình, nhật báo Công Giáo Pháp La Croix đã có một bài viết dài để mô tả chân dung của “Jack Ma (tức Mã Vân), nhà vô địch trong ngành kỹ thuật số Trung Quốc”.
La Croix ghi nhận thực tế là người từng được xem là biểu tượng của chủ nghĩa tư bản Trung Quốc, nhà sáng lập tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba, lại đang nằm trong tầm ngắm của chế độ Bắc Kinh cho dù tập đoàn lớn của ông đã giúp chuyển đổi nền kinh tế Trung Quốc.
Là một lãnh đạo có tầm nhìn nhưng không chịu khép mình vào khuôn pháp, là doanh nhân giàu nhất Trung Quốc, Mã Vân hiện đang bị điều tra vì “lạm dụng tư thế thống trị”. Tập đoàn Alibaba mà ông thành lập năm 1999 trong một căn hộ đơn sơ ở Hàng Châu, một thành phố phía nam Thượng Hải, với số vốn tương đương 50.000 euro, nay đã trở thành một kẻ khổng lồ của ngành thương mại điện tử Trung Quốc, với hơn 100.000 nhân viên. và đang mở rộng hoạt động ra ngoài nước.
Không chỉ chuyên việc bán hàng qua mạng, Alibaba còn là nhà vô địch về lưu trữ dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và game trực tuyến. Công ty con là Ant Group, thì quản lý hệ thống thanh toán di động, Alipay, được 730 triệu người Trung Quốc sử dụng hàng tháng, đồng thời phân phối các khoản cho vay tiêu dùng và bảo hiểm.
Đối với La Croix, Jack Ma đã có công đưa Trung Quốc bước vào kỷ nguyên kỹ thuật số hiện đại, nhưng phải chăng là ông đã đi quá xa? Có thể là như vậy, nhưng điều chắc chắn, theo tờ báo Pháp là các lãnh đạo Trung Quốc đã thấy lo sợ trước con quái vật tài chính mà Ant Group đã trở nên trong mắt họ, đặc biệt là khi tập đoàn này đã có hoạt động cấp phát tín dụng trên mạng theo một cách mà chính quyền trung ương không kiểm soát được.
Trang nhất La Croix: 2020 và những mảnh đời cụ thể
Trái với các đồng nghiệp đã dành trang nhất cho hồ sơ Covid-19, nhật báo La Croix đã thu hút sự chú ý của độc giả trên một đề tài xã hội qua hàng tựa: “Năm 2020 đã thay đổi đời tôi như thể nào”
Đối với tờ báo đại dịch Covid-19 vào năm 2020 đã khiến cuộc sống của người dân Pháp bị đảo lộn, cho dù họ có bị mắc bệnh hay không. Để hiểu được mức độ của những chấn động, tờ báo Công Giáo đã mở diễn đàn cho 5 người mà các phóng viên của tờ báo đã gặp khi đi làm phóng sự, để họ cho biết cuộc khủng hoảng này đã thay đổi họ như thế nào.
Từ một hiệu trưởng trường trung học, cho đến một nhà sản xuất rượu nho, tất cả đều giải thích là dịch bệnh đã thay đổi những gì trong cuộc sống cá nhân, nghề nghiệp hoặc xã hội của họ.
Tin tổng hợp
(Reuters) – Virus corona chủng mới : Việt Nam tạm ngưng đường bay từ Anh và Nam Phi.
Bộ Y Tế Việt Nam hôm qua 05/01/2021 thông báo ngưng các chuyến bay đến từ Anh và Nam Phi, vì « nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lây lan tại Việt Nam là rất cao, đặc biệt là từ những người đến từ các quốc gia đang bị dịch ». Quyết định này có thể do lo ngại virus corona biến thể đang hiện diện tại Anh. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu lập ra danh sách các nước có thể bị ngưng các chuyến bay, đồng thời siết chặt việc kiểm soát các cơ sở cách ly. Việt Nam đã ngưng đường bay thương mại quốc tế từ cuối tháng Ba, nhưng sau đó cũng tổ chức các chuyến bay cho các công dân Việt ở các nước muốn về nước tránh dịch. Một số chuyến bay đặc biệt được dành cho các chuyên gia và nhà đầu tư ngoại quốc. Tất cả những người nhập cảnh vào Việt Nam đều được cách ly 14 ngày.
(Courrier du VN) – Mạng 5G Việt Nam khai trương.
Thủ Đức là thành phố đầu tiên của Việt Nam được trang bị hệ thống điện thoại di động thế hệ 5. Tập đoàn công nghệ viễn thông của quân đội Viettel chính thức khai trương mạng 5G vào hôm nay 06/01/2021. Trong giai đoạn đầu, cư dân Thủ Đức được sử dụng miễn phí các dữ liệu của Viettel với khả năng không giới hạn.
(AFP) – Covid-19 : Miến Điện biến sân vận động thành bệnh viện.
Thêm một tia hy vọng tại Miến Điện trong cuộc chiến chống đại dịch corona chủng mới. Một bệnh viện dã chiến trang bị 1.000 giường, với máy móc và phương tiện y tế tối tân, tọa lạc tại một trong những sân thể thao lớn nhất ở Rangun chứng tỏ hiệu năng sau ba tháng hoạt động đầu tiên. Trong số 10.000 bệnh nhân được chăm sóc, tỷ lệ tử vong là 2%. Một bệnh viện tương tự thứ hai ở Mandalay, miền bắc, là hai trung tâm điều trị Covid và đào tạo nhân viên y tế cho cả nước. Cho đến nay, Covid-19 lây nhiễm cho 130.000 người Miến Điện và làm 2700 người chết.
(AFP) – Cảnh sát Singapore truy cập dữ liệu cá nhân lưu trong ứng dụng chống Covid-19.
Theo AFP ngày 06/01/2020, các nhà bảo vệ nhân quyền đã rất bất bình sau khi một quan chức chính phủ thừa nhận trước Quốc Hội trong tuần này rằng cảnh sát có thể nhận được bất kỳ dữ liệu nào, kể cả trong ứng dụng “TraceTogether” chống Covid-19. Ngoại trưởng Singapore sau đó đã biện minh là chỉ biết một trường hợp liên quan đến cuộc điều tra một vụ giết người. Tổ chức Quan Sát Nhân Quyền (HRW) đã lên án chính phủ Singapore “phá hoại quyền được bảo mật”.
(Breaking Defense) – Hoa Kỳ sẽ tuần tra gần các căn cứ Nga ở Bắc Cực.
Bộ trưởng Hải Quân Mỹ Kenneth Braithwaite hôm 05/01/2021 cho biết lực lượng Hoa Kỳ sẽ thường xuyên tuần tra gần các địa điểm được Nga đòi hỏi chủ quyền ở Bắc Cực. Trong cuộc họp báo có thể là cuối cùng của ông trước khi chính quyền mới nhậm chức ngày 20/01, bộ trưởng Braithwaite nhận định tình hình cũng hầu như tương tự với Biển Đông, nơi Hoa Kỳ tuyên bố thực hiện quyền tự do hàng hải (FONOP) tại vùng biển quốc tế, trước sự bành trướng của Trung Quốc.
(AFP) – Cựu tổng thống Mỹ George W. Bush sẽ dự lễ nhậm chức Joe Biden.
Phát ngôn viên của cựu tổng thống George W. Bush hôm qua 05/01/2021 cho biết tổng thống Mỹ thứ 43 và phu nhân sẽ đến dự lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Joe Biden vào ngày 20/01 tới. Đây sẽ là lễ nhậm chức tổng thống thứ tám mà ông Bush tham dự. Ngay sau loan báo chiến thắng của ứng cử viên đảng Dân Chủ ngày 07/11/2020, cựu tổng thống của đảng Cộng Hòa cũng đã lên tiếng chúc mừng.
(AFP) – Ả Rập Xê Út và Qatar bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
Sau hơn ba năm tẩy chay Qatar, bốn nước Ả Rập Xê Út, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Bahrein và Ai Cập đã nối lại quan hệ với Doha sau cuộc họp thượng đỉnh Vùng Vịnh ngày 05/01/2021. Từ năm 2017, bốn nước này cáo buộc chính quyền Doha ủng hộ đối thủ Iran và gây xáo trộn Vùng Vịnh.
(RFI) – Quân đội Syria và đồng minh tìm cách đẩy tổ chức khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo ra khỏi miền trung.
Ngày 05/01/2021, các vụ giao tranh dữ dội giữa hai bên diễn ra ở hoang mạc Badia, trải dài từ các tỉnh miền trung Hama và Homs đến tỉnh Deir Ezzor ở miền đông Syria. Không quân Nga đã tăng viện yểm trợ giúp quân đội Syria tấn công các khu vực đồn trú của Tổ Chức Nhà Nước Hồi Giáo. Trước đó, lực lượng tăng viện đã được điều đến quanh vùng Hama sau khi lực lượng thánh chiến tấn công một xe chở khách vào thứ Hai 04/01 khiến 15 người chết, trong đó có 12 quân nhân.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210106-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới 6/1:
TT Trump nói Mike Pence có quyền từ chối phiếu đại cử tri do gian lận
Mục Điểm tin thế giới, thứ Tư (6/1), của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
WHO chỉ trích Bắc Kinh trong lần hiếm hoi.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tedros Adhanom Ghebreyesus, hôm thứ Ba (5/1) đã cáo buộc Trung Quốc cản trở cuộc điều tra về nguồn gốc của đại dịch Covid. Ông Tedros cho biết ông “thất vọng” trước sự chậm trễ của Bắc Kinh và lưu ý rằng các thành viên của nhóm khoa học quốc tế đã bắt đầu lên đường cho nhiệm vụ vào ngày thứ Hai theo thỏa thuận giữa WHO và chính phủ Trung Quốc, tuy nhiên nhà cầm quyền Trung Quốc “chưa hoàn thiện các quyền cần thiết cho việc đến Trung Quốc của nhóm” [NYPost].
Thủ lĩnh nhóm ủng hộ TT Trump bị ngăn tới Washington.
Trước các cuộc biểu tình phản đối gian lận bầu cử và ủng hộ TT Trump vào ngày 6/1, một thẩm phán đã ra lệnh cho thủ lĩnh Enrique Tarrio của nhóm Proud Boys không được tới thủ đô nước Mỹ. Ông Tarrio bị bắt hôm thứ Hai (4/1) trong khi đang trên đường tới Washington với tội danh phá hoại tài sản. Ông bị cáo buộc đã đốt biểu ngữ của nhóm Black Lives Matter vào tháng trước, và kéo biểu ngữ của một nhóm phản đối TT Trump [Conservative Review].
Veritas công bố Video vi phạm luật bầu cử ở Georgia.
Video cho thấy, Giám đốc điều hành Trung tâm OAC (Trung tâm Tiếp cận và Vận động chính sách), thừa nhận trung tâm của bà đã đăng ký cho hàng ngàn người vô gia cư tại cùng một địa chỉ ở Hạt Fulton để họ có thể bỏ phiếu. Trong khi đó luật của tiểu bang Georgia yêu cầu một người chỉ được bỏ phiếu tại địa chỉ họ sống, và việc cho phép ai đó sử dụng địa chỉ của mình để đăng ký cử tri là bất hợp pháp, và có thể bị phạt tới 10 năm tù [Gateway Pundit].
Mỹ cấm giao dịch với 8 ứng dụng Trung Quốc.
Tổng thống Trump hôm thứ Ba (5/1) đã ký sắc lệnh để yêu cầu việc này. Trong các ứng dụng bị chính quyền TT Trump cấm giao dịch có sản phẩm Alipay từ công ty Ant của tỷ phú Jack Ma. Một quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ đã xác nhận thông tin về lệnh cấm và cho biết hành động của TT Trump nhằm hạn chế rủi ro cho người Mỹ khi phải đối mặt với các ứng dụng không an toàn của Trung Quốc [Reuters].
Tòa Bạch Ốc bác thông tin TT Trump tới Scotland.
Tòa Bạch Ốc cho rằng các nguồn tin ẩn danh “hoàn toàn không biết gì” khi đồn đoán TT Donald Trump sẽ tới Scotland trước ngày tổng thống Mỹ nhiệm kỳ kế tiếp nhậm chức. Trước đó, tờ Sunday Post của Scotland ngày 3/1 dẫn một số nguồn tin ẩn danh nói rằng sân bay Prestwick, gần câu lạc bộ golf Turnberry của TT Trump, đã được thông báo dự kiến đón máy bay quân sự Boeing 757 mà ông thường dùng vào ngày 19/1 [Foxnews].
PTT Mike Pence có quyền từ chối phiếu đại cử tri do gian lận.
TT Trump hôm 5/1 trên Twitter đã đề cập tới quyền này của ông Pence. Trước đó, trong cuộc vận động tại Georgia cho hai ứng viên thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, TT Trump nói rằng ông đặt hi vọng vào ông Pence. Ông Trump nói: “Tôi hy vọng Mike Pence sẽ đáp lại sự mong mỏi của chúng ta. Tôi hy vọng vị phó Tổng thống tuyệt vời sẽ đáp lại sự mong mỏi của chúng ta. Ông ấy là một người tuyệt vời. Tất nhiên, nếu ông ấy không làm vậy, tôi sẽ không thích ông ấy lắm” [Twitter].
Triều Tiên đề nghị quốc tế hỗ trợ vắc xin Covid.
Mặc dù tuyên bố không có ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán, nhưng Triều Tiên vẫn tìm kiếm sự trợ giúp nguồn cung vắc xin Covid từ một liên minh quốc tế. Bình Nhưỡng từng liên hệ với một số quốc gia châu Âu trong giai đoạn cuối năm 2020 để hỏi về cách thức mua vắc xin viêm phổi Vũ Hán. Nhà cầm quyền Triều Tiên cũng được cho là đã nộp đơn cho Liên minh Tiêm chủng Toàn cầu Gavi (VAG) để nhận hỗ trợ vắc xin [WSJ].
Dịch bệnh ở Trung Quốc nghiêm trọng hơn sau 1 đêm.
Cụ thể, tình hình dịch viêm phổi Vũ Hán ở tỉnh Hà Bắc đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Vào ngày 5/1, Sở Y tế Hà Bắc cho biết, chỉ riêng trong ngày 4/1, tỉnh này đã có 14 ca nhiễm mới được xác nhận – gồm 11 trường hợp ở Thạch Gia Trang và 3 trường hợp ở thành phố Hình Đài. Ngoài ra, chính quyền còn xác nhận được 30 ca bệnh không triệu chứng, tất cả đều ở Thạch Gia Trang [Secretchina].
Máy bay Trung Quốc áp sát Đài Loan 380 lần trong năm 2020.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đài Loan Shih Shun-wen ngày 5/1 cho hay: “Điều này gây ra mối đe dọa an ninh đối với chúng tôi và khu vực”. Ông Shih nói thêm, máy bay quân sự Trung Quốc thường xuyên tiến vùng nhận dạng phòng không của chúng tôi “để kiểm tra khả năng phản ứng của lực lượng vũ trang Đài Loan, gây áp lực với hệ thống phòng không và thu hẹp vùng trời hoạt động của Đài Loan” [France24].