Đọc báo Pháp – 04/12/2017
Khi Bắc Triều Tiên tạo trật tự hạt nhân mới
Tình hình trên bán đảo Triều Tiên vẫn là điểm nóng được báo chí đặc biệt chú ý. Trên trang Dư luận của nhật báo Le Figaro có bài nhận định về vụ hôm 29/11 vừa qua, Bình Nhưỡng thử thành công tên lửa liên lục địa Hwasong-15, đạt độ cao trên 4.000 km và có khả năng bắn tới bất kỳ nơi nào trên đất Mỹ. Bài báo của tác giả Nicolas Baverez mang tiêu đề : « Bắc Triều Tiên : Trật tự hạt nhân mới ».
Bài báo nhận định : « Sau vụ thử hạt quả bom H hôm 03/09 (vụ thử hạt nhân thứ 6), vụ thử tên lửa lần này cho thấy Bắc Triều Tiên đã thắng lợi trong việc trở thành cường quốc hạt nhân và tên lửa đạn đạo, thách thức Hoa Kỳ cũng như liên tiếp các trừng phạt quốc tế ».
Khả năng hạt nhân của Bắc Triều Tiên còn được củng cố thêm bằng lực lượng hùng hậu với khoảng 6.000 hacker, có nhiệm vụ bảo vệ các hệ thống hạ tầng cơ sở quân sự, tấn công các cơ sở của phương Tây và đánh cắp ngoại tệ về cho đất nước.
Theo tác giả, chiến lược của Bắc Triều Tiên nhằm bảo đảm cho sự tồn vong của chế độ toàn trị độc đoán trước mọi tình huống. Bởi chế độ Bình Nhưỡng đã biết rút ra bài học rằng sự sụp đổ của các chế độ độc tài của Sadam Husein ở Irak hay Kadhafi ở Libya… đều do họ từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. « Đến giờ mục tiêu của Bắc Triều Tiên không còn là để làm giá mặc cả để đổi lấy trợ giúp chính hay lương thực mà là để được thừa nhận là một cường quốc hạt nhân đầy đủ ».
Nhìn trong bối cảnh khu vực, tác giả nhận thấy cuộc chạy đua nguyên tử của Bình Nhưỡng không phải là không có tác động gì đến Bắc Kinh. Dường như Trung Quốc đang mất kiểm soát đối với đồng minh cứng đầu, cứng cổ này. Tuy nhiên, không có chuyện xem xét lại mối liên minh chiến lược.
Trung Quốc không bao giờ muốn thay đổi chế độ Bình Nhưỡng, vốn có tác dụng như tấm đệm chắn với Hàn Quốc, nơi có hàng ngàn quân Mỹ đang đồn trú. Cuộc khủng hoảng Triều Tiên lại là cơ hội đánh lạc hướng chú ý dư luận ra ngoài tham vọng thôn tính trên Biển Đông của Bắc Kinh. Trong khi đó, Hoa Kỳ tỏ ra bất lực trong khu vực. Theo tác giả, « vì tất cả những lý do đó mà, Trung Quốc tỏ cho thấy mọi tấn công Bắc Triều Tiên sẽ có thể được coi như là tấn công chính lãnh thổ Trung Quốc ».
Bài báo phân tích tiếp, trong cuộc khủng hoảng này, « Hoa Kỳ là kẻ thua lớn ». Cuộc khủng hoảng này « chỉ càng đẩy nhanh tốc độ sụp đổ vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ. Những màn đấu khẩu, dọa nạt, sỉ vả Kim Jong Un của tổng thống Donald Trump chỉ càng cho thấy sự thiếu lựa chọn và không có chiến lực ». Hiệu quả của trừng phạt kinh tế Bắc Triều Tiên giờ phụ thuộc vào Trung Quốc và phần nào đó là Nga. Tấn công quân sự phủ đầu bị loại trừ vì rất nhiều yếu tố nguy hiểm. Tác giả khẳng định : « Cuộc khủng hoảng Triều Tiên đang thúc đẩy sự xuất hiện của một bàn cờ quốc tế mới. Nó khẳng định trọng tâm thế giới đang được đẩy về hướng Châu Á-Thái Bình Dương, nơi mà nguy cơ xung đột lớn và nhất là các chấp lãnh thổ và hiềm khích quá khứ vẫn còn đó ».
Nguy cơ chiến tranh giữa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ bắt nguồn từ sai lầm đánh giá. Nguy cơ này không thể bị loại trừ khi chế độ Bình Nhưỡng thu mình khép kín và khi vẫn còn những phản ứng khó lường của Donald Trump và chính quyền Washington. Chiến lược răn đe của Hoa Kỳ không còn đáng tin cậy nữa. « Tất cả những yếu tố như vậy sẽ chỉ có thể mở ra hướng đẩy thế giới lại lao vào cuộc chạy đua vũ trang, nhất là trong lĩnh vực hạt nhân, không gian …»
Giáo hoàng Phanxico trần tình về chuyến tông du châu Á
Tiếp tục với nhật báo Le Figaro, vẫn đề tài châu Á, tờ báo trở lại sự kiện giáo hoàng Phanxico tông du Miến Điện và Bangladesh qua bài viết « Hậu trường cuộc gặp của giáo hoàng Phanxico với người Rohingya ».
Phóng viên của Le Figaro đã có mặt trên chuyến chuyên cơ tối thứ Bảy 02/12 đưa Đức giáo hoàng trở về Vatican sau chuyến thăm Miến Điện và Bangladesh. Trên máy bay, giáo hoàng đã giãi bày với báo chí về chuyện tránh nói đến từ Rohingya khi ở Miến Điện và về các cuộc gặp với giới tướng lĩnh, lãnh đạo Miến Điện.
Về cuộc gặp với tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo quân đội đầy quyền lực của Miến Điện, giáo hoàng cho biết đó là vì « vị tướng này muốn nói chuyện với tôi và tôi đã tiếp, tôi không bao giờ đóng cửa … chúng ta không hề mất gì khi nói chuyện … nhưng tôi không thương lượng gì về sự thật, tôi chỉ muốn để ông ta hiểu rằng nếu trở lại con đường đã chọn trong thời kỳ cũ thì sẽ không thể tồn tại được ».
Về chuyện tránh nói đến từ Rohingya ở Miến Điện, giáo hoàng giải thích « Điều quan trọng nhất trong chuyến đi này là thông điệp được đưa ra… cần phải nói dần từng bước. Tôi hiểu nếu tôi phát biểu từ này trong diễn văn chính thức hay tôi đưa ra lời lên án công khai, thì sẽ chỉ làm đối thoại bị cắt đứt ». Bởi vậy, ngài đã đề cập xa xôi đến « các quyền công dân » và điều đó đã cho phép ngài đi xa hơn trong các cuộc tiếp xúc riêng. Giáo hoàng khẳng định cuối cùng thì thông điệp cốt lõi vẫn được đưa ra.
Mỹ : Nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ
đến gần cửa Nhà Trắng
Nhìn sang nước Mỹ, các báo Pháp tiếp tục dành nhiều quan tâm đến hồ sơ nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ với diễn tiến mới, với việc Michael Flynn, cựu cố vấn của tổng thống Donald Trump bị truy tố vì tội khai man với FBI liên quan đến những cuộc tiếp xúc với người Nga.
Nhật báo Le Monde nhận định: « Flynn, người đang làm suy yếu Trump » và « Flynn, mắt xích yếu của Nhà Trắng ». Tờ báo cho biết, đến giờ chưa có chuyện thông đồng trực tiếp giữa ê-kíp của Donald Trump với người Nga, nhưng cuộc điều tra đang tiến triển theo hướng tiếp cận gần hơn với chủ nhân Nhà Trắng, cho dù chính quyền Trump vẫn chống chế rằng việc buộc tội cựu cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Trump chỉ liên quan đến cá nhân ông ta.
Thế nhưng, những khai báo của ông Flynn với cơ quan điều tra đang ngày càng gây bất lợi cho tổng thống. Trong bài viết có tiêu đề : « Lời khai của Michael Flynn về Nga, gánh nặng mới cho Trump », Les Echos nhận xét : « Từng là một trong những cộng sự thân cận nhất của Donald Trump ngay từ lúc ban đầu, Michael Flynn giờ trở thành kẻ thù hàng đầu, sau khi ông ta khai báo hôm thứ Sáu vừa qua về mối liên hệ giữa ê-kíp của Trump với nước Nga ».
Những ngày tới đây, việc điều tra nhắm cụ thể vào viên cựu cố vấn này sẽ còn có thể phát lộ ra những chi tiết thú vị mới xung quanh nghi án này và người ta chưa biết hồ sơ vụ án sẽ còn mở ra tới đâu.
Pháp : « Phảng phất hương vị » Catalunya trên đảo Corse
Trở về với thời sự của nước Pháp, các báo hôm nay quan tâm đặc biệt đến sự kiện bầu cử địa phương diễn ra ở đảo Corse với thắng lợi áp đảo ở vòng một của đảng có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa.
Le Figaro chạy tựa trang nhất : « Sóng thần của những người dân tộc chủ nghĩa tại Corse ». Tờ báo đưa tin về kết quả bầu cử ở Corse với đầy lo ngại: Phe liên minh có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa của chủ tịch Nghị Viện Corse mãn nhiệm, ông Gille Simeoni, thu được 45,36% phiếu ngay trong vòng đầu cuộc bầu cử cơ quan lập pháp địa phương.
Dự luận Pháp rất quan tâm đến kết quả này bởi bài học nhãn tiền đang xảy ra ở Tây Ban Nha khi phe dân tộc chủ nghĩa giành quyền lãnh đạo xứ Catalunya. Người Pháp có lý do để lo xa là không biết chừng một ngày nào đó, đảo Corse lại đòi tách ra khỏi nước Pháp.
Xã luận báo Le Figaro lên giọng trấn an nhưng cũng không giấu được lo ngại : « Corse không phải là Catalunya. Trên hòn đảo này, độc lập không còn là vấn đề nghị sự nữa. Ở Bastia, Ajaccio hay Corte (nhữa địa danh chính của đảo Corse), trào lưu hiện thực đã thắng thế. Những người có tư tưởng ly khai cuối cùng cũng đã hiểu họ không có phương tiện thực hiện tham vọng, khác với các đồng chí của họ ở bên bán đảo Ibéria. »
Tuy nhiên, với đa số người dân đảo Corse, thách thức vẫn là làm sao thành công, sống trong lòng nước Cộng Hòa Pháp trong thời đại toàn cầu hóa mà không phải hy sinh tâm hồn, văn hóa, cảnh quan của hòn đảo thần tiên của họ.
Ấn Độ đánh cược với xe chạy điện
Về chủ đề bảo vệ môi trường, nhật báo kinh tế Les Echos có bài phân tích mang tựa đề : « Ấn Độ đặt cược điên rồ vào xe hơi điện ».
Les Echos cho hay : « Đối mặt với tình trạng ô nhiễm đáng báo động, theo OMS, Ấn Độ có 6 thành phố bị xếp hạng ô nhiễm nhất thế giới, chính phủ Ấn Độ ngay từ năm 2016 đã nhảy vào cuộc đánh cược điên rồ : thay thế toàn bộ các xe chạy dầu và xăng để đến năm 2030, Ấn Độ sẽ có 100% xe hơi chạy điện ».
Theo Les Echos, đây là một tham vọng quá lớn và quá sức với đất nước này, chỉ có giá trị kích thích nảy nở các sáng kiến của các nhà chế tạo. Hạ tầng cơ sở công nghiệp và công nghệ của Ấn Độ còn quá nhiều vấn đề phải giải quyết, không thể nào đạt được mục tiêu lớn như vậy trong quãng thời gian chỉ hơn một thập kỷ. Ngay cả những nước công nghiệp phát triển cũng không dám đặt mục tiêu như vậy.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171204-khi-bac-trieu-tien-tao-trat-tu-hat-nhan-moi
Tin đọc nhanh
(AFP) – Cách biệt giàu-nghèo tăng nhanh tại Châu Á – Thái Bình Dương. Theo báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới được công bố ngày 04/12/2017 tại Jakarta, tại các quốc gia đang phát triển tại Châu Á – Thái Bình Dương, khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng nhanh. GDP trong vùng liên tục tăng từ những năm 1980. Nhờ vậy, hàng triệu người thoát khỏi cảnh bần cùng. Nhưng sự thịnh vượng chung đó đã không bảo đảm cho tất cả mọi người có cơ hội thăng tiến như nhau. Hiện tượng dân số bị lão hóa, dân nông thôn ra thành thị kiếm sống và tiến trình công nghiệp hóa đe dọa đẩy hàng triệu người trong khu vực lại phải sống dưới ngưỡng nghèo khó (thu nhập hàng ngày 3-5 đô la). Ngân Hàng Thế Giới kết luận đã tới lúc Châu Á – Thái Bình Dương cần tính đến một mô hình “tăng trưởng thông minh”.
(AFP) – Thủ tướng Canada công du Trung Quốc với trọng tâm thương mại. Cùng với bốn bộ trưởng, ông Trudeau viếng thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 04 đến 07/12/2017 nhằm thắt chặt quan hệ song phương và thương mại. Hai nước có thể sẽ ký kết một thỏa thuận tự do trao đổi song phương. Ông Trudeau lần lượt gặp thủ tướng Lý Khắc Cường và chủ tịch Tập Cận Bình trước khi đến thành phố Quảng Đông và phát biểu trong một diễn đàn Kinh Tế. Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng thứ hai của Canada, sau Hoa Kỳ, với trao đổi song phương hơn 85 tỉ đô la Canada vào năm 2016. Hai nước muốn tổ chức « Năm du lịch Canada-Trung Quốc » vào năm 2018.
(AFP) – Trung Quốc tăng cường kiểm soát các hoạt động tín dụng trên mạng. Ngày 04/12/2017, Trung Quốc công bố điều luật mới về vi tín dụng. Mục tiêu đề ra là nhằm quản lý chặt chẽ hơn các khoản vay mượn trên mạng, tránh để lãi suất tăng quá cao, dẫn tới nguy cơ khủng hoảng tín dụng và tài chính. Theo thẩm định của hãng tin Bloomberg, nợ của tư nhân qua các kênh không chính thức hiện lên tới 152 tỷ đô la và số tiền này hoàn toàn nằm ngoài vòng kiểm soát của các giới chức tài chính tại Trung Quốc.
(AFP) – Cựu bộ trưởng Kinh Tế Nga lãnh án 10 năm tù vì tội tham nhũng. Một tòa án tại Matxcơva ngày 04/12/2017 ra phán quyết phạt cựu bộ trưởng Kinh Tế Nga Alexeï Oulioukaïev 10 năm tù và nộp phạt 500 triệu rúp. Ông này bị cáo buộc nhận 2 triệu đô la để cho phép tập đoàn dầu khí Nga Rosneft bán lại cổ phần cho một hãng dầu khí khác của Nga là Bachneft. Vụ việc được phơi bày ra ánh sáng hồi năm 2016. Nhiều nhà quan sát coi đây là một vụ thành toán chính trị có liên quan đến tổng thống Nga Vladimir Putin.
(Reuters) – Facebook khai trương văn phòng tại Luân Đôn, tạo thêm 800 việc làm. Cơ sở mới được khai trương sáng nay 04/12/2017 được đặt tại khu West End. Đây là sở làm của các kỹ sư, kiến trúc sư phần mềm và nơi “ươm giống” cho các công ty khởi nghiệp của Facebook.
(AFP) – Tập đoàn thời trang cao cấp Gucci trốn thuế ? Ngày 04/12/2017, trụ sở nhà may nổi tiếng của Ý Gucci tại Milano bị khám xét. Cây đại thụ trong ngành thời trang của Ý bị nghi ngờ trốn thuế, cất giấu những khoản tiền khổng lồ tại các thiên đường thuế khóa để khỏi phải nộp 1,3 tỷ euro cho sở thuế. Tới nay, Gucci không phải là nhà may hàng cao cấp duy nhất bị nghi ngờ trốn thuế. Trước đây Prada cũng đã sa lưới tư pháp và phải nộp phạt 470 triệu euro.
(AFP) – Năm 2017 : Pháp bắt giữ số kẻ buôn người cao kỷ lục tại biên giới Ý. Theo tổng kết ngày 04/12/2017 của tỉnh trưởng Alpes-Maritimes, tổng cộng 350 kẻ buôn người đã bị bắt gần Menton, trung bình khoảng mỗi ngày một người. Số 50.000 cuộc thẩm vấn cũng được cho là cao kỷ lục trong năm 2017. Những người vượt biên giới Ý-Pháp đến từ khắp châu Phi và tìm cuộc sống mới ở phương Tây. Tất cả những người bị bắt giữ đều được giao lại cho phía Ý.
(AFP) – Pháp : Phe dân túy áp đảo trong bầu cử địa phương đảo Corse. Khoảng 234.000 cử tri đảo Corse đi bỏ phiếu ngày 03/12/2017 để bầu ra 63 đại biểu của một cơ quan mới được hình thành từ ngày 01/01/2018 từ việc hợp nhất hai hội đồng tỉnh và một cơ quan cấp vùng. Với đa số phiếu (45,36%), phe dân túy Corse (Pè a Corsica, Vì đảo Corse), ngày 04/12, đã yêu cầu mở « đối thoại » với chính quyền Paris để hòn đảo được tự chủ hơn, dù tạm loại bỏ khả năng đòi độc lập.
(AFP) – Tư pháp Bỉ sẽ ra quyết định về việc dẫn độ 5 cựu quan chức vùng Catalunyavào ngày 14/12/2017. Thông tin được nhóm luật sư của ông Carles Puigdemont, cựu chủ tịch vùng Catalunya (Tây Ban Nha) cùng với 4 cựu thành viên chính phủ vùng, thông báo ngày hôm nay 04/12. Cũng trong ngày hôm nay, một thẩm phán điều tra Tây Ban Nha đã ra quyết định tiếp tục giam giữ cựu phó chủ tịch vùng Catalunya là Oriol Junqueras và ba cựu quan chức khác. Trong khi đó, 6 người khác được thả với khoản tiền bảo lãnh 100.000 euro mỗi người.
(Sputnik) – Phát hiện dấu hiệu thủy âm lạ trong vùng tìm kiếm San Juan. Tiếng động được phát hiện cách nơi tầu ngầm phát tín hiệu cuối cùng khoảng 48km. Phát biểu ngày 03/12/2017, ông Enrique Balbi, đại diện Hải Quân Achentina, cho biết các đội tầu tìm kiếm đã đến khu vực trên để tìm hiểu mối quan hệ giữa hiện tượng bất thường này với tầu ngầm bị mất tích từ ngày 15/11. Tuy nhiên, ông Balbi không cho biết liệu tiếng động đó có thể là do một vụ nổ hay không.
(AFP) – Venezuela phát hành tiền ảo. Tổng thống Venezuela ngày 03/12/2017 thông báo chuẩn bị cho một đồng tiền mới lưu hành, nhằm chống lại “chính sách cấm vận của Mỹ”. Giá trị của đồng Petro, được căn cứ trên các khoản dự trữ dầu hỏa của Venezuela. Tổng thống Maduro không đi sâu vào chi tiết, nhưng thông báo này được coi như là một thông điệp Caracas gửi tới Washington rằng bất chấp lệnh cấm vận của Hoa Kỳ Venezuela vẫn không bị kiệt quệ về mặt tài chính.
(Reuters) – Mỹ rút khỏi hiệp định di dân, Liên Hiệp Quốc lấy làm tiếc. Phát biểu vào ngày 03/12/2017, tổng thư ký Liên Hiệp QuốcAntonio Guterres cũng bày tỏ hy vọng Washington ngồi lại vào bàn đàm phán. Phát ngôn viên của Liên Hiệp Quốc, Farhan Haq, nhận định « các thách thức mà vấn đề di dân đặt ra cần được nêu ra với một quyết tâm lớn hơn và sự phối hợp quốc tế tốt hơn ».
(AFP) – Không quân Syria và Nga oanh kích ngoại ô thủ đô Damas. Máy bay Nga và Syria chiều ngày 03/12/2017 oanh tạc Đông Ghouta, một thị trấn ngoại thành thủ đô Damas, ít nhất 27 người chết, hàng chục người bị thương. Theo Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria OSDH, đây là vụ tấn công đẫm máu nhất trong 20 ngày qua.
(RFI) – Kim cương và hòa bình. Chiều ngày 04/12/2017, tại New York, một trong 10 viên kim cương lớn nhất mọi thời đại được đem bán đấu giá. Mang tên “Viên kim cương của Hòa Bình”, viên đá hơn 700 carat này được phát hiện hồi tháng 03/2017 tại Siera Leon. Freetown cho biết trước là số tiền thu vào chiều nay là dành để tài trợ các chương trình phát triển, xây dựng hòa bình cho Sierre Leon. Quốc gia nhỏ bé ở Tây Phi này muốn sang trang thời kỳ, vì trước đây thu nhập từ công nghiệp khai thác các mỏ kim cương thường được dùng để tài trợ cuộc nội chiến đẫm máu 1991-2002.