Đọc báo Pháp – 04/09/2017
Hạt nhân Bắc Triều Tiên : Ổn định của châu Á bị đe dọa
Bất chấp quốc tế liên tiếp gia tăng trừng phạt và Mỹ răn đe, Bắc Triều Tiên lại thêm một lần nữa làm cho cả thể giới náo động với thông báo, hôm Chủ nhật (03/09), thử bom hạt nhân lần thứ 6. Đó là một quả bom H có sức công phá lớn nhất từ trước tới nay, mạnh gấp 6 lần quả bom hạt nhân đã hủy diệt thành phố Hiroshima của Nhật Bản . Các báo Pháp ra hôm nay đều bị sốc mạnh với hành động khiêu khích nguy hiểm của đất nước bị cô lập nhất thế giới.
Trước hết đến với bài bình luận trên nhật báo Les Echos của tác giả Dominique Moisi, giáo sư đại học Anh King’s College. Bài viết mang tựa đề : « Sự ổn định của châu Á bị đe dọa ».
Bài viết khẳng định trong vòng hơn ba chục năm qua, châu Á là một lục địa sống trong hòa bình. Nhưng điều đó giờ đây không còn nữa bởi hành động khiêu khích của Kim Jong Un và tính khó lường của Donald Trump. Trước thực tế đó, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc bị bắt buộc phải đồng thuận với nhau.
« Vụ nổ thử quả bom H của Bắc Triều Triều Tiên hôm 03/09 không chỉ làm đất nước này rung chuyển mà còn làm sự ổn định của châu Á, xa hơn là sự ổn định của cả hệ thống quốc tế trở nên bất ổn ».
thực theo tác giả, trong vòng hơn ba chục năm, châu Á đã là lục địa của hy vọng, vì châu Á là vùng đất của tăng trưởng, của hòa bình. « Một trong những lý do chính cho sự ổn định của châu Á trong giai đoạn vừa rồi đó chính là sự hiện diện mang tính ổn định của Hoa Kỳ. Có thể bằng các cuộc phiêu lưu quân sự, Mỹ đã góp phần tạo ra sự hỗn loạn ở Trung Đông. Nhưng ở châu Á thì ngược lại, với vai trò của một nhân tố cân bằng, Mỹ vẫn thường thực hiện vai trò đối trọng một cách khôn khéo ».
Bài viết đặt vấn đề : « Cuộc leo thang của Bình Nhưỡng, phần nào trùng hợp với thời điểm Donald Trump lên nắm quyền ở Washington, liệu có phá vỡ sự ổn định vốn có của châu Á hay không ? ».
Đi vào phân tích những tác nhân chính của sự ổn định châu Á, tác giả nhận thấy, dù vẫn luôn là đồng minh được Mỹ bảo vệ, nhưng Nhật Bản giờ đây thấy lo ngại về tính khó lường của tổng thống Mỹ. Nếu như Nhật Bản bất an vì Donald Trump, Trung Quốc ngược lại đang đắc lợi bởi một tổng thống Mỹ « thiếu kinh nghiệm ». Bắc Kinh thấy trước mặt họ bây giờ chỉ là một người có duy nhất một trò cân não, nắn gân người khác.
Theo tác giả, mối ngờ vực ngày càng tăng về khả năng của Washington có thể sẽ dẫn đến việc ba tác nhân chủ chốt khu vực, trong khủng hoảng Bắc Triều Tiên là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ xích lại lập trường gần nhau hơn. Để họ có thể trực tiếp giải quyết khủng hoảng mà không sợ những hậu quả có thể từ những phát biểu quá trớn của chủ nhân Nhà Trắng và không cần tính đến những giải pháp được thương lượng hay áp đặt từ bên ngoài châu lục.
Tuy nhiên vẫn theo tác giả bài viết, đến lúc này thì trường hợp này chưa xảy ra. Vì không một nước nào, có thể ngoại trừ Nhật, chấp nhận ưu tiên tuyệt đối giải quyết khủng hoảng Bắc Triều Tiên.
Bài viết kết luận : Châu Á sẽ vẫn là lục địa hòa bình và tăng trưởng nếu Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đồng thuận. Nếu không, Bắc Triều Tiên ở châu Á thế kỷ 21 có nguy cơ trở thành lò lửa chiến tranh như trường hợp Serbia của châu Âu trong thế kỷ 20.
Vụ thử hạt nhân « điên rồ »
Tiếp tục với sự kiện Bắc Triều Tiên thử bom hạt nhân. Không khí lo ngại có thể cảm nhận thấy trên các trang báo Pháp, với các bài nhận định, bình luận, mổ xẻ hành động của Bình Nhưỡng.
Trang nhất nhật báo Le Figaro chạy hàng tựa nhận định « Sóng sốc toàn thế giới sau vụ thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên ». Trang nhất Libération đăng kín tấm ảnh lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đang duyệt binh với hàng tựa : « Kim Jong Un, quả bom nổ chậm ». Les Echos chạy tựa « Bắc Triều Tiên : cuộc leo thang hạt nhân điên rồ ».
Sau những hàng tựa đầy lo ngại như vậy là rất nhiều câu hỏi được đặt ra là quốc tế làm gì sau vụ thử hạt nhân hôm qua của Bắc Triều Tiên ? Thế giới sẽ ra khi chế độ Bình Nhưỡng có trong tay bom H cực mạnh ?
Xã luận của Le Figaro nhận định : « Vấn đề là với Bắc Triều Tiên người ta không biết phải làm gì. Việc đất nước này bị cô lập gần như hoàn toàn khiến chúng ta không biết nhiều điều… Câu hỏi lớn là liệu Kim Jong Un có phải là một kẻ điên. »
Không chỉ có một mình Kim Jong Un điên khùng, Libération nhận xét, lãnh đạo Bắc Triều Tiên đang « chơi trò khùng ». Đối mặt với ông ta có một đối tác xứng tầm đó là tổng thống Hoa Kỳ Danald Trump. Thế giới đang lo ngại không biết ông Trump sẽ phản ứng ra sao. Tổng thống Mỹ, bất tài đến thô thiển luôn có những phán xét cay độc, giờ đang ở cùng vị thế với Kim. Libération nhận thấy tổng thống Mỹ cũng là một kẻ khùng không ai có thể an tâm được và tờ báo đặt câu hỏi « điều gì sẽ xảy ra khi có hai kẻ điên trong một phòng ? hay đó là hai kẻ giả điên ?»
Chỉ còn lại đối thoại với Bình Nhưỡng
Vẫn trong bối cảnh thời sự Bắc Triều Tiên, nhật báo Libération có bài phỏng vấn Joel S. Wit, chuyên gia Bắc Triều Tiên, là người sáng trang web địa chính trị 38 North.org ( Bắc vĩ tuyến 38) chuyên theo dõi các vấn đề về bán đảo Triều Tiên.
Theo chuyên gia Joel S. Wit, chính sách của Mỹ cũng như của cộng đồng quốc tế đối với Bắc Triều Tiên đến giờ là bế tắc. Washington phải khai mở các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng, đó là cách để thoát ra khỏi ngõ cụt hiện nay.
Trả lời câu hỏi vậy liệu Bắc Triều Tiên có sẵn sàng đàm phán ? Chuyên gia Wit cho rằng, Bắc Triều Tiên muốn nói chuyện từ nhiều tháng nay, nhưng Mỹ đã không đánh giá mong muốn đó một cách nghiêm túc, mất nhiều thời gian đặt ra rào cản bằng những điều kiện tiên quyết.
Trong một câu hỏi khác : Điều gì có thể ngăn Kim trong cuộc chạy đua bom hạt nhân ? Chuyên gia về Bắc Triều Tiên nhận định, « vấn đề đặt ra là người ta không biết liệu Kim Jong Un sẽ dừng lại không và điều có thể ngăn ông ta lại. Cách duy nhất để biết là trực tiếp nói chuyện với ông ta. Có điều là chúng ta vẫn cứ vờ như đã biết rồi. Ở Washington cần phải có phẩm chất của thủ lĩnh, từ tổng thống cũng như từ ê-kíp của ông, để xử lý hồ sơ nóng bỏng này. Đáng tiếc là trường hợp hiện nay không phải như vậy ».
Kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng
không cần đến tổng thống Trump
Nhìn qua nước Mỹ dưới chính quyền Donald Trump. Le Figaro nhận định về kinh tế Mỹ hiện nay : « Nước Mỹ vẫn khỏe mà không cần Trump ».
Theo tờ báo, từ khi ông Donald Trump lên nắm quyền, chưa có một cải cách lớn nào về kinh tế được khởi động, nhưng kinh tế Mỹ vẫn phục hồi và tiếp tục vững chắc. Hơn một triệu việc làm đã được tạo thêm từ tháng Giêng năm nay kéo tỷ lệ thất nghiệp xuống thấp chưa từng có (4,4%), tiêu thụ tăng đều đặn 3,3%, đầu tư tăng tới 8,8% so với cùng kỳ năm trước…. Đó là bức tranh đang rất sáng của kinh tế Mỹ từ đầu năm.
Trong một số những phát biểu trên twitter cũng như những bài diễn văn gần đấy, ông Donald Trump đã tự nhận mình là tác giả của tăng tốc kinh tế Mỹ. Le Figaro cho rằng, nếu rơi vào những người tiền nhiệm của ông Trump, thì họ cũng làm như vậy. Tuy nhiên rõ ràng là ông Doanald Trump chẳng làm gì nhiều cho kinh tế Mỹ từ khi lên nắm quyền đến giờ. Theo le Figaro, tin vui của nền kinh tế Mỹ này chủ yếu do các biện pháp chỉ đạo của Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (Fed).
Trong khi đó nhật báo kinh tế Les Echos khẳng định « chính sách kinh tế của Donald Trump đang ở điểm chết ». Theo tờ báo, Donald Trump chẳng những không có vai trò gì lớn trong sự phục hồi kinh tế Mỹ hiện nay, mà còn có thể chặn lại đà tăng trưởng này với việc chậm trễ ra cải cách thuế hay việc thắt chặt chính sách nhập cư.
Phần Lan đối mặt với chiến tranh tuyên truyền của Nga
Trở lại với châu Âu, trang Địa Chính Trị của nhật báo Le Monde có bài viết mang tựa đề : Phần Lan, ở nơi tiền đồn đối mặt với Nga. Le Monde cho thấy, Phần Lan có 1.340 km đường biên giới chung với nước Nga. Đất nước Bắc Âu nhỏ bé này đang phải đối phó với chiến dịch tuyên truyền, bóp méo thông tin nhằm làm mất ổn định, đến từ người láng giềng bên sườn đông.
Năm nay Phần Lan kỷ niệm 100 năm giành độc lập, một nền độc lập được đánh dấu bằng hai cuộc chiến tranh với nước Nga trong lịch sử. Đã từ lâu Phần Lan vẫn cảnh giác với nước Nga, cũng như những thông tin đến từ người láng giềng không đáng tin cậy này.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170904-hat-nhan-bac-trieu-tien-su-on-dinh-chua-chau-a-bi-de-doa
Tin đọc nhanh
(AFP) – Thủ tướng Đài Loan từ chức
Ông Lâm Toàn (Lin Chuan) ngày 04/09/2017 thông báo từ chức sau khi đã “hoàn thành nhiệm vụ lịch sử”, cùng với bà Thái Anh Văn (Tsai Ing Wen) đưa đảng Dân Tiến lên cầm quyền trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 1/2016. Thủ tướng họ Lâm từ chức trong bối cảnh, uy tín của nữ tổng thống Thái Anh Văn đang tuột dốc không phanh. Nhiều biện pháp cải tổ của chính quyền làm mất lòng dân. Theo báo chí Đài Bắc, có nhiều khả năng, thị trưởng thành phố Đài Nam, Lại Thanh Đức, (Lai Chingte) được chỉ định làm thủ tướng.
(AFP) – 1,82 triệu xe Volkswagen tại Trung Quốc bị thu hồi
Thêm một vố đau cho tập đoàn xe hơi Đức Volkswagen. Ngày 04/09/2017 cơ quan kiểm tra chất lượng công nghiệp Trung Quốc thông báo thu hồi 1,82 triệu chiếc xe do liên doanh Volkswagen và hai đối tác Trung Quốc FAW cùng SAIC cung cấp. Lý do bộ phận bơm xăng bị hỏng. Gần như toàn bộ khối lượng xe nói trên được sản xuất và lắp ráp tại Trung Quốc.
(AFP) – Chủ tịch Quốc Hội Venezuela, nhà đối lập với tổng thống Maduro, có mặt tại Châu Âu
Chiều ngày 04/09/2017, ông Juilo Borges hội kiến tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước khi tiếp kiến các nguyên thủ Tây Ban Nha, Đức và Anh trong hai ngày 5 và 06/09/2017 để thảo luận về khủng hoảng kép chính trị và kinh tế tại Venezuela.
(AFP) – Qatar muốn tăng cường hợp tác kinh tế với Pháp
Doha đưa ra tuyên bố trên nhân dịp ngoại trưởng Pháp Jean –Yves Le Drian công du Qatar ngày 03/09/2017. Từ đầu tháng 6/2017 nhiều quốc gia trong vùng Vịnh đứng đầu là Ả Rập Xê Út quyết định cô lập Doha về mặt ngoại giao với lý do Qatar “dung túng các tổ chức khủng bố”. Pháp hiện là một nhà cung cấp vũ khí quan trọng cho cả Ả Rập Xê Út lẫn Qatar.
(AFP) – Iran kết án 10 năm tù 3 người Mỹ
Chưởng lý Iran ngày 03/09/2017 thông báo : Tòa phúc thẩm đã y án 10 năm tù đối với 3 người Mỹ – trong đó 2 người là Mỹ gốc Iran, và một người Mỹ gốc Hoa – cùng một công dân Liban, về tội « hợp tác với chính quyền nước ngoài (Hoa Kỳ) », cụ thể là làm gián điệp cho Mỹ. Sau bản án hôm qua, Nhà Trắng cảnh báo nếu Iran không trả tự do ngay cho những công dân Mỹ bị giam giữ, thì sẽ chịu hậu quả tai hại.
(AFP) – Giáo hoàng Phanxicô công du Colombia từ ngày 06 đến 10/09/2017
Tại Bogota, giáo hoàng sẽ chủ yếu thảo luận về tiến trình hòa bình của Colombia, trong đó Vatican đã đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Ngoài ra, mọi nỗ lực của giáo hoàng Phanxicô sẽ tập trung vào hồ sơ Venezuela, sau khi Tòa Thánh đã thất bại trong việc hòa giải giữa phe đối lập và tổng thống Maduro. AFP nhắc lại trong quá khứ Đức thánh cha từng có tiếng nói quyết định trong việc thuyết phục Cuba và Hoa Kỳ nối lại quan hệ ngoại giao hồi năm 2015. Trước mắt Đức giáo hoàng chưa lên tiếng về những tuyên bố của tổng thống Trump đòi xét lại quan hệ với La Habana.
(AFP) – Hoàng tử William và công chúa Kate sắp có tin vui
Điện Buckingham ngày 04/09/2017 thông báo hoàng gia Anh sắp có thêm một thành viên mới. Sau George, 4 tuổi, và Charlotte, 2 tuổi, công chúa Kate và hoàng tử William chuẩn bị đón một đứa con thứ ba. Là cháu đích tôn của nữ hoàng Anh, Elizabeth Đệ Nhị, là con trai trưởng của thái tử Charles và cố công nương Diana, hoàng tử William rất được lòng dân.
(AFP) – Đội tuyển bóng đá Pháp gây sốc khi để Luxembourg cầm chân
Sau màn trình diễn ngoạn mục hôm 31/08/2017, đè bẹp đại gia bóng đá châu Âu là Hà Lan với tỷ số không thương tiếc 4-0, đội tuyển bóng đá Pháp đã thi đấu một trận tồi tệ nhất từ năm 1914 đến nay, bị đội bóng nhỏ bé châu Âu là Luxembourg cầm chân 0-0 trên sân nhà. Bị mất hai điểm, như vậy là tương lai dự Cúp Bóng Đá Thế Giới của đội Pháp bấp bênh hơn, vì dù vẫn đứng đầu bảng A, đồng nghĩa với vé đi dự Cúp, nhưng Pháp đã bị Thụy Điển bám đuôi, chỉ chênh lệch một điểm duy nhất. Nếu Pháp lao đao, thì một láng giềng khác của Pháp là Bỉ hưng phấn hơn. Nhờ trận thắng 2-1 trước đội tuyển Hy Lạp, Bỉ đã giành được chiếc vé đầu tiên của châu Âu dự World Cup 2018 tại Nga.
(AFP) – Pháp khai giảng năm học mới
12,8 triệu trẻ em cùng 884.000 giáo viên Pháp trở lại trường ngày 04/09/2017. Đây là ngày khai trường đầu tiên của tân tổng thống Macron, với tất nhiên một số cải tổ. Cụ thể như : hơn 1/3 học sinh sẽ học 4 ngày thay vì 4 ngày rưỡi. Tại những khu vực được xếp vào diện khó khăn, lớp 1 chỉ nhận từ 12 đến 14 em. Tổng thống Pháp đã đến thăm một ngôi trường ở vùng Loraine (miền đông nước Pháp) – nói chuyện với giáo viên và học sinh trong suốt 2 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên hôm nay, không phải trường học nào cũng mở cửa, tại Vaulx-en-Velin, ngoại ô Lyon, gần một nửa trường học đóng cửa, vì giáo viên đình công phản đối giảm biên chế.