Đọc báo Pháp – 04/07/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 04/07/2020

Hồng Kông: Vụ tấn công quy mô vào một xã hội dân chủ từ sau thế chiến – Thụy My

The Economist  nhận định, luật an ninh quốc gia mà Trung Quốc áp đặt lên Hồng Kông là một trong những vụ tấn công quy mô nhất vào một xã hội dân chủ, kể từ sau Đệ nhị Thế chiến.

Sau thời gian dài phong tỏa, tuần báo L’Obs dành trọn kỳ này cho một « Nước Pháp vừa được tìm lại », giới thiệu những điểm đặc sắc của nhiều vùng miền. L’Express đăng ảnh tổng thống Emmanuel Macron, chạy tựa « Tám công trình để nâng dậy nước Pháp » sau cuộc bầu cử địa phương vừa qua, Le Point nói về « Những chú hề sinh thái và những chuyên gia » trước sự thắng thế của đảng XanhHồ sơ của Courrier International tập trung cho chủ đề « Chống phân biệt chủng tộc ». Về châu Á, Hồng Kông là đề tài chính được nhiều tuần báo chú ý.

Luật an ninh, « quà sinh nhật » tẩm độc giết chết tự do của Hồng Kông

The Economist  nhận định, chính quyền Trung Quốc gieo rắc sợ hãi tại Hồng Kông, phong trào biểu tình trong năm qua đã khiến đảng Cộng Sản Trung Quốc mất kiên nhẫn và tự mình hành động. Đây là một trong những vụ tấn công quy mô nhất vào một xã hội dân chủ, kể từ sau Đệ nhị Thế chiến.

Cú sốc đầu tiên diễn ra vào tháng Năm, khi Bắc Kinh loan báo ý định áp đặt luật an ninh quốc gia. Đạo luật được soạn thảo trong bí mật, ngay cả trưởng đặc khu Hồng Kông cũng không biết nội dung.Ngày 30/06 Quốc hội Trung Quốc thông qua, và dự luật 18 trang có hiệu lực ngay vào nửa đêm hôm đó, khắc nghiệt hơn cả những gì mà các nhà phân tích bi quan nhất có thể dự đoán.

Đọc thêm: Tập Cận Bình đối mặt với Hồng Kông, thành trì « thế lực thù địch »

Làm hư hại, vẽ bậy trong giao thông công cộng nay có thể bị coi là « khủng bố » ; xông vào Quốc hội hay ném trứng vào văn phòng liên lạc Trung Quốc là « nổi dậy ». Cổ vũ độc lập cho Hồng Kông như một số người biểu tình vẫn làm là « ly khai », kêu gọi các nước trừng phạt Trung Quốc là « thông đồng » – các tội danh này có khung hình phạt lên đến chung thân.

Một quan chức cao cấp Trung Quốc nói rằng đó là « món quà sinh nhật » cho Hồng Kông – một từ ngữ cay độc để chỉ cú đòn mạnh nhất giáng vào tự do của đặc khu, từ khi được Anh trao trả năm 1997.

Người biểu tình Hồng Kông : « Trời tru đất diệt » đảng Cộng Sản Trung Quốc

Bắc Kinh sẽ mở thêm một « Văn phòng duy trì an ninh quốc gia » – đây là lần đầu tiên an ninh Hoa lục sang bám rễ ở Hồng Kông, lập một « Ủy ban duy trì an ninh quốc gia » có sự hiện diện của « cố vấn » từ chính quyền trung ương. Đảng Cộng Sản Trung Quốc có thể gởi mật vụ của họ sang Hồng Kông để áp đặt trật tự theo ý mình. Các thẩm phán do chính quyền bổ nhiệm có thể xử kín, không cần bổi thẩm đoàn.

Đáng lo nhất là đối với những trường hợp « phức tạp » hoặc « nghiêm trọng », an ninh Trung Quốc có thể xử lý và thậm chí đưa sang Hoa lục để xét xử. Phong trào phản kháng được dấy lên trong năm qua vì lo ngại việc dẫn độ, nay với luật mới các nhà đấu tranh có thể bị bắt đưa sang Hoa lục để đối mặt với tư pháp thô bạo của Trung Quốc.

Luật này ảnh hưởng đến một loạt quyền tự do, siết lại các trường trung đại học, tổ chức xã hội, truyền thông và internet. Đạo luật còn được áp dụng cho người ở nước ngoài – có thể bị bắt khi đến Hồng Kông. Các công ty ngoại quốc ở đặc khu có thể bị trừng trị nếu trợ giúp một nước trừng phạt Trung Quốc. Việc tập hợp hàng năm để tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn như vậy có phạm luật hay không ? Đảng sẽ quyết định.

Đọc thêm: Luật an ninh và cơ hội cuối cùng để chiến đấu cho tự do của Hồng Kông

Dù cảnh sát cấm biểu tình hôm 01/07 và có nguy cơ vi phạm luật mới, hàng ngàn người vẫn can đảm tập hợp lại. Những phụ nữ đứng tuổi phân phát các áp-phích có dòng chữ « Trời tru đất diệt đảng Cộng Sản ». Cảnh sát bắt giữ 370 người, có ít nhất 10 người bị cáo buộc vi phạm luật an ninh, trong đó có một người chỉ vì cầm lá cờ độc lập.

Bắc Kinh vẫn mong muốn Hồng Kông tiếp tục thịnh vượng, nhất là thị trường chứng khoán, nhưng tương lai của đặc khu rất u ám. Chính quyền địa phương thông báo đã chi 6,29 triệu đô la cho một công ty truyền thông để quảng bá cho Hồng Kông. Đó là Consulum, một công ty đã từng cố giúp Ả Rập Xê Út cải thiện hình ảnh độc tài của mình.

Bài học cho toàn thế giới : Không thể tin lời hứa của Bắc Kinh

The Economist cho rằng cộng đồng quốc tế có thể bị sốc, nhưng không có gì đáng ngạc nhiên. Sự kiện xe tăng cán lên người biểu tình ở Thiên An Môn chứng tỏ đảng Cộng Sản tiêu diệt đối lập không hề thương tiếc, bất chấp tai tiếng đối với thế giới.

Trừng phạt của phương Tây sau biển máu 1989 không làm đảng thay đổi quan điểm. Và thời đó kinh tế Trung Quốc còn thua cả Tây Ban Nha, giờ đây đã thành đại cường kinh tế, ít có khả năng Bắc Kinh lắng nghe những chỉ trích.

Đọc thêm: Luật an ninh Hồng Kông, hồi kết của ảo tưởng phương Tây về Trung Quốc

Nhưng phương Tây cần phải đáp trả. Anh quốc có lý khi tạo điều kiện cho người Hồng Kông sang sinh sống. Mỹ rất đúng đắn khi ra luật trừng phạt quan chức Trung Quốc, nhưng sẽ hiệu quả hơn nếu hợp sức với các nền dân chủ khác để chống lại âm mưu chà đạp lên nhân quyền thế giới của Bắc Kinh.

Theo tuần báo Anh, nỗi đau của Hồng Kông là bài học cho thế giới : không thể tin vào lời hứa của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Cần phải cảnh giác cao độ trước sức mạnh đang lên của Bắc Kinh, đặc biệt là ảnh hưởng đối với Đài Loan. Trung Quốc đã chứng tỏ rằng phải sợ hãi đảng Cộng Sản thay vì ngưỡng mộ.

Quốc tế đã để yên cho Trung Quốc bóp nghẹt Hồng Kông

L’Express trong bài « Thế giới đã để cho Bắc Kinh bóp nghẹt tự do của Hồng Kông » dẫn lời kêu cứu của nhà hoạt động trẻ tuổi Hoàng Chi Phong : « Nếu tôi không thể nói lên tiếng nói của mình, tôi hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ gia tăng nỗ lực cụ thể để bảo vệ chút ít tự do còn lại ở Hồng Kông ».

Đọc thêm: Thượng viện Mỹ thông qua luật để bảo vệ quyền tự trị Hồng Kông

Tổng thống Mỹ Donald Trump loan báo hạn chế cấp visa cho những quan chức Trung Quốc tuy không nêu tên cụ thể, chấm dứt bán thiết bị quốc phòng cho Hồng Kông. Thủ tướng Boris Johnson đề nghị cho phép gần 3 triệu người Hồng Kông cư trú và làm việc tại Anh quốc. Liên Hiệp Châu Âu bày tỏ « quan ngại sâu sắc », nhưng không dự kiến biện pháp trừng phạt nào, trong lúc châu Âu tìm kiếm một thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc.

Tờ báo cho rằng, khi phản ứng một cách yếu ớt và mỗi người một kiểu, phương Tây đã phạm sai lầm. Đối mặt với Trung Quốc, chỉ có một mặt trận quốc tế đoàn kết và kiên quyết mới có thể hiệu quả. Nếu không, các nền dân chủ sẽ nhìn thấy các giá trị của mình thụt lùi, nhường chỗ cho quan điểm toàn trị. Và cũng chẳng được xâm nhập thị trường Trung Quốc nhiều hơn.

Hồng Kông đã bị Bắc Kinh « ăn tươi nuốt sống »

Nhà nghiên cứu Marc Julienne, Trung tâm Châu Á của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) khi trả lời phỏng vấn tuần san L’Obs cũng nhìn nhận Trung Quốc đã đi xa hơn hẳn mọi ước đoán.

Luật an ninh quốc gia không phải chỉ gặm nhấm quyền tự trị, mà Hồng Kông đã bị ăn tươi nuốt sống ! Ông ngạc nhiên với cách soạn thảo : không chút tế nhị mà vô cùng cứng rắn. Nhất là nó còn được áp dụng cho người ngoại quốc và ở bên ngoài Hồng Kông. Điều nghiêm trọng là một người nước ngoài bị điều tra, có thể bị bắt khi quá cảnh Hồng Kông.

Đọc thêm: Cuộc chiến Hồng Kông : Tiền tuyến và đội quân trong bóng tối

Vì sao Trung Quốc lại tăng tốc như vậy ? Luật này là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh hoàn toàn không sợ bị trả đũa, cũng như không sợ hình ảnh Trung Quốc xấu đi trên trường quốc tế. Vấn đề là phải theo dõi xem áp dụng luật đến mức nào, các cơ quan mới thành lập hoạt động ra sao.

Kịch bản tệ hại nhất là trong hai tháng tới, chế độ Bắc Kinh quyết định cấm các đảng, các hiệp hội dân chủ, thậm chí có thể bắt giam tất cả những ai đăng thông tin ủng hộ dân chủ lên mạng xã hội. Luật an ninh dành cho Hồng Kông còn là dấu hiệu răn đe đối với Đài Loan, một nền dân chủ khác, luôn là trung tâm tham vọng của Trung Quốc.

Tàu đánh cá Trung Quốc càn quét biển châu Phi

Trên lãnh vực môi trường, Courrier International tố cáo « Các tàu đánh cá kiêm nhà máy chế biến của Trung Quốc khai thác cạn kiệt vùng biển châu Phi ».

Tuần báo dịch bài viết của báo Anh The Spectator cho biết, đội tàu đánh cá ngoài khơi xa của Trung Quốc đông đảo hơn chúng ta nghĩ, thậm chí gấp bốn lần số lượng mà Bắc Kinh ước tính. Có khoảng 17.000 chiếc tàu có thể đánh cá bên ngoài vùng biển Trung Quốc. Hầu hết sử dụng phương pháp càn quét, hủy hoại sinh vật biển từ đông nam Thái Bình Dương cho đến tây nam Đại Tây Dương, nhất là tại Ghana.

Hầu như tất cả các tàu đánh cá ở Ghana đều của Trung Quốc, trong khi có trên 2 triệu người dân Ghana sống nhờ nghề cá. Theo báo cáo của Overseas Development Institute, thu nhập của ngư dân Ghana đã bị giảm mất 40%. Chín quốc gia duyên hải châu Phi có cùng số phận : 78% tàu đánh cá nước ngoài hành nghề trên vùng biển của họ đến từ Trung Quốc, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, và thu nhập từ các tàu cá nước ngoài mà 9 nước này được hưởng chưa đầy 4%.

Việt Nam : Nở rộ ATM gạo giúp người nghèo thời dịch bệnh

Liên quan đến Việt Nam, The Economist ghi nhận « Trong lúc dịch Covid-19 làm phương hại đến kinh tế Việt Nam, hoạt động từ thiện của tư nhân nở rộ ».

Tác giả tỏ ra rất ấn tượng trước những « ATM gạo » mọc lên tại nhiều thành phố, nơi người nghèo có thể đến nhận gạo trong thời dịch bệnh. Cuối tháng Năm, một tập đoàn địa ốc là CEN Group đã lập ra những cây ATM loại này ở Hà Nội, và khi 5 tấn gạo đầu tiên vừa hết, chương trình vẫn được tiếp tục nhờ đóng góp của dân chúng. Ông Phạm Thanh Hưng, phó chủ tịch tập đoàn cho biết chính quyền địa phương cũng trợ giúp bằng cách nhanh chóng cấp phép, cử người hỗ trợ, giữ trật tự. Báo chí đưa tin rộng rãi, nên có thể nghĩ rằng các quan chức cao cấp ủng hộ hoạt động này.

Nhưng sáng kiến « ATM gạo » là từ doanh nhân Hoàng Tuấn Anh ở Saigon. Anh nảy ra ý tưởng này sau khi nghe tin về một công nhân tự sát vì mất việc. Nay thì đã có một số công ty sản xuất và cung ứng cho vài chục điểm phân phát gạo từ thiện ở nhiều thành phố, mỗi người có thể nhận được 1,5 đến 2 kg gạo, đủ cho một gia đình nhỏ trong ba ngày. Một số máy phục vụ đến 2.000 người/ngày.

Việt Nam đã đẩy lùi được Covid-19 một cách ngoạn mục, không có ai bị chết vì con virus từ Vũ Hán. Tuy nhiên đại dịch đã khiến nền kinh tế chững lại, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính tăng trưởng năm nay chỉ còn 2,7% thay vì 7%, và theo chính phủ thì đã có 5 triệu người bị thất nghiệp hoặc giảm thu nhập.

Một chương trình trợ giúp 62 tỉ đồng (2,6 tỉ đô la) đã được thông qua, nhưng bị than phiền là chậm áp dụng, và chưa rõ những người lao động nhập cư – chiếm đa số trong những người đến nhận gạo từ thiện – có được hưởng hay không. Đó có thể là nguyên nhân khiến chính quyền ủng hộ tư nhân làm từ thiện, điều mà trên lý thuyết thiên đường vô sản không cần đến. Tuy hiếm có các mạnh thường quân tầm cỡ, nhưng Danielle Labbé, đại học Montréal cho rằng Việt Nam là một đất nước mà các ý tưởng tốt đẹp được nhanh chóng nhân lên.

Black Live Matter, nhưng công lý nào cho người Tây Tạng ?

Cũng trên lãnh vực xã hội, Courrier International cho biết lẽ ra đã chọn một chủ đề nhẹ nhàng hơn cho mùa hè, nhưng trước tầm cỡ của phong trào chống phân biệt chủng tộc từ vụ George Floyd ở Mỹ, tuần báo kỳ này quay lại với hiện tượng đã trở thành quốc tế, và có ảnh hưởng mạnh tại Pháp.

Financial Times cho rằng tuy vậy cũng không nên quên đi những bất bình đẳng và bạo lực tại các nước khác. Dele Olojede, nhà báo người Nigeria từng đoạt giải thưởng Pulitzer, tuy chỉ trích sự kiện bi thảm trên, nhưng cho rằng hình ảnh Hoa Kỳ vẫn quyến rũ trong tâm thức mọi người. Nếu vụ George Floyd gây tai tiếng lớn như vậy, là do nước Mỹ luôn là người bảo vệ các giá trị căn bản, được thế giới mong đợi. « Khi Tập Cận Bình nhốt một triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại cải tạo, chẳng có làn sóng phản kháng nào nổi lên trên thế giới, đơn giản là vì không ai mong đợi Trung Quốc tôn trọng nhân quyền ».

Nghệ sĩ ly khai Ngải Vị Vị (Ai Weiwei) tị nạn tại Đức ủng hộ công lý cho người da đen, nhưng theo ông : « Một con người đã bị sát hại một cách thô bạo, đúng vậy, nhưng ngày hôm đó cũng như bao nhiêu ngày khác, có những người tị nạn đã chết trên biển mà không được ai cứu vớt. Phương Tây ít quan tâm đến nỗi đau của người châu Á. Trên 150 người Tây Tạng – một trong những sắc dân bị đàn áp dã man nhất trên thế giới, đã tự thiêu để phản đối chế độ Trung Quốc, nhưng có ai nổi dậy vì họ không ? ».

Ngải Vị Vị cho rằng không nên tách biệt thành những khối đấu tranh cho nữ quyền, cho người Mỹ gốc Phi…với những yêu sách khác biệt ; mà nên tương trợ lẫn nhau. Khi các quyền của một nhóm bị chà đạp, thì tất cả đều cảm thấy liên quan.

http://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200704-h%E1%BB%93ng-k%C3%B4ng-v%E1%BB%A5-t%E1%BA%A5n-c%C3%B4ng-quy-m%C3%B4-v%C3%A0o-m%E1%BB%99t-x%C3%A3-h%E1%BB%99i-d%C3%A2n-ch%E1%BB%A7-t%E1%BB%AB-sau-th%E1%BA%BF-chi%E1%BA%BFn

 

Tin tổng hợp

(AFP) – Afghanistan : Washington và Taliban thương thảo các « cơ hội kinh tế ».

Đặc sứ Mỹ về Afghanistan, ông Zalmay Khalilzad, trên mạng Twitter ngày 03/07/2020 cho biết trong một cuộc họp với phe Taliban tại Doha, thủ đô Qatar, phái đoàn Hoa Kỳ có nhấn mạnh đến những « cơ hội phát triển kinh tế ngay khi Afghanistan có một nền hòa bình bền vững ». Phát ngôn viên của Taliban khẳng định các nhà đàm phán của phe này có gặp ông Adam Boehler, giám đốc International Development Finance Corporation, một cơ quan của chính phủ Mỹ để bàn về các chủ đề « tăng trưởng, tái thiết và phát triển » tại Afghanistan.

(Reuters) – Bắc Triều Tiên tuyên bố chưa thấy cần thiết đàm phán lại với Mỹ.

Bình Nhưỡng có phát biểu như trên vào lúc thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Stephen Biegun sắp đến Seoul vào thứ Ba 07/07/2020 để thảo luận với đồng nhiệm Hàn Quốc nhằm thúc đẩy nối lại đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng.

(AFP) – Dịch Covid-19 : WHO công bố thông tin chi tiết về phản ứng của văn phòng WHO ở Trung Quốc cuối tháng 12/2019.

Tổ Chức Y Tế Thế Giới trong tuần vừa qua cho biết đã được văn phòng của định chế này ở Trung Quốc thông báo về dịch Covid-19 vào cuối tháng 12/2019. WHO vốn bị cáo buộc là nương nhẹ, thậm chí bao che cho Trung Quốc. Hồi tháng 4/2020, Hoa Kỳ cáo buộc tổng giám đốc WHO đã « xem nhẹ một số thông tin rất quan trọng » về khả năng virus lây từ người sang người, do Đài Loan chuyển đến, ngay từ cuối tháng 12/2019. Thông tin được đưa ra trong tuần này cho biết chi tiết hơn những gì diễn ra ngày 31/12 và những ngày tiếp theo tại văn phòng WHO ở Trung Quốc, và cách thức cơ quan đại diện của WHO xử lý thông tin về dịch bệnh.

(AFP) – Địa Trung Hải : Tàu vớt dân vượt biển phải kêu cứu vì không cảng châu Âu nào tiếp nhận.

Một tàu cứu nạn của tổ chức SOS Địa Trung Hải đã vớt được 180 người vượt biển từ châu Phi, sau nhiều đợt cứu nạn trong vòng hơn một tuần qua. Tuy nhiên, hiện tại con tàu Ocean Viking vẫn chưa được cảng biển nào của châu Âu cho phép cập bến để đưa người bị nạn lên bờ. Theo SOS Địa Trung Hải, hôm nay, 04/07/2020, tình hình đang khẩn cấp từ hai ngày nay, khi nhiều người trong số các nạn nhân được vớt lên đang trong tình trạng kiệt sức, và khủng hoảng tinh thần. Có người muốn tự sát. Tàu cứu nạn đã kêu gọi Malta, nhưng không được Malta đáp ứng.

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200704-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

 

Điểm tin thế giới sáng 4/7 –

Thủ tướng Ấn Độ gửi thông điệp đến Trung Quốc:

Kỷ nguyên của chủ nghĩa bành trướng đã chấm hết

Băng Thanh

Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Bảy (4/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Thủ tướng Ấn Độ gửi thông điệp đến Trung Quốc: Kỷ nguyên của chủ nghĩa bành trướng đã chấm hết

Theo tờ Breitbart, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 3/7 đã tới khu vực Ladakh ở phía bắc Himalaya, khu vực xảy ra đụng độ đẫm máu giữa binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc hồi giữa tháng 6. Tại đây, ông đã có bài phát biểu trước các binh sĩ đóng tại căn cứ ở khu vực Nimu, Ladakh.

“Kỷ nguyên của chủ nghĩa bành trướng đã chấm hết. Bây giờ là thời đại của sự phát triển. Suốt nhiều thế kỷ qua, chủ nghĩa bành trướng đã gây tổn hại nhất cho thế giới”, người đứng đầu chính phủ Ấn Độ nói.

Thủ tướng Modi cũng gửi gắm những lời khích lệ đến binh sĩ Ấn Độ: “Sự quả cảm của các bạn và đồng đội đã gửi đến toàn thế giới thông điệp về sức mạnh thực sự của Ấn Độ”.

“Khi sự an toàn của đất nước này nằm trong tay các bạn, thì tôi rất tin tưởng. Không chỉ tôi, mà cả quốc gia đều tin tưởng vào các bạn”, ông nói.

Đề cập đến vụ đụng độ đẫm máu hồi tháng trước ở biên giới tranh chấp với Trung Quốc, ông Modi nói: “Tôi xin gửi lời chia buồn đến các binh sĩ đã hy sinh ở thung lũng Galwan. Kẻ thù của chúng ta đã nhìn thấy lửa thịnh nộ của các bạn”.

Canada đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông

“Canada sẽ coi việc xuất khẩu hàng hóa nhạy cảm tới Hồng Kông giống như Trung Quốc đại lục, điều này có hiệu lực ngay lập tức. Canada sẽ không xuất khẩu vật tư quân sự nhạy cảm cho Hồng Kông”, Reuters dẫn lời của Ngoại trưởng Canada Francois-Philippe Champagne cho biết trong thông cáo ngày 3/7. “Canada cũng đình chỉ Hiệp ước Canada – Hồng Kông”, thoả thuận giữa chính phủ Canada và chính quyền Hồng Kông về giao nộp tội phạm trốn chạy, được ký ngày 13/6/1997, trước thời điểm Anh bàn giao Hồng Kông cho Trung Quốc.

Theo thỏa thuận, Canada và Hồng Kông sẽ dẫn độ nghi phạm bị cáo buộc tội giết người, hỗ trợ hoặc xúi giục tự sát, tấn công gây thương tích, bắt cóc, buôn bán ma túy và một số tội danh khác.

“Canada cùng cộng đồng quốc tế nhắc lại lo ngại sâu sắc về việc Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc thông qua luật an ninh Hồng Kông. Đạo luật được ban hành trong tiến trình bí mật, không có sự tham gia của cơ quan lập pháp, tư pháp và người dân Hồng Kông, đồng thời vi phạm nghĩa vụ quốc tế”, Ngoại trưởng Champagne cho biết.

Tổng thống Philippines ký luật chống khủng bố

“Động thái ký điều luật này thể hiện cam kết nghiêm túc của chúng tôi nhằm dập tắt khủng bố, từ lâu đã quấy rầy đất nước cũng như gieo nỗi đau và nỗi sợ không thể tưởng tới rất nhiều người dân của chúng ta”, AFP dẫn lời Harry Roque, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết.

Luật chống khủng bố được quốc hội Philippines phê chuẩn tháng trước đã gây tranh cãi về điều khoản cho phép Tổng thống chỉ định một hội đồng có thể bắt những người bị cho là khủng bố.

Các vụ bắt giữ có thể tiến hành mà không cần chờ lệnh và kẻ tình nghi khủng bố có thể bị tạm giam lên tới 24 ngày, cao hơn rất nhiều so với thời hạn tạm giam tối đa ba ngày theo Đạo luật An ninh Con người cũ.

Nhiều nhà phê bình cho rằng định nghĩa về khủng bố trong điều luật mới rất “mơ hồ” và có thể củng cố chiến dịch chống lại những ý kiến chỉ trích Duterte. “Dưới thời Tổng thống Duterte, ngay cả những nhà phê bình chính phủ ôn hoà nhất cũng có thể bị coi là những kẻ khủng bố”, Nicholas Bequelin, giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Ân xá Quốc tế nói.

Tổng thống Pháp bổ nhiệm tân thủ tướng

Theo AFP, Tổng thống Macron chỉ định Jean Castex làm thủ tướng thay Philippe, bắt đầu cải tổ nội các sau khi đảng cầm quyền đạt kết quả không tốt trong cuộc bầu cử cấp thành phố.

Jean Castex, 55 tuổi, thành viên phe cánh hữu Những người Cộng hòa có xu hướng trung hữu, được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bổ nhiệm làm thủ tướng thay thế cho Edouard Philippe hôm 3/7.

Castex là quan chức cấp cao của chính phủ song không được biết đến rộng rãi trong công chúng. Trước khi được chỉ định là thủ tướng Pháp, Castex chịu trách nhiệm cho lệnh phong tỏa toàn quốc để ngăn nCoV, chính sách được đánh giá mang lại tiến bộ trong công tác chống Covid-19 của Pháp và được coi là thành công bước đầu.

Người đầu tiên bị truy tố tội khủng bố theo luật an ninh Hồng Kông

Tong Ying-kit, 23 tuổi, đã bị truy tố với một tội danh xúi giục ly khai và một tội danh khủng bố, theo tài liệu tòa án Hồng Kông hôm 3/7. Nguồn tin từ cảnh sát cho biết Tong hôm 1/7 đã lao xe máy vào một nhóm sĩ quan đang dẹp người biểu tình phản đối luật an ninh ở Wan Chai.

Theo video trên các trang mạng xã hội và truyền hình địa phương, Tong đã điều khiển một chiếc xe máy phân phối lớn màu cam, gắn theo lá cờ có dòng chữ “Giải phóng Hồng Kông, cuộc cách mạng của thời đại chúng ta”. Sau khi rẽ sang đoạn đường nhỏ, Tong lao xe thẳng vào một nhóm cảnh sát chống bạo động Hồng Kông.

Sau khi ngã xuống đất, thanh niên 23 tuổi nhanh chóng bị các sĩ quan xông vào bắt. Các nguồn tin cho hay Tong đã không xuất hiện tại phiên tòa, trong khi luật sư biện hộ nói rằng anh vẫn đang trong viện điều trị vết thương.

Cảnh sát Hồng Kông cho biết đã bắt 370 người, gồm 10 người theo luật an ninh quốc gia mới, vì mang theo cờ độc lập, nhãn dán và tờ rơi. Các tội danh theo luật mới được cho là rất mơ hồ, như “sử dụng những phương pháp nguy hiểm để gây nguy hại nghiêm trọng cho sức khỏe hoặc an toàn cộng đồng”. Người Hồng Kông vi phạm luật có thể bị kết án chung thân, quyền tố tụng và xét xử các “trường hợp nghiêm trọng” thuộc về chính quyền Trung Quốc đại lục.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-4-7-thu-tuong-an-do-gui-thong-diep-den-trung-quoc-ky-nguyen-cua-chu-nghia-banh-truong-da-cham-het.html

 

Điểm tin thế giới tối 4/7:

Trung Quốc đổ lỗi cho Tây Ban Nha gây dịch bệnh

Quý Khải

Mục Điểm tin thế giới tối thứ Bảy (4/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Trung Quốc đổ lỗi cho Tây Ban Nha gây đại dịch

Trung Quốc hiện đang nỗ lực né trách nhiệm cho sự bùng phát đại dịch virus corona, khiến 11 triệu người bị lây nhiễm và hơn 500.000 người trên thế giới tử vong, khi nói rằng dịch khởi phát ở Tây Ban Nha chứ không phải Vũ Hán, theo news.com.au.

Cụ thể, cố vấn y tế cao cấp của chính phủ, ông Hoàng Khiết Phu đã trích dẫn nghiên cứu tại Barcelona phát hiện Covid-19 trong mẫu nước thải vào tháng 3/2019, đồng thời đề nghị các cuộc điều tra về nguồn gốc Covid-19 trong tương lai cần tập trung vào Tây Ban Nha, theo The Sun.

Tuy nhiên, các chuyên gia độc lập đã chỉ trích nghiên cứu này là thiếu sót và mâu thuẫn trước các bằng chứng mạnh mẽ cho luận điểm dịch bệnh khởi phát ở Vũ Hán hồi cuối năm ngoái.

Giám đốc Viện Di truyền học ĐH UCL tại Luân Đôn, Giáo sư Francois Balloux nhận định:

“Lời giải thích hợp lý nhất của các mẫu thử nghiệm [tại Barcelona] này là sự trộn lẫn/nhiễm bẩn các mẫu thử”.

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ: Mỹ ủng hộ Ấn Độ chống lại sự hung hăng của Trung Quốc

Rick Scott, một thượng nghị sĩ có tầm ảnh hưởng của Đảng Cộng hòa, hôm thứ Sáu (3/7) đã tuyên bố Mỹ sẽ sát cánh cùng Ấn Độ chống lại sự hung hăng của Trung Quốc ở khu vực miền đông Ladakh dọc Đường Kiểm soát Thực tế – biên giới Ấn-Trung – đồng thời khen ngợi chính phủ Ấn Độ đã duy trì nỗ lực đàm phán một giải pháp hòa bình cho vấn đề xung đột biên giới, theo Press Trust of India.

Trong một lá thư đề ngày 2/7 gửi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Rick Scott đã bày tỏ sự chia buồn sâu sắc cho sự mất mát của 20 binh sĩ Ấn Độ tại Thung lũng Galwan.

“Hoa Kỳ đứng về phía Ấn Độ khi các bạn chiến đấu chống lại sự hung hăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, và tôi khen ngợi những nỗ lực không ngừng nghỉ của các bạn trong việc đàm phán một giải pháp hòa bình”, ông Scott nói trong bức thư đăng trên Twitter hôm thứ Sáu.

Ông Scott đã chỉ trích Trung Quốc trong một loạt vấn đề, bao gồm trộm cắp công nghệ và từ chối mở cửa thị trường cho hàng hóa nước ngoài theo điều khoản gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, tấn công tự do tôn giáo bằng cách giam giữ hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại cải tạo và cưỡng bức lao động, không giữ vững cam kết duy trì quyền tự trị cao độ của Hồng Kông theo Tuyên bố chung Trung-Anh. Ông còn lên án Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, bất chấp cam kết với cựu tổng thống Obama, một phần trong nỗ lực thống trị thế giới của nước này.

Trung Quốc và Ấn Độ di chuyển quân đội ‘theo đợt’ ra khỏi biên giới tranh chấp

Trung Quốc và Ấn Độ đã đồng ý rút lực lượng quân đội tại khu vực tiền tuyến biên giới “theo từng đợt”, để hạ nhiệt căng thẳng đang diễn ra sau vòng đàm phán mới nhất, truyền thông Trung Quốc đưa tin.

Giới quan sát cho biết thỏa thuận này cũng sẽ ngăn chặn các cuộc đụng độ bất chợt không lường trước, nhưng điều đó không đồng nghĩa với một sự rút lui việc triển khai quân đội của hai nước dọc biên giới dãy Himalaya và tình trạng đình chiến sẽ vẫn tiếp tục, theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng.

Nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng Nathan Law rời Hồng Kông

Nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng Hồng Kông, anh Nathan Law (La Quan Thông) đã rời thành phố cảng, anh tiết lộ trên trang Facebook cá nhân sau khi làm chứng trước một phiên điều trần tại Nghị viện Mỹ về luật an ninh quốc gia hà khắc Trung Quốc gần đây áp đặt cho khu vực bán tự trị này, theo CBC.

Trong một bài đăng Facebook cuối hôm thứ Năm (2/7), anh Nathan Law cho biết anh đã quyết định vận động cho nền dân chủ Hồng Kông từ hải ngoại và đã rời thành phố. Anh không tiết lộ nơi cư trú mới của mình, viện dẫn yếu tố rủi ro an toàn cá nhân.

“Là một nhà hoạt động có tầm ảnh hưởng toàn cầu, những lựa chọn tôi có trong tay là rất rõ ràng: kể từ giờ giữ im lặng hoặc tiếp tục tham gia các hoạt động ngoại giao cá nhân để có thể cảnh báo cho thế giới về mối đe dọa đến từ sự bành trướng độc đoán của Trung Quốc”, ông nói. “Tôi đã đưa ra quyết định này khi tôi đồng ý ra làm chứng trước Nghị viện Hoa Kỳ.”

Canada sẽ thiết lập các quy tắc ngoại giao mới với Trung Quốc

Sau khi Trung Quốc chính thức thi hành luật an ninh mới, Canada đã chấm dứt hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông, hoãn xuất khẩu một số mặt hàng quân sự nhạy cảm như súng cao su và đạn hơi cay, đồng thời xem xét các biện pháp bổ sung bao gồm cho phép người Hồng Kông nhập cư tị nạn. Ottawa cũng cảnh báo công dân nước mình về khả năng bị bắt giam tùy tiện và dẫn độ về Trung Quốc đại lục trước bối cảnh luật an ninh mới.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ The Star hôm thứ Sáu (3/7), Ngoại trưởng Canada Francois-Philippe Champagne cho biết ông đã nhận được những lời kêu gọi thay đổi chiến lược ngoại giao của Canada với Trung Quốc, nói rằng ông đang xúc tiến soạn các dự thảo quy tắc mới trong cách tiếp cận với Bắc Kinh trước một loạt các hành động gây hấn mới nhất của nước này, và công việc này hiện đang tiếp diễn “khi tình hình diễn tiến”.

“Chúng tôi thấy họ (chính quyền Trung Quốc) sử dụng một số biện pháp ngoại giao cưỡng chế, bắt giam tùy tiện. Chúng ta cần một khuôn khổ ngoại giao mới”, ông Champagne nói. “Rất nhiều nước sẽ phải xem xét lại mối quan hệ của họ [với Bắc Kinh]”.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-toi-4-7-trung-quoc-do-loi-cho-tay-ban-nha-gay-dich-benh.html

 

Tạp chí đặc biệt

Đài Loan: Căn cứ địa mới

của phong trào dân chủ Hồng Kông

Trọng Thành

Trung Quốc áp đặt Luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông là chủ đề thời sự quốc tế nổi bật đầu tháng 7/2020 này. Giới bảo vệ nhân quyền, các nước phương Tây lên án nỗ lực bóp nghẹt hoàn toàn các quyền tự do căn bản ở đặc khu. Đúng vào ngày Bắc Kinh ra Luật, ngày 07/01/2020, chính quyền Đài Loan chính thức mở văn phòng hỗ trợ người tị nạn Hồng Kông.

Phong trào đòi cải tổ ngành cảnh sát tại Mỹ lan rộng ; Hội nghị Công dân về Khí hậu của nước Pháp chính thức trình 149 kiến nghị lên tổng thống, sau hơn nửa năm làm việc ; ra mắt bộ phim tài liệu Pháp liên quan đến đại dịch Covid-19: “Tổ Chức Y Tế Thế Giới, nạn nhân của xung đột Mỹ – Trung”. Trên đây là các chủ đề chính của Tạp chí Thế giới Đó đây của RFI tuần này.

Đài Loan : Cứ địa dân chủ cho người Hồng Kông

Sáng mùng 1 tháng 7 năm 2020, đúng vào dịp kỉ niệm 23 năm Hồng Kông được trao lại cho Hoa lục, Bắc Kinh ban bố Luật an ninh quốc gia, với những tội danh mơ hồ, cho phép chính quyền Trung Quốc trực tiếp theo dõi, bắt bớ, xét xử công dân Hồng Kông. Bắc Kinh chọn dịp này để tước đoạt hoàn toàn quyền tự trị của đặc khu, như thể để trả đũa lại hàng loạt thất bại đau đớn trong hơn một năm vừa qua, trước phong trào dân chủ Hồng Kông, từ luật dẫn độ sang Hoa lục bị hủy bỏ hồi tháng 9, sau hơn 3 tháng biểu tình ròng rã, cho đến thảm bại chưa từng có của phe thân Bắc Kinh trong cuộc bầu cử địa phương hồi tháng 11/2019.

Đối với những người Hồng Kông yêu tự do, ngày 01/07/2020 là ngày báo tử của chế độ bán tự trị. Tuy nhiên, ngày 01/07/2020 cũng chính là ngày mà chính quyền Đài Loan chính thức mở cửa đón nhận người tị nạn chính trị Hồng Kông, chạy khỏi xứ sở nay đang trên đường trở thành một “nhà tù lớn”, nơi mọi công dân đều là “các tù nhân dự bị”.

Thông tín viên Adrien Simorre của RFI từ Đài Bắc gửi về bài phóng sự nói về “bước ngoặt” mùng 1 tháng 7 năm 2020, khi chính quyền Đài Loan chính thức mở rộng vòng tay cho tất cả những người tranh đấu Hồng Kông:

Tại một địa điểm ở phía nam thủ đô Đài Bắc, các bức tường của một quán cà phê nhỏ phủ kín áp phích ủng hộ Hồng Kông. Một nhóm người Hồng Kông sống tại Đài Loan tổ chức cuộc gặp mặt này.

Một sinh viên Hồng Kông trạc 20 tuổi, xin giấu tên, với mũ trùm kín đầu, khẩu trang che mặt, cho biết anh tham gia vào sự kiện này, bởi trong thời gian gần đây anh nhận thấy một số người dân Đài Loan lo ngại có thêm nhiều người Hồng Kông đến Đài Loan. Anh nói : “Tôi muốn cho họ thấy là những người đến từ Hồng Kông không chỉ muốn hội nhập vào xã hội Đài Loan, mà còn muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình với người Đài Loan.  Chúng ta có nhiều niềm tin chung, như vậy chúng ta cần giúp nhau”.

Đọc thêm : Việt Nam, Đài Loan, Hồng Kông trong tâm bão cuộc đọ sức Mỹ – Trung

Trong thời gian gần đây, kể từ các cuộc biểu tình đầu tiên chống dự luật dẫn độ, số lượng giấy cư trú cấp cho người Hồng Kông tăng vọt. Việc Bắc Kinh áp đặt Luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông càng thúc đẩy xu thế di cư sang Đài Loan.

Xã hội dân sự và Đài Bắc đã giúp hàng trăm người biểu tình Hồng Kông tị nạn. Tuy nhiên, trước đây Đài Loan tỏ ra dè dặt, vì lo ngại các trả đũa từ phía chế độ cộng sản láng giềng. Ông Lin Jun-hong, phát ngôn viên của một nhóm trợ giúp pháp lý, gồm khoảng 30 luật sư tình nguyện, cho biết nhóm hỗ trợ những người Hồng Kông trực tiếp tham gia biểu tình chống luật dẫn độ sang Trung Quốc năm 2019, giúp họ định cư và bắt đầu một cuộc sống mới tại Đài Loan. Theo ông, cho đến nay, chính phủ quyết định cấp visa cho từng trường hợp một, và chưa có một quy chế thống nhất. 

Chính phủ Đài Loan rút cục đã quyết định có chính sách rõ ràng. Hôm thứ Hai (29/01) vừa qua, Đài Loan chính thức mở cửa cho người Hồng Kông xin tị nạn vì lý do chính trị. Và kể từ thứ Tư này (01/07), chính quyền khai trương một văn phòng hỗ trợ người tị nạn Hồng Kông. Đối với dân biểu Đài Loan Freddy Lim, một nghệ sĩ rock nổi tiếng có mặt tại đây, và là người đứng đầu một nhóm nghị sĩ ủng hộ người Hồng Kông, thì luật mới về an ninh quốc gia của Trung Quốc đã thực sự là “một bước ngoặt”, thúc đẩy các lực lượng chính trị tại Đài Loan đoàn kết lại, ủng hộ người tranh đấu Hồng Kông.

Bắc Kinh ngay lập tức lên án âm mưu của các phần tử đòi độc lập cho Hồng Kông và Đài Loan. Tổng thống Đài Loan cũng ngay tức khắc phản hồi. Bà Thái Anh Văn khẳng định, qua động thái vừa qua, “chính quyền Bắc Kinh đã chứng minh là công thức “một quốc gia, hai chế độ” không thể áp dụng cho Đài Loan”.

Cuộc kháng cự pháp lý của giới luật sư Hồng Kông

Về tình hình tại Hồng Kông, Luật an ninh quốc gia Bắc Kinh ban hành không tiêu diệt nền tư pháp có truyền thống tự trị của đặc khu ngay lập tức. Đây ít nhất cũng là hy vọng của một bộ phận giới luật sư. Hiện tại giới luật sư Hồng Kông tiếp tục cuộc kháng chiến pháp lý. Tối ngày 01/07/2020, tức gần một ngày sau khi Trung Quốc công bố Luật, Liên đoàn Luật sư Hồng Kông công bố bản phân tích sơ bộ.

Đọc thêm : Luật an ninh quốc gia : Bắc Kinh vi phạm Luật Cơ Bản (Hiến Pháp) Hồng Kông

Bản phân tích chỉ ra tính mâu thuẫn của bản thân Luật an ninh quốc gia Bắc Kinh vừa ban hành: vừa tuyên bố dựa vào “Luật cơ bản”, tức Hiến pháp của Hồng Kông, lại vừa chống lại nhiều nguyên tắc của chính Hiến pháp Hồng Kông. Các luật sư kêu gọi lãnh đạo đặc khu cam kết thực thi Luật an ninh quốc gia mới phù hợp với Hiến pháp.

Mỹ : Phong trào đòi chính quyền địa phương cắt giảm ngân sách cảnh sát

Tại Mỹ, phong trào tuần hành chống bạo lực cảnh sát, kỳ thị sắc tộc trong những ngày gần đây ít thu hút người tham gia hơn. Những người phản kháng tìm kiếm các phương tiện khác. Tại New York, người biểu tình cắm trại trước Tòa thị chính thành phố hơn một tuần, vào đúng dịp chính quyền địa phương thảo luận về ngân sách mới để yêu cầu chuyển một phần ngân sách cảnh sát cho giáo dục, hay các hoạt động hỗ trợ cộng đồng.

Phóng sự của thông tín viên Loubna Anaki, gửi về từ New York :

Trên quảng trường lớn trải rộng trước cửa Tòa thị chính New York, hàng trăm người cắm trại ở đây 24 giờ trên 24 giờ, từ một tuần nay. Một tấm biểu ngữ khổng lồ mang dòng chữ “Chiếm lĩnh City Hall / Chiếm lĩnh Tòa thị chính”.

Brandon West là một thành viên ban tổ chức. Anh nói : “Ở đây là khu vực chung của chúng tôi, với một cửa hàng thực phẩm. Ở chỗ kia là nơi ăn uống, và mọi người cắm trại trên các bãi cỏ”.

Lấy cảm hứng từ phong trào Chiếm lĩnh phố Wall /  Occupy Wall Street, hoạt động cắm trại mới này có mục tiêu gây áp lực đối với các lãnh đạo New York, nhằm tiến hành một cuộc cải cách lớn trong ngành cảnh sát của thành phố. Tòa thị chính sẽ phải bỏ phiếu vào hôm nay ngân sách mới. Những người biểu tình yêu cầu chi phí cho cảnh sát giảm đến mức tối đa, và tiền phải được đầu tư cho giáo dục và các cộng đồng.

Anh Brandon West nói : “Chúng tôi cố gắng mở ra nhiều mặt trận, để có thể đạt được nhiều thay đổi nhất có thể được, bởi các cuộc cải cách nhỏ và tiến hành chậm sẽ không có ý nghĩa gì”.

Những người biểu tình cũng muốn đưa ra một thông điệp. Đó là nếu như các cuộc tập hợp trên đường phố thu hút ít người hơn, thì phong trào vẫn tiếp tục. Một thành viên nam cho biết thêm : ‘”Phong trào này là rất quan trọng bởi vì chúng tôi cố gắng kiểm soát thành phố để trao lại cho các công dân”. Một phụ nữ bày tỏ: ‘”Thực sự là phấn chấn khi thấy tất cả mọi người đang tập hợp ở đây. Thật tuyệt vời là họ đã cắm trụ được ở đây lâu đến như vậy. Tôi hy vọng sẽ phong trào sẽ tiếp tục”.

Trong hiện tại, việc chiếm lĩnh quảng trường ở New York sẽ diễn ra cho đến khi Tòa thị chính thông qua ngân sách mới. Phong trào cũng có thể sẽ tiếp tục tại nhiều thành phố khác tại Mỹ“.

Theo AFP, thành phố New York, đêm thứ Ba 30/06 qua sáng ngày 01/07 đã bỏ phiếu cắt giảm hơn một tỉ đô la cho ngành cảnh sát, trên tổng số 6 tỉ, để chuyển số tiền chênh lệch cho hoạt động vì cộng đồng. Thị trưởng New York cũng tuyên bố ngừng tuyển mộ hơn 1.100 cảnh sát, dự kiến vào tháng 7.

Đọc thêm : Mỹ: Vì sao biểu tình phản kháng bùng khắp sau cái chết của người da đen George Floyd?

Trước phong trào phản kháng bùng lên sau cái chết của người đàn ông da đen George Floyd, dưới tay cảnh sát, hồi cuối tháng 5, bản thân tổng thống Donald Trump thoạt tiên tỏ ra coi nhẹ, đã phải có một số biện pháp cải tổ ngành cảnh sát, để xoa dịu công luận. Cái chết của George Floyd dấy lên một phong trào xã hội, ngay trong mùa đại dịch, rộng lớn chưa từng thấy kể từ phong trào vì các quyền dân sự những năm 1960 tại Hoa Kỳ.

Phim tài liệu: WHO trong cuộc chiến Mỹ – Trung

Thế giới trong thời gian dịch bệnh Covid-19 hiện nay gần như không tuần nào, thậm chí ít ngày mà không nghe thấy cảnh báo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) về nguy cơ đại dịch vượt tầm kiểm soát, cùng với lời hô hào các nước nỗ lực gấp bội. Tuy nhiên, những phát biểu dồn dập trên truyền thông dường như che phủ sự bất lực, lúng túng của một định chế quốc tế, mà nhiều người cho rằng đã bị Trung Quốc thao túng hoàn toàn này.

Cuối tháng 6/2020, truyền hình Pháp công bố bộ phim tài liệu “Chine-USA, la bataille de l’OMS” (Trung – Mỹ, trận chiến WHO) của đạo diễn Pierre Haski, tìm cách lý giải các cội rễ của cuộc khủng hoảng, phức tạp hơn nhiều so với cách suy luận thông thường, quy trách nhiệm nhất loạt cho hẳn một bên.

Bộ phim “Chine-USA, bataille de l’OMS” – giới thiệu nhiều tiếng nói của các chuyên gia y tế, giới chức Liên Hiệp Quốc, nhà chính trị – duyệt xét lại lịch sử từ khi WHO ra đời năm 1948, vai trò và những điểm yếu của WHO. Một trong những điểm khiến định chế y tế quốc tế này “bị mắc kẹt là do thế đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc” hiện nay, theo nhận định của tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Những bất lực của WHO không có gì lạ. Định chế này bị suy yếu một phần do mức ảnh hưởng lớn của Trung Quốc trong nội bộ ban điều hành của WHO. Nguyên tắc đồng thuận khiến WHO bị tê liệt đúng vào lúc cần phải có những phản ứng kịp thời trước đại dịch Covid-19 đáng sợ, khủng hoảng hiếm có mà WHO phải đương đầu trong lịch sử.

Tuy nhiên, điều quan trọng mà bộ phim chỉ ra là : cuộc khủng hoảng của WHO là “biểu hiện của chính tình trạng hỗn loạn của thế giới hiện nay, hơn là nguyên nhân của nó”. Tình trạng hỗn loạn diễn ra vào lúc mà cơ chế hợp tác đa phương, giúp cho thế giới ổn định trong một thời gian dài, “đang lâm nguy”. Thế giới đang ngày càng bị kẹt trong thế đối đầu giữa một bên là chế độ toàn trị dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc, và bên kia là chủ nghĩa dân tộc “nước Mỹ trên hết” của Donald Trump, cùng những người đồng tư tưởng.

Nhà Trung Quốc học François Godement cảnh báo: tình cảnh của WHO hiện nay cho thấy “sự chấm dứt của sự thống trị phương Tây đối với một định chế kỹ thuật quan trọng của Liên Hiệp Quốc”. Thách thức số một hiện nay là, theo như tổng thống Pháp, “việc Trung Quốc – khi tham gia vào trật tự quốc tế này – sẽ tự thay đổi để thích ứng với các giá trị phổ quát, hay Bắc Kinh sẽ làm biến đổi chính cái trật tự này”.  Châu Âu có vai trò gì trong cuộc chuyển biến lớn này?

Phim, đã chiếu trên kênh Art ngày 30/06, có thể truy cập trên mạng trên trang nhà của Art.

Pháp : Hội nghị Công dân vì Khí hậu trình 149 “đề xuất” lên tổng thống

Vẫn tại Pháp, Hội nghị Công dân vì Khí hậu, gồm 150 công dân, sau 8 tháng làm việc, vừa trình toàn bộ các kiến nghị lên tổng thống Emmanuel Macron vào cuối tháng 6. Điểm đặc biệt được công luận chú ý là tổng thống Pháp đã chọn ngày thứ Hai, 29/06, làm ngày công bố quan điểm của tổng thống về 149 đề xuất của Hội nghị. 29/06 là hôm sau ngày bỏ phiếu vòng hai bầu cử địa phương, với kết quả là đảng cầm quyền đại bại, đảng Xanh thắng thế tại nhiều thành phố lớn. Xu thế ủng hộ các giá trị môi trường dường như đang gia tăng trong xã hội, trong bối cảnh đại dịch Covid và nước Pháp hơn hai tháng sống trong phong tỏa.

Ông Hugues Oliviers, một nhà nhiếp ảnh, từ Touraine, giải thích về Hội nghị Công dân vì Khí hậu : “Chúng tôi không phải là các giáo chủ về môi trường hay biến đổi khí hậu. Hoàn toàn không phải như vậy ! Chúng tôi chỉ là những công dân Pháp bình thường, qua rút thăm ngẫu nhiên mà tham gia vào Hội nghị Công dân này. Chúng tôi đã làm việc, bây giờ, chúng tôi công bố kết quả công việc. Chúng tôi đã được soi sáng bởi nhiều chuyên gia, các nhà hoạt động kinh tế, tài chính, hay các nhà khoa học. Sau khi đã hiểu rõ vấn đề, chúng tôi thảo luận với nhau, và quyết định chọn ra những việc cần làm để giảm lượng khí thải 40%, trước năm 2030“.

Đọc thêm : ‘‘Hội Nghị Công Dân vì Khí Hậu’’: Paris hy vọng tìm lối thoát nhờ sức dân

Ông Oliviers giải thích thêm về  ý nghĩa của các đề xuất : “Trên thực tế, toàn bộ xã hội sẽ chịu sự tác động của các đề xuất của chúng tôi. Điều cần có là từ thượng đỉnh của bộ máy Nhà nước, mục tiêu chuyển sang xã hội tôn trọng môi trường phải trở thành động lực của chính trị, trở thành động lực của hành động. Bởi nếu không, xã hội chúng ta sẽ đi vào ngõ cụt. Nền kinh tế phải phục vụ cho công cuộc chuyển đổi năng lượng, thoát khỏi các năng lượng hóa thạch“.

Về tính khả thi của các đề xuất về mặt kinh tế, ông Benoît Leguet, chủ tịch Viện nghiên cứu kinh tế về Khí hậu, cho biết : “Chúng tôi đã thử tính toán giá thành của các biện pháp do hội nghị các công dân đề xuất. Tổng cộng, các biện pháp này đòi hỏi 6 tỉ euro chi phí công hàng năm. Bỏ ra 6 tỉ euro, nhưng thu lại được rất nhiều lợi ích, do việc giảm được lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm không khí v.v., cũng như tạo thêm được nhiều chỗ làm mới. Tóm lại những cái giá phải trả là rất thấp. Đây không phải là một dự án khổng lồ, như kiểu kế hoạch Marshall tái thiết châu Âu, mà một dự án can thiệp rất cụ thể, mang tính trọng điểm rất rõ ràng. Bây giờ đến lúc cần bắt tay vào việc thực thi thôi”.

Cho dù tổng thống chấp nhận 146 trên 149 đề xuất, để chuyển qua chính phủ, Quốc Hội hoặc tổ chức trưng cầu dân ý, 150 thành viên Hội nghị Công dân vì Khí hậu chưa cảm thấy hoàn thành phận sự. Họ đã lập ra một hiệp hội mang tên ”les 150”, để theo dõi các diễn biến tiếp theo, cũng như tiếp tục vận động để các đề xuất được thực thi.

http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200704-%C4%91%C3%A0i-loan-c%C4%83n-c%E1%BB%A9-%C4%91%E1%BB%8Ba-m%E1%BB%9Bi-c%E1%BB%A7a-phong-tr%C3%A0o-d%C3%A2n-ch%E1%BB%A7-h%E1%BB%93ng-k%C3%B4ng