Đọc Báo Pháp -04/05/2017
Hai ứng cử viên Emmanuel Macron (t) và Marine Le PenREUTERS/Christian Hartman
Tranh luận Macron-Le Pen : Cuộc đụng độ giữa oán hận và lý trí
« Cãi cọ ầm ĩ », « tranh cãi hỗn loạn », « đấu khẩu dữ dội », « cận chiến », « giành giật từng câu chữ » hay « vũng bùn không lối thoát »… là những từ ngữ mà nhiều báo Pháp dành để mô tả cuộc tranh luận lịch sử hôm qua, 03/05/2017, giữa hai ứng cử viên lọt vào chung kết cuộc bầu cử tổng thống, Emmanuel Macron và Marine Le Pen. Ai là người chiến thắng ? Giới quan sát nghiêng về Emmanuel Macron. Về cuộc tranh luận tối hôm qua, tờ Le Figaro thiên hữu có bài xã luận : « Nỗi oán giận và sự tỉnh táo ».
Theo Le Figaro, « chỉ sau không đầy 5 phút, người coi đã có thể hiểu rằng đây sẽ là cuộc tranh luận dữ dội nhất trong lịch sử bầu cử tổng thống (Pháp). So với cuộc tranh luận này, thì các cuộc song đấu giữa Giscard d’Estaing và Mitterand năm 1974, hay Chirac-Mitterand năm 1988 chỉ là những tranh cãi dễ chịu trong phòng trà. Còn lần này, mọi thứ đều dữ dội, gây tan nát, thậm chí gây ngao ngán. Hiển nhiên trong chuyện này, bà Marine Le Pen là người có trách nhiệm trước nhất, bởi bà ấy là người đã khởi đầu cuộc chơi với chiến lược mở đường bằng xe tăng, hỏa lực mở về mọi hướng, nói chung là hết sức hỗn loạn, đến mức khó mà gọi cuộc khẩu chiến hôm qua là ‘‘tranh luận’’ ».
Tuy nhiên, Le Figaro nhấn mạnh rằng : « cần lưu ý là diễn biến dữ dội nói trên đã phản ánh chính cái thời đại mà chúng ta đang sống. Tình hình hiện nay đã thay đổi rất nhiều so với các cuộc tranh luận bầu cử tổng thống cuối thế kỷ XX. Giờ đây, thay cho tâm trạng chán nản là những nỗi oán hận ghê gớm, những nỗi sợ sâu sa. Đây là những tình cảm được ghi nhận trong suốt giai đoạn tranh cử hỗn loạn vừa qua. Ứng cử viên Mặt Trận Quốc Gia ở đó để bày tỏ những tình cảm ấy, với một phong cách dữ dội, mà không hề chứng tỏ bà có đủ tư cách để đảm nhiệm cương vị nguyên thủ quốc gia».
Tờ báo nhận xét : « Bà Marine Le Pen đã rất mù mờ trong vấn đề nguồn ngân sách chi trả cho các cam kết tranh cử, và thậm chí trở nên rất kỳ quặc khi nói về dự án đưa nước Pháp rời khỏi euro, trở lại với đồng franc, nhưng vẫn tiếp tục sử dụng đồng euro trong một số giao dịch. Dự án rời euro bị tất cả những người có tiền gửi tiết kiệm, người về hưu, giới doanh nhân, nhỏ, lớn hay vừa, coi là một sự điên rồ. Và trong buổi tranh luận hôm qua, chính Marine Le Pen cũng tỏ ra không tin tưởng vào điều này. Về vấn đề này, Emmanuel Macron đã không quá khó khăn để chứng tỏ ưu thế của lý trí ».
Tuy nhiên, Le Figaro cảnh báo, « cho dù đắc cử tổng thống ngày Chủ Nhật tới, và điều này là chắc chắn, thì lãnh đạo phong trào Tiến Bước ! cũng cần phải tính đến thái độ của gần một nửa dân Pháp (gồm những người cực hữu và cực tả), đã trở nên oán hận, sau bao nhiêu thất bại của nhiều đời chính phủ. Nhiệm vụ của ông Macron là tự do hóa nền kinh tế Pháp và ngừng tiếp điện cho cỗ máy sản xuất nạn thất nghiệp, vận hành từ 30 năm nay. Bên cạnh đó, việc trở lại với trật tự của nền cộng hòa, cuộc chiến chống nhập cư và trận đấu không khoan nhượng chống khủng bố ». Và trong trường hợp các nỗ lực nói trên thất bại, « thật khó mà dám hình dung điều gì sẽ diễn ra trong cuộc tranh luận tổng thống năm 2022… ».
Cuộc đấu không cùng đẳng cấp
Thử thách không dễ dàng với cả hai đối thủ trong cuộc tranh luận lịch sử hôm qua, 03/05/2017. Lần đầu tiên trong lịch sử nền Cộng Hòa V của Pháp, một ứng cử viên lọt vào vòng hai chấp nhận tranh luận trực tiếp với ứng cử viên cực hữu. Trong khi đó, ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen, với tỉ lệ ủng hộ thấp hơn nhiều theo các thăm dò dư luận, chọn phương cách tấn công làm chính, nhắm vào đối thủ Emmanuel Macron, người được coi là nắm chắc nhiều hồ sơ về kinh tế, sau nhiều năm làm việc trong chính phủ.
Giới quan sát nghiêng về Emmanuel Macron. Tờ Libération thiên tả nhận xét : « Rõ ràng, (bà Le Pen) không ở cùng đẳng cấp. Nếu gạt qua một bên các nguy cơ gắn liền với dự án của ứng cử viên này, hay những kỳ thị mà bà Le Pen áp đặt cho những người nhập cư, nếu chỉ đơn giản xem xét mức độ nắm vững hồ sơ, độ hợp lý của các tính toán tài chính, độ vững chắc của các đề nghị, tóm lại trong một từ, đó là chất lượng của các lập luận, thì có thể nói rằng ứng cử viên Marine Le Pen chỉ xứng đáng với một cuộc chơi ở hạng hai ».
« Rõ ràng có nhiều điều để nói về các dự án của Emmanuel Macron, về khả năng thực hiện, về hiệu quả, về các hệ quả tồi tệ có thể xảy ra ». Tuy nhiên, theo Libération, « không thể bằng cách tấn công như vậy. Không thể tấn công đối phương với cùng một trọng pháo bắn một cách ngẫu nhiên như vậy, cùng với một loại đạn như vậy, với các thủ thuật thô thiển như vậy… Dựa chặt vào các hồ sơ mang theo, bám vào các khẩu hiệu tranh cử, lãnh đạo Mặt Trận Quốc Gia liên tục nã đạn trong suốt hai giờ đồng hồ, ắt hẳn do bị ám ảnh bởi 10 điểm thua kém theo các thăm dò dư luận ».
Chiếc bẫy khẩu chiến
Báo kinh tế Les Echos cũng thừa nhận : « Macron đã trả đũa hiệu quả trước các đòn tấn công của Le Pen ». Theo nhà bình luận Gregoire Poussielgue của Les Echos, ứng cử viên phong trào Tiến Bước ! đã thành công trong việc « kéo cuộc tranh luận về những vấn đề căn bản », « không bị rơi vào chiếc bẫy cãi vã mà đối thủ giương ra ». Ông đã thành công trong việc đứng vững trên những vấn đề căn bản, để « lên án tính chất rỗng tuếch trong cương lĩnh của đối thủ ».
Trong phần đầu của cuộc tranh luận về kinh tế, luật lao động, sức mua, ứng viên Tiến Bước ! « đã tỏ ra vượt trội ». Trong lúc đối thủ không ngừng kéo ông về kết quả của nhiệm kỳ 5 năm của chính phủ mãn nhiệm, mà ông từng tham gia một thời gian, thì Macron đã lần lượt trình bày các sáng kiến chính trong cương lĩnh của mình, nhanh chóng đặt bà Le Pen vào tình thế khó xử, trước hết trong vấn đề hai tập đoàn SFR và Alstom, khi cáo buộc đối thủ đã lẫn lộn các hồ sơ này.
Cũng tương tự như trong các chủ đề an ninh, hay đồng euro, Emmanuel Macron liên tục ở thế thượng phong, sử dụng thời gian để trình bày rõ quan điểm và các đề xuất của ông, sửa lại những điểm không chính xác trong luận điểm của đối thủ, « với nguy cơ đôi khi tỏ ra giống với một giáo viên đang giảng bài ». Tuy nhiên, Les Echos nhấn mạnh điều quan trọng là Macron đã trụ vững trong các vấn đề căn bản, không để bị lôi vào những chuyện vụn vặt.
Bỏ phiếu vòng hai : « Chỉ số tình yêu » rất thấp
Bình luận về cuộc bỏ phiếu tổng thống Pháp vòng hai Chủ Nhật tới, Le Monde có bài « Lá cờ của chủ nghĩa định mệnh lơ lửng trên các hòm phiếu ». Việc hai ứng cử viên không thuộc các đảng phái chính trị truyền thống lọt vào vòng hai là một sự kiện chưa từng thấy, được giới quan sát ghi nhận nhiều. Tuy nhiên, điều mà phân tích của Le Monde nhấn mạnh là tỉ lệ ủng hộ thực sự, hay nói cách khác « chỉ số tình yêu » (côte d’amour) đối với hai ứng cử viên vào chung kết hết sức thấp.
Một phần hai số cử tri bầu cho hai ứng cử viên là ở trong thế phải buộc phải chọn, vì không còn ai khả dĩ hơn. Cụ thể là, trong số những người từng bầu cho lãnh đạo phong trào Nước Pháp Bất Khuất Jean-Luc Melenchon ở vòng một, 48% dự định sẽ bầu cho ông Macron trong vòng hai. Nhưng có đến hơn 90% trong số những người này sẽ bỏ phiếu theo kiểu miễn cưỡng, bỏ phiếu chỉ để chống lại lãnh đạo cực hữu, mà có đến 59% người Pháp rất ghét.
Tình trạng này để ngỏ viễn cảnh rất dễ trở thành hiện thực, đó là « tổng thống tương lai sẽ bắt đầu nhiệm kỳ trong một không khí tin tưởng hết sức thấp, và một sự độ lượng rất có giới hạn của dân chúng ».
Quốc Hội Pháp : Tiến bước ! có thể có đa số
Về viễn cảnh cuộc bầu cử Quốc Hội Pháp vào tháng 6 tới. Theo một thăm dò dư luận của Opinion Way, cho báo Les Echos và Radio Classiques, thì cho dù không khí tin tưởng thấp, cử tri Pháp vẫn có xu hướng sẽ dành một đa số trong Quốc Hội cho tổng thống Emmanuel Macron, nếu ông đắc cử.
Phong trào Tiến Bước ! sẽ giành được từ 249 đến 286 ghế (tức suýt soát với đa số tuyệt đối 290). Cánh hữu và cánh trung (LR và UDI) sẽ được từ 200 đến 210 ghế. Đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia được từ 15 đến 25 ghế, đủ để lập một nhóm tại Quốc Hội. Đảng Xã Hội trong tình trạng tả tơi sẽ chỉ còn 28 đến 43 ghế. Mặt Trận Cánh Tả, 6 đến 8 ghế.
Điều tra của Opinion dựa trên giả thuyết mỗi phong trào chính trị hay đảng phái cử đủ số ứng cử viên.
Joseph Stiglitz : « Thay đổi chủ nghĩa tư bản để chiến thắng chủ nghĩa mị dân »
Bình luận về cuộc tranh cử tổng thống Pháp đang diễn ra, giải Nobel kinh tế người Mỹ Joseph Stiglitz nhận xét : « Cho dù chiến thắng của Emmanuel Macron tại Pháp là nằm trong tầm tay, nhưng những người bảo vệ cuộc toàn cầu hóa cũng sẽ không thể mở sâm banh ăn mừng ». « Cần phải thay đổi chủ nghĩa tư bản để chiến thắng chủ nghĩa mị dân » là tựa bài nhận định của Joseph Stiglitz trên báo Les Echos.
Theo nhà kinh tế học Mỹ, phong trào bảo hộ mậu dịch lan ra khắp mọi nơi trên thế giới. Một bộ phận công luận cho rằng năng lực quản trị quốc gia yếu kém của tổng thống dân túy Mỹ Donald Trump, thể hiện qua 100 ngày cầm quyền đầu tiên, chẳng hạn có thể khiến quả bóng dân túy xì hơi tại nhiều quốc gia khác. Và cử tri Mỹ từng bầu cho ông Donald Trump chắc chắc sẽ phải đối mặt với thực tế cuộc sống khó khăn trong bốn năm tới. « Tuy nhiên, sẽ là sai lầm khi tin tưởng rằng tâm trạng đối kháng với trào lưu toàn cầu hóa sẽ sụt giảm ».
Joseph Stiglitz dự đoán : nếu các nền dân chủ tự do ở các quốc gia phát triển vẫn duy trì nguyên trạng như hiện nay, những người lao động là nạn nhân của cuộc toàn cầu hóa sẽ tiếp tục cảm thấy bị gạt ra bên lề, nhiều người sẽ tiếp tục tin tưởng là các lãnh đạo như Donald Trump, hay Marine Le Pen ủng hộ họ.
Theo nhà kinh tế Mỹ, các quốc gia Bắc Âu đã hiểu được điều này từ rất sớm. Họ hiểu rằng mở cửa là chìa khóa của tăng trưởng nhanh chóng và thịnh vượng. Thế nhưng, « để xã hội tiếp tục mở cửa và dân chủ, người dân phải tin tưởng là chính quyền đã nỗ lực làm mọi thứ để bảo vệ các công dân của mình. Nhà Nước phúc lợi hay Nhà Nước bảo trợ là một phần không thể tách rời khỏi thành công của các nước Bắc Âu. Hoa Kỳ và phần còn lại của Châu Âu cần hiểu điều này ».