Đọc báo Pháp – 04/11/2020
Khủng bố Hồi giáo :
Châu Âu nhận thêm hồi chuông cảnh báo
Tú Anh
Tang tóc và khủng hoảng vì đại dịch Covid, thảm sát liên tục vì khủng bố Hồi giáo, châu Âu nguy khốn tứ bề. Đó là chủ đề chính của báo chí Pháp hôm nay, trong khi chờ đợi tên vị tổng thống Mỹ sau ngày bầu cử 03/11đầy bất trắc mà không nhật báo nào muốn phiêu lưu dự phóng kết quả.
Kẻ chết vì siêu vi người chết vì khủng bố
« Covid-19: Chết quá nhiều ở các khu bình dân », tựa lớn trên trang nhất của Le Monde. Covid-19 tiếp tục hoành hành tại Pháp với 418 người chết trong ngày thứ Ba, một kỷ lục mới trong đợt hai đang diễn ra. Phần đông nạn nhân là dân nghèo, thu nhập thấp, sống chen chúc nhau trong các căn hộ chật chội. Số bệnh nhân qua đời trong khi được cấp cứu hồi sinh giảm bớt là tin khích lệ duy nhất.
Kẻ chết vì siêu vi người chết vì khủng bố. Vienna choáng váng vì đòn tấn công của khủng bố Hồi giáo. Đại học Kabul bị tấn công, ít nhất 22 người chết, đại đa số là sinh viên Afghanistan. Tổ chức Nhà Nước Hồi giáo tự nhận là thủ phạm. Nước Pháp cũng bị hăm dọa: tại Bangladesh, Hồi giáo cực đoan huy động 50.000 người biểu tình chống nước Pháp và tổng thống Macron, là thông tin thời sự của Le Monde .
Lồng trong bức ảnh ghép Donald Trump và Joe Biden là hàng tựa « Sự chọn lựa của Hoa Kỳ » trên trang nhất của Le Figaro cùng với một bài phóng sự về tình hình nước Mỹ, đang bị chia rẽ, đi tìm một tổng thống. Chọn ai? Giữa một Joe Biden bền bỉ, biết cảm thông và một Donald Trump, kẻ chuyên gây xáo trộn, kẻ thù của báo chí, nội dung các bài ở trang trong của nhật báo thiên hữu.
La Croix mời ba nhà văn Mỹ chia sẻ quan điểm về đất nước của mình sau bốn năm Donald Trump. Libération cũng trở lại bốn năm của chủ nhân Nhà Trắng với tựa « 400 cú » phá phách : Donald Trump đã « tháo bù lon » một cách có hệ thống các định chế và chính sách của Hoa Kỳ qua các quyết định tùy hứng : từ đe dọa xóa sổ Bắc Triều Tiên đến cuộc hẹn hò ở Singapore sau khi bị Kim Jong Un hạ hỏa, rồi chiến tranh thương mại với Bắc Kinh, xé hiệp định hạt nhân với Iran, đâm vào lưng đồng minh Kurdistan ở Syria…
Khủng bố : Châu Âu và hồi chuông cảnh báo
Thời sự quan trọng hơn cả là vụ khủng bố tại Vienna. « Tại sao nước Áo là mục tiêu tấn công của Hồi giáo cực đoan? » Tựa trên trang nhất của Le Figaro mở đầu một loạt bài cùng chủ đề như để trả lời câu hỏi này.
Một thanh niên ủng hộ tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo cầm súng bắn chết bốn người ngay tại thủ đô nước Áo trước khi bị cảnh sát bắn hạ. Vụ việc xảy ra tiếp theo hai cuộc thảm sát tại Pháp. Một loạt thủ đô châu Âu, Paris, Luân Đôn, Madrid, vùng báo động màu đỏ thẫm lan dần dần khắp châu lục theo một tiến độ chinh phục ngấm ngầm và có phương pháp. Nhận định này là của Fréderic Péchenard, cựu giám đốc cảnh sát quốc gia Pháp.
Ba vụ khủng bố gần đây là do di dân Pakistan, Tchechenia và Tunisie thi hành. Nhân vật từng đứng đầu một cơ quan an ninh Pháp cho là châu Âu không thể tiếp tục nhượng bộ mãi như đã nhu nhược trước Hitler. Nói cách khác, « châu Âu phải có một chính sách kiểm soát làn sóng nhập cư và trục xuất những thành phần chúng ta không muốn chứa chấp. Nếu tiếp tục thiếu ý thức chính trị, thiếu một chính sách chung châu Âu sẽ không tránh khỏi chiến tranh với Hồi giáo ».
Trong chiều hướng tự vệ này, Pháp cần phải duy trì hiện diện quân sự tại châu Phi, vẫn theo phân tích của cựu giám đốc cảnh sát quốc gia Pháp mà Le Figaro dành cho một cột báo dài.
Nhật báo thiên hữu không giấu lo âu, xem vụ khủng bố tại Áo là một lời cảnh cáo mới nhưng châu Âu vẫn chưa có một giải pháp đối phó để bảo vệ sự sống còn của châu lục.
Trong bài xã luận “đánh vào trái tim châu Âu”, nhật báo thiên hữu tha tiết kêu gọi châu Âu phải đoàn kết không những để bảo vệ lối sống, giá trị truyền thống của mình và còn làm chủ được vận mệnh trong tương lai.
Vì sao khủng bố chọn châu Âu để ra tay ?
Cùng nhận định, « Châu Âu là mục tiêu » của khủng bố, La Croix cho biết thêm là Liên Hiệp Châu Âu đã tăng cường phương tiện và biện pháp chống khủng bố trong những năm gần đây. Bài xã luận của nhật báo Công giáo giải thích vì sao vụ khủng bố tại Vienna mang ý nghĩa tiếng chuông cảnh báo : thứ nhất thảm sát diễn ra gần một nhà thờ Do Thái giáo và thứ nhì, Vienna trong lịch sử là biểu tượng của cuộc xung đột giữa Tây Âu và thế giới Hồi giáo. Trận đánh ngày 12 tháng 9 năm 1683 trên đồi Kahlenberg là chiến thắng quyết định chận đứng làn sóng xâm lăng của binh đoàn đế chế Ottoman Hồi giáo trên lục địa châu Âu.
La Croix thận trọng không vội kết luận là qua hành động khủng bố hồi đầu tuần, hung thủ có chọn thủ đô nước Áo vì lý do đó hay không nhưng « sớm hay muộn gì lịch sử sẽ trở lại trong tâm trí nhiều người ». Theo La Croix, trong những năm gần đây, nước Pháp thường bị khủng bố Hồi giáo cực đoan tấn công bởi vì Pháp khẳng định bản sắc thế tục truyền thống.
Nhưng trên thực tế cả châu Âu đều là mục tiêu của Hồi giáo, từ Đức, Anh cho đến vương quốc Bỉ chỉ vì nếp sống, lối suy nghĩ đậm nét Thiên Chúa giáo và giá trị tự do thừa kể từ thời « Ánh Sáng » : yêu chuộng tự do ngôn luận, bình đẳng giữa mọi người mà bắt đầu là bình đẳng nam nữ.
Trước hiểm họa khủng bố Hồi giáo, châu Âu phải hợp tác chặt chẽ hơn để bảo vệ biên giới. Thách thức to lớn nhất là làm sao vừa tự vệ mà không co cụm và vẫn mở rộng cửa với thế giới bên ngoài. Thiên tài của người Âu châu là ở chỗ đó, nhật báo Công giáo kết luận.
Libération với tựa ngắn « Khủng bố ở trung tâm thủ đô », tường thuật như bút ký chiến tranh : « 9 phút tấn công, một đêm hỗn loạn ». Một đất nước thái bình hiếm khi bị Hồi giáo võ trang đe dọa nhưng « thủ đô Vienna vừa trải qua một đêm thứ Hai không khác gì lâm vào chiến tranh do một kẻ từng tìm cách sang Syria một năm trước đó ».
Covid-19 : Mọi biện pháp đối phó đều gây bất bình
Siêu vi SARS-Cov-2 tiếp tục hoành hành và tiếp tục gây tốn kém giấy mực của báo chí. Libération chỉ trích chính phủ Pháp với cảnh trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Nhật báo thiên tả cũng không tha những quan điểm trong công luận tranh cãi nhau do quyền lợi tương phản trước tác động của biện pháp phong tỏa.
Không phê phán như đồng nghiệp Libération, nhật báo La Croix cho biết là chính phủ gặp nhiều khó khăn để giải thích với công chúng về các phương án đối phó với đợt hai của Covid-19 trong bối cảnh người dân và nhất là giới doanh nhân, buôn bán rất bất bình vì sinh hoạt bị xáo trộn, thu nhập thiệt hại. Giới tiểu thương than phiền Nhà nước ưu đãi các đại siêu thị trong khi họ phải đóng cửa ít nhất một tháng.
Hơn tám tháng từ khi dịch xâm nhập, nhật báo Công giáo còn dành một trang để tìm hiểu phương cách nào đơn giản mà hiệu quả để mỗi người có thể chận siêu vi lây cho mình trước đã. Bác sĩ Didier Pittet, chuyên gia chống bệnh truyền nhiễm, chủ tịch ủy ban điều phối ngăn Covid-19 cho rằng « lẽ ra, nếu mỗi người tôn trọng một số biện pháp vệ sinh y tế thôi là chúng ta đã chiến thắng » : Rửa tay và giữ khoảng cách an toàn, đó là câu thần chú. Bài phỏng vấn được minh họa với bức ảnh một học sinh, đeo khẩu trang, đang rửa tay bằng « dung dịch gel pha cồn » .
Giới phân tích cũng chưa thấy ngõ ra
Trong toàn cảnh khó khăn này, giới chủ nhân các xí nghiệp phải đối phó ra sao để tồn tại ? Chính phủ có giải pháp khả thi nào để đưa đất nước ra khỏi đường hầm ?
Nhật báo kinh tế đến tận một số công ty nhỏ với bài « chứng nhân trong cuộc đối đầu với đợt dịch số 2 ». Bên cạnh hàng trăm chướng ngại, một trong những biện pháp cho phép công ty tiếp tục hoạt động là cho nhân viên làm việc từ nhà. Biện pháp này được tăng cường nhờ đồng thuận giữa hai bên tức là chủ nhân và công đoàn bảo vệ quyền lợi người lao động. Les Echos cũng không quên « cuộc kháng cự trong bệnh viện » qua bài phóng sự : « Bệnh viện Nhà nước chuẩn bị đương đầu với với đợt tấn công thứ hai ».
Nhìn rộng hơn nữa, Les Echos cho biết thêm Covid-19, vực dậy kinh tế và ngoại thương sẽ là những hồ sơ khẩn cấp của chính quyền Mỹ hậu bầu cử.
Tại châu Âu, Nghị Viện Châu Âu đang bị áp lực tối đa với hai hồ sơ nóng : khủng bố và ngân sách chung để vực dậy kinh tế .
Trang ý kiến, qua ngòi bút của nhà báo Valérie Mignon, Les Echos phân tích thế mạnh, yếu của kinh tế Pháp và cố phác họa một lối thoát sau sáu tháng khủng hoảng vì đại dịch. Tuy nhiên, với thâm thủng ngân sách từ hơn 3% nay có nguy cơ lên đến 10% vào cuối năm, vực dậy kinh tế là một nhiệm vụ gần như bất khả. Đại dịch bùng lại có thể làm mọi nỗ lực của chính phủ cũng như những dấu hiệu kinh tế manh nha phục hồi bị triệt tiêu, tác giả kết luận bi quan vì thấy kịch bản nào cũng bất toàn.
Tin tổng hợp
(VnExpress) – Bão số 10 tiến gần, các tỉnh nam Trung phần cấm biển.
Các tỉnh Bình Định, Phú Yên hôm nay 04/11/2020 cấm tàu thuyền nhổ neo và đóng cửa các bãi tắm, vì bão số 10 tức bão Goni với sức gió 300 km/h đã ập vào quần đảo Hoàng Sa. Khánh Hòa cho di tản 20.000 dân để tránh nguy cơ lở đất, còn Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng sơ tán người dân vùng núi. Goni là trận bão thứ 10 tiến vào Việt Nam trong năm nay, và chỉ riêng trong tháng 10 đã có bốn cơn bão, một áp thấp nhiệt đới tấn công miền Trung Việt Nam. Các vụ lở đất, lũ lụt đã làm cho 235 người chết và mất tích.
(Tân Hoa Xã) – Trung Quốc đặt mục tiêu gấp đôi tăng trưởng kinh tế trong 15 năm.
Phát biểu ngày 03/11/2020 trước Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng Sản, ông Tập Cận Bình muốn Trung Quốc trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2035 và cho rằng « hoàn toàn có thể » đạt được mục tiêu được đề ra trong khuôn khổ kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của chính phủ. Vào tuần trước đó, sau một cuộc họp của đảng Cộng Sản tại Bắc Kinh, nhiều tài liệu được công bố cho thấy kế hoạch đưa Trung Quốc đạt đến « xã hội chủ nghĩa hiện đại » trong 15 năm tới.
(AP) – Trung Quốc siết nhập khẩu từ Úc.
Theo bộ trưởng Nông Nghiệp Úc hôm 03/11/2020, Trung Quốc đã tạm ngừng nhập khẩu gỗ và lúa mạch của Úc, trong bối cảnh căng thẳng về hồ sơ Biển Đông, Hồng Kông và virus corona. Bắc Kinh cũng trì hoãn việc thông quan một lô hàng tôm hùm sống trị giá 1,4 triệu đô la ; cho ngưng hoặc hạn chế nhập than đá, thịt bò và một số mặt hàng khác của Úc, đồng thời loan báo điều tra bán phá giá rượu vang Úc. Trung Quốc luôn lợi dụng thị trường khổng lồ của mình để gây áp lực chính trị, và bắt đầu gây khó khăn cho hàng Úc từ khi chính phủ Canberra đòi mở điều tra về nguyên nhân đại dịch do con virus xuất phát từ Vũ Hán gây ra.
(AFP) – Một người Duy Ngô Nhĩ từng tố cáo Trung Quốc bị bắn tại Istanbul.
Báo chí Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua 03/11/2020 cho biết một người Duy Ngô Nhĩ từng xác nhận bị Bắc Kinh buộc phải theo dõi các đồng hương đã bị bắn gây thương tích nặng, hung thủ đã bỏ trốn. Yusufujrang Aimaitijiang được biết dưới một cái tên khác là Yusuf Amat, vào đầu năm 2019 khi trả lời phỏng vấn kênh Al Jazeera đã khẳng định đã bị chính quyền Trung Quốc gây áp lực buộc theo dõi những người Duy Ngô Nhĩ tại Thổ Nhĩ Kỳ, Afghanistan và Pakistan, nếu không người mẹ sẽ bị tra tấn. Tại Thổ Nhĩ Kỳ hiện có khoảng 50.000 người tị nạn Duy Ngô Nhĩ.
(Yonhap) – Bắc Triều Tiên đặt mìn ở biên giới Trung Quốc để ngăn Covid-19 thâm nhập.
Đây là một trong những biện pháp có vẻ « cực đoan » được Cơ quan tình báo Hàn Quốc (NIS) nêu trong báo cáo ngày 03/11/2020 với Quốc Hội. Theo đó, « do không có bất kỳ phương tiện và kỹ thuật nào để đối phó với virus corona », « Bắc Triều Tiên đã phong tỏa biên giới và cài mìn ở nhiều vùng ở biên giới với Trung Quốc ». Ngăn người vào đất nước, nhưng Bình Nhưỡng không ngăn được người đào tẩu. Ngày 04/11, Hàn Quốc đã bắt giữ một người Bắc Triều Tiên đào tẩu ở biên giới vào tối hôm trước. Hiện chưa rõ người này là dân thường hay quân nhân.
(Le Monde) – Cử tri nữ không ồ ạt dồn phiếu cho Biden như đảng Dân Chủ kỳ vọng.
Theo các ước tính mới nhất hôm nay 04/11/2020, có 56% cử tri nữ bầu cho ứng viên Dân Chủ, và 43% chọn lựa Donald Trump, cách biệt 13 điểm. Tỉ lệ này hồi năm 2016 là 54% cho bà Clinton và chỉ có 39% cho ông Trump. Trước bầu cử, ông Joe Biden tin rằng sẽ giành được 20 điểm cách biệt so với Donald Trump đối với giới nữ.
(AFP) – Pháp : Kẻ khủng bố ở Nice đang nguy kịch.
Brahim Issaoui, kẻ đã dùng dao sát hại dã man ba người tại giáo đường Đức Mẹ Thăng Thiên ở Nice và bị cảnh sát bắn bị thương nặng nên không thể thẩm vấn. Sau khi phát hiện dương tính với virus corona, hôm nay 04/11/2020 hung thủ 21 tuổi đang trong tình trạng nguy kịch. Năm nghi can vẫn đang bị câu lưu.
(AP) – Có khoảng 2.000 lính Trung Đông chiến đấu ở Thượng Karabakh.
Thông tin được ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov khẳng định ngày 03/11/2020 khi trả lời phỏng vấn báo Kommersant của Nga. Ông lo ngại « cuộc xung đột ở Thượng Karabakh bị quốc tế hóa và quân nhân Trung Đông tham chiến ». Ông Lavrov cũng cho biết là đã « nhiều lần yêu cầu các nhân tố nước ngoài ngừng chuyển quân, hiện đã lên đến gần 2.000 người ». Tuần trước, tổng thống Nga Putin đã đề cập vấn đề này với đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia yểm trợ cho Azerbaijan trong cuộc xung đột với Armenia ở Thượng Karabakh.
(AFP) – Cuba : tinh giản hành chính để thu hút đầu tư nước ngoài.
Ngày 03/11/2020, chính quyền La Habana đã giới thiệu cơ chế mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài. Biện pháp này được Liên Hiệp Châu Âu và Chương trình Liên Hiệp Quốc vì Phát triển hỗ trợ. Thủ tục rườm rà tại Cuba, cùng với lệnh trừng phạt của Mỹ, là hai yếu tố chính hạn chế vốn đầu tư nước ngoài vào Cuba. Theo giới chuyên gia, Cuba cần khoảng 5 tỉ đô la đầu tư hàng năm, trong đó ít nhất 50% là vốn nước ngoài. Từ 2016 đến 2018, Cuba thu hút 4,5 tỉ đô la đầu tư nước ngoài và 1,3 tỉ đô la vào quý I/2019.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201104-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 4/11:
Tổng thống Trump tuyên bố chắc chắn sẽ thắng cử
Quý Khải
Mục lục bài viết
Tổng thống Trump tuyên bố chắc chắn sẽ thắng cử
Doanh nhân đặt cược 5 triệu đô la vào việc TT Trump thắng cử
Tổng thống Trump nhận đề cử giải Nobel Hòa bình lần thứ 5
Phó Tổng giám đốc Huawei đột tử tại Thâm Quyến
Người biểu tình Thái Lan từ chối thỏa hiệp sau khi nhà vua phát biểu
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Tư (4/11) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Tổng thống Trump tuyên bố chắc chắn sẽ thắng cử
Phát biểu trên đài Fox News trong ngày bầu cử, Tổng thống Trump bày tỏ tin tưởng vào cơ hội tái đắc cử của mình, nói rằng ông tin rằng mình có “cơ hội chiến thắng chắc chắn” thêm bốn năm nữa ở Tòa Bạch Ốc.
Trao đổi với chương trình qua điện thoại, ông chia sẻ:
“Chà, chúng tôi đang cảm thấy rất tốt”, đồng thời chỉ tay về phía đám đông người ủng hộ tại các cuộc mít-tinh cử tri gần đây ở bang Michigan như một dấu hiệu tích cực. Sau đó, ông nói rằng ông tin tưởng mình có “cơ hội giành chiến thắng chắc chắn”.
Tổng thống Trump đã vận động không biết mệt mỏi trong giai đoạn nước rút đến bầu cử 3/11, khi tổ chức nhiều cuộc vận động cử tri trong cùng một ngày.
Trong lần xuất hiện này trên đài Fox News, Tổng thống Trump cũng gửi một thông điệp tới những cử tri còn do dự, khi nhấn mạnh vào những tiến bộ kinh tế to lớn mà nước Mỹ đã đạt được trước đại dịch.
Doanh nhân đặt cược 5 triệu đô la vào việc TT Trump thắng cử
Tờ The Sun đưa tin hôm thứ Hai, một cựu nhân viên ngân hàng đã đặt cược 5 triệu đô la thông qua các nhà cái tư nhân đặt tại Curacao vào việc ông Trump tái đắc cử. Đây được cho là vụ cá cược chính trị lớn nhất từng được thực hiện. Báo cáo cho biết ông này đã thực hiện nghiên cứu của mình và tham khảo ý kiến của “những nhân vật bên trong chiến dịch Tổng thống Trump”.
Báo cáo cho biết vụ cá cược có thể dẫn đến khoản thu về 15 triệu đô la, theo Fox News.
Ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden tiếp tục dẫn đầu trong các cuộc thăm dò quốc gia, nhưng chiến dịch Tổng thống Trump tỏ ra lạc quan, và ghi nhận các cuộc thăm dò đang thắt chặt ở các bang chiến trường quan trọng. Tạp chí Fortune đưa tin Thomas Miller, một nhà khoa học dữ liệu tại Đại học Northwestern, người thu thập dữ liệu từ trang web cá cược P Prednison, cho biết ông đang nhìn thấy một “sự biến động lớn nhất trong toàn bộ chiến dịch” tranh cử năm nay.
USA Today đưa tin cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 dự kiến sẽ thu hút hơn 1 tỷ USD tiền đặt cược ở nước ngoài.
Tổng thống Trump nhận đề cử giải Nobel Hòa bình lần thứ 5
Hôm thứ Hai (2/11), một liên minh gồm 14 nghị sĩ châu Âu, do Đảng Dân chủ Thụy Điển dẫn đầu, đã đề cử Tổng thống Mỹ Donald Trump cho Giải Nobel Hòa bình, theo Breitbart.
“Vì lòng dũng cảm và cống hiến của ông ấy đối với sự nghiệp hòa bình ở Trung Đông, vùng Balkan và trên Bán đảo Triều Tiên, chúng tôi muốn đề cử Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho giải Nobel Hòa bình”, liên minh cho biết trong một tuyên bố.
”Ủng hộ vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ vì hòa bình và thịnh vượng dưới thời Tổng thống Donald J. Trump. Đề cử của chúng tôi là đề cử lớn nhất cho đến nay, với 14 nghị sĩ từ 11 quốc gia châu Âu khác nhau đề cử Donald Trump cho Giải Nobel Hòa bình”, tuyên bố có đoạn.
Nhóm các nghị sĩ này trích dẫn Hiệp ước Abraham của Tổng thống Trump, góp phần bình thường hóa quan hệ giữa Israel và một số quốc gia Ả Rập như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Sudan và Bahrain.
Họ cũng trích dẫn “quan hệ đối tác kinh tế đầy hứa hẹn vì hòa bình” giữa Kosovo và Serbia, cũng như nỗ lực của ông Trump trong việc hòa giải giữa Bắc Hàn và Nam Hàn.
Phó Tổng giám đốc Huawei đột tử tại Thâm Quyến
Joe Kelly, người đã dành 8 năm dẫn đầu mảng truyền thông cho tập đoàn viễn thông gây nhiều thị phi Huawei, vừa đột tử gần đây ở tuổi 55, theo Irish Times.
Kelly, sống ở Thâm Quyến, Trung Quốc, nơi Huawei đặt trụ sở chính, gia nhập gã khổng lồ viễn thông này vào cuối năm 2012, giữ cương vị phó chủ tịch phụ trách truyền thông.
Trước đó, ông đã giữ các vai trò tương tự cho một số công ty khác, bao gồm BT, Marconi và Xerox.
Trong những năm gần đây, Kelly đã lọt tầm ngắm của giới truyền thông sau khi giúp lãnh đạo Huawei chống lại các cáo buộc của chính phủ Mỹ đối với việc hãng này sử dụng công nghệ cho mục đích gián điệp.
Người biểu tình Thái Lan từ chối thỏa hiệp sau khi nhà vua phát biểu
Thông điệp hiếm hoi của Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn với người dân của mình vào tối Chủ nhật ám chỉ một sự thỏa hiệp tiềm tàng, nhưng các nhà lãnh đạo ủng hộ dân chủ Thái cho biết họ sẽ tiếp tục biểu tình và duy trì các yêu cầu chủ chốt – bao gồm cải cách chế độ quân chủ.
“Tôi mong đợi nhìn thấy một số hành động nhất định thay chỉ vì lời nói,” thủ lĩnh biểu tình Tattep Ruangprapaikitseree nói sau khi xem câu trả lời của nhà vua đối với câu hỏi của một phóng viên nước ngoài hôm Chủ nhật. “Chúng tôi yêu thương tất cả họ như nhau (những người biểu tình)”, nhà vua lặp lại ba lần câu nói đó rồi nói thêm: “Thái Lan là vùng đất của sự thỏa hiệp.”
Những người biểu tình ủng hộ dân chủ tuần hành ở Bangkok, Thái Lan hôm 26/10
“Tôi không thấy bất kỳ cơ hội thỏa hiệp hay đàm phán nào”, một thủ lĩnh biểu tình khác tên Passaravalee Thanakijvibulphol, hay ‘Mind’, nói với Nikkei.
Mind nói rằng nếu chính phủ muốn có các cuộc đàm phán, thì việc Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức – một yêu cầu quan trọng khác của các sinh viên – sẽ là một khởi đầu tốt đẹp. Yêu cầu quan trọng thứ ba của sinh viên là sửa đổi hiến pháp với sự tham vấn của dân chúng.
Điểm tin thế giới tối 4/11:
Trung Quốc sắp hứng ‘cú đánh kép’;
Mỹ sẽ bán máy bay không người lái tối tân cho Đài Loan
Triệu Hằng
Mục lục bài viết
Trung Quốc sắp hứng ‘cú đánh kép’
Mỹ sẽ bán máy bay không người lái tối tân cho Đài Loan
Trung Quốc ‘tự nguyện’ cắt giảm nhập khẩu hàng Úc
Tổng thống Iran nói không quan tâm kết quả bầu cử Mỹ
Hàn Quốc bắt người đàn ông Triều Tiên đào thoát qua biên giới trang bị vũ khí
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Tư (4/11) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Trung Quốc sắp hứng ‘cú đánh kép’
Nikkei Asian đưa tin, nhiều chuyên gia đang cảnh báo về sự kết hợp có khả năng gây chết người giữa Covid-19 và bệnh cúm ở Trung Quốc. Cả hai đều là bệnh lây truyền qua đường hô hấp và có các triệu chứng giống nhau, chẳng hạn như sốt, ho, đau nhức cơ thể, đôi khi nôn mửa và tiêu chảy. Một cú đánh kép có nghĩa là Trung Quốc phải xét nghiệm nhiều hơn đối với các bệnh nhân bị sốt và làm cho việc phân biệt bệnh Covid-19 với bệnh cúm trở nên khó khăn hơn, khiến việc điều trị và cách ly bị trì hoãn.
Vào cuối tháng Giêng, một bệnh nhân ở Bắc Kinh đã nhập viện vì cúm nặng sau khi xét nghiệm Covid-19 âm tính ba lần. Chỉ sau khi được đặt máy thở, bệnh nhân này mới được phát hiện dương tính với Covid-19. Đây được coi là một trường hợp điển hình ban đầu được chẩn đoán là cúm nhưng thực tế lại nhiễm cả hai loại virus.
Trung Quốc đã chuẩn bị từ mùa hè cho đợt dịch thứ hai vào mùa đông năm nay.
Mỹ sẽ bán máy bay không người lái tối tân cho Đài Loan
Reuters đưa tin, Bộ Ngoại giao Mỹ đã làm rõ tiềm năng bán 4 máy bay không người lái tinh vi do Mỹ sản xuất cho Đài Loan trong một thông báo chính thức gửi tới Nghị viện, Ngũ Giác Đài cho biết hôm thứ Ba, bước cuối cùng trước khi hoàn tất thương vụ vũ khí này sẽ khiến Trung Quốc tức giận hơn nữa.
Trung Quốc ‘tự nguyện’ cắt giảm nhập khẩu hàng Úc
Trung Quốc tuyên bố hôm thứ Ba, việc giảm nhập khẩu các sản phẩm Úc như rượu vang, than đá và đường là do quyết định của chính người mua, sau khi truyền thông cho biết Bắc Kinh đã yêu cầu các nhà nhập khẩu trong nước ngừng mua một loạt hàng hóa của Úc trong bối cảnh quan hệ xấu đi, theo Reuters.
Tạp chí Úc Australian Financial Review dẫn nguồn tin giấu tên cho biết, hôm thứ Hai, các quan chức Trung Quốc đã gặp các nhà nhập khẩu rượu rượu và thịt vào tuần trước và cảnh báo họ không được thực hiện các đơn đặt hàng mới đối với rượu vang và sản phẩm nông nghiệp của Úc.
Tổng thống Iran nói không quan tâm kết quả bầu cử Mỹ
Theo Reuters, Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm thứ Tư tuyên bố rằng kết quả cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ không quan trọng đối với các nhà cầm quyền nước này.
“Đối với Tehran, các chính sách tiếp theo của chính quyền Hoa Kỳ quan trọng chức không phải ai sẽ thắng trong cuộc bầu cử Hòa Kỳ”, ông Rouhani nói trong một cuộc họp nội các qua truyền hình.
Hàn Quốc bắt người đàn ông Triều Tiên đào thoát qua biên giới trang bị vũ khí
Quân đội Hàn Quốc cho biết hôm thứ Tư (4/11), họ đã bắt giữ một người đàn ông Triều Tiên vượt qua biên giới trang bị vũ khí giữa hai nước để trốn sang miền Nam, theo Reuters.
Người này bị phát hiện vào khoảng 9.50 sáng ở phía đông của Khu phi quân sự phân chia hai miền Triều Tiên, Tham mưu trưởng Liên quân cho biết, đồng thời cho biết thêm không có sự di chuyển bất thường nào của quân đội Triều Tiên.
Tạp chí đặc biệt
Cơ chế đa phương bị xói mòn: Di sản Trump 2017-2020,
thách thức với tân tổng thống Mỹ
Trọng Thành
Bốn năm cầm quyền của tổng thống Mỹ Donald Trump đang khép lại. Điểm lại một số nét lớn trong chính sách đối ngoại của nước Mỹ trong nhiệm kỳ sắp qua là chủ đề chính của Tạp chí Đặc biệt của RFI nhân dịp bầu cử tổng thống Mỹ. Di sản Trump 2017 – 2020, với đặc điểm tiêu biểu là các cơ chế đa phương quốc tế bị xói mòn, để lại những thách thức nào cho tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ ?
Rời bỏ hàng loạt các định chế đa phương
Một đặc điểm nổi bật trong chính sách đối ngoại của Donald Trump trong nhiệm kỳ sắp qua là việc Mỹ rút khỏi hàng loạt định chế đa phương và nhiều thỏa ước quốc tế quan trọng. Từ bỏ Hiệp định Đối tác
xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngay từ đầu nhiệm kỳ. Hiệp định vốn đã hoàn tất dưới thời tổng thống tiền nhiệm Obama. Rời Hiệp định Khí hậu Paris (tháng 6/2017), hiệp định mà toàn thể cộng đồng quốc tế đã hết sức khó khăn mới đạt được đồng thuận. Tháng 10/2017, Washington tuyên bố rút khỏi UNESCO, cơ quan Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc. Tháng 5/2018, chính quyền Mỹ đơn phương rút khỏi Thỏa thuận Hạt nhân với Iran (2015). Tháng 6/2018, đến lượt Mỹ từ bỏ Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (UNHCR). Tháng 8/2019, chính quyền Trump rút khỏi Hiệp ước về tên lửa hạt nhân tầm trung với Nga (INF).
Trong lúc, đại dịch Covid-19 đưa thế giới vào cuộc khủng hoảng chưa từng có, tháng 7/2020, Hoa Kỳ tuyên bố rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO / OMS). Kể từ khi lên cầm quyền tổng thống Donald Trump đã nhiều lần đe dọa rút khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO / OMC).
Một số định chế quốc tế lớn trên đây, được coi là nền móng của cơ chế đa phương trong quan hệ quốc tế, đã bị nước Mỹ quay lưng, trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 45. Nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi : phải chăng cơ chế đa phương quốc tế được cộng đồng quốc tế dày công kiến tạo từ sau Thế chiến Hai đến nay đang suy tàn ? Chuyên gia về quan hệ quốc tế, nhà nghiên cứu Martin Quencez, quỹ German Marshall Fund, ghi nhận chính bản thân sự tồn tại của một « cộng đồng quốc tế » mở rộng cho tất cả cũng bị chính quyền Trump hoài nghi và tìm cách phân hóa.
Khi Hoa Kỳ phá cơ chế đa phương, Trung Quốc lấn tới
Nhà báo Phạm Trần (từ Washington) điểm lại một đôi nét về tác động đối với cơ chế đa phương quốc tế của chính sách đối ngoại của tổng thống thứ 45 của nước Mỹ :
« Điều đầu tiên chúng ta biết là khi ông Donald Trump lên cầm quyền, đó là chính sách Nước Mỹ trên hết. Khi ông ấy đưa ra chính sách đó, có nghĩa là ông ấy tự cô lập nước Mỹ, rút vai trò lãnh đạo của nước Mỹ, co cụm lại. Chính sách đó đưa tới hậu quả là thứ nhất, nước Mỹ mất vai trò lãnh đạo thế giới, và làm cho các đồng minh của Hoa Kỳ, đặc biệt mà ở bên châu Âu, châu Á – Thái Bình Dương lo ngại. Ông Donald Trump đã để lại một chính sách mà đến đời tổng thống mới, nếu không phải là ông Donald Trump, thì có lẽ phải thay đổi toàn diện. Vấn đề tổ chức nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, ông ấy không có tha thiết, không có tích cực, như các đời tổng thống trước. Và về vấn đề y tế cho nhân loại, đã bị giảm thiểu. Chúng ta biết là Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), là một tổ chức của Liên Hiệp Quốc, quy tụ tất cả nước trên thế giới. Cái điều quan hệ là bây giờ ông Donald Trump rút lui. Rút lui tức là bỏ sự đóng góp rất lớn và cốt lõi của Hoa Kỳ đối với tổ chức này. WHO đã tồn tại được bao nhiêu năm, vẫn giúp đỡ nơi này nơi kia, mặc dù cũng có những chuyện làm ăn bê bối. Từ khi xảy ra nạn dịch, Hoa Kỳ là một cường quốc, vẫn đứng vai trò hàng đầu, mà Hoa Kỳ lại không có sáng kiến đưa ra tổ chức một hội nghị quốc tế, tìm cách nào để ngăn chặn ngay lập tức nạn dịch này ».
Việc Hoa Kỳ rút khỏi nhiều định chế đa phương quan trọng, khiến các đồng minh chao đảo, nhưng tạo thuận lợi cho chính quyền Bắc Kinh lấn tới, khẳng định thêm vị trí tại nhiều định chế quốc tế. Trong nhiệm kỳ của ông Donald Trump 2017 – 2020, Trung Quốc giành được vị trí lãnh đạo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc (FAO), Tổ chức Hàng không Dân sự Quốc tế hay Liên minh Quốc tế về Viễn thông. Tiếng nói của Bắc Kinh ngày càng gia tăng trọng lượng, cùng với việc Trung Quốc tăng đóng góp tài chính cho nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Tổ chức Y tế Thế giới. Nhân vật số hai của UNESCO, cơ quan Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc, là người Trung Quốc. Chưa kể đến các dự án lớn mang tính quốc tế mà Trung Quốc đang tìm cách triển khai ở khắp nơi, nhằm mở rộng ảnh hưởng, thông qua các khoản đầu tư, cho vay khổng lồ, như dự án Con đường Tơ lụa mới.
Trong một chương trình đặc biệt về chủ đề này, Đài France Culture ghi nhận : « tại Liên Hiệp Quốc, Bắc Kinh đang áp đặt quan điểm của mình. Vấn đề nhân quyền ngày càng tránh được đề cập đến, với hệ quả là chính quyền Trung Quốc không phải đối mặt với nhiều cáo buộc xâm phạm nhân quyền. Giờ đây, người ta nói đến sự ‘‘tôn trọng lẫn nhau’’ giữa các quốc gia. Đây là một cách để nhấn mạnh là chính quyền các nước có quyền đối xử với người dân trong nước, tùy theo ‘‘các giá trị’’ riêng của họ… Đây cũng là một cách để ngăn chặn mọi can thiệp nhắm vào chính sách xâm phạm nặng nề các quyền con người căn bản, như tại Tây Tạng hay đối với người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương ».
Theo các học giả Trung Quốc, như viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế thuộc trường đại học Thanh Hoa – Bắc Kinh, ông Diêm Học Thông (Yan Xuetong), « ông Trump đã hủy hoại hệ thống liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo », điều này mang lại « cho Trung Quốc một giai đoạn chưa từng có về cơ hội chiến lược, kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc đến nay » (bài « Đối với Bắc Kinh, Trump chỉ khiến phương Tây nhanh chóng suy tàn », Le Monde, ngày 30/10/2020).
« Vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương »: khoảng cách lớn giữa tuyên bố và hành động
Phá bỏ quan hệ đoàn kết với nhiều đồng minh truyền thống, tại châu Âu, cũng như châu Á, rút khỏi hàng loạt định chế quốc tế về nhân quyền, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục, y tế hay khí hậu, không có nghĩa là Hoa Kỳ có ý định rút khỏi toàn bộ các liên minh quốc tế mang tính chiến lược.
Trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 45 của Mỹ, đặc biệt là hai năm cuối của nhiệm kỳ, chính quyền Trump đưa ra chính sách thúc đẩy phát triển một « khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mở, tự do », dựa trên luật pháp (gọi tắt là FOIP) để ngăn chặn đà bành trướng của Trung Quốc. Khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, dựa trên trụ cột là Bộ Tứ, bốn quốc gia dân chủ, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc, được coi là mở rộng cho mọi quốc gia trong và ngoài khu vực, chia sẻ cùng một tôn chỉ.
Chiến lược xây dựng khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, với Biển Đông là một trọng tâm, với lý tưởng như trên, được kỳ vọng đem lại một phương hướng giúp cho nhiều quốc gia trong khu vực thoát khỏi sự chi phối, thậm chí thao túng đang ngày càng mạnh của Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát ghi nhận khoảng cách rất lớn giữa tuyên bố và hành động thật sự của cơ chế đa phương mới mà Hoa Kỳ mong muốn xây dựng.
Chuyên gia về quan hệ quốc tế Raphael Delbrouck, Trung tâm nghiên cứu các khủng hoảng và xung đột quốc tế (CECRI), Louvain-la-Neuve, Bỉ, nhận định : chính sách xây dựng khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do hiện nay của chính quyền Trump là sự tiếp nối của chính sách xoay trục sang châu Á của chính quyền tiền nhiệm Obama (báo cáo « Ấn Độ – Thái Bình Dương : phân tích về chiến lược của nước Mỹ »). Theo chiến lược này, « hòa bình và ổn định vốn đã mong manh tại khu vực chỉ có thể được bảo đảm nhờ sự chia sẻ các giá trị chung trong một trật tự khu vực, mà Hoa Kỳ muốn tiếp tục đầu tư và xây dựng, với tư cách thủ lĩnh ». Để thực hiện chiến lược này, Washington đã có nhiều sáng kiến để thúc đẩy hợp tác khu vực, như đạo luật về Sáng kiến Trấn an châu Á (ARIA – Asia Reassurance Initiative Act) (tháng 12/2012), hay Sáng kiến hạ lưu sông Mêkông (Lower Mekong Initiative). Khối APEC, nhóm G20 và kể cả Tổ chức Thương mại Thế giới vẫn tiếp tục là các định chế quốc tế mà Hoa Kỳ cần đến để thúc đẩy chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Tuy nhiên điều mà nhà nghiên cứu Raphael Delbrouck nhấn mạnh là khoảng cách rất lớn giữa mục tiêu mà Hoa Kỳ tuyên bố và khả năng hành động trên thực tế. Theo tác giả, nước Mỹ không thiếu chiến lược tốt, vấn đề là khả năng thực thi. Lập trường mang tính bảo hộ, dân tộc chủ nghĩa, đặt nặng tầm quan trọng của các quan hệ song phương hơn là quan hệ đa phương, xung đột trực tiếp với mục tiêu hành động nhằm xây dựng « một kiến trúc khu vực ổn định », đã khiến Hoa Kỳ rất khó đầu tư mạnh cho các hợp tác của khu vực. Với chủ trương « Nước Mỹ trước hết » (America First), của chính quyền Trump, cũng như « chủ nghĩa biệt lập Mỹ », chính quyền Mỹ khó có khả năng kiến tạo các quan hệ đa phương mềm dẻo, với nhiều quốc gia trong khu vực, vốn có quan hệ lâu đời với Trung Quốc.
Biden: tái xây dựng cơ chế đa phương trong hoàn cảnh mới
Về triển vọng chính sách của nước Mỹ, nếu lãnh đạo bên Dân Chủ, ứng cử viên Joe Biden đắc cử, theo nhiều nhà quan sát, ông Biden sẽ phải tiếp tục chính sách đối ngoại của nước Mỹ từ 70 năm vừa qua, không kể 4 năm dưới thời Donald Trump. Đó là tiếp tục « đóng vai trò hàng đầu trong việc thảo ra các quy tắc, thực thi các thỏa thuận quốc tế, cổ vũ các định chế đóng vai trò định hướng quan hệ giữa các quốc gia, thúc đẩy an ninh và thịnh vượng tập thể ». Một trong những quyết định đầu tiên của ông Biden sẽ là tổ chức « một thượng đỉnh toàn cầu vì dân chủ », quy tụ xung quanh Mỹ các quốc gia đang nỗ lực kháng cự các xu thế « độc tài, phản tự do » (bài « Quan hệ quốc tế, điều mà Biden có thể làm thay đổi », Le Monde, 26/10/2020).
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo là dù Biden thắng, Mỹ không dễ trở lại thành trụ cột của cơ chế quốc tế đa phương, như trước. Nhà chính trị học Laurence Nardon, phụ trách ban Mỹ của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (Ifri), thậm chí nhấn mạnh là « việc trở lại với chính sách đối ngoại của Mỹ thời Obama, như tuyên bố của phe ông Biden, là (…) điều không thể » (La Croix, 22/10/2020). Chuyên gia Cécilia Belin, trung tâm tư vấn Brookings Institution, nhấn mạnh là « thế giới đã thay đổi và Trump đã thay đổi luật chơi về quá nhiều lĩnh vực, khiến điều đó là không thể » (trả lời AFP). Thực tế mới mà nhiều người nói đến là sự lên ngôi của các chế độ độc đoán ở khắp nơi, và nền dân chủ không còn ở thế thượng phong trên quy mô toàn cầu. Thách thức lớn đối với chính quyền Biden là chấp nhận đối diện với sự thực.
Chính sách đối đầu quyết liệt, trực diện với Trung Quốc, đã được vạch ra trong nhiệm kỳ tổng thống 2017-2020, là rất khó thay đổi. Theo nhà cựu ngoại giao Bill Burns, Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế (Carnegie Endowment for International Peace), nếu đắc cử, chính quyền Biden sẽ phải tập trung nhiều hơn vào việc xây dựng các mạng lưới đồng minh tại châu Á, « không phải để ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc, vì nước Mỹ không có đủ phương tiện », mà là để xây dựng môi trường nhằm ngăn chặn những mặt tiêu cực của sự trỗi dậy đó.
Chính sách liên minh của Trump: Ẩn số lớn
Về phía ông Donald Trump, nếu tái đắc cử, tân tổng thống sẽ có chính sách gì ? Hiện tại, chính sách của đối ngoại của ứng cử viên Cộng Hòa vẫn còn là một ẩn số. Theo chuyên gia Laurence Naudan, chính sách đối ngoại của ông Trump sẽ phải là sự nối tiếp nhiệm kỳ đầu tiên. Phe Dân Chủ lo ngại nếu đắc cử, Donald Trump sẽ có những hành động táo tợn, không còn biết đến giới hạn, gây nguy hiểm cho thế giới, ví dụ như bất ngờ tấn công Iran hay Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, phe Cộng Hòa khẳng định tổng thống đã thực hiện toàn bộ các cam kết về đối ngoại, như rút khỏi nhiều định chế quốc tế. Ứng cử viên Donald Trump cũng không đưa ra cương lĩnh tranh cử mới cho năm 2020.
Tuy nhiên, về cơ chế đa phương quốc tế, cho dù không cổ vũ ở quy mô toàn cầu, Washington không thể từ bỏ mục tiêu thiết lập các cơ chế đồng minh và đối tác tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Theo chuyên gia về chính sách đối ngoại Hoa Kỳ Maud Quessard, Học viện Chính trị Paris, cho đến nay nước Mỹ trên thực tế chưa làm được gì nhiều tại khu vực này, và Bắc Kinh đang ở thế thượng phong.
Nhà nghiên cứu Martin Quencez, Quỹ German Marshall Fund, Hội đồng Quan hệ Quốc tế, khẳng định thách thức số một hiện nay của ông Trump, nếu tái đắc cử, là tạo lập được một lộ trình cho phép phát triển được các hợp tác quốc tế, trong đó có khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, chống lại các thách thức từ Trung Quốc, cũng có nghĩa là phải điều chỉnh lại chính sách làm suy yếu các cơ chế đa phương quốc tế trong bốn năm vừa qua.