Đọc báo Pháp – 03/07/2019
Hồng Kông : Biểu tình chuyển sang bạo lực,
Bắc Kinh hưởng lợi
Vài nghìn thanh niên Hồng Kông đã biểu tình trước cửa trụ sở LegCo (Nghị Viện Hồng Kông) ngày 01/07/2019, vài trăm người đã cắm trại qua đêm, trong số đó, một nhóm người đã phá được lớp kính chống đạn bảo vệ trụ sở Nghị Viện và đến 21 giờ, đã ùa vào bên trong đập phá, vẽ bậy, ném trứng, tháo tranh ảnh lãnh đạo… trong vòng ba giờ dưới sự quan sát của cảnh sát.
Người biểu tình sập bẫy bạo lực của Bắc Kinh ?
Thông tín viên của báo Le Monde tại Hồng Kông, Florence de Changy, bất ngờ và ngạc nhiên về « những cảnh hỗn loạn chưa từng có ở Hồng Kông » trong số ra ngày 03/07/2019. Tại sao phải chờ đến ba tiếng, cảnh sát mới can thiệp, xịt hơi cay vào người biểu tình ? Trong thời gian đó, những cảnh hỗn loạn này được truyền hình trực tiếp trên khắp thế giới, kể cả tại Trung Quốc. Vậy mà trong suốt thời gian tuần hành ôn hòa, mà đỉnh điểm là 2 triệu người dân Hồng Kông xuống đường ngày 16/06, truyền thông chính thức Hoa lục không hé một lời.
Phe đối lập cho rằng những thanh niên biểu tình đã bị sập bẫy bạo lực mà chính quyền giăng ra. Theo chủ tịch Công đảng Lee Cheuk Yan, « thanh niên Hồng Kông không có chút hy vọng nào. Cuộc sống của họ đã khó khăn, còn về mặt chính trị, mọi hình thức ngôn luận đều bị xóa bỏ. Nếu chính phủ không phản ứng khi bạn biểu tình ôn hòa, vậy bạn còn cách nào khác ? ». Trả lời thông tín viên Le Monde, luật sư Martin Lee đánh giá những thanh niên Hồng Kông này « ghét LegCo vì họ biết rằng Nghị Viện có thể sẽ thông qua luật dẫn độ. Và điều này sẽ biến Hồng Kông như bất kỳ thành phố nào khác của Trung Quốc ».
Ngay sau vụ đập phá LegCo, đồng loạt đài báo Hoa lục lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ, ủng hộ lãnh đạo Hồng Kông Thái Anh Văn và đòi truy tố những thủ phạm gây rối. Lãnh đạo đặc khu Hồng Kông, im hơi lặng tiếng sau hàng loạt cuộc biểu tình, bất ngờ triệu tập họp báo ngay trong đêm để lên án hành động xâm phạm « vô cùng bạo lực » và « gây sốc ».
Từ ôn hòa sang bạo lực : Chỉ Bắc Kinh có lợi
Trong một bài viết khác của Le Monde, nhà báo Harold Thibaut cho rằng « phong trào phản kháng chuyển sang bạo lực có lợi cho Bắc Kinh ». Suốt ngày 02/07, truyền hình nhà nước Trung Quốc liên tục chiếu hình ảnh cảnh sát xịt hơi cay giải tán người biểu tình trước trụ sở Quốc Hội Hồng Kông, lên án những kẻ đập phá để làm mất uy tín yêu cầu tự chủ và tự do của họ trước sự can thiệp ngày càng lớn của chính quyền Bắc Kinh.
Hoàn Cầu Thời Báo lên án « những kẻ đập phá đầy bạo lực đang làm luật tại Hồng Kông ». Chính quyền trung ương Bắc Kinh không ngần ngại sử dụng những từ ngữ mạnh mẽ để tố cáo những hành vi « nghiêm trọng và bất hợp pháp » đang « chà đạp lên Nhà nước pháp quyền », « gây tổn hại cho trật tự xã hội » và « làm suy yếu những lợi ích cơ bản » của Hồng Kông.
Cả nhật báo Le Monde và Le Figaro nhắc lại chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố rằng xâm phạm đến « chủ quyền và an ninh, thách thức chính quyền trung ương và quyền lực của luật pháp » sẽ là vi phạm « những lằn ranh đỏ » và là những hành động « tuyệt đối không chấp nhận được ». Vậy mà đây là lại là cách thanh niên Hồng Kông đang theo đuổi để tìm lại tự chủ và tự do từng có ở đặc khu này. Theo Le Figaro, bây giờ chờ xem chủ tịch Tập Cận Bình phản ứng như thế nào trước phong trào phản kháng ở Hồng Kông.
Liệu Trung Quốc sẽ thay đổi chiến lược ở Hồng Kông ?
Câu hỏi này được nhật báo Công Giáo La Croix đặt ra trong mục « Thảo luận ». Eric Sautedé, chuyên gia về thế giới Trung Hoa, nhận định « Bắc Kinh phải xem lại cách đánh giá và phải thỏa hiệp ». Bắc Kinh từng nghĩ rằng xã hội Hồng Kông bị chia rẽ, bị suy yếu và bị khuất phục sau « phong trào Dù Vàng » năm 2014. Nhưng thực tế xã hội Hồng Kông lại hoàn toàn khác : người dân kháng cự, bị áp lực kinh tế, lo lắng cho tương lai của họ. Chuyên gia người Pháp cho rằng Bắc Kinh sẽ không siết thêm gọng kìm và trấn áp một cách mù quáng, mà sẽ phải ngừng can thiệp vào hệ thống chính trị và kinh tế của đặc khu này.
Tuy nhiên, chuyên gia về Trung Quốc Jean-François Di Meglio, chủ tịch Trung Tâm Châu Á, lại có quan điểm hoàn toàn khác. Ông cho rằng chế độ Bắc Kinh có hai lựa chọn giữa lật đổ phong trào hoặc để phong trào tự thoái. Lật đổ, có nghĩa là cài người vào phong trào và đẩy phong trào đến việc tự đánh mất uy tín. Theo ông, đây là giải pháp mà Bắc Kinh có thể lựa chọn. Còn để phong trào tự thoái như từng xảy ra với « phong trào Dù Vàng » năm 2014, thì giải pháp này có vẻ không mấy thành công.
Ông Jean-François Di Meglio loại trừ giải pháp thương lượng, được đánh giá là lựa chọn nguy hiểm cho Bắc Kinh, vì như vậy là gián tiếp công nhận những yêu sách của đường phố. Cuối cùng, ông cho rằng chính quyền Trung Quốc sẽ tìm cách áp đặt một lối thoát cho cuộc khủng hoảng này mà mỗi bên đều có lợi. Dự luật dẫn độ, hiện tạm ngừng, sẽ được rút hẳn. Như vậy, người dân Hồng Kông sẽ thỏa mãn, trong khi chế độ sẽ không bị mất mặt. Dù sao, chính quyền Bắc Kinh luôn đặt lên trên hết lợi ích mà Hồng Kông mang lại trong việc hội nhập vào đặc khu kinh tế Quảng Đông.
Hai gương mặt phụ nữ
giúp EU thoát khỏi khủng hoảng
Cuối cùng, ngày 02/07, Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã tìm ra được bốn gương mặt lãnh đạo mới, hai nữ và hai nam, như vậy bảo đảm về cân bằng giới tính trong bộ máy lãnh đạo, cũng như cân bằng về « tương quan lực lượng » giữa các nước sáng lập ra khối.
Tất cả các nhật báo Pháp, trừ Le Monde ra từ chiều hôm trước, đều đưa tin bộ trưởng Quốc Phòng Đức Ursula von der Leyen trở thành chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, thay ông Jean-Claude Junker. Bà Christine Lagarde, người Pháp, hiện là tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, trở thành chủ tịch Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu (BCE) thay ông Mario Draghi. Quyền thủ tướng Bỉ Charles Michel được bổ nhiệm làm chủ tịch Hội Đồng Châu Âu thay ông Donald Tusk, và chính trị gia Tây Ban Nha Joseph Borrelle trở thành lãnh đạo ngành ngoại giao châu Âu thay bà Federica Mogherini.
Trang nhất của Les Echos là chân dung của hai bà Christine Lagarde và Ursula von der Leyen, « những khuôn mặt mới của châu Âu ». Nhật báo Le Figaro đề cao hai người phụ nữ đầy quyền lực với hàng tựa : « Châu Âu : hai phụ nữ để thoát khỏi khủng hoảng ». Xã luận của Le Figaro nhận định, đứng bên hố sâu chia cắt, cả thủ tướng Đức Angela Merkel và tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tạm gác sang bên « mối quan hệ đối đầu » để tìm ra được một thỏa hiệp vào phút chót.
Hầu hết các nhật báo đều sử dụng những từ « bất ngờ », « không ngờ tới » khi đề cập đến việc bổ nhiệm bộ trưởng Quốc Phòng Đức vào vị trí chủ tịch Ủy Ban Châu Âu.
Trang nhất của Libération đăng hình ảnh bộ trưởng Quốc Phòng Đức với hàng tựa : « Điều bất ngờ của vị thủ lĩnh ». Chân dung của nhà lãnh đạo cơ quan hành pháp châu Âu được nhật báo kinh tế Les Echos phác họa trong bài : « Ursula von der Leyen, vị chủ tịch không ngờ tới của Ủy Ban Châu Âu ». Le Figaro nhấn mạnh đến khía cạnh « một chính trị gia thân Pháp với lý lịch đặc biệt ». Là một trong những chính trị gia có ảnh hưởng trên chính trường Đức, bà trở thành giải pháp bất ngờ của các nguyên thủ và thủ tướng các nước thành viên để giải quyết cuộc khủng hoảng lãnh đạo trong nội bộ Liên Hiệp Châu Âu.
Về tân chủ tịch Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu, Le Figaro cho rằng « Christine Lagarde trở về với nguồn cội châu Âu ». Với Les Echos, « Christine Lagarde, một phụ nữ tiên phong đứng đầu Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu ». Thực vậy, bà là phụ nữ đầu tiên lãnh đạo bộ Tài Chính Pháp, là phụ nữ đầu tiên đứng đầu IMF và cũng là phụ nữ đầu tiên giữ cương vị chủ tịch Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu.
Việc quyền thủ tướng Bỉ Charles Michel được bổ nhiệm vào vị trí chủ tịch Hội Đồng Châu Âu được một nhà báo của nhật báo Bỉ La Libre, và được Le Figaro trích lại, cho rằng « không nên đánh giá thấp ông ấy » vì cũng như tổng thống Pháp Macron và thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, ông Michel thuộc thế hệ có « khả năng thổi luồng gió mới » cho Liên Hiệp Châu Âu.
Hiệp định thương mại EU-Mercosur
gây tranh cãi tại Pháp
Một chủ đề khác được các báo đề cập, đặc biệt là trên trang nhất của nhật báo La Croix, đó là hiệp định thương mại giữa Liên Hiệp Châu Âu và khối Mercosur.
Trang nhất của La Croix là câu hỏi : « Thương mại mang lợi ích cho ai ? » Nhật báo Công Giáo nhắc lại hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên Hiệp Châu Âu và khối Mercosur (gồm Brazil, Uruguay, Paraguay và Achentina) sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 91% hàng hóa xuất từ Liên Hiệp Châu Âu và đối với 92% hàng hóa nhập từ các nước Mercosur.
Liên Hiệp Châu Âu phải mở cửa một chút thị trường nông nghiệp thông qua hình thức quota : nhập mỗi năm 99.000 tấn thị bò với mức thuế ưu đãi 7,5%, 100.000 tấn thịt gia câm, 180.000 tấn đường và 650.000 tấn ethanol.
Đây là một trong những điểm của hiệp định với Mercosur khiến « tức giận nổi lên từ các bên »tại Pháp, theo bài viết của Le Figaro. Trong khi chính phủ Pháp tuyên bố « thận trọng » về việc áp dụng hiệp định có thể hình thành nên vùng tự do trao đổi mậu dịch lớn nhất thế giới, lãnh đạo đảng Xanh Yannick Jadot lên án Emmanuel Macron nói dối, vì khi tranh cử tổng thống Pháp, ông đã tuyên bố phản đối hiệp định với khối Mercosur, nhưng sau đó lại âm thầm ủng hộ tiếp tục đàm phán. Thượng nghị sĩ Bruno Retailleau, đứng đầu khối nghị sĩ đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa tại Thượng Viện, cho rằng ký thỏa thuận với Mercosur chẳng khác gì « ký vào hai bản đầu hàng, về xã hội và môi trường ».
Tuy nhiên, theo Les Echos, trong khi « Paris gây sức ép đối với hiệp định Mercosur, Bruxelles trả lời các nhà nông ». Ủy Ban Châu Âu nhấn mạnh rằng « nông nghiệp châu Âu sẽ không bị mang ra đánh đổi : lượng quota thịt bò nhập khẩu sẽ không tăng lên, trái ngược với những gì các nhà phản đối hiệp định trên khẳng định ».
Phụ nữ mắc ung thu nhiều hơn nam giới
Trong lĩnh vực xã hội, Le Monde, La Croix, Le Figaro quan tâm đến tình trạng mắc bệnh ung thư tại Pháp và thủ phạm chính vẫn là thuốc lá. Theo Le Monde, « tỉ lệ mắc ung thư tăng cao ở phụ nữ ». Từ năm 1990 đến 2018, số ca ung thư mới tăng thêm 45% ở phụ nữ, so với 6% ở nam giới.
Số ca phụ nữ Pháp mắc bệnh ung thư vú đã tăng lên gấp đôi tính từ năm 1990 và là nguyên nhân chính gây tử vong, dù tỉ lệ chết vì căn bệnh này đã giảm 1,6% mỗi năm kể từ năm 2010. Nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư vú là lạm dụng rượu. Bệnh ung thư tuyến tụy tăng thêm 2,7% ở nam giới và 3,8% ở phụ nữ. Bệnh ung thư phổi vẫn là nguyên nhân tử vong hàng đầu đối với nam giới.
Tuy nhiên, Le Figaro lại nhận định : « Tỉ lệ tử vong liên quan đến bệnh ung thư giảm tại Pháp, trái với vẻ bề ngoài » nhờ dân số tăng và tỉ lệ lão hóa dân số Pháp cũng tăng.
Riêng La Croix quan tâm đến « tranh cãi quanh giá thuốc chữa bệnh ung thư ». Ngày 03/07/2019, tổ chức phi chính phủ Y sĩ Thế giới (Médecins du Monde) nộp đơn kháng cáo về một loại thuốc thế hệ mới, được cho là chữa trị được một số bệnh ung thư (lymphocytes T) và đã được bán tại thị trường châu Âu từ gần một năm nay. Thần dược này có giá từ 320.000 đến 350.000 euro đối với mỗi người bệnh.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190703-hong-kong-bieu-tinh-tu-on-hoa-sang-bao-luc-bac-kinh-huong-loi
Tin đọc nhanh
(Reuters) – Quốc Khánh Mỹ sẽ có diễu binh.
Chiến xa đã được nhìn thấy trên một đoàn tàu ở thủ đô Washington ngày 03/07/2019, một hôm trước lễ Quốc Khánh 04/07 Mỹ. Đây là một buổi lễ làm nổi bật sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ, nhưng đảng Dân Chủ cho là sẽ được tổng thống Donald Trump biến thành một cuộc vận động tái tranh cử. Các phóng viên nhiếp ảnh đã chụp được hình của xe tăng M1 Abrams và các loại xe thiết giáp khác được chở bằng tàu hỏa đến Washington, dấu hiệu cho thấy là hỏa lực quân sự của Mỹ sẽ được phô trương, trái ngược đáng kể với những dịp Quốc Khánh trước đây.
(Reuters) – Samsung bị kiện tại Pháp.
Công ty con của tập đoàn điện tử Hàn Quốc Samsung, Samsung Electronics France (SEF), gần đây vừa bị truy tố tại Paris về tội có hành vi thương mại lừa đảo. Tổ chức phi chính phủ Sherpa ngày 03/07/2019 cho biết là đã đệ đơn khiếu nại dân sự vào ngày 25/06/2018 tại tòa án Paris chống lại SEF và công ty mẹ tại Hàn Quốc. Nội dung kiện là « sai lệch không thể chấp nhận » giữa các cam kết đạo đức mà Samsung nêu bật, với các vụ vi phạm đã bị các tổ chức bảo vệ người lao động tố cáo, vi phạm được thấy tại các nhà máy của Samsung tại Trung Quốc, Việt Nam và Hàn Quốc.
(AFP) – Hơn 6 triệu khán giả xem trận bán kết bóng đá nữ Mỹ-Anh.
Cho dù đội tuyển chủ nhà bị loại, khán giả Pháp vẫn khá hào hứng với diễn biến tiếp theo của giải vô địch bóng đá nữ 2019. Trận bán kết Mỹ-Anh hôm qua, 02/07/2019, thu hút hơn 6 triệu khán giả trên hai kênh TF1 và Canal +. Trận bán kết thứ hai Hà Lan – Thụy Điển hôm nay và trận chung kết Chủ Nhật, 07/07, giữa tuyển Mỹ và đội thắng trong trận hôm nay, cũng sẽ được phát trên kênh TF1 và Canal+.
(AFP) – Tháng 6/2019 là tháng Sáu nóng nhất trong lịch sử.
Tháng Sáu vừa qua được ghi nhận là tháng nóng nhất trong lịch sử khí hậu thế giới, kể từ khi có đo lường khí tượng. Theo các số liệu của Copernicus, nhiệt độ tháng Sáu này cao hơn 0,1°C so với kỷ lục của tháng 6/2016. Riêng tại châu Âu, nhiệt độ cao hơn 2°C so với mức trung bình. Dựa trên các dữ liệu lịch sử, Copernicus ước tính nhiệt độ trung bình vào tháng Sáu của châu Âu cao hơn 3°C so với giai đoạn 1850-1900.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190703-tin-doc-nhanh