Đọc báo Pháp – 03/07/2017
Một thoáng phong thái Obama ở Emmanuel Macron
Trong dòng sự kiện tổng thống Pháp Emmanuel Macron có bài phát biểu trước lưỡng viện Quốc Hội tại lâu đài Versailles, nhật báo le Figaro có bài viết về phong cách của tân tổng thống Pháp dưới hàng tựa : « Ở Emmanuel Macron, có một dáng vẻ Barack Obama ».
Le Figaro nhận xét rằng nhiều người Mỹ theo dõi chính trường Pháp lúc này có thể có cảm nhận một điều gì đó họ « đã thấy » trong những bước đi đầu tiên lãnh đạo đất nước của ông Macron.
Nhật báo Le Figaro khẳng định, điều mà người ta có thể dễ dàng nhận thấy ở tân tổng thống Pháp Macron đó là : Tuổi trẻ, hứa hẹn đổi mới chính trị, phong cách trịnh trọng và hiện đại trong thực thi quyền lực, thông tin quảng bá hình ảnh được tính toán đến từng chi tiết nhỏ nhất….. Theo tờ báo thì người ta thấy ở phong cách của tân tổng thống Pháp « có cái gì đó rất Obama, cho dù bản thân ông Macron vẫn ưa được liên hệ hình ảnh với những tổng thống Pháp từng để lại dấu ấn như Charles de Gaulle hay François Mitterand ».
Le Figaro nhắc lại, ngay từ trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống, Emmanuel Macron đã có cuộc nói chuyện điện thoại với ông Obama và đã được cựu tổng thống Mỹ ủng hộ tích cực. Sự việc này khi đó đã được báo chí nói đến nhiều.
Khi bước vào điện Elysée, cách thức ông Emmanuel Macron chọn bố trí phòng làm việc của tổng thống cũng gợi nhắc đến cách bài trí nơi làm việc của ông Obama trong căn phòng Bầu Dục ở Nhà Trắng. Rồi đến ngay cả bức chân dung chính thức của tổng thống Emmanuel Macron cũng giống kỳ lạ với tấm hình của tổng thống Obama chọn cho nhiệm kỳ thứ 2, từ bố cục, khuôn hình cho đến các chi tiết bài trí trong ảnh.
Một điểm nữa mà giới quan sát cũng thấy được những nét tương đồng giữa Macron và Obama đó là cách kiểm soát thông tin nội bộ. Đó là việc, tổng thống Macron ra lệnh cho các thành viên chính phủ không được phát biểu một cách tùy tiện với báo chí.
Tuy nhiên, theo Le Figaro, dường như ông Macron cũng đã rút ra được những bài học sai lầm của cựu chủ nhân Nhà Trắng. Đó là việc ông Obama xuất hiện và phát biểu quá nhiều dẫn đến lời ăn tiếng nói đôi khi bị mất giá trị. Tổng thống Pháp giờ đây đã hiểu được tiết kiệm lời ăn tiếng nói có lợi thế nào.
Một nét Mỹ khác mà ông Emmanuel Macron muốn áp dụng cho chính trị Pháp, đó là tổng thống mong muốn được phát biểu hàng năm trước diễn đàn lưỡng viện Quốc Hội, theo mô hình bài thông điệp liên bang của tổng thống Mỹ.
Cuối cùng bài viết bình luận, « sẽ là nói quá nếu gọi Macron là bản sao của Obama ». Tổng thống Pháp vẫn có ý tưởng riêng của ông. Lấy ví dụ như việc ông Emmanuel Macron mời tổng thống Mỹ Donald Trump tới Paris dự lễ quốc khánh 14/07 là «một bước đi khôn khéo, cho thấy ông không hề bị ràng buộc vào bất kỳ định kiến nào». Le Figaro dẫn ra hai cuộc gặp điển hình của ông Macron với tổng thống Mỹ và Nga gần đây đã cho thấy tổng thống Pháp một người cứng rắn, kiên quyết. « Cái nét rắn rỏi này là thứ mà ông Obama thiếu và đó chính là điều khiến cho bảng tổng kết của ông bị mờ nhạt », tờ báo bình luận.
Tổng thống Pháp
trình bày đường hướng nhiệm kỳ trước Nghị Viện
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được nhắc đến trên khắp các mặt báo Pháp hôm nay bởi sự kiện ông triệu tập lưỡng viện Quốc Hội tại cung điện Versailles để trình bày đường lối, mục tiêu chính trị trong nhiệm kỳ lãnh đạo đất nước trong 5 năm tới. Việc ra trước lưỡng viện Quốc Hội đọc diễn văn là một sự kiện trọng đại chỉ diễn ra khi tổng thống thấy cần phải trình bày trước các nhà lập pháp những vấn đề hệ trọng, cấp bách của đất nước. Việc làm này cũng mới chỉ xảy ra với 2 đời tổng thống trong nền đệ ngũ Cộng Hòa Pháp : Nicolas Sarkozy (2008 về khủng hoảng tài chính ) và François Hollande (2015 về vấn đề chống khủng bố).
Còn với tổng thống Emmanuel Macron vừa mới lên cầm quyền được chưa đầy 2 tháng thì việc triệu tập Nghị Viện để trình bày đường lối chính trị là việc làm chưa từng có. Bởi vậy mà sự kiện đã thu hút chú ý đặc biệt của dư luận Pháp.
Truyền thống cũng như chính giới Pháp có quan điểm khá khác nhau trên vấn đề này. Người thì cho rằng với động thái triệu tập lập pháp đến để nghe phát biểu như vậy tổng thống Pháp muốn chứng tỏ thâu tóm quyền lực hết cả trong tay, nhưng số khác thì lại cho rằng đó là việc làm bình thường nên có, để tổng thống minh bạch đường lối và mục tiêu hành động của chính phủ…
Chính trường Úc và các nhà tài trợ « hảo tâm » Trung Quốc
Về thời sự châu Á, Le Figaro dành sự chú ý tới quan hệ giữa Trung Quốc và Úc qua bài nhận định : « Úc lo ngại ảnh hưởng của Trung Quốc ».
Bài viết cho thấy, « Bắc Kinh đang tạo dựng các mối liên hệ mờ ám với giới chính trị Úc qua việc tài trợ tài chính cho các đảng phái, trong khi mà các cơ quan an ninh của Úc đang báo động tình trạng gián điệp Trung Quốc đang mở rộng hoạt động trên lục địa nổi này ».
Theo Le Figaro, quan hệ giữa Úc và đế chế Trung Hoa, không chỉ có những hợp đồng thương mại lớn mà còn có cả những mối liên hệ mờ ám. Đó chính là những mối quan hệ giữa các nhà tài phiệt Trung Quốc với một số người trong giới tinh hoa chính trị của nước Úc. Từ đó, người ta có thể nhìn thấy được bàn tay của Bắc Kinh trong công việc nội bộ của Canberra.
Tờ báo viết : « Đảng Cộng Sản Trung Quốc có lẽ đã thành công trong việc mở rộng « quyền lực mềm » của họ lên các định chế của Úc, chủ yếu bằng các khoản quà tặng cá nhân cho các đảng phái chính trị ở nước Úc ». Đó cũng chính là nội dung phát giác của một cuộc điều tra kéo dài 5 tháng do các cơ quan truyền thông có tiếng ở Úc tiến hành, mới được công bố trên đài truyền hình ABC. Từ các phát giác của báo chí như vậy, ông chưởng lý George Brandis đã cho mở điều tra sâu hơn về những vấn đề trên.
Đầu tháng 5 vừa qua, thủ tướng Malcom Turbull đã cam kết xem xét lại toàn bộ các điều luật chống gián điệp và về các hoạt động của những cường quốc nước ngoài tại Úc. Theo le Figaro, trong tầm ngắm của chính phủ Úc hiện nay là các khoản tiền quà tặng, tài trợ cho các đảng chính trị Úc.
Theo le Figaro, trong vòng 1 thập kỷ, đảng Lao Động và liên minh bảo thủ có thể đã nhận được khoảng 6,7 triệu đô la từ Trung Quốc. Cuộc điều tra của báo chí Úc còn cho biết, những khoản tài trợ hào phóng chủ yếu bắt nguồn từ một số nhà tài phiệt bất động sản Trung Quốc và những tỷ phú đó lại có những mối liên hệ chặt chẽ với đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Cuộc điều tra còn chỉ cho thấy, các nhà hảo tâm Trung Quốc không chỉ cho tiền các đảng mà còn cả những quan chức lớn của chính phủ, như bộ trưởng Thương Mại Úc, chẳng hạn.
Đâu là mục tiêu của Bắc Kinh ?
Theo bài báo, bằng cách « mua » những lãnh đạo chính trị Úc, Bắc Kinh hy vọng sẽ có được sự ủng hộ của chính giới Úc về các đòi hỏi về chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc liên quan đến Đài Loan hay Biển Đông. Đồng thời, thông qua các tổ chức nhận tài trợ là xã hội dân sự Úc chẳng hạn, Bắc Kinh có thể ngăn chặn bớt ảnh hưởng của các tiếng nói ly khai của người Trung Quốc ở hải ngoại.
Le Figaro cho biết thêm : Năm ngoái, đầu tư Trung Quốc vào Úc đạt con số kỷ lục, Trung Quốc là nước nhập khẩu nguyên vật liệu cơ bản lớn nhất của Úc. Tiếng Trung giờ là ngôn ngữ thứ 2 được phổ biến ở Úc, sau tiếng Anh.
Philippines : Một năm đầy biến động với tổng thống Duterte
Vẫn liên quan đến đề tài châu Á, trang quốc tế của Libération nhìn qua Philippines với bài phân tích : « Philippines, một năm nguy biến quốc gia ».
Trở lại với sự kiện tròn một năm, tổng thống Rodrigo Duterte lên cầm quyền tại Philippines, Libération và nhận thấy, một năm qua đất nước Đông Nam Á đã chứng kiến nhiều biến động lớn cùng với vị tổng thống luôn gây bất ngờ, từ hành vi cử chỉ, lời ăn tiếng nói cho đến những quyết định.
Tóm lại, Libération ghi nhận : « Tổng thống Rodrigo Duterte đang thử thách đất nước bằng cuộc chiến chống ma túy tàn khốc. Song song, các nhóm khủng bố có liên hệ với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đang đe dọa sự ổn định của quần đảo. Những tháng tới đây dự báo sẽ còn sóng gió đối với vị lãnh đạo đang được lòng dân này », một người có tính cách dữ dằn, khó lường và tình trạng sức khỏe đang có nhiều vấn đề lo ngại ».
Theo nhật báo Pháp, sức khỏe của ông Duterte từng gây nhiều đồn đoán tại Philippines. Dư luận đồ rằng ông bị tiền ung thư, tai biến mạch máu não, rối loạn tâm lý….
Bản thân tổng thống Duterte đã có lần nửa đùa nửa thật nói với dân chúng rằng chưa chắc gì ông đã sống hết nhiệm kỳ tổng thống đến năm 2022.
http://vi.rfi.fr/phap/20170703-mo%CC%A3t-thoa%CC%81ng-phong-tha%CC%81i-obama-o%CC%89-emmanuel-macron
Tin đọc nhanh
(Reuters) – Trung Quốc phóng thất bại tên lửa Vạn Lý Trường Chinh-5 Y2.
Tên lửa trên có nhiệm vụ mang lên Mặt Trăng một máy thăm dò vào năm 2017 và mang mẫu trở về mặt đất. Theo Tân Hoa Xã, vẫn chưa rõ nguyên nhân thất bại của lần phóng tên lửa Vạn Lý Trường Chinh-5 Y2 ngày 02/07/2017 từ đảo Hải Nam.
(AFP) – Indonesia : Máy bay cứu hộ rơi, 8 người thiệt mạng.
Chở 4 nhân viên cứu hộ và 4 thành viên của Hải Quân Indonesia đến một miệng núi lửa đang hoạt động trên đảo Java, chiếc trực thăng va phải một vách đá ở Temanggung, miền trung Java ngày 02/07/2017. Toàn bộ nạn nhân đã được nhận diện.
(Reuters)- Công nghiệp Nhật Bản đang “lạc quan”.
Theo thăm dò được Ngân Hàng Trung Ương Nhật công bố sáng ngày 03/07/2017, chỉ số tin tưởng của các đại tập đoàn công nghiệp Nhật Bản cao nhất từ năm 2014 tới nay, đạt 17 điểm trong tháng 6 thay vì 12 điểm như một tháng trước đó. Tiêu thụ nội địa và xuất khẩu vững chắc là hai yếu tố giải thích cho hiện tượng trên.
(AFP) – Mỹ-Pakistan hợp tác an ninh ?
Thượng nghị sĩ JohnMcCain, chủ tịch ủy ban Quân Lực Thượng Viện Hoa Kỳ dẫn đầu một phán đoàn đến Islamabad ngày 03/07/2017 để thảo luận với Pakistan về hợp tác an ninh. Chuyến công tác của ông McCain diễn ra vào lúc Washington nghiên cứu khả năng tăng quân tại Afghanistan và quan hệ giữa Hoa Kỳ với Pakistan đang đặc biệt căng thẳng. Washington vẫn tố cáo Islamabad ủng hộ các tổ chức khủng bố.
(AFP) Chiến dịch vận động tranh cử tại Đức mở màn.
Ngày 03/07/2017, thủ tướng Đức, Angela Merkel khởi động chiến dịch vận động tranh cử cho một nhiệm kỳ thứ tư. Các kết quả thăm dò cho thấy đảng bảo thủ Dân Chủ Thiên Chúa Giáo của bà đang dẫn đầu với ít nhất 15 điểm so với đảng Xã Hội Dân Chủ của ông Martin Schulz. Ngày 24/09/2017 cử tri Đức được kêu gọi bầu lại 598 đại biểu Quốc Hội cho một nhiệm kỳ 4 năm.
(AFP) –Venezuela : tổng thống Maduro tìm cách xoa dịu tình hình.
Ngày 02/07/2017 tổng thống Maduro thông báo trả tự do cho 31 sinh viên bị bắt hôm 29/06, đồng thời tăng mức lương tối thiểu thêm 50%. Theo giới quan sát đây chỉ là những biện pháp mang tính tượng trưng nhằm xoa dịu công luận. Từ đầu cuộc nổi dậy hồi tháng 4/2017, 89 người biểu tình tử vong. Lương tối thiểu tại Venezuela được tăng 50% trong lúc lạm phát tăng 720% trong 6 tháng đầu năm. Sức mua của người dân Venezuela bị giảm đi đáng kể. Thất nghiệp tràn lan.
(AFP) – Thể thao : Đức đoạt chức vô địch Cúp các liên đoàn.
Hạ đội tuyển Chilê với tỷ số 1 – 0 trong trận đấu tối ngày 02/07/2017 trên sân cỏ Saint Petersbourg –Nga, đội tuyển Đức lần đầu tiên đoạt Confederations Cup. Trận đấu được 15 triệu khán giả theo dõi qua đài truyền hình. Báo chí Berlin tràn đầy hy vọng, dự báo chức vô địch thế giới năm 2018 thể nào cũng về tay đội tuyển Đức.
(AFP) – Thế Vận Hội : Tổng thống Hàn Quốc kêu gọi Ủy ban thế vận (CIO) mời Bắc Triều Tiên tham dự Thế Vận Hội Mùa Đông 2018,
được tổ chức tại Pyeongchang, Hàn Quốc. Theo tổng thống Moon Jae In, sự tham dự của đoàn Bắc Triều Tiên sẽ đóng góp vào hòa bình trong khu vực và « giúp xoa dịu người dân Triều Tiên đang bị tổn thương vì chia rẽ ». Tổng thống Hàn Quốc thậm chí còn ủng hộ hai miền Triều Tiên thi đấu trong cùng một đoàn duy nhất.
(AFP) – Đức : Tai nạn xe khách, 18 người thiệt mạng.
Một chiếc xe ca du lịch bị cháy ngày 03/07/2017 sau khi gặp tai nạn với một chiếc xe tải kéo ở Munchberg, miền nam nước Đức. 18 người bị kẹt trong xe « có thể » bị chết cháy và 30 người khác bị thương. Tất cả đều là người cao tuổi. Đây là một trong những tai nạn xe khách nghiêm trọng nhất tại châu Âu trong những năm gần đây.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170703-tin-doc-nhanh