Đọc báo Pháp – 03/11/2020
Bầu cử tổng thống Mỹ 2020: Toàn thế giới ngóng chờ kết quả – Anh Vũ
Nước Mỹ nín thở, cả thế giới đều hướng về ngày bầu cử tổng thống thứ 46 của họp chủng quốc Hoa Kỳ, chính thức diễn ra hôm nay 03/11/2020. Lướt nhanh trang nhất các tờ báo lớn của Pháp ra trong ngày , không thấy có tờ nào thiếu tựa lớn về bầu cử Mỹ và bên trang trong cũng kín các bài về cuộc bầu cử đặc biệt nhất trong lịch sử chính trị Hoa Kỳ.
Thế giới hồi hộp đón đợi kết quả bầu cử tổng thống Mỹ không khác gì chờ kết quả trận chung kết Cúp bóng đá thế giới.
Tựa lớn của nhật báo Le Monde đánh giá sự kiện là: « Bước ngoặt của Hoa Kỳ ». Libération đặt câu hỏi đầy ẩn ý : « Bầu cử Mỹ : hồi kết của cơn ác mộng ? » Les Echos gọi cuộc bỏ phiếu ngày hôm nay là « Trận chiến cuối cùng », trong khi nhật báo Công Giáo La Croix chạy tựa đơn giản : « Thời điểm của sự thật », còn nhật báo Le Figaro đánh giá kỳ bầu cử tổng thống Mỹ lần này là : « Cú sốc của hai nước Mỹ ».
Hầu hết các báo đều dành nhiều bài viết để phác họa bối cảnh và tính chất đặc biệt của kỳ bầu cử tổng thống Mỹ đang khép lại trong ngày hôm. Nhật báo Le Monde nhận thấy đây là một « kỳ bầu cử căng thẳng kịch phát vì khủng hoảng dịch Covid 19 ». Theo tờ báo, trận đại dịch đã làm đảo lộn kế hoạch chiến dịch tranh cử của hai ứng cử viên Donald Trump và Joe Biden. Khủng hoảng Covid 19 đã tạo ra khoảng cách lớn trong cuộc chạy đua giữa 2 đối thủ này. Tất cả các thăm dò dự luận ý định bỏ phiếu đến lúc này đều cho thấy phe Dân Chủ đang bứt phá rõ nét ở các bang chủ chốt.
Tuy vậy, không một cơ quan truyền thông, không mấy nhà quan sát nào dám tin vào những số liệu thăm dò. Trong những ngày cuối cùng chiến dịch tranh cử, ông Trump đang dồn hết nỗ lực hy vọng một lần nữa làm thất bại các thăm dò dư luận đang đặt ưu thế vào Joe Biden, theo Le Figaro.
Tờ báo nhận thấy nhiều chỉ số cho thấy tổng thống sắp mãn nhiệm vẫn còn hy vọng để chiến thắng. Ngoài các phân tích từ cục diện cử tri ở các bang chủ chốt, Le Figaro đưa ra một con số thăm dò của Viện Gallup mới đây, cho thấy ngay giữa đại dịch, 56% người dân Mỹ được hỏi khẳng định họ đang có cuộc sống tốt hơn cách đây 4 năm.
Nguy cơ bạo lực bùng phát trong bầu cử
Ở một khía cạnh khác, các báo đều có điểm chú ý chung là nguy cơ « bạo lực bầu cử chưa từng có », đang được giới quan sát cảnh báo.
Hầu hết các báo đều ghi nhận: Cùng với các cuộc mít tinh đến tận phút chót chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump tiếp tục chiến lược gây hoài nghi với hình thức bỏ phiếu qua bưu điện (trong số hơn 90 triệu phiếu bầu sớm đã có khoảng 60 triệu cử tri Mỹ chọn hình thức bầu cử này), ông liên tiếp reo rắc nghi ngờ sẽ có gian lận bầu cử, khiến không khí trước ngày bầu cử trở nên căng thẳng. Ông Trump đã nhiều lần nhắc lại ông chỉ thua vì bị gian lận phiếu bầu.
Les Echos cho hay, ngay từ lúc này phe Cộng Hòa ở nhiều bang đã khiếu nại về thời hạn chót nhận phiếu bầu qua bưu điện sau ngày 03/11 và đòi hủy hàng trăm nghìn phiếu bầu sớm vì cử tri ngồi trong xe nhờ chuyển phiếu vào hòm phiếu (do tình hình dịch bệnh).
Tờ báo cho biết, ngày bỏ phiếu tới gần, căng thẳng cũng lớn theo với các cuộc biểu dương sức mạnh: « Trong bang New Jersey, một tuyến đường xe hơi bị những người ủng hộ Donald Trump phong tỏa, một chiếc xe bus chở nhóm vận động tranh cử của Biden bị quây xung quanh quấy nhiễu trên xa lộ ở Texas, thủ đô Washington che chắn phòng thủ phòng bạo động phá phách. Nhiều bang chuẩn bị các phương án đặc biệt giữ trật tự trong đêm bầu cử…. »
Cùng góc nhìn này, Le Figaro có bài : « Nước Mỹ lo sợ bầu cử nhuốm màu bạo lực ». Tờ báo cho hay, tại các phố ở Washington DC, các cửa hiệu đã dựng ván gỗ quây kín, đề phòng bạo động xảy ra trong đêm đón đợi kết quả bầu cử. Cảnh sát từ nhiều tuần nay đã chuẩn bị cho khả năng có gây rối, dù người chiến thắng là ai. Theo một thăm dò dư luận gần đây, do tờ USA Today thực hiện thì 3/4 người Mỹ cho rằng xẽ xảy ra hỗn loạn bạo lực trong đêm bầu cử. Chỉ có 23% cho rằng sẽ có chuyển giao quyền lực trong ôn hòa.
Bạo lực do xã hội Mỹ chia rẽ sâu sắc
Le Figaro ghi nhận, cuộc bầu cử lần này diễn ra giữa lúc đại dịch Covid hoành hành và trong bầu không khí phân hóa xã hội cực độ. Cả phe Dân Chủ cũng như Cộng Hòa đều có mối lo giống nhau là bạo lực, nhưng lại đổ lỗi cho nhau.
Thậm chí, giám đốc của Internetional Crisis Group (ICG), ông Robert Malley được trích dẫn đã nhận định: « Hoa Kỳ đang đối mặt với nguy cơ bạo lực trong bầu cử chưa từng có trong lịch sử đương đại ». Cơ quan tư vấn chuyên phân tích các xung đột chiến sự quốc tế, hôm 29/10, lần đầu tiên đã ra báo cáo cảnh báo khả năng xảy ra hỗn loạn bạo lực ở Mỹ kỳ bầu cử này.
Trong suốt 25 năm từ khi thành lập đây là lần đầu tiên tổ chức này ra cảnh báo về tình hình nội bộ của nước Mỹ liên quan đến bầu cử, một chuyện mà chính nước Mỹ thường xuyên kêu gọi hay cảnh báo về tính dân chủ đối với nhiều nước khác trên thế giới.
Nhật báo Libération với bài viết : « Nước Mỹ trong rạn nứt mọi mặt » cho thấy, « sau bốn năm cầm quyền của Donald Trump, xã hội Mỹ giờ bị chia rẽ hơn bao giờ hết, nhất là trên các vấn đề bản sắc và văn hóa. Sự phân cực này càng trầm trọng bởi khủng hoảng y tế và kinh tế ». Kịch bản đáng ngại nhất mà Libération, giống như nhiều tờ báo khác nhắc tới, là tối nay ông Donald Trump tuyên bố thắng cử sớm, trước khi các phiếu bầu chưa kiểm xong vì số lượng phiếu bầu qua bưu điện quá lớn.Tranh chấp sẽ xảy ra và kéo theo các cuộc đối đầu giữa hai phe.
Cùng chung nhận định với các báo khác, xã luận nhật báo La Croix, ghi nhận, « chưa bao giờ Hoa Kỳ lại chia rẽ như bây giờ, ít ra là từ những cuộc đụng độ xung quanh phong trào đấu tranh đòi dân quyền trong những năm 1960, thậm chí từ sau cuộc “nội chiến” 1861-1865 ». La Croix nhận thấy có nhiều dấu hiệu cho thấy bạo lực có thể bùng lên sau ngày bầu cử, nguy cơ hiện hữu khi trong một đất nước nhiều công dân được trang bị vũ khí, thậm chí trang bị quá đáng.
Xã luận tờ báo phân tích: « Căn nguyên của thực tế này có từ trong quá khứ. Donald Trump không phải là người khởi xướng, nhưng trong suốt nhiệm kỳ, ông thường xuyên tận dụng sự chia rẽ để củng cố cơ sở cử tri của mình…. Ông chọn chia để trị. Chính vì thế người ta không thể mong ông tái đắc cử. Còn nếu Joe Biden chiến thắng, ông sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ vô cùng lớn để làm dịu vết thương. Vì lợi ích của các công dân Mỹ và cũng vì phần còn lại của thế giới ».
Thế giới nín thờ chờ kết quả
Trong một bài viết khác lấy tiêu đề : « Phần còn lại của thế giới nín thở », La Croix ghi nhận, « thời gian như ngừng trôi trên khắp hành tinh cho tới khi có kết quả bầu cử Mỹ mà kết cục của nó sẽ có tác động đối với nhiều nước ».
Tờ báo nêu 3 trường hợp tiêu biểu là Trung Quốc, Mêhicô và Pháp, tất nhiên còn nhiều nước khác nữa cũng đang hồi hộp ngóng chờ kết quả chung cuộc của kỳ bầu cử đặc biệt này của nước Mỹ.
Với Trung Quốc, về mặt chính thức Bắc Kinh không tỏ ra thích ai hơn giữa Donald Trump hay Joe Biden, mà điều họ muốn là một mối quan hệ bình lặng và tốt đẹp hơn với Hoa Kỳ và quan hệ Trung-Mỹ có vấn đề với cả đảng Dân Chủ cũng như đảng Cộng Hòa, dù từ khi ông Trump đắc cử tổng thống 2016, quan hệ hai nước bị xấu đi chưa từng thấy. Sẽ còn khó chịu hơn cho Trung Quốc khi mà phe Dân Chủ vẫn thường cứng rắn hơn so với Cộng Hòa trên lĩnh vực nhân quyền, La Croix nhận định.
Với Mêhicô, đất nước láng giềng của Mỹ đang mong ứng cử viên Joe Biden thắng để có thể chấm dứt 4 năm bị lăng mạ và trừng phạt đeo bám vì chuyện di dân, theo La Croix.
Với nước Pháp của tổng thống Macron và nước Mỹ của Donald Trump, quan hệ giữa hai đồng minh lúc nóng lúc lạnh và có dấu ấn nhiều bất đồng trên các hồ sơ lớn của quốc tế vì những quyết định đơn phương của tổng thống Trump. Paris vẫn cố gắng kìm nén để những bất đồng không phá hỏng quan hệ hợp tác song phương dù bề ngoài vẫn tỏ ra bất cần Mỹ. Không tỏ rõ nghiêng về ai, nhưng Paris hy vọng một sự thay đổi trong quan hệ với đồng minh Hoa Kỳ sau bầu cử.
Cùng cái nhìn với La Croix, Le Figaro cũng ghi nhận qua tựa: « Sau trận “cuồng phong” Trump, thế giới nín thở ». Theo nhật báo thiên hữu Pháp, « vào mỗi kỳ bầu cử tổng thống Mỹ, thế giới thường trở nên yên ắng trong vòng 6 tháng và các quyết định lớn của nhiều quốc gia được kìm lại để chờ đến khi thông báo kết kết quả bầu cử tổng thống Mỹ và chính quyền mới định hình 3 tháng sau. Thế nhưng hiếm khi nào cộng đồng quốc tế lại hồi hộp đón chờ kết qủa bỏ phiếu như kỳ bầu cử lần này ».
Tờ báo lý giải, 4 năm cuồng phong của Trump đã làm thay đổi căn bản cục diện cũng như cách thức quan hệ quốc tế. Cũng như cuộc bầu cử Mỹ sẽ có người thắng người thua, phần còn lại của thế giới cũng sẽ có người hân hoan, kẻ thất vọng với kết quả của cuộc bầu cử ở Mỹ. Hôm nay có lẽ là ngày dài nhất của không chỉ nước Mỹ mà còn với cả thế giới.
Tin tổng hợp
(TTVN) – Ba tỉnh miền Trung Việt Nam gấp rút sơ tán dân trước bão số 10.
Quảng Nam, Quảng Ngãi và Thừa Thiên-Huế hôm nay 03/11/2020 đã có những biện pháp cấp tốc để đối phó với bão số 10 tức bão Goni. Quảng Nam yêu cầu người dân ở các vùng có nguy cơ sạt lở và lũ quét phải sơ tán trước 11 giờ ngày mai. Thừa Thiên-Huế cũng cho sơ tán, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương như người già, trẻ em, phụ nữ có con nhỏ, đồng thời gia cố các công sở, chuẩn bị hàng cứu trợ, kiểm tra các công trình thủy điện. Riêng Quảng Ngãi cho sơ tán dân vùng sạt lở tại ba huyện Sơn Tây, Minh Long, Sơn Hà trước 17 giờ ngày hôm nay. Theo dự báo, ngày mai mưa bão sẽ trút xuống từ Quảng Nam đến Bình Định, và chiều 05/11 bão số 10 sẽ vào đến vùng biển từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa, sau khi hoành hành ở Philippines.
(TT) – Ủy viên Bộ Chính Trị Nguyễn Văn Bình bị đề nghị kỷ luật.
Theo báo chí trong nước hôm nay 03/11/2020, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng trong kỳ họp thứ 49 đã đề nghị thi hành kỷ luật ông Nguyễn Văn Bình, trưởng ban Kinh tế Trung ương vì những « vi phạm nghiêm trọng » khi còn là thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam, « gây bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng ». Bên cạnh đó Ủy ban cũng đề nghị khai trừ đảng bà Hồ Thị Kim Thoa, nguyên thứ trưởng Bộ Công Thương.
(AFP) – Unesco : Số vụ sát hại nhà báo giảm nhưng thủ phạm ít bị trừng phạt.
Số lượng các nhà báo bị sát hại khi làm nhiệm vụ đã giảm xuống trong hai năm 2018 và 2019, nhưng các phóng viên phải đối mặt với mối đe dọa ngày càng cao, và thủ phạm hiếm khi bị trừng phạt. Unesco đã nhấn mạnh hiện trạng như trên trong báo cáo công bố ngày 02/11/2020. Trong hai năm qua có 156 nhà báo bị giết chết, tuy số lượng có giảm nhưng nghề báo vẫn nguy hiểm khi đa số bị sát hại không phải tại những vùng giao tranh, mà do đi làm phóng sự về tham nhũng, vi phạm nhân quyền, tội phạm môi trường, hối mại quyền thế, chưa kể bạo lực và quấy nhiễu trên mạng. Châu Mỹ la-tinh và vùng vịnh Caribê chiếm 31% các vụ sát hại nhà báo, châu Á-Thái Bình Dương 30%, nhưng chỉ có 13% trường hợp được đưa ra trước pháp luật.
(AFP) – Miến Điện : Nhà sư cực đoan ra đầu thú sau 18 tháng lẩn trốn.
Ashin Wirathu, một nhà sư Phật giáo, mang tư tưởng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, ngày 02/11/2020 ra đầu thú trước cảnh sát Rangun sau 18 tháng lẩn trốn lệnh truy nã nhắm vào ông, được ban hành hồi tháng 5/2019. Được tạp chí Mỹ Time từng đặt cho biệt danh là « Ben Laden Miến Điện », ông Wirathu, 52 tuổi, nổi tiếng vì tuyên truyền sự thù hận nhắm vào cộng đồng Hồi Giáo tại Miến Điện, có số đông theo đạo Phật.
(AFP) – Trừng phạt CPI, Hoa Kỳ bị phản đối tại Liên Hiệp Quốc.
Theo sáng kiến của Đức, 72 nước thành viên có tham gia Quy chế Roma, trong một thông cáo chung công bố ngày 02/11/2020 tại Liên Hiệp Quốc, đã lên án các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhắm vào hai thành viên của Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (CPI). Đầu tháng 9/2020, chính quyền Donald Trump ban hành các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào hai lãnh đạo của định chế, trong đó có bà Fatou Bensouda, chưởng lý của CPI.
(AFP) – Giáo hoàng ủng hộ hôn nhân đồng tính ?
Vatican đính chính. Trong một tài liệu lưu hành nội bộ được gởi cho các sứ thần (đại sứ) của Tòa Thánh vào cuối tuần qua, Vatican xác định rằng giáo hoàng Phanxicô đã không hề đặt lại vấn đề về giáo điều của Giáo Hội Công Giáo về hôn nhân giữa một người nam và một người nữ. Trong một phim tài liệu được trình chiếu ngày 21/10 tại Lễ hội Điện ảnh Roma, giáo hoàng Phanxicô đã bảo vệ quyền có một gia đình giữa hai người đồng tính và các cặp này phải được pháp luật bảo vệ. Tuyên bố này khiến một bộ phận trong Giáo Hội Công Giáo sợ là giáo hoàng ủng hộ hôn nhân đồng tính.
(AFP) – Hồng Kông : Một phóng viên bị bắt.
Hôm nay, 03/11/2020, một nữ phóng viên Hồng Kông đã bị bắt trong khuôn khổ cuộc điều tra về một phim tài liệu mà nhà báo này đã thực hiện, nói về cuộc tấn công của những người theo chính quyền nhắm vào những người biểu tình đòi dân chủ. Vụ tấn công xảy ra tại trạm metro Yuen Long vào tháng 07/2019, đánh dấu một bước ngoặt trong phong trào biểu tình đã làm rung chuyển đặc khu hành chính này năm ngoái, khiến người dân càng thêm bất mãn với cảnh sát Hồng Kông.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201103-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 3/11
Thổ Nhĩ Kỳ ‘khấu đầu’ trước Bắc Kinh; Người Israel
đến mộ Thánh cầu nguyện cho ông Trump
Hải Lam
Mục lục bài viết
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ‘khấu đầu’ trước Bắc Kinh
Người Israel đến mộ Thánh cầu nguyện cho ông Trump
Thương vụ Mỹ bán trinh sát cơ cho Đài Loan sắp được duyệt
Chiến dịch TT Trump, Biden đối đầu tại bang Bắc Carolina
Philippines sắp hứng thêm bão
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Ba (3/11) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ‘khấu đầu’ trước Bắc Kinh
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm Chủ nhật (1/11) đã cúi đầu trước áp lực từ Bắc Kinh, khi xóa một dòng tweet có hình ảnh quốc kỳ Đài Loan mà ông đã đăng tải trước đó.
Vào chiều thứ Sáu (30/10), một trận động đất mạnh đã xảy ra ở Biển Aegean ngoài khơi tỉnh Izmir của Thổ Nhĩ Kỳ, khiến hàng chục người thiệt mạng, hơn 100 người bị thương.
Vào thứ Bảy (31/10), ông Erdogan đã đăng ba tweet, mỗi tweet bao gồm cờ của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ. Dòng tweet thứ ba có hình lá cờ Đài Loan. Tuy nhiên, đến ngày 1/11, dòng tweet này đột nhiên bị xóa.
Thời báo Đài Bắc đưa tin, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp hôm 2/10 phát biểu: “Theo thông tin mà văn phòng đại diện của chúng tôi tại Thổ Nhĩ Kỳ có được, đó là do sự can thiệp và áp lực của Trung Quốc”.
“Chúng tôi lên án sự can thiệp và đàn áp đáng tiếc của Trung Quốc đối với vấn đề hỗ trợ nhân đạo vốn không mang ý nghĩa chính trị”.
Bộ Ngoại giao Đài Loan khẳng định, hòn đảo sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, để thể hiện thiện chí của Đài Loan.
Người Israel đến mộ Thánh cầu nguyện cho ông Trump
Reuters đưa tin, trong buổi lễ tại mộ Thánh ở Bờ Tây hôm 2/11, các lãnh đạo di dân Do Thái hôm đã cùng cầu nguyện cho Tổng thống Trump tái đắc cử với lý do ông đã ủng hộ Israel.
“Chúng tôi đến để cầu phúc cho Tổng thống Trump, để cảm ơn ông vì những điều đã làm trong quá khứ và cũng cầu nguyện cho tương lai của ông rằng ông sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới”, Yishai Fleisher, phát ngôn viên của những người di cư Hebron, cho biết.
Một giáo sĩ Do Thái điều hành buổi lễ đã cầu nguyện cho Tổng thống Trump có thể tiếp tục nắm quyền “4 năm nữa”, đồng thời trích dẫn cam kết “bảo vệ người dân, nhà nước và vùng đất Israel” của ông chủ Tòa Bạch Ốc.
Tổng thống Trump hôm 15/9 đã chủ trì lễ ký kết thỏa thuận bình thường hóa quan hệ lịch sử giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain tại Nhà Trắng. Các thỏa thuận được coi là chiến thắng ngoại giao của Tổng thống Trump.
Bầu cử tổng thống Mỹ đã bước vào giai đoạn nước rút và hai ứng viên, ông Trump và ông Biden đang dồn hết lực vào các bang chiến trường trong phút chót.
Thương vụ Mỹ bán trinh sát cơ cho Đài Loan sắp được duyệt
Reuters dẫn các nguồn thạo tin hôm 2/11 cho biết, thương vụ bán bốn máy trinh sát cơ không người lái tinh vi của Hoa Kỳ cho Đài Loan đã vượt qua rào cản quan trọng trong Nghị viện và đang ở giai đoạn phê duyệt cuối cùng.
Thương vụ có trị giá 600 triệu USD, gồm 4 trinh sát cơ không người lái MQ-9 SeaGuardian, do General Atomics sản xuất, cùng trạm điều khiển ở mặt đất, phụ tùng, dịch vụ huấn luyện.
SeaGuardian có tầm hoạt động là 11.100 km. Trong khi đó, các UAV hiện hữu của Đài Loan có tầm hoạt động khoảng 250 km.
Do đó, SeaGuardian sẽ giúp Đài Loan tăng cường năng lực trinh sát trên phạm vi rộng lớn hơn, đồng thời có thể theo dõi các động thái, cơ sở quân sự, tên lửa của Trung Quốc đại lục.
Nếu thỏa thuận thành công, đây sẽ là thương vụ mua bán trinh sát cơ không người lái đầu tiên giữa Mỹ và Đài Loan.
Chiến dịch TT Trump, Biden đối đầu tại bang Bắc Carolina
Fox News đưa tin, Tổng thống Trump dự kiến tổ chức một cuộc vận động ở Fayetteville, Bắc Carolina vào sáng thứ Hai (2/11) theo giờ Mỹ, sau khi phát biểu trước những người ủng hộ ở Hickory, vào Chủ nhật. Ngoài ra, đệ nhất phu nhân Melania Trump sẽ vận động tranh cử tại Huntersville, vào chiều thứ Hai.
Phó Tổng thống Mike Pence đã tổ chức hai sự kiện ở Bắc Carolina vào thứ Bảy tuần trước (31/10) và vận động tranh cử ở Boone ở phía tây của bang vào Chủ nhật (1/11).
Trong một cuộc phỏng vấn trên “Fox News Sunday”, cố vấn cấp cao chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump, Corey Lewandowski dự đoán rằng ông Trump sẽ giành được chiến thắng ở bang Bắc Carolina cũng như Florida, Ohio, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin. Trong khi đó, những người đại diện của ông Joe Biden đang đổ xô đến Bắc Carolina với hy vọng rằng bang này sẽ từ chối đối thủ Donald Trump vào năm 2020 sau khi đã chọn ông vào năm 2016.
Ứng cử viên phó tổng thống của đảng Dân chủ, Thượng nghị sĩ Kamala Harris đã vận động tranh cử tại hai thành phố Bắc Carolina, Goldsboro và Fayetteville hôm Chủ nhật vừa rồi. Vợ của ông Biden, Jill Biden, và diễn viên hài Amy Schumer đã vận động ở thành phố Charlotte hôm thứ Bảy vừa rồi.
Philippines sắp hứng thêm bão
Theo Reuters, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm thứ Hai (2/11) cảnh báo nước này sắp phải đối phó bão Atsani đổ bộ vào cuối tuần này, khi số người chết do cơn bão mạnh nhất thế giới trong năm nay – Goni – đã tăng lên 20 người.
Atsani vẫn đang phát triển trên Thái Bình Dương, hiện có sức gió giật trên 80 km/h và có thể sẽ mạnh lên. “Nó không mạnh như Goni nhưng vẫn có thể gây nhiều thiệt hại”, ông Duterte nói.
Cơ quan Khí tượng, Địa lý và Thiên văn Philippines (PAGASA) dự báo sẽ có khoảng 2-3 cơn bão đổ bộ vào nước này trong tháng 11, cùng khoảng hai cơn bão trong tháng 12.
Goni là cơn bão nhiệt đới thứ 18 đổ bộ vào Philippines trong năm nay. Bão Goni quét qua các tỉnh phía nam thủ đô Manila của Philippines sáng 31/10 với sức gió 225 km/h và giật 315 km/h, khiến 20 người chết tại hai tỉnh miền trung Albay và Catanduane, san phẳng 20.000 căn nhà và làm hư hại một phần 55.000 ngôi nhà.
Điểm tin thế giới tối 3/11:
TT Trump – Biden hòa nhau sau 2 điểm bỏ phiếu đầu tiên;
Phó Tổng giám đốc Huawei đột tử tại Thâm Quyến?
Hải Lam
Mục lục bài viết
TT Trump – Biden hòa nhau sau 2 điểm bỏ phiếu đầu tiên
Phó Tổng giám đốc Huawei đột tử tại Thâm Quyến?
WHO cuối cùng đã thừa nhận Đài Loan chống dịch tốt
TT Trump kết thúc chiến dịch tranh cử: ‘Chúng ta sẽ giữ giấc mơ Mỹ vĩ đại’
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Ba (3/11) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
TT Trump – Biden hòa nhau sau 2 điểm bỏ phiếu đầu tiên
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ chính thức bắt đầu lúc 0h ngày 3/11 tại bang New Hampshire (12h giờ VN) khi người dân thị trấn Dixville Notch và Millsfield bỏ phiếu. Đây là hai trong ba thị trấn luôn duy trì truyền thống bỏ phiếu sớm nhất nước Mỹ từ 60 năm qua.
Theo Daily Mail, ở điểm bỏ phiếu đầu tiên là thị trấn Dixville Notch, ứng viên Joe Biden giành được 5 phiếu, trong khi Tổng thống Donald Trump không có phiếu bầu nào.
Tuy nhiên, tại thị trấn Millsfield, điểm bỏ phiếu thứ hai ở New Hampshire, TT Trump đã giành chiến thắng. 21 cử tri đi bầu, ông Trump giành được 16 phiếu, trong khi Biden được 5 phiếu. Trong cuộc bầu cử năm 2016, TT Trump cũng giành chiến thắng tại đây với 16 phiếu, còn ứng viên Hillary Clinton được 4 phiếu.
Các điểm bầu cử khác trên khắp nước Mỹ sẽ bắt đầu mở cửa từ 7h ngày 3/11 (19h theo giờ Việt Nam).
Phó Tổng giám đốc Huawei đột tử tại Thâm Quyến?
Hôm 2/10, The Irish Times đưa tin ông Joe Kelly, doanh nhân Ireland, Phó Tổng giám đốc Truyền thông của hãng viễn thông khổng lồ Huawei, đột nhiên qua đời ở Thâm Quyến, hưởng dương 55 tuổi. Tại thời điểm bài viết này được xuất bản, chính quyền Trung Quốc và Huawei vẫn chưa có hồi đáp chính thức về thông tin này.
Ông Kelly sống ở Thâm Quyến, Trung Quốc, nơi Huawei đặt trụ sở chính. Ông làm việc ở Huawei vào cuối năm 2012 với vai trò phó chủ tịch phụ trách truyền thông công ty, và đưa gia đình từ London đến Trung Quốc đại Lục.
Trước đó, ông đã giữ các vai trò tương tự cho một số công ty khác, bao gồm BT, Marconi và Xerox. Trước đây, ông từng là phóng viên về mảng kinh doanh và công nghệ cho một số ấn phẩm.
Khi xuất hiện thông tin về cái chết của ông Joe Kelly, nhiều cư dân mạng Trung Quốc bàn tán sôi nổi.
Năm xưa, khi doanh nhân người Anh Neil Heywood (liên quan đến vụ án Bạc Hy Lai) chết, không có ai nghi ngờ gì. Về sau, sự kiện Vương Lập Quân bị phanh phui, mới biết được ông ấy bị sát hại.” “Muốn
rút khỏi đoàn thể hắc bang ở cao tầng của Huawei, nhưng đâu có dễ thế. Khả năng là ông đã biết quá nhiều nên bị đột tử.”
Còn có cư dân mạng nói: “Với cấp bậc của ông, đều ngồi hạng thương gia. Ý là, lẽ nào về sau đã bị ‘giám sát’? Ông biết quá nhiều bí mật?”… “Ài, làm bệ đỡ cho ĐCSTQ thì làm sao có kết quả tốt đẹp”.
WHO cuối cùng đã thừa nhận Đài Loan chống dịch tốt
Taiwan News đưa tin, trong một cuộc phỏng vấn với Guardian được công bố vào thứ Hai (2/11), người phát ngôn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tiến sĩ Margaret Harris, đã ca ngợi Đài Loan xử lý tốt đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19).
Tiến sĩ Margaret Harris đã giải thích lý do tại sao WHO không khuyến nghị các quốc gia phong tỏa hoàn toàn. Thay vào đó, bà Harris đề xuất kiểm tra, truy dấu vết, cách ly và đề cập đến việc Đài Loan sử dụng các kỹ thuật này để tránh việc phong tỏa hoàn toàn.
Bà Harris chủ động ca ngợi Đài Loan là nơi có “sự quản lý tốt nhất”. Tuy nhiên, bà không đề cập đến Đài Loan là một quốc gia, mà là một trong những “nền kinh tế” châu Á kiểm soát virus tốt hơn. Dường như, điều này nhằm tránh sự tức giận của Bắc Kinh.
TT Trump kết thúc chiến dịch tranh cử: ‘Chúng ta sẽ giữ giấc mơ Mỹ vĩ đại’
Theo Breitbart, Tổng thống Donald Trump đã kết thúc chiến dịch vận động tranh cử năm 2020 bằng một sự kiện ở Grand Rapids, Michigan vào sáng sớm thứ Ba 3/11, và cam kết: “Chúng ta sẽ giữ giấc mơ Mỹ vĩ đại của mình”.
Ông Trump phát biểu: “Một phiếu bầu cho Biden chính là một sự trao chìa khóa vào chính phủ cho những người không thích các bạn, không tôn trọng các bạn và muốn cướp khỏi tay con cái các bạn giấc mơ Mỹ. Chúng ta có một giấc mơ Mỹ vĩ đại. Chúng ta sẽ không để nó xảy ra. Chúng ta sẽ không để điều đó xảy ra. Chúng ta sẽ giữ giấc mơ vĩ đại của chúng ta. Một lá phiếu cho Biden là một lá phiếu trao quyền kiểm soát chính phủ cho những người theo chủ nghĩa toàn cầu, những người cộng sản, theo chủ nghĩa xã hội, những kẻ đạo đức giả giàu có theo chủ nghĩa tự do và tất cả những kẻ muốn bịt miệng, kiểm duyệt, và trừng phạt các bạn”.
Ông tiếp tục: “Nếu mọi người muốn được an toàn, muốn phẩm giá của mọi người được tôn vinh, nếu mọi người muốn một cuộc sống được đối xử bằng đạo đức và sự tôn trọng, thì tôi đề nghị, ngày mai, mọi người hãy đến khu bầu cử và bỏ phiếu, bỏ phiếu, bỏ phiếu (cho tôi)”.
Tổng thống Trump nhấn mạnh: “Hãy nhớ những gì tôi đã nói bốn năm trước: Tôi chính là tiếng nói của các bạn và chúng ta sẽ ‘Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại’. Và đó chính là những gì chúng ta đang làm hiện nay”.
Tạp chí đặc biệt
Bầu cử tổng thống Mỹ 2020 : Những yếu tố quyết định
Thanh Hà
Hơn 230 triệu cử tri Mỹ được kêu gọi bầu lại tổng thống cho một nhiệm kỳ 4 năm. Trước thời hạn 03/11/2020, 95 triệu trong số này thi hành bổn phận công dân. Tỷ lệ cử tri tham gia lần này được dự trù cao kỷ lục. Đâu là những yếu tố quyết định phân chia thắng bại giữa hai ứng cử viên của Joe Biden và Donald Trump ?
Bốn năm trước, cuộc đọ sức giữa ứng viên Donald Trump của bên đảng Cộng Hòa và nữ ứng viên tổng thống Mỹ đầu tiên đại diện cho đảng Dân Chủ, Hillary Clinton, chỉ có sức thu hút 138 triệu cử tri. Lần này cử tri ồ ạt bỏ phiếu sớm, góp tiếng nói để định đoạt lấy tương lai Hoa Kỳ trong bốn năm sắp tới. Nhiều yếu tố giải thích cho hiện tượng cử tri Mỹ đã mau mắn thi hành nhiệm vụ công dân.
Yếu tố virus corona
Trước hết, đại dịch Covid-19 khiến mọi người lo xa, tránh hiện tượng các phòng phiếu bị quá tải trong ngày Thứ Ba đầu tiên của tháng 11 đúng theo truyền thống chính trị Hoa Kỳ. Cũng vì virus corona tới nay vẫn cướp đi sinh mạng, tính trung bình, của 1000 người mỗi ngày, cử tri có khuynh hướng chọn bỏ phiếu qua bưu điện, hạn chế sự tiếp xúc với những người khác tại các phòng phiếu.
Do tác động khủng hoảng y tế, báo New York Times thẩm định 76 % cử tri Mỹ có thể chọn giải pháp này. 45 trong số 51 bang tại Mỹ xem đây là một hình thức bỏ phiếu phổ thông.
Bưu điện Mỹ, nạn nhân của sự chiếu cố quá tận tình
Năm 2016, trên tổng số 138 triệu cử tri đi bầu, đã có 33 triệu (24 %) bỏ phiếu qua bưu điện. Báo New York Times chờ đợi lần này có « ít nhất 80 triệu » cử tri chọn bầu qua thư, lượng phiếu bầu gửi qua bưu điện năm nay tăng gần gấp 3 lần so với bốn năm trước. Thế nhưng ngân sách của cơ quan này để bảo đảm cho dịch vụ nói trên lại không tăng theo. Bưu điện Mỹ báo trước nguy cơ thư đến chậm, tức là không thể kiểm phiếu như dự kiến vào cuối ngày 03/11/2020 khi các phòng phiếu bắt đầu đóng cửa.
Trả lời RFI, giáo sư Christine Zumello chuyên về tình hình chính trị Mỹ giảng dậy tại đại học Paris Sorbonne Nouvelle trình bày về những thách thức đặt ra đối với bưu điện Mỹ khi phải xử lý hàng chục triệu phiếu bầu qua thư. Kèm theo đó là những hoài nghi của cả hai phe Dân Chủ và Cộng Hòa.
Christine Zumello : Bưu điện Mỹ là một cơ quan trực thuộc chính phủ và như tất cả mọi cơ quan công cộng khác, ngành bưu điện Mỹ có vấn đề về ngân sách. Tổng thống Donald Trump lại không sốt sắng giải ngân thêm cho cơ quan này để đối mặt với làn sóng cử tri chọn đi bầu qua đường bưu điện. Có nhiều khả năng những lá phiếu bầu này sẽ bị kẹt đâu đó trong các thùng thư ! Đây là điều mà cả bên đảng Dân Chủ lẫn Cộng Hòa cùng lo ngại nhưng mỗi bên vì những lý do khác nhau. Phe Cộng Hòa cho rằng bỏ phiếu qua bưu điện sẽ dẫn đến gian lận và sẽ không kiểm soát xuể các lá phiếu của cư tri đi qua ngả này. Điều đó có nghĩa là sẽ có những tiếng nói không được công nhận trong cuộc bầu cử lần này và phe Cộng Hòa nghĩ rằng kết quả chung cuộc sẽ bất lợi cho ông Trump. Ngược lại bên Dân Chủ thì nghĩ là sở bưu điện đã không có đủ phương tiện để vận chuyển những lá phiếu của người dân đến đúng thời hạn kiểm phiếu. Mà thông thường thì cử tri của bên Dân Chủ hăng hái bỏ hiểu qua bưu điện hơn so với cử tri của bên đảng Cộng Hòa.
Hoa Kỳ đang đứng trước một cuộc bỏ phiếu qua đường bưu điện quy mô chưa từng thấy, và đây là bài toán trắc nghiệm chưa bao giờ xảy ra. Do vậy có rất nhiều lời đồn đoán, những kịch bản tưởng tượng cho rằng bầu qua bưu điện đồng nghĩa với việc gian lận. Kế tới, hiện tượng bỏ phiếu qua bưu điện đang gây ra nhiều hoang mang và lo sợ. Trên Twitter Donald Trump viết : « Tất nhiên là những lá phiếu này chống lại tôi, đó là một sự gian lận ». Cũng phải nói là từ trước tới nay tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu chọn tổng thống ở Mỹ luôn rất thấp, do vậy cả Donald Trump lẫn bên đảng Dân Chủ của Joe Biden cùng hoang mang không biết số cử tri này sẽ bỏ phiếu cho ai ».
Y tế và bất công xã hội có lợi cho phe nào ?
Vào lúc hai phe Cộng Hòa và Dân Chủ tập trung vào lá phiếu gửi qua đường bưu điện, những bất bình đẳng trong xã hội Mỹ là một yếu tố mang tính quyết định không kém. Trả lời RFI tiếng Việt giáo sư Thérèse Rebière, Trường Kỹ Nghệ Quốc Gia Pháp, CNAM, nêu bật yếu tố bất công trong xã hội Mỹ và kết quả bầu cử tổng thống lần này :
Thérèse Rebière : « Những bất bình đẳng trong xã hội Mỹ cũng là những bất bình đẳng về chủng tộc. Nếu nhìn vào mức lương thì thu nhập của cộng đồng da đen ở Hoa Kỳ thấp hơn rất nhiều so với người Mỹ da trắng. Ngoài ra cách biệt này có khuynh hướng tăng lên thêm, nhưng phải lưu ý rằng hiện tượng này không bắt nguồn từ dưới chính quyền Trump mà đã xuất phát từ 2010 tức là khi nước Mỹ bắt đầu thoát khỏi khủng hoảng tín dụng địa ốc subprime 2007/2008. Trong giai đoạn kinh tế Mỹ phục hồi từ 2010 các bất bình đẳng trong xã hội cũng tăng theo ».
Vậy thì hai ứng viên của đảng Cộng Hòa và Dân Chủ, bên nào sẽ tranh thủ được lá phiếu của những thành phần bất mãn về chênh lệnh giàu nghèo và những bất bình đẳng trong xã hội đó ? Giáo sư Rebière cho rằng câu trả lời phức tạp hơn bức tranh mà truyền thông thường muốn đưa ra :
Thérèse Rebière : « Những bất bình đẳng đó có thể là những yếu tố quyết định khi cử tri đến phòng phiếu, nhưng lá phiếu của họ hoàn toàn có thể được dành cho bất kỳ bên nào. Tình hình tháng 11/2020 giờ đây không còn như hồi cuối năm ngoái. Một năm trước đây các chỉ số kinh tế hoàn toàn có lợi cho tổng thống mãn nhiệm Donald Trump. Chưa bao giờ số người nghèo trên toàn quốc lại rơi xuống mức thấp như hồi cuối 2019, dao động ở mức 10,5 %. Ngay cả cộng đồng thiểu số da màu cũng đã thịnh vượng hơn, kể cả cộng đồng người Mỹ da đen và thiểu số nói tiếng Tây Ban Nha. Công bằng mà nói khuynh hướng này đã bắt đầu xuất hiện từ dưới thời tổng thống Obama, nhưng đây là một lập luận tranh cử để kiếm phiếu của ông Donald Trump ».
Thế nhưng bức tranh tươi sáng đó đã bị một con siêu vi phá hỏng : tỷ lệ thất nghiệp cuối năm ngoái đang ở mức thấp nhất kể từ 50 năm qua đã tăng vọt lên 14,7 % vào tháng 4/2020. Hàng chục triệu người bị mất việc trong một sớm một chiều.
Thérèse Rebière : « Vâng, đúng như vậy virus corona đã hoàn toàn làm thay đổi cục diện của nước Mỹ. Trung tâm kiểm dịch từ tháng 7 đã báo động rằng nguy cơ một người Mỹ gốc Phi bị nhiễm và phải nhập viện cao hơn so với trong cộng đồng da trắng. Bất bình đẳng ở đây không chỉ về mặt kinh tế, xã hội mà kể cả về mặt y tế nữa. Dân mà càng nghèo thì tác động của Covid-19 đối với sức khỏe của họ càng tai hại, các triệu trứng nghiêm trọng càng thấy rõ ».
Vào lúc công luận Mỹ phẫn nộ vì kinh tế ảm đạm, vì đại dịch Covid-19, liệu cử tri có dễ dàng dồn phiếu cho ứng cử viên của đảng đối lập, bất luận người đó là ai hay không ?
Thérèse Rebière : « Một phần của thế giới đang mong mỏi điều đó. Sẽ là điều ngạc nhiên nếu như những tâm trạng chán ngán Trump không dồn phiếu cho đối thủ của ông ta bất kể người ấy là ai. Nhưng đừng quên rằng có một thành phần cử tri nòng cốt hết sức trung thành với Trump. Trong số này bao gồm cả những người nghèo, người giàu, người da trắng cũng như da màu. Số này tin chắc như đinh đóng cột rằng ông Trump mới là người của tình huống. Chỉ có ông ấy mới vực dậy được kinh tế Hoa Kỳ và ông ấy là tác giả của những thành quả kinh tế tốt đẹp mà nước Mỹ đã có được cho đến cuối năm 2019, trước khi dịch Covid-19 cuốn trôi đi tất cả. Họ cũng tin rằng, trong tình cảnh khó khăn hiện nay, cũng chỉ có Trump mới đủ sức đảo ngược thế cờ. Đây chính là lý do giải thích hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ có hai cái nhìn trái ngược hẳn về virus corona.
Bên Dân Chủ cho rằng phải cứu lấy mạng người trước đã và y tế có ổn định thì kinh tế mới được phục hồi. Trái lại phe của ông Trump thì cho rằng, kinh tế sẽ được khởi động trở lại, Mỹ sẽ thịnh vượng lại như hồi cuối 2019, tỷ lệ thất nghiệp sẽ lại rơi xuống mức thấp nhất từ trước tới nay. Vì vậy mà phe này dứt khoát bác bỏ mọi khả năng tái phong tỏa, giữ mức hoạt động kinh tế bằng mọi giá bất chấp virus corona chủng mới đang hoành hành ».
Sự hăng hái và đam mê của cử tri thách thức truyền thông Mỹ
Đặc điểm thứ ba của mùa bầu cử tổng thống Hoa Kỳ lần này là sự hăng hái khác thường của cổ động viên ủng hộ hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa. Điều này chính là thách thức lớn đối với truyền thông Hoa Kỳ. Nhà báo Võ Thành Nhân, giám đốc điều hành chi nhánh của hệ thống truyền hình SBTN tại thủ đô Washington cho biết về kinh nghiệm và những điều mà các phóng viên tại chỗ ghi nhận trong những lần tác nghiệp :
Phỏng vấn nhà báo Võ Thành Nhân- SBTN Washington DC
Nhà báo Võ Thành Nhân : « Số người trẻ đi bầu sẽ là một kỷ lục. Covid-19 khiến mọi người thấy trách nhiệm của mình với cuộc bầu cử này quan trọng hơn (…) Trong những lần làm phóng sự, chúng tôi vận động trong cộng đồng Việt Nam tránh để xảy ra những xung đột hay va chạm vì mỗi bên bênh vực nhiều quá cho ứng cử viên của mình. (…) Sau bầu cử, chắc chắn chúng ta phải chấp nhận kết quả, cho dù là ai đắc cử đi chăng nữa. Ai là tổng