Đọc báo Pháp – 02/05/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 02/05/2019

Ngày Quốc Tế Lao Động tại Pháp:

An ninh đảm bảo, chính phủ thở phào

Trọng Thành

Tình hình ngày Quốc Tế Lao Động mùng 1 tháng Năm 2019, hôm qua, là tâm điểm báo chí Pháp ngày 02/05/2019. « Chính phủ thở phào nhẹ nhõm » (Le Figaro), mưu toan phá phách, bạo động về cơ bản « bị vô hiệu hóa »(Libération), nhiều đụng độ, nhưng « không đáng kể » so với bạo lực hồi Quốc Tế Lao Động hồi năm ngoái (Les Echos) là tựa chính của một số báo.

Tình hình đặc biệt căng thẳng tại Paris, Le Figaro ghi nhận không khí lạ lùng của ngày Quốc Tế Lao Động tại Paris, khi « hoa linh lan trắng » – một biểu tượng ngày hội của người lao động – chìm trong khói lựu đạn cay. Các lời kêu gọi « Cách mạng ! Cách mạng ! » vang dội ngay từ 10 giờ sáng, tức nhiều tiếng đồng hồ trước thời điểm tuần hành chính thức bắt đầu.

Riêng Paris, khoảng 7.400 cảnh sát và hiến binh được huy động, so với 1.500 người hồi năm ngoái. Theo bộ Nội Vụ, khoảng 28.000 người xuống đường ở Paris, 40.000 theo báo chí, và 80.000 theo nghiệp đoàn CGT.

« Ngày mùng 1 tháng Năm căng thẳng » là tựa lớn trang nhất của La Croix, với nhận định : « tại Paris, một số va chạm đã xảy ra giữa nhiều phần tử cực đoan và lực lượng an ninh cản trở cuộc tuần hành, với Áo Vàng là thành phần nổi bật ».

« Vàng » át « Đỏ »

La Croix cũng có bài « Tại Paris, một ngày mùng 1 tháng Năm, Vàng át Đỏ ». « Vàng » để chỉ những người tranh đấu Áo Vàng, còn « Đỏ » để chỉ giới tranh đấu nghiệp đoàn. Tờ báo Công Giáo phân biệt rõ những người Áo Vàng hiện diện đông đảo trong cuộc tuần hành của các nghiệp đoàn, với một số phần tử « Áo Vàng » chống nghiệp đoàn, sẵn sàng tham gia vào các hành động phá phách cùng với các nhóm Áo Đen bịt mặt.

Xã luận của La Croix với tựa đề « Ý nghĩa của một ngày hội » đứng về phía các nghiệp đoàn, lo ngại ngày Lao Động Quốc Tế không khí hội hè, tranh đấu trong hòa bình và thân ái, bị bạo lực phá hỏng. Tuy nhiên, Paris đã không biến thành « thủ đô của bạo động », hay « ngày Tận thế » như một số đe dọa.

Bài « Chính phủ thở phào sau cuộc biểu tình nằm trong tầm kiểm soát » của Le Figaro chia sẻ nỗi lo của bộ trưởng Nội Vụ Christophe Castaner trước ngày mùng 1 tháng Năm. Hôm qua, bộ trưởng Nội Vụ đã trực tiếp nói chuyện qua điện thoại với lãnh đạo công đoàn thiên tả CGT, Philippe Martinez, để trao đổi về nguy cơ một số phần tử « Áo Vàng » phối hợp với các nhóm Black Bloc gây hỗn loạn. Theo Le Figaro, chính lực lượng an ninh đông đảo được huy động đã cho phép tránh được « hỗn loạn ».

Cảnh sát được khen ngợi

Libération cũng đặc biệt chú ý đến tình thế nguy hiểm cao độ đối với tổng thống Emmanuel Macron. Hồi tuần trước tổng thống Pháp vừa thông báo một loạt biện pháp nhằm tăng sức mua, đáp ứng các đòi hỏi của tầng lớp trung lưu và dân nghèo, nhằm chấm dứt cuộc phản kháng Áo Vàng, phong trào xã hội chưa từng có, kéo dài từ nửa năm nay. Nếu ngày Quốc Tế Lao Động hôm qua kết thúc trong hỗn loạn, uy tín của tổng thống sẽ bị tổn thương nặng nề.

Tờ báo thiên tả Libération cũng khen ngợi lực lượng cảnh sát đã có các biện pháp xử trí hợp lý, cho phép giới hạn thiệt hại. Bài « Black Bloc xì hơi, cảnh sát yên lòng » cho biết, với việc chọn đúng địa điểm để can thiệp, theo dõi sát sao, kiểm soát trước để ngăn chặn…, cảnh sát về cơ bản đã không cho phép các phần tử cực đoan rảnh tay hoành hành. Tổng cộng đã diễn ra gần 20.000 trường hợp kiểm soát ngăn chặn, 336 trường hợp câu lưu. Tuy nhiều va chạm diễn ra, nhưng rốt cục, chỉ có 33 trường hợp bị thương nhẹ, về phía người biểu tình. Về phía cảnh sát có 5 người bị thương, trong đó có một bị thương nặng.

Thu hút nhiều giới trẻ

Một lý do khác khiến tình hình ít nghiêm trọng hơn là chỉ có khoảng 500 phần tử cực đoan hiện diện tại Paris ngày hôm qua, so với từ 1.500 đến 2.000 theo dự báo của bộ Nội Vụ.

Tuy nhiên, có nhiều bất bình từ về phía các công đoàn. Theo Les Echos, lãnh đạo công đoàn CGT đã lên án việc đoàn tuần hành bị kẹt trong cuộc đối đầu giữa cảnh sát và các phần tử cực đoan, bản thân lãnh đạo CGT, đứng trên hàng đầu cuộc tuần hành, cũng bị tấn công bằng lựu đạn khói, buộc phải tạm rời khỏi đoàn. Đích thân bộ trưởng Nội Vụ đã gửi lời hỏi thăm sức khỏe lãnh đạo CGT.

Nhìn chung, theo Les Echos, cuộc tuần hành Quốc Tế Lao Động năm nay thu hút giới trẻ nhiều hơn, mang không khí hội hè nhiều hơn các cuộc tuần hành nghiệp đoàn truyền thống. Bài « 99% mọi người đến đây là để biểu tình » của Libération thì nhấn mạnh là, « bất chấp không khí bạo lực, cuộc hẹn của các nghiệp đoàn dù sao cũng đã thành công… Đây là dịp các nhà tranh đấu công đoàn kết nối với giới Áo Vàng ».

Còn theo La Croix, trong cuộc tuần hành của các công đoàn thiên tả, từ Montparnasse đến quảng trường Place d’Italie, hay cuộc tập hợp của các công đoàn « cải cách » tại quảng trường Ordéon, đều xuất hiện các yêu sách xã hội đi liền với các đòi hỏi hành động khẩn cấp vì môi trường, sinh thái.

Venezuela : Guaido không thu hút được Quân đội,

nhưng chính quyền phân hóa

Tình hình Venezuela ngày trước ngày Quốc Tế Lao Động là một tâm điểm thời sự khác của báo chí Pháp. Nhật báo La Croix có bài : « Bạo lực và tình trạng không rõ ràng ở Caracas » cho biết lãnh đạo đối lập Juan Guaido đang tìm cách cô lập dần dần tổng thống Nicolas Maduro, để buộc quân đội phải nhường bước.

Ngày 30/04, một hôm trước ngày hành động toàn quốc mùng 1 tháng 5, đối lập Venezuela thông báo đã nhận được sự ủng hộ của một nhóm quân nhân. Nhiều cuộc tập hợp phản đối chính quyền diễn ra tại khoảng 65 thành phố trên cả nước. Đàn áp khiến tổng cộng hơn 100 người bị thương, một người thiệt mạng.

Chính quyền Maduro lên án cuộc đảo chính bị phá vỡ và đe dọa truy tố các thủ phạm. Tuy nhiên, lãnh đạo đối lập bác bỏ cách mô tả tình hình của chính quyền Maduro. Ngược lại, theo đối lập Venezuela, không hề có « nổi dậy vũ trang » hay đảo chính vào ngày 30/04, mà chỉ có một số quân nhân tham gia vào hàng ngũ phong trào phản kháng. Dường nhưkhó xác định rõ thực hư ra sao tại Venezuela hiện tại, đất nước mà theo La Croix, « thông tin xác thực cũng trở nên khan hiếm như bột và trứng ».

Libération thì đặc biệt chú ý đến việc mọt lãnh đạo nổi tiếng khác của đối lập, ông Leopold Lopez, đối thủ đáng gờm của tổng thống Maduro vừa được giải thoát khỏi nơi quản thúc.

Trung Quốc : Tập Cận Bình muốn giới trẻ phải « yêu nước và vâng lời »

Phải chăng Bắc Kinh long trọng kỷ niệm Phong Trào Ngũ Tứ (04/05/1919) vì 2019 là tròn 100 năm hay muốn đánh lạc hướng công luận, đặc biệt là giới trẻ Trung Quốc về vụ đàn áp Thiên An Môn, xẩy ra cách nay 30 năm, mà thế giới và đặc biệt là Hồng Kông sẽ kỷ niệm vào đầu tháng Sáu tới đây ? Theo báo Le Monde, trong bài « Tập Cận Bình muốn giới trẻ Trung Quốc phải yêu nước và vâng lời », quả thực là lễ kỷ niệm Phong trào Ngũ Tứ diễn ra trong bối cảnh

sắp đến ngày xẩy ra vụ đàn áp Thiên An Môn, một chủ đề cực kỳ nhậy cảm đối với chế độ Bắc Kinh.

Trong bài diễn văn dài gần một tiếng đồng hồ trong lễ kỷ niệm 100 năm Phong trào Ngũ Tứ, ở Bắc Kinh, ngày 30/04 vừa qua, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại một lần nữa nhắc lại những đòi hỏi của đảng Cộng Sản Trung Quốc đối với giới trẻ nước này : « Trong đất nước Trung Hoa ngày nay, điều cốt lõi của tinh thần yêu nước là kết hợp tình yêu đất nước với tình yêu Đảng và chủ nghĩa xã hội ». Điều đáng chú ý là trong diễn văn của mình, lãnh đạo Trung Quốc không hề nhắc đến đòi hỏi chính của giới trẻ trong Phong trào Ngũ Tứ : Đó là dân chủ.

Cách nay 30 năm, giới trẻ tại Thiên An Môn cũng đòi dân chủ và đã bị chính quyền thẳng tay đàn áp. Đối với giới lãnh đạo Trung Quốc hiện nay, giới trẻ cần nghe theo lời Đảng và đi trên con đường mà Đảng vạch ra.

Cùng chủ đề này, trong bài « Khi Tập Cận Bình ca ngợi một phong trào của sinh viên », báo Les Echos cho biết lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi nghiên cứu tầm quan trọng lịch sử của Phong trào Ngũ Tứ, nhằm khuyến khích giới trẻ tham gia không mệt mỏi vào việc phục hưng đất nước. Theo tờ báo, việc tiến hành kỷ niệm Phong trào Ngũ Tứ diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường kiểm soát tư tưởng trong giới giảng viên, sinh viên đại học, tiến hành bắt giữ nhiều sinh viên « mác-xít » chỉ vì họ ủng hộ các đòi hỏi của công nhân và thanh trừng nhiều giảng viên vì thái độ phê phán chính quyền.

Pháp : Bercy đàm phán « thuế ưu đãi »

 với các doanh nghiệp

Trở lại nước Pháp, một tuần sau khi tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố giảm thuế thu nhập khoảng 5 tỉ euro cho dân Pháp, hôm nay, bộ Kinh Tế Pháp (Bercy) tiếp đại diện giới chủ các doanh nghiệp nhằm thảo luận về việc giảm bớt các ưu đãi về thuế, để bổ sung cho nguồn tài chính của Nhà nước. « Giảm thuế ưu đãi : các doanh nghiệp dưới áp lực của chính phủ » là chủ đề trang nhất của Les Echos.

Báo Les Echos cho biết, tổng các ưu đãi thuế dành cho các doanh nghiệp lên tới khoảng 40 tỉ euro, như miễn cho giới chủ một số khoảng đóng góp xã hội, giảm thuế giá trị gia tăng, bù đắp thuế tiêu dùng các sản phẩm năng lượng… Như Les Echos dự báo, cuộc đàm phán sẽ cam go vì giới chủ cho rằng các ưu đãi về thuế là nhằm bù đắp lại việc mức thuế ở Pháp đánh các doanh nghiệp khá cao. Do vậy, giới chủ có thể chấp nhận giảm bớt các loại thuế ưu đãi này, nhưng đổi lại, chính phủ phải xem xét lại một số loại thuế đánh vào hoạt động sản xuất, như ngành nghề, theo khu vực vùng miền…

Theo cùng chủ đề, cũng trên báo Les Echos, bài « Những hạn chế của việc truy tìm các ưu đãi thuế » để hủy bỏ, cho rằng có thể xem xét lại và hủy bỏ một số ưu đãi về thuế có ít tác dụng hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng chiến lược này cần phải được thực hiện trong khuôn khổ của chính sách giảm thuế nói chung đối với các doanh nghiệp. Sở dĩ có nhiều loại thuế ưu đãi như vậy, vì Pháp, so với các nước châu Âu khác, có mức thuế rất cao đánh vào các phương tiện sản xuất. Cần tránh tình trạng « đưa bằng tay trái, rồi lấy lại bằng tay phải ». Mặt khác, khi tiến hành rà soát lại các loại thuế ưu đãi để giảm bớt hoặc hủy bỏ, nhất thiết phải chú ý tới các loại thuế có thể đưa ra những tín hiệu trái ngược với mục tiêu giảm phát thải khí CO2.

Về phương pháp, việc điều chỉnh các loại thuế ưu đãi này cần phải được thực hiện từng bước, bởi vì mọi biện pháp nhanh vội, phũ phàng, có thể gây ra những tổn hại đối với các hoạt động sản xuất và việc làm.

http://vi.rfi.fr/phap/20190502-quoc-te-lao-dong-an-ninh-dam-bao-chinh-phu-tho-phao

 

Tin đọc nhanh

(AFP) – Nga ban hành luật về chủ quyền Internet đầy tranh cãi. 

Ông Putin đã ký ban hành luật này ngày 01/05/2019, theo đó Nga có quyền ngắt truy cập Internet khỏi các máy chủ nước ngoài. Văn kiện được công bố trên cổng thông tin chính thức của nước Nga, cho biết là luật sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ tháng 11 tới đây. Luật được trình bày như là một phương tiện bảo đảm an ninh tin học, cho phép các trang web Nga vận hành không cần đến máy chủ ở nước ngoài. Luật này bị giới chỉ trích cho là một phương tiện giúp chính quyền tăng cường quyền kiểm soát mạng Internet.

(AP) – Một Cựu nhân viên CIA nhận tội làm gián điệp cho Trung Quốc. 

Ông Lý Chấn Thành (Jerry Chun Shing Lee), 54 tuổi, một cựu nhân viên tình báo CIA, đã nhận tội trước tòa án liên bang Alexandria ngày 01/05/2019. Ông bị truy tố về tội chuyển các thông tin về quốc phòng của Mỹ cho tình báo nước ngoài (ở đây là Trung Quốc). Là một người Hồng Kông nhập tịch Mỹ, Lý Chấn Thành làm việc cho CIA trong 13 năm. Theo bản cáo trạng, vào năm 2010, Lý Chấn Thành đã bị gián điệp Trung Quốc móc nối và cấp tiền cho ông nếu ông hợp tác.

(AFP) – Quốc Vương chính thức kết hôn và sắc phong hoàng hậu. 

Công Báo Hoàng Gia Thái Lan ngày 01/05/2019 cho biết bà Suthida Vajiralongkorn Na Ayudhya, nguyên là một nữ tiếp viên hàng không, hiện là đại tướng chỉ huy lực lượng cận vệ của Quốc Vương Thái Lan đã kết hôn với nhà vua “theo đúng luật pháp và truyền thống”. Thông cáo cho biết thêm là quốc vương Vajiralongkorn đã “phong cho tướng Suthida Vajiralongkorn Na Ayudhya làm Hoàng Hậu Suthida”. Quyết định lập hoàng hậu của nhà vua Thái Lan được xem là một động thái bất ngờ, vài hôm trước lúc ông chính thức đăng quang.

(AFP) –Tư Pháp Anh xem xét yêu cầu của Mỹ cho dẫn độ Julian Assange. 

Việc cho dẫn độ nhà đồng sáng lập trang mạng WikiLeaks được tòa án Westminter, Luân Đôn, xem xét vào hôm nay, 02/05/2019. Tư Pháp Mỹ đã quy tội Assange tham gia băng đảng nhằm mục tiêu “tin tặc” và ông có thể bị 5 năm tù giam. Những người ủng hộ Assange e ngại một khi dẫn độ sang Mỹ thì ông có thể bị ghép vào những tội khác nữa. Vào hôm qua, ông Julian Assange đã bị tòa án Luân Đôn Southwark phạt 50 tuần lễ tù giam vì đã vi phạm những quy định về tự do có điều kiện.

(AFP) – Luật Helms-Burton: Liên Hiệp Châu Âu sẽ có phản ứng. 

Hôm nay, 02/05/2019, lãnh đạo ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu Federica Mogherini tuyên bố là khối này sẽ có phản ứng về việc luật Helms-Burton sẽ có hiệu lực toàn phần kể từ hôm nay. Luật này cho người Cuba lưu vong tại Hoa Kỳ được quyền kiện ra trước các tòa án liên bang những công ty nào đã thu lợi nhờ những công ty bị quốc hữu hóa sau năm 1959, tức là sau Cách mạng Cuba. Theo bà Mogherini, việc áp dụng luật Helms-Burton là « trái với luật pháp quốc tế ».

(AFP) – Giáo viên Florida sẽ được mang súng trong lớp. 

Nghị viện của bang Florida, Hoa Kỳ hôm qua, 01/05/2019, đã thông qua một luật cho phép các giáo viên được mang súng trong lớp, một biện pháp gây rất nhiều tranh cãi, mà hiệu quả vẫn chưa được chứng minh. Mục tiêu của luật này là nhằm tránh những vụ thảm sát trong trường học, như vụ xảy ra ngày 14/02/2018, khi một cựu học sinh bắn chết 17 người tại trường trung học ở Parkland.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190502-tin-doc-nhanh