Đọc báo Pháp – 02/01/217
Le Monde: Ông Putin
mới thực sự là nhân vật của năm 2016
Nếu Donald Trump “độc chiếm trang nhất thời sự” năm qua, thì theo Le Monde, tổng thống Nga Vladimir Putin mới thực sự nhân vật của năm 2016.
Trong bài xã luận có tiêu đề “Vladimir Putin, nhân vật của năm”, Le Monde nhận định cuộc đua đường dài mà tổng thống Putin dẫn dắt 16 năm nay để đưa nước Nga quay trở lại vị thế trung tâm thế giới đã bắt đầu thu được những kết quả ngoạn mục đầu tiên.
Ở Trung Đông, ông chủ điện Kremlin đã thắng mọi ván bài. Tranh thủ sự lui bước của nước Mỹ dưới thời Obama, rồi sau đó, tận dụng giai đoạn chuyển giao quyền lực nhạy cảm – giai đoạn mà tổng thống sắp mãn nhiệm Obama không còn đưa ra nhiều sáng kiến, trong khi tổng thống tân cử Donald Trump thì vẫn chưa chính thức nắm quyền lãnh đạo Nhà Trắng, tổng thống Nga muốn tái lập lại cân bằng ở khu vực Trung Đông.
Ngày 29/12/2016, 1 tuần sau khi quân đội Syria chính thức giành lại thành phố Aleppo từ lực lượng nổi dậy, lệnh hưu chiến tại Syria đã được thông báo. Nhưng nếu những lần hưu chiến trước do Nga thương lượng với Mỹ, thì lần này, Vladimir Putin chọn Thổ Nhĩ Kỳ làm đối tác. Nước Mỹ bị Vladimir Putin loại ra khỏi cuộc chơi. Thêm vào đó, cuộc đàm phán về hòa bình ở Syria giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và tổng thống Syria Bachar Al Assad vào tháng Giêng sẽ diễn ra ở Astana, Kazakhstan, một khu vực thuộc ảnh hưởng của Nga. Hoa Kỳ, châu Âu và Liên Hiệp Quốc dường như chỉ còn là “bù nhìn” trong mắt Putin.
Không chỉ ở Trung Đông mà ở các khu vực khác trên thế giới, tổng thống Nga Vladimir Putin cũng cũng có được một số ảnh hưởng nhất định. Ở châu Á, Putin xích lại gần với Trung Quốc và Nhật. Ở châu Âu, tổng thống Nga đã thay đổi được thái độ thù nghịch của nhiều đảng chính trị, chính trị gia và đã thiết lập mối quan hệ với những tổ chức chính trị và những người có thiện cảm với Putin.
Và cuối cùng, ông chủ điện Kremlin – một cựu điệp viên Xô Viết theo kiểu cổ điển – đã tìm cách thay đổi đường lối hoạt động gián điệp. Hiện giờ, nhà chức trách Mỹ đã chắc chắn về trách nhiệm của Matxcơva trong việc ăn cắp thông tin từ hòm thư điện tử của đảng Dân Chủ và các cộng sự của ứng viên Hillary Clinton, cũng như trong việc phát tán các thông tin này trong thời gian vận động tranh cử tổng thống Mỹ. Sự can thiệp của một thế lực nước ngoài vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ như vừa qua là chưa từng có, và không thể bị xem nhẹ vì nó nhắm đến hoạt động của nền dân chủ. Mới đây, nhiều cơ quan tình báo châu Âu cũng đã phải tăng cường cảnh giác nhằm đề phòng các đe dọa tương tự tới chiến dịch bầu cử năm nay ở châu Âu, đặc biệt là Pháp và Đức.
Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm đã quyết định trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga và ban hành các biện pháp khác để trừng phạt Matxcơva. Còn Donald Trump, người sẽ chính thức nhậm chức tổng thống vào ngày 20/01, thì vẫn công khai ủng hộ Putin. Nhưng nhật báo Le Monde cảnh báo là thực tế quyền lực và thách thức từ Nga có thể sẽ làm ông Donald Trump phải “mở mắt” sớm hơn so với ông ta nghĩ.
5 thách thức chờ đón năm 2017
Hôm nay, nhiều tờ báo Pháp quan tâm dự báo những điều đang chờ đón năm 2017. Trong bài viết « 5 thách thức cho năm 2017 », nhật báo Công Giáo La Croix nhận định 8 năm sau khi khủng khoảng tài chính và « Đại Suy Thoái » bùng nổ, phục hồi kinh tế thế giới vẫn đang trong tình trạng bấp bênh và không đồng đều ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Tờ báo đặt câu hỏi liệu kinh tế thế giới có tăng trưởng bền vững vào năm 2017 như nhiều người mong đợi?
Theo dự báo kinh tế thế giới mà Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế công bố hồi tháng 11/2016, tình hình năm 2017 sẽ không được khả quan cho lắm. Tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2017 có lẽ chỉ có thể đạt mức 3,4% (so với tăng trưởng 3,1% vào năm 2016), và chủ yếu là nhờ vào tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Nga và Brazil. Còn tại các nền kinh tế đã phát triển thì « vết sẹo » mà cuộc khủng hoảng để lại vẫn còn khá rõ, theo đánh giá của các chuyên gia của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế.
Từ chiến dịch tranh cử của Donald Trump với lời hứa đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại cho tới việc Bắc Kinh định hướng lại mô hình kinh tế, từ khả năng Liên Hiệp Châu Âu thương lượng về Brexit cho tới các cuộc bầu cử tới đây tại Pháp và Đức với các đường hướng chính trị mà chưa ai nắm rõ, trong khi tại châu Phi, bùng nổ dân số có thể là cơ may mà cũng có thể một mối nguy : các thách thức mà thế giới phải đối mặt là vô cùng lớn. Nhưng theo Le Monde, đây không phải là những thách thức không thể vượt qua, với điều kiện là các nhà lãnh đạo phải có được các quyết sách đúng đắn. Và phải có ngay « chiến lược toàn cầu, gắn kết và có sự phối hợp », để tránh thế giới sa vào « tình trạng trì trệ lâu dài và ngày càng rõ ràng ».
Người tị nạn : con số cao kỷ lục
« Số người tị nạn trên thế giới chưa bao giờ cao đến như vậy » là nhận xét của báo kinh tế Les Echos. Hiện nay, trên toàn thế giới có tổng cộng 21 triệu người tị nạn. Tuy nhiên, theo Les Echos, chính phủ các nước chưa quan tâm đúng mức tới vấn đề này.
Cuộc khủng hoảng di dân và người tị nạn trong giai đoạn 2005-2015 là cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử thế giới. Sự mất ổn định của chính quyền Libya sau cái chết của lãnh đạo Kadhafi và các cuộc đàn áp phe đối lập của tổng thống Bachar Al Assad ở Syria đã buộc hàng trăm ngàn gia đình phải đi lánh nạn. Đó là chưa kể tới 500.000 dân thường Mali, Sudan và Congo tại các trại tị nạn ở châu Phi, và hàng triệu người tị nạn Afghnistan, Somali và Kenya ở Ethiopia.
Tình hình ngày càng trở nên càng tồi tệ. Nếu vào năm 2012, « chỉ có » 320.000 người Syria phải từ bỏ đất nước thì tới năm 2016, con số này là đã lên tới 5 triệu người.
Do chính phủ các nước không hỗ trợ đủ nhiều cho công tác trợ giúp nhân đạo tại các nơi có khủng hoảng, nên châu Âu đã phải trả giá đắt. Di dân tại các trại tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ và Liban đã vượt Địa Trung Hải để tới châu Âu tìm tương lai. Thiên đường mơ ước của di dân là Đức : bất chấp nguy hiểm, gần 1 triệu người đã tới Hy Lạp, rồi theo con đường Balcan tràn vào Đức.
“Cảnh khổ” của đại sứ Bắc Triều Tiên
Thae Yong-Ho, người đã từng là phó đại sứ Bắc Triều Tiên tại Anh Quốc và đã bỏ trốn từ Luân Đôn sang Hàn Quốc, lần đầu tiên phát biểu công khai vào ngày 27/12/2016. Nhờ đó, công chúng mới biết thông tin về cuộc sống của các nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên ở nước ngoài.
Trong thời gian làm việc ở Luân Đôn, nhờ đặc quyền được kết nối mạng Internet mà hàng ngày ông Thae Yong-Ho truy cập vào trang mạng của hãng tin Yonhap của Hàn Quốc và đọc được tất cả các thông tin vốn bị Bình Nhưỡng cấm đọc. Nhờ thế mà người luôn buộc phải tìm cách bảo vệ chế độ Bình Nhưỡng trước các chỉ trích hiểu ra rằng “chế độ Bắc Triều Tiên không có tương lai” và quyết định bỏ trốn vào tháng 07/2016.
Sau khi phó đại sứ Thae Yong-Ho bỏ trốn, Bình Nhưỡng đã gọi ông là “kẻ hư hỏng, bại hoại”, cáo buộc ông ăn cắp tiền công quỹ, bán các bí mật Nhà Nước và tấn công tình dục trẻ vị thành niên. Thae Yong-Ho là nhà ngoại giao cao cấp nhất đào ngũ từ sau vụ đại sứ Bắc Triều Tiên ở Ai cập bỏ trốn sang Mỹ năm 1997.
Trong bài viết “Cảnh sống khổ cực 1000 đô la/tháng của các đại sứ Bắc Triều Tiên”, Le Monde trích lời kể của ông Thae Yong-Ho cho biết các nhà ngoại giao và gia đình họ phải sống chung thành nhóm để kiểm soát lẫn nhau.
Một đại sứ Bắc Triều Tiên ở nước ngoài được hưởng lương 900-1100 đô la/tháng (850-1050 euro), tùy theo từng nước. Một phó đại sứ như ông đã từng làm thì chỉ được 700-800 đô la/tháng, một mức lương thấp tới mức khó tin ở một thành phố đắt đỏ như Luân Đôn. Và tất cả các nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên ở nước ngoài đều phải tìm đủ mọi cách để “cải thiện thu nhập”, đặc biệt có một số nhà ngoại giao đi buôn lậu rượu.
Trang nhất các báo Pháp
Về thời sự quốc tế, nhật báo Le Monde chạy tít lớn “Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng xoáy bạo lực”. Tờ báo nhận định, vụ một tay súng giết chết 39 người ngay trong đêm giao thừa tại một hộp đêm ở Istanbul là một bằng chứng mới cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chìm đắm trong một làn sóng khủng bố đẫm máu kéo dài suốt một năm nay.
Trên lĩnh vực kinh tế, nhật báo La Croix chạy tít “Đồng euro, mới thế mà đã được 15 năm”. Còn nhật báo kinh tế Les Echos lại quan tâm tới thị trường chứng khoán và dự báo thị trường chứng khoán thế giới sẽ được thổi một “làn gió” lạc quan, đồng euro sẽ tìm lại được thế cân bằng với đồng đô la, nhưng mức nợ công tăng cao ở Trung Quốc và các nguy cơ chính trị sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sàn chứng khoán.
Liên quan tới thời sự nước Pháp, nhật báo Libération kêu gọi : “Bầu cử tổng thống : Các ứng viên, hãy thức dậy đi!”. Trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống tới đây, Libération sẽ dành nhiều cột báo cho các nhà trí thức, giới văn nghệ sĩ hay đại diện cho xã hội dân sự … phát biểu ý kiến. Libération gọi họ là những người “khuấy động quần chúng” và cho rằng họ có thể mang lại một cái nhìn khác về chính trị và sức mạnh của lá phiếu cử tri.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170102-le-monde-ong-putin-moi-thuc-su-la-nhan-vat-cua-nam-2016
Tin đọc nhanh
AFP – Cam Bốt sẽ bắt giữ 3 người sửa ảnh bêu xấu nhà vua. Bức ảnh cho thấy ông Sihamoni trong một cảnh quan hệ giữa người đồng tính, đã lưu hành tuần này trên một số trương mục Facebook ở Cam Bốt và Thái Lan. Đây là hành động sỉ nhục hiếm hoi nhắm vào vua Norodom Sihamoni rất được kính trọng ở Cam Bốt. Ngược lại với Thái Lan, vua Cam Bốt không được một luật khi quân nghiêm ngặt bảo vệ như các quốc vương Thái. Nhưng Hiến Pháp quy định vua là người « bất khả xâm phạm ». Tướng Khieu Sopheak bộ Nội Vụ xác nhận đã mở điều tra và đã ra lệnh bắt giữ. Có điều ông không giải thích được 3 người trên đã phạm luật gì, mà chỉ nói : « Quốc vương đại diện cho cả nước, sỉ nhục quốc vương có nghĩa là sỉ nhục cả nước ».
AFP – Sau gần một thế kỷ, New York mới có trạm metro mới. Sau hơn 90 năm chờ đợi, người dân New York không còn dám tin nữa. Nhưng cuối cùng hệ thống metro của thành phố này cũng đã được mở rộng về phía đông khu Manhattan, với ba trạm mới của tuyến “Second Avenue Line”, vừa được mở cửa đúng ngày đầu năm hôm qua. Các trạm metro mới sáng sủa hơn và thoáng hơn rất nhiều so với các trạm metro hiện nay của New York. Ý định mở một tuyến metro dọc theo 2e Avnue đã được nêu lên từ năm… 1929.
AFP – Turkmenistan cắt khí đốt của Iran. Hôm qua, 01/01/2017, Turkmenistan đã quyết định cắt khí đốt của Iran, sau nhiều ngày đàm phán căng thẳng giữa hai nước, về giá cả. Iran là khách hàng thứ ba của Turkmenistan, sau Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Hàng năm nước này xuất đến 10 tỉ mét khối khí đốt sang Iran. Tuy cũng là nước sản xuất khí đốt, nhưng Iran phải nhập khí đốt từ láng giềng, để phục vụ cho nhu cầu ở một số vùng đông dân phía bắc, do các khu khai thác dầu khí của Iran nằm ở phía nam.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170102-tin-doc-nhanh