Đọc báo Pháp – 01/11/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 01/11/2019

Trung Quốc hung hăng

tìm cách chiếm đoạt công nghệ Pháp

Thụy My

Nhân chuyến công du của tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Bắc Kinh và Thượng Hải tuần tới, Le Figaro có bài phỏng vấn nhà báo Antoine Izambard của tạp chí Challenge, tác giả cuốn sách « Pháp-Trung Quốc, mối liên hệ nguy hiểm ». Ông Izambard khẳng định : « Trung Quốc là quốc gia hung hăng nhất với các doanh nghiệp của chúng ta (Pháp) ».

Gián điệp, con đường nhanh nhất để rút ngắn khoảng cách công nghệ

Tin tặc, các biện pháp gián điệp truyền thống, mua lại công ty, tài trợ cho các trung tâm nghiên cứu…Bắc Kinh liên tục tấn công vào lãnh thổ Pháp với mục đích chiếm lĩnh ngôi vị hàng đầu về công nghệ trên thế giới mà Hoa Kỳ đang giữ, mà gần đây nhất tập đoàn viễn thông Hoa Vi (Huawei) đã khiến tình báo Pháp phải chú ý.

Theo nhà báo Antoine Izambard, trong chuyến đi này hai nguyên thủ Pháp-Trung Quốc sẽ cố gắng có cùng tiếng nói trong những chủ đề lớn như khí hậu hay chiến tranh thương mại, nhiều hợp đồng kinh tế sẽ được ký kết. Còn lại thì không nên chờ đợi nhiều. Hồi tháng Ba khi ông Tập Cận Bình đến Pháp, tổng thống Macron đã mời thủ tướng Đức Angela Merkel và chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker cùng tiếp khách, để chứng tỏ một Liên Hiệp Châu Âu đoàn kết trước Trung Quốc. Nhưng lần này ông Macron sẽ tỏ ra hòa dịu hơn.

Trả lời câu hỏi, phải chăng sức mạnh của Trung Quốc dựa trên gián điệp, ông Izambard cho rằng chưa hẳn thế. Từ thập niên 70, GDP của Trung Quốc cứ mỗi bảy năm lại tăng gấp đôi, và với chiến lược « Made in China 2025 », những lãnh vực chủ chốt như tự động hóa, hàng không, công nghệ sinh học sẽ được sản xuất trong nước 70%. Tuy nhiên cũng không sai khi nói gián điệp đóng góp phần nào trong việc nhanh chóng rút ngắn khoảng cách. Nhiều tổ chức và doanh nghiệp Pháp đã là nạn nhân của tin tặc Trung Quốc, theo một báo cáo của cơ quan quốc phòng và an ninh quốc gia (SGDSN).

Những vụ kết hôn dị chủng ở thành phố tàu ngầm nguyên tử Pháp

Trong những năm gần đây, tình báo Pháp đã phát hiện nhiều trường hợp gián điệp ở các tập đoàn lớn nhất của Pháp (CAC 40), và cả các công ty vừa và nhỏ, các start-up. Mặt khác, SGDSN ghi nhận số lượng kết hôn tăng rất cao giữa các quân nhân Pháp và phụ nữ Trung Quốc ở Brest. Thành phố có căn cứ tàu ngầm nguyên tử (SNLE) này dần dà trở thành nơi ưa thích của gián điệp người Hoa. Năm 2016, tập đoàn Weidong Cloud Education (Vĩ Đông Vân Giáo Dục), đứng hàng đầu về dạy học qua internet ở Trung Quốc, đã mua lại Demos, một trong các doanh nghiệp chủ chốt của Pháp trong việc đào tạo chuyên tu và luyện thi vào các trường quân sự.

Các cơ quan tình báo Pháp tỏ ra cảnh giác, nhờ đó Nhà nước đã ngăn một chi nhánh Trung Quốc góp vốn vào Alcatel Submarine Networks (ASN), công ty chiến lược chuyên sản xuất cáp ngầm dưới đáy biển dùng làm đường truyền internet. Tuy nhiên thường là những tính toán chính trị chiến thắng, các nhà lãnh đạo lo ngại bị trả đũa về kinh tế và ngoại giao. Nghị định Montebourg năm 2014 về các dự án đầu tư nhạy cảm chưa bao giờ được áp dụng.

Chính khách Pháp và mạng lưới vận động hành lang cho Bắc Kinh

Bên cạnh đó, có hẳn một mạng lưới lobby rất mạnh cho Bắc Kinh. Một số chính khách Pháp như cựu thủ tướng Jean-Pierre Raffarin có chân trong những tổ chức công cũng như tư, cựu ngoại trưởng Laurent Fabius đã cực lực ủng hộ tỉ phú Mã Vân (Jack Ma, chủ nhân Alibaba) lập cơ sở hậu cần tại Pháp, dù nhiều người trong chính quyền Pháp phản đối. Cédric Villani (người cùng đoạt giải toán học với giáo sư Ngô Bảo Châu), ứng cử viên chức đô trưởng Paris cũng rất ủng hộ Hoa Vi. Ông này làm chủ tịch quỹ đóng góp cho Viện Henri-Poincaré, trong đó Hoa Vi là một trong những nhà tài trợ chính.

Riêng về Hoa Vi, cho đến nay chưa có bằng chứng nào cho thấy tập đoàn này đánh cắp dữ liệu chuyển về cho nhà nước Trung Quốc. Tuy nhiên công ty này có chế độ cổ phần rất mập mờ, và có mối quan hệ rất rõ với chế độ Bắc Kinh. Hơn nữa việc giao phó phần lớn mạng lưới viễn thông cho tập đoàn này chứa đựng nhiều rủi ro. Thay vì đối đầu như Mỹ, Pháp chọn cách tăng cường sức mạnh cho cơ quan an ninh mạng (ANSSI) để giám sát.

Đặc biệt việc Hoa Vi dòm ngó các cơ sở công nghiệp và đại học Pháp khiến Paris rất lo ngại. Những năm gần đây tập đoàn Trung Quốc đã ký kết hợp tác với các phòng thí nghiệm và cơ quan nghiên cứu. Nhà nước Pháp đã cấm hợp tác trong lãnh vực nhạy cảm là 5G, và nhìn chung, rất lo Hoa Vi tìm cách cuỗm các kết quả nghiên cứu của Pháp thông qua các quan hệ đối tác bất bình đẳng.

Vụ 39 di dân thiệt mạng : Gánh nặng nợ nần

cho gia đình các nạn nhân người Việt

Về vụ 39 di dân bị chết trong xe tải tại Anh, trong đó có nhiều người Việt Nam, La Croix dẫn lời một người Việt tại Pháp nói rằng có quen ba đồng hương Hà Tĩnh trong số các nạn nhân.

Vùng quê nghèo Hà Tĩnh là nơi cách đây 5 năm từng xảy ra thảm họa môi trường từ công ty Formosa. Do 80% dân làng sống về nghề biển, thu nhập bị sút giảm nghiêm trọng, cả ngàn thanh niên đã tìm đường ra nước ngoài kiếm sống. Trong một gia đình có bốn, năm con, có ít nhất một người con tìm cách ra đi, vì có ít việc cho người trẻ và học phí đắt đỏ.

Ngoài các nước láng giềng châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, châu Âu là điểm đến mơ ước, nhưng gia đình phải cầm cố nhà cửa, vay mượn để có được khoảng 40.000 euro cho chuyến vượt biên. Người kể chuyện chỉ cho biết họ là Nguyễn, nhận định vì sĩ diện, chính phủ Việt Nam sẽ chỉ trợ cấp một ít cho thân nhân các nạn nhân. Nợ nần đè nặng trên vai, những gia đình này sẽ buộc lòng phải gởi những người con khác đi theo con đường vô định đầy rủi ro này.

Đảng Dân Chủ Mỹ tìm kiếm ứng cử viên

và…chương trình hành động

Nhìn sang Hoa Kỳ, Le Figaro nói về việc « Đảng Dân Chủ tìm kiếm một ứng cử viên…và một chương trình ».

Ứng cử viên được coi là hàng đầu, cựu phó tổng thống Joe Biden đang gián tiếp dính líu vào xì-căng-đan Ukraina, không mấy thuyết phục trong các cuộc tranh luận, và lại gây quỹ chưa đủ – một yếu tố quan trọng trong cuộc vận động tranh cử rất tốn kém.

Các đối thủ chính, thượng nghị sĩ Elizabeth Warren và Bernie Sanders chinh phục được cánh tả của phe Dân Chủ, nhưng chủ trương của họ gây lo ngại cho cánh trung. Đặc biệt là đề nghị bảo hiểm y tế cho toàn dân, tăng thuế, ở châu Âu là bình thường, nhưng đối với người Mỹ bị coi là cực đoan. Những tập đoàn lớn xưa nay đóng góp nhiều cho đảng Dân Chủ cũng tỏ ra nghi kỵ. Hơn nữa, tất cả đều trên 70 tuổi, tạo cảm tưởng không có gì mới mẻ.

Cho đến nay, đảng Dân Chủ chưa đưa ra được một đường hướng nào mới ngoài việc cố gắng hạ bệ ông Donald Trump. Cử tri cảm thấy từ ba năm nay Dân Chủ tập trung năng lượng vào việc đấu tranh với ông Trump trong nghị trường, thay vì tập hợp quần chúng để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tới.

Diệt Baghdadi, nhưng Trump không khỏa lấp được việc phản bội người Kurdistan

Cũng liên quan đến nước Mỹ, tác giả Alain Frachon trên Le Monde có bài viết « Trump, người Kurdistan và Al Baghdadi ».

Ông Donald Trump trông cậy vào thành công trước tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (IS, Daech) để làm người ta quên đi sự phản bội của ông đối với người Kurdistan. Nhưng tổng thống Mỹ không xóa đi được sự thật là nếu không có người Kurdistan, thì Mỹ không thể nào tiêu diệt được thủ lãnh Daech là Abou Bakr Al Baghdadi.

Không có họ, thì không có được chiến thắng ở Kobané, không cứu được người Yezidi ở Raqa. Tác giả phẫn nộ kết luận, không có 11.000 người Kurdistan đã hy sinh mạng sống, thì ông Trump không thể mừng chiến thắng trước Daech, nhưng Donald Trump đã cám ơn họ theo kiểu của ông : giao họ cho những phe thánh chiến khác.

Tàn quân thánh chiến trong nhà tù Kurdistan ở Syria

Tại Syria, bài phóng sự của Le Monde mô tả cảnh tượng hàng trăm quân thánh chiến bị thương hay hấp hối trong một nhà tù do dân quân Kurdistan quản lý.

Người Kurdistan cho biết đó là những kẻ ngoan cố nhất vì ở lại vùng đất cuối cùng của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo cho đến phút chót. Giờ đây không một nước nào muốn nhận họ, không một ai đoái hoài đến họ. Dân quân Kurdistan buộc lòng phải lãnh « món nợ » này. Người phụ trách nhà tù nói với phóng viên Le Monde, chính người Kurdistan phải tổ chức ra địa điểm giam giữ này, trên một trường đại học bỏ hoang. Người Mỹ chỉ cung cấp các bộ áo liền quần (combinaison) cho tù nhân.

Đó là những bộ trang phục màu cam mà quân thánh chiến từng mặc cho con tin trong các video để mỉa mai nhà tù Guantanamo của Mỹ. Các nạn nhân bị sát hại hết sức dã man : bị cắt cổ, trấn nước, thiêu sống, buộc phải bò bốn chân như chó, bị bắn bằng rốc-kết trước camera…Khi được quản giáo Kurdistan phân phát đồng phục loại này, những người tù thánh chiến này ngỡ rằng ngày tàn của mình đã đến, sẽ bị hành hình như các con tin trước đây.

Tang lễ : Hỏa táng, địa táng hay nghĩa trang rừng ?

Nhân ngày lễ Các Thánh, các báo Pháp có những bài viết xung quanh chủ đề cái chết và tang lễ.

Hiện nay nhiều người Pháp bắt đầu có xu hướng chọn hỏa táng thay vì chôn cất. Bên cạnh đó còn chớm nở khuynh hướng chọn các nghĩa trang thiên nhiên. Quan tài, vật liệu khâm liệm không được sử dụng những loại không tiêu hủy được, bia mộ bằng đá vôi chứ không phải granit hay bê-tông, và người quá cố được tưởng niệm bằng cách trồng cây.

Tại Đức, ngày càng có nhiều « nghĩa trang rừng » : không quan tài, chỉ được chôn những hũ tro cốt dưới một gốc cây trong rừng, với cái giá rất phải chăng là 500 euro (cho cá nhân), 2.500 euro (cho gia đình) so với cách mai táng thông thường phải từ 5.000 đến 8.000 euro. Tuy nhiên cũng có ý kiến lo ngại nguy cơ kim loại nặng trong tro cốt sẽ làm hại cho rừng.

Tính cách cá nhân ngày càng đậm nét. Một công ty mai táng cho biết đã từng tổ chức tang lễ trong hầm rượu, quan tài được khắc những chùm nho cho người quá cố là nhà sản xuất rượu vang. Một đám tang khác ở Berry dùng xe ngựa kéo, đám khác lại chuộng…xe bò. Tại các thành phố cảng, linh cữu thường có các tay nắm bằng dây thừng để tưởng nhớ người thủy thủ đã từ giã cõi đời.

Với gần 600.000 người qua đời tại Pháp mỗi năm, thị trường của ngành mai táng lên đến 2,5 tỉ euro. Riêng Giáo hội Công giáo từ năm 2003 đã lập ra dịch vụ tang lễ tại 10 thành phố với mục đích phục vụ cho niềm tin tôn giáo chứ không nhằm cạnh tranh.

Đường sắt đình công, trợ cấp thất nghiệp :

Tựa chính báo Pháp

Hôm nay, ngày nghỉ lễ Các Thánh Nam Nữ (Toussaint), chỉ có ba nhật báo ra mắt, với các tựa chính tập trung vào lãnh vực xã hội.

Le Figaro chạy tựa « Các nghiệp đoàn Công ty Đường Sắt Pháp (SNCF) trông cậy vào chiến lược phong tỏa ». Tân tổng giám đốc Jean-Pierre Farandou nhậm chức hôm nay trong bối cảnh căng thẳng : liên tục có những hoạt động phản đối cải cách hưu bổng, trước khi bước vào cuộc đình công lớn ngày 5/12 tới. Cũng về SNCF, nhật báo thiên tả Libération cho rằng « Lãnh đạo mới, nhưng sự bất bình vẫn y nguyên » ; còn Le Monde quan tâm đến « Các quy định trợ cấp thất nghiệp ngày càng bị siết chặt ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20191101-trung-quoc-hung-hang-tim-cach-chiem-doat-cong-nghe-phap

 

 

Tin đọc nhanh

(AFP) – Vụ người Việt chết trong xe tải Anh.

Cảnh sát kêu gọi hai nghi can chính, Ronan và Christopher Hughues ra đầu thú. Hơn một tuần sau vụ phát hiện 39 người chết trong một chiếc xe tải tại Essex ngoại ô Luân Đôn, giới điều tra tập trung vào hai anh em Ronan và Christopher Hughues. Cả hai cùng là người Bắc Ai Len. Tài xế chiếc xe tải nói trên cũng là người Bắc Ai Len đã ra trình diện tòa án hôm 28/10.

(AP) – Đề phòng nguy cơ kẻ thù chính trị thâm nhập Cam Bốt, chính quyền Phnom Penh cho cảnh sát đi “tập huấn”. 

Hàng trăm nhân viên an ninh Cam Bốt ngày 01/11/2019 được gởi đi đào tạo tại tỉnh Banteay Meanchey, sát biên giới Thái Lan. Quyết định này được đưa ra sau khi lãnh đạo đối lập Cam Bốt Sam Raincy thông báo ý định trở về nước nhân ngày lễ Quốc Khánh Cam Bốt mồng 9/11/2019.

(AFP) – Mỹ cấm thiết bị bay điều khiển từ xa của Trung Quốc.

Trong thông cáo của bộ Nội Vụ Mỹ, ngày 31/10/2019, bộ trưởng David Bernhardt khẳng định cho « rà soát lại chương trình các thiết bị bay điều khiển từ xa », đồng thời « ra lệnh cấm dùng các loại drone do Trung Quốc sản xuất hay có các linh kiện điện tử của Trung Quốc ». Hiện tại bộ Nội Vụ Mỹ có đến 810 chiếc drone, trong đó có 786 chiếc sản xuất tại Trung Quốc và 24 chiếc tại Hoa Kỳ nhưng được trang bị linh kiện Trung Quốc.

(AFP) – Bị Mỹ chỉ trích thỏa thuận Brexit, Anh Quốc bực bội.

Phát biểu tại Washington ngày 31/10/2019 Donald Trump tuyên bố thỏa thuận về Brexit ông Boris Johnson đã đạt được với Liên Âu “hiện tại không cho phép Luân Đôn ký kết một thỏa thuận tự do mậu dịch với Hoa Kỳ“. Đồng thời nguyên thủ Mỹ đã trao đổi qua điện thoại với Nigel Farage, lãnh đạo đảng mang tên Brexit. Ông này có lập trường bài châu Âu và đòi nước Anh dứt khoát ra đi, cắt đứt quan hệ với Liên Hiệp Châu Âu. Đang chuẩn bị bầu lại Nghị Viện, thủ tướng Johnson và đảng bảo thủ Anh bực mình đáp lại rằng, thỏa thuận về Brexit đạt được với Bruxelles cho phép nước Anh ký kết các hiệp định về thương mại với tất cả các quốc gia trên thế giới.

(AFP) – Nga : Luật kiểm soát Internet bắt đầu có hiệu lực.

Đạo luật gây nhiều tranh cãi nhằm “thành lập một mạng internet độc lập” cho nước Nga chính thức có hiệu lực từ ngày 01/11/2019. Văn bản này dự trù xây dựng hẳn một mạng internet riêng biệt dành riêng cho nước Nga với những phương tiện do các tập đoàn Nga cung cấp. Giới quan sát coi đây là một hình thức kiểm duyệt trên mạng, một trong những không gian tự do cuối cùng cho phép đối lập Nga chỉ trích chính quyền.

(AFP) – Donald Trump “dọn nhà” về Florida.

Báo New York Times ngày 01/11/2019 tiết lộ tổng thống Mỹ có ý định chọn Palm Beach, bang Florida là nơi ở chính và sẽ đóng thuế cho bang này. Nhà tỷ phú New York chia tay với thành phố ông đã cư ngụ từ nhiều năm qua. Lý do : “chính quyền thành phố và bang New York đối xử tệ” với ông. Một số nguồn tin xin được giấu tên cho rằng, Donald Trump “dọn nhà về Florida“, bởi tại đây ông sẽ phải đóng thuế ít hơn.

(AFP) – Daech xác nhận Abou Bakr al-Baghdadi đã chết.

Lời xác nhận này được nhóm Tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS đăng trên mạng xã hội Instagram ngày 31/10/2019, năm ngày sau thông báo của tổng thống Mỹ Donald Trump. Tổ chức khủng bố này đồng thời cho biết  đã chỉ định Abou Ibrahim al-Hachemi al-Qourachi làm tân thủ lĩnh.

(AP) – Hoàng tử Harry cổ vũ đội bóng bầu dục Anh trước trận chung kết cúp Rugby thế giới.

Ngày 02/11/2019 diễn ra trận cầu giữa đội tuyển Anh và Nam Phi. Nước Anh hy vọng đoạt chức vô địch thế giới. Hoàng tử Harry chúc đội nhà “gặp may mắn“. Anh còn gửi kèm ảnh của cậu con trai Archie, mới 5 tháng tuổi. Hoàng gia Anh rất mê môn bóng bầu dục. Cầm chắc không ít người trong hoàng gia sẽ theo dõi trận đấu ngày mai tại Yokohama, Nhật Bản.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191101-tin-doc-nhanh