Đọc báo Pháp – 01/11/2018
Washington và Paris kêu gọi
Riyad ngưng cuộc chiến ở Yemen
Trên trang quốc tế, báo Le Monde cho biết « Washington và Paris kêu gọi Riyad ngưng cuộc chiến ở Yemen ». Bị suy yếu sau vụ nhà báo đối lập Ả Rập Xê Út Jamal Khashoggi bị sát hại trong tòa lãnh sự của nước này tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền Riyad ngày càng bị các đồng minh, đối tác phương Tây gây sức ép, nhằm chấm dứt cuộc tấn công nhắm vào lực lượng Hồi Giáo nổi dậy Houthi ở Yemen vốn đã kéo dài ba năm rưỡi mà chưa tìm được lối thoát.
Ngày 30/10/2018, nhiều nước phương Tây đã kêu gọi các bên ngưng các hành động thù địch và tiến hành đàm phán hòa bình dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc.
Trong một thông cáo, ngoại trưởng Mỹ, nước cho tới nay vẫn ủng hộ liên quân Ả Rập do Ryiad đứng đầu và cũng là quốc gia cung cấp vũ khí chính cho Ả Rập Xê Út, nói rằng « đã đến lúc chấm dứt thù địch ». Ông Mike Pompeo kêu gọi liên quân Ả Rập ngưng không kích các khu vực đông dân ở Yemen. Ngoại trưởng Hoa Kỳ cũng kêu gọi phe nổi dậy Houthi, vốn được Iran ủng hộ, ngưng phóng tên lửa nhắm vào Ả Rập Xê Út và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.
Cùng ngày, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis thúc giục các bên mở đàm phán hòa bình trong vòng từ nay tới 30 ngày nữa. Lãnh đạo Lầu Năm Góc cũng nói thêm là ông nghĩ rằng Ả Rập Xê Út và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập thống Nhất đã sẵn sàng đàm phán.
Còn bộ trưởng Quốc Phòng Pháp, Florence Parly, hôm thứ Ba phát biểu trên kênh truyền hình BFM-TV, đã thể hiện quan điểm khác với thái độ vốn rất thận trọng của Paris về cuộc khủng hoảng Yemen. Bà Parly cho rằng chiến dịch can thiệp quân sự của liên quân Ả Rập do Ryiad đứng đầu nhắm vào lực lượng Houthi là « không có lối thoát » và đã tới lúc phải dừng lại. Bộ trưởng Quốc Phòng Pháp nhắc lại là cuộc chiến ở Yemen do Ả Rập Xê Út cầm đầu đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có.
Theo một ước tính của tổ chức độc lập Acled, từ tháng 01/2016 đến tháng 09/2018, có tới 50.000 người đã thiệt mạng trong cuộc chiến ở Yemen. Liên Hiệp Quốc thì nhận định hàng triệu người Yemen đang lâm vào một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất trên thế giới.
Trợ lý tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phụ trách về hoạt động nhân đạo đánh giá « cuộc khủng hoảng lương thực, thực phẩm ở Yemen có liên quan trực tiếp tới xung đột ». 75% dân số Yemen – 22 triệu người – cần sự trợ giúp và bảo vệ. 8,4 triệu người thiếu ăn nghiêm trọng và cần được cứu trợ khẩn cấp.
Châu Phi : Dân số và « bẫy đói nghèo »
Nigeria là nước có mức tăng dân số nhanh nhất thế giới. Khi giành được độc lập hồi năm 1960, dân số của nước này là 46 triệu người. Hiện nay dân số Nigeria đã tăng hơn 4 lần, lên tới khoảng 190 triệu người. Theo ước tính, dân số Nigeria sẽ còn tăng gấp đôi từ nay đến năm 2050 và Nigeria sẽ trở thành nước đông dân thứ ba trên thế giới, hơn cả Hoa Kỳ. Bộ trưởng Tài Chính Nigeria mới đây phát biểu là bùng nổ dân số sẽ đặt nước này trước một thách thức lớn.
Trong khi dân số châu Âu và Mỹ không còn tăng, thì theo dự báo của Liên Hiệp Quốc, dân số châu Phi từ nay đến năm 2050 sẽ tăng gấp đôi, từ 1 tỉ lên thành 2 tỉ người. Và đến cuối thế kỷ sẽ thành 4 tỉ người.
Tính trung bình trên toàn châu lục, mỗi phụ nữ sinh 4,85 con. Tỉ lệ sinh giảm chậm dẫn đến những tác động tiêu cực tới tăng trưởng và đẩy châu Phi vào « cái bẫy đói nghèo ». Hiện ở châu Phi tập trung hơn một nửa số người nghèo trên toàn thế giới. Trong khi tỉ lệ người nghèo đều giảm ở các nơi khác, thì tại châu Phi, tỉ lệ đói nghèo lại không ngừng tăng từ 30 năm qua, đi kèm với tình trạng dân số tăng nhanh. Cách nay không lâu, Ấn Độ là nước nhiều nghèo đói nhất, nay kỷ lục đáng buồn này thuộc về Nigeria.
Vụ y tá giết người hàng loạt tại Đức :
Âm mưu thể hiện tài hồi sức bất thành
khiến hàng trăm người thiệt mạng
Trên trang Quốc tế, Le Monde còn dành một bài viết cho vụ án đang làm rúng động nước Đức : « Một y tá Đức thừa nhận sát hại 100 bệnh nhân ». Trong đợt xét xử mới đây bắt đầu từ ngày 30/10/2018, bị cáo Niels Hoegel, một y tá 41 tuổi, đã thú nhận là từ năm 2000 đến năm 2005 đã giết tổng cộng 100 bệnh nhân từ 34 đến 96 tuổi trong các bệnh viện nơi anh ta làm việc. Còn các nhà điều tra nghi ngờ y tá này đã sát hại tới 200 bệnh nhân.
Lần ngược lại vụ việc, Le Monde cho biết các thẩm phán ban đầu đã không đánh giá đúng mức tội ác của Niels Hoegel. Năm 2006, người này chỉ bị kết tội giết hại một bệnh nhân. Phải đợi đến năm 2015 thì tòa án mới kết tội chung thân Niels Hoegel sau khi phát hiện có thêm vài chục bệnh nhân khác bị hại.
Niels Hoegel đã tiêm cho bệnh nhân nhiều loại thuốc với liều lượng đủ để gây ngưng tim hoặc loạn mạch, rồi cố gắng hồi sức cho các nạn nhân để được các bác sĩ và động nghiệp coi là « người hùng ». Nhưng rất nhiều bệnh nhân đã không thể sống lại sau khi được Niels Hoegel hồi sức.
Để giải thích cho tội ác của mình, Niels Hoegel cho rằng công việc quá nhàm chán và anh ta cảm thấy phấn khích mỗi khi đẩy bệnh nhân đến ngưỡng của cái chết. Đó cũng là cơ hội để anh ta khẳng định khả năng hồi sức cấp cứu của mình.
Năm 2002, tại khoa hồi sức cấp cứu trong phẫu thuật tim mạch ở bệnh viện Oldenburg, trước tình trạng số bệnh nhân qua đời và số vụ hồi sức tăng vọt không thể giải thích nổi, các bác sĩ đã tổ chức một cuộc họp. Khi đó, sợ mọi chuyện vỡ lở, Niels Hoegel xin nghỉ phép 3 tuần, nhưng khi y tá này quay lại làm việc, các đồng nghiệp của Niels Hoegel lại thấy có tới 14 vụ hồi sức được thực hiện trên 5 bệnh nhân. Cả năm người này đều qua đời ngay khi đó hoặc sau đó một ngày. Năm 2012, Niels Hoegel bị bệnh viện sa thải, nhưng vẫn được cấp một chứng nhận với nhận xét tích cực.
Trong thời gian Niels Hoegel làm việc tại bệnh viện Delmenhorst, số các vụ tiêm thuốc làm hại bệnh nhân ngày càng tăng mạnh. Các nhà điều tra đưa ra một con số gây choáng váng : trong tổng số 411 bệnh nhân chết tại bệnh viện này, có 321 người qua đời trong hoặc ngay sau ca làm việc của y tá Niels Hoegel. Trong thời gian đó, một loại thuốc có thể gây ngưng tim nếu sử dụng liều cao được phát hiện là đã được sử dụng nhiều gấp 7 lần so với năm trước đó. Đó chính là loại thuốc Niels Hoegel thường tiêm cho bệnh nhân.
Năm 2005, Niels Hoegel bị một đồng nghiệp bắt quả tang khi đang tiêm thuốc đó cho một bệnh nhân. Niels Hoegel bị bắt và bị kết án 5 năm tù. Năm 2008, trong phiên xử phúc thẩm, Niels Hoegel bị tuyên án 7 năm rưỡi tù giam và bị cấm hành nghề y tá. Thế nhưng, các thẩm phán lại không ra lệnh điều tra thêm.
Phải đến năm 2009 Tư pháp mới cho khai quật tử thi các nạn nhân. Và đến năm 2014 mới có một ủy ban điều tra tập trung vào các vụ chết người có liên quan đến y tá Niels Hoegel ở bệnh viện Oldenburg. 137 tử thi được khai quật. Năm 2017, Ủy ban điều tra kết luận Niels Hoegel có liên quan trực tiếp đến cái chết của 100 bệnh nhân.
Trong phiên xử hôm thứ Ba vừa qua, có rất nhiều thắc mắc về phản ứng của các lãnh đạo bệnh viện nơi Niels Hoegel từng làm việc, cũng như phản ứng của các y tá đồng nghiệp, bởi vì cuộc điều tra cho thấy họ đều nhận thức được rằng số vụ chết người đã tăng trong các ca làm việc của y tá Niels Hoegel.
Thái độ của các thẩm phán cũng khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi. Tại sao họ chậm trễ trong việc cho khai quật và khám nghiệm tử thi, trong khi gia đình các nạn nhân đều nghi ngờ về cái chết của những người này, và trong khi các đồng nghiệp của Niels Hoegel thì kể lại rằng anh ta thường xuyên « khoe » là đã giết hại hàng trăm bệnh nhân ? Đợt xét xử dự kiến sẽ kéo dài cho đến tháng 05/2019.
Pháp : ngày càng có nhiều phụ nữ
chết vì hút thuốc
Trên lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe, báo công giáo La Croix trích dẫn kết quả nghiên cứu của tổ chức Sức khỏe cộng đồng Pháp theo đó « thuốc lá giết chết ngày càng nhiều phụ nữ ».Số ca ung thư phổi và nhồi máu cơ tim tăng mạnh ở nữ giới.
Từ năm 2000 đến năm 2014, số phụ nữ chết vì hút thuốc lá đã tăng gấp đôi, từ hơn 8.000 lên thành hơn 19.000 người. Những căn bệnh liên quan đến thuốc lá và trước đây chỉ có đàn ông hay mắc phải nay càng nhiều phụ nữ cũng bị, nhất là số phụ nữ bị ung thư phổi đã tăng 72% trong 10 năm 2002-2012.
Theo tổ chức Sức khỏe cộng đồng Pháp, từ năm 1970, do ảnh hưởng của marketting, điện ảnh và truyền hình, ngày càng nhiều phụ nữ Pháp hút thuốc lá. Hút thuốc lá còn được quảng cáo là phương pháp để phụ nữ kiểm soát cân nặng. Năm 2017, 24% số phụ nữ 18-75 tuổi hút thuốc hàng ngày. Tỉ lệ này ở nam giới là 30%.
Nghiên cứu của tổ chức Sức khỏe cộng đồng Pháp cho thấy với cùng liều lượng thuốc lá hút mỗi ngày, phụ nữ có nhiều nguy cơ mắc các bệnh nhồi máu cơ tim và bệnh phế quản – phổi tắc mãn tính hơn là nam giới. Thuốc lá độc hại cho nữ giới nhiều hơn là cho nam giới.
Pháp : Giá khí ga tăng kỷ lục
Vẫn tại Pháp, nhưng liên quan đến tiêu dùng khí ga, báo kinh tế Lế Les Echos đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi « Tại sao giá khi ga đạt mức tăng kỷ lục mới ? ». Từ hôm nay 01/11/2018, giá ga tăng vọt lên mức chưa từng thấy trong suốt nhiều năm qua (+5,8%), nhất là đối với các hộ gia đình có hệ thống sưởi ấm bằng khí ga. Mức điều chỉnh giá khí ga liên quan đến 42% số hộ dân tại Pháp và đang được nói tới nhiều trong những ngày này.
Về lý do giá ga tăng cao, Les Echos giải thích thứ nhất là do giá ga trên thị trường châu Âu và chi phí cho hạ tầng cơ sở (vận chuyển, hệ thống phân phối và trữ ga) đều tăng. Ngoài ra, thuế tiêu thụ khí ga tự nhiên cũng tăng tới 44%.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181101-washington-va-paris-keu-goi-riyad-ngung-cuoc-chien-o-yemen
Tin đọc nhanh
(AFP) – Brazil : Dùng thiện xạ trừ khử tội phạm ?
Bộ trưởng Quốc Phòng tương lai của tổng thống tân cử cực hữu Brazil, tướng Augusto Heleno hôm qua 31/10/2018 đã hoan nghênh đề xuất của thống đốc Rio, là sử dụng các tay súng bắn tỉa của lực lượng an ninh để bắn hạ các tội phạm vũ trang, dù những người này không hề đe dọa cảnh sát. Tuyên bố này gây phẫn nộ trong dân chúng Brazil : năm ngoái số nạn nhân bị thiệt mạng vì bạo lực đã lên đến mức kỷ lục là 63.880 người. Nếu tính từ bảy năm qua, thì tổng số người chết còn cao hơn trong chiến tranh Syria.
(AFP) –Peru : Nữ thủ lãnh đối lập Fujimori lại vào tù.
Bà Keiko Fujimori, 43 tuổi, thủ lãnh phe đối lập, vốn là con gái của cựu tổng thống Alberto Fujimori, hôm qua 31/10/2018 đã bị tống giam 36 tháng do cáo buộc tham nhũng. Bà có nguy cơ lãnh án đến 20 năm tù giam, và như vậy không thể ra ứng cử tổng thống vào năm 2021. Keiko Fujimori đã hai lần tranh cử tổng thống vào năm 2011 và 2016, bị thua với tỉ lệ khít khao trong vòng hai. Phiên tòa xử bà kéo dài nhiều ngày, được truyền hình, truyền thanh trực tiếp cũng như đưa lên mạng xã hội, được người dân Peru theo dõi như một chương trình truyền hình thực tế.
(AFP) –Đảo quốc Palau cấm dùng kem chống nắng, để bảo vệ san hô.
Theo AFP hôm nay 01/11/2018, đảo quốc Palau ở Tây Thái Bình Dương tuần rồi đã thông qua đạo luật sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2020, cấm buôn bán, sử dụng các loại kem chống nắng vì « độc hại đối với các rạn san hô », dù với lượng rất nhỏ. Quốc đảo nằm giữa Úc và Nhật Bản có phong cảnh tuyệt đẹp, là một trong những địa điểm lặn biển được ưa thích nhất trên thế giới ; trung bình mỗi giờ Palau tiếp đón bốn chiếc tàu chở đầy khách du lịch.
(AFP) – Hơn một triệu người Venezuela đến Colombia năm 2018.
Theo thông báo của cơ quan quản lý nhập cư Colombia hôm qua, 31/10/2018, chỉ riêng trong 9 tháng đầu năm đã có hơn 1 triệu người Venezuela đến nước này để tránh khủng hoảng. Thống kê của Liên Hiệp Quốc cho thấy tổng cộng đã có gần 1,9 triệu người Venezuela bỏ nước ra đi kể từ năm 2015, do hậu quả của khủng hoảng kinh tế và chính trị.
(AFP) – Sri Lanka : Tổng thống bãi bỏ việc đình chỉ Quốc Hội.
Hôm nay, 01/11/2018, theo đúng lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế, tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena đã bãi bỏ quyết định đình chỉ Quốc Hội. Kể từ khi tổng thống bất ngờ cách chức thủ tướng Ranil Wickremesinghe, Sri Lanka trên thực tế có hai thủ tướng đối nghịch nhau. Lên án việc cách chức ông là vi hiến, ông Wickremesinghe không chịu rời chiếc ghế thủ tướng và đòi Quốc Hội họp khẩn cấp để chứng minh là ông vẫn nắm đa số, nhưng trước đó, tổng thống Sirisena đã đình chỉ Quốc Hội cho đến ngày 16/11.
http://vi.rfi.fr/phap/20181101-tin-doc-nhanh