Đọc báo Pháp – 01/08/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 01/08/2018

Dầu hỏa : Vũ khí hiệu quả

của Donald Trump chống Iran ?

Minh Anh

Le Monde (01/08/2018) trên trang nhất chạy tít lớn « Dầu hỏa : căng thẳng giữa Mỹ và Iran làm tăng giá dầu thô ». Tổng thống Donald Trump muốn bóp nghẹt nền kinh tế của quốc gia Cộng Hòa Hồi Giáo qua việc tìm cách ngăn chặn nguồn thu từ dầu hỏa của nước này. Tuy nhiên, giới chuyên gia lo ngại thị trường dầu hỏa thế giới có nguy cơ rơi vào lốc xoáy Mỹ – Iran.

Thị trường dầu thô thế giới giờ lệ thuộc vào thái độ của Donald Trump đối với Iran. Bởi vì theo nhật báo, cả Hoa Kỳ lẫn Iran đều dùng « dầu hỏa » như là một vũ khí chiến lược để đối đầu nhau. Trước mắt, các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào Iran sắp có hiệu lực trong tháng 11 năm nay sau thông báo của Donald Trump rút Hoa Kỳ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tháng 5/2018, sẽ có những tác động đầu tiên đối với nền kinh tế Iran.

Đây cũng chính là một yếu tố chủ chốt trong chiến lược chống Iran của Hoa Kỳ: Tìm cách tước nguồn thu chính từ dầu hỏa của quốc gia Hồi Giáo. Đồng thời Nhà Trắng thông báo trừng phạt không chút nương tay đối với những nước nào tiếp tục mua dầu hỏa Iran.

Nhiều đồng minh Hoa Kỳ như Nhật Bản cố gắng thuyết phục Mỹ miễn trừ trừng phạt nhưng bất thành. Phía Iran cũng bắt đầu cho đặt lại tên tầu chở dầu, đổi cờ hiệu với hy vọng có thể qua mắt được Mỹ. Càng gần đến ngày lệnh trừng phạt có hiệu lực, thị trường dầu hỏa càng hoảng loạn.

Nhiều nước lo ngại một sự sụt giảm nguồn cung đột ngột. Hiện tại, Iran cung cấp cho thị trường thế giới mỗi ngày 2,4 triệu thùng. Con số này có thể tụt giảm nhanh chóng từ khoảng 800 ngàn cho đến 1,2 triệu thùng.

Thế nhưng, theo nhật báo, những lời dọa dẫm này của Hoa Kỳ đang đặt ngành xuất khẩu dầu hỏa thế giới trước một thách thức to lớn, bởi vì không chỉ có Iran, mà toàn bộ lĩnh vực xuất khẩu dầu hỏa trong khu vực, một phần lớn được trung chuyển ngoài khơi bờ biển Iran cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Eo biển địa chiến lược Ormuz sẽ là một vũ khí đáp trả lợi hại của chế độ Teheran. Giáo chủ Ali Khamenei cảnh báo « nếu xuất khẩu dầu hỏa của Iran bị ngăn cấm, không một nước nào khác sẽ có thể xuất khẩu dầu hỏa».

Với chiều rộng khoảng 40km, eo biển Ormuz có một vị thế chiến lược quan trọng, là nơi trung chuyển của hơn 30% lượng dầu xuất khẩu thế giới. Nói một cách cụ thể, nếu Iran đóng cửa eo biển, thế giới bị thiếu đến 19 triệu thùng dầu mỗi ngày, theo như báo động của ông Robert McNally trên kênh truyền hình CNBC. Đó là chưa kể Hoa Kỳ duy trì một hoạt động quân sự quan trọng tại đây, với sự hiện diện của hạm đội 5.

Tuy một số ít chuyên gia không tin xảy ra một cuộc xung đột trực tiếp, vì trong quá khứ Teheran đã từng dọa đóng cửa eo biển và việc thực hiện có thể sẽ dẫn đến một sự leo thang nguy hiểm, nhưng lời lẽ cứng rắn của Iran cho thấy rõ quyết tâm đáp trả của Teheran.

Mặt khác, chế độ Hồi Giáo này còn có nhiều công cụ khác để phản công như để quân nổi dậy người Huthi tại Yemen tấn công một tầu chở dầu của Ả Rập Xê Út, đồng minh của Mỹ ở eo biển Bab Al-Mandab chẳng hạn. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để Ả Rập Xê Út hoảng sợ thông báo tạm ngưng xuất khẩu dầu hỏa chờ tình hình yên ắng trở lại, đủ gây ra nhiều hậu quả đáng kể cho thị trường cung ứng dầu hỏa thế giới.

D. Trump và giới báo chí:

 «Cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt »

Ở bên ngoài, nước Mỹ của ông Donald Trump có Nga, Trung Quốc, Liên Hiệp Châu Âu, Iran và nhiều nước khác nữa là « kẻ thù ». Ở trong nước, với tổng thống Mỹ, kẻ thù lớn nhất, thậm chí là «kẻ thù của nhân dân » chính là truyền thông. La Croix trích giải thích của ông Thomas Snégaroff cho biết « Vì sao Donald Trump tấn công truyền thông? »

Nhật báo công giáo đưa ra ba lý do chính. Thứ nhất, ông dựa theo cảm giác bài truyền thông của một bộ phận dân Mỹ chỉ trích các trang thông tin đã cung cấp tin tức không đầy đủ hoặc bị bóp méo. Xu hướng chống đối truyền thông này tại Mỹ ngày càng tăng kể từ năm 2000, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Internet và các trang mạng xã hội.

Thứ hai, tổng thống Mỹ cần một kẻ thù để tự khẳng định vai trò người bảo vệ nền dân chủ Mỹ. Điều bất hạnh thay và cũng đầy nghịch lý, ông Donald Trump đã thành công trong việc biến các kênh truyền thông độc lập, vốn dĩ là một phần của nền dân chủ thành « kẻ thù của nhân dân », một rào cản cho nền dân chủ.

Cuối cùng, tổng thống Mỹ không chấp nhận bất kỳ lời chỉ trích hay mọi nghi vấn nào về chính sách của ông. Giới truyền thông cũng như các phe đối lập đưa ra một cách diễn giải khác, đều bị xem là những kẻ phá đám và ông muốn tự cho mình là một vị tổng thống cao cả nhất của lịch sử nước Mỹ.

Do vậy, tổng thống Mỹ tìm kiếm một cuộc chiến trực diện với truyền thông, một cuộc chiến mà ông nghĩ là có thể giành phần thắng. Theo một thăm dò mới nhất, 88% số người ủng hộ cho biết rất tin tưởng vào Donald Trump để có được những thông tin đáng tin cậy, so với tỷ lệ 8% dành cho truyền thông. Tóm lại, tổng thống Mỹ đã nắm bắt được cảm giác quan trọng này và ông đã thành công trong việc biến chúng thành một lập luận chính trị.

Pakistan: Bóng ma giới quân sự

Thời sự châu Á khá hiếm hoi trên các mặt báo. La Croix có bài viết về « vụ tai tiếng vắc-xin gây lo ngại cho các bậc phụ huynh tại Trung Quốc ». Le Monde đặc biệt chú ý đến tình hình chính trị ở Pakistan. Nhật báo quan ngại « chiếc bóng của giới quân sự » đè nặng lên chính trường quốc gia Nam Á này.

Tờ báo nhìn nhận việc ông Imran Khan, cựu vô địch môn cricket đắc cử thủ tướng phản ảnh rõ nguyện vọng của người dân Pakistan làm trong sạch hóa các lề thói của chính quyền dân sự bị mất uy tín vì các tai tiếng tham nhũng.

Nhưng cuộc tuyển cử này vẫn chưa giải quyết được một vấn đề cơ cấu chính trị tại Pakistan từ 10 năm qua: Mối tương quan lực lượng giữa quyền lực dân sự và quân sự. Cựu thủ tướng Nawaz Sharif, cựu lãnh đạo đảng Liên Đoàn Hồi Giáo Pakistan-Nawaz (PML-N) bị phế truất và đang bị cầm tù vì các cáo buộc tham nhũng, là hiện thân cho sự kháng cự giữa phe dân sự với quân đội Pakistan. Giữa hai nhiệm kỳ (1990-1993 và 1997-1999), căng thẳng kết thúc bằng cú đảo chính của tướng Pervez Musharraf.

Nếu như giới quân sự Pakistan, cũng có quyền hành trong nền kinh tế, dường như từ năm 2008 đã từ bỏ việc dùng vũ lực và ngày nay người ta nghi ngờ ý đồ của quân đội hành động ủy quyền thông qua các đảng chính trị.

Mối nghi ngờ này đè nặng lên ông Imran Khan từ nhiều năm qua. Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, tân thủ tướng tương lai đã đi theo một phần lớn các quan điểm truyền thống của quân đội. Mang nặng tư tưởng chủ nghĩa dân tộc trong các chính sách đối ngoại và khu vực, Imran Khan đã bóng gió cho rằng chính phủ dân sự mà ông lãnh đạo có thể không cần vạch ra những định hướng lớn cho đất nước mà có thể sử dụng các đường lối của quân đội.

Mối quan hệ giữa Imran Khan và quân đội đã có từ lâu. Từng một thời thân cận với tướng Musharraf, rồi xa lánh người này để làm thân với Hamid Gul, cựu lãnh đạo cơ quan tình báo quân đội Pakistan trong những năm 1980. Le Monde hy vọng Imran Khan sẽ không là con rối của ai cả và cuộc bầu cử này không đặt nền dân chủ Pakistan dưới chế độ giám hộ, sao cho một thời đại chính trị mới thật sự được mở ra.

Ngày 01/08: Ngày nhân loại nợ Trái Đất

Trong lĩnh vực môi trường, Les Echos báo động « Trong vòng 7 tháng, nhân loại dường như đã hút cạn một năm nguồn tài nguyên Trái Đất ».

Theo nghiên cứu của tổ chức Global Footprint Network, ngày 01/08 đánh dấu « ngày nợ » của nhân loại đối với toàn bộ các nguồn dự trữ thiên nhiên mà hành tinh có thể tái tạo trong vòng một năm. Con người trong vòng có 7 tháng đã đánh bắt vượt mức số lượng cá, đốn hạ cây rừng, thu lượm, tiêu thụ quá mức và nhất là thải ra quá nhiều khí Carbon mà thiên nhiên có thể hấp thụ.

Vẫn theo tổ chức phi chính phủ trên, « năng lực sinh học » trái đất mỗi năm thêm bị suy giảm. Tổ chức này nhắc lại, vào năm 1990, ngày con người mắc nợ Trái Đất là 13/10, năm 2010 là 14/08 và năm 2017 là 02/08.

Trang nhất các báo Pháp

Đề tài trên trang nhất các nhật báo lớn của Pháp số ra ngày đầu tháng 8/2018 khá đa dạng. Le Figaro và Les Echos quan tâm đến tình hình xã hội và kinh tế đất nước qua các tít «Đào tạo: Cuộc đánh cược của Macron để tạo việc làm » và « Tại sao lạm phát trở lại ở Pháp ».

Điện ảnh là chủ đề chính của Libération. Với bộ phim « Nhiệm vụ bất khả thi » do ngôi sao điện ảnh Tom Cruise thủ vai chính, « Paris được lên sàn diễn ». Thủ đô nước Pháp có hy vọng thu hút các nhà làm phim quốc tế.

Về thời sự quốc tế, nhật báo công giáo La Croix quan ngại cho số phận người Syria qua hàng tựa « Người tị nạn Syria, nỗi sợ hồi hương ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180801-dau-hoa-vu-khi-hieu-qua-cua-donald-trump-chong-iran

 

Tin đọc nhanh

AFP – Ấn Độ cấm nhập vaccin Trung Quốc.

Lãnh đạo cơ quan dược phẩm Ấn Độ hôm nay, 01/08/2018, thông báo quyết định cấm nhập một loại vaccin ngừa bệnh dại của Trung Quốc, hiện đang gặp tai tiếng do sản xuất trái phép. Loại vaccin này hiện đã được sử dụng ở Ấn Độ, nhưng chưa biết là với số lượng bao nhiêu và sử dụng tại những nơi nào. Tại Ấn Độ, hàng năm có đến 20 ngàn người chết vì bệnh dại.

AFP – Công ty Hàn Quốc nhập khẩu than đá của Bắc Triều Tiên bị điều tra.

Hôm qua 31/07/2018, Seoul mở điều tra về các công ty trong nước bị nghi ngờ đã vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, nhập khẩu than đá của Bắc Triều Tiên. Cuộc điều tra diễn ra sau khi bộ trưởng bộ Thống Nhất Hàn Quốc tuần trước thông báo 9000 tấn than của Bắc Triều Tiên nhập vào Hàn Quốc qua ngả Nga, trên hai tàu vận tải, hồi năm ngoái. Số than trên có thể được chuyển tới cảng của Nga Kholmsk, rồi được chuyển lên hai tàu khác để đưa về hai cảng Incheon và Pohang.

AFP – Lãnh đạo Huyndai được phép thăm Bắc Triều Tiên.

Một phát ngôn viên bộ Thống Nhất của Hàn Quốc hôm nay, 01/08/2018, thông báo là chính phủ đã chấp thuận cho lãnh đạo tập đoàn Huyndai, bà Kyun Jung Eun, đi thăm Bắc Triều Tiên theo lời mời của Bình Nhưỡng, kể từ thứ Sáu tuần này. Đâu là lần đầu tiên lãnh đạo Huyndai thăm Bắc Triều Tiên kể từ năm 2014. Sự kiện này có thể là dấu hiệu cho thấy quan hệ kinh tế giữa hai miền sẽ được cải thiện.

AFP – Huawei vượt Apple trở thành nhà sản xuất điện thoại thứ hai toàn cầu.

Theo số liệu được công ty nghiên cứu International Data Corporation công bố hôm nay, 01/08/2018, trong quý hai năm nay, tập đoàn Trung Quốc Huawei đã bán được 54,2 triệu chiếc điện thoại, vượt Apple, 41,3 triệu. Tập đoàn Hàn Quốc Samsung xếp thứ nhất với 71,5 triệu chiếc. Đây là lần đầu tiên từ năm 2010,  Apple bị đánh bật khỏi nhóm hai công ty dẫn đầu thế giới.

AFP – Liên Hiệp Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập ân xá lao động bất hợp pháp.

Hôm nay, 01/08/2018, Liên Hiệp Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập thông báo ân xá cho những lao động ngoại quốc trong tình trạng bất hợp pháp. Những người nhập cảnh vào nước này mà không có visa hoặc giấy cư trú đã hết hạn sẽ không bị truy tố, nếu họ ra trình diện nhà chức trách trước ngày 31/10. Tại quốc gia này, đa số nhân công là người nước ngoài, đến từ Đông Nam Á, Nam Á và châu Phi.

AFP – Pháp cấm dùng smartphone tại trường học.

Chính quyền Pháp ngày thứ Hai, 30/07/2018, đã thông qua luật cấm học sinh sử dụng smartphone, máy tính bảng và các loại đồ điện tử kết nối mạng khác trong lớp học. Luật cấm này sẽ được áp dụng từ năm học mới, đối với học sinh 14-15 tuổi. Tuy vậy, các trường cấp hai vẫn có thể cho phép học sinh sử dụng điện thoại nhằm mục đích học tập và trong hoạt động ngoại khóa.

http://vi.rfi.fr/tong-hop/20180801-tin-doc-nhanh