Đỗ Cao Bảo – Nguyên nhân sự giàu có hay nghèo đói của một quốc gia

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đỗ Cao Bảo – Nguyên nhân sự giàu có hay nghèo đói của một quốc gia
Khi tôi viết bài “4 điểm yếu cố hữu của người Việt” trong serires bài “vì sao đất nước ta mãi nghèo” cũng như khi tôi viết bài “Bangladesh: dân chủ không phải là cây đũa thần” và bài “Tại sao các nước xứ lạnh thường giàu có hơn”, có khá nhiều bạn phản đối; Trên một số diễn đàn khác (đăng lại bài “vì sao đất nước ta mãi nghèo”), hoặc trên facebook của mình (họ tự forward về), một số bạn còn chửi bới thô tục, dùng những từ ngữ mà lẽ ra người trí thức, doanh nhân, người văn minh không bao giờ dùng.
Việt Nam nghèo vì cổ hủ nhất thế giới
Nhiều bạn yêu quý tôi rất bức xúc về những cư xử thiếu văn hoá đó, nhưng tôi thì rất bình thản, bởi tôi hiểu rằng đấy là biểu hiện rõ nhất về thói xấu “Áp đặt suy nghĩ của mình cho người khác, không chấp nhận người khác chính kiến với mình” của người Việt chúng ta. Những người ấy đã hằn sâu trong đầu chỉ có một nguyên duy nhất “nghèo đói là do thể chế, cứ dân chủ, minh bạch là tự khắc đất nước sẽ giàu”, hoặc “anh là người Việt tại sao anh lại kể xấu người Việt”…
Tôi biết có rất nhiều bạn cho rằng “thể chế là nguyên nhân duy nhất hoặc là nguyên nhân quan trọng nhất” dẫn đến nghèo đói hay giàu có của một quốc gia. Họ lấy trường hợp “Đông Đức và Tây Đức”, “Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc”, “Đài Loan, Hồng Kông, Macau và Trung Quốc”, một thị trấn giữa Mexico và Mỹ làm minh chứng. Họ tin tưởng tuyệt đối vào điều đó, rất nhiều bạn còn cho rằng những ai không nghĩ như vậy là “ngu”, là “đầu óc bã đậu”, là “kẻ đê tiện”.
Đúng là thể chế dân chủ rất quan trọng, nó có thể kéo tụt lùi sự phát triển của một dân tộc, một quốc gia, nhưng thể chế dân chủ không phải cây đũa thần, bằng chứng là trên thế giới có không dưới 50 quốc gia ở châu Phi, ở Nam Á, ở Đông Nam Á (chiếm 25% các quốc gia trên thế giới), đã và đang áp dụng, học tập thể chế dân chủ từ 30-40-50 năm nay, có nước thì học tập mô hình dân chủ của Mỹ, có nước thì học tập mô hình dân chủ của Anh, của Pháp, của Tây Ban Nha, của Hà Lan, nhưng sự nghèo đói vẫn luôn đeo đẳng hết đời này sang đời khác.
Trên thế giới có hơn chục quốc gia giàu có và khá giàu có, chỉ vì ông trời đã ưu ái ban cho họ nguồn tài nguyên, khoáng sản vô cùng to lớn, đó là dầu mỏ, khí đốt, vàng, kim cương, kim loại hiếm, tài nguyên rừng…, dù cho đến hiện tại họ vẫn đang theo chế độ quân chủ và quân chủ chuyên chế. Trên thế giới cũng có hơn 10 quốc gia đã tận dụng và khai thác tốt vị trí địa lý, thiên nhiên ưu đãi để trở thành quốc gia khá giàu có.
Trên thế giới có những quốc gia nhờ nguồn tài nguyên, khoáng sản phong phú để bứt phá lên về kinh tế, mức sống, dân trí, văn hoá, từ đó có điều kiện hoàn thiện thể chế, luật pháp để trở thành quốc gia giàu có và cũng có những quốc gia chỉ vì sai lầm về thể chế mà kéo tụt lùi sự phát triển của đất nước, của dân tộc hàng chục năm.
Theo thống kê thì các quốc gia có cùng thể chế, các quốc gia có cùng chủng tộc, các quốc gia gần gũi về văn hoá, sự giàu nghèo phụ thuộc rất lớn vào khí hậu: các quốc gia xứ lạnh, khí hậu ôn đới thường giàu có hơn các quốc gia xứ nóng, khí hậu nhiệt đới.
Những điều đó chứng tỏ rằng sự giàu nghèo của mỗi cá nhân hay sự giàu nghèo của mỗi quốc gia, không bao giờ chỉ có một nguyên nhân duy nhất, mà có rất nhiều nguyên nhân.
Dưới góc nhìn cá nhân, tôi cho rằng sự giàu nghèo của một quốc gia phụ thuộc vào văn hoá, dân trí, thể chế, tài nguyên khoáng sản, khí hậu, địa lý, chủng tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, ngôn ngữ, tài năng của một vĩ nhân… chứ không phải vì một nguyên nhân duy nhất nào.
Tiếp theo ba bài “Vì sao đất nước ta còn nghèo”, “Bangladesh: dân chủ không phải là cây đũa thần”, “Tại sao các xứ lạnh thường giàu có hơn”, tôi sẽ viết thêm một số bài xung quanh chủ đề “nguyên nhân về sự giàu có hay nghèo đói của một quốc gia”. Đây cũng là chủ đề rất thú vị, tạo nhiều cảm hứng cho tôi đi tìm những dữ liệu, số liệu, thông tin để minh chứng cho các luận điểm của mình.
Biết đâu đây lại là những viên gạch đầu tiên cho cuốn sách: “BÀN VỀ SỰ NGHÈO ĐÓI VÀ GIÀU CÓ CỦA MỘT QUỐC GIA” sẽ được xuất bản vào năm 2018 hay 2019.
(Các bài tiếp: “Tài nguyên khoáng sản có giúp quốc gia giàu có”, 
“Dân chủ có phải cây đũa thần”,
“Những vĩ nhân đã thay đổi vận mệnh dân tộc”…)
Đỗ Cao Bảo