Đình công quy mô lớn tại Hong Kong, 200 chuyến bay bị hủy
Hong Kong đã hủy 200 chuyến bay trong hôm nay do lo ngại tình trạng biểu tình và đình công có thể làm ảnh hưởng tới việc vận hành và hoạt động của sân bay.
Bưu điện Hoa nam Buổi sáng đưa tin, các cuộc biểu tình ở Hong Kong đã bị đẩy lên quy mô lớn hơn tại 7 quận tại đặc khu. Người biểu tình tới các ga tàu điện ngầm, ngăn không cho cửa tàu đóng lại khiến các phương tiện không thể di chuyển. Ngoài ra, họ cũng ra đường nhằm gây ảnh hưởng tới các tuyến giao thông chính của hòn đảo.
CNN ban đầu đưa tin, hơn 100 chuyến bay ra và vào Hong Kong, chiếm khoảng gần 1 nửa số chuyến, đã bị hủy hoặc hoãn do lo ngại các sân bay sẽ không thể hoạt động bình thường khi tình trạng biểu tình và đình công trở nên khó đoán. Ngày hôm qua, cơ quan hàng không đặc khu đã cảnh báo về sự việc hủy hoãn chuyến, đồng thời khuyến cáo hành khách chỉ đến sân bay khi có thông báo chính xác về lịch trình.
Các chuyến bay bị hủy hoặc chậm trễ chủ yếu từ các hãng Hong Kong Airlines, China Airlines và Cathay Pacific.
Thông tin cập nhật mới nhất từ Channel News Asia cho biết, số chuyến bay bị hủy/chậm đã tăng lên khoảng 200 và hàng trăm người đang mắc kẹt ở sân bay.
Đây là tuần thứ 9 liên tiếp người Hong Kong xuống đường. Trong cuộc biểu tình hôm qua, chính quyền đặc khu đã bắt 44 người với cáo buộc “tụ tập và mang vũ khí bất hợp pháp”, nguồn tin từ cảnh sát xác nhận ngày 5/8.
Những người biểu tình có các yêu cầu lớn như chính quyền Hong Kong phải rút toàn bộ dự luật dẫn độ về Trung Quốc đại lục, hủy các cáo buộc chống lại người biểu tình bị bắt giữ, rút lại tuyên bố “bạo động” ám chỉ các cuộc biểu tình trước đó, mở một cuộc điều tra độc lập liên quan tới cáo buộc cảnh sát đã sử dụng biện pháp mạnh quá mức với người biểu tình…
Các kêu gọi trên đã mở rộng nhiều so với thời điểm 2 tháng trước đây khi biểu tình diễn ra, vốn chỉ nhằm gây áp lực để chính quyền hủy bỏ dự luật dẫn độ.
Trưởng đặc khu họp báo, khẳng định không từ chức
Trong cuộc họp báo sáng hôm nay, Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga nói rằng “các hành động biểu tình bạo lực đã đẩy Hong Kong vào một tình huống cực kỳ nguy hiểm”.
Bà Lâm cũng cho rằng cuộc biểu tình kéo dài trong 9 tuần đang gây ảnh hưởng tới nền kinh tế đặc khu khi xã hội trở nên “bất ổn và nguy hiểm”.
Bà Lâm tuyên bố chính quyền sẽ thành lập một nhóm làm việc liên ngành có trách nhiệm giám sát các cuộc biểu tình diễn ra tại thành phố bắt đầu từ ngày 5/8.
Trong khi đó, ông Matthew Cheung, Tổng thư ký hành chính Hong Kong, cho rằng các cuộc biểu tình không mang lại lợi ích cho Hong Kong và kêu gọi người sử dụng lao động thông cảm với các nhân viên đi làm muộn vì bị ảnh hưởng bởi hệ thống giao thông tắc nghẽn.
Ngoài ra, Đặc khu trưởng Lâm cho biết bà không thể thả những người biểu tình đã bị bắt và hủy các cáo buộc chống lại họ. Bà cho hay bà không được phép làm vậy theo quy định của pháp luật đặc khu.
Bà cũng cho biết với những yêu cầu gia tăng của người biểu tình, họ đang “phá hủy cách sống của 7 triệu người Hong Kong”.
Bà Lâm khẳng định bà và các quan chức cấp cao sẽ không từ chức và sẽ tiếp tục làm việc để phục vụ Hong Kong cũng như đảm bảo đưa đặc khu trở về tình trạng bình thường. Bà cam kết sẽ “tương tác, lắng nghe và làm nhiều hơn để thỏa mãn những nguyện vọng của người Hong Kong”.
Theo SCMP