Đình công là vấn đề “nhạy cảm”, chính quyền lo ngại nguy cơ lan rộng
Phân tích của TS. Phạm Quý Thọ – 2022.02.20 – Chỉ ít ngày sau Tết Nhâm Dần 2022 đã xảy ra gần 30 cuộc đình công, ngừng việc tập thể tại các công ty có yếu tố đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), 100% vốn hay liên danh. Thực trạng này chưa từng có trong các năm trước, nhiều cuộc ngừng việc tập thể xảy ra thời gian qua do lương, thưởng Tết và việc thay đổi hình thức trả lương, thưởng của doanh nghiệp mà người lao động chưa đồng tình. Một số địa phương có vụ việc nổi cộm được báo chí đưa tin nhiều là Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Bắc Ninh… Chẳng hạn, gần 5.000 công nhân của Công ty TNHH giày da Viet Glory ở tỉnh Nghệ An đã quay trở lại làm việc sau hơn một tuần nghỉ việc tập thể để đòi quyền lợi khi được tăng lương cơ bản và có cam kết thay đổi thái độ ứng xử của cán bộ quản lý của công ty… Chính quyền lo ngại nguy cơ lây lan “đình công” tại nhiều tỉnh, thành phố, và mới đây Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐ) đã phải ban hành công văn về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể…
Đình công tại công ty TNHH Cresyn Hà Nội (Bắc Ninh) và Công ty TNHH EM-TECH Việt Nam tại Nghệ An trong tháng 2/2022
Đình công là vấn đề cấp thiết và phức tạp đối với cải cách thể chế khi chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Động lực thị trường mạnh mẽ với làn sóng đầu tư nước ngoài đã thúc đẩy kinh tế, có xuất phát điểm thấp, tăng trưởng nhanh chóng như một sự bảo đảm tính chính danh của Đảng. Nếu tách biệt tương đối các loại thị trường hàng hoá và dịch vụ… thì thị trường lao động vì lý do ý thức hệ có quá trình chuyển đổi chậm chạp hơn cả. Việc ban hành Bộ luật Lao động năm 1995 là một bước tiến thể chế hoá nhưng nhiều nội dung không phù hợp với kinh tế thị trường nên cho đến nay đã phải sửa đổi nhiều lần, trong đó có điều khoản về đình công theo quy trình phức tạp, thiếu tính khả thi. Việc duy trì quá lâu chế độ biên chế nhà nước, bộ máy hành chính cồng kềnh phình to, hệ thống tiền lương thống nhất lạc hậu dung dưỡng tính quan liêu, cửa quyền và các hành vi tiêu cực của công chức. Việc giải quyết tranh chấp lao động mang tính hình thức, cơ chế ba bên: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) đại diện Nhà nước, Tổng Liên đoàn VN đại diện người lao động và Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) đều đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng nên quyết định về lương tối thiểu là không thể mang tính độc lập, việc cam kết với quốc tế như với Tổ chức Lao động về điều kiện và quyền lao động trong ký kết tham gia các Hiệp định thương mại và đầu tư với nước ngoài và thực thi luôn bị trì hoãn, việc tự thành lập các tổ chức công đoàn độc lập trong nước đều bị coi và trái pháp luật và bị trừng phạt…
Như hậu quả của môi trường luật pháp và hành chính như trên, những cuộc đình công sau Tết Nhâm Dần cho thấy một số vấn đề sau: Không đúng theo quy định về đình công trong Bộ luật Lao động; Những công nhân tự phát nghỉ việc và tụ tập và không thấy xuất hiện “người cầm đầu”, nhưng “nghiêm khắc xử lý hành vi kích động ngừng việc tập thể với động cơ xấu” được cảnh báo. Nguyên nhân chủ yếu là lương thấp, đời sống khó khăn do COVID-19 và giá cả hàng hoá tăng; vai trò công đoàn mờ nhạt; chính quyền “vào cuộc” xử lý như trường hợp ở tỉnh Bắc Ninh là các cơ quan chức năng như Sở LĐ, TB&XH, Phòng Kinh tế, Công an tỉnh; lãnh đạo các công ty viện dẫn luật, như các điều khoản về lương tối thiểu đứng về phía giới chủ sử dụng lao động; thời gian đình công thường kéo dài khoảng trên dưới một tuần sau khi một số yêu cầu của người lao động được thoả mãn…
Đình công là vấn đề nhạy cảm với chế độ vì bản chất chính trị. Đình công có lịch sử hàng trăm năm gắn liền với quá trình công nghiệp hoá và sự phát triển tư bản chủ nghĩa, và đình công bị cho là “xấu xa” dưới góc nhìn ý thức hệ cộng sản dựa trên tư tưởng Mác-Lênin về xoá bỏ bóc lột sức lao động và đấu tranh giai cấp. Động cơ và hành vi làm việc vì tập thể được kiểm soát bởi cơ chế kế hoạch hoá thông qua các tiêu chuẩn, định mức lao động, cơ chế tiền lương thống nhất trên cơ sở tính hao phí lao động, thi đua thay cho cạnh tranh, thu quốc doanh thay thế lợi nhuận… Mô hình trên không còn tồn tại, bởi vậy việc tránh bị níu kéo bởi ý thức hệ CNXH giáo điều là điều kiện tiên quyết để tạo lập môi trường phát triển cho các yếu tố thị trường lao động. XHCN là “huyền thoại” nhưng câu hỏi đến khi nào là “thực tế” sẽ luôn thách đố đối với những người tham vọng quyền lực.
Đình công là vấn đề thời sự và thời đại gắn với sự vận động của thị trường và cần được giải quyết bằng các giải pháp thị trường có tính đến cả hai mặt phải trái: ưu thế và khiếm khuyết cố hữu của nó. Adam Smith từ 1776 đã nhìn thấy sức mạnh của thị trường đồng thời với khả năng băng hoại đạo đức, tha hoá quyền lực. Nhiều nhà tư tưởng vĩ đại khác trong thời khai sáng và cách mạng công nghiệp lần thứ nhất đã đặt nền móng cho môi trường tự do kinh doanh và chế độ dân chủ để kiểm soát quyền lực hiệu quả. Thomas Piketty, nhà kinh tế học người Pháp trong công trình có tiếng vang: Tư bản trong thế kỷ XXI (Tiếng Anh: Capital in the Twenty-First Century, 2014) đã đưa ra cảnh báo rằng trong thế kỷ hai mươi mốt này sự phân hoá giàu nghèo, sự bất bình đẳng, như mặt trái cố hữu của thị trường, một đặc điểm của chủ nghĩa tư bản, vẫn bám đuổi loài người như một xu hướng.
Bởi vậy, quan điểm, cách tiếp cận và giải pháp đối với đình công là cấp thiết đối với Việt Nam, nhưng phải toàn diện và lâu dài, kiểm soát đình công phải mang tính thị trường đồng thời với cải cách chính trị và thị trường nói chung. Ở đây nhấn mạnh hai đề xuất quan trọng cho vấn đề đình công xuất phát từ thực tế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và những yêu cầu thực tế cải cách chính trị phù hợp với thị trường. Một là, thiết lập cơ chế độc lập và hiệu quả để bảo vệ quyền lợi người lao động, cơ chế giải quyết thông qua đối thoại, trong đó thành lập các tổ chức công đoàn thực sự đại diện, độc lập và chuyên nghiệp trong đồng thời với cải cách thể chế luật pháp và chính sách có liên quan. Giá nhân công cần được xác định trên thị trường lao động nhưng hiện đang phải duy trì ở mức thấp để thu hút đầu tư nước ngoài, bất lợi với người lao động. Hai là, cải cách thị trường lao động mạnh hơn, trước hết xoá bỏ biên chế nhà nước, hoàn thiện cơ chế tự chủ và tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, vấn đề đã được khởi động, thực hiện dở dang và đang gặp chống đối bởi sự tha hoá quyền lực và nhóm lợi ích. Điều này được minh chứng bởi những vụ án, trục lợi do quản lý yếu kém của ngành y tế và giáo dục hiện nay.
Theo tôi, cùng với sự thâm nhập sâu rộng của thị trường trong thời gian tới đình công có thể lan rộng, tuy nhiên, “sự nhạy cảm” và tính chất phức tạp đình công tuỳ thuộc vào các cải cách chính trị và thể chế theo hướng thị trường. Hy vọng các biện pháp giải quyết tranh chấp lao động cần thông qua cơ chế đối thoại, dân chủ và văn minh bởi vì “triệt tiêu” nó bằng chuyên chế là không thể.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.