Điếu Văn Tiễn Biệt trong Ngày Tang Lễ Ðồng Chí Niên Trưởng Hoài Sơn Ung Ngọc Nghĩa
Điếu Văn của Ngô Văn Hiếu Khóc Cụ Hoài Sơn Ung Ngọc Nghĩa (Little Saigon 15/5/2022)
Kính thưa Chị Ung Thị Phương Thu, ái nữ Cụ Hoài Sơn Ung Ngọc Nghĩa, và toàn thể tang quyến.
Kính thưa anh Lê Minh Nguyên, đương kim Chủ Tịch Đảng Tân Đại Việt, quí vị đảng viên, và đại gia đình TĐV. Kính thưa toàn thể quí vị.
Trước hết chúng tôi xin nghiêng mình kính bái trước hương linh Cụ Hoài Sơn Ung Ngọc Nghĩa và xin nguyện cầu hương hồn Cụ sớm được thanh thản yên nghỉ.
Chúng tôi cũng xin thành kính phân ưu cùng toàn thể tang quyến, đại gia đình TĐV và tất cả quí vị.
Thật là đau lòng trước tin Cụ đã qua đời; vậy là từ nay chúng ta không còn gặp Cụ nữa! Việc Cụ vĩnh viễn ra đi không chỉ là 1 mất mát lớn cho gia đình, đảng TĐV, và chúng ta, mà lại còn là sự mất mát của đất nước và cộng đồng ta. Chúng ta đã mất đi 1 vị tiền bối, 1 lãnh đạo chính trị khả kính.
Chúng tôi đã biết danh của Cụ từ lâu, hơn 50 năm trước, nhất là năm 1965 khi Cụ đã cùng với GS Nguyễn Ngọc Huy và các nhân sĩ quốc gia tên tuổi thành lập đảng TĐV dựa trên căn bản tự do dân chủ; và sau đó năm 1969 khi các Cụ lập Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến công khai hoạt động chính trị. Hai yếu tố chính là “hoạt động chính trị công khai” và “tự do dân chủ” là bản sắc mới mẻ của TĐV; và điều này đã làm TĐV khác biệt với các đảng chính trị trước đó vì theo họ “đảng phái chính trị phải hoạt động bí mật” và “đảng cần có lãnh đạo mạnh và độc đoán”.
Các cụ đã đề xướng và thực hiện được phương cách mới mẻ, giống như bên Âu Mỹ như vậy, là có phần nhờ không khí tự do thời hậu Cách Mạng 1/11/1963 đến 4/1975; nhưng phần chính là nhờ nỗ lực chung của những người có tâm chí như GS Nguyễn Ngọc Huy, GS Nguyễn Đình Huy, và Hoài Sơn Ung Ngọc Nghĩa.
Nhưng, rất tiếc Chiến Tranh VN đã kết thúc oan nghiệt vào ngày 30/4/1975 khiến đất nước bị khống chế dưới ách độc tài đảng trị CSVN trước khi các thay đổi chính trị vì tự do dân chủ được phát triển thành công, khiến hoài bão của cụ Hoài Sơn và các nhân sĩ quốc gia không thể thực hiện được.
Sau khi VNCH bị sụp đổ, các sinh hoạt đảng phái quốc gia bị đàn áp, kẻ di tản người phải cảnh tù đày hay bị giết hại thì Cụ đã phải đi tù cải tạo đến 12 năm. Trong thời gian tù đày cụ vẫn luôn vững tinh thần.
Nhờ sinh hoạt nhân quyền chung với anh Lê Minh Nguyên, ở Mỹ chúng tôi có thêm diễm phúc trực tiếp biết đến Cụ Hoài Sơn cũng như nhiều vị lãnh đạo đảng TDV như BS Mã Xái, TS Nguyễn Ngọc Sẵng, ông Hoàng Đình Khuê. Riêng Cụ Hoài Sơn ấn tượng lớn nhất là Cụ rất hiền từ, tích cực, lạc quan, khiêm tốn, trào phúng, kiên trì, nhớ dai, và rất lịch sự. Biết chúng tôi kính mến nên Cụ cũng thường kể về cuộc đời hoạt động chính trị với nhiều chi tiết, khung cảnh văn hóa chính trị Miền Nam, cũng như đọc những bài thơ vừa bình dị của cụ.
Trong hơn 2 năm qua tuy hạn chế sinh hoạt do dịch Covid-19 nhưng chúng tôi cũng vẫn tranh thủ gặp Cụ thêm mấy lần và lần nào Cụ cũng ân cần cầm tay khích lệ.
Dĩ nhiên, anh Nguyên và quí vị trong gia đình TĐV biết về tài năng và đức độ của Cụ nhiều hơn 1 thân hữu ngoài đảng như chúng tôi, 1 người ngoài đảng; cho nên ở đây chúng tôi chỉ xin dùng 2 chữ Chí Sĩ để tôn xưng Cụ Hoài Sơn Ung Ngọc Nghĩa, 1 người đã miệt mài suốt đời phụng sự cho lý tưởng tự do và luôn mưu cầu ấm no hạnh phúc cho dân mình.
Chúng tôi cũng rất thông cảm cho gia đình Cụ vì họ đã phải chấp nhận nhiều thiệt thòi để ủng hộ việc hoạt động của Cụ, nhất là lúc Cụ phải lưu vong hết 8 năm tại Lào và 12 năm tù tội cũng như khi phải thoát ly gia đình vì chính trị.
Biết cụ là 1 thi sĩ nên trước khi dứt lời xin gởi đến cụ 1 bài thơ ngắn có tựa là “Khoảnh Khắc”:
***Khoảnh Khắc
lá rơi
ta chợp mắt
khoảnh khắc cõi ta bà
uy nghi chiến bào Nguyễn Huệ
cùng anh em huyết thệ
đông tĩnh đoài tan sấm sét trường chinh
những thành thị
những bờ cõi điêu linh
vó ngựa thanh gươm ngất cao hào khí
kinh hồn bạt vía những u minh cứu sanh linh
làm người Phù Đổng
thỏa chí bình sinh
trời cao đất rộng
càn khôn lồng lộng oai nghi cao một cõi tâm tình
chạm đất lá rơi
mở mắt tan tành mơ khoảnh khắc
còn ta đây hơn thiệt một bầu trời
hải âu ơi sao trùng điệp biển khơi
thanh kiếm vó câu một đời phiêu bạt
bóng tà dương chiều đổ xuống xiêu vai
thơ túi rượu bầu miên trùng chao ơi dào dạt
ta còn đây vẫn nguyên niềm khao khát
lá rơi
bụi cát
trở về vô tri vô giác
***
Xin trân trọng kính bái.
Xin thành kính phân ưu.
Ngô Văn Hiếu (Đồng Sáng lập viên Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam)
(1) Vài hàng về Hoài Sơn:
Cụ là đồng sáng lập viên, cựu Chủ Tịch, và là Cố Vấn Đảng Tân Đại Việt (TĐV).
Cụ sanh ngày 12/12/1923 tại Cần Thơ và mất lúc 10:22 sáng ngày 3/5/2022, tức 3/4 năm Nhâm Dần, tại Orange County, California, Hoa Kỳ. Hưởng thọ 99 tuổi.
Linh cửu quàn tại Peek Family Home, Westminster, CA; tang lễ cử hành ngày 15/5/2022 9 AM đến 2 PM, và sau đó hỏa táng cùng địa điểm.
Tang gia gồm các ái nữ là các chị Ung Thị Lan Phương, Ung Thi Hoài Ngọc, Ung Thị Liên Hương, và Ung Thị Phương Thu cùng các rễ, cháu, và chắt. Chỉ có chị Phương Thu ở Mỹ.
Đương kim Chủ Tịch TĐV là Ông Lê Minh Nguyên và gia đình TĐV cùng với chị Phương Thu tổ chức tang lễ.
(2) Trong các quan khách và đoàn thể đảng phái đã đọc điếu viên và phân ưu gồm có:
– Ông Hoàng Đình Khuê, Phó Chủ Tịch TĐV.
– Ông Lê Minh Nguyên, Chủ Tịch TĐV.
– Ông Nguyên Dzuy, Đại Việt Cách Mạng.
– GS Nguyễn Lý Tưởng, Cựu Dân Biểu
– Ông Vũ Viết Cung, Trung Tâm Huấn Luyện Cán Bộ Quốc Gia Vũng Tàu.
– Ông Trần Quốc Bảo, Chủ Tịch Lực Lượng Cứu Quốc.
– Ông Phan Thanh Châu, Việt Nam Quốc Dân Đảng.
– Ông Phạm Đình Hưng, Giám Sát Viện.
– Bà Phạm Thế Thủy, Ủy Ban Giáo Dục.
– TS Nguyễn Võ Nghiêm Minh, Đạo Diễn.
– Ông Ngô Văn Hiếu, người hoạt động nhân quyền.
Điếu văn của anh Trần Bạch Thu, một cựu công chức VNCH trong ngày tang lễ bác Hoài Sơn 15/5/2022.
TIỄN BIỆT BÁC HOÀI SƠN UNG NGỌC NGHĨA
Kính thưa gia đình tang quyến,
Kính thưa các bậc trưởng thượng, thân hào nhân sĩ
Thưa quý đồng hương,
Thưa quý vị,
Hôm nay chúng tôi đến đây để kính viếng lần cuối cùng Bác Hoài Sơn Ung Ngọc Nghĩa, đồng thời cũng kính gởi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình tang quyến. Tuy thuộc vào hàng đại thọ, “bách niên thiên tuế”, nhưng cha mẹ hay hiền nhân dù có trăm tuổi già mất đi mình vẫn tiếc. Dẫu biết rằng “Sinh ký tử qui” nhưng sự ra đi của Bác cũng để lại trong lòng những người ở lại nơi đây sự luyến tiếc khôn nguôi. Chúng tôi xin được có đôi lời về Bác
Trước hết Bác là một chính trị gia hoạt động lâu đời nhất trong lịch sử chính trị Việt Nam thời cận đại. Từ thuở thiếu thời vào những năm 1940 cho đến ngày nay là hơn 82 năm. Bác là chứng nhân của lịch sử qua hầu hết mọi biến cố chính trị ở miền Nam. Đặc biệt hơn nữa là với trí nhớ thật tuyệt vời, Bác có thể diễn giải rành mạch những sự kiện chính trị cùng với các nhân vật lịch sử mà không cần ghi ra giấy. Chúng tôi biết ơn Bác, nhờ Bác mà chúng tôi biết được những tài liệu lịch sử sống động qua lời kể thật chân tình và bình dị của Bác trong những lần tụ họp đông anh em
Thứ hai, Bác chưa bao giờ khoác cho mình bất cứ một tước hiệu hay danh xưng nào trong suốt 82 năm ròng hoạt động. Bác vẫn giữ và luôn luôn khiêm nhường, chỉ là một công chức bình thường ở tòa Bố Cần Thơ cho đến khi nhận trọng trách trong các đoàn thể chính trị. Bác luôn học hỏi và trau dồi khả năng hoạt động là chính. Tất cả mọi tước hiệu hay danh xưng chỉ là tạm thời, chỉ có đạo đức mới là mãi mãi. Cho nên cuộc đời tranh đấu của Bác quả thật là một tấm gương sáng cho các thế hệ nối tiếp dấn thân trên con đường hoạt động chính trị chân chính
Thứ ba, hoạt động chính trị trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh triền miên trong một xã hội còn lạc hậu nên có rất nhiều khó khăn, lúc thịnh lúc suy, có lúc phải lưu vong ra nước ngoài, rồi khi biến cố ngày 30 tháng 4 xảy ra, Bác cũng như bao người miền Nam khác phải chịu cảnh lưu đày khổ sai cho đến khi được ra đi định cư ở nước ngoài, Bác luôn luôn kiên trì, bền bỉ hoạt động dù bất cứ ở đâu và trong bất cứ cương vị hay nhiệmvụ nào mà đoàn thể giao phó
Và hôm nay đây, Bác thanh thản ra đi trong sự thương tiếc của gia đình các con, các cháu cùng với sự kính cẩn tiễn đưa của các đồng chí, anh em thân thiết, cho nên tôi tin rằng, rồi đây lịch sử chính trị Việt Nam sẽ ghi nhận Bác như là một nhà chính trị hoạt động lâu bền nhất, suốt một cuộc đời 82 năm tranh đấu giành tự do dân chủ cho Việt Nam và tên tuổi của Bác, Hoài Sơn Ung Ngọc Nghĩa sẽ còn tồn tại mãi với non sông.
Xin vĩnh biệt Bác
Kính chào quí vị.
Trần Bạch Thu
Cựu công chức VNCH