Ðiều tra nữa?
Con chuột công tố Mueller đẻ ra coi bộ đã chết yểu rồi. TTDC sau một hai ngày loan tin, đã chôn vùi báo cáo của công tố Mueller dưới ba thước đất rồi.
Dĩ nhiên là ‘phe ta ‘ vẫn còn tìm cách chống chế, gỡ gạc, tố tóm lược của bộ trưởng Tư Pháp là tóm lược láo, không đáng tin, cần phải đọc nguyên văn báo cáo.
Chuyện tiếu lâm!
Làm sao mà một bộ trưởng trong một văn thư chính thức gửi cho chủ tịch Ủy Ban An Ninh của cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện có thể báo cáo láo được khi mà báo cáo đã là tài liệu quốc gia chính thức của bộ Tư Pháp có lưu giữ nguyên bản, bất kể công bố hay không công bố, và công bố trọn vẹn hay không. Nếu là báo cáo láo thì công tố Mueller và 19 luật sư thân DC của ông có thể ngồi yên chấp nhận được sao? Báo New York Times đã mau mắn tung tin nhóm của ông Mueller rất bất bình về tóm lược ‘sai lạc’ của bộ trưởng Tư Pháp William Barr. Đây vẫn chỉ là một tin của NYT, chẳng nêu tên ai, cũng chẳng đưa bằng chứng gì hết. NYT đã được biết như loan tin 92% bất lợi cho TT Trump, ai muốn tin cứ việc tin.
Phe đối lập DC cũng như TTDC đang chới với trực diện với cái phán quyết ‘trắng án’ của công tố Mueller, loay hoay tìm cách đánh tiếp. Họ chê trách cuộc điều tra của công tố Mueller chưa chu đáo, còn quá nhiều câu hỏi chưa được trả lời, đặc biệt là trong vấn đề sa thải giám đốc FBI để ‘cản trở công lý’. Ông Mueller từ đại công tố vĩ đại nhất lịch sử một sớm một chiều biến thành một tên thừa phát lại non nớt nhất. Từ đó, phải điều tra tiếp.
Chẳng những điều tra tiếp về hai vụ thông đồng với Nga và cản trở công lý, mà còn điều tra lang bang qua nhiều chuyện khác.
Trước khi bàn qua việc điều tra những chuyện khác, ta coi lại vài vấn đề liên quan đến báo cáo của công tố Mueller.
Phe DC, với sự hậu thuẫn của TTDC, đòi bộ Tư Pháp nộp nguyên văn báo cáo một cách trọn vẹn, không đục bỏ bất cứ một chữ nào.
Việc nộp nguyên văn không ‘đục bỏ’ không thể làm được vì thứ nhất, trong báo cáo có nhiều chi tiết về quan hệ với Nga và có thể vài quốc gia khác như Ukraine chẳng hạn, mà vì lý do an ninh quốc gia cũng như nhạy cảm ngoại giao, không thể tiết lộ được. Thứ nhì, báo cáo cũng có biên bản các thảo luận của đại bồi thẩm đoàn mà theo luật hiện hành không thể tiết lộ được. Thứ ba, báo cáo có ghi lại các cuộc thẩm vấn của cỡ 500 người, mà theo luật Mỹ, nếu họ không có tội thì cấm không được tiết lộ là họ đã bị thẩm vấn để bảo vệ tên tuổi của họ.Đây là luật Mỹ đã có từ không biết thời nào, không phải là luật Trump.
Ở đây, xin nhắc lại vài chuyện… vui!
Thời Clinton, phe CH đòi công bố nguyên văn báo cáo của công tố Kenneth Starr, Ông Jerrold Nadler, với tư cách chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện cho biết không thể được vì trong đó có những thảo luận của đại bồi thẩm đoàn mà việc công bố bị tuyệt đối cấm theo luật. Bây giờ chính ông này đòi công bố hết, rồi giải thích những thảo luận đó có thể được công bố nếu cần thiết.
Cách đây không lâu, phe CH đòi công bố báo cáo của giám đốc FBI Comey về vụ điều tra emails của bà Hillary, bà Pelosi cho biết không thể được vì có nhiều tin tức mật liên quan đến an ninh quốc gia. Bây giờ thì bà Pelosi đòi công bố trọn vẹn báo cáo của ông Mueller kể cả tất cả những tin liên quan đến an ninh quốc gia.
Quý độc giả tự nhận định về lưỡi không xương của chính trị gia. Miễn bàn thêm.
Dân biểu Adam Schiff, chủ tịch Ủy Ban An Ninh Hạ Viện, trước đây khẳng định đã chính mắt thấy đầy đủ bằng chứng Trump thông đồng với Nga, bây giờ, sau khi ông Mueller xác nhận không có thông đồng, thì ông Schiff vẫn ngoan cố tuyên bố có bằng chứng thông đồng rõ ràng, chỉ là tóm lược của bộ trưởng Barr đã không dám đăng thôi. Ta có thể tin chắc sau khi báo cáo được công bố không trọn vẹn thì ông Schiff sẽ nói những bằng chứng đó đã bị dấu nhẹm, không được công bố.
Trong câu chuyện Mueller, chẳng những đảng DC, mà toàn thể TTDC đã bị bầm mắt vì quá trình hai năm chúi mũi khẳng định có ‘thông đồng với Nga’. Tuần qua, đã có 5-7 bài xã luận của TTDC loay hoay tự bào chữa cho mình. Ông Jeff Zucker, xếp lớn của CNN là đài TV bị tố nặng nhất, biện minh “chúng tôi không phải là chuyên viên điều tra –investigators- mà chỉ là nhà báo đăng lại tin tức thôi”. Kiểu ông xếp của CNN bào chữa cho CNN cho thấy rõ ông này mà làm nghề luật sư thì chỉ có đổ nợ.
Nói nhà báo không phải là những người đi điều tra sự thật là nói láo ngớ ngẩn. Không ai quên được những vụ nhà báo đã đi điều tra và khui xì-căng-đan Watergate dưới thời TT Nixon và Monica dưới thời TT Clinton. Chưa kể cả trăm nhà báo đã được giải Pulitzer nhờ những cuộc điều tra về đủ thứ chuyện của họ.
Báo New York Times sau khi bộ Tư Pháp công bố bản tóm lược, đã chất vấn ông Barr làm sao có thể quyết định ‘không đủ yếu tố truy tố TT Trump’ ngay trong vòng 48 tiếng đồng hồ sau khi có được báo cáo. Sau khi ông Barr tiết lộ ông đã được công tố Mueller cho biết quyết định cả ba tuần trước, NYT bị hố, chuyển hướng tấn công. Bây giờ thì cho biết báo cáo dài tới hơn 300 trang, làm sao ông Barr có thể tóm lược trong bốn trang được? Ý muốn nói ông Barr báo cáo quá “hời hợt”, không chính xác. Thật ra, báo cáo của công tố Mueller có thể tóm lược không phải trong 4 trang mà trong đúng hai chữ: vô tội! Bất kể trong báo cáo có những chi tiết gì bất lợi cho TT Trump, kết luận vẫn là vô tội. Hết chuyện. Trong các phiên tòa, chánh án hay bồi thẩm đoàn chỉ tuyên bố ‘vô tội’ hay ‘có tội’, hết. Không có quan tòa hay bồi thẩm đoàn nào đọc trước tòa tất cả chỉ tiết của cuộc điều tra hết.
Bộ trưởng Tư Pháp mới xác nhận báo cáo dầy hơn 400 trang, sẽ được nộp cho quốc hội giữa tháng 4 này. Phe DC cũng sẽ không còn lý do tố bộ trưởng Barr nộp báo cáo láo vì bộ cũng đã thông báo chính ông Mueller và ê-kíp luật sư DC của ông đang làm việc cùng với bộ Tư Pháp để duyệt lại những đoạn có thể hay không thể công bố được.
Một chuyện TTDC và phe DC không bàn đến: trên nguyên tắc, cuộc điều tra của công tố Mueller là điều tra nội bộ của bộ Tư Pháp, do đó, không có luật gì bắt buộc bộ trưởng Tư Pháp phải nộp báo cáo cho quốc hội. Trước đây, giám đốc FBI, ông Comey đã nộp báo cáo điều tra về vụ emails của bà Hillary cho bộ trưởng Tư Pháp Loretta Lynch mà không nộp gì cho quốc hội hết thì sao?
Ủy Ban Tư Pháp của Hạ Viện đã biểu quyết ra trát –subpoena- bắt Hành Pháp phải giao nộp báo cáo cho quốc hội, nhưng ông Jerrold Nadler, chủ tịch Ủy Ban đã cho biết chưa ra trát ngay, chờ xem bộ trưởng Barr làm gì. Thật ra, tất cả vẫn chỉ là màn múa rối chính trị. Ông Nadler hiểu rất rõ nếu bộ Tư Pháp từ chối không tuân hành thì cùng lắm Hạ Viện chỉ có thể biểu quyết ông bộ trưởng khinh thường –contempt- Hạ Viện. Hết chuyện. Trước đây Hạ Viện do CH kiểm soát đã từng ra trát bắt bộ trưởng Tư Pháp của Obama, ông Eric Holder ra điều trần về vụ bán súng cho băng đảng, ông Holder từ chối, Hạ Viện biểu quyết tố ông Holder khinh thường Hạ Viện, rồi cũng hết chuyện, chẳng đi đến đâu hết.
Dù sao thì ngay sau khi báo cáo của công tố Mueller được phổ biến, tỷ lệ hậu thuẫn của TT Trump, theo cơ quan thăm dò Rasmussen đã vọt lên ngay 6 điểm, từ 45% lên tới 51%. Ngày này năm xưa (2 năm 2 tháng sau khi nhậm chức), tỷ lệ hậu thuẫn của TT Obama là 44%. Cơ quan thăm dò RBC Capital Markets cho biết 70% các doanh gia Wall Street nghĩ TT Trump sẽ tái đắc cử năm 2020.
Kẻ này vẫn thắc mắc sao công tố Mueller lại chọn đúng thời điểm này để công bố báo cáo. Nếu ông công bố trước ngày bầu cử tháng 11/2018 thì phe DC có chiếm được Hạ Viện không? Hay nếu ông công bố báo cáo độ 18 tháng nữa, vài tháng trước bầu cử 2020 thì TT Trump có tái đắc cử và đảng DC có tiêu diêu miền sa mạc không? Nói cách khác, thời điểm tung ra báo báo hiện nay hình như là thời điểm ít tai hại nhất cho đảng DC, ông Mueller có tính toán kiểu muốn đỡ cho đảng DC không? Quý độc giả nghĩ sao?
Về những chuyện khác mà phe DC muốn tiếp tục điều tra, ta thấy có hai câu hỏi mà bài này sẽ xem qua: 1) điều tra chuyện gì nữa? 2) ai điều tra và điều tra có chính danh không?
ĐIỀU TRA CHUYỆN GÌ NỮA?
Câu trả lời đúng nhất là… không ai biết! Ngay cả khối đối lập DC hò hét đòi điều tra cũng không biết. Ông Nadler đòi cả ngàn tài liệu đủ loại từ 81 cơ quan và cá nhân để truy tìm “tất cả những tội khác của TT Trump”.
Đại để, câu chuyện có thể được mô tả như thế này: ông chủ nhà Trump đang ngồi nhà, bị công an Nadler ập vào, lục xét nhà, từ dưới gầm giường tới nhà kho chứa rác.
– Chủ nhà Trump: “Ủa, tôi bị tội gì mà các ông lục xét nhà tôi vậy?”
– Công an Nadler: “Tội gì hả? Không biết, bởi vậy mới lục xem có tội gì có thể bắt được. Thế mà cũng hỏi!”
Đó là tiêu chuẩn pháp lý mới của đảng DC, tự xưng là đảng nhân bản, văn minh, tiến bộ nhất nhân loại đấy. Vị độc giả nào thấy có lý, xin gửi góp ý giải thích về DĐTC.
Cho đến nay, thì phe ta ẫm ờ nêu lên một số vấn đề có thể khai thác, điều tra để kiếm cho ra tội.
Thứ nhất là vấn đề khai thuế. Phe ta tố cáo TT Trump đã không công khai hóa giấy khai thuế. Lý do Hạ Viện nêu lên là để biết doanh gia Trump trước đây có trốn thuế hay không. Bá láp! Ông Trump với tư cách doanh gia đã bắt buộc phải khai thuế từ hơn 50 năm nay rồi. Nếu trốn thuế hay gian lận gì thì IRS trong nửa thế kỷ qua đã bắt rồi. Không phải đợi tới các ông dân biểu mù tịt chuyện kinh doanh và thuế khoá vồ bắt. Ta đừng quên ‘giấy’ khai thuế của doanh gia Trump dầy cả trăm hay cả ngàn trang vì có liên hệ tài chánh với gần 500 công ty ông Trump kiểm soát, do cả chục chuyên viên thượng thặng về kế toán và luật thuế làm, nếu có thể ‘qua mặt’ được các chuyên viên của IRS thì đố mấy ông dân biểu hay phụ tá miệng hôi sữa mới ra trường tìm thấy được gì.
Ở đây, có câu chuyện không nên quên. Có lúc, đài MSNBC đã ăn cắp đâu đó được giấy khai thuế năm 2005 của ông Trump. Rình ràng lên TV khoe “bom thuế”. Để rồi cả nước thấy trong năm đó, ông Trump đã đóng 38 triệu đô thuế. Nhiều hơn số tiền thuế của tất cả 4 ông tổng thống tiền nhiệm đã đóng.
Tuần rồi, báo Washington Post, trong mục tiêu lộ liễu là hỗ trợ cho phe DC đòi coi giấy thuế của TT Trump, đã viết bài phân tách những đơn kê khai tài sản của ông Trump khi ông đi vay tiền ngân hàng. Báo này tố ông Trump đã khai gian, thổi phồng trị giá tài sản của ông để có thể vay tiền dễ hơn. Báo WaPo làm như thể các ngân hàng lớn của Mỹ cũng giống như mấy anh phóng viên teen-ager của WaPo, khách hàng muốn khai gì hay khai kiểu nào cũng được vậy, mà không hiểu các ngân hàng có cả ngàn cách kiểm chứng các đơn xin vay tiền trước khi chấp nhận cho vay, nhất là khi cho vay bạc triệu. Bolsa hay Bellaire có nhiều ‘loan officer’ lắm, cứ đi hỏi họ đi.
Mà xét cho cùng, việc một doanh gia khai bao nhiêu tài sản với ngân hàng thì ăn thua gì đến thiên hạ? Vậy thì vấn đề là gì? Ngoài chuyện phịa ra rác để bôi bác?
Không phải là thuế của cá nhân TT Trump không mà họ còn muốn chui vào việc kinh doanh nữa. Dân Biểu Richard Neal, chủ tịch Ủy Ban Ngân Sách Hạ Viện – Ways and Means Committee, đã gửi thư cho sở thuế IRS, đòi nộp cho ông giấy thuế trong 6 năm qua của cá nhân ông Trump và 6 đại tổ hợp ông Trump điều hành. Trong khi dân biểu Elijah Cummings, chủ tịch Ủy Ban Giám Sát –Oversight Committee- ra trát đòi công ty kế toán làm giấy thuế cho TT Trump từ mấy chục năm nay phải giao lại cho ông tất cả sổ sách tài chánh của ông Trump từ một chục năm qua. Chưa bao giờ trong lịch sử chính trị Mỹ lại có chuyện vô lý đến vậy. Chắc chắn sẽ qua cả vài tháng hay vài năm thưa kiện chứ không có chuyện TT Trump cúi đầu để bị đập dễ dàng như vậy. Nhưng các dân biểu DC không cần biết, vì chủ ý thực sự chỉ là muốn gây đủ kiểu khó dễ cho TT Trump trong hai năm tới.
Cả hai ông đều bào chữa, nói là họ chỉ chu toàn trách nhiệm gọi là ‘check and balance’ của quốc hội. Câu hỏi: trách nhiệm tra hỏi giấy thuế của tổng thống có từ luật nào, từ hồi nào, sao không thấy áp dụng cho 44 tổng thống tiền nhiệm?
Câu hỏi cho quý độc giả có công tâm: 1) điều tra doanh gia làm cách nào để trở thành triệu phú và 2) điều tra những anh chị trên răng dưới xả lõn, trở thành triệu phú sau khi trở thành chính trị gia, điều tra nào quan trọng hơn?
Ông bà Clinton trước khi nhẩy vào chính trị, ở thuê một căn nhà cũ 100 thước vuông ở ngoại ô Arkansas, bây giờ gia tài cả mấy trăm triệu. Có cần điều tra không?
Một đề tài có sức thu hút đặc biệt mà phe DC khó có thể bỏ qua là điều tra về cuộc đời sex của ông Trump từ ngày ông tốt nghiệp trường… mẫu giáo. Đi ăn bánh bao nhiêu lần, với ai, trả bao nhiêu tiền. Trong con mắt của những nhà lập pháp DC, đây là những chuyện sinh tử quan trọng gấp bội cuộc chiến mậu dịch với Trung Cộng hay đối phó với bom nguyên tử Bắc Hàn. Có lẽ các dân biểu DC sẽ phải bắt cả ngàn chị em ta từ 15 tuổi đến 85 tuổi đã từng ‘làm ăn’ tại New York ra điều trần trước Hạ Viện và trước ống kính của CNN.
Tất cả những vụ điều tra trên, ai cũng biết, kể cả đảng DC, là sẽ chẳng có gì cụ thể, có thể truy tố, đàn hặc, truất phế hay bỏ tù TT Trump hết, nhưng họ vẫn nhất quyết làm rùm beng càng ồn ào càng tốt và càng lâu càng tốt, hy vọng là vũ khí giúp đánh gục TT Trump năm 2020.
AI ĐIỀU TRA? CÓ CHÍNH DANH KHÔNG?
Luật quốc hội bổ nhiệm công tố độc lập đã hết hiệu lực từ lâu rồi. Nếu muốn có công tố độc lập, phải ra luật đó lại, là điều không thể xẩy ra khi Thượng Viện còn do CH nắm đa số, chưa kể TT Trump chưa khùng đến độ ký luật đó để Hạ Viện điều tra chính mình.
Không có công tố độc lập mà Hạ viện vẫn muốn điều tra, chỉ có thể tự làm lấy bằng cách lập ra đủ loại ủy ban điều tra của quốc hội, gọi cả chục hay cả trăm người ra điều trần rồi các dân biểu biểu quyết. Tất cả các dân biểu DC sẽ biểu quyết có tội và tất cả các dân biểu CH sẽ biểu quyết vô tội. Điều tra kiểu này đương nhiên chẳng có một ly giá trị nào, mà chỉ hiện rõ như là màn đấu võ chính trị phe đảng thôi.
Ta cũng không nên quên Thượng Viện hiện nằm trong tay phe CH. Nghiã là sẵn sàng đáp lễ phe DC trong Hạ Viện. Hạ Viện có thể lập ra hàng chục ủy ban điều tra Trump, thì Thượng Viện cũng có thể lập ra cả chục ủy ban điều tra Obama, Hillary, Schiff, Schumer, Pelosi. Điều tra luôn cả bộ Tư Pháp và FBI của Obama. Vỏ quít dầy thì móng tay cũng nhọn không kém. Quốc hội có quyền đổi tên thành Tối Cao Điều Tra Viện.
Dù vậy, trong cái nhìn của phe DC cực đoan, tất cả những việc làm nào có một tia hy vọng đánh gục hay truất phế TT Trump càng sớm càng tốt đều là chính danh và cần làm, bất chấp cái giá phải trả. Một số dân biểu quá khích DC đã nộp đơn xin mở thủ tục đàn hặc TT Trump, cho dù chẳng ai thấy có tội gì để đàn hặc, cho dù bà chủ tịch Hạ Viện Pelosi đã nói không có ý định đàn hặc vì chưa đủ yếu tố khách quan, cho dù cựu giám đốc FBI Comey nói rõ ông không thấy có lý do nào để đàn hặc TT Trump.
Nôm na ra, đàn hặc hay điều tra bất cứ chuyện gì, chỉ là múa rối chính trị, với chủ đích triệt hạ uy tín của TT Trump trong hai năm tới, cũng như ngăn chặn mọi kế hoạch kinh bang tế thế ông ta có thể làm, chứ chẳng thể nào truất phế được ông ta.
Việc hai chính đảng đánh nhau đã có từ thời lập quốc, là chuyện bình thường và lành mạnh trong thể chế chính trị của Mỹ. Nhưng chống đối tiêu cực tuyệt đối đến mức quá khích cực đoan của đảng đối lập DC, với sự nhất trí hậu thuẫn của TTDC, có thể nói đã đưa đến tình trạng biến thái nguy hiểm. Trở thành gần như là ‘khủng bố chính trị’ – political terrorism! Vì nhu cầu vỗ về, an ủi đám cử tri quá khích đã quá tuyệt vọng vì thất bại quá đau của bà Hillary.
Trong thời gian vận động tranh cử, ông Trump được hỏi “sẽ chấp nhận kết quả bầu cử không”, ông đã trả lời “trước khi chấp nhận, tôi sẽ xem lại việc bầu cử tiến hành như thế nào, có gian lận gì không” (đại ý, không phải nguyên văn). Phe ta nhẩy dựng lên như vừa uống Viagra xong! Từ bà Hillary tới TT Obama tới tất cả TTDC đều ầm ĩ tố cáo tay Trump dám bác bỏ kết quả bầu cử, dám xúc phạm đến cơ chế nền tảng của thể chế chính trị của Mỹ, dám coi thường ‘ý dân’ của hơn ba trăm triệu người, dám vứt Hiến Pháp vào thùng rác,…
Có cần nhắc lại những việc ‘phe ta’ đã làm ngay từ một ngày sau ngày bầu cử không? Khẩu hiệu “You’re Not My President” ai hô hoán? Ai bác bỏ kết quả bầu cử?
Cho đến hôm nay, sau khi công tố Mueller xác nhận đã không có Nga giúp gì hết, phe ta vẫn cố nghiến răng nghiến lợi tìm cách bác bỏ ‘ý dân’. Các cụ ta gọi là “la làng rồi chính mình đi ăn cướp”!
Một nhà báo trung lập đã nhận định vụ Mueller không phải là TTDC và đảng DC đánh Trump, mà thật ra họ đã đánh thẳng vào nền tảng của thể chế chính trị Mỹ.
Thái độ chống đối tuyệt đối của phe DC hiển nhiên là một thái độ thiển cận nhất, không nhìn xa hơn đầu mũi của họ. Có khi nào khối DC nghĩ là phe CH sẽ có ngày đáp lễ, trả lại cho DC cả lãi lẫn vốn tất cả những tấn công vô lối này khi mà một tổng thống DC vào Tòa Bạch Ốc không?
Báo cáo Mueller là tin cực tai hại cho phe đối lập DC. Họ đã ‘đầu tư’ quá nhiều vào chiêu thức đánh Trump này, để rồi bây giờ thấy tất cả chỉ là… đấm vào cánh cửa sắt, càng đấm mạnh càng bị dội lại mạnh, càng chấn thương chính mình. Bài học này, dường như phe DC vẫn chưa học được, vẫn… tìm cánh cửa sắt khác để đấm tiếp!
Dân Mỹ sẽ nghi ngờ mọi cuộc điều tra mới cũng như mọi tố giác khác. Chỉ gây khó khăn cho đảng DC và giúp TT Trump trong kỳ bầu tới. Cũng như gây bối rối cho các cụ tỵ nạn nào đang làm thông dịch viên cho CNN!
Vũ Linh