Điều kiện để một quốc gia trở thành siêu cường
Chu Chi Nam, Vũ Văn Lâm (Danlambao) – Siêu cường đây, chúng ta có thể hiểu là quốc gia hùng mạnh nhất, mà người ta còn có thể gọi là đế quốc. Như ngày xưa, có đế quốc La mã, đế quốc Tàu đời Đường, đế quốc Mông cổ. Sau này có đế quốc Anh, đế quốc Pháp, đế quốc Hoa Kỳ và Liên Sô trong thời gian Chiến tranh Lạnh. Siêu cường này không những mạnh, mà còn làm ra một trật tự để điều khiển hay nói đúng hơn là dẫn dắt thế giới.
Ngày hôm nay, trước lời nói lung tung của ông Donald Trump, trước thái độ mà có người cho rằng ông muốn trốn tránh trách nhiệm lãnh đạo thế giới, chỉ nghĩ đến nước Hoa Kỳ trước tiên “American first”. Từ đó có người đặt ra câu hỏi: Vậy quốc gia nào đủ điều kiện để thay thế Hoa Kỳ, và hơn thế nữa có thể tạo ra một trật tự mới.
Tất nhiên, để trở thành siêu cường, nhất là tạo ra một trật tự thế giới mới, không phải quốc gia nào cũng có thể làm, mà cần phải có những điều kiện.
Để xét về khoa học nhân văn như chính trị, lịch sử, xã hội, kinh tế, người ta thường qui chiếu về khoa học chính xác, đặc biệt là môn hóa học. Theo đó, để trở thành nước, người ta cần có 2 điều kiện: điều kiện ắt có và điều kiện đủ. Điều kiện ắt có là phải có những nguyên tử Hydrogène và những nguyên tử Oxygène. Điều kiện đủ là phải đủ 2 nguyên tử Hydrogène và 1 nguyên tử Oxygène mới có thể làm nên nước.
Để trở thành một siêu cường cũng vậy. Phải có 2 điều kiện ắt có và đủ.
Nhưng điều kiện ắt có và đủ trong khoa học nhân văn rất khó định, khó diễn giải. Thế nào là đủ, đến mức độ nào mới đủ. Cần bao nhiêu điều kiện ắt có, bao nhiêu điều kiện đủ?
Xét về những đế quốc, những siêu cường trong quá khứ, một cách rất là tương đối, người ta cũng nói tới 2 điều kiện trên.
Điều kiện ắt có, đó là đất nước đó phải tương đối rộng, dân phải tương đối đông, nhất là tổng sản lượng quốc gia (GDP) phải tương đối cao. Tuy nhiên điều này cũng có những hạn chế của nó. Đế quốc Mông cổ vào thế kỷ thứ 13, đất không rộng, vì lúc đó người Mông cổ chưa trở thành một quốc gia, vẫn sống theo đời sống du mục, dân không đông, lúc đầu không đầy 1 triệu người, nhưng Thành cát tư Hãn và con cháu của ông đã chinh phục từ Á sang Âu, tạo thành một đế quốc rộng lớn nhất thế giới, với khoảng 30 triệu cây số vuông. Nhất là nói về Tổng sản lượng thì dân Mông cổ không có, vì họ sống về du mục, đi đâu kiếm ăn tới đó. Họ có thể chinh phục thế giới vì họ đi ngựa giỏi, bắn cung hay, kiếm của họ sắc bén.
Phải đợi đến sau, với sự hình thành của đế quốc Anh, sau đó đế quốc Anh phải nhường chỗ cho đế quốc Hoa Kỳ vào đầu thế kỷ thứ 20, người ta mới nói đến Tổng sản lượng quốc gia như điều kiện ắt có để trở thành siêu cường, vì vào đúng đầu thế kỷ 20 (1900) tổng sản lượng Hoa Kỳ vượt Anh.
Nước Anh từ 22,9% so với Tổng sản lượng toàn thế giới, xuống còn 18,5% ; trong khi đó Hoa Kỳ từ 14,7 lên đến 23,6 %, đứng đầu thế giới (Theo Paul Kennedy – The Rise and Fall of the Great Powers – trang 190 – Nhà xuất bản Random House 1988).
Lấy giá trị tổng sản lượng làm cán cân cũng có những sai lầm, hạn hẹp của nó. Chẳng hạn trường hợp nước Tàu đời nhà Thanh (1644-1911), vào thời Khang Hy (1662-1722), Ung Chính (1722-1735) và Càn Long (1735-1795) và mãi sau này tới thời Gia Khánh và Đạo Quang, tổng sản lượng nước Tàu lúc nào cũng đứng đầu trên thế giới, chiếm hơn 1/3, với 33,3% vào năm 1800, rồi xuống 19,7 % thua nước Anh một với 19,9% (Theo sách đã dẫn).
Tuy nhiên nước Tàu trong thời kỳ đó cũng không trở thành siêu cường, mà ngược lại bị những siêu cường khác xâu xé, không nước nào hơn, đầu tiên là nước Anh, với Chiến tranh Nha phiến 1840 và sau đó Tàu phải nhượng Hồng Kông cho Anh.
Xét sự thành hình của siêu cường Anh, rồi đến siêu cường Mỹ, đầu tiên với sự tăng trưởng tổng sản lượng mạnh, rồi tới sự tăng trưởng quân đội, nhất là lúc đầu về hải quân. Ngược lại Mông Cổ trở thành đế quốc không liên quan đến kinh tế, mà chỉ liên quan đến quân sự, một quân đội mạnh, thiện chiến, đi ngựa giỏi, bắn cung hay. Hiện nay một số nhà nghiên cứu, sử gia cho rằng 2 điều kiện ắt có để trở thành siêu cường là quốc gia đó phải có một nền kinh tế với tổng sản lượng to lớn, tăng trưởng liên tục và tiếp sau đó là phải có một quân đội hùng mạnh.
Nhưng còn lại, đâu là những điều kiện đủ? Cũng có rất nhiều. Nhưng đại để có 2 điều kiện chính: Một thể chế chính trị tốt và Một sức mạnh mềm có sức thu hút và ảnh hưởng mạnh trên thế giới.
Một thể chế chính trị tương đối tốt, có thể giải quyết được những mâu thuẫn, không những ở thượng tầng giới lãnh đạo nắm quyền, mà nó còn có thể giải quyết những bất mãn từ hạ tầng quần chúng đi lên.
Nhìn qua quá khứ của các đế quốc chúng ta thấy:
Sự sụp đổ của đế quốc Liên Sô không những đi từ thượng tầng mà cả hạ tầng, Kinh tế đình trệ, dân đói khổ, tham nhũng lan tràn, bất công xã hội đầy rẫy, nhất là từ thời sau Brejnev 1983 trở đi. Trong khi đó thì ở thượng tầng, đấm đá tranh giành quyền hành ngay trong nội bộ đảng, giữa phe bảo thủ, đại diện bởi Ligatchev và phe cải cách tiêu biểu bới Boris Etlsine. Gorbatchev cố đứng giữa dung hòa, nhưng khi phe bảo thủ đi quá trớn, làm cuộc đảo chánh vào năm 1990, không thành công, phe cải cách của Etlsine đã lợi dụng cướp chính quyền, đi đến chỗ đặt đảng cộng sản ra ngoài vòng pháp luật và cho Gorbatchev về hưu.
Đế quốc Mông cổ (1279 – 1368) sụp đổ không phải từ thượng tầng, vì Hội đồng Khố lý đài, tức hội đồng bao gồm những gia đình quí tộc và gia đình những tướng lãnh có công với Mông cổ, được thành lập ra bởi Thành cát tư hãn, không những để bầu đại Hãn, mà còn để cai quản đế quốc, hội đồng này còn rất mạnh, quân đội còn rất vững chắc, tuy nhiên địch thủ đã biết cách đánh trận của quân Mông nên tránh né, lấy đoản trận đương đầu với trường trận, như Việt Nam dưới đời Trần (1225-1400) đã 3 lần đánh bại quân Mông cổ 1258, 1284 và 1287. Hội đồng này vẫn còn đó và vẫn còn mạnh cho tới ngày cuối, nhưng mất mùa, nạn đói tràn lan, lòng dân oán hận, nổi lên khắp nơi. Tiêu biểu là Chu nguyên Chương, người tiêu diệt đế quốc Mông cổ, lập lên nhà Minh (1368 – 1643). Gia đình ông có 8 anh chị em, mà cả bố mẹ, lẫn 7 anh chị em còn lại đều bị chết đói vào cuối thời Mông cổ.
Nhìn sang tây phương, đế quốc La mã sụp đổ, nguyên do chính là đến từ thượng tầng, giới quí tộc, tướng lãnh, sĩ phu đã trở nên thoái hóa, ăn chơi trác táng, không nghĩ đến dân.
Lịch sử nhiều khi lập lại, trái lại với một số người cho rằng lịch sử biến chuyển theo đường này, đường kia như một phương trình toán học. Cứ nhìn sự thoái trào của đế quốc Anh từ đầu thế kỷ 20 thì người ta thấy nó giống sự thoái trào rồi đi đến sụp đổ của đế quốc La mã. Đó là giai tầng quí tộc, binh sĩ, sĩ phu có nhiệm vụ làm ra luật, bảo vệ luật, nhưng đã ngồi xổm lên luật pháp, ăn chơi đàng điếm, đi đến chỗ bệnh hoạn, không còn ý chi đấu tranh.
Lấy trường hợp điển hình là ông Winston Churchill (1798-1965), người đã đưa nước Anh đến chiến thắng Đệ Nhị Thế Chiến (1939-1945), thì rõ. Ông là con một gia đình quí tộc, lord Randolph Churchill. Lúc đầu ông đi theo Đảng Bảo thủ nhưng sau đó ông thấy phần lớn chỉ là những người hết ý chí đấu tranh, chỉ lo trác táng. Ông đã bỏ đảng này để đi theo Đảng Tự do. Mặc dầu xuống dốc, nhưng đế quốc Anh vẫn chiến thắng trong 2 cuộc thế chiến lớn (1914-1917), (1939-1945) và trong chiến tranh Lạnh (1946-1990) cũng đã đóng góp để đưa đến sự sụp đổ của Liên Sô.
Ngày hôm nay một câu hỏi lớn đến với chúng ta là nước Anh và Hoa Kỳ sẽ đi về đâu với cuộc trưng cầu dân ý vừa qua, quyết định ra khỏi Khối Âu châu (BREXIT), đối với Anh, và cuộc thắng cử của Donald Trump.
Chúng ta nên nhớ, 2 nước đi theo chủ nghĩa kinh tế tự do và toàn cầu hóa là Anh với bà Magareth Thatcher (1925-2013) và Hoa Kỳ với ông Ronald Reagan (1911-2004). Nhưng ngày hôm nay, chính 2 nước này một cách không chính thức, tuyên bố từ bỏ chính sách toàn cầu hóa kinh tế, trở về chủ nghĩa quốc gia, dân tộc. Phải chăng họ nhìn thấy giai tầng quí tộc mới, giai tầng giầu có / tài phiệt chủ trương toàn cầu hóa, đã từ từ mất gốc, không còn căn bản quốc gia, dân tộc, chỉ nghĩ đến tiền bạc, đi tìm tiền ở bất cứ nơi nào thuận tiện, coi thường cả những luật lệ quốc gia? Phải chăng nước Anh và nước Hoa Kỳ hiện nay đang trở về thời Cách mạng Bảo thủ của Reagan và Thatcher? Đây là một câu hỏi cho tương lai mà chúng ta cần lưu tâm!
Có những quốc gia, mặc dầu hai điều kiện ắt có, kinh tế và quân đội vẫn còn mạnh, nhưng thiếu yếu tố đủ là có một chính thể tốt, thì không những không trở thành siêu cường, đế quốc, mà nhiểu khi còn làm cho địa vị siêu cường mất đi, đế quốc đang có của mình sụp đổ.
Điều kiện đủ thứ hai, đó là quốc gia đó phải có một ảnh hưởng hay sức hút, mà người ta định nghĩa là sức mạnh mềm (Soft power).
Sức mạnh mềm được định nghĩa là sức mạnh tự nhiên, không thể mua bằng tiền bạc và cũng không thể ép bằng vũ lực. Người ta theo anh là vì người ta thích anh, chứ anh không thể mua chuộc và ép buộc. Sức mạnh mềm được thể hiện qua cách cai trị dân, văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, phim ảnh, âm nhạc v.v…
Đó là cách cai trị dân có được lòng dân của mình không, văn hóa nước đó có phong phú không, ngôn ngữ nước đó có được thế giới dùng nhiều hay không; nước đó có một nền giáo dục thu hút được sinh viên nước ngoài hay không, có một nền nghệ thuật từ phim ảnh, âm nhạc được nhiều người ưa thích hay không?
Theo Viện nghiên cứu về Sức mạnh mềm của Joseph Nye (Harvard), năm 2017, thì nước đứng đầu về sức mạnh mềm là Pháp, tiếp đến nước Anh, thứ ba là Hoa Kỳ, thứ tư là Đức, thứ 5 là Canada, tiếp đến là Nhật, rồi Thụy Sỹ, một số nước Bắc Âu và Á Châu như Thụy Điển, Hòa Lan, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Úc, Singapour, Nam Hàn, nước Tàu được xếp vào hạng thứ 25, nước Nga thứ 26.
Từ 2 điều kiện ắt có (Tổng sản lượng, lực lượng quân sự) và 2 điều kiện đủ (thể chế chính trị tốt, sức mạnh mềm), chúng ta hãy xét một số quốc gia có tham vọng, có ý muốn thay thế Hoa Kỳ để bước lên địa vị siêu cường, trong giả thuyết là nước Hoa Kỳ hiện nay của Donald Trump không còn muốn đóng vai trò siêu cường, không muốn hướng dẫn thế giới. Dù sao đây cũng chỉ là một gỉả thuyết, điều này sẽ rõ hơn trong một vài năm nữa, khi chúng ta quan sát thêm chính sách ngoại giao của Donald Trump.
Người ta thường nói đến những cường quốc có thể thay thế địa vị của Hoa Kỳ, đó là Trung cộng, Liên bang Nga, Nhật Bản, Anh, Đức, Pháp v.v…
Nay chúng ta đi từ 2 điều kiện ắt có (tổng sản lượng, quân đội), 2 điều kiện đủ (chính thể, sức mạnh mềm), dựa vào Bản Tường trình hàng năm của Quĩ tiền tệ thế giới vừa mới công bố vào cuối năm 2017, dựa vào những con số đã được kiểm chứng cách đây 2 năm, để xét vấn đề.
Theo Quĩ Tiền tệ thế giới thì:
Tổng sản lượng toàn thế giới là 73.179,986 tỷ $,
Nước đứng đầu là Hoa Kỳ với 17.947, 196 tỷ, khoảng 18 000 tỷ chiếm gần ¼ tổng sản lượng thế giới,
Khối Âu châu với tổng sản lượng là 11.540, 278 tỷ,
Nước đứng thứ nhì là Trung cộng với 10.982, 829 tỷ, khoảng gần 1/7 tổng sản lượng thế giới,
Nước đứng thứ ba là Nhật với 4.116, 242 tỷ,
Nước đứng thứ tư là Đức với 3.371,003 tỷ,
Nước đứng thứ năm là Anh với 2.864, 903 tỷ,
Nước đứng thứ sáu là Pháp với 2.422, 649 tỷ.
Nước Nga với tổng sản lượng là 1.324, 734 tỷ, đứng thứ 13, sau nước Nam Hàn với 1.392, 952 tỷ, đứng thứ 12, Nga đứng sau cả Ấn Độ, Ý, Ba Tây và Canada.
Với hiện tình thế giới nhiều người cho là hai nước có tham vọng thay thế Mỹ để lên địa vị siêu cường, để dẫn dắt thế giới là Trung cộng và Nga.
Nhưng với tổng sản lượng quốc gia quá yếu, người Việt Nam chúng ta có câu “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, nước Nga của Poutine hiện nay để thực hiện giấc mộng trở về thời Liên Sô cũ, cùng Hoa Kỳ chia đôi thế giới, giấc mộng này quả khó thực hiện. Nước Nga với kho võ khí của Liên Sô để lại, làm cho một số người sợ hãi, nhưng nhiều khi kho võ khí này chỉ là một gánh nặng trong vấn đề bảo trì.
Ngoài ra điều kiện đủ là một chính quyền có thể giải quyết được những mâu thuẫn từ thượng tầng đến hạ tầng. Điều kiện này cũng rất khó thực hiện: Vì chính quyền Nga hiện nay do Poutine cầm đầu là một chính quyền mà phần lớn dựa vào công an, tình báo, vì Poutine xuất thân từ ngành này, cộng thêm sự hợp tác của một số tài phiệt, hoặc xuất thân từ tình báo, quân đội, hoặc lợi dụng địa vị từng là những tổng giám đốc những hãng xưởng quốc doanh trước, nhân vụ tư hữu hóa dưới thời Eltsine, đã trở thành tỷ phú. Những người này vì theo Poutine mới còn tồn tại, nhưng họ cũng không mấy vừa lòng, mâu thuẫn giữa họ và Poutine không biết lúc nào sẽ nỗ ra. Đối với hạ tầng, người dân vì sống dưới một chế độ độc tài, nên họ cam chịu, nhưng lòng họ rất bất mãn.
Điều kiện đủ thứ hai, đó là sức mạnh mềm, thì như vừa nói, Nga đứng thứ 26, sau Trung cộng, thứ 25. Điều kiện đủ thứ hai đê trở thành siêu cường, ít ra cũng phải ở thứ 5 hay 6 trở lên. Tóm lại, nước Nga gần như không đủ điều kiện ắt có về tổng sản lượng, và điều kiện đủ về thể chế và sức mạnh mềm để trở thành siêu cường.
Thật vậy, chúng ta lấy ngay trường hợp Liên Sô, trong thời gian Chiến tranh Lạnh, đã trở thành siêu cường, chia đôi thế giới với Hoa, thì vào thời đó, Liên Sô đã hội đủ cả điều kiện ắt có và đủ, với tổng sản lượng là 126 tỷ, chỉ đứng sau Hoa Kỳ là 381 tỷ, vào năm 1950 (Theo Paul Kennedy, sách đã dẫn, trang 175); về quân đội, Liên Sô vừa mới là đại cường đã cùng Hoa Kỳ và Anh, chiến thắng quân đội của Hitler. Vào lúc này Liên Sô cũng hội đủ cả điều kiện đủ, đó là thể chế chính trị, vì là bưng bít, ít người biết đến nội tình Liên Sô, nên nhiều nước vẫn cho đó là một mô hình phát triển nên theo, nên Liên Sô lúc đó có cả luôn sức mạnh mềm. Những quốc gia chậm tiến cho rằng lý thuyết Mác Lê là thần dược không những giúp họ có được độc lập, mà còn giúp họ phát triển mau lẹ.
Chỉ ngày hôm nay cả thế giới mới bừng tỉnh, đó là một độc dược, không những nó giết những nước theo nó, mà nó còn giết ngay cả nước phát minh ra nó. Đó là một trong những nguyên do chính đưa đến sự sụp đổ của Liên Sô. Mộng của Poutine ngày hôm nay là trở về thời của Liên bang sô viết trong thời gian Chiến tranh Lạnh. Nhưng phải chăng đấy chỉ là mộng tưởng, hoàn toàn thiếu những điều kiện căn bản?
Nước có tham vọng thay thế Hoa Kỳ để trở thành siêu cường, đó là Trung cộng.
Vào năm 2016, vừa mới đắc cử tổng thống, ông Donald Trump liền tuyên bố rút khỏi Hiệp ước thương mại xuyên Thái Bình Dương, rút khỏi Hiệp ước Paris về khí hậu, sẵn sàng dựng hàng rào quan thuế v.v…, lợi dụng tình thế đó, Tập Cận Bình nhân dịp tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sỹ, đã tuyên bố sẵn sàng đứng ra đảm nhận vai trò điều khiển kinh tế thế giới, mặc dầu ông thừa biết rằng diễn đàn Davos là diễn đàn qui tụ những nước, những hãng xưởng có nền kinh tế tự do, thị trường; trong khi đó Trung cộng, dưới quyền cai trị của ông, thì cho tới ngày hôm nay, một cách trực tiếp hay gián tiếp, một cách công khai hay âm thầm, 70% kinh tế vẫn là kinh tế quốc doanh.
Từ cái nhìn ắt có và đủ, chúng ta hãy xét qua Trung cộng.
Nước này có một tổng sản lượng lớn, đứng thứ nhì, nhờ dân số đông, nhưng sản lượng tính theo đầu người mới ở vào khoảng 9. 000 $, bậc trung tất nhiên thua Nhật, khoảng 40. 000$, ngay cả Nam Hàn khoảng 30. 000$. Nhưng một cách tương đối chúng ta chấp nhận Trung cộng có điều kiện ắt có thứ nhất là về tổng sản lượng.
Nhưng điều kiện ắt có thứ nhì về lực lượng quân sự, nhất là về hải quân. Vì tăng trưởng kinh tế liên tục, Trung cộng cũng đã tăng ngân sách quốc phòng liên tục, đứng thứ nhì thế giới với khoảng 150 tỷ$, chỉ sau Hoa Kỳ với trên 600 tỷ $.
Tuy nhiên theo kinh nghiệm gần của Anh và Hoa Kỳ, trước khi trở thành siêu cường, thì 2 nước này trở thành siêu cường về quân sự, nhất là hải quân. Về hải quân, số tàu chiến Trung cộng có vào khoảng trên 500, hơn cả Hoa Kỳ và Nga. Tuy nhiên tàu Trung cộng đã quá cũ nát, từ thời Đệ Nhị Thế Chiến, hoặc do Nga cho, hoặc mua của Nga. Tuy nhiên, phần lớn tàu Trung cộng chỉ có thể hoạt động ở tầm ngắn, ven bờ biển, chưa có thể ra đại dương.
Hai chiếc hàng không mẫu hạm, chiếc Liêu Ninh, mua của Ukhraine và chiếc mới hạ thủy, người ta có cảm tưởng là để bày hàng, hù dọa những người không biết và mỵ dân nhiều hơn, vì chẳng thấy phi cơ cất cánh và hạ cánh, mà mục đích của hàng không mẫu hạm nói theo quân sự, thì chỉ là một phi trường nổi ngoài khơi.
Về quân sự, nhất là hải quân, để trở thành siêu cường, Trung cộng còn cần nhiều thời gian.
Về 2 điều kiện đủ: chính thể và sức mạnh mềm. Trung cộng thiếu cả 2 điều kiện này. Chính thể Trung cộng vẫn là một chính thể độc tài do đảng cộng sản nắm quyền, lẫn quân phiệt, kẻ nào nắm được quân đội, mới có quyền và ngồi lâu. Bằng chứng cụ thể là Đặng tiểu Bình chỉ cần là Chủ tịch quân ủy hội, sau là cố vấn của tổ chức này, nhưng ai cũng phải nghe. Tập cận Bình lên được là nhờ hậu thuẫn của giới sỹ quan trẻ, trong đó có Diệp tuyển Ninh, con của tướng Diệp kiếm Anh, một gia đình quyền thế ở Quảng Đông, chiếm 1/3 tổng sản lượng kinh tế toàn quốc, nhờ Lưu Nguyễn, con của Lưu Thiếu Kỳ, Lưu Á Châu, con rể của Lý Tiên Niệm, một trong bát đại gia thời Đặng Tiểu Bình.
Tuy nhiên đấy là nhiệm kỳ đầu của Tập Cận Bình. Nay nhiệm kỳ 2, Diệp Tuyển Ninh đã chết, Lưu Nguyễn và Lưu Á Châu không còn nồng nàn ủng hộ họ Tập như trước đây.
Về Đảng, có nhiều phe phái đánh nhau, ít nhất là có phe của cựu Tổng bí thư Giang Trạch Dân, phe này có rất nhiều tay em trong Trung ương đảng, có thể lật Tập Cận Bình bất cứ lúc nào. Tập Cận Bình hiện nay giống như thời Gorbatchev của Liên Sô trước đây, trên danh nghĩa thì rất là quyền lực, nắm nhiều chức vụ, làm chủ tịch nhiều cơ quan, nhưng thực tế thì quyền hành bị vuột khỏi tay. Họ Tập muốn giữ người thân tín nhất của mình trong Bộ chính trị là Vương Kỳ Sơn, người hét ra lửa trong nhiệm kỳ đầu của họ Tập mà không xong.
Chính thể Trung cộng hiện nay có rất nhiều mâu thuẫn ở thượng tầng, nổ ra bất cứ lúc nào không hay. Dưới hạ tầng, vì là một chế độ độc tài, đàn áp dân, nên lòng dân rất phẫn uất. Bằng chứng là ngay giai tầng trung lưu, gần 200 triệu người, giới có tiền mới chơi chứng khoán; dưới thời họ Tập, năm 2015, vụ khủng khoảng thị trường chứng khoán Trung cộng, làm mất đi 3 500 tỷ $, bằng tổng sàn lượng kinh tế của Đức, làm cho giới này bị mất mát tài sản đáng kể.
Về sức mạnh mền, theo Sức mạnh mềm của 30 nước (The SoftPower30. com) của giáo sư Joseph Nye, thì Trung cộng đã có mặt từ năm 2015, đến năm 2016, đứng thứ 27, nay năm 2017, đứng thứ 25, đứng trên Nga 1 bực. Tuy nhiên từ thứ 25, để leo lên thứ 5 hay thứ 6, mới có thể trở thành siêu cường, con đường còn dài.
Đó là đối với Trung cộng, còn những nước như Nhật, Anh, Đức và Pháp thì như thế nào?
Nhật và Anh?
Một nước bại trận, một nước thắng trận trong Đệ Nhị Thế Chiến, cả 2 nước hiện nay đều có khả năng và tiềm thế để trở thành siêu cường, một nước đứng thứ 3, nước kia đứng thứ 4 về tổng sản lượng. Cả 2 nước đứng về tiềm năng quân sự, tất nhiên thua Hoa Kỳ, nhưng có thể nói không thua bất cứ một nước nào hiện nay trên thế giới. Ngay nước Nhật, sau khi thua trận, bị cấm tái vũ trang, chỉ được vũ trang để phòng thủ. Tuy nhiên về hải quân, nước này còn rất mạnh. Điều trái ngược là ngày hôm nay, không phải riêng Hoa Kỳ mà gần như tất cả những nước chung quanh Nhật đều muốn nước này tái vũ trang. Đó là điều mà đương kim Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đang làm ngược lại với chủ trương của những thủ tướng trước. Tuy nhiên người ta thấy nước Nhật rất là thận trọng trên đường tái vũ trang. Chỉ cần nhìn hình ảnh những người thủ tướng Nhật tham dự những hội nghị thượng đỉnh từ sau thế chiến đến giờ, ngay cả với ông Abe, thì chúng ta rõ. Luôn luôn họ giữ một hình ảnh khiêm tốn (profil bas), không để quá bị lu mờ, nhưng cũng không nổi bật, mặc dầu trước đó Nhật là cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới, Trung cộng mới qua mặt gần đây, nhưng vẫn còn là thứ 3. Qua những hình ảnh đó, với tâm lý dân Nhật, người ta có thể nói nước này không có tham vọng trở thành siêu cường để thay thế Hoa Kỳ, mặc dù nước này có đủ cả điều kiện ắt có và đủ, tổng sản lượng cao, quân đội, nhất là về hải quân, không thua kém bất cứ một nước nào quanh vùng, ngay cả đối với Trung cộng.
Hai điều kiện đủ, chính thể và sức mạnh mềm: Chính thể của Nhật là một chính thể quân chủ lập hiến, giống như Anh, vua chỉ là biểu tượng cho tinh thần quốc gia dân tộc, quyền hành ở thủ tướng, được chỉ định bởi quốc hội, là người đại diện cho đảng chiếm đa số trong quốc hội.
Chính thể này đã giúp nước Nhật giải quyết tất cả những mâu thuẫn hạ tầng, cũng như thượng tầng. Đó là một chính thể ổn định. Về sức mạnh mềm, nước Nhật đứng thứ 6.
Nói tóm lại, xét về điều kiện ắt có và đủ, nước Nhật đều hội đủ, nhưng dân Nhật và ngay cả chính phủ Nhật không muốn trở thành siêu cường.
Về nước Anh?
Tôn tử có câu: “Một mũi tên, dầu mạnh đến mấy, nhưng hết tầm thì cũng không thể xuyên qua một mảnh vải thưa.”
Nước Anh phải chăng là một mũi tên đã hết tầm? Vì dân Anh đã hy sinh quá nhiều cho cả 2 trận Đệ Nhất và Đệ Nhị thế Chiến, nếu không muốn nói là 3, kể cả Chiến tranh Lạnh.
Nước Anh hiện nay có đủ điều kiện để trở thành siêu cường. Tổng sản lượng đứng hạng thứ năm trên thế giới, quân đội, nhất là hải quân không thua kém ai, ngoại trừ Hoa Kỳ, chính thể cũng là chính thể đại nghị, lâu đời nhất, tương đối giải quyết được tất cả những mâu thuẫn, từ thượng tầng tới hạ tầng. Sức mạnh mềm, thì từ năm 2015, nước Anh đứng đầu trong 30 nước, rồi xuống thứ nhì và giữ địa vị này trong 2 năm liền 2016 và 2017.
Về nước Đức và Pháp?
Ngày hôm nay người ta nói rất nhiều đến 2 nước này, nhất là với tân Tổng thống Pháp E. Macron, với chính sách hợp tác mạnh mẽ với Đức và Âu châu.
Người ta cho rằng nếu hai nước này hợp tác mạnh mẽ, thì có thể giành địa vị độc tôn của Hoa Kỳ để không những lãnh đạo Âu châu, mà cả thế giới.
Hai nước Pháp và Đức hợp lại không những hội đủ điều kiện ắt có mà cả điều kiện đủ.
Về tổng sản lượng, hai nước cộng lại là trên 6. 000 tỷ $, đứng thứ 3, trên Nhật, chỉ thua Hoa Kỳ và Trung cộng. Về lực lượng quân sự, nước Pháp là nước duy nhất có căn cứ quân sự ở hải ngoại, còn rất nhiều ảnh hưởng ở Phi Châu và thế giới, chỉ thua Hoa Kỳ.
Sự hợp tác Đức Pháp sẽ tạo nên nền kinh tế vững mạnh, dựa trên nền kinh tế Đức và có thể dùng ảnh hưởng ngoại giao của Pháp. Đây là lời tiên đoán và cũng là mơ ước của ông Joschka Fischer, cựu ngoại trưởng Đức. Không những vậy, về chính thể và sức mạnh mền, hai nước cũng hội đủ. Chính thể tương đối bình ổn, có thể giải quyết những mâu thuẫn thượng tầng và ngay cả hạ tầng qua những cuộc bầu cử.
Về sức mạnh mềm, thì năm 2017, Pháp đứng đầu trong bảng xếp hạng 30 nước. Đức tụt từ địa vị thứ nhì xuống thứ tư, nhưng vẫn còn cao.
Đấy là người ta nhìn ở những khía cạnh tích cực. Nhưng khía cạnh tiêu cực, sự hợp tác Đức Pháp và Âu châu có êm xuôi như người ta tưởng không?
Sự hợp tác Đức Pháp bị một chướng ngại lớn, đó là tâm tính, cách sinh sống của 2 dân tộc khác nhau.
Dân Đức cần cù, chịu khó làm ăn, tiêu tiền chi li, tiết kiệm. Dân Pháp thì phóng khoáng, thích hưởng thụ, nước đến chân mới nhảy. Hai tính tình này rất khó hợp với nhau. Dân Đức luôn sợ rằng hợp tác Âu châu, nhất là hợp tác Đức Pháp, càng mạnh mẽ bao nhiêu, thì càng làm cho dân Đức chịu gánh nặng về sự chi tiêu của Âu châu, ngay cả với Pháp.
Chính vì lẽ đó Tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn thúc đẩy sự hợp tác Âu châu mạnh mẽ bao nhiêu, thì bà Thủ Tướng Đức Angela Merkell lại thận trọng bấy nhiêu. Có lẽ không ai hiểu dân Pháp bằng tướng De Gaulle, sau gần một năm thợ thuyền sinh viên học sinh biểu tình, đứng đằng sau là những đảng phái thân tả, từ đảng cộng sản, đến đảng Xã hội, đảng Trotsky, bắt đầu vào tháng năm năm 1968, làm cho kinh tế Pháp đình trệ, mặc dầu vào lúc đó là tăng trưởng của Pháp đứng đầu trong các nước kỹ nghệ, tình trạng đó đã làm ông phải than lên: “Tôi mang xứ Pháp trên 2 tay để làm cho người ta nghĩ rằng nước Pháp còn sống, nhưng tôi, tướng De gaulle, tôi biết rất rõ rằng nước Pháp chết đã lâu” (Je porte la France dans mes deux bras, pour faire croire au monde qu’elle est encore vivante, mais moi, le general de Gaulle, je sais bien qu’elle morte depuis longtemp.)
Ông đã làm một cuộc trưng cầu dân ý vào năm 1969 về việc thay đổi hành chánh và Thượng nghị viện, cơ quan luôn chống ông suốt thời gian ông cầm quyền. Bề ngoài là vậy, nhưng bề trong có ý muốn hỏi dân còn tín nhiệm ông không. Kết quả là không và ông đã tự từ chức.
Từ đó đến nay là nửa thế kỷ (1968-2018), có người đặt câu hỏi: Phải chăng nước Pháp đã sống lại?
Để trả lời câu hỏi này không phải dễ. Đại để có 2 khuynh hướng lạc quan và bi quan.
Khuynh hướng lạc quan cho rằng nước Pháp đã sống lại, nước Pháp từ đó đến nay vẫn sống, không sống mạnh như De Gaulle mơ ước, nhưng vẫn sống và sống ngang hàng với những cường quốc khác. Đừng nghĩ rằng cái gì De Gaulle nói cũng đúng. Thêm vào đó, họ đưa ra nhiều luận cứ về cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào đầu năm 2017 vừa qua.
Họ cho rằng nước Pháp bị ngộp thở vì quá nhiều đảng phái, cùng những hiệp hội, nghiệp đoàn đã trở thành những tổ chức Mafia, chỉ nghĩ đến quyền lợi riêng của mình, không nghĩ đến quyền lợi chung của quốc gia, dân tộc.
Qua cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 5/2017, ông Macron đã ra tranh cử với nhãn hiệu không đảng phái, không tả mà cũng không hữu; trong khi đó 2 đảng chính, đảng Xã hội, đang nắm quyền và đảng Những Người Cộng hòa (Les Républicains), hậu thân của Tập hợp Dân tộc cho nền Cộng Hòa của De Gaulle và Chirac, 2 đảng này đã bị loại ngay vòng đầu. Đảng Xã hội chỉ được 6%. Đảng Những Người Cộng hòa chỉ được dưới 20 %. Hai người về đầu là ông Macron được 23% và bà Marie Lepen, đại diện cho Phong trào Quốc Gia (Le Front National), đảng cực hữu được 21%. Tất nhiên vào vòng hai ông Macron thắng với 65%, bà Marie Lepen được 35%.
Điều này làm cho nhiều người lạc quan cho rằng nước Pháp đã sống dậy, không còn bị nghẹt thở bởi những đảng phái, hiệp hội, nghiệp đoàn nữa.
Tuy nhiên những người bi quan thì họ nhìn ngược lại. Họ cũng lấy từ cuộc bầu cử tổng thống vừa qua. Người về thứ 3, với 20% là ông Jean Luc Mélenchon, một người thuộc đảng Xã hội, nhưng sau rời bỏ, một người cơ hội chủ nghĩa, có tài hùng biện, đã lập ra Phong trào Nước Pháp Bất tuân phục (La France Insoumise), qui tụ tất cả những đảng phái, phong trào cực tả, từ đảng Cộng sản Pháp, đảng này ngày hôm nay xuống quá thấp, không đầy 2%, đến đảng NPA (Nouveu Parti Anti- capitaliste), Tân Đảng Chống tư bản, cho tới những người bất mãn với đảng Xã hội. Hai mươi phần trăm không phải là nhỏ. Nhất là nhìn cái tên của Phong trào Nước Pháp bất phục tòng, không khuất phục, có nghĩa là cái gì của chính quyền là chống, bất luận đúng hay sai.Đảng của bà Marie Lepen cũng vậy. Nếu chúng ta cộng 35% của bà này với 20% của ông Jean luc Mélenchon, thì chúng ta thấy đã là 55%. Cách cộng này không hoàn toàn đúng, nhưng dù sao nó cũng nói lên những người có cảm tình với bà Marie Lepen và ông Mélenchon rất cao, hai tổ chức chính trị sẽ chống lại bất cứ chương trình gì của chính quyền ông Macron làm. Một cản lực đáng kể cho chính quyền Macron.
Điều này cắt nghĩa một phần từ ngày ông Macron thắng cử đến nay, tỷ lệ dân ủng hộ ông không quá 40%.
Theo cuộc thăm dò mới nhất thực hiện bởi Ipsos, vào ngày 2/05/2017, ngay sau những cuộc biểu tình chống chính phủ bởi những Nghiệp đoàn thợ thuyền vừa qua, nhân ngày lễ Lao động, thì số người bất bình với đường lối, chính sách của ông Macron lên tới 64%, chỉ có 34% là hài lòng.
Trong một năm qua, người ta thấy hành động của ông Macron giống đôi phần tướng De Gaulle, chẳng hạn như để cho thủ tướng có nhiều quyền về chính trị quốc nội, ông chú trọng nhiều vế chính trị đối ngoại, với những dự án cho Âu châu và ngay cả thế giới. Ông mang trong tay nước Pháp như ông De Gaulle, để làm cho thế giới nghĩ rằng nước Pháp đã sống lại.
Có phải thế không? Câu trả lời phải hay không còn quá sớm, vì ông cũng mới thắng cử, giống như Donald Trump, cũng như bà Merkell, mới thành lập xong chính phủ liên hiệp.
Tóm lại trong bảy tám quốc gia chúng ta vừa khảo sát, xem thử họ có khả thế và tiềm năng trở thành siêu cường hay không?. Thực tế, Hoa Kỳ không những là đệ nhất siêu cường hiện tại, mà vẫn còn giữ được những khả thế này.
Về tổng sản lượng quốc gia, Hoa Kỳ vẫn đứng đầu, với tổng sản lượng 18 000 tỷ $, chiếm ¼ tổng sản lượng thế giới. Về quân sự, quân đội Hoa Kỳ vẫn là quân đôi mạnh nhất, không phải chỉ về hải quân, với 10 chiếc hàng không mẫu hạm, đương hoạt động ở khắp nơi trên thế giới, mà còn mạnh về không quân, hỏa tiễn và lục quân, với căn cứ quân sự ở khắp nơi.
Về chính thể, đây là một nước có một hiến pháp hành văn lâu đời nhất. Hiến pháp này đã cho phép dung hòa, giải quyết tất cả những mâu thuẫn, từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên.
Các cụ ngày xưa có câu “Đất lành chim đậu”, quốc gia có tốt thì mới qui tụ nhân tài, mới mong tranh hùng, tranh bá thiên hạ. Hoa Kỳ đã là một nước đất lành chim đậu từ thời lập quốc 1776, không những có đất đai rộng, trù phú, mà chính nhờ ở những nhà lập quốc, thông minh, sang suốt, biết tạo dựng lên một chế độ dân chủ, với một hiến pháp hành văn đầu tiên trên thế giới, tôn trọng những quyền căn bản của con người như quyền tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng, tự do chính trị, tự do lập hội v.v… đưa đến tam quyền phân lập, quân bình giữa ba quyền.
Hoa Kỳ là nơi qui tụ hàng đầu những nhà bác học trên thế giới. Theo bảng xếp hạng năm 2016, về giải Nobels khoa học, Hoa Kỳ đứng đầu với 72 giải, Anh thứ nhì với 16, Nhật thứ 3 với 15, Đức thứ tư với 7 giải v.v…
Mười đại học đứng đầu trong việc sản xuất những Nobels khoa học, thì đứng đầu là Hoa Kỳ với 9 đại học, thứ 10 mới đến Đại học Do thái Technical Israel Institut of Technology.
Chín đại học Hoa Kỳ đó là Princeton University, Stanford University, Berkeley University of California, Massachusetts Institut of Technology, University of Chicago, Howard Hughes Medical Institut, Harvard University, Santa Barbara University of California.
Về quyền lực mềm, theo viện nghiên cứu của ông Joseph Nye, thì năm vừa qua 2016, Hoa Kỳ đứng đầu, năm nay 2017, xuống hàng thứ 3, sau Pháp và Anh, nhưng địa vị cũng vẫn còn cao.
Tuy nhiên sự thắng cử của ông Donald Trump, hơn một năm nay, với những lời tuyên bố bất thường của ông, nhiều câu hỏi được đặt ra:
Phải chăng Hoa Kỳ muốn từ bỏ địa vị siêu cường của mình, trở vế đường lối cô lập, “nước Mỹ của người Mỹ” đã có từ lâu, từ thời Tông thống James Monroe (1758-1831). Hay ông Donald Trump muốn trở về thời Tổng thống Ronald Reagan, với Cuộc Cách mạng Bảo thủ, trở về chấn chỉnh Hoa Kỳ, sau khi thất bại ở chiến tranh Việt Nam 1975, và bị hạ nhục ở Nam Tư (Iran) 1978, để rồi tiến mũi tấn công vào Liên bang Sô Viết. Sự sụp đổ của Siêu cường này có rất nhiều nguyên do, nhưng trong đó có cuộc tấn công bằng kinh tế, ngoại giao của Hoa Kỳ cũng đóng góp phần không nhỏ.
Từ đó có câu hỏi thêm, phải chăng hiện giờ Donald Trump, đang chấn chỉnh nội bộ, để nhắm vào Trung cộng, nước duy nhất có thể thách thức địa vị độc tôn của Hoa Kỳ?
Tất cả những câu hỏi này cần được lưu tâm, nhưng khuôn khổ bài này không cho phép.
Trong phạm vi bài này chúng tôi đã cố gắng lược khảo tiến trình để trở thành siêu cường quốc, nhưng trong quá khứ.
Người xưa có câu “Nhìn rõ quá khứ, để biết hiện tại và có thể đoán tương lai.”
Tuy nhiên câu này cũng tương đối, chỉ đúng giới hạn, vì tương lai có nhiều sự thay đổi bất ngờ, vượt tất cả khả năng tiên đoán của con người.
Trong tương lai, phải chăng có con đường khác, tiến trình khác, không cần những điều kiện ắt có và đủ trên; chỉ cần phát triển mạnh trong ngành “Thông minh nhân tạo” (A.I), hay nắm giữ độc quyền những kim loại quí, chất cần thiết cho tất cả những kỹ nghệ hiện đại, từ điện thoại cầm tay, tới xe điện cao tốc và còn nhiều ngành khác, là có thể trở thành siêu cường. (1)
* (1) Xin xem them những bài khác trên: http://perso/orange.fr/chuchinam/
Paris ngày 28/05/2018